HSP: Tổng số dân của cả 3 nước Bắc Âu cộng lại Thụy Điển 10.3T+ Na Uy 5.4T+Phần Lan 5.5T=21.2 Triệu, phải chăng đây là một lợi thế để thực hiện XHCN, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào nền kinh tế Tư Bản.
Các nước Bắc Âu thường được quốc tế sử dụng để chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội có thể hoạt động. Đúng là các đảng dân chủ xã hội đang thành công ở khu vực này của thế giới. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia Bắc Âu đang chứng kiến sự trở lại một phần của các đảng dân chủ xã hội, các chính sách của họ trên thực tế không phải là xã hội chủ nghĩa, mà là trung dung.
Các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, đã theo đuổi chủ nghĩa xã hội từ khoảng năm 1970 đến 1990. Tuy nhiên, trong suốt 30 năm qua, cả các chính phủ bảo thủ và dân chủ xã hội đều hướng về phía trung dung. Ngày nay, các nhà dân chủ xã hội Bắc Âu đã áp dụng các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, thắt chặt các điều kiện hưởng phúc lợi xã hội, có lập trường cứng rắn hơn đối với tội phạm và thực hiện các chính sách thân thiện với doanh nghiệp.
Hệ thống phúc lợi Bắc Âu mà mọi người muốn nhắc đến như một ví dụ hưng thịnh của chủ nghĩa xã hội được phát triển vào khoảng năm 1970, khi các xã hội Bắc Âu có sự thay đổi chính sách theo hướng thuế cao hơn và phúc lợi công hào phóng. Trong thế kỷ trước đó, các nước Bắc Âu đã kết hợp các khu vực công nhỏ và thị trường tự do để đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Ví dụ, từ khoảng năm 1870 đến năm 1970, GDP bình quân đầu người của Thụy Điển đã tăng gấp 10 lần, tốc độ tăng trưởng cao nhất ở toàn bộ châu Âu. Chính sau thời kỳ thịnh vượng phát triển nhanh chóng này, đã có sự chuyển hướng sang các chính sách thuế cao. Công chúng vẫn hoài nghi về việc tăng thuế trực thu, và sự thay đổi phần lớn xảy ra thông qua việc tăng dần thuế gián thu.
Đó không phải là một quỹ đạo bất thường: Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quốc gia có mức độ tin cậy cao hơn có xu hướng có hệ thống phúc lợi lớn hơn và hào phóng hơn. Lòng tin và trách nhiệm xã hội trong lịch sử đã thể hiện mạnh mẽ ở khu vực này, một phần do nhu cầu hợp tác giữa các cá nhân trong điều kiện khí hậu Bắc Âu khắc nghiệt, và những yếu tố này thực sự mạnh mẽ hơn so với phần còn lại của châu Âu.
Tuy nhiên, do tăng thuế, tăng trưởng kinh tế đã bị đình trệ. Ví dụ, trong hơn 50 năm qua, GDP bình quân đầu người của Thụy Điển chỉ tăng 2,1 lần. Quan trọng hơn, các tiêu chuẩn liên quan đến làm việc chăm chỉ và trách nhiệm đã bắt đầu bị xói mòn, theo số liệu của Khảo sát Giá trị Thế giới, trong khi phúc lợi tăng lên. Ví dụ, vào đầu những năm 1980, 19% người Thụy Điển đồng ý rằng vẫn có thể chấp nhận ở một mức độ nào đó việc một cá nhân xin hưởng phúc lợi công khi họ không đủ tiêu chuẩn. Tỷ lệ này dần dần tăng lên 40% vào năm 2011, và kể từ đó đã giảm xuống còn 36% sau khi chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn các hệ thống phúc lợi và xuất hiện các chiến dịch chống lại việc lạm dụng phúc lợi xã hội.
Ngày nay, các quốc gia Bắc Âu vẫn có mức thuế cao hơn và hệ thống phúc lợi hào phóng hơn hầu hết các nơi trên thế giới. Nhưng kể từ những năm 1990, Thụy Điển và các quốc gia Bắc Âu khác đã tập trung vào việc củng cố các chuẩn mực trách nhiệm xã hội một lần nữa bằng cách tăng cường kiểm soát các hệ thống phúc lợi công cộng, giảm bớt sự hào phóng trong các mô hình phúc lợi, đồng thời giảm thuế.
Thật vậy, nhiều chính sách của Bắc Âu hiện thúc đẩy thương mại và doanh nghiệp tự do. Chỉ số Tự do Kinh tế của quỹ Heritage Foundation, đo lường mức độ tư bản chủ nghĩa của các quốc gia bằng cách nghiên cứu các quy định và thuế trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, xếp Đan Mạch và Iceland là các quốc gia có mức độ tư bản thứ 10 và 11 trên thế giới. Phần Lan đứng ở vị trí thứ 17, Thụy Điển ở vị trí thứ 21 và Na Uy ở vị trí 28. Trong khi đó, Hoa Kỳ được xếp thứ 20. Các quyền sở hữu, tự do kinh doanh, tự do tiền tệ và tự do thương mại hiện rất mạnh ở các quốc gia Bắc Âu.
Động thái hướng tới phía trung dung này đang diễn ra trong chính trị bầu cử, ngay cả khi các nhà dân chủ xã hội vẫn tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Ví dụ, các nhà dân chủ xã hội Bắc Âu đang ngày càng dựa vào việc thành lập các chính phủ liên minh với các đảng trung dung. Chẳng hạn ở Phần Lan, trong cuộc bầu cử năm 2019, Thủ tướng đương nhiệm Juha Sipila, lãnh đạo Đảng Trung dung, đã thua Antti Rinne của Đảng Dân chủ Xã hội. Nhưng Rinne đã phải thành lập một chính phủ liên minh rộng rãi bao gồm Đảng Trung dung, đảng đã vận động không tăng thuế.
Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu đông dân nhất, cũng đi theo một quỹ đạo tương tự. Stefan Lofven của Đảng Dân chủ Xã hội đã giữ chức thủ tướng từ năm 2014. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị Thụy Điển, chỉ có một thiểu số cử tri ủng hộ ba đảng cánh tả và trung tả, vì vậy Lofven đã phải dựa vào sự ủng hộ từ các đảng trung hữu, như Đảng Trung dung và trước đây là Đảng Tự do.
Vào đầu năm 2020, chính phủ của Lofven đã bãi bỏ varnskatt, tức mức thuế 5% đối với các khoản thu nhập cao nhất, giảm đáng kể mức thuế cận biên. Các cải cách khác gần đây bao gồm tư nhân hóa một phần dịch vụ công và trở nên cứng rắn hơn đối với tội phạm. Ví dụ: một trong những trọng tâm chính của Đảng Dân chủ Xã hội trong năm nay là bãi bỏ việc giảm trừ hình phạt đối với tội phạm trẻ tuổi, dẫn đến các bản án dài hơn cho những người phạm nhiều tội cùng lúc. Đảng Dân chủ Xã hội cũng đã hứa cắt giảm thuế trong cương lĩnh tranh cử năm 2022, khi đảng này có khả năng sẽ được đại diện bởi Magdalena Andersson, bộ trưởng tài chính Thụy Điển.
Các nhà dân chủ xã hội ở Na Uy cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như các đồng nghiệp Thụy Điển: đó là phải hợp tác với một đảng trung dung vốn phản đối các chính sách xã hội chủ nghĩa để đảm bảo quyền lực. Và có nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng Lao động dân chủ xã hội của Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, đảng vừa đánh bại Thủ tướng Đảng Bảo thủ đương nhiệm Erna Solberg trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, sẽ cầm quyền với nhiều chính sách trung dung hơn so với mong đợi của một số người. Store là một triệu phú, người trước đây đã tham gia Đảng Bảo thủ của Na Uy. Hơn nữa, ông từng là quốc vụ khanh và chánh văn phòng nội các hồi những năm 2000 và 2001, khi Thủ tướng dân chủ xã hội Jens Stoltenberg từng giám sát các chính sách tư nhân hóa rộng rãi.
Các đảng dân chủ xã hội ở Bắc Âu cũng đã phải sửa đổi chính sách nhập cư của họ khi các cử tri thuộc tầng lớp lao động chuyển sang ủng hộ các đảng bảo thủ hơn nhằm thúc đẩy việc kiểm soát nhập cư. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 của Đan Mạch, khi lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Mette Frederiksen đánh bại vị đối thủ trung hữu cầm quyền lúc đó để trở thành thủ tướng, bà đã nhận được sự ủng hộ dựa trên một cương lĩnh kết hợp các chính sách dân chủ xã hội truyền thống với chính sách kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt.
Chính trị bầu cử của các quốc gia Bắc Âu phản ánh các xu hướng rộng lớn hơn cho thấy việc rời xa chủ nghĩa xã hội trong vài thập niên qua. Ví dụ, trong những năm 1970 và 1980 ở Thụy Điển, nhà nước độc quyền về chăm sóc người cao tuổi, y tế và giáo dục. Khi các trường học được nhà nước tiếp quản, mô hình giáo dục đã chuyển khỏi quyền lực của người lớn, và học sinh bắt đầu tự dẫn dắt quá trình học tập của mình. Giáo dục do học sinh tự dẫn dắt đã trở thành một phần quan trọng trong các chính sách xã hội chủ nghĩa của Thụy Điển, và vẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong thời kỳ đó. Nhưng từ những năm 1990, chính phủ đã cho phép khu vực tư nhân có vai trò lớn hơn. Thụy Điển hiện có 823 trường tư thục, chủ yếu hoạt động như các công ty vì lợi nhuận dựa vào nguồn vốn công. Một số, chẳng hạn như chuỗi trường học Internationella Engelska Skolan, đang cung cấp dịch vụ do giáo viên hướng dẫn thay vì do học sinh dẫn dắt, với kết quả tốt hơn đáng kể so với các trường công lập.
Chăm sóc y tế cũng đang dần rời xa độc quyền của nhà nước. Tính đến năm 2019, hơn 40% trong số 1.100 trung tâm y tế của Thụy Điển được điều hành bởi các tổ chức tư nhân, vì lợi nhuận. Dù Thụy Điển vẫn có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhân viên làm việc cho khu vực tư nhân ngày càng dựa vào bảo hiểm y tế tư nhân do người sử dụng lao động chi trả. Tại khu vực thủ đô Stockholm, 62% số giờ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà được thực hiện bởi các công ty tư nhân vì lợi nhuận. Các hệ thống cũ do nhà nước điều hành vẫn tồn tại ở các vùng của Thụy Điển, ví dụ như ở vùng phía bắc Norrbotten, nơi chỉ có 2% số lượt chăm sóc người cao tuổi tại nhà được thực hiện bởi các công ty vì lợi nhuận. Nhưng các mô hình phúc lợi đang ngày càng nhường chỗ cho những mô hình trung dung hơn, nơi cả khu vực tư nhân lẫn nhà nước đều có vai trò.
Hệ thống lương hưu của Thụy Điển cũng dần trở nên gắn kết hơn với hiệu quả công việc của các cá nhân. Một phần lương hưu của công dân được đầu tư vào thị trường, và các cá nhân có thể chọn đầu tư vào các sản phẩm tiết kiệm lương hưu từ nhiều công ty tư nhân. Tiết kiệm cá nhân bổ sung thông qua người sử dụng lao động cũng trở nên quan trọng hơn trong thu nhập lương hưu tương lai. Trong toàn khu vực, cải cách lương hưu còn bao gồm các quy định chặt chẽ hơn về nghỉ hưu sớm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt, và mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa tiền lương kiếm được với lương hưu tích lũy.
Đây là những xu hướng đang góp phần vào thành công kinh tế và xã hội của các nước Bắc Âu một lần nữa. Việc cho rằng các kết quả xã hội tích cực, chẳng hạn như tuổi thọ cao và phân phối thu nhập đồng đều, là kết quả trực tiếp của hệ thống phúc lợi của các nước này là một quan niệm sai lầm phổ biến. Trên thực tế, những lợi thế này phần lớn đã xuất hiện trước khi các nhà nước phúc lợi lớn ra đời.
Như các nhà kinh tế Thụy Điển đã chỉ ra, Thụy Điển có sự phân phối thu nhập đồng đều bất thường vào năm 1920 và sự bình đẳng tiếp tục phát triển cho đến năm 1980. Phần lớn sự gia tăng bình đẳng thu nhập vì vậy đã diễn ra trong kỷ nguyên thị trường tự do, trước khi xuất hiện mô hình nhà nước phúc lợi hào phóng. Trong một nghiên cứu khác, các nhà kinh tế cho thấy bình đẳng thu nhập ở Đan Mạch đã tăng lên kể từ những năm 1920, trong đó phần nhiều tiến bộ diễn ra trước khi chuyển sang chính sách thuế cao hơn.
Phần lớn sức mạnh của các xã hội Bắc Âu nằm ở hệ thống thị trường tự do tiên tiến, và đây chính là lý do tại sao họ cần phải quay lại nguồn gốc trung dung của mình. Thụy Điển là trung tâm đổi mới hàng đầu ở Châu Âu có thể thu hút vốn nước ngoài vào các công ty đang phát triển. Một lý do cho sự thành công này là chính sách thuế thông minh của họ, trong đó lợi nhuận từ khoản đầu tư thành công vào một công ty ban đầu có thể được tái đầu tư vào các công ty mới, và thuế chỉ áp dụng khi nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. Do đó, nguồn vốn giúp thúc đẩy tăng trưởng vẫn có thể được thu hút vào một quốc gia có mức thuế cao.
Có rất nhiều lý do để ngưỡng mộ mô hình Bắc Âu. Thụy Điển có mức độ tập trung “công việc kinh doanh trí óc” cao nhất trong số các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Như Bloomberg đã giải thích vào đầu năm nay, Stockholm đã “tạo ra số kỳ lân công nghệ tính trên đầu người” cao hơn phần còn lại của thế giới trừ Thung lũng Silicon. Các quốc gia Bắc Âu đang kết hợp thành công giữa tinh thần kinh doanh với sự chuyển hướng sang năng lượng xanh. Theo đó, các chính phủ làm việc với khu vực tư nhân để thúc đẩy sự bền vững về môi trường.
Rốt cuộc, sự trở lại của các đảng dân chủ xã hội ở các nước Bắc Âu có thể được giải thích là do họ tập trung vào các giải pháp trung dung cho những vấn đề lớn nhất mà các quốc gia này phải đối mặt ngày nay. Chính những người theo chủ nghĩa thực dụng trung dung, chứ không phải là những người theo chủ nghĩa xã hội, mới biến Bắc Âu trở thành hình mẫu trên toàn thế giới.
Nima Sanandaji là Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Cải cách Chính sách Châu Âu.
No comments:
Post a Comment