Monday, January 10, 2022

"CỌP DÊ".....! COPIER...! HAI TIẾNG THÂN THƯƠNG CỦA TUỒI HỌC TRÒ XƯA...! Đinh Trực


Hai tiếng nghe thân thương phát ra từ cửa miệng đến cái nhìn len lén, kín đáo hoặc lộ liễu của đứa bạn kế bên, hoặc cũng có thể từ chính bản thân mình....!
"Cọp dê" là cái từ mà thời nhỏ trong những năm sáu mấy, cả lớp cả trường..., bọn trẻ chúng tôi gọi khi chọc quê một đứa nào ấy...!
Có nói quá không...? Khi tôi dám cá với các bạn vào thời còn đi học, thuở cắp xách đến trường. Cho dù là đứa học trò ngoan nhất, giỏi nhất cũng có lúc lay hoay, lén lút canh Thầy Cô để "hành động....!".
Đám học trò "cọp dê" nhằm che đậy sự lười biếng học bài, làm bài của mình và không hiểu tại sao lại có cái tên ấy, cứ truyền miệng nhau mà gọi....
Đứa "cọp dê" cũng khổ sở lắm, phải len lén "ném" con mắt của mình về phía bạn kế bên, cũng phải vò đầu bức tóc, gương mặt phải sầu bi, thê thảm thiết... để mong được rũ lòng thương từ thằng bạn kế bên. Đôi lúc phải chịu sự "hành tỏi" của nó để được cho xem ké...
Chẳng may gặp đứa khó chịu, bị lấy tay che, thậm chí che luôn bằng cuốn sách hay tờ giấy chậm... coi như thua...! Phải nhanh chóng tìm xung quanh xem để có "đối tác" mới, để tiếp tục vì sắp hếp thời gian Thầy qui định nộp vở...
Ngày ấy, tôi thường ngồi bàn đầu. Cái bàn đến năm đứa ngồi nên rất chật chội. Giờ Toán càng chật hơn bởi chúng ngồi sát vào nhau, nhằm dễ hoạt động hơn, cả một hệ thống "cọp dê" được truyền nhau...
Đến dấu hai chấm của lời giải, tôi dừng thì chúng nó cũng dừng..., đã thế chưa yên, tôi còn bị thằng sau lưng cứ thò chân đạp đạp, rồi lấy tay khều khều lưng để tôi dời vở sang chút cho nó nhìn, khổ lắm...!
Không biết trên bàn, Thầy có biết không...? Thầy cũng đang ghi ghi chép chép trong sổ điều gì, thỉnh thoảng nhìn lên lớp học, cả lớp im re..., rồi Thầy tiếp tục công việc, thấy cái miệng Thầy mỉm cười, tôi nhìn thấy mà không hiểu Thầy cười cái gì...?
Những khi làm bài xong, tôi cũng "cọp dê" lại bài của thằng Trưởng lớp để xem bài toán của mình có giống đáp số nó không? Nó là đứa học giỏi nhất lớp, tháng nào cũng được bảng danh dự cả....
Thời đi học chắc ai cũng có ít nhứt một lần cọp dê bài của bạn kế bên khi bị bí hoặc lỡ bữa đó ...quên học bài hay vì đủ lí do khác như: cúp điện, nhà hết dầu đốt đèn, bận giữ em, lỡ ngủ quên, tính khuya dậy học bài,...
Cọp dê cũng phải có chút “kỷ thuật” chứ cứ chăm chăm sao y bổn chánh là coi chừng bị phát hiện ra ngay và "ăn trứng ngỗng như chơi", vì thầy cô rất tinh ý, nhìn bài làm là biết ai cọp dê ai liền. Chưa kể nếu lỡ như bài kiểm của mình bằng hoặc cao hơn điểm của nó thì coi chừng lần sau nó không cho mình cọp nữa. Do đó phải canh làm sao cho bài của mình chỉ vừa bằng hay thua nó một điển... là ăn tiền...
"Cọp dê" được đọc trại ra từ tiếng của nước người ta, xuất xứ từ chữ Copier của tiếng Pháp (còn tiếng Anh là Copy).
Trong những năm học từ lớp Ba lên lớp Nhất, có một đứa con trai: Tâm lé là "chuyên gia" "cọp dê" bởi vì khi nó làm bài, nhìn thấy hắn chăm chú nhìn xuống vở ghi chép, thỉnh thoảng cắn viết, tưởng hắn đang suy nghĩ... nhưng thật ra anh ta đang nhìn sang bên cạnh đó, ghê thật...!
Sẽ thiếu sót khi không đến "Sơn cà lăm", mỗi khi Thầy gọi lên bàn trả bài, Sơn rặn rặn cái tựa bài thật lâu, rồi cứ lập bập ra một hai chữ, mặt đỏ gấc, gân cổ nổi lên, nước mắt đọng trên khoé như đang cố gắng cho thấy rất thuộc bài để được điểm cao.... Học trò dưới lớp nóng lòng chờ mãi để được gọi lên...
Thầy chúng tôi hết kiên nhẫn chờ... rặn, cho về..., chấm 5 điểm..., hắn ta cầm vở về chỗ không quên nở nụ cười toe toét..., vì bạn ấy ngồi sau lưng nên tôi biết chắc nó không thuộc bài nên sử dụng chiêu này....!
"Cọp dê" với chúng tôi thời đó là chuyện bình thường như trời mưa trời nắng của ông trời. Không có gì "xấu hổ" cả. Cứ không biết thì phải ra tay thôi...!
Nắng mưa là chuyện của Trời.
Cọp dê là vốn của đời học sinh...!
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn thi mà đậu phải liều ...cọp dê!
Hôm nay, bất chợt nhìn thấy ảnh, kí ức hồi tưởng lại chuyện xưa, chuyện mà lâu lắm lắm rồi, chuyện mà ngày xưa đi học phải "cọp dê".....!
Hành trang mang theo trong cuộc đời không gì đẹp đẽ hơn, không thể nào quên được trong những năm tháng làm kiếp học trò Tiểu học....!
Đinh Trực
TVCMN









No comments: