Tuesday, November 30, 2021

𝐋ờ𝐢 𝐌ẹ 𝐃ặ𝐧


Ngày 27/09/1957, bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán (1932-1995), nhà thơ trẻ nhất trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm(*), được in lần đầu tiên trên tuần báo Văn nhưng ngay lập tức nó bị đảng Cộng sản Việt nam tấn công xối xả và tàn bạo.
Bài thơ chỉ kể lại lời người mẹ dặn đứa con 5 tuổi phải làm người chân thật suốt đời, sau khi bà bắt quả tang cậu bé nói dối, thế nhưng điều này đã tấn công vào nền tảng chủ nghĩa Cộng sản, chính vì chủ nghĩa này hoàn toàn xây dựng trên sự giả dối.
Hai câu "Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét" trong bài thơ vạch trần sự dối trá của đảng Cộng sản Việt Nam khi họ dạy thiếu nhi phải thuộc lòng bài hát "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng".
Xin trích đoạn cuối 11 câu của bài thơ khi chàng thanh niên nay 25 tuổi ôn lại lời mẹ dặn khi bị mẹ bắt gặp quả tang nói dối 20 năm trước trong 6 câu thơ đầu, và tự hứa với mình luôn nghe lời mẹ trong 5 câu thơ kế tiếp.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.(**)
Ngắn gọn, nhưng rất sâu sắc, nên tôi có dịch đoạn này ra tiếng Anh cho người biết tiếng Anh đọc, hay cho những bạn muốn giới thiệu nó với người nước ngoài:
Say 'I love you' to whom you love
Say 'I hate you' to whom you hate
In spite of sweet temptation,
do not change from love to hate.
In spite of death threats,
do not change from hate to love.
I pledge myself to be an honest writer
to live an honest life
No fame, nor wealth honey will sweeten my tongue
No thunder, rumbling overhead, will knock me down
My paper and pen if robbed from me
I will use a knife to write on rock.
Sau Nghị quyết của Bộ Chính trị về các Vấn đề Văn học được công bố ngày 06/01/1958, Phùng Quán và 300 thành viên khác của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị bắt và bị đày đi các trại cải tạo khổ sai.
Phùng Quán bị tước thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và không được phép in sách cho tới năm 1987. Ông sống bằng cách đánh cá lậu và viết lách dưới các bút danh khác nhau.
Ông cưới vợ tại nhà mẹ nuôi năm 1962 vì lúc đó không nhà, chưa có việc làm và cũng chưa được cấp hộ tịch lại. Đám cưới diễn ra không có xe hoa, dâu phụ, chụp ảnh, tiệc tùng, chỉ có 4 người bạn chứng kiến, vì những người khác không dám tham dự. Cô dâu cũng không có áo cưới. Suốt mấy tháng đôi vợ chồng mới cưới chỉ có một chiếc giường tre kêu kẽo kẹt. Sau này, ông tâm sự với người bạn thân là nhà văn Trần Mạnh Hảo: "Tôi rất muốn được làm người…, có phòng riêng cho đêm tân hôn để không phải động phòng ngoài công viên như cầm thú".
Từ năm 1986 đến đầu những năm 1990, Đảng Cộng sản Việt Nam ra lịnh 'cởi trói' cho những văn nghệ sĩ bất đồng chính kiến (tức là đảng mỉa mai thừa nhận mình đã trói họ trong suốt 30 năm, 1956-1986), Phùng Quán lấy lại tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và xuất bản cuốn sách đầu tay năm 1988. Năm 2007, 12 năm sau ngày mất, cùng với 3 lãnh đạo của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm), ông được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc.
(*) Nhân Văn Giai Phẩm là một phong trào của các văn nghệ sĩ ở miền bắc Việt Nam bất đồng chính kiến với chính quyền Cộng sản. Phong trào, khởi đầu năm 1955 với 2 tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm, đòi hỏi tự do chính trị và sáng tạo, đồng thời phê phán nhiều hành vi sai trái của đảng Cộng sản Việt Nam.
(**) Sau đây là nguyên văn bài thơ Lời Mẹ Dặn.
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ, tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! Những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.



No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6