Monday, February 26, 2024

Ngày 28/2/1975: Cuộc họp Việt-Mỹ căng thẳng nhất trong 20 năm cuộc chiến


HÌNH ẢNH,PHỦ TỔNG THỐNG VNCHChụp lại hình ảnh,

Dân biểu Bella Abzug đứng giữa Dân biểu VNCH Trương Thị Bích Diệp và Dân biểu Paul McCloskeyTác giả,Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng thuật lại không khí căng thẳng tột độ tại cuộc họp giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phái đoàn Quốc hội Mỹ ở thời điểm cuối của Chiến tranh Việt Nam.


Mắt chớp chớp, gương mặt căng thẳng. Dường như ông đang cố gắng đè nén sự phẫn nộ để giữ bình tĩnh. Nhìn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong buổi họp hôm ấy, chúng tôi cảm nhận được sự chua cay của người lãnh đạo Miền Nam Việt Nam, một nước nghèo, thật nghèo - vì chiến tranh kéo dài mà phải nhờ vả đồng minh.


Sự xót xa đã lên cao độ sau trận chiến Phước Long, vì cho tới biến cố này, đã có nhiều giao tranh trong hai năm 1973-1974 sau Hiệp định Paris, nhưng quân lực VNCH đã chiếm lại được tất cả những khu vực bị mất đi. Bây giờ - trong bối cảnh khả năng chiến đấu bị co cụm vì sắp hết phương tiện, một tỉnh đầu tiên bị mất, lại chỉ cách Sài Gòn có khoảng 100 cây số.Hạm đội TQ suýt bị Không quân VNCH bắn chìm sau Hải chiến Hoàng Sa21 tháng 1 năm 2024


Như được ghi lại trong cuốn Bức Tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm của chính tác giả (Nguyễn Tiến Hưng) xuất bản nay mai, chính quyền Gerald Ford cũng như tất cả các nước đã ‘công nhận’ Hiệp định Paris kể cả Liên Hiệp Quốc đều phớt lờ, không có phản ứng gì cụ thể.


Tòa Bạch Ốc tuyên bố lơ mơ: “đang theo dõi tình hình một cách chặt chẽ,” và gửi văn thư tới Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, tố cáo Bắc Việt “vi phạm trắng trợn” hiệp định ngưng bắn. Chỉ có vậy.

Gói viện trợ 300 triệu USD

Ngày 24 và 25/1/1975, Tổng thống Thiệu gửi hai văn thư liên tục cho Tổng thống Ford nói tới tình trạng cạn kiệt đạn dược của quân đội VNCH vì – trong trận Phước Long - họ “phải đếm từng viên đạn trước sức mạnh hùng hậu của quân đội Bắc Việt để chiến đấu được lâu hơn.”


Ông Ford yêu cầu Quốc hội vãn hồi số tiền 300 triệu USD bị Quốc hội cắt.


Một phái đoàn gồm 6 dân biểu lưỡng đảng được phái tới Sài Gòn để ‘thẩm định’ việc hoàn lại số tiền này.


Đang lúc xính vính, cực kỳ nguy hiểm, Miền Nam lại gặp thêm một bất hạnh nữa: Đa số người trong phái đoàn lại là những người có cả một quá trình chống chiến tranh, chống viện trợ, chống Chính phủ Miền Nam. Họ thuộc cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Như vậy mà lại được phái đi để “thẩm định” xem có nên hay không nên cắt giảm viện trợ “quân sự”, cũng chẳng khác gì cử những người cả đời “ăn chay” đi thẩm định xem nên hay không nên cho mở thêm tiệm bán thịt!
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong một lần quay chương trình "Vấn đề và Giải pháp" (Issues and Answers) của truyền hình Mỹ

Xin kể ba người (trên sáu) làm thí dụ, chẳng hạn như:


Ông Paul Mc Closkey, Đảng Cộng hòa, dân biểu California, là người đã chống đối mạnh mẽ ông Nixon khi ông này ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 1972, chống Nixon trên căn bản một lập trường hoàn toàn chống chiến tranh VN. Nhưng Mc Closkey đã không thành công. Sau này, năm 2004, ông ủng hộ ông John Kerry thuộc Đảng Dân chủ, rồi trở thành Dân chủ luôn.


Bà Bella Savitzky Abzug, Đảng Dân chủ, dân biểu New York, có biệt danh là “Battling Bella” – “Bella hiếu chiến”. Nhưng bà chỉ ‘hiếu chiến’ cho những lý tưởng mà bà hằng ôm ấp như ‘nữ quyền’, ‘quyền người đồng giới tính’, ‘hòa bình’ theo kiểu ‘make love not war’ của cuối thập niên 1960, ‘chống quân dịch’ và đặc biệt là cực lực chống Chiến tranh Việt Nam.


Ông Donald Fraser, Đảng Dân chủ, dân biểu Minnesota, một người ‘lý tưởng’, luôn chủ trương phải cắt hết viện trợ cho những quốc gia không tôn trọng ‘nhân quyền’ trong khối các nước không theo cộng sản, bất kể nước đó có ở trong tình trạng chiến tranh hay không.


Phái đoàn được ‘hướng dẫn’ bởi Dân biểu John Flynt thuộc Đảng Dân chủ, một cựu quân nhân, tương đối có thiện cảm với VNCH. Nhưng ‘hướng dẫn’ hoàn toàn không có nghĩa là ‘trưởng phái đoàn’ vì các dân biểu đều ngang hàng với nhau trên vị thế, không ai hơn ai.
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Người dân Nha Trang sơ tán vào đầu năm 1975


Khi biết được thành phần phái đoàn thì chuông báo động ở Sài Gòn đã rung lên. Mặc dù đang trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, toàn thể bộ máy chính phủ, quân đội, cảnh sát đã mất rất nhiều thời giờ và công sức, họp hành liên tục để bàn tính xem nên ứng xử như thế nào, rồi chuẩn bị cho cuộc viếng thăm. Yêu cầu của phái đoàn là phải để cho họ được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn gặp ai thì gặp. Đây là một cái thế tiến thoái lưỡng nan.


Nếu đáp ứng yêu cầu này thì thật là nguy hiểm vì phái đoàn, với những thành viên có quá trình như kể trên, sẽ chỉ biết “vạch lá tìm sâu”, sẽ lợi dụng cơ hội để chụp hình, ghi âm những cáo buộc họ đã được nghe về chính phủ, để chứng minh là lập trường trong quá khứ của họ là đúng. Nhưng đang ở vào thế kẹt, phía Việt Nam phải chấp nhận tất cả mọi yêu sách. Cả một chương trình linh động được sắp xếp. Và phái đoàn sẽ được tự do muốn làm gì thì làm, muốn gặp ai thì gặp, tuyên bố gì thì cứ việc tuyên bố. Kể cả được tự do đi “thanh tra” những “cấm địa” như cơ sở quân sự, khám Chí Hòa, “chuồng cọp Côn Sơn.”


Tổng thống Thiệu còn nghĩ tới cả khía cạnh con người của bà Bella Abzug và nói với Ngoại trưởng Vương Văn Bắc trong một buổi họp: “Này ông Bắc, ông trông 'séduisant' (có sức quyến rũ), ông nên săn sóc bà Abzug giùm tôi.”


Mọi người bật lên cười, bớt chút căng thẳng.

Cuộc họp căng thẳng


Vừa đáp xuống Tân Sơn Nhất, phái đoàn đã xé lẻ, mỗi người một ngả, đi gặp đủ mọi thành phần: chống chính phủ, phản chiến, nào bà Ngô Bá Thành, nào ông Huỳnh Tấn Mẫm, nào Cha Thanh, rồi vào khám Chí Hòa phỏng vấn “tù chính trị”...


Hầu hết các câu hỏi chỉ xoay quanh những vấn đề: tham nhũng, độc tài, lạm quyền của Chính phủ Thiệu, bằng chứng Miền Nam đã vi phạm Hiệp định đình chiến.


Phái đoàn không thiết tha gì tới những vi phạm Hiệp định đình chiến của Miền Bắc, thí dụ như vận chuyển quân đội, quân cụ, đạn dược vào Miền Nam. Dân biểu McCloskey còn cố ý tới Sài Gòn ngày 24/2, trước tất cả các thành viên khác, để yêu cầu được đi thăm các trại giam tù nhân chiến tranh.
ẢNH,GETTY IMAGESChụp lại hình ảnh,

Dân biểu Bella Abzug từ lâu đã có lập trường phản chiến. Trong ảnh: Bà Abzug (đang phát biểu) trong một sự kiện phản chiến tại Đồi Capitol thời Chiến tranh Việt Nam.


Trong một bữa cơm chiêu đãi do Thủ tướng Trần Thiện Khiêm mời, bà Abzug công khai bày tỏ thái độ. Khi chủ nhân mời khách nâng ly rượu chúc mừng, bà ngồi yên, không động đậy gì cả.


Sau khi đi thăm viếng các nơi, phái đoàn trở về Sài Gòn họp với Tổng thống Thiệu ngày thứ Sáu 28/2 để đúc kết tình hình. Chúng tôi cùng tham dự để ghi chép và giúp ông về Anh ngữ những khi cần.


Vận động mãi để hoàn lại “con số 300 triệu đô la định mệnh”, Dinh Độc Lập hy vọng sau khi đúc kết tình hình và được hoàn toàn tự do trong các cuộc tiếp xúc, phái đoàn sẽ có ít nhất là một vài phát biểu có chút thiện cảm đối với Miền Nam, vì số tiền 300 triệu này là chỉ để đáp ứng nhu cầu cấp thời.
Chụp lại hình ảnh,

Dự tính phân bổ khoản viện trợ 300 triệu USD, khoản dành cho Lục quân


Như nước đổ lá khoai, mọi nỗ lực đều vô ích, diễn tiến buổi họp rất tiêu cực. Riêng chúng tôi, dù đã đoán trước là bầu không khí sẽ không được cởi mở, thân mật, nhưng không ngờ nó lại trở nên căng thẳng, hằn học đến thế.


Không thấy phái đoàn bình luận gì về nhu cầu viện trợ mà chỉ đặt những câu hỏi rất khiêu khích, cái khiêu khích của những người chỉ cố tìm những bằng cớ một chiều, để chứng minh là họ đã có một lập trường đúng trong quá khứ, không phải của những người đi tìm đâu là sự thật, chứ đừng nói tới việc tìm cách giúp một đồng minh đã cùng với Hoa Kỳ chiến đấu trong 20 năm:


– “Tại sao ông đã vi phạm Hiệp định Paris đang khi ông lại đặt điều kiện là Bắc Việt phải thi hành Hiệp định Paris?”


– “Ông đã đòi Bắc Việt rút quân như một điều kiện điều đình, ông vẫn còn muốn viện trợ quân sự?”


– “Ông muốn viện trợ kinh tế mãi sao? Chừng bao lâu nữa?”
Chụp lại hình ảnh,

Dự tính phân bổ khoản viện trợ 300 triệu USD, khoản dành cho Không quân


Tôi ghi lại từng chữ một phát biểu khác:


“Chúng tôi nghĩ rằng viện trợ Hoa Kỳ sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố, như việc thả tù binh chính trị, chống tham nhũng, việc thành lập một lực lượng thứ ba. Quý vị đã làm gì cho các vấn đề này? Chúng tôi rất quan tâm.”


Sau gần 50 năm rồi mà mỗi khi hồi tưởng tới cuộc họp này, bộ mặt căng thẳng của Tổng thống Thiệu vẫn còn hiện lên rõ ràng trong trí nhớ chúng tôi.


Bà Bella Abzug thì mặt đằng đằng sát khí. Bà dân biểu Millicent Fenwick (New Jersey) thì cứ tiếp tục phì phèo ống điếu ngay trong buổi họp và trước mặt một tổng thống.

Bữa tiệc cuối tại Dinh Độc Lập


Sáng hôm sau, Tổng thống Thiệu điện thoại cho chúng tôi thật sớm. Với một giọng đầy phẫn nộ, ông nói: “Mấy người phách lối này không có ngay đến cả một phép lịch sự tối thiểu đối với đồng minh. Anh soạn cho tôi mấy câu để tôi đọc trong bữa tiếp tân chiều nay.”


Để giúp tôi có một khái niệm, ông gọi tôi vào văn phòng và cho tôi xem một phần của hồ sơ Dinh Độc Lập. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đọc một số tài liệu quan trọng này.


Chiều ngày 1/3, Dinh Độc Lập mở tiệc khoản đãi các vị “quốc khách” (tại Phòng Khánh tiết) vì hôm sau phái đoàn lên đường ra về. Dù có tin đồn là một số khách sẽ tẩy chay không đến dự, nhưng rồi tất cả mọi người trong phái đoàn đều đã đến đúng giờ. Tại bàn tiệc, nhân viên nghi lễ lại sắp xếp cho bà Abzug ngồi đối diện ngay với chúng tôi. Ngồi xuống rồi, mấy phút sau bà ta mới mở cái mũ thật bự trên đầu ra. Đội cái mũ này, bất cứ ở nơi nào, là “thói quen” hay “cách tạo dáng” đặc biệt của bà.


Đã nghiên cứu trước về con người này, chúng tôi tìm đủ cách làm cho bà ta thoải mái và có thái độ hòa nhã hơn. Nào là nói về những chuyến đi thăm Brooklyn (vùng phụ cận New York) nơi sinh trưởng của bà, nào là về đường Mott Street ở Phố Tàu New York vì bà thích ăn cơm Tàu. Phòng Hành chính Dinh Độc Lập còn đặt những món ăn hấp dẫn từ nhà hàng Bát Đạt ở Chợ Lớn cho bà thưởng thức.


Nhưng chẳng ăn thua gì. Bà ta chỉ nhoẻn miệng cười, rồi ngồi yên, làm như không nghe tôi nói gì.


Sau vài ly rượu vang dường như để cho mạnh giọng lên, Tổng thống Thiệu đứng lên đọc bài diễn văn vào lúc sắp kết thúc:


“Trong hai mươi năm qua, nhân dân Miền Nam đã được nghe đi nghe lại lời nói của năm vị tổng thống Hoa Kỳ, thuộc cả lưỡng Đảng.


Những lời đó đã được các vị dân biểu nước Mỹ liên tục ủng hộ, là Hoa Kỳ quyết tâm cung cấp cho Việt Nam Cộng Hòa đầy đủ viện trợ chừng nào họ còn sẵn sàng chống lại sự xâm lăng của cộng sản để bảo vệ tự do của họ.


Lời cam kết đó đã được nhắc lại một lần nữa trong dịp ký kết Hiệp định Paris.


Vấn đề giản dị là như thế này: 'Liệu những lời cam kết ấy của Hoa Kỳ có còn giá trị nào không?' Đó là thông điệp tôi muốn quý vị chuyển tới Đại hội thứ 94 của Quốc hội Hoa Kỳ.”
 HÌNH ẢNH,TƯ LIỆUChụp lại hình ảnh,

Phòng Khánh tiết Dinh Độc Lập, nơi diễn ra buổi tiệc chiêu đãi đoàn Quốc hội Hoa Kỳ


Rồi dường như không kiềm chế nổi, ông đi ra ngoài bản văn đã soạn và nhấn mạnh từng chữ:


“Tôi xin phép được ngợi khen những người bạn đích thực của chúng tôi đang hiện diện ở đây về sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của họ. Tôi xin phép được nhắc lại ở đây ý nghĩa của một câu ngạn ngữ Việt Nam: Quà tặng đã quan trọng, nhưng cách tặng quà còn quan trọng hơn nhiều."


Chắc bà Abzug chẳng nghe thấy câu này vì bà dường như đã ngủ say trên bàn tiệc, sau mấy ngày ngược xuôi đi tìm chứng cớ chống viện trợ. Bà gục đầu xuống, cái cằm mỡ chạm tới ngực. Mặt bà đờ đẫn, chẳng còn để ý tới người chủ tiệc đang đứng nói gì.


Không khí buổi tiệc thật căng thẳng. Bỗng một cơn gió mạnh thổi thốc qua lớp cửa kính lớn mở ngỏ. Những ngọn nến trên các chúc đài cao bằng bạc trên bàn tiệc theo nhau phụt tắt. Nến rớt vung vãi. Gió tiếp tục thổi. Lớp màn cửa mỏng màu trắng (sau màn vàng) tung bay lất phất, trông như những lá cờ đầu hàng.


“Một điềm gở đấy,” tôi ngoảnh mặt sang thì thầm với ông Philip Habib, Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Habib gật đầu như đồng ý.


Đó là quang cảnh bữa tiệc buổi chiều ngày 1/3/1975 tại Dinh Độc Lập. Tòa nhà này: từ khi Dinh Toàn quyền Đông Dương thời thuộc địa – gọi là Dinh Norodom - được Tổng thống Ngô Đình Diệm thu hồi và đổi thành Dinh Độc Lập thời Đệ nhất rồi tới Đệ nhị Cộng hòa, đã chứng kiến biết bao nhiêu biến cố, bao nhiêu buổi hội họp lịch sử, cùng với những buổi tiếp tân, những bữa tiệc chiêu đãi quan khách.Bão tố Trung Đông: Bài học của VNCH 1973 cho Ukraine 202318 tháng 10 năm 2023


Dịp khoản đãi Phái đoàn Quốc hội Mỹ chiều thứ Bảy, ngày 1/3/1975, là bữa tiệc chót ở khuôn viên lịch sử này.


Đây cũng là cử chỉ trang trọng cuối cùng của Miền Nam Việt Nam đối với một nước đồng minh sau 20 năm kết nghĩa xương máu.


Qua đặc vụ, chắc chắn Bộ chính trị ở Hà Nội đã theo dõi sát sao cuộc viếng thăm của phái đoàn Quốc hội từ đầu cho đến cuối để quyết định xem có nên khởi động ngay tức khắc cuộc tổng tấn công Miền Nam hay không.


Về tới Washington, phái đoàn đã không đạt được đồng thuận nên Quốc hội vẫn quyết định cắt thêm 300 triệu đô la viện trợ quân sự. Và đây là tín hiệu bật đèn xanh rõ ràng nhất cho Miền Bắc, sau khi các tín hiệu khác đã liên tục nhấp nháy từ khi Phước Long thất thủ.

‘Chiến dịch Tây Nguyên’


‘Tây Nguyên’ là miền đồi núi mà Miền Nam gọi là Cao nguyên Trung phần. Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng ghi lại trong hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân (1977) thì “Việc chọn lựa địa điểm nào để mở màn chiến dịch này lại là một để tài tranh luận tại Hội nghị (của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương).” Nhưng sau cùng đã “chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp nơi năm 1975.”




Khi thái độ của phái đoàn Quốc hội Mỹ đã rõ rệt, Bắc Việt đợi cho họ rời khỏi Sài Gòn rồi mới bắt đầu khởi động. Hai ngày sau khi phái đoàn đã về tới Washington bình yên, sáng ngày 4/3/1975, quân đội Bắc Việt mới tiến quân để chốt lại Quốc lộ 19 giữa cao nguyên và vùng duyên hải.
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGESChụp lại hình ảnh,
Quân Việt Nam Cộng hòa vào năm 1975


Về địa thế thì trước đây người Pháp luôn quan niệm rằng: bên nào giữ được vùng cao nguyên thì giữ được vùng duyên hải Trung phần, và trong việc giữ cao nguyên thì bằng mọi giá phải giữ cho được Quốc lộ 19 giữa An Khê và đèo Mang Yang. Liên đoàn lưu động số 100 của Pháp (từng có kinh nghiệm ở chiến tranh Triều Tiên) đã bị tiêu diệt hoàn toàn ở nơi đây, rồi quân trú phòng ở Kontum cũng phải rút về Pleiku. Trong cuộc chiến 1965-1973, hoạt động của quân đội Bắc Việt cũng thường tập trung vào khu vực Kontum-Pleiku, nơi có những trận đẫm máu như Pleime, Ia Drang, Dakto.


Một tuần sau khi chốt Quốc lộ 19, ngày 10/3/1975, quân đội Bắc Việt khai hỏa ở Ban Mê Thuột vào lúc 2 giờ sáng.


Nơi đây, lực lượng của VNCH chỉ có khoảng 3.000 quân đồn trú, trong đó phần lớn lại là thành phần hậu cần của sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, nghĩa là không phải hoàn toàn là thành phần tác chiến. Dù vậy, khi bị tấn công ào ạt, quân trú phòng vẫn chống trả mạnh mẽ, và ban ngày với sự yểm trở của không quân, đã phản kích quyết liệt. Tuy nhiên, trước sức mạnh áp đảo – với hơn 3 sư đoàn bộ binh và thiết giáp cùng với pháo binh yểm trợ, quân đội Bắc Việt đã làm chủ được thị xã Ban Mê Thuột vào lúc 11 giờ sáng ngày 11/3/1975.


Xem như vậy, đối với VNCH, cuộc họp nảy lửa Việt-Mỹ tại Dinh Độc Lập ngày 28/2/1975 quả là một hồi chuông báo tử vì đã phát đi tín hiệu bật đèn xanh thật rõ ràng.


* Bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.

No comments:

Mật vụ Ukraine 'tung hoành' ở Moscow như thế nào? Tác giả,Zhanna Bezpiatchuk, Ilya Barabanov, Tom Santorelli

HÌNH ẢNH,BỘ QUỐC PHÒNG NGAChụp lại hình ảnh,Trung tướng Igor Kirillov của Nga - người bị giết tại Moscow vào hôm 17/12 Các nguồn tin của BBC...