Hơn 43 năm trôi qua, từ ngày Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ-11 rời bỏ quê hương rạng sáng đêm 30 tháng 4 năm 1975, theo đoàn chiến hạm Hải Quân VNCH di tản sang Phillippines và rồi sau đó bàn giao lại cho Hải Quân Hoa Kỳ trưa ngày 07-05-1975 trước khi tiến vào Subic Bay, một căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ tại viễn đông. Trên đường di tản HQ-11 đã chở theo 458 người gồm đủ các thành phần dân, quân, cán, chính nhưng chỉ vỏn vẹn có 48 người trực thuộc thuỷ thủ đoàn vì một nửa số nhân viên cơ hữu đã được phép rời tàu về tìm kiếm gia đình. Sau khi lên bờ tại Subic Bay, 48 anh em HQ-11 đã lặng lẽ tan hàng và trôi dạt mỗi người một phương rồi mất dấu nhau từ đó.
Mãi đến năm 2012, sau 37 năm lưu lạc, mới nối kết liên lạc với nhau nhờ kỹ thuật tin học, lúc đầu chỉ vài ba người rải rác khắp nơi trên thế giới. Người thì di tản từ năm 1975 định cư tại Hoa Kỳ và Canada, kẻ vượt biên theo diện tị nạn sang nước Úc kể lại cho nhau nghe cuộc đời trôi nổi gian truân của mình từ đêm định mệnh con tàu tách bến ra đi, những nỗi khó khăn khi bắt đầu cuộc sống mới cho riêng mình và vợ con thân thuộc. Dần dần anh chị em tìm đến mỗi ngày một đông và Gia Đình HQ-11 được thành hình để chia sẻ buồn vui, thăm hỏi lẫn nhau giữa các chiến hữu chung một con tàu của một thời chinh chiến xa xưa.
Đặc biệt vào thời điểm tháng Tư hàng năm, anh chị em HQ-11 đều có chung một niềm khắc khoải nhớ về cái chết của Thượng Sĩ Nhất Vô Tuyến NGUYỄN BÀN, người duy nhất trên chiến hạm hy sinh trong trận đụng độ với quân Cộng Sản tại eo biển Cà Ná khi Phan Rang vừa thất thủ. Cái chết của anh Bàn làm cho anh em ngậm ngùi thương tiếc, nhất là khi anh mất đi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, vợ con anh không đủ thời gian để nhận lãnh món tiền tử tuất 12 tháng lương và tiền cấp dưỡng cô nhi quả phụ. Càng xót xa hơn nữa khi thấy mỗi năm HQVN tại hải ngoại tổ chức trang trọng lễ tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa 19-01, tuyên dương 74 tử sĩ Hoàng Sa được đồng hương quý trọng, quyên góp giúp đỡ đều đặn dù cho thân nhân các tử sĩ này đã được nhận lãnh các quyền lợi tử tuất của chính phủ VNCH thời trước. Trong tháng Tư nghiệt ngã năm xưa, chúng ta đã có ít nhất 3 chiến hạm đụng độ với Việt Cộng trên bờ khiến cho nhiều chiến hữu hy sinh trong những giờ phút cuối cùng oan nghiệt để rồi trở thành những cái chết vô danh chìm trong quên lãng. Đó là Hải Vận Hạm Hàn Giang HQ-401 bị phục kích trên đoạn sông Cửa Lớn khi vào tiếp tế cho Căn Cứ Hải Quân Năm Căn ngày 09-04-1975 gây tổn thất nhân mạng khá cao cho thủy thủ đoàn và số quân nhân quá giang thuộc các đơn vị trực thuộc Vùng 5 Duyên Hải, Hộ Tống Hạm HQ-11 đụng độ với xe tăng T.54 tại eo biển Cà Ná chiều 17-04-1975 gây cho Thượng Sĩ Nhất Bàn tử thương và Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ-503 lọt vào tầm đạn pháo chiều ngày hôm sau 18-04-1975 gây cho 5 chiến hữu hy sinh và 20 chiến hữu thương tích nặng nề, trong đó có vị Hạm Trưởng Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Lộc trúng mảnh đạn pháo vào đầu, mang vết thương trên đầu trong suốt 30 năm làm kiếp di tản buồn, vết thương hành hạ triền miên, cuối cùng chết trên bàn giải phẫu khi lấy mảnh đạn vào tháng 3/2005.
Thân nhân của những chiến hữu hy sinh đó hầu như không nhận được sự giúp đỡ nào trong suốt 43 năm qua. Vì thế, Gia Đình HQ-11 trong những năm qua đã cố gắng tìm kiếm tông tích vợ con anh Nguyễn Bàn. Cuộc tìm kiếm khá nhiều gay go, ngay chính tên tuổi của anh cũng không còn nhớ chính xác, chỉ biết rằng anh quê quán ở Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa, ý muốn tìm lại thân nhân anh chẳng khác nào mò kim đáy biển.
Hai năm trước, trong sự thôi thúc của Hạm Trưởng Phạm Đình San, anh chị em đồng một tâm nguyện làm sao tìm lại được vợ con anh Nguyễn Bàn để chúng ta được thanh thản không mang mặc cảm bỏ rơi thân nhân chiến hữu đã nằm xuống cho chúng ta được sống đến ngày nay. Anh San đã nhắc lại những kỷ niệm với anh Bàn trước những ngày anh mất, anh đã nhận tin vợ con chạy loạn từ Nha Trang vào đến Sài Gòn bình an, đang tá túc nhà thân nhân. Ham Trưởng San có hứa sẽ cho anh đi phép khi chiến hạm được về Vũng Tàu nhận tiếp tế để anh Bàn có thể rời tàu về chăm sóc vợ con sau những ngày chạy loạn đầy gian nan, nguy hiểm và nhất là chị Bàn vừa sinh đứa con mới được một tháng. Nhưng lời hứa trên đã không thể thực hiện được khi quả đạn pháo oan nghiệt của quân thù trực xạ ra chiến hạm với khoảng cách chưa đầy một cây số, đã bắn thủng thành tàu từ phía tả hạm rối xuyên qua 3 vách sắt phòng xuyên qua phòng tắm Hạ sĩ quan, hành lang và phòng ngủ thượng sĩ rồi xuyên ra ngoài bên hữu hạm. Anh Bàn đã ngã gục nơi hành lang, vĩnh biệt vợ con và các chiến hữu không kịp để lại một lời trăn trối.
Ký ức của tôi và các anh em chẳng bao giờ quên lễ tiễn đưa anh Bàn tại sân lái chiến hạm. Trong màn đêm mịt mùng giữa biển khơi gió lộng, ai nấy đứng nghiêm, gương mặt trĩu buồn với bài điếu văn đẫm lệ mà Hạm Trưởng San ứng khẩu đọc trong buổi tối hôm đó làm cho ai nấy nghẹn ngào, bao năm qua tôi còn nhớ đoạn kết sau đây:
"Anh Bàng ơi! Trước khi thân xác anh được chuyển giao về đất liền và giao trả lại cho vợ con anh lần cuối, anh sẽ được an nghỉ vào lòng đất quê hương, giờ đây anh đã làm tròn bổn phận của người trai thời loạn và đã đền xong nợ nước. Chúng tôi nguyện cầu linh hồn anh được thảnh thơi an nghỉ. Cũng xin anh che chở cho chúng tôi, những chiến hữu cùng anh chiến đấu chống lại bọn Cộng sản trong trận chiến khốc liệt này được bình an để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quê hương. Chào vĩnh biệt anh!"
Đến tháng 3 vừa qua, hai anh Phạm Đình Ninh và Huỳnh Văn Niên ở Nam California đề nghị đăng tin lên Facebook tìm thân nhân anh Bàn và nhờ cô Linh Huyền một cựu Trung sĩ Nữ Quân nhân trước phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân dò tìm tin tức thân nhân anh Bàn. Bản tin dù sai về tên họ của anh nhưng đã nhận được nhiều tin hồi đáp, khích lệ. Cho đến đầu tháng Tám năm nay, tin vui chợt đến do anh Hồ Tấn Thuần, một người bạn cùng Khóa 1 Hạ sĩ quan với anh Bàn thụ huấn năm 1962 tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang nhắn tin cho biết đã tìm ra nơi cư trú của chị Bàn và các cháu trong thành phố Nha Trang kèm theo địa chỉ và số điện thoại liên lạc nữa. Tin vui bất ngờ ập đến với tất cả anh chị em Gia Đình HQ-11 sau bao năm khổ nhọc kiếm tìm “Biết bao thư cậy mối nhờ”… Nhận được tin báo vào lúc 3 giờ sáng giờ miền Đông Úc châu làm tôi tỉnh ngủ hẳn. Chỉ vì không biết anh Bàn xuất thân khóa nào nên phí nhiều thời gian như thế, tôi chỉ đoán anh ấy từng học tại Nha Trang vì có chuyên nghiệp ngành Vô Tuyến, nơi đào tạo các quân nhân đoàn viên ngành Điện tử, Thám xuất, Vô Tuyến, Giám lộ, Điện khí và Cơ khí tại đây.
Nhớ những lần tìm kiếm những anh em trên HQ-11 khác, sao khá dễ dàng vì tôi được biết rõ ràng tên họ, khóa học và quân trường xuất thân của các anh ấy: Nha Trang, “Lưu Đày” Thủ Đức, OCS, Cam Ranh hoặc các khóa Đặc Biệt… Nhờ internet và Facebook ngày nay, tìm nhau chỉ trong thời gian ngắn là đã có hồi âm, nói chuyện được rồi. Riêng trường hợp anh Bàn suốt mấy năm nay vẫn dậm chân tại chỗ. Thành phố Nha Trang của miền thùy dương cát trắng, nơi có quân trường Hải quân tôi đã theo học một thời, nếu trở về thăm lại chốn xưa có khác nào Từ Thức về làng, đóng vai “ông tóc hoa râm”, hay “ông già tóc bạc” nào đó đứng ngẩn ngơ bên lề đường, thăm lại ngôi trường cũ với bao ngậm ngùi nhớ lại thời trai trẻ. Nhớ lại ngày xưa Kim Trọng chỉ sau nửa năm ngắn ngủi về thọ tang, lúc trở về cảnh cũ người xưa không còn ở đấy nữa:
Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu dương lại nhà
Vội sang vườn Thúy dò la
Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa
Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Vì thế, tìm lại thân nhân anh Bàn là bao nỗi khó khăn ngại ngùng như thế đó. Dù cho Nha Trang để lại trong ký ức chúng ta bao kỷ niệm khó quên với con đường Duy Tân, Độc Lập đã từng in dấu giầy trong những ngày cuối tuần đi bờ với bộ đồ tiểu lễ trắng, những đêm canh gác Biệt điện Bảo Đại, xóm Chụt có món phở gà và bánh mì thật ngon quyến rũ, những buổi thực tập vận chuyển lái chiếc tiểu vận đĩnh LCVP tại Cầu Đá chập chững cuộc đời hải nghiệp. Riêng tôi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đã được lái chiếc LCVP đầu tiên tại Nha Trang và cũng chính tôi lái chiếc LCVP chở các anh em HQ-11 ở lại với quê hương trong đêm di tản 29-04-1975, chấm dứt mộng hải hồ. Cũng nhờ kinh nghiệm lái tàu này nên tôi có cơ hội điều khiển con tàu chở người vượt biển ra đi tị nạn trong ngày Giáng sinh năm 1980. Quân trường Nha Trang đã đào tạo được bao hạm trưởng lỗi lạc cho Hải Quân Việt Nam cũng bắt đầu từ chiếc tiểu đĩnh LCVP và biết bao “thuyền trưởng bất đắc dĩ” điều khiển những chiếc ghe bé nhỏ mỏng manh chở đồng bào vượt biển sau này. Đoàn Hạm Đội 32 chiếc của HQVN ra đi trong ngày di tản đến Subic Bay do các vị hạm trưởng chỉ huy nhưng vẫn nhờ đến các chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ giúp đỡ, tiếp tế và dẫn dắt mới đến hải cảng Subic Bay. Riêng các chiếc tàu ghe vượt biển, thiếu thốn mọi thứ nhưng với lòng dũng cảm vô biên, vận dụng mọi kiến thức học hỏi được trong những năm tháng quân trường đã đưa trăm ngàn đồng bào đến được bến bờ tự do mà một số hạm trưởng tài ba ngày xưa kém may mắn không thể đưa con thuyền mong manh đến bến, đành bỏ thây dưới lòng đại dương oan nghiệt.
Sáng hôm đó, tôi điện thoại cho anh Nguyễn Đình Đằng cùng cư ngụ trong thành phố Melbourne, cùng xuất thân từ Khóa 1 Hạ sĩ quan Chuyên Nghiệp như anh Hồ Tấn Thuần và anh Nguyễn Bàn. Khóa 1 HSQ nhập ngũ từ năm 1962, cùng thời với Khóa 12 SVSQ/HQ/Nha Trang, thụ huấn hơn một năm qua các giai đoạn Tân khóa sinh, Sơ đẳng Chuyên nghiệp, rồi đi thực tập tại các chiến hạm vài tháng, cuối cùng trở về quân trường học giai đoạn cuối Hạ sĩ quan Chuyên nghiệp để ra trường với cấp bậc Trung sĩ Chuyên Nghiệp. Anh Đằng sau khi ra trường với cấp bậc Trung sĩ Bí Thư, thuyên chuyển xuống Giang Đoàn 23 Xung phong rồi theo học khóa sĩ quan ở Trường Bộ binh Thủ Đức. Anh may mắn được trở về Hải Quân và năm 1967 thuyên chuyển ra TTHL/HQ Nha Trang giữ chức Trưởng phòng Nhân Viên kiêm Chánh Văn phòng cho CHT Hải Quân Đại Tá Đinh Mạnh Hùng (sau này vinh thăng lên Phó Đề Đốc) và giảng dạy một môn học cho SVSQ từ Khóa 17 đến Khóa 26. Anh là người duy nhất trong cả hai khóa 1 và 2 HSQ lên đến cấp bậc Thiếu tá. Nhờ chuyên nghiệp ngành Bí thư và trí nhớ tốt, anh Đằng còn nhớ rất nhiều bạn trong khóa của mình.
Chờ đến 10 giờ sáng theo múi giờ miền Đông nước Úc, tôi gọi điện thoại về cho chị Bàn tại Việt Nam lúc đó là 7 giờ sáng. Sau nhiều hồi chuông reo, tôi hồi hộp khi nghe tiếng một phụ nữ giọng Bắc cất lên làm tôi khá ngạc nhiên. Sau khi xưng danh và cho biết điện thoại từ Úc châu, chị Bàn xác nhận đúng là vợ của anh Bàn. Thế rồi cơn xúc động dâng trào đến với chị khi biết tôi cùng phục vụ trên HQ-11 cùng với chồng chị sau những năm dài dò hỏi. Với giọng Hà Nội dịu dàng thanh thoát, chị cho tôi biết chị di cư vào Nam từ năm 1954 cùng với người mẹ góa bụa, ở vậy nuôi con từ khi chồng mất khi chị vừa tròn 2 tháng. Mẹ chị vao Nam sinh sống tại thành phố Nha Trang, lúc đó chị mới 9 tuổi, giáo xứ Phước Hải của người Bắc di cư theo đạo Thiên chúa giáo. Anh Bàn lớn hơn chị 2 tuổi, sinh năm 1943 nhưng tuổi trong giấy tờ ghi năm 1944, cùng học trường trung học Võ Tánh. Sau khi anh Bàn nhập ngũ năm 1962 rồi ra trường với cấp bậc trung sĩ bí thư, hai người gặp lại nhau và tình yêu nẩy nở từ đó. Anh chị kết hôn sau đó ít lâu, xây dựng mái ấm gia đình dưới sự bảo bọc của mẹ vợ rất thương quý con rể, anh Bàn đã được những năm tràn đầy hạnh phúc bên người vợ trẻ đẹp và những đứa con lần lượt ra đời khi anh được phục vụ tại quân trường Nha Trang làm huấn luyện viên giảng dạy ngành Vô Tuyến cho các khóa sinh thủy thủ thụ huấn Sơ đẳng Chuyên nghiệp. Sau đó là những lần xa cách khi xuất ngoại sang Mỹ tu nghiệp, lãnh tàu, thuyên chuyển xuống các Giang đoàn vùng châu thổ sông Cửu Long và cuối cùng về Hộ tống Hạm HQ-11 cho đến ngày anh tử trận. Chị kể lại những ngày đen tối của đời chị khi cùng mẹ già bồng bế đàn con 5 đứa, cháu gái lớn nhất mới 10 tuổi, cháu út mới sinh vừa tròn 1 tháng chạy giặc từ Nha Trang vào đến Cam Ranh theo đoàn người trốn chạy Cộng sản trong những ngày đầu tháng Tư 1975. Đến Cam Ranh, chị và 4 cháu nhỏ thất lạc mẹ và cháu gái lớn nhất, chị theo xe chở vào quân cảng trong bán đảo Cam Ranh, may mắn lên được một chiến hạm HQVN chạy vào Vũng Tàu. Riêng cháu gái và mẹ chị lạc đàn nhau, phải xuống một chiếc xà lan do thương thuyền Mỹ kéo chạy vào Nam. Trên xà lan nóng nực đông người, không có thức ăn nước uống nên rất nhiều người chết thảm trên đó. Mẹ chị và cháu cũng kiệt sức, chứng kiến thảm cảnh hãi hùng theo đoàn người chạy loạn nhưng may mắn về tới Vũng Tàu được cứu thoát. Chị Bàn và các con, mẹ già gặp lại nhau tai khu Xóm Mới nhà người chú họ, nơi mà anh Bàn thường hay tá túc tại đó mỗi khi chiến hạm về nghỉ bến Sài Gòn. Gặp lại nhau sau lần chạy loạn thập tử nhất sinh mà bóng dáng anh Bàn ra đi biền biệt, vì thế chị thường bồng đứa con mới sinh ra bến xe gặp ai mặc quân phục Hải quân hỏi thăm tin tức về HQ-11 của anh Bàn. Dĩ nhiên hầu hết đều lắc đầu không biết, cho đến một ngày chị gặp một sĩ quan Hải quân mang cặp táp hỏi thăm về chiến hạm của anh Bàn bao giờ về bến, vị này mới bảo cho chị biết vừa mới nghe tin chiến hạm bị bắn chiều qua, có mấy người bị thương, chị vào Bộ Tư Lệnh hỏi sẽ biết chi tiết hơn. Có lẽ vong linh anh Bàn đã báo cho chị nên hỏi đúng người, chị tức tốc thuê xe xích lô máy bồng con vào BTL/Hải Quân hỏi thăm tin tức chiến hạm của chồng bị bắn ra sao? Lính gác đưa chị vào phòng tiếp tân, bảo chị ngồi chờ khá lâu có đến 15 phút. Cuối cùng có một vị sĩ quan ra gặp, trên tay cầm một tờ giấy. Vị này hỏi chị rất nhiều câu hỏi để xác nhận chị có đúng là vợ của Thượng sĩ Nhất Vô Tuyến Nguyễn Bàn hay không, từ Nha Trang di tản vào Sài Gòn tạm trú ở đâu, địa chỉ Xóm Mới liên hệ bà con thế nào? Chị vừa trả lời vừa ngạc nhiên thắc mắc sao ông này hỏi gì lắm thế?! Cuối cùng viên sĩ quan này mới bảo: “Chị cứ yên tâm ẵm con về nhà nghỉ ngơi, tàu của anh Bàn sắp về tới, sẽ cặp cầu Cát Lái. Thế nào hạm trưởng sẽ cho anh ấy về phép thăm chị và các cháu ngay. Chuẩn bị thức ăn cho anh Bàn sắp về tới nhé”. Chị quá vui tưởng thật, chào ông ấy rồi vội vã ra về. Về nhà ông chú chừng đâu một tiếng, chị đang ẵm con ngồi trên chiếc võng bên nhà hàng xóm, chợt nghe tiếng xôn xao và tiếng khóc của mẹ mình vang lên, kêu gào thảng thốt. Nhìn ra thấy chiếc xe Jeep của Hải Quân có cần ăng ten và các ông Hải Quân đang nói chuyện với mẹ mình. Đó là phái đoàn của BTL/Hải Quân đến nhà báo tin anh Nguyễn Bàn tử trận. Chị nhận tin mà cảm thấy trời đất quay cuồng, ngất đi ngất lại mấy lần, họ hàng xúm lại an ủi, khuyên lơn, cố gắng mà sống nuôi 5 đứa con còn nhỏ dại. Phong ba bão táp ập xuống từ chiều hôm đó, chị đã ôm con khóc lóc như mê sảng, nhờ người mẹ hiền lúc nào cũng bên cạnh chị vỗ về an ủi, tuy rằng bà vẫn chưa lại sức sau chuyến hải trình trên chiếc xà lan đầy đói khát hãi hùng. Nhờ thân nhân hết lòng giúp đỡ, họ đạo giúp may áo tang cho chị và 5 đứa con mồ côi cha từ đây để ngày mai ra Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nhận xác chồng và cử hành tang lễ tại đó:
THƯƠNG CA 1
LÊ THỊ Ý
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
Bài thơ với từng câu, từng chữ đầy ắp đau thương uất nghẹn trên đây giống như hoàn cảnh của chị trong buổi chiều hôm ấy nhận tin chồng tử trận lúc chị vừa tròn 30 tuổi và ngày hôm sau chị cùng các con và các họ hàng thân thuộc vào nghĩa trang nhận xác chồng, nghẹn ngào nhìn mặt anh lần cuối. Chị không được nhìn thấy mặt anh, đã khóc ngất bên xác anh, thôi thế từ đây đôi ta đã vĩnh viễn xa nhau, mười một năm hương lửa mặn nồng nay nửa đường đứt gánh. Tưởng rằng chạy giặc từ Nha Trang với muôn trùng khó khăn nguy hiểm, tưởng được gặp anh như mỗi lần tàu anh về bến như lời viên sĩ quan đã đem hy vọng cho chị sau những ngày mỏi mòn chờ đợi, ngờ đâu gặp lại anh trong cảnh nghiệt ngã như thế này đây! Mẹ già và những người thân thuộc luôn bên cạnh chị an ủi vỗ về trong những giờ phút đắng lòng nhất đời chị, năm đứa con thơ từ nay chị phải thay anh nuôi dưỡng trong lúc vận nước càng ngày càng đen tối. Chị đã lấy quyết định cho chồng được an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thay vì an táng tại nghĩa trang giáo xứ tại Xóm Mới nơi chị và các con tá túc hơn 10 ngày qua.
Hôm sau tang lễ anh Bàn được cử hành với đầy đủ lễ nghi quân cách của quân đội VNCH dành cho người lính tử trận. Chủ tọa buổi lễ là vị Hạm Phó HQ-11 Hải Quân Thiếu Tá Trần Đức Huân được Bộ Tư Lệnh Hạm Đội chỉ định chỉ huy toán quân nhân HQVN đến cử hành nghi lễ phủ cờ, gắn huy chương Anh dũng bội tinh, truy thăng cấp bậc từ Thượng Sĩ Nhất Vô Tuyến lên Hải Quân Chuẩn Úy Đoàn Viên ngành Vô Tuyến cho tử sĩ Nguyễn Bàn. Đặc biệt Hạm phó Trần Đức Huân cùng quê quán Nha Trang, cùng tuổi với anh Bàn và cùng phục vụ với nhau 2 năm trên HQ-11 nên có rất nhiều kỷ niệm gắn bó. Anh Huân được đi phép vào cuối tháng 3/1975 và anh cũng bị cuốn vào vùng khói lửa khi Nha Trang di tản, may mắn anh đã đưa gia đình chạy vào Sài Gòn bình an. Với tâm trạng rối bời của đất nước đang hồi ngả nghiêng, từng phòng tuyến lần lượt lọt vào tay địch, không biết tương lai chính mình rồi sẽ ra sao? Lúc đó anh cũng vừa có quyết định thăng cấp Thiếu tá đang chờ phương tiện ra chiến hạm thì nhận tin chiến hạm bị bắn có chiến hữu thương vong, rồi anh được lệnh thượng cấp lo liệu tang lễ cho người bạn của mình. Ngày cử hành tang lễ cho anh Bàn, nhìn cảnh vợ bạn và năm đứa con thơ phủ phục bên quan tài người chồng vắn số, đó là một ngày buồn thảm của đời anh. Để rồi 12 năm sau, anh Huân cũng đã ra đi vì bạo bệnh chỉ sau 3 năm đến Úc tị nạn, giã biệt vợ hiền cùng 4 đứa con ngày 27-07-1987.Cuộc điện đàm của tôi gọi về cho chị sau những phút bỡ ngỡ, vui mừng vì bỗng nhiên sau hơn 43 năm từ sau ngày chồng chết, chị không hề nhận được một tin tức gì của những người bạn của chồng trên chiến hạm HQ-11 năm xưa. Nay bỗng nhiên có một chiến hữu cũ của chồng mình cách xa cả nửa vòng trái đất gọi về gợi lại cả một khung trời đau thương tang tóc từ những ngày nhận tin chồng chết và những ngày đau khổ, cơ cực phải lam lũ gồng gánh xuôi ngược bán buôn để nuôi các con còn thơ dại. Tôi lắng nghe chị kể lại những năm tháng cơ cực hẩm hiu của chị mà tê tãi cõi lòng, đôi mắt cay xè khi nghe chị kể lại nỗi niềm u uất mà bao năm qua chị giữ kín trong lòng không hé môi thổ lộ với bất cứ ai. Cảm thương cho chị cùng chịu chung số phận như mẹ chị, góa chồng ở vậy nuôi con, đói no thủ tiết thờ chồng, sắt son vượt qua những cạm bẫy cuộc đời trong những chuyến buôn từ Ba Ngòi, Cam Ranh về đến Nha Trang để có chút tiền nuôi con, nuôi mẹ già lẫn cả mẹ chồng trong những năm tháng túng quẫn dưới sự kềm kẹp cai trị hà khắc của bọn bạo quyền Cộng sản ngăn sông cấm chợ với những lần chị bị bọn chúng bắt giữ mất sạch vốn liếng. Cho đến khi đứa cháu gái lớn nhất của chị học xong trung học, cháu không được lên đại học vì lý lịch của bố, cháu thấy tương lai quá đen tối nên năn nỉ mẹ hết lời để chị xiêu lòng cho cháu ra đi theo làn sóng người thuyền nhân bỏ nước ra đi. Nếu đi thoát, cháu sẽ có cơ hội giúp đỡ mẹ và các em cơ cực ở trong nước, còn chẳng may không đến được bến bờ tự do thì xem như con đã theo bố hy sinh trong những ngày tàn cuộc chiến, mẹ hãy xem như con không có hiện diện trong đời, mẹ chỉ có 4 đứa con thôi mẹ nhé!? Rất may cháu đã vượt biển an lành và đến trại tị nạn Palawan. Tại đây cháu được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho đi tị nạn với diện cô nhi, con tử sĩ QLVNCH. Chị kể lại hồ sơ bổ túc cho cháu cũng khá gay go vì phái đoàn Mỹ đòi hỏi phải chứng minh bố cháu là quân nhân với tên họ, cấp bậc, số quân, giấy tờ, hình ảnh nếu có để họ cứu xét. Cháu phải viết thư về Việt Nam cho chị để biết số quân anh Bàn, mà tất cả giấy tờ của anh Bàn chị đã đốt hết, may nhờ vong hồn anh Bàn phù hộ sao đó, chị tìm lại được tấm hình căn cước của anh Bàn mặt sau có ghi đầy đủ tên họ và số quân của anh ấy. Thế là chị gửi cho cháu số quân vừa tìm thấy, kèm thêm 5 tấm hình chụp tang lễ của anh Bàn tại nghĩa trang quân đội năm xưa gồm có toán quân đứng dàn chào trước khi hạ huyệt, hai quân nhân đứng nghiêm bên cạnh quan tài, lễ phủ cờ, tuyên dương công trạng và lễ xếp cờ. Tất cả năm tấm hình trên cháu đã nộp cho phái đoàn Mỹ để được chấp thuận cho đi định cư theo diện tị nạn Hoa Kỳ. Cuộc đời của chị bớt tăm tối từ dạo đó, trưởng nữ của chị là một người con hiếu thảo, ngoài việc lo liệu cuộc sống mới cho mình học hành thành tài, cháu còn gửi quà về giúp đỡ mẹ, bà ngoại và các em, bảo bọc em gái vượt biên… Chị cũng đã có thời gian qua Mỹ thăm và sống với các con bên Mỹ, nhưng còn mẹ già cần phụng dưỡng nên chị phải trở về quê hương sống bên cạnh mẹ cho đến khi bác qua đời mấy năm trước, hưởng thọ 92 tuổi.
Tìm lại được vợ con anh Bàn là một niềm vui lớn cho các anh chị Gia Đình HQ-11 tại hải ngoại. Thế là sau những cú điện thoại thăm hỏi chị sau hơn 43 năm cách biệt, mừng vui pha lẫn những giọt nước mắt cảm thương cho cuộc đời hẩm hiu đen tối của chị phải vất vả nuôi dưỡng năm đứa con thơ từ ngày chồng chết. Thế là những món quà của các anh chị em từ Úc, từ Hoa Kỳ và Canada gửi về cho chị để chia sẻ nỗi niềm đau thương cùng chị và các cháu và cũng la những nén hương lòng thắp lên bàn thờ anh Bàn trong ngày vui tìm gặp lại chị và các cháu. Được chị gửi qua email những tấm hình chụp tang lễ của anh Bàn nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa năm xưa vào một ngày buồn thảm, tin tức chiến sự dồn dập đầy bi quan cho quê hương khốn khổ. Tuy vậy anh Bàn đã được quân đội dành cho một tang lễ đầy đủ lễ nghi quân cách của một chiến sĩ hy sinh cho tổ quốc với nghi thức phủ cờ, tuyên dương công trạng, gắn huy chương và truy thăng cấp bậc.
Tiếc rằng vận nước đã đến lúc suy vong, gia đình chị chỉ được giúp đỡ một tạ gạo và một ít tiền chợ do BTL/Hải Quân trao tặng và không đủ thời gian để nhận tiền tử tuất và cấp dưỡng cô nhi quả phụ ....(?)
No comments:
Post a Comment