Thursday, August 17, 2023

Chuyên gia: “Đường băng mới của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn sẽ có sức tác động đáng kể với Việt Nam”


Toàn cảnh đảo Tri Tôn, hòn đảo gần đất liền Việt Nam nhất của quần đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp vệ tinh ngày hôm nay, 17/8/2023
Planet / RFA

Chuyên mục “The War zone” trên tờ Drive hôm 15/8 có bài viết của tác giả Thomas Newdick đưa tin về một công trình xây dựng mới trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát nhưng Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Theo hình ảnh vệ tinh mà RFA ghi nhận từ Planet, một công trình xây dựng có thể là đường băng cho máy bay sắp được hoàn thành trên đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa. Ước tính đường băng này dài khoảng 600 mét và rộng khoảng 14 mét. Trước đó, nơi này đã tồn tại một bãi đáp trực thăng gần một đầu đường băng đang xây dựng. Ngoài ra, trên đảo này đã có có sẵn các thiết bị quân sự như ra đa, trạm đóng quân, bến cảng. Hiện nay, dường như cùng với đường băng mới, nhiều thiết bị chưa được xác minh cụ thể cũng được lắp đặt thêm ở phía đông hòn đảo.

Đảo Tri Tôn là đảo cực tây của quần đảo Hoàng Sa, là hòn đảo thuộc Hoàng Sa gần Việt Nam nhất. Nhiều giả thuyết được đặt ra rằng nếu Trung Quốc xây dựng những cơ sở hạ tầng mới (có thể là đường băng) trên đảo này, khả năng ảnh hưởng của nó đối với an ninh của Việt Nam, Philippines cũng như khu vực biển Đông sẽ ra sao? Trong khi đó, một cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được Trung Quốc trang bị đầy đủ, vậy vì sao nước này cần thêm một đường băng ngắn nữa ở Tri Tôn?Cận cảnh đường băng Trung Quốc đang xây dựng trên đảo Tri Tôn, hòn đảo cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 100 hải lý. (Ảnh: RFA/ Planet)

Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMIT) tại Trung tâm CSIS ở Washington DC, cho biết tại AMIT, các chuyên gia đã thảo luận về những thông tin mới này. AMIT đánh giá đây có lẽ không phải là một đường băng. Nó dường như là một đường gờ, hoặc đường trên cao, với các mũi nhọn dẫn đến hai khu vực mới, nơi các tòa nhà đang được xây dựng. Với những hình ảnh vệ tinh hiện có, ông Greg Poling nói rằng chúng ta sẽ không biết nhiều hơn cho đến khi việc xây dựng tiến triển hơn nữa.

Ông Greg Poling cũng nhấn mạnh rằng, như những người khác đã chỉ ra, nó quá ngắn, chỉ khoảng 600 mét, do đó nó quá nhỏ và thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm. Vì vậy, nếu nó là đường băng, hầu hết các loại máy bay lớn khó có thể sử dụng nó. Ngoài ra, nó chỉ cách căn cứ không quân của Trung Quốc tại Đảo Phú Lâm, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa, gần 100 dặm (khoảng 150 km.)

Tuy nhiên, những chuyên gia khác như ông Raymond Powell, Giám đốc của “Gordian Knot Center for National Security Innovation”, Đại học Stanford, và ông Hoàng Việt, chuyên gia về luật quốc tế và các tranh chấp Biển Đông tại Trường Đại học Luật Tp. HCM, thì cho rằng nó là đường băng và đường băng này sẽ có sức tác động đáng kể với Việt Nam.

Ông Raymond Powell trong ngày 17/8 qua tin nhắn trả lời RFA cho rằng, kích thước rõ ràng của đường băng (khoảng 600m) không đủ dài để Trung Quốc triển khai loại máy bay chiến đấu đang đặt ở đảo Phú Lâm xa hơn về phía đông, cũng trong quần đảo Hoàng Sa. Nhưng, vẫn theo ông Powell, nó có thể đóng vai trò là nơi triển khai các máy bay tuần tra (có người lái và không người lái), có thể bay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho khả năng của Bắc Kinh trong việc thu thập thông tin tình báo và khẳng định quyền tài phán của mình đối với các khu vực này. Với căn cứ không quân gần đó tại đảo Phú Lâm đã được trang bị và hoạt động đầy đủ, việc cải tạo đất để xây dựng sân bay ở đảo Tri Tôn đến mức độ Trung Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu rõ ràng sẽ là hành động rất khiêu khích”, ông Powell xác nhận.

Còn đối với Philippines, ông Powell cho rằng đường băng mới này không có bất kỳ đe dọa mới có tính thực tế nào.

Ông Powell phân tích: “Với kích thước không lớn (dài khoảng 600 mét và rộng khoảng 14 mét) của đường băng đang xây dựng trên đảo Tri Tôn, Bắc Kinh có lẽ đã xác định trước rằng những gì họ sẽ đạt được trong việc nâng cao năng lực tác chiến sẽ không xứng với những chi phí chính trị và tài chính mà họ phải gánh chịu để làm như vậy. Một sân bay dài 600m phải đủ dài để đặt các máy bay không người lái cỡ trung bình, giúp Trung Quốc có thể tuần tra khu vực tranh chấp ở phía đông Đà Nẵng. Máy bay tuần tra có người lái nhỏ cũng là một lựa chọn”.

Tuy đường băng mới ở Tri Tôn không đủ dài, nó vẫn giúp Trung Quốc nâng cao sức mạnh trong khu vực, trước hết là nâng cao năng lực tuần tra trên vùng trời của khu vực, giúp Trung Quốc có thêm sức mạnh khẳng định chủ quyền. Ông Powell chỉ ra là Trung Quốc vốn đã có năng lực tuần tra trên biển lớn hơn đáng kể so với Việt Nam. Việt Nam chỉ có một kho dự trữ nhỏ các máy bay DHC-6 Twin Otters và CASA-212. Việt Nam đã mất một máy bay CASA-212 trong một tai nạn hồi năm 2016. Nếu Trung Quốc quyết định đặt máy bay tuần tra thường trực tại đảo Tri Tôn thì Việt Nam sẽ khó có thể sánh được với họ về khả năng triển khai máy bay hiện diện một cách tương đương trên biển.

Trung Quốc đã có nhiều năm thực hành phát triển các căn cứ quân sự trên biển. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sân bay này đang phát triển nhanh chóng, vị Giám đốc của “Gordian Knot Center for National Security Innovation”, Đại học Stanford, khẳng định.
Một số thiết bị mới được xây dựng ở phía cực đông hòn đảo Tri Tôn. (Ảnh: Planet/ RFA)

Về tác động rộng hơn tới khu vực của đường băng mới trên đảo Tri Tôn, ông Hoàng Việt, chuyên gia về luật quốc tế và các tranh chấp Biển Đông tại Trường Đại học Luật Tp. HCM, trao đổi với RFA trong ngày 17/8 rằng:

Nếu kiểm soát được cả hai quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa thì có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông rộng lớn cùng các tuyến đường hàng hải đi qua nó. Năng lực tên lửa của Trung Quốc đã bao phủ chuỗi đảo thứ nhất (đảo Kyushiu và Okinawa ở Nhật Bản, đảo Luzon ở Philippines). Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, muốn khống chế chuỗi đảo thứ nhất này về phía Biển Đông và Ấn Độ Dương thì vẫn nắm cửa ra của nó. Và đó là Hoàng Sa.

Mặc dù đã có căn cứ quân sự lớn ở Phú Lâm (cũng thuộc Hoàng Sa) nhưng Trung Quốc vẫn xây dựng đường băng trên đảo Tri Tôn gần với Đà Nẵng nhất. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng mục tiêu Trung Quốc có thể đang nhắm tới khi đi nước cờ này là muốn tạo “cơ sở pháp lý” để bao biện cho yêu sách biển. Để làm điều đó, họ cần bồi đắp đảo Tri Tôn thành một đảo lớn. Năm 2014, khi đặt giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, họ lập luận rằng vị trí giàn khoan nằm trong vùng biển thuộc Tri Tôn. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ có nhu cầu mở rộng hòn đảo này.

No comments: