Sunday, December 3, 2017

Anh là ai?- Trịnh Kim Tiến

HoangsaParacel:  Được tôi luyện qua các cuộc đấu tranh, hoa hậu Trịnh Kim Tiến ngày càng sắc sảo qua các cuộc phỏng vấn, bài viết trên facebook. Bộ côn an chỉ đáng xách dép cho em.
Trịnh Kim Tiến - Tựa không chỉ lời bài hát cũng không phải tôi hát trong đồn sau khi bị đánh, "anh là ai?" là câu nói được lặp nhiều nhất trong đoạn đối thoại giữa tôi và an ninh tỉnh Khánh Hòa ngày hôm qua.
Kỳ 1: Buổi trưa sau khi phiên tòa kết thúc

Quá phẫn uất trước bản án đối với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tôi đã không thể nhẫn nhịn thêm. "Mẹ Nấm vô tội", "đả đảo phiên tòa bất công"... tôi vừa đi vừa lấy hơi từ cổ họng, hô vang nhất mà tôi có thể. Tôi thấy, xung quanh tôi, một bầy bịt mặt.

Tôi biết chúng tôi sẽ bị đánh, sẽ bị cướp, nhưng tôi không nghĩ đến người mẹ già đang đi kêu gào công lý cho con bọn chúng cũng không chịu nương tình. Bọn chúng tôi trẻ, bọn chúng tôi khỏe, bọn chúng tôi chấp nhận chịu đòn để được nói điều chúng tôi muốn nói. Thế nhưng cô ấy, người phụ nữ già đầu tóc đã bạc trắng, có người con gái nhỏ đang phải chịu oan sai, hai đứa cháu thơ đang bơ vơ mất mẹ, cô ấy cũng không thể thoát khỏi cơn khát máu của những con thú hoang.

Trong khi chúng lao vào tôi một cách đầy dữ tợn, bằng mọi cách cướp lấy điện thoại trên tay tôi. Trong khi tôi chẳng còn biết mình bị đánh vào những đâu và bao nhiêu người đánh, trước mắt tôi là những đôi tay to khỏe đang nện từng nện vào đầu và ngực một bà già.

Tôi muốn lao đến đỡ cho cô những cú đòn tàn độc nhưng không thể, liên tục có tay ai đó kẹp vào cổ tôi, siết thật mạnh cho tôi không thể thở, những phát đấm khiến cho tôi không thể lại gần. Tôi thấy một người đàn ông già lao đến đỡ đòn cho mình, là cậu của Quỳnh, chú ấy lao vào giằng tôi ra khỏi sự tàn bạo, nhưng không thể, bầy thú tiếp tục lao vào một đông hơn, tôi muốn đẩy chú ra và hét lớn, "chú đi đi, mặc kệ con" vì tôi không thể chịu đựng khi nhìn chú bị đòn. Tôi chẳng thể nói được điều ấy vì chúng lại kẹp cổ tôi mất rồi. Tôi nhớ đến bố tôi, người đã bị chúng giết, ông chết vì cổ bị chúng đánh trật xương. Tôi trào dâng sự căm phẫn tột cùng. Lúc ấy tôi biết chúng muốn giết tôi như đã từng làm điều đó với bố mình.

Tôi lả đi, nhưng biết rằng có đến năm, sáu tên đàn ông to khỏe đang bốc vác tôi lên xe sau khi đã kéo tôi ra khỏi bạn bè. Một lúc sau khi lên xe, tôi thấy chúng lôi chú Hùng cậu Quỳnh, đánh gáy anh Thanh, đẩy nốt vào xe. Và sau này khi ra khỏi hang ổ lũ bất nhân thì tôi biết thêm đã có nhiều người bị đánh nặng vì đỡ đòn cho tôi. Cô Dương Thị Tân vì không thể chịu nổi khi chúng đấm và đầu tôi đã lao từ vỉa hè xuống, chúng đã chẳng ngại ngần đấm liên tục vào ngực người phụ nữ trung niên. Chị Nguyệt bị bọn chúng đấm và giữ tại đồn Xương Huân. Em Ngân lao vào ôm tôi, bị chúng phang liên tiếp lên đầu và Peng vì đăng hình lúc đó mà bị cướp sạch tiền bạc, điện thoại và giấy tờ. Anh Đôn cũng bị cướp mất điện thoại khi đưa lên chụp hình nhưng may mắn hơn Peng là anh không bị chúng tung cước liên hoàn.

Kỳ 2: Trong các trụ sở

Tại công an xã Vĩnh Lương

Tôi, chú Hùng và anh Thanh bị đưa về công an xã Vĩnh Lương, một nơi rất xa trung tâm thành phố. Chúng yêu cầu tôi ngồi riêng một buồng, còn chú và anh ngồi riêng.

Tại đây tôi mệt, rất mệt, tôi kéo lấy cái ghế và gác chân. Nằm ra ghế và nhắm mắt lại định tâm cho mình. Những người được lệnh "tháp tùng" chúng tôi đến đều mặc thường phục. Chẳng có chức vụ rõ ràng nhưng lại có chức năng giam giữ người dân.

Khi vừa đến, bị giam lỏng một mình trong phòng bởi những kẻ chẳng có quyền ấy, để biểu thị sự phản đối của mình nên tôi vớ lấy chai dầu gió đã hết trên mặt bàn ném mạnh xuống đất. Những mảnh thủy tinh vương vãi trên sàn nhà, tôi chẳng nghĩ đến việc tự thương hay tự tử đâu, tôi không phải là người như thế. Tôi chỉ muốn cho họ biết, tôi đang phản kháng đến cùng với bạo quyền.

Sau một lúc thì có hai người mặc sắc phục an ninh đến và đi vào phòng, lúc này tôi mệt và tôi tiếp tục nhắm mắt nằm im trên ghế.

Có lẽ do địa chỉ bắt cóc chúng tôi bị phát hiện nên sau đó họ buộc phải yêu cầu tôi ra ngoài để đi sang một nơi khác. Tôi nói không muốn đi, một người mặc thường phục đi theo từ nơi đánh người lớn giọng và kéo tay tôi: "Đi không? Đi hay muốn bị lôi đi?" Tôi cười nhìn anh ta và nói "không đi, thích thì lôi đi".

Một người khác gàn lại, đó là một trong hai an ninh mặc cảnh phục, tên của anh ta là Ngô Xuân Phong, "người quen cũ" từng phải nhận nhiệm vụ làm việc với tôi năm 2014 tại phường Lộc Thọ, Nha Trang. Anh gạt người xô đẩy tôi sang một bên và dụ ngọt: "Em nghe anh đi sang nơi khác làm việc, rồi anh trả em điện thoại". Nếu tôi còn là cô gái đôi mươi thì có khi sẽ tin là thật, nhưng năm nay con tôi cũng đã lên bốn rồi. Tôi đồng ý đi chẳng qua là vì không muốn để mình bị khiêng như một con heo nữa, tôi có gì đâu ngoài cái xác mang theo, còn họ có dư đủ công cụ và xác thịt để đối xử khốn nạn với tôi.

Tôi nói với anh ta "ừ, thì đi! Nhưng mà xách giầy cho tôi ra". Khi ngồi trong đó vì những cú đá nên chân tôi đau, tay tôi cũng đau, lại lỡ tháo ra rồi không thể vứt giầy lại.

Tôi đi chân trần đằng trước, người thanh niên mặc thường phục đòi quăng tôi lên xe lúc nãy xách đôi dép tôi theo sau.

Trịnh Kim Tiến

No comments: