Monday, December 11, 2017

‘Mỹ có 3 phương án quân sự với CS Triều Tiên nếu ngoại giao thất bại’

Theo trang Word.kbs.co.kr, cựu chỉ huy tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Đô đốc về hưu James Stavridis ngày 11/12 cho rằng, ngoài một cuộc tấn công phủ đầu, Mỹ còn có 3 phương án quân sự nếu biện pháp ngoại giao không giải quyết được vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Theo ông Stavridis, các phương án đó là phong tỏa đường biển, tấn công mạng và tăng cường phòng thủ tên lửa.
Ông Stavridis lưu ý rằng, mặc dù các phương án này là “rất khả thi” song vẫn cần phải có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ít ra phải có sự đồng thuận ngầm của Trung Quốc.
Cũng theo ông, phương án phong tỏa đường biển có thể hạn chế xuất khẩu của Triều Tiên và ngăn chặn việc cung cấp các vũ khí công nghệ cho nước này, trong khi một cuộc tấn công mạng có thể cản trở sự tiến triển của các chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Stavridis nhấn mạnh rằng biện pháp ngoại giao vẫn là then chốt trong thời điểm hiện nay
Hậu quả thảm khốc nếu
Mỹ tấn công hạt nhân thủ đô Triều Tiên
Các chuyên gia ước tính ít nhất 2,3 triệu người Triều Tiên sẽ chết và bị thương nếu tên lửa hạt nhân Mỹ nhắm vào Bình Nhưỡng.

Một vụ nổ hạt nhân tại Bình Nhưỡng sẽ gây thiệt hại rất lớn. Ảnh minh họa: Nuclear Secrecy.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. 
Theo giới phân tích, hành động khiêu khích của Triều Tiên có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường, đặc biệt là nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tung đòn tấn công hạt nhân phủ đầu, gây thiệt hại không thể lường hết trên đất Triều Tiên, theo National Interest.
Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều tiên sẽ là mục tiêu hàng đầu cho đòn đáp trả hạt nhân từ Mỹ. Dựa trên thuật toán ước tính sức mạnh vũ khí hạt nhân, chuyên gia quân sự Daniel R. DePetris ước tính thiệt hại nếu Mỹ kích nổ một đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương 750.000 tấn thuốc nổ TNT tại Bình Nhưỡng.

Thiệt hại từ một đầu đạn hạt nhân với thủ đô Bình Nhưỡng. Đồ họa: Nuclear Secrecy.

Đầu đạn sẽ tạo ra quả cầu lửa với bán kính 1,1 km và giết chết mọi nạn nhân trong khu vực rộng 4 km2 xung quanh tâm nổ. 90% người trong bán kính 2,4 km sẽ thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ nếu không được điều trị kịp thời. Sóng xung kích từ vụ nổ có thể lan xa hơn 4 km, phá hủy hầu hết các công trình dân sự. Cuối cùng, những nạn nhân trong bán kính 9,5 km từ tâm nổ sẽ bị bỏng độ ba nếu không được che chắn.
Ước tính sẽ có 1,5 triệu người Bình Nhưỡng thiệt mạng trong vụ tấn công, tương đương gần 6% dân số Triều Tiên. Số nạn nhân bị thương sẽ vào khoảng 855.410 người, đẩy mức tổng thương vong lên hơn 2,3 triệu người. Trong trường hợp Mỹ tấn công bằng tên lửa mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân độc lập, hậu quả với Triều Tiên có thể thảm khốc hơn nhiều lần.
Thiệt hại khủng khiếp từ một cuộc tấn công phủ đầu hạt nhân có thể là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn việc Triều Tiên chủ động tấn công Mỹ, khiến Bình Nhưỡng chỉ dừng lại ở việc phát triển vũ khí mang tính răn đe chứ không thực sự có ý định tấn công đối phương, ông DePetris nhận định.
Hình ảnh về tên lửa mới
chứng tỏ CS Triều Tiên đủ sức
đe dọa toàn Bắc Mỹ
Phân tích hình ảnh tên lửa Hwasong-15 cho thấy Triều Tiên đã sở hữu vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân tới mọi thành phố của Mỹ.

Triều Tiên hôm qua công bố hình ảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, được cho là tên lửa có tầm bắn xa nhất của nước này. Thông qua phân tích hình ảnh tên lửa, các chuyên gia Mỹ nhận định Triều Tiên đã sở hữu loại ICBM đủ sức đe dọa toàn bộ lãnh thổ Mỹ, đồng thời chỉ cần tối đa ba vụ thử nữa trước khi Hwasong-15 sẵn sàng đưa vào biên chế, Reuters đưa tin.
Quả đạn được phóng lúc 3h17 sáng ngày 29/11 từ khu vực đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng, bay trong thời gian 54 phút, đạt độ cao tối đa 4.475 km và tầm xa 960 km. Nếu được bắn ở quỹ đạo tối ưu, Hwasong-15 có thể đạt tầm bắn tới 13.000 km. Sau vụ phóng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã hoàn thành phát triển "lực lượng hạt nhân quốc gia" và gọi Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Giới chuyên gia Mỹ, những người từng tỏ ý hoài nghi về các tuyên bố trước đây của Triều Tiên, khẳng định dữ liệu và hình ảnh của vụ thử đã xác nhận việc Bình Nhưỡng sở hữu loại ICBM đủ mạnh để mang đầu đạn hạt nhân tới mọi địa điểm trên lục địa Bắc Mỹ.
"Tính toán ban đầu cho thấy loại tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân cỡ vừa tới bất kỳ thành phố nào trên lãnh thổ Mỹ", chuyên gia tên lửa Michael Elleman thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định. Ông Elleman đánh giá loại tên lửa này lớn hơn phiên bản Hwasong-14 từng thử hồi tháng 7, đủ lớn và mạnh để mang theo cả mồi bẫy đánh lừa lá chắn tên lửa Mỹ.

Uy lực tên lửa Hwasong-15. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.

Chuyên gia Elleman cho rằng Bình Nhưỡng chỉ cần tiến hành thêm hai đến ba vụ thử tên lửa Hwasong-15 nhằm xác nhận tính năng và độ tin cậy, đồng thời kiểm tra khả năng bảo vệ của hệ thống hồi quyền trên đầu đạn. Một chuyên gia tên lửa giấu tên khác cũng đồng tình với nhận định của ông Elleman.
"Nếu Triều Tiên biên chế ICBM mang đầu đạn nhiệt hạch đủ sức đe dọa các thành phố của Mỹ, họ có thể không cần tên lửa với độ chính xác cao để thuyết phục Washington rằng giải pháp quân sự là quá tốn kém và đầy hiểm họa", chuyên gia giấu tên bình luận.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định Hwasong-15 là tên lửa hiện đại nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, chưa thể chắc chắc liệu Bình Nhưỡng đủ sức thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hay chưa. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng Triều Tiên chắc chắn đã phát triển thành công đầu đạn đủ nhẹ để trang bị cho Hwasong-15, được cho là có thể mang tải trọng khoảng một tấn.
Tên lửa lớn và có động cơ mạnh hơn
"Hwasong-15 lớn tới mức Triều Tiên không cần thu nhỏ đầu đạn", chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Middlebury phát biểu. Ngay sau vụ phóng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng khẳng định quả đạn bay cao hơn các lần thử trước đây, cho rằng đây là một phần nỗ lực của Triều Tiên nhằm "chế tạo tên lửa đạn đạo có thể đe dọa mọi nơi trên thế giới".
Hình ảnh do Bình Nhưỡng công bố cho thấy Hwasong-15 có kích thước lớn hơn đáng kể so với mẫu Hwasong-14, cho phép các nhà thiết kế trang bị hệ thống đẩy mạnh hơn hẳn.

Quả đạn Hwasong-15 rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.

"Đây là loại tên lửa rất lớn, không chỉ với Triều Tiên. Chỉ có một vài quốc gia trên thế giới đủ sức sản xuất loại tên lửa có kích thước như vậy, Bình Nhưỡng vừa đặt chân vào nhóm cường quốc này", nhà nghiên cứu Michael Duitsman tại Trung tâm nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí (CNS) tuyên bố.
Một quan chức Mỹ cho rằng tên lửa Hwasong-15 sử dụng nhiên liệu rắn, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị phóng và đơn giản hóa việc chuyên chở. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quả đạn này vẫn dùng nhiên liệu lỏng và Triều Tiên cần thêm nhiều năm để phát triển ICBM trang bị động cơ nhiên liệu rắn hoàn thiện.
"Hwasong-15 dường như được trang bị động cơ mới, nhưng cũng có thể là loại động cơ từng sử dụng trước đây. Nó không sử dụng động cơ phụ để điều chỉnh hướng bay như mẫu Hwasong-12 và Hwasong-14, mà dường như được trang bị hai ống xả động cơ tương tự phiên bản Hwasong-13 (KN-08). Tuy nhiên, cấu hình động cơ lần này vẫn rất khác", chuyên gia phân tích Scott Lafoy cho biết
"Tầng đẩy đầu tiên khá giống với Hwasong-14, nhưng dùng hai ống xả. Tầng đẩy thứ hai có vẻ mang lượng nhiên liệu gấp đôi mẫu tên lửa tiền nhiệm. Sự kết hợp này cho thấy Hwasong-15 thực sự là mẫu tên lửa mới với tính năng tiên tiến", chuyên gia David Wright của Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) nhận định.

Xe chở và dựng đạn của hệ thống Hwasong-15. Ảnh: KCNA.

Tên lửa Hwasong-15 được chuyển tới bãi phóng bằng loại xe tải từng vận chuyển các tên lửa lớn hơn trước đây. Đây được cho là biến thể cải tiến của xe chở gỗ WS51200 do Trung Quốc sản xuất, được lắp thêm một trục dẫn động thứ 9 và mang định danh "xe phóng tự hành 9 trục".
Chuyên gia phân tích Scott Lafoy nhấn mạnh rằng đây không phải là xe chở và phóng đạn (TEL), mà chỉ là xe chở kiêm dựng đạn (T/E), có chức năng vận tải và đưa tên lửa vào vị trí phóng. "T/E phải cơ động tới bệ phóng, dựng tên lửa lên và rời đi, khiến thời gian triển khai và phóng đạn kéo dài hơn TEL. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong chiến tranh, khi liên quân Mỹ - Hàn có thể tấn công khu vực bệ phóng trong thời gian ngắn", ông Lafoy nhận định.

Rủi ro khi dồn CS Triều Tiên vào chân tường bằng các lệnh trừng phạt 
Các lệnh trừng phạt quá cứng rắn có thể khiến Triều Tiên cảm thấy bị dồn vào chân tường và tung ra hành động nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo vụ phóng tên lửa ngày 29/11. Ảnh: Rodong Sinmun.

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 ngày 29/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ ra lệnh trừng phạt nặng nề với nước này. Ông cũng thúc giục Trung Quốc gây áp lực nhiều hơn với Triều Tiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo việc này có thể phản tác dụng.
"Chúng ta phải cẩn thận với các biện pháp trừng phạt", cựu quan chức quân đội Mỹ Daniel Davis, từng là cố vấn cho quân đội Hàn Quốc, nói. "Chúng ta không muốn gây áp lực quá mức giống như điều từng làm với Nhật Bản trong Thế chiến II", ông nói, theo CNBC.
Ông Davis cho biết việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Nhật, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, là một trong những yếu tố khiến đế quốc Nhật tấn công Trân Châu Cảng năm 1941. Ông cho biết Nhật "xem lệnh trừng phạt đó như mối đe dọa đến sự sống còn vì họ không thể sống thiếu dầu".
"Vì vậy, chúng ta không muốn đẩy Triều Tiên đi quá xa", Davis nói. "Chúng ta muốn gây áp lực với họ, nhưng áp lực phải không quá mức nặng nề bởi vì điều đó có thể khiến họ tung đòn tấn công".
Davis cho rằng cộng đồng quốc tế nên gây áp lực ngoại giao nhất quán trong nhiều năm nếu cần thiết. "Có lẽ một ngày nào đó chúng ta có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", ông nói.
Các chuyên gia nói một chiến lược khác là thuyết phục Triều Tiên rằng ông Trump nghiêm túc về phương án quân sự.
"Chúng ta làm Triều Tiên tin rằng Mỹ nghiêm túc xem xét việc tấn công họ, ngay cả khi chúng ta không thực sự có ý định làm vậy", Denny Roy, một chuyên gia an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông - Tây, nói.
Roy cho rằng ngón đòn này của Washington sẽ buộc Triều Tiên ra quyết định rằng họ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân hay muốn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lãnh đạo Triều Tiên sẽ không dễ gì từ bỏ vũ khí hạt nhân. Họ đã thấy điều gì xảy ra với lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi khi ông từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân dưới áp lực của phương Tây.
Cuộc nội chiến ở Libya nổ ra vào năm 2011. 15 quốc gia phương Tây lập liên minh tấn công lực lượng của ông Gaddafi để hỗ trợ quân nổi dậy. Gaddafi bị chính thức lật đổ vào cuối tháng 8/2011 và bị giết vào ngày 20/10/2011, khi trên đường chạy trốn.
Các nhà lãnh đạo quân sự Hàn Quốc gần đây bày tỏ lo ngại rằng ông Trump có thể phát động một cuộc tấn công vào Triều Tiên mà không tham khảo ý kiến của Seoul. Tuy nhiên, ông Roy thừa nhận rằng khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên là không thực tế, do lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tung đòn đáp trả nhằm vào Seoul.
Bruce Klingner, chuyên gia tại quỹ Heritage ở Washington, cũng cảnh báo rằng việc Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ là hành động "liều lĩnh không cần thiết".
Ông nhấn mạnh rằng có nguy cơ tính toán sai lầm vì căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và Washington đôi khi đưa ra các tín hiệu bất nhất.
Ông Kim Jong-un (áo đen) chia vui với các cấp dưới khi chứng kiến tên lửa Hwa-song 15 phóng lên thành công. Ảnh: KCNA

Mỹ từ lâu đã dựa vào một chiến dịch quốc tế để "gây áp lực tối đa" đối với Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt nhưng điều đó không ngăn được chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Vụ phóng tên lửa Hwasong-15 thể hiện nước này có thể chống chịu được các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Trung Quốc và Nga luôn từ chối áp đặt lệnh cấm vận dầu với Triều Tiên, lo lắng rằng việc này có thể "bóp nghẹt" Triều Tiên, khiến chính quyền nước này sụp đổ và gây nên khủng hoảng nghiêm trọng.
"Chúng ta vẫn luôn trông chờ vào Trung Quốc. Nhưng chúng ta không thể mong đợi Trung Quốc nhìn nhận vấn đề giống chúng ta", ông Roy nói. "Họ không muốn chính quyền Triều Tiên sụp đổ nên họ sẽ không hành động quyết liệt".
San Nguyen chuyen

No comments: