Thursday, January 13, 2022

VĂN HÓA LỪA LỌC HIỆN ĐẠI KIỂU TRUNG CỘNG - Bùi Văn Bông - Minh Diễn


Nhóm chúng tôi có 12 người đi du lịch Trung Quốc, khởi hành từ Sài Gòn, theo chương trình sẽ đi thăm Bắc Kinh, Tô Châu, Quế Lâm. Hầu hết thành viên trong nhóm đều là cán bộ nghỉ hưu, gom góp mấy đồng tiền còm trong sổ tiết kiệm, và con cái phụ thêm cho chuyến tham quan.
Người “có máu mặt” nhất là chị Lâm, vợ một ông tướng công an đương chức. Chị bao cho mẹ đẻ và mẹ chồng trong chuyến đi … “dối già”.


Đến Bắc Kinh, nhóm chúng tôi nhập vào một nhóm du lịch khác cũng từ Việt Nam sang hơn hai chục người, được một hướng dẫn viên người Trung Quốc đưa đi tham quan các nơi theo chương trình.


Phải nói Bắc Kinh là một thành phố vĩ đại, giàu bản sắc văn hóa Trung Quốc, nhiều công trình kiến trúc đẹp, nhiều di tích lịch sử rất đáng được chiêm ngưỡng và suy nghiệm. Thành phố này trật tự, nền nếp hơn Sài Gòn, Hà Nội, không chen chúc xe máy, không có người ăn xin, chụp giựt níu kéo du khách chặt chém từ vài quả cóc, lon nước đến bịch lạc rang như ở bờ Hồ Gươm.


Nói như vậy không phải người Trung Quốc thật thà, mà họ thuộc … hạng siêu lừa. Họ lừa có bài bản, lừa theo kiểu “kích dục mê tâm” – kích thích cái tham, làm cho lòng người mê mẩn thiếu sáng suốt rất dễ bị lừa. Phải thừa nhận là họ có “văn hóa lừa” hẳn hoi, ăn sâu, ăn đậm, và không ăn vặt.


Khi chúng tôi lên xe đi thăm Cố Cung, tay hướng dẫn viên du lịch nói nói:
- Thưa các bạn Việt Nam, Cố cung, là nơi các triều đại nhà Minh, nhà Thanh ngự trị suốt mấy trăm năm, lịch sử Trung Quốc trải qua bao thăng trầm xuất phát từ chốn cung vàng điện ngọc này… Viện bảo tàng Cố Cung.


Người hướng dẫn viên nói như hát. Hắn mới khoảng 25 tuổi, ăn mặc lịch sự, nói tiếng Việt làu làu, nhớ không ít tục ngữ ca dao Việt Nam, biết cả chửi thề, khoe rất thích ăn món thị chó rựa mận rìa đê Yên Phụ, Hà Nội và món cà pháo canh cua quán cơm bà Cả Đọi, Sài Gòn.


Nghe hắn nói Cố Cung hấp dẫn, ai cũng háo hức, nhưng hắn không cho vào thăm ngay, mà cho xe chạy qua cổng Bắc thành.


Tôi hỏi sao lại đi vòng thế, hắn nói:
- Muốn vào thành phải được sự chấp thuận của các quan gác cổng, hôm nay tôi dẫn đoàn qua cổng Bắc, vượng khí đang ở hướng đó.


Nghe hắn như rót mật vào tai, ai cũng gật gù.
Vừa tới cổng thành, đã thấy bộ tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng rực rỡ nhảy múa đón rước.


Rồi cả một ban tiếp tân, ăn mặc chỉnh tề, ân cần mời đoàn thăm quan lên lầu. Một căn phòng sang trọng, những dãy ghế đánh vec-ni bóng nhoáng.


Các du khách vừa an vị, tay hướng dẫn viên trịnh trọng giới thiệu vị giáo sư lịch sử ra nói chuyện với đoàn. Nhìn vị giáo sư, … thấy nghi nghi, hình như đây là một diễn viên đóng thế, bởi gương mặt non choẹt. Nhưng anh ta tỏ ra một diễn viên có tài, từ điệu bộ đến lời nói rất đĩnh đạc, nghiêm trang.


Hắn nói một mạch về lịch sử Cố cung, về các triều vua, rất uyển chuyển không hề vấp váp, rồi chốt lại bằng câu chuyện con Tỳ Hưu thật hấp dẫn.


Hắn nói:
- Thưa quý vị, đời vua Minh Thái Tổ, giữa lúc quốc khố bị rỗng, một đêm ngài nằm mơ thấy một con vật mình rồng, đầu to, ngực to, mông to, có sừng nhọn, lông dày, đứng hút nhanh từng thỏi vàng sáng chói vào bụng. Sau giấc mơ đêm ấy, nhà Minh hưng thịnh, quốc khố đầy vàng, nhà vua cho làm con đường vào thành theo trục Bắc Nam, hướng tài lộc, cho xây cổng Bắc thành này và dùng ngọc phỉ thúy tạc tượng con vật trong mơ, gọi là Kỳ Hưu, nghĩa là kỳ diệu, sau gọi là Tỳ Hưu , đặt tại đây, gọi là tài môn, cổng tài lộc.


Hôm nay may mắn đoàn du khách Việt Nam được qua cổng tài lộc vào Tử Cấm thành, may mắn hơn vì quý vị sẽ được chiêm ngưỡng con Tỳ Hưu bằng ngọc phỉ thúy, tạc từ thời Minh Thái tổ…


Mọi người vỗ tay rào rào. Vị “giáo sư” mỉm cười nhã nhặn, ra hiệu mọi người ngồi xuống, nghe nói tiếp về sự mầu nhiệm của Tỳ Hưu:
- Tỳ Hưu là một con vật cực kỳ linh thiêng, mầu nhiêm, có đầu to, ngực to, mông to, nhưng bụng nhỏ và không có … hậu môn, chỉ hút vàng bạc châu báu của trời đất vào mà không nhả ra, chỉ làm giàu cho chủ mình chứ không để thất thoát đi đâu một đồng nào. Vì thế người đời xưa gọi là con Thiên Lộc. Từ đời nhà Minh đến đời nhà Thanh, vua ban sắc lệnh chỉ có vua và Hoàng hậu mới được thờ Tỳ Hưu, các hoàng tử, công chúa không được thờ.


Đặc biệt nghiêm cấm các quan trong triều tuyệt đối không được thờ Tỳ Hưu, vì sợ quan sẽ giàu hơn vua.
Có một người dấu vua thờ Tỳ Hưu, là Hòa Thân, thời Mãn Thanh, đời Càn Long. Hòa Thân, tạc một con Tỳ Hưu bằng ngọc phỉ thúy, to hơn con Tỳ Hưu của vua, trưng trong biệt phủ của mình. Nhờ con Tỳ Hưu ấy Hòa Thân làm quan đến tột đỉnh, chỉ dưới một người trên muôn người, vơ vét hết của cải thiên hạ.


Theo thống kê thời ấy, Hòa Thân có biệt phủ 3.000 phòng, 6000 gia nhân, 600 thê thiếp, 32 km2 đất, 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ 600 cân sâm Cát Lâm, 60.000 lạng vàng, 100 thỏi vàng lớn mỗi thỏi 1.000 lạng, 56.000 thoi bạc mỗi thỏi 100 lạng, 90.000.000 lạng bạc lẻ, vân vân… Ước tính tài sản của Hòa Thân gấp 15 lần ngân quỹ quốc gia.


Có tiếng xuýt xoa của du khách. Mấy người cười khúc khích, nói với nhau: “Việt Nam mình cũng có vài Hòa Thân rồi đấy!”.


Vị “giáo sư” ra hiệu mọi người im lặng rối nói:
- Không chỉ có Tỳ Hưu sinh tài, còn nhiều loại Tỳ Hưu khác mầu nhiệm không kém, như Bồ Lao, Trào Phong, Toàn Nghê, Bi Hi, Bế Ngạn, Phu Hi… Ai muốn con cháu văn hay chữ tốt thì thờ Phu Hi, muốn yên ổn bình an thì trưng Tiêu Đồ, muốn quyền cao chức trọng tiếm loát thiên hạ thì trưng Bế Ngạn…


Mấy vị du khách, mắt sáng lên, lấy sổ tay ghi tên loại Tỳ Hưu hợp với mình. Bà vợ ông tướng công an, không ghi kịp hỏi tôi:
- Cái con gì giữ quyền cao chức trọng anh nhỉ?
Tôi nói:
- Tên nó là Bế Ngạn chị ạ! Hình dáng nó như con hổ, loài chúa sơn lâm đấy.
Vị “giáo sư” đưa mắt nhìn khắp lượt, rồi bằng một thái độ hết sức trịnh trọng, anh ta mời mọi người qua phòng bên xem con Tỳ Hưu ngọc phỉ thúy, anh ta nhắc đi nhắc lại, chỉ được đi lướt qua, liếc mắt nhìn, tuyệt đối không sờ tay vào con vật linh thiêng.


Người hướng dẫn viên cúi rạp người xuống cám ơn vị “giáo sư”, rồi dẫn mọi người qua cái cửa hẹp vào phòng lớn.
Bốn người mặc quần xanh nẹp đỏ, đội mũ quan thời Minh, đứng canh cái bệ gỗ, trên bệ phủ mảnh vải đỏ. Sau khi thắp hương vái, bốn người cầm bốn góc tấm vải hất lên, phía dưới hiện ra con Tỳ Hưu lung linh dưới ánh đèn mầu nhấp nháy. Mọi người không được nhìn kỹ, nên chả biết con Tỳ Hưu bằng ngọc hay bằng đá? Thì tay hướng dẫn viên hối sang phòng bên.


Căn phòng rộng thênh thang, bày la liệt đủ các loại Tỳ Hưu to nhỏ lớn bé, trên kệ gỗ, trong tủ kính. Gần chục cô gái bán hàng sốt sắng chào mời khách. Tay hướng dẫn viên nói, chỉ ở đây mới có các loại Tỳ Hưu “thứ thiệt”, mỗi con vật linh thiêng này được đưa vào Cố Cung bày trước anh linh vua Minh Thái Tổ xin ban phúc lộc, rồi mới mang ra đây bán cho du khách.


Mọi người như bị mộng du, bước chân đi rón rén, không dám nói cười, và cứ ngoan ngoãn móc ví đếm tiền mua Tỳ Hưu. Bà vợ tướng công an mua một lúc bốn con Bế Ngạn bằng ngọc, giá mỗi con 9.000 tệ. Bà ta nói với tôi:
- Chưng ở nhà hai con, chỗ làm việc của nhà em hai con bác ạ!
Một con Tỳ Hưu nhỏ nhất ở đây có giá 3.200 tệ, tương đương 500 đô la Mỹ, tức 11.000.000 đồng Việt Nam. Tôi nói nhỏ với ông bạn đi cùng nhóm:
- Hình như không phải bằng ngọc ông ạ? Tôi trông giống hệt mấy con Tỳ Hưu bán ở Hà Nội, Sài Gòn, giá chưa đến một triệu một con?


Ông bạn vênh mặt lên:
- Không có tiền nên nói thế !
Ông rút một nắm tiền ném lên mặt tủ kính. Tôi vội lánh sang chỗ khác, nhìn những cô gái tíu tít đếm tiền, miệng cười tươi như hoa.
Khi đã bán được 26 con Tỳ Hưu, thấy không ai mua nữa, người hướng dẫn viên du lịch mời mọi người lên xe vào Cố cung.


Đến đây mọi người chỉ được xem qua, vì kỷ luật bảo vệ di tích của Trung Quốc rất nghiêm khắc, hơn nữa theo chương trình còn đi thăm Vạn Lý Trường Thành.
Cách điểm thăm quan Vạn Lý Trường Thành không xa, tay hướng dẫn viên nói với du khách:
- Thưa quý vị, Vạn Lý Trường Thành được Hoàng đế Tần Thủy Hoàng xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, dài 3.980 dăm, nơi đây, Mao Chủ tịch đã đến khắc bảy chữ vàng “Bất đáo trường thành phi hảo hán” nghĩa là chưa đến Vạn lý trường thành thì chưa phải là một anh hùng.


Muốn lên Vạn Lý Trường thành phải có sức khỏe tốt, vì vậy cơ quan y tế Trung Quốc đã thành lập một Trung tâm khám sức khỏe “miễn phí” cho du khách. Hôm nay trước khi lên Vạn Lý Trường Thành tôi xin giúp quý vị kiểm tra lại sức khỏe, cô bác nào có bệnh sẽ được điều trị ngay tại chỗ.


Cái trung tâm ấy là một tòa nhà 4 tầng, khang trang Cũng như ở cổng Cố Cung, các bác sỹ ra tận cửa đón rước, mời chúng tôi lên phòng khám bệnh thênh thang, từng hàng ghế kê ngay ngắn.


Các nhân viên mang nước mời mọc ân cần. Rồi năm, sáu người mặc blu-trắng xuất hiện, giới thiệu rất trịnh trọng, đây là giáo sư tiến sỹ Lu Zeng Ung nổi tiếng nhất Trung Quốc (?), đây là bác sỹ Hua Twen Xuang nổi tiếng nhất Bắc Kinh (?).


Những vị giáo sư, bác sỹ vạch miệng, vạch mắt, nghe tim phổi và bắt mạch cho từng người trong hai nhóm du khách với thái độ rất thân thiện, khi nheo mắt tỏ vẻ lo lắng, khi mím môi tỏ vẻ nghiêm trọng, rồi nhoẻn miệng cười đầy vẻ cao đạo.


Khốn nạn thân chúng tôi, ở nhà khỏe re, mà đến đây ai cũng có bệnh. Không cao huyết áp thì phù thận, suy tim, có người bị chứng xơ gan mới khiếp chứ...?


Nhưng lại … “mừng vì phát hiện ra bệnh sớm” và vị giáo sư, tiến sỹ nói, đã tới đây thì bách bệnh sẽ được tiêu trừ hết, bởi Trung tâm này đã từng chữa bệnh cho nhiều vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và thế giới.


Chúng tôi được kê đơn thuốc, có chữ ký của vị giáo sư tiến sỹ đàng hoàng, có con dấu của Viện Đông y thế giới Bắc Kinh đỏ choét. Ai cũng cảm thấy hả hê vì may mắn. Ở nhà đi bác sĩ tư thì bị chặt chém, đi bệnh viện công thì bị hành, chuyến đi này, vừa được thăm quan du lịch vừa khám chữa bệnh bốc thuốc, được tiếp đón ân cần như bố người ta thì còn gì sướng bằng?


Nhưng ít phút sau thì mọi người hơi ngán, bởi các giáo sư, bác sỹ, chỉ khám miễn phí, còn thuốc phải mua, mà đây là một Viện y học nổi tiếng, nên thuốc rất “đắt”.


Mỗi bịch thuốc theo toa của “giáo sư, bác sĩ” rẻ nhất là 1.000 tệ tương đương 160 đô la Mỹ.
Như bị ma ám, ai cũng bỏ tiền ra, ôm một mớ thuốc nam và mấy hộp … “cao đơn hoàn tán”. Các vị giáo sư tiến sĩ Trung tâm y dược vẫn chưa chịu buông tha các con mồi. Họ kéo mọi người sang phòng bên ngồi xung quang cái sân khấu hình tròn.


Một anh chàng nhảy lên sân khấu, hung dữ như một thằng du đãng. Hắn hét toáng lên, rồi chạy xuống lôi một thanh niên đang ngồi lẫn trong đám du khách lên sân khấu. Chả rõ nguyên cớ vì sao, thù hằn gì mà hắn thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh anh thanh niên ghê thế. Đến nỗi du khách phải la lên phản đối.


Thằng du đãng bỏ anh thanh niên nằm lăn lóc, lủi mất. Bấy giờ một bác sỹ chạy tới vén quần, vén áo anh thanh niên lên. Ôi cha mẹ ơi, từ ngực trở xuống, từ đít trở lên thâm tím như những quả đa mồi.


Anh ta không ngồi dậy được, rên ư ử như sắp chết. Bà bác sỹ lấy một viên thuốc cho anh ta uống, lấy một lọ thuốc nước đổ lên các vết thương, và … thật “mầu nhiệm”, thuốc chảy đến đâu vết thương lành đến đấy. Chai thuốc hết, anh thanh niên đứng dậy, khỏe re, toe toét cười. Tiếng vỗ tay vang lên và sau đó, tiếng xuýt xoa thán phục râm ran trong nhóm du khách.


Tiếp theo, một phụ nữ lên sân khấu, đổ cồn vào tay, châm lửa cháy đùng đùng. Khi lửa tắt bàn tay chị phồng rộp lên, Vị giáo sư liền mang lọ thuốc nước trong suốt ra, rưới vào tay chị, và chao ơi thuốc thần thuốc thánh cũng không hiệu nghiệm bằng, rưới đến đâu da tay chị phụ nữ hết phồng, trắng hồng trở lại đến đấy.


Thế là mọi người nhắm mắt, nhắm mũi, xỉa tiền mua thuốc bỏng, thuốc trị thương. Tôi thách bạn nào đi trong nhóm du lịch ấy, trong hoàn cảnh ấy, mà không mua một thứ gì. Mình cũng được khám bệnh như mọi người, bác sỹ nói mình có bệnh, kê đơn đàng hoàng sao mình không mua thuốc.


Nói không có tiền giữa đám khách du lịch với nhau thì mắc cỡ lắm. Tôi đã bị người đàn ông trong nhóm khinh thường nên vội tránh đi nơi khác.
Lên Vạn Lý Trường Thành, nhìn núi non trùng điệp bao la, hiểu thêm, đất nước Trung Hoa vĩ đại bao nhiêu thì ta càng thấy … tham vọng của Trung Nam Hải càng dữ dội bấy nhiêu, mưu sâu kế hiểm bấy nhiêu, lừa lọc, lòng dạ rất hẹp hòi, lừa đảo như chớp, không rộng rãi như miệng lưỡi họ nói.


Những người đóng vai quân lính, người hầu cận vua chúa ngày xưa đứng bên những chiếc kiệu, sẵn sàng phục vụ du khách, những nhiếp ảnh viên đon đả mời chụp ảnh kỷ niệm, ân cần lắm, nhưng nhìn sâu vào mắt họ không có … chút chân thành nào.


Một người ra dáng thi nhân ngồi sau cái bàn viết thi pháp bán cho du khách. Tôi mua tờ giấy hoa văn hai mươi tệ, mượn bút viết mấy câu bằng chữ Hán: “Thử địa nhược đại mông. Bá đạo nhân thực nhân” - Nơi này ôm mộng lớn, toàn quân ăn thịt người!. Tôi tặng lại người viết, anh ta vái một vái, rồi gập tờ giấy lại đút vào túi.


Nhóm chúng tôi đến Tô Châu vào một buổi chiều. Thành phố cổ kính nổi tiếng bởi nhà thơ Trương Kế, thời vua Đường Túc Tông, với bài “Phong Kiều Dạ Bạc”:


Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cộ tô thành ngoại hàn sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Cụ Tản Đà đã dịch cực hay là:
Trăng tàn tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cậy ánh sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô


Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
Trước khi được đi thăm Hàn sơn tự, xây dựng 70 năm trước khi Trương Kế ra đời, để viết Phong kiều dạ bạc, chúng tôi được “mời” uống trà Loa Xuân, nổi tiếng Tô Châu. Hướng dẫn viên du lịch là một cô gái trẻ, miệng lưỡi không thua kém anh chàng Bắc Kinh, lại hấp dẫn hơn bởi sự duyên dáng.


Cô nói: - Mời các anh các chị, các chú các bác vào uống trà, tại nơi sản xuất loại trà Loa Xuân, nổi tiếng Trung Quốc.


Trong hoa viên lộng lẫy, ban giám đốc và nhân viên xếp hai hàng, ăn mặc chỉnh tề đón tiếp khách du lịch như đón nguyên thủ quốc gia. Một dãy sa lon bọc vải đỏ chót trong căn phòng mát lạnh. Uống trà khác với uống cà phê, càng khác với cà phê đá, trà đá, ở chỗ tĩnh, mát. Người Tô Châu hiểu như vậy, nên làm phòng trà mát lạnh.


Khách vừa ngồi ấm chỗ, nước được bưng lên, những gói trà được mang tới, và những cô gái trẻ trang phục bằng loại lụa tuyệt đẹp xứ lụa Tô Châu, nhanh nhẹn pha trà bằng các động tác chuẩn xác đến mức, một cô cầm chiếc ấm có cái vòi dài gần hai mét rót nước vào miệng cái bình trà nhỏ xíu mà không rớt ra ngoài giọt nào. Hàng chục cặp mắt cứ trố ra nhìn, tấm tắc khen, sao họ khéo thế.


Từng ly trà được mời từng vị khách. Giám đốc nhà máy cúi gập đầu chào mọi người, rồi nói xuất xứ loại trà Loa Xuân, sự kỳ công trong trồng tỉa, chế biến và tác dụng của nó. Kết thúc câu chuyện, là mời du khách mua trà với giá … khuyến mãi đặc biệt.


Được tiếp đãi như thượng khách, đã uống trà của người ta mời, chả nhẽ “nhổ đít” bước ra tay không? Có mà ê mặt! Hơn nữa lại là khách đi theo đoàn, đoàn Việt Nam hẳn hoi, chơi không đẹp ảnh hưởng quốc thể chứ đâu bỡn. Lại sợ người cùng đi nhìn mình, khinh mình kẹt sỉn, thế là đồng loạt rút ví.


Cũng phải thừa nhận uống tách trà họ vừa pha ngon thật, bập vào môi có vị hơi đắng , mùi thơm thoảng, uống vào có vị ngọt trong cổ họng. Tôi nói với người giám đốc, xin mua chính những gói trà vừa bóc ra pha cho chúng chúng tôi uống, hắn ta “hảo hảo” rồi lánh đi, không tiếp chuyện nữa!


Từ Tô Châu về Quế Lâm, ăn món tương ớt và món mỳ thịt ngựa nổi tiếng, nhưng sau mới biết bị lừa , ăn phải mỳ thịt … chuột.


Nhưng rồi cũng cho qua chuyện để đi thăm công viên Thất Tinh, núi Tượng Tị, đồi Trăng Khuyết… Đến mả Mã Viện, thấy tượng hắn đúc bằng đồng, cưỡi trên lưng con ngựa chiến, mặt hắn vênh váo, hai con mắt trừng trừng, miệng như đang gào thét, chẳng biết muốn đâm chém ai, hay đang đau đớn vì bệnh ỉa chảy, tôi vụt nhớ câu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tới đây gần nửa thế kỷ trước: “Trăm năm mới đến nơi này, Ngàn năm mới thấy mặt mày ở đây!”.
Chúng tôi chia tay nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất.


Hầu như các loại thuốc quý đều vứt lại khách sạn bên Trung Quốc.


Bà vợ viên tướng công an nói với tôi:
- Bác Minh Diện ơi, mấy sợi dây chuyền ngọc trai là đồ dỏm bác ạ, cái con Tỳ Hưu tử tiệt cũng dỏm. Sao bác biết mà không bảo em?


Tôi đưa mắt nhìn ông bạn cùng nhóm, ông nhếch miệng cười như mếu:
- Nó lừa mình khéo quá anh ạ! Mả cha cái bọn Tàu!


Bọn Trung Cộng nổi tiếng cả thế giới về hàng dỏm, hàng giả, hàng nhái; đã nhiều lần bị quốc tế lên án vì các thực phẩm độc hại... Bị phỉ nhổ vì các hành vi ăn cắp các công trình nghiên cứu và phát minh của Hoa kỳ.


Việt nam, thật đáng thương khi không may ở gần anh Trung Cộng xấu xa, là thùng rác khổng lồ để Trung Cộng tuôn hàng dỏm, hàng độc hại có nguy cơ gây ung thư, không ngừng giết hại dân ta từ từ mỗi ngày.


Chưa hết, chúng còn có âm mưu thâm độc và to lớn hơn khi được chính quyền Việt cộng tham lam và ngu dốt tiếp tay, đó là âm mưu sửa lại lịch sử, địa lý, văn hóa... của nước ta bằng cách in và phát hành hàng lọat các sách giáo khoa cho các trẻ thơ, trắng trợn dạy dỗ trẻ em: VN là một phần đất của Trung Cộng!


Qua bài viết trên đây, tác giả đã lột tả những hành động lừa lọc rất tinh vi của Ngành du lịch TC nhằm móc túi của du khách.


Trước sự xâm lăng biển, đảo, đất đai của VN một cách ngang ngược, đầy hiếu chiến; tàn phá môi trường thiên nhiên, biến đất đai của chúng ta thành những "tô giới" của Trung Cộng ngay trên quê hương của chúng ta, ở đó họ tự ý đưa người của họ vào VN, xây dựng nhà cửa, đường xá, trường học, bệnh viện, phố xá, hoàn toàn sử dụng tiếng Hoa, có luật pháp riêng... Không một người dân Việt nào, kể cả bộ đội, chính quyền địa phương được bén mảng tới.
..................
Bùi Văn Bông - Minh Diễn

No comments: