Wednesday, August 2, 2023

Nga dùng luận điệu “chống thực dân” để lôi kéo các nước châu Phi - Chi Phương

HoangsaParacels:  Cũng do luận điệu hàm hồ này Hồ Chí Minh đã bay từ New York qua Moscow để tìm đường Phá Nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay tướng Ibrahim Traore, lãnh đạo quân đội Burkina Faso tại Saint-Petersburg, Nga, ngày 27/07/2023. AP - Sergei Bobylev

Sau cuộc đảo chính tại Niger gần đây, một số người biểu tình ủng hộ quân đội đã mang cờ Nga, hô vang ủng hộ Putin, đốt cờ Pháp trước cơ quan ngoại giao ở Niamey. Trong bối cảnh ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế do xâm lược Ukraina, Nga đã tăng cường siết chặt quan hệ với các nước châu Phi, bằng các tuyên bố “chống chủ nghĩa thực dân mới của phương Tây”, chủ yếu nhắm vào Pháp - từng có nhiều thuộc địa ở châu lục.
Vào tuần trước, Nga đã tổ chức thượng đỉnh Nga-Châu Phi tại Saint Petersburg, tiếp đón lãnh đạo nhiều nước và nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy “chủ nghĩa đa cực”. Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào tháng Ba cũng đã khẳng định mối quan hệ với các nước châu Phi là “một ưu tiên”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có chuyến công du “bất ngờ” , hồi tháng Hai, đến Mali, Tunisia và Maroc.

Tại châu lục này, theo trang Foreign Policy, Nga từ lâu đã sử dụng chính sách “ngoại giao ký ức”, tức là gợi lại những ký ức lịch sử tích cực trong quá khứ để củng cố ảnh hưởng và lợi ích của mình. Vào tháng 02/2022, nhân Ngày bãi bỏ chế độ nô lệ ở Nam Phi, sứ quán Nga tại nước này đã gửi đi một thông điệp, được Foreign Policy trích dẫn : “Nga là một trong số ít những cường quốc trên thế giới không có thuộc địa ở châu Phi hay ở những nơi khác. Trong quá khứ, Nga cũng không tham gia và việc buôn bán nô lệ. Nga đã giúp đỡ những dân tộc ở châu Phi, bằng mọi cách có thể, giành lại quyền tự do và chủ quyền của họ.”

Trong cuộc xâm lăng Ukraina, Nga thuyết phục các nước châu Phi rằng đây là một cuộc chiến tự vệ, trước sự bành trướng của phương Tây. Nga không tìm cách thống trị Ukraina mà hướng tới chủ nghĩa đa cực, chống lại phương Tây, tạo ra một hình thức mới về cuộc đấu tranh chống đế quốc mà các quốc gia châu Phi đã từng trải qua. Để xây dựng quan hệ với các nước châu Phi, các nhà ngoại giao Nga hứa hẹn thúc đẩy quan hệ song phương, dựa trên lòng tin, bình đẳng và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, và không giống như phương Tây. Lập luận này đã được một số quốc gia châu Phi hưởng ứng, nhất là những nước chịu thiệt hại nặng nề từ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa nô lệ.

Về cuộc đảo chính của quân đội Niger, lật đổ tổng thống dân cử Mohamed Bazoum vào tuần trước, điều đáng chú ý là một cuộc biểu tình nổ ra trước sứ quán Pháp, để bày tỏ ủng hộ hành động của quân đội. Nhiều người cầm cờ Nga, cờ Niger, hô vang ủng hộ Putin, ủng hộ nước Nga, đả đảo Pháp - quốc gia từng xâm lược biến Niger thành thuộc địa.


(Le Figaro) Sau Soudan, Trung Phi và Mali, cuộc đảo chính ở Niger có thể đẩy nước này về phe Nga ? Liệu đó có phải là sự trở lại của thuyết domino, được đưa ra dưới thời Chiến Tranh Lạnh, khi Liên Xô và Hoa Kỳ đối đầu?

Chúng ta có thể thêm Burkina Faso vào danh sách nói trên. Burkina Faso cũng đã bắt đầu theo phe Nga từ năm ngoái. Tại nước này, Matxcơva đã thông báo mở lại sứ quán Nga, đóng cửa từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1992. Nếu như điện Kremlin, dường như là bên hưởng lợi từ những biến đổi này, thì trên thực tế, hiếm khi Nga là nguồn căn tạo ra những thay đổi đó. Về phía Niger, Hoa Kỳ cho biết là không phát hiện ra dấu vết của Nga, (đằng sau vụ đảo chính). Tuy nhiên, chúng ta có thể tin rằng Nga có thể đục nước béo cò. Tại Matxcơva, nhiều người, trên mạng xã hội, những người thân cận với chính quyền bày tỏ vui mừng về sự suy yếu của Pháp và phương Tây trong khu vực. Cuộc đảo chính ở Niamey tuy nhiên đã làm người ta quên đi thành công tương đối từ thượng đỉnh Nga-Châu Phi, diễn ra tại Saint Petersburg, đại diện các nước châu Phi hiện diện thấp hơn đáng kể, so với thượng đỉnh ở Sotchi vào năm 2019.

(Le Figaro) - Tại thượng đỉnh Nga-Châu Phi, tổng thống Vladimir Putin đã nêu ra một trật tự “thế giới đa cực” và cuộc chiến “chống chủ nghĩa thực dân mới”. Với từ ngữ như vậy, phải chăng nguyên thủ Nga đang sử dụng lại chính sách ngoại giao của Liên Xô cũ ?

Chính sách ngoại giao châu Phi của Nga một phần dựa trên di sản từ Liên Xô, nhưng không chỉ có vậy. Từ những năm 2006-2007, Matxcơva đã tìm cách thiết lập lại các đối tác và các mạng lưới kế thừa từ những năm 1960-1970. Với một sự thành công nhất định, nhất là ở Algérie, Angola. Đặc biệt là Ai Cập, tại đây, quân đội quay trở lại nắm quyền vào năm 2013 đã cho phép Matxcơva và Cairo có cuộc đoàn tụ ngoạn mục. Từ năm 2014 và sự căng thẳng với phương Tây gia tăng, Matxcơva chú trọng nhiều hơn đến vấn đề an ninh và chính sách châu Phi, trong lúc việc Nga trở lại châu lục này vẫn nằm trong logic ngoại giao kinh tế hoàn toàn cổ điển của Nga.

Chính vì những yếu tố này mà chúng ta có thể coi đó là chính sách “Wagner hoá” của Nga, cũng như việc tái khởi động các diễn văn chống thực dân, mà chủ yếu nhắm vào Pháp, một cường quốc phương Tây phải hứng chịu nhiều chỉ trích nhất ở châu Phi.

Ngược lại, luận điệu của Nga về đa cực không phải là mới. Người đầu tiên đưa đa cực vào trung tâm học thuyết của Maxcơva là Evguéni Primalov, cựu lãnh đạo ngoại giao (1996-1998) và thủ tướng (1998-1999).

(Le Figaro) - Đâu là những luận điểm mà ngoại giao Nga đưa ra để thuyết phục các nước châu Phi ? Phải chăng Putin không bị coi là một đối tác yếu ớt trong con mắt của châu Phi sau ý đồ nổi loạn của Wagner, giữa lúc có chiến tranh Ukraina ?

Vụ nổi loạn của Prigozhin ngày 23-24/06 vừa qua, đã tạo lên những nghi hoặc, thậm chí là khiến một số lãnh đạo châu Phi lo ngại, đặc biệt là ở Mali và CH Trung Phi. Vụ nổi loạn này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Hiện đã có thể thấy rõ là Wagner sẽ không rút khỏi châu Phi, và cũng không có chuyện “bỏ rơi”, về mặt an ninh từ phía điện Kremlin. Các khó khăn mà quân đội Nga gặp phải ở Ukraina và thông báo kết thúc thoả thuận ngũ cốc đã gây ra nhiều thiệt hại cho Nga so với cuộc nổi loạn của Wagner.

Các luận điểm mà Matxcơva đưa ra đa dạng, tuỳ theo từng nước liên quan. Đó có thể là về thương mại, an ninh (chuyển giao vũ khí, hợp tác giữa các cơ quan an ninh, đào tạo sĩ quan..), chính trị ngoại giao (đối với các nước châu Phi, lá bài Nga cho phép có thêm khả năng hành động đối với phương Tây và Trung Quốc). Không có nhiều nước đặt cược hoàn toàn vào Nga và sẵn sàng ủng hộ Nga một cách vô điều kiện, nhất là ở Liên Hiệp Quốc, và lại càng ít nước sẵn sàng làm ngơ Nga và gây bất hoà với Nga. Về mặt này, điều duy nhất khiến điện Kremlin khó chịu là sự vắng mặt của Kenya, tại thượng đỉnh St-Petersburg, mặc dù ngoại trưởng Sergei Lavrov đã công du nước này vào tháng Năm.

(Le Figaro) - Nga tìm thấy những lợi ích nào khi xích lại gần các nước châu Phi ?

Có một số lý do nâng cao uy tín của Nga. Điện Kremlin đã tiếp đón các lãnh đạo của lục địa, các nước đang trỗi dậy và đang được ve vãn bởi nhiều tác nhân bên ngoài (châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Tiểu vương quốc Ả Rập, Brazil...) Vladimir Putin tận dụng cơ hội này để chỉ ra rằng sự cô lập mà Nga là nạn nhân, phản ánh trên hết quan điểm « dĩ Âu vi trung - lấy châu Âu làm trung tâm ». Nga cũng thúc đẩy các lợi ích về kinh tế, chắc chắn là ít hơn so với những lợi ích của phương Tây hoặc Trung Quốc.

Số lượng các giao dịch hạn chế có thể ít hơn 18 tỷ đô la vào năm 2022, là vì trên thực tế, Matxcơva hiện diện trong các lĩnh vực rất nhạy cảm : vũ khí, an ninh, năng lượng, nông nghiệp.

Nga cũng ve vãn các nước châu Phi để họ không có lập trường chống đối ở Liên Hiệp Quốc, về những chủ đề mà Nga quan tâm, mà đầu tiên là vấn đề Ukraina. Thách thức đối với Nga vào những tháng sắp tới là làm sao để có thể chứng minh là Nga hết khả năng tiến xa – « chạm trần kính » ở lục địa này. Chỉ có những hợp đồng lớn, có thể là về hạt nhân hoặc khí đốt hoá lỏng (GNL), mới có thể giúp Nga vươn lên một tầm cao mới.

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...