Saturday, February 25, 2023

Ý kiến: Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng tại LHQ để tránh 'phật lòng cường quốc'Tác giả,Bùi Thư


Chuyên gia nhận định rằng, các lá phiếu của Việt Nam tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine-Nga cho thấy nước này rất thận trọng và tránh “phật lòng” các cường quốc, bao gồm Nga.

Việt Nam cùng với Trung Quốc, Ấn Độ một lần nữa bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong bối cảnh tròn một năm chiến sự.

Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được sự ủng hộ của 141 quốc gia. Có 32 nước bỏ phiếu trắng (abstain) và bảy nước, bao gồm cả Nga, bỏ phiếu chống.

Đáng chú ý, 9/11 quốc gia Đông Nam Á đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết mới nhất này lên án việc Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi Nga này rút quân nói trên. Việt Nam và Lào trở thành hai quốc gia duy nhất trong khối ASEAN bỏ phiếu trắng.








NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH
Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam và Lào trở thành hai quốc gia duy nhất trong khối ASEAN bỏ phiếu trắng cho cuộc biểu quyết mới nhất của Đại hội đồng LHQ

Việt Nam tiếp tục "nước đôi"


Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Taiwan NextGen Foundation và Pacific Forum nhận xét với BBC News Tiếng Việt rằng, các lá phiếu của Việt Nam cho thấy quốc gia này vẫn rất thận trọng trong phản ứng đối với cuộc chiến Ukraine, duy trì chính sách phòng bị nước đôi trong quan hệ quốc tế, và quan trọng là tránh làm “tổn thương” hay “phật lòng” các cường quốc, bao gồm Nga.


"Nga có vị thế quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam: là đối tác chiến lược toàn diện (giữ vị thế hàng đầu trong thang đo thứ bậc về đối tác của Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc).


"Nga có mối quan hệ truyền thống và gắn bó trong lịch sử qua sự ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, kiên trì hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bất chấp áp lực từ Trung Quốc.


"Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam phải “biết thời, biết thế”, đồng thời chú ý tôn trọng và giữ thể diện cho các cường quốc. Từ ứng xử của Việt Nam đối với cuộc chiến tranh Ukraine, cho đến nay, có thể khẳng định Hà Nội đặc biệt coi trọng yếu tố truyền thống và hữu nghị trong quan hệ với Nga," tiến sĩ nhận định.


Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào 24/02/2022, Hà Nội đã kiên trì với đường lối đối ngoại mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh là "không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải".


Tuy nhiên, việc Hà Nội vẫn kiên định với lá phiếu trắng dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về lập trường "chọn chính nghĩa của Việt Nam".


Theo tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, chính nghĩa, theo lối nói của Việt Nam, là ủng hộ hoà bình, an ninh, đề cao hợp tác và không ủng hộ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, cũng không gây chiến với các quốc gia khác.


"Chính sách Quốc phòng “bốn không” của Việt Nam, ban hành năm 2019, đã khẳng định tính chất hoà bình và tự vệ. Tuy nhiên, các lá phiếu của Việt Nam, dù không sai về khía cạnh luật pháp quốc tế, có thể gây quan ngại rằng Việt Nam đang xem trọng lợi ích thực dụng hơn là đề cao các tiêu chuẩn quốc tế.


"Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, hội nhập kinh tế mạnh mẽ, mạng lưới đối tác được mở rộng, và việc được các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đánh giá cao, có thể củng cố sự tự tin của Hà Nội. Tình thế lưỡng nan về cân bằng giữa lợi ích và nguyên tắc. Có lẽ, vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng không đủ sức thay đổi phương cách ứng xử của Việt Nam trong vấn đề Ukraine," ông Sáng nêu quan sát.

Việt Nam và Trung Quốc "chung chí hướng"?


Với diễn biến mới nhất, nhiều người chỉ ra cả năm lần bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đều tình cờ biểu quyết "đồng điệu" với Trung Quốc.


Cụ thể, lần đầu tiên, ngày 1/3/2022, khi bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ, Việt Nam bỏ phiếu trắng.


Lần thứ hai, ngày 24/3, Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng.


Lần thứ ba, ngày 7/4/2022, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống.


Lần thứ tư, ngày 12/10 rạng sáng 13/10 theo giờ Việt Nam, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine.


Lần mới nhất này, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng như Trung Quốc đối với nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.








Tuy nhiên, dưới quan sát của nhà nghiên cứu Huỳnh Tâm Sáng, ông cho rằng có sự khác biệt căn bản về cách tiếp cận của Trung Quốc và Việt Nam đối với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.


"Trung Quốc đang là đối tác quan trọng hàng đầu của Nga, và quan hệ hai nước đang phát triển cả về kinh tế và an ninh. Với những khác biệt về lợi ích và ý thức hệ, Nga và Trung Quốc đang nỗ lực chung tay thiết lập một mặt trận chung chống lại Mỹ và đồng minh.


"Dù Trung Quốc khẳng định mong là bên hoà giải và khuyến khích đối thoại giữa Nga và Ukraine nhưng về cơ bản, Bắc Kinh đang tính toàn những lợi ích tốt nhất cho mình trong khi tránh can thiệp vào cuộc chiến," ông Sáng phân tích.


Đồng thời, ông cũng chỉ ra sự khác biệt, tức về phía Việt Nam, quốc gia này luôn thận trọng và nỗ lực tối đa để tránh bị lôi kéo vào nền chính trị cường quyền (great-power politics).


"Là quốc gia tầm trung, Việt Nam thiên về kêu gọi đối thoại, hoà giải. Và không giống như Trung Quốc có thể xem cuộc chiến tại Ukraine là cơ sở để xử lý mối quan hệ phức tạp với Đài Loan, Việt Nam quan sát cuộc chiến với sự thận trọng hơn và nỗ lực không để trở thành một Ukraine thứ hai, nhất là khi Việt Nam tồn tại bên cạnh một láng giềng hùng mạnh và tham vọng như Trung Quốc," ông Sáng kết luận.



No comments: