Monday, October 17, 2016

Đảo nhân tạo của TQ lớn và đáng sợ hơn ...



Các chuyên gia và giới phân tích của Mỹ phủ nhận tác động tiềm tàng của những đảo nhân tạo đối với cán cân quyền lực ở khu vực. Nhưng sự kết hợp giữa các các năng lực chống hạm và phòng không tiên tiến của Trung Quốc lại gây ra những tác động rất lớn. Washington cần phải nghiêm túc đánh giá và sẵn sàng có phương án đối phó hữu hiệu.

Chắc chắn là các bạn theo dõi tin tức – Trung Quốc đang nạo vét các rạn san hô và tạo các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm thực thi yêu sách được gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với khu vực bên trong “Đường chín đoạn” và kiên quyết không dừng xây dựng bất chấp phán quyết của Toà Trọng tài ở La Hay. Trong khi Mỹ và các nước khác lớn tiếng phản đối chiến dịch xây dựng đảo của Trung Quốc, các chuyên gia và giới phân tích của Mỹ phủ nhận tác động tiềm tàng của những đảo nhân tạo đối với cán cân quyền lực ở khu vực. Một nghiên cứu gần đây của RAND cho rằng:

“Một số tên lửa SAM và máy bay chiến đấu có thể được triển khai ở các căn cứ này… nhưng chúng ít có khả năng sống sót chỉ sau vài giờ giao chiến với các lực lượng của Mỹ nếu một xung đột quân sự cường độ cao xảy ra”. 

Một nhà phân tích khác cho rằng những căn cứ trên không có khả năng thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực. Ông này cho rằng, 

“trong kỉ nguyên của các vũ khí có tính chính xác cao, bất cứ và hầu như tất cả các mục tiêu cố định đều có thể bị dễ dàng tiêu diệt.” 

Nhưng sự kết hợp giữa các các năng lực chống hạm và phòng không tiên tiến của Trung Quốc – cùng với quy mô lớn của các đảo nhân tạo – khiến Washington phải đánh giá nghiêm túc về tác động tiềm tàng của các căn cứ này đối với kế hoạch ngoại giao và sẵn sàng tác chiến của Mỹ cũng như nghiên cứu các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn quá trình quân sự hoá tiếp tục mở rộng tới mức tối đa. 

Mở rộng ở Trường Sa: Các sân bay mới của Trung Quốc cho thấy quyết tâm triển khai lực lượng lớn ở đây 

Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố rằng dự án cải tạo đảo của họ không có mục đích quân sự và Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc không có ý định quân sự hoá các đảo nhân tạo. Trên thực tế, những bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các sân bay và hệ tầng quân sự đang được xây dựng. Các công trình trọng điểm tập trung trên “Bộ ba khủng” (Big Three): Bãi Chữ Thập, Đá Subi, và Bãi cạn Vành Khăn. Cả ba đảo nhân tạo mới sẽ có đường băng dài khoảng 3 km (khoảng 10,000 foot), cảng nước sâu, và các nhà chứa máy bay được gia cố để có thể cất giữ 24 máy bay chiến đấu cũng như máy bay ném bom, máy bay chở nhiên liệu, và các máy bay có trang bị hệ thống radar cảnh báo sớm. Các cơ sở vật chất để phục vụ sân bay đang được xây dựng cũng ấn tượng không kém. Ví dụ, quy mô của sân bay Chữ Thập không kém gì so với một căn cứ không quân ở lục địa Trung Quốc (trên ảnh là Căn cứ Không quân Toại Khê, nhìn Hình 1) cho thấy sân bay Chữ Thập có thể được xây dựng để hỗ trợ một đơn vị chiến đấu cơ cỡ trung đội (đáng chú ý, Trung Quốc đang trong quá trình cơ cấu lại các đơn vị không quân theo lữ đoàn đa chủng loại máy bay, nhưng phân tích về quy mô tạm thời dừng ở đây).
Hình 1: So sánh đảo Chữ Thập và Căn cứ Không quân Toại Khê ở Trung Quốc lục địa
Dễ thấy ở ba đảo chính còn có tuyến đường dài 400 mét với sân tennis và bóng rổ, cũng như các khối nhà liên tiếp nhau nơi có thể là trại lính, sở chỉ huy, công xưởng và nhà kho. Trung Quốc công khai thảo luận các kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân di động để cung cấp điện cho các đảo. Với hơn 24 nhà chứa máy bay đang được xây dựng ở ba căn cứ lớn sẽ cho phép tất cả máy bay chiến đấu của bất kỳ trung đội nào của Trung Quốc có thể được lưu giữ bên trong nhà ở mỗi đảo. Thực tế này cho thấy đây không phải là các sân bay nhỏ để dành cho máy bay thỉnh thoảng ghé thăm. Có vẻ đây là các căn cứ không quân chủ chốt đang dần hình thành. 

Ai đó có thể nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không triển khai các máy bay trên những hòn đảo này với mục đích chống lại sự can thiệp của Mỹ. Trên hết, “một đội bay Su-27s cất cánh khỏi căn cứ Chữ Thập có thể nhanh chóng bị tiêu diệt trong một vài giờ đồng hồ khi cuộc chiến ở Biển Đông bắt đầu”. Nhưng nếu không có ý định như vậy, tại sao lại xây dựng ở đó. Ngay cả trước khi xây đảo, Trung Quốc cũng dễ dàng đè bẹp các đối thủ ở khu vực với lực lượng lớn các tàu chiến trên mặt nước, một tàu sân bay và máy bay cất cánh từ các căn cứ trong lục địa. Nếu Trung Quốc xây dựng chỉ một đảo với hàng chục máy bay, nước này đã có thể giành được thế áp đảo hơn với các nước khác ở khu vực. Nhưng, thay vào đó, Trung Quốc xây dựng “Bộ ba khủng”, mỗi cơ sở lớn đủ sức chứa một trung đội (hay lữ đoàn) chiến đấu cơ và các máy bay hỗ trợ. Từ góc độ này, 3 trung đội trên ba hòn đảo có thể hình thành một sư đoàn chiến đấu cơ, một đơn vị với hơn  17,000 nhân sự, và một cam kết triển khai lực lượng cho thấy Trung Quốc đang ngắm đến một đối thủ lớn hơn nhiều. 

Giương khiên: Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống chống kiểm soát/chống thâm nhập trong một thời gian ngắn 

Nếu Trung Quốc xây dựng “Bộ ba Khủng” để có khả năng răn đe hoặc chống lại sự can thiệp của Mỹ ở khu vực, kế hoạch của Trung Quốc có thể bao gồm việc triển khai các hệ thống lồng ghép để chống can thiệp, chống thâm nhập và chống kiêm soát, điều mà Mỹ lo lắng bấy lâu. Với sự triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 (SAM), tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 (ASCM), chiến đấu cơ J-11 ở Đảo Phú Lâm (tiền đồn của Trung Quốc ở Hoàng Sa), nhiều người có thể dự đoán sẽ có sự bố trí tương tự ở “bộ ba khủng”, có thể cùng với các tên lửa đạn đạo có tính chính xác cao (SSM) và tên lửa đối đất (LACMs) của các đơn vị tên lửa của Quân đội Giải póng Nhân dân Trung Quốc (được biết đến trước kia với tên gọi là Quân đoàn Pháo binh số 2).
Hình 2: Bố trí quân sự của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa)
Nếu xem xét tầm bắn (Hình 3), ta có thể thấy Trung Quốc có thể nhanh chóng thiết lập một lưới đạn đan cài và hỗ trợ nhau ở toàn bộ Trường Sa cũng như ô yểm trợ của tên lửa ASCM đối với toàn bộ vùng lõi của Biển Đông. Trước kia, các lực lượng quân sự Mỹ có thể hoạt động từ các sân bay ở phía Nam Philippines, ngoài tầm bắn của các tên lửa đạn đạo thông thường và tên lửa hành trình đặt trên mặt đất. Hiện nay, Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ quân sự và sân bay của Mỹ và đồng minh trên khắp lãnh thổ Philippines, thậm chí cả Singapore, với tên lửa đối đất ĐF-21C hoặc tên lửa hành trình CJ. 

Các địa bàn như biển Sulu và Celebes trước kia thường là thánh địa cho các tàu sân bay Mỹ, bên ngoài phạm vi hoạt động của tên lửa chống hạm DF-21D (ASBM), thì nay đã lọt vào tầm ngắm của các hệ thống phóng tên lửa ASBM đặt trên các đảo. Những diễn tiến này có thể tiếp tục thách thức khả năng của các tàu sân bay và không lực Mỹ để có thể hoạt động trong khoảng cách không cần có tiếp dầu trên không (khoảng 500 hải lý) với mức độ rủi ro có thể chấp nhận được trong bất kỳ chiến dịch tấn công Trường Sa nào.
  
Hình 3: Hệ thống chống kiểm soát/chống thâm nhập của Trung Quốc ở Biển Đông
Tình thế còn tồi tệ hơn nếu Trung Quốc xây dựng và tiếp tục quân sự hoá căn cứ đảo tương tự ở Bãi cạn Scarborough, nơi mà Trung Quốc đã giành được từ Philippines năm 2012 và tăng cường hoạt động ở đó gần đây. Phạm vi của hệ thống A2/AD của Trung Quốc lúc đó có thể mở rộng bao phủ toàn bộ khu vực bên trong đường lưỡi bò. 

Cuối cùng, do tất cả các hệ thống A2/AD tân tiến của Trung Quốc đều là hệ thống di động, nước này có thể triển khai một lực lượng quân sự lớn trong một thời gian ngắn – bởi tất cả các đảo lớn của “bộ ba khủng” đều có cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận các phương tiện vận tải di chuyển trên bánh xe. Thực ra, chỉ cần một trong số các đảo này cũng có thể chuyên chở số lượng nhân sự, xe tải và xe vận tải cỡ lớn. 

Căn cứ không quân trên đảo trong Kỷ nguyên Vũ khí chính xác. Cái Lý của Gã Khờ? 

Liệu Trung Quốc có thể nghiêm túc nhận định rằng các căn cứ đảo trên có thể sống sót trong thời gian dài trước một cuộc tấn công của Mỹ. Cân nhắc ba yếu tố sau: 

1. Trung Quốc có quyết tâm lớn khi xây dựng “bộ ba khủng” 

2. Trung Quốc theo dõi chặt chẽ lực lượng quân đội Mỹ trong một vài thập kỷ trở lại đây. Lực lượng và lãnh đạo Trung Quốc rất hiểu các khả năng của Mỹ. 

3. Lãnh đạo của Quân đội Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc không phải là những kẻ ngốc. Họ đang triển khai các biện pháp để đảm bảo các căn cứ của họ có cơ hội sống sót trong một trận chiến kéo dài.
 
Hình 4: So sánh đảo Subi và căn cứ Trân Châu Cảng của Mỹ ở Hawaii
Với điểm thứ nhất, bạn phải hiểu rằng quy mô của các đảo đã nói rất nhiều về quyết tâm của Trung Quốc. Tìm hiểu về chiến dịch bồi đắp của Trung Quốc, thường người ta chỉ nhắc đi nhắc lại bao nhiêu ngàn mẫu đã được xây dựng. Nhung hãy xem những so sánh sau: Chữ Thập không chỉ là đường băng nhỏ trên một bãi cạn. Như đã nói ở trên, các cơ sở hạ tầng của căn cứ này lớn tương đương với các căn cứ không quân chiến đấu ở trên lục địa và có một cảng lớn. Đá Subi còn rộng hơn khoảng 50% về diện tích, và có hải cảng nước sâu có chiều dài khoảng 2 dặm. Ước lượng bằng mắt giữa Subi và Trân Châu Cảng cho thấy một cơ sở khổng lồ mà Trung Quốc xây dựng từ con số không (Hình 4)

Bây giờ, hãy xem Vành Khăn. Dự án bồi đắp và xây đảo của các bên yêu sách khác xem ra chả thấm gì so với Vành KHăn. Cơ sở hạ tầng của tất cả các nước khác cộng lại ở Trường Sa mới chỉ bằng một nửa quy mô của Vành Khăn. Một điểm khác để so sánh, mặt bằng của Vành Khăn ngang ngửa với diện tích của Quận Columbia. Trung Quốc rõ ràng đang đặt cửa rất lớn vào những căn cứ đảo mới của họ.
Hình 5: Bãi cạn Vành Khăn với các sân bay ở các cấu trúc địa lý do các nước khác kiếm soát: Đảo Thị Tứ (Philippines), Đảo Trường Sa (Việt Nam), Bãi Hoa Lau (Malaysia), và Đảo Ba Bình (Đài Loan) (góc trái trên), Bản đồ Quận Columbia (DC) (góc phải dưới, cùng tỉ lệ)
Giả sử rằng Trung Quốc đã biết đến các khả năng ra đòn chính xác của Mỹ (và tất nhiên là Mỹ có), Trung Quốc sẽ hành động ra sao để đảm bảo khả năng phòng thủ của các điểm đảo trong một cuộc chiến tranh quy mô. Đầu tiên, cần nhắc lại một lần nữa rằng hệ thống vũ khí tân tiến để chống can thiệp đều là rất cơ động. Nếu nó triển khai ở một mũi đá nhỏ nào đó thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu nó cơ động trên một hòn đảo có diện tích lớn như Subi hoặc Vành Khăn, những hệ thống này không còn là các mục tiêu tĩnh đang nằm chờ tên lửa đối phương. Vành Khăn trải dài trên phạm vi khoảng 8 dặm. Nếu lái xe ở tốc độ cao cũng phải mất tới 10 phút. Trên đó, có rất nhiều cơ sở để Trung Quốc có thể phân tán các hệ thống di động tới mức mà đối phương không thể đơn giản bắn “rải thảm” hòng tiêu diệt chúng. (Thử tưởng tượng xem sẽ còn phức tạp tới mức nào nếu nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ngay gần đó). Ngay cả khi không quân Mỹ có khả năng hoạt động ở ngoài tầm với của các chiến đấu cơ và tên lửa của Trung Quốc, không có gì đảm bảo để thành công. Ngay cả khi Mỹ sử dụng không lực áp đảo để tìm diệt các hệ thống phòng không di động như trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991”, thậm chí khi sĩ quan điều khiến có thể quan sát rõ ràng các hệ thống TEL di động của đối phương, chỉ có 8 trong số 42 mục tiêu đã bị tiêu diệt.

Trên thực tế, khả năng các hệ thống A2/AD ẩn nấp trong các công trình sẽ gây khó khăn cho các hệ thống vũ khí chính xác:
Xe tải có thể được ẩn nấp trong rừng hoặc trong các toà nhà … hoặc nhiều cấu trúc giống như lều dã chiến, rất mờ trên radar. không đủ rõ để tấn công. Một số phương tiện nghi binh rẻ tiền có thể được triển khai. Một công ty tư nhân của Nga đã phát triển các hệ thống tên lửa phòng không giả từ cao su có thể bơm căng … Cuối cùng, các mục tiêu có giá trị được bảo bởi các hệ thống tên lửa chiến trường tầm ngắn, bao gồm cả súng có radar điều khiển.
  
Hình 6: Minh họa hệ thống IADS với các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn hỗ hợp, phát triển bởi NORINCO, một nhà tập đoàn quốc phòng của Trung Quốc.
Cuối cùng thì cái gì đang được xây dựng trên các đảo hiện nay. Chúng ta có thể thấy những cấu trúc lăng trụ không rõ nguồn gốc, có khả năng là các toà tháp có thể được trang bị súng hoặc tên lửa tầm ngắn. Chúng được xây dựng để bảo vệ mỗi góc của các đảo (các cụm hỏa lực?). Mỗi cấu trúc lăng trụ riêng lẻ có diện tích và hình thù giống nhau với trang bị súng phòng không đã được triển khai ở tiền đồn nhỏ nhất ở đá Gaven. Điều đó cho thấy mỗi góc của các đảo lớn sẽ được thiết lập các cứ điểm phòng thủ bao gồm 5 hoặc 6 súng phòng không hoặc bệ phóng tên lửa tầm ngắn (xem Hình 6). Sử dụng các hoả lựa dày đặc tầm ngắn để tiêu diệt các tên lửa hướng đến có thể tương tự chiến thuật phòng thủ để bắn hạ các máy bay cảm tử kamikazes trong Chiến tranh Thế giới II. Về bản chất, mối đe doạ cũng tương tự: các máy bay nhỏ mang nhiều chât nổ bay từ hướng biển với tốc độ thấp hơn âm thanh với phi công cảm tử.

Đáng chú ý, các căn cứ đảo của Trung Quốc được hình thành từ đầu do đó có khả năng các cứ điểm này đã được thiết kế biện pháp đối phó với các cuộc không kích bằng tên lửa có tính chính xác cao. Ví dụ, khuyến nghị gần đây của Trung Tâm Chiến lược và Ngân sách đã giảm khả năng huỷ diệt của các tên lửa dẫn đường bao gồm:

1) Hoạt động từ các cụm cứ điểm để buộc kẻ thủ phải phân tán các cuộc công kích ra nhiều mục tiêu … tăng khả năng phòng thủ bằng cách sử dụng lợi thế các hệ thống lưới phòng thủ tên lửa và phòng không tương hỗ đặt tại mỗi cụm cứ điểm khác nhau (xem hình ảnh minh hoạ yểm trợ tương hỗ và đan xen ở phía trên) 

2) Tăng tính bền vững của các căn cứ bằng các phân tán các cơ sở hạn tầng, gia cố các mục tiêu trọng yếu tiềm tàng, buộc đối phương phải sử dụng các vũ khí có độ xuyên phá sâu (xem minh hoạ các nhà chứa máy bay cũng như các kho nhiên liệu ngầm được gia cố và phân tán ở nhiều vị trí như trên Hình 7) 

3) Chuyển theo hướng phòng thủ tên lửa và phòng không tầm ngắn và tầm trung để tăng độ dày của hệ thống phòng thủ và buộc đối phương phải chấp nhận phí tổn lớn hơn (ví dụ, buộc phải thay đạn phòng không tiêu điểm bằng các đạn TLAM và JASSM giá trị hàng triệu đô la)
Hỉnh 6: hệ thống IADS với các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn hỗ hợp, phát triển bởi NORINCO, một nhà tập đoàn quốc phòng của Trung Quốc.
Không có đáp án dễ dàng 

Với không lực đủ mạnh, các cứ điểm đảo của Trung Quốc có khả năng bị tiêu diệt. Lời giải cho bài toán chống lại hệ thống A2/AD dạng này đã có trong Học thuyết Tiếp cận Tác chiến hỗn hợp (Joint Operaational Access Concept), Khái niệm chung đối với Tiếp Cận và Vận động trong Không gian chung (Joint Concept for Access and Maneuvre in the Global Commons, JAM-GC) và Chiến lược Bù đắp lần thứ ba (Third Offset Strategy). Nhưng thực ra, vấn đề là cần phải tốn bao nhiêu sức lực và chấp nhận rủi ro đến mức độ nào, hoặc phải tốn bao nhiêu thời gian để có thể vô hiệu hoá những cứ điểm này trong một cuộc xung đột quy mô. Có vẻ là phí tổn để làm như vậy không hề nhỏ như mọi người vẫn nghĩ. 

Để đảm bảo Mỹ tiếp tục có khả năng để đáp ứng những cam kết theo các hiệp định và duy trì thượng tôn pháp luật trên biển ở Biển Đông với phí tổn ở mức chấp nhận được, Mỹ cần hành động cụ thể. Thứ nhất, Mỹ cần phải công khai mong muốn của mình rằng Trung Quốc sẽ phải làm đúng những gì họ đã hứa là không quân sự hoá quy lớn các tiền đồn của họ ở Biển Đông, trong khi tăng cường các Chiến dịch Bảo đảm Tự do Hàng hải (FONOP) để củng cố hiệu lực của phán quyết của Toà trọng tài ở La Hay đối với Trung Quốc. Cần phải thực hiện các thăm dò, khảo sát để xác định độ sâu mà Trung Quốc đã nạo vét trong vũng nước bên trong của Subi và Vành Khăn – dù sao, đây cũng là vùng biển quốc tế. Thứ hai, Mỹ cần phải tăng tốc triển khai các khái niệm chiến lược và chiến dịch đảm bảo khả năng tiếp cận như đã trình bày ở trên, cũng như là phát triển các hệ thống vũ khí liên quan cho mục đích đó. Cuối cùng, khi việc xây dựng “bộ ba khủng” đang sắp hoàn thành, Mỹ cần theo dõi chặt chẽ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng A2/AD chuẩn bị được triển khai, từ đó có biện pháp toàn diện (full-spectrum) và nỗ lực của toàn bộ chính quyền (whole-of-government) để sẵn sàng ngăn cản khả năng đó. Trong vài tháng tới, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ cần xác định mức độ mà họ sẽ hành động để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục quân sự hoá ở các đảo. Liệu chỉ có phản đối ngoại giao, hoặc Washington có sẵn sàng chấp nhận triển khai một chiến dịch phong toả tương tự như cách xử lý vụ Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Có một loạt các lựa chọn khác giữa hai giới hạn đó nhưng vẫn chưa được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc. 

Một số chuyên gia về Trung Quốc cho rằng Trung Quốc chơi trò Cờ Vây (một trò chơi về vị trí) trong khi Mỹ chơi bài poker – thách thức đối phương phải xuống tiền đặt cược. Bằng cách các bước đi táo bạo để thiết lập những vị trí mới ở Biển Đông, mục tiêu của Trung Quốc có thể là đẩy Mỹ vào một vị thế phải đối diện với những lựa chọn khắc nghiệt: đặt toàn bộ tiền cược lên bàn và chấp nhận rủi ro lớn đến mức hoặc là chấp nhận mất mát hoặc là gập bài và đi về. Mỹ cần phải làm những gì cần làm ngay để đảm bảo trò chơi không tiến triển đến thời điểm đó. 

Thomas Shugart là Chuyên gia Quân sự cao cấp tại Trung Tâm An ninh Mỹ mới và sĩ quan chiến tranh tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Các quan điểm trong bài là của tác giả và không đại diện cho lập trường của Hải quân, Bộ Quốc phòng hay Chính phủ Mỹ. Bài viết được đăng trên War on the Rocks

Biên dịch: ĐỗThanh Hải

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...