Trong bài xã luận « Tại Ukraina, những vụ đánh bom của sự hèn nhát », Le Monde mỉa mai : Sau chín tháng chiến tranh với Ukraina, rốt cuộc Vladimir Putin đã tìm được mục tiêu xứng tầm với sự vĩ đại của nước Nga mà ông ta muốn khuếch trương, đó là các nhà máy điện và hệ thống ống nước.
Những vụ oanh tạc của Matxcơva đã chà đạp hơn bao giờ hết các quy luật căn bản của quốc tế về nhân quyền, trong phụ lục Công ước Genève nhằm bảo vệ thường dân trong thời chiến. Đó là việc phân biệt giữa người dân bình thường và lính tráng, và những nguyên tắc cẩn trọng mà Kremlin coi là sự yếu kém của phương Tây. Số lượng tội ác chiến tranh theo kiểu thế kỷ trước của Nga ngày một chồng chất, có thể khiến các đồng minh của Kiev trở nên dửng dưng, thậm chí bình thường hóa
Theo Le Monde, ngược lại càng phải nhấn mạnh đến tính chất có hệ thống và tác động của chúng lên đời sống thường nhật của người dân Ukraina. Tuy lực lượng Kiev cũng có thể bị tố cáo vi phạm luật lệ thời chiến, nhưng tầm cỡ cách biệt là vô cùng to lớn.Chế độ Vladimir Putin không giấu diếm mục đích : phá vỡ hậu phương của một đất nước dám đương đầu với mình, và có thể tạo ra làn sóng di tản gây bất ổn cho châu Âu. Nhưng thay vì chia rẽ trong thử thách mới, người Ukraina vẫn vững vàng, còn phương Tây đồng lòng ồ ạt giúp đỡ.
Trong lúc sự khắc nghiệt của mùa đông bắt đầu cảm nhận được, việc làm cho người Ukraina không có nước dùng, không ánh sáng và không được sưởi ấm, không chỉ là trả thù. Chiến lược này còn nhắc lại mục tiêu chính của Vladimir Putin khi khởi chiến : hủy diệt Nhà nước Ukraina. Không ai còn có thể nghi ngờ gì nữa, sau mỗi đợt hỏa tiễn. Việc oanh tạc một cách có hệ thống là lời cảnh báo cho tất cả những ai hy vọng rằng, mòn mỏi vì chiến tranh, rốt cuộc con đường ngoại giao và đàm phán sẽ được mở ra.
Le Monde cho rằng vô số tội ác chiến tranh của Nga khiến những ai miệng nói ủng hộ nhân dân Ukraina nhưng quay lưng lại với họ, cần phải tỏ ra có liêm sỉ hơn. Tại Pháp, đứng hàng đầu là phe cực tả và cực hữu, đã vắng mặt tại Quốc Hội hôm 30/11 trong cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ Ukraina. Trên thế giới, tương tự đối với những nước giữ im lặng trước những hành động không thể chấp nhận được rốt cuộc trở thành chuyện bình thường.
Cấm vận dầu lửa Nga, quyết định lịch sử
Về phía phương Tây, Les Echos cho biết kể từ hôm nay, quyết định lịch sử về cấm vận dầu lửa Nga bắt đầu có hiệu lực. Kể từ ngày 05/12, không một tàu nào có thể bốc dỡ hàng dầu lửa của Nga tại một cảng Liên Hiệp Châu Âu. Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản cũng cam kết tương tự. Như vậy toàn bộ các nước giàu và dân chủ đã đồng lòng tẩy chay dầu lửa Nga, nhằm làm chế độ Vladimir Putin yếu đi trong cuộc chiến tranh tại Ukraina.
Quyết định này không dễ dàng vì châu Âu lệ thuộc năng lượng Nga rất nhiều, thế nên việc cấm vận diễn ra một cách tuần tự. Than đá bị cấm từ tháng Tám, khí đốt thì chính Putin đã khóa rô-bi-nê hầu hết đường ống dẫn sang châu Âu để toan gây áp lực. Đối với dầu thô, đàm phán giữa các nước thành viên khá vất vả vì Hungary không chỉ thân Nga mà còn không có đường ra biển, lệ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga. Rốt cuộc các bên đã đồng thuận là chỉ cấm vận đường biển, còn lại các nước tự quyết định. Ngoài Hungary, đa số nước như Đức, Ba Lan đều loan báo ngưng nhập dầu lửa Nga qua hệ thống ống dẫn.
CP chuyen
No comments:
Post a Comment