Monday, January 14, 2019

TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA - Hồ Hải



Gần một thập niên qua đã có nhiều qúy vị Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Đoàn Viên, những người có tham dự trận Hải Chiến Hoàng Sa, tường thuật lại trận chiến, nhìn chung tôi tự nghĩ như vậy cũng đã tương đối đầy đủ. Tuy vậy, với tư cách là người có tham dự trận chiến, tôi thấy có trách nhiệm ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, giới hạn trong phạm vi trách nhiệm của mình để được đóng góp thêm. Và như vậy, bài này sẽ không phải là toàn bộ trận chiến mà chỉ là bổ túc thêm một số dữ kiện, hy vọng là mới, để chúng ta có được sự ghi nhận từ nhiều phía khác nhau.
Trận Hoàng Sa tôi là SQ Trưởng ngành Vô Tuyến Điện Tử kiêm Mật Mã của HQ5, được Đại tá Hà Văn Ngạc chỉ định làm SQ Tr/tin cho BCH/Hành Quân mà ông là Chỉ Huy Trưởng. Tôi túc trực bên cạnh Đ/tá Ngạc những khi ông chuyển và nhận lệnh và có trách nhiệm ghi lại vào sổ nhật ký truyền tin tất cả những lệnh này.
HQ5 rời Vũng Tàu trực chỉ đến Đà Nẳng ngày 17/1, cặp cầu Tiên Sa trước BTL/HQ/V1DH. Khoảng 7,8 giờ tối hôm đó, Đ/ tá Ngạc từ BTL/HQ/V1DH xuống chiến hạm (cùng đi với ông còn có Th/ Tá Nguyễn Chí Toàn , biệt phái đi theo Đ/Tá Ngạc như là một Sĩ Quan phụ tá) tập họp một số rất ít SQ chiến hạm trong phòng ăn SQ, phổ biến nội dung lệnh hành quân rất ngắn gọn: HQ5 và HQ10 sẽ khởi hành ngay trong đêm để tham dự hành quân lấy lại Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng. HQ16, và HQ4 đã có mặt tại vùng từ mấy ngày trước. Về quan niệm hành quân thì cũng rất ngắn gọn và đã khiến cho chúng tôi bàn tán: "Chúng ta phải lấy lại quần đảo Hoàng Sa nhưng phải tránh tối đa đụng đô". Lúc đó chúng tôi có người nói đùa (tất nhiên cũng chỉ là nói nhỏ cho nhau nghe): muốn giành lại đất với TC mà tránh đụng độ, coi bộ không dễ! Tuy nhiên chúng tôi cũng lờ mờ hiểu là ở cấp cao chắc có đủ dữ kiện chứng minh đó là đảo của ta, bằng đường lối ngoại giao, chính trị, ôn hòa nhưng cứng rắn, điều đình sao đó (có thể có sự can thiệp của Hoa Kỳ) để lấy lại tốt hơn là phải đụng độ với một cường quốc như Trung Cộng. Hơn nữa, thời điểm đầu năm 1974, cuộc chiến trên đất liền với CSBV đã gia tăng nặng nề, nay nếu chủ động tạo thêm một cuộc chiến lớn nữa với TC, tất nhiên là có nhiều bất lợi. Chúng tôi chỉ được vài phút lạm bàn để hiểu thêm đôi chút vấn đề, sau đó mọi người phải trở lại ngay nhiệm sở vì đã có lệnh nhiệm sở vận chuyển.
Trên đường di chuyển ra vùng hành quân không có liên lạc gì quan trọng đáng kề ngoại trừ thông báo cho HQ16 và HQ4 biết là HQ5 và HQ10 đang trên đường ra vùng và sẽ có mặt ở đó vào giờ G. cùng ngày.
HQ5 ra đến vùng hành quân sáng ngày 18/1/74. Nhiệm sở của tôi ở Phòng Vô Tuyến, Điện Tử và Mật Mã; tuy nhiên khi chiến hạm vừa mới nhập vùng hành quân, tình hình được mô tả là đang căng thẳng nên trong ngày hôm đó, ít nhất là vài ba lần tôi ra boong tàu quan sát. Tôi không quan tâm nhiều về vị trí, đội hình các chiến hạm của ta trong ngày đó bởi vì thứ nhất, không phải là "job" của tôi. Thứ hai, chưa lâm chiến nên chẳng có gì đặc biệt phải chú ý. Một cách tổng quát để chúng ta dễ mường tượng, các chiến hạm di chuyển trong vùng như để nói lên sự có mặt hùng hậu của mình trong vùng, như là một hình thức biểu dương lực lượng mà tôi đã từng nhìn thấy trong những lần hành quân tuần tiểu ở vùng Trường Sa trước đây. Về phía Trung Cộng thì cũng không có chỉ dấu gì chuẩn bị cho một trận chiến sắp xảy ra. Tôi chỉ thấy có 2 chiếc tàu chiến tương đối nhỏ (mới nhìn na ná giống như trợ chiến hạm 230, 231 của ta). Đó là các tàu chiến TC có tên là Kronstad. Xa hơn, nghĩa là gần trong bờ của các đảo có 2 đến 3 chiếc tàu nữa, hình dáng như các tàu đánh cá lớn đúng hơn là tàu chiến. Sau trận đánh tôi mới biết đó là các tàu chiến chứ không phải là tàu đánh cá có tên là MSF, hai chiếc thực sự tham gia trận đánh mang số 389 và 396.
Đến chiều ngày 18/1 thì tình hình mỗi lúc một căng thẳng hơn. Các chiến hạm TC bắt đầu tỏ thái độ ngăn cản ta rõ rệt. Có những lúc chiến hạm của ta và tàu chiến TC chỉ cách nhau vài chục hoặc vài trăm mét. Có một lúc khoảng 6,7 giờ chiều, tàu TC có dùng mũi tàu húc vào hữu hạm HQ5, gần phía mũi, ý xua đuổi ta phải đi chỗ khác, có hai tên còn mở banh ngực áo ra chỉ vào đó thách ta bắn. Tôi đứng trên sân thượng, ngay lối đi trước cửa phòng Truyền tin và phòng Hạm Trưởng nhìn xuống thấy rất rõ, chỉ tiếc là lo quan sát trên tàu địch và mấy tên lính TC nên không ghi nhận tàu này mang số mấy. Đ/tá Ngạc có báo cáo sự kiện này về BTL/HQ/V1DH và BTL/HQ để xin chỉ thị. Cấp trên không cho lệnh bắn, câu trả lời là phải tránh đụng độ trừ trường hợp bất khả kháng. Thời điểm này, HQ5 đã vào nhiệm sở tác chiến từ lâu, nếu cấp trên cho lệnh đánh thì chỉ cần một hai trái 127 ly, bồi thêm vài trái 40 ly nữa là tàu này nằm im dưới lòng biển. Nhưng đáng tiếc sự việc đã không được xảy ra.

Như trên tôi đã trình bày, kể từ lúc HQ5 rời cảng Đà Nẳng ra vùng hành quân, quan niệm hành quân từ cấp cao, chưa có chỉ thị rõ ràng, dứt khoát là ta phải đánh tàu TC và chiếm lại đảo bằng vũ lực. Cho đến giữa đêm 17 rạng 18, chiến hạm mới chính thức nhận được Công Điện phổ biến Lệnh Hành Quân. Trong trận Hoàng Sa, qua hệ thống truyền tin có hai lệnh quan trọng nhất. Thứ nhất là Lệnh Hành Quân, thứ hai là lệnh Tác Xạ vào tàu TC. Do đó tôi xin trình bày thêm về CD Lệnh Hành Quân này. Cũng như Đ/Tá Ngạc, tôi đã không nhớ công điện này từ giới chức chỉ huy nào gửi. Trong bài của Đ/tá Ngạc có nói theo tài liệu của Thiếu Tá Trần Đỗ Cẩm thì CD đó do BTL/HQ/V1DH gửi. CD mang số 50.356, GDH: 180020H/01/74, Mật/Khẩn Chiến Dịch . Có lẽ Thiếu Tá Cẩm đã tìm được số CD này qua sổ lưu chuyển hoặc nhận CD vì không thấy có nội dung mà chỉ có tiêu đề. Tuy vậy cũng rất là khả tín. Lý do cuộc hành quân Hoàng Sa được đặt dưới quyền chỉ huy của TL/HQ/V1DH nên CD ra lệnh hành quân, giấy trắng mực đen, phải do nơi đây gửi. Thư hai là Độ Mật: CD mang 2 số đầu là 50…là CD có độ mật từ Kín trở lên Mật và Tối Mật cần phải mã hóa. Bắt đầu từ 00 giờ ngày 01 tháng 01 của năm mới, số CD loại này sẽ là 50.001. Hôm đó là 00giờ, 20 phút ngày 18/01 nghĩa là sau 17 ngày, V1DH đã có 356 CD có độ Mật từ Kín trở lên đã chuyển đi. Tuy có hơi nhiều đối với BTL/VDH nhưng không phải là không thể có. Nếu CD này được viết từ BTL/HQ thì con số này phải lớn hơn nhiều. Đ/Tá Ngạc cũng có nói CD này nhận được lúc 11 giờ tối ngày 18; có thể ông viết nhầm hoặc nhớ nhầm. CD có nhóm ngày giờ là 00 giờ 20 phút ngày 18, có độ khẩn là Khẩn Chiến Dịch (O) được viết gấp lúc nửa đêm mà đến 23 tiếng đồng hồ sau HQ5 mới nhận được thì không hợp lý. CD mã hoá thường phải chuyển trên hệ thống Điện Báo hoặc Viễn Ấn chứ không chuyển trên hệ thống Âm Thoại vì tránh ghi nhần nhầm do phát âm không rõ. Do đó không thể nói vì máy Giai Tần Đơn bị ồn hoặc bị phá rối nên không chuyển được sớm. Như vậy chúng ta có thể biết và tin được CD đó do chính BTL/HQ/V1DH gửi.
Tôi đã đích thân mã dịch CD này và trình ngay cho Đai Tá Ngạc và Hạm Trưởng. Nội dung cũng ngắn gọn như đã nói trên, chỉ khác là Lệnh Hành Quân này nó "official" hơn thôi. Và cũng ngay từ giờ phút này, Đại Tá Ngạc chỉ định tôi làm Sĩ Quan Truyền Tin cho BCH Hành Quân.
Suốt đêm 17, ngày và đêm 18/1 tôi luôn luôn điều chỉnh sẳn tất cả các máy truyền tin có công suất mạnh để Đại Tá Ngạc liên lạc. Tôi còn nhớ suốt ngày và đêm 18/1, Đại tá Ngạc liên lạc với BTL/HQ/V1DH và BTL/HQ rất nhiều lần bằng âm thoại cũng như điện báo. Nội dung ngoài việc báo cáo tình hình địch trong vùng, xin chỉ thị, và quan trọng hơn cả là ông muốn biết quan niệm cũng như hành động cụ thể ra sao đối với địch, đối với tình hình thực tế tại chiến trưòng. Kể từ tối 18/1 (tôi không nhớ rõ giờ) BTL/HQ yêu cầu dùng một máy truyền tin để trực 24/24 với BTTM, sẽ có chỉ thị có thể là trực tiếp cho Đ/tá Ngạc. Có một lần liên lạc với Phòng Hành Quân/BTL/HQ, khoảng giữa đêm 18 rạng 19, Đại tá Ngạc đã yêu cầu cho gặp một vị Sĩ Quan nào đó tôi không nhớ tên, để nói chuyện với ông bằng tiếng Pháp; có lẽ ông muốn có thêm sự an toàn cho nội dung ông đang trao đổi. Vốn liếng Pháp văn của tôi không đủ để hiểu hoàn toàn nội dung nhưng sau đó ông thảo ngay một điện văn đưa cho tôi mã hóa và chuyển đi ngay. Tôi xin tóm tắt những ý chính tôi còn nhớ: Việc đánh các tàu TC thì phải đánh, nhưng rất có thể tàu chiến Komar có trang bị hỏa tiễn styk và phi cơ của họ sẽ phản công vì họ ở gần hơn. Ông không nghĩ là phi cơ của mình ra được, tàu mình thì không có gần trong vùng để tăng cường. Xin cho biết có chỉ thị hay phương tiện nào khác để yểm trợ nếu địch tăng cường lực lượng để phản công. Khoảng 10 đến 15 phút sau khi bản văn đó được chuyển đi, thì có lệnh chỉ thị Đ/tá Ngạc cho các chiến hạm "cài răng lược" với các tàu địch. Thú thật ngày đó ba chữ "cài răng lược" tôi mới nghe lần đầu, thấy nó có nghĩa và hay hay nhưng cá nhân tôi nghĩ cũng không phải là cách. Lý do trên vùng biển rộng mênh mông, chỉ có 7,8 chiếc tàu của ta và TC. Tàu TC lại nhỏ và di chuyển nhanh hơn thì cài làm sao được nếu phi cơ TC muốn oanh kích? Điều tôi muốn trình bày là cấp trên cũng đồng ý với sự dự lìệu của Đ/tá Ngạc là tàu chiến và phi cơ TC có thể tăng cường tấn công nếu cuộc chiến thực sự xảy ra mà họ bị thiệt hại nặng. Cho dù ta có đánh thắng các tàu TC lúc này thì ta cũng khó mà giữ được các đảo. Lệnh này được chuyển đi từ TTHQ/ BTL/HQ và Đ/tá Ngạc lập tức chỉ thị lại cho các Hạm Trưởng HQ5, HQ16, HQ4 và HQ10 thi hành. Lúc đó tôi có nhận ra dường như là tiếng nói của Đại Tá Phạm Mạnh Khuê nhưng cũng không dám hỏi Đ/Tá Ngạc vì thấy không cần thiết mà ông thì đang có nhiều suy nghĩ tính toán quan trọng. Tôi nhận ra được giọng nói Đ/Tá Khuê là vì năm 1970 khi ông làm TL/HQ/V2DH, tôi được biệt phái sang làm Sĩ Quan Liên Lạc cho Hải Đội I Hoa Kỳ, Phân Đội 14 Duyên Phòng ở CamRanh, sau đó được chuyển về làm ở phòng Phòng Hành Quân được 1 năm, rồi chuyển sang làm Phó Phòng 6/BTL/HQ/V2DH, phụ tá Đại Úy Lộc, đặc trách kỷ thuật 4 Radars TPS-62 của 4 Đài Kiểm Báo thuộc Vùng 2, nên tôi còn nhận ra được tiếng nói của ông.
Trong đêm 18 và sáng ngày 19, nghĩa là trước và trong khi đánh nhau, hệ thống truyền tin có một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển và nhận lệnh. Sau trận chiến có tin đồn không biết phát xuất từ đâu là TC đã xâm nhập vào phá rối hệ thống Giai Tần Đơn của ta khiến cho các chiến hạm mất liên lạc nhau, chiến hạm này không biết vị trí, tình hình của chiến hạm kia, đã gây một vài ngộ nhận đáng tiếc. Tôi xin trình bày rõ thêm một chút trong lãnh vực chuyên môn này.
Máy Giai Tần Đơn (GTD) (gọi tắt là SSB=single side band, còn có tên ghi trên máy là KW-2, vì công suất chỉnh tối đa 200 Kilowatts ) có tần số được thiết trí sẳn trong một cục thạch anh (crystal) nên khá an toàn. Máy này có thể dùng âm thoại (voice mode) và điện báo (CW=Continious Waves, tức là dùng Morse để chuyển và nhận điện văn). Trong bài Đại Tá Ngạc, ông thường nói ông dùng máy Siêu Tần Số SSB để liên lạc với các chiến hạm cũng như các đơn vị chỉ huy nhưng thực ra ông ít khi sử dụng máy này. Ông là SQ ngành chỉ huy tham mưu, không cần phải biết rõ máy nào, tần số nào, RF, VHF hay UHF làm chi, chỉ cần có máy thật tốt để ông liên lạc là được rối. Thực ra suốt cuộc hành quân ông chỉ một đôi lần dùng máy GTD, còn hầu hết là dùng máy CRT-3. Lý do là cuộc hành quân Hoàng Sa không có kế hoạch hành quân nên không có Đặc Lệnh Truyền Tin, nghĩa là không có tần số riêng dành cho một cuộc hành quân. Máy GTD thì vì tốt, gọn nhẹ và tiện dụng nên hầu hết các đơn vị đều được trang bị. Riêng các BTL/HQ/VDH, các chiến hạm tuần dương đều dùng chung 1 tần số để liên lạc về TTHQ/BTL/HQ. Do đó, các chiến hạm đang tuần tiểu xa như thuộc V2, V3 và V4DH, Vô Tuyến Viên vì không nắm vững tình hình hành quân Hoàng Sa biến chuyển quan trọng đột ngột nên đã không giữ ưu tiên trên tần số GDT này; vì vậy mà hệ thống có lúc ồn, liên lạc khó khăn tưởng như có người đang phá rối.
Nếu TC vào hệ thống GTD phá rối, tôi trách nhiệm hệ thống Truyền Tin cho BCH/Hành Quân, tôi và các trưởng phiên Vô Tuyến trực 24/24 trên các hệ thống máy VRC-46, GTD và CRT3, tất nhiên tôi phải biết. Tôi xác nhận không có chuyện TC vào phá rối hệ thống GTD trong trận Hoàng Sa và tần số của máy này vẫn còn sử dụng an toàn cho đến tháng 4 năm 1975.
Trở lại diễn biến trong đêm 18/1, kể từ sau khi lệnh "cài răng lượt" được ban hành vào lúc nửa đêm, từ đó về sáng tình hình chiến trường khá yên tỉnh mặc dù nhiệm sở tác chiến vẫn được duy trì. Tưy nhiên song song với sự yên tỉnh đó thì toán Hải Kích Người Nhái trên HQ5 đã âm thầm chuẩn bị để đổ bộ lên đảo Quang Hoà vào lúc gần sáng. Sau khi toán Hải Kích rời HQ5 khoảng hơn 1 giờ, Đ/Tá Ngạc hấp tấp vào phòng Vô Tuyến bảo tôi đưa máy cho ông liên lạc về BTL/HQ/V1DH. Qua liên lạc của ông với BTL Vùng, tôi biết được toán Hải Kích đổ bộ bất thành, một Sĩ Quan và một Hạ Sĩ bị tử trận. Gần đây đọc tài liệu của Đ/Tá Ngạc tôi mới nhớ ra vị Sĩ Quan đó tên Đơn và viên Hạ Sĩ tên Long. Ông đang cho lệnh toán Hải Kích rút ra lại HQ5. Sở dĩ cho đến lúc này tôi mới biết được tin trên là vì toán Hải Kích liên lạc ra chiến hạm với Đ/Tá Ngạc bằng máy PRC-25 đặt trên đài Chỉ Huy, còn tôi thì túc trực trong phòng Vô Tuyến, không có trang bị máy này. Khi toán Hải Kích này trở ra HQ5, tôi có chạy ra sau lái xem. Lúc dó khoảng 8 đến 9 giờ sáng. Họ có khoảng hơn 1 tiểu đội. tất cả đều mệt mõi và ai cũng đói, móc vội lương khô ra ăn. Khi viên Sĩ quan trưởng toán (tôi nhớ là Tr/úy nhưng tài liệu Đ/Tá Ngạc viết là Đại Úy, có lẽ tôi nhớ nhầm) báo cáo với Đ/tá Ngạc, tôi không có mặt nhưng sau đó, một vài SQ chiến hạm, trong đó có tôi đến hỏi thăm. Vị SQ này, miệng đang nhai miếng thịt 3 lát nguội, kể lại mà như còn đang bực tức: "Không biết tin tình báo lấy ở đâu mà cho chúng tôi biết chỉ có 1 tiểu đội. Chúng nó đông lắm, dàn hàng ngang trên bờ tay cầm dao găm đuổi bọn tôi đi không cho lên bờ chứ chưa muốn dùng súng. Thằng Long và Thiếu úy (Tr/Úy) Đơn bị tụi nó bắn chết vì rút súng ra bắn tụi nó trước. Tôi ước lượng phải trên 1 đại đội, có nhiều công sự phòng thủ kiên cồ lắm. Tụi nó ép chúng tôi rút lui. Nhục đếch chịu được!" Những điều viên Sĩ Quan này nói, đúng hay sai bao nhiêu phần trăm, chúng ta không ai biết, nhưng ít ra cũng đáng tin cậy hơn những người không tham dự suy đoán là TC trên đảo Quang Hòa chỉ có 1 tiểu đội. Toán Hải Kích này ở lại HQ5 cho đến khi đánh nhau, có ít nhất là 2 người bị thương trong khi tải đạn 127 ly cho HQ5 từ dưới hầm lên.

Trong suốt đêm 18, tôi hầu như túc trực bên cạnh Đại Tá Ngạc. Tôi còn nhớ mỗi lần liên lạc xong Đ/tá Ngạc có vẽ đăm chiêu suy nghĩ và thường quay qua tôi hỏi xin một điếu thuốc nhẹ. Ông không phải là người hút thuốc thường nên mỗi lần như vậy ông chỉ hút vài ba hơi là dụi tắt. Suốt thời gian này, tôi có nhận xét ông rất suy tư nhưng cũng rất bình tỉnh; cái bình tỉnh cần có và thường thấy ở những sĩ quan đang có trách nhiệm phải đối phó với những vấn đề khó khăn, quan trọng.
Sau đây là một đoạn Đ/tá Ngạc nhận lệnh thượng cấp mà tôi còn nhớ để độc giã nhận định, và cũng là lý do khi vào bài tôi có nói Đ/Tá Ngạc vì lý do tế nhị nào đó đã không kể lại hết.
Vào khoảng 9-10 giờ sáng ngày 19/1/1974, sau khi Đ/Tá Ngạc báo cáo toán Hải Kích đổ bộ bất thành, đã rút hết về tàu chứng 15 phút, trên hệ thống âm thoại của máy CRT-3, Đai tá Ngạc đã nhận lệnh như sau:
- India Whisky, (Danh hiệu của Đại tá Ngạc trong cuộc hành quân này là XNIW) Có lệnh mới cho anh: TÁC XẠ THẲNG VÀO ĐẢO VÀ CÁC CHIẾN HẠM ĐỊCH. Lệnh không nói rõ là đảo nào nhưng ta phải hiểu là đảo Quang Hòa vì trước đây vài giờ Đại tá Ngạc có báo cáo cuộc đổ bộ bất thành, một Sĩ quan Hải Kích và một Hạ Sĩ bị tử trận. (Năm 1987 nhân dịp qua Dallas thăm gia dình một người bạn, tôi có gặp Đ/Tá Ngạc một lần, khi tôi nhắc lại danh hiệu này, sau vài giây suy nghĩ ông nhớ ra và vỗ vai tôi : chú mày có trí nhớ thật tốt).
Đại tá Ngạc:
- Nhận rõ. Ông quay sang tôi bảo liên lạc lên phòng CIC (phòng hành quân của chiến hạm) bằng điện thoại nội bộ, cho ông biết vị trí chính xác hiện tại của HQ16, HQ10 và HQ4 ngay, vì gần 1 giờ qua ông túc trực liên lạc với các giới chức cao cấp trong phòng Vô Tuyến. Tôi mới vừa nhắc điện thoại lên chưa kịp gọi, thì máy bên kia lên tiếng tiếp:
- IW, anh nghe tôi được bao nhiêu?
- 3/5 (chú thích: trong ngành truyền tin, nghe 3/5 là đủ tốt để liên lạc nhau)
- Tốt. Tôi lập lại, anh tác xạ thẳng vào đảo và các chiến hạm địch. Làm ngay đi.
Đại tá Ngạc ngập ngừng vài giây hình như lựa lời, đáp:
- Tôi được chỉ định là Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Đặc Nhiệm Hành Quân tại chiến trường. Đánh thì tôi nhận rõ và thi hành, nhưng đánh vào lúc nào thuận lợi nhất thì cho tôi bố trí và quyết định.
- Tôi lập lại lần cuối, đây là lệnh tối hậu và cuối cùng, tác xạ ngay vào đảo và chiến hạm địch. Bấm ống nói cho tôi nghe tiếng súng nổ của anh.
Tôi thấy Đ/tá Ngạc hơi một thoáng ngạc nhiên, bực tức, có thể nói là bất bình nhưng rồi ông cũng đáp nhanh:
- Tôi nhận rõ.
Ông quay sang tôi: chuyển một máy nào tốt nhất lên đài chỉ huy ngay cho tôi. Ông đi vội lên đài chỉ huy. Ông dùng cái hand set của máy CRT-3 mà tôi đã mắc vào hộp viễn khiển (remote) cho Hạm Trưởng dùng, ra lệnh cho các chiến hạm tác xạ vào đảo và các tàu TC. Khi Đ/Tá Ngạc ra lệnh khai hỏa, qua máy thu từ phòng Vô Tuyến, tôi nghe được ông đã chỉ thị cho tất cả các chiến hạm của ta cùng lúc khai hỏa. Tuy nhiên tôi không thể nào biết được chiến hạm nào của ta đã khai hỏa trước vì nhiệm sở của tôi không đứng trên đài chỉ huy để có thể quan sát mà ghi nhận nhưng điều tôi chắc chắn là chiến hạm ta đã bắn trước rồi TC mới bắn trả lại sau. Điều này rất dễ hiểu và dễ nhớ là nếu tàu TC bắn ta trước rồi ta mới bắn lại vì tự vệ hay vì đề phản công thì đã không có phần đối thoại giữa Đ/Tá Ngạc và cấp chỉ huy như tôi vừa kể trên.
Lệnh chỉ thị cho Đ/tá Ngạc "khai hỏa" bắt đầu một cuộc hải chiến có tầm mức quan trọng trong lịch sử hải chiến của HQVN, nay tuy đã 30 năm nhưng tôi vẫn chắc chắn là nhớ đúng nội dung 100%. Có điều lệnh này từ BTL/HQ/V1DH, BTL/HQ hay BTTM thì tôi không thể nhớ chắc. Nhật ký truyền tin đương nhiên ghi rất rõ giới chức chuyển, nhận lệnh và nội dung nhưng thường thì hầu hết ghi bằng danh hiệu theo đặc lệnh truyền tin; do danh hiệu sử dụng ta có thể biết được giới chức đó là ai. Lúc Đ/Tá Ngạc nhận lệnh khai hỏa, tôi đứng bên cạnh cứ đinh ninh là ông đã biết ai đang ra lệnh cho ông nên tôi cũng không thắc mắc. Trong tài liệu Đ/Tá Ngạc, ông nói cho đến nay (lúc ông viết tài liệu cách đây hơn 5 năm) ông vẫn chưa biết là TL/HQVN hay TL/HQ/V1DH đã ra lệnh khai hỏa này. Tuy vậy ông vẫn tin là của Tư Lệnh Hải Quân mà ông đã quen thuộc giọng nói. Trong tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa, bài của cựu Thiếu Tá Trần Đỗ Cẩm, trang 63 có nói gần đây trong một cuộc phỏng vấn Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, TL/HQ/V1DH, Phó Đề Đốc Thoại có tiết lộ là chính ông đã ra lệnh khai hỏa đúng theo chỉ thị của Tổng Thống Thiệu. Như vậy chúng ta đã có câu trả lời. Trong bài Đ/Tá Ngạc chỉ nói vắn tắc là lệnh "khai hỏa" thôi, không nói rõ là lệnh phải tác xạ vào ĐẢO và CHIẾN HẠM địch; ông cũng không nói lệnh bắt buộc ông phải bắn ngay, bấm ống nói cho giới chức ra lệnh nghe tiếng súng nổ mà không cần biết vị trí, khoảng cách của chiến hạm ta và địch ra sao! cũng không cho ông có thời gian bố trí để có được yếu tố thuân lợi nhất? Trong khi hai điều này lại là mấu chốt của vấn đề đưa đến kết quả của trận đánh như chúng ta đã biết. Ngay sau trận chiến kết thúc, anh em SQ gặp nhau, không phải là trong buổi họp để nhận xét ưu, khuyết điểm mà chỉ là thăm hỏi để biết thêm những lãnh vực không phải trách nhiệm của mình, tôi được biết trong những phút đầu khai chiến, chiến hạm ta có tác xạ vào đảo Quang Hòa. Nghĩ lại những giây phút đầu, súng HQ5 đồng loạt nổ đều nhưng thiệt hại của địch chẳng những không nhiều mà địch còn đủ sức tấn công lại mạnh mẽ. Có phải vì ta đã không tập trung hỏa lực vào một mục tiêu chính để khóa chặt hoặc ít ra cũng giảm bớt được khả năng hỏa lực chính của địch? Thứ hai, nếu cấp trên quyết định đánh thì trong hai ngày qua có rất nhiều lúc thuận tiện để ta đánh chìm tàu địch như trên tôi đã trình bày hoặc cho quyền Đ/Tá Ngạc tùy tình hình tại chỗ mà quyết định đánh thì chắc chắn kết quả phải khác. Phòng Hành Quân V1DH tất nhiên có theo dõi, ghi nhận vị trí của các chiến hạm ta và địch nhưng không thể nào chính xác ở ngay thời điểm đó được. Chiến hạm ta và địch đang di chuyển trên biển chứ không phải đứng yên một chỗ, điều này ai cũng biết, chỉ cần 5, 10 phút sau là vị trí và khoảng cách thay đổi khác xa, ít nhất là không còn thuận lợi nếu chúng ta muốn "tiên hạ thủ vi cường". 30 năm qua, những khi có dịp đề cập hoặc hồi tưởng lại trận chiến, tôi không khỏi tiếc và bực tức…chúng ta không có được kết quả khác hơn là do "tacticks" tấn công từ cấp trên chỉ thị chứ không phải do hỏa lực của ta lúc đó yếu hơn TC hoặc do các chiến sĩ tham dự trận đánh đã không chiến đấu hết mình.
Trở lại thời điểm khi bắt đầu "khai hỏa" cho đến khi kết thúc. Khi các chiến hạm của ta đồng loạt tác xạ vào tàu TC thì các tàu TC ngay lập tức bắn trả lại dữ dội. Sau khoảng hơn 15 phút hai bên đánh nhau, qua hệ thống liên lạc tôi biết được HQ10 bị trúng đạn nặng đang sắp bị chìm. Tình hình HQ10 chắc là rất nguy kịch nên không thấy báo cáo chi tiết thêm sau đó, HQ5 thì đang tác chiến nên cũng không có thời giờ theo dõi để biết được gì thêm . Kế đó lại nhận được tin HQ16 bị trúng đạn, nước vô nhiều, tình trạng gần như mất khả năng chiến đấu. Riêng HQ5 lãnh đạn TC đến độ tôi đã có cảm tưởng HQ5 là cái bia cho chúng bắn. Một trái đạn 100 ly xuyên phá đi qua thành tàu vào phòng Vô Tuyến, ngay dưới chân tôi, phá nát bàn sắt làm việc mà tôi đang đứng tựa để tiện giữ một lúc hai ống liên hợp mà liên lạc. Một trái đạn khác chắc không phải loại đạn xuyên phá vào phòng Viễn Ấn phụ (đục băng) và chứa các máy tốt dự trữ sát cạnh phòng Mật mã. Nghe tiếng đạn chạm mạnh vào thành tàu (phía hữu hạm) và điện lóe sáng trong phòng, tôi hét lên: "nằm xuống". Tất cả nhân viên Vô Tuyến, Điện Tử và Mật Mã có nhiệm sở trong phòng đều nằm xuống sàn trong tư thế hít đất. Vài giây sau không thấy đạn nổ, tôi nhận ra viên đạn đã nổ khi chạm vào thành tàu, mãnh đạn bay vào phòng cắt các dây điện, ánh sáng loé mạnh lên. Tôi ra lệnh đóng các cầu dao điện và dùng bình CO2 chữa ngay những chỗ đang bốc khói sắp cháy. Liền đó thì phòng Điện tử sau lái báo cáo Thượng Sĩ ĐT Nguyễn Phú Hảo, phụ tá ngành Điện Tử của tôi bị đạn chết ngay tại nhiệm sở; kế đến là kho Điện Tử dưới hầm, sát ngay kho đạn 127 ly cũng bị đạn đang bốc cháy, cần phải được chữa gấp để kho đạn không bị nóng và phát nổ. Tôi đang phân vân không biết nên chạy ra sau lái xem tình trạng của Th/sĩ Hảo hay chạy xuống kho Điện Tử để tham gia chữa cháy thì phát hiện các máy phát của tôi bỗng nhiên mất công suất. Tôi xem xét thật nhanh, máy có điện đầy đủ nhưng chỉnh hoài công suất không lên nổi. Tôi quay sang Th/sĩ Tốt, phụ tá ngành Vô Tuyến của tôi, bảo: Anh chạy ra nhìn lên hộp Antenna coupler trên sân thượng xem có sao không? Anh vừa chạy ra khỏi phòng chừng vài bước là nhào vô lại liền:
- Đạn bắn dữ quá, Tr/sĩ Quang bị thương nặng hình như là chết rồi. Không chạy ra ngoài nhìn lên được.
- Còn ai ở đó tiếp tục bắn không?
- Có, nhưng đang kéo T/S Quang vô, sợ rớt xuống biển.
- Ra phụ với họ một tay.
Tôi và hai nhân viên Vô Tuyến chạy ra phụ kéo xác T/S Quang vào hành lang.
T/S Quang là trưởng khẩu 20 ly , súng đặt ngay gần cửa hành lang phòng Hạm Trưởng và phòng Vô Tuyến phía bên hữu hạm.
Trong lúc đang bối rối nhưng tôi lại nhận ra được là đạn địch bắn rát bên hữu hạm, phía tả hạm hình như không có. Bên tả hạm lại có cầu thang bước lên phòng CIC và đài chỉ huy. Tôi chạy ra lối này, đứng cạnh la bàn đo phương vị nhìn lên sân thượng sau lái, cột antenna to bằng bắp tay của máy GTD bị trúng đạn ngã nghiêng, hộp antenna coupler dùng cho dàn máy CRT-3 bị bê, tuy ở xa nhưng thấy rất rõ. Không thể sửa chữa gì được lúc này, tôi chạy trở lại phòng Vô Tuyến sử dụng máy VRC-46 để liên lạc. Máy này tuy có tầm liên lạc ngắn hơn máy GTD nhưng cũng sử dụng rất tốt. Tôi ghi vào nhật ký truyền tin: 191040H/01/74 Máy phát KW-2 và CRT-3 mất công suất vì Antenna cả 2 máy bị trúng đạn gãy và bể. Đến nay tôi vẫn còn nhớ được lúc đó là 10 giờ 40 phút là vì khi chiến hạm về SaiGon, toán An Ninh Truyền Tin có xuống chiến hạm xem nhật ký và hỏi tôi cặn kẽ lý do mất liên lạc trong thời gian hơn 2 tiếng đồng hồ cũng như có nghe được TC vào phá rối hệ thống hay không? Tôi đã giải thích và sau khi xem xét hộp và cột antenna, họ thỏa mãn. Toán An Ninh Truyền Tin (kiểm thính) nói HQ5 mất liên lạc hẳn nhưng thực ra HQ5 vẫn liên lạc được với các chiến hạm, BTL/HQ/V1DH và một Duyên Đoàn thuộc Vùng 1 nhờ chuyển tiếp bằng máy VRC 46 là vì toán Kiểm Thính ở SaiGon (trong Sở Hoàng Hà, trại Cửu Long, Thị Nghè) không nghe được nổi tín hiệu HQ5 trên máy VRC-46.
Ngay khi các máy truyền tin của tôi bị mất công suất, nhiều lúc tôi ngạc nhiên tại sao nghe tiếng đạn tàu của mình bắn ít đi, mà đạn TC cứ bắn trúng vào tàu mình ầm ầm càng lúc càng nhiều. Sốt ruột, tôi bốc điện thoại gọi lên đài chỉ huy hỏi thăm, một Sĩ quan trên đó trả lời (nếu tôi nhớ không lầm thì người này là Tr/úy Thục):
- Con gà lớn (127 ly) của mình bị đạn mất điện mẹ nó rồi, thằng Đồng chết trong pháo tháp đang mang xác nó ra. Đang quay bằng tay đây làm sao bắn nhanhđược.

- Còn tụi nó có thằng nào bị không?
- Một thằng sắp chìm, khói bốc đen sau lái đang bò vào gần đảo kìa.

Tôi chạy nhanh ra hành lang nhìn vào, đúng như anh ta nói. Tàu TC bị đạn này chỉ cách chúng tôi không đến 2 hải lý bởi vì bằng mắt thường tôi thấy rất rõ tuy rằng không nhìn thấy được số tàu và thành thật mà nói, lúc đó tôi cũng không biết có phải do HQ5 bắn hay không? Tàu nào bắn trúng cũng được miễn tụi nó có một thằng chìm là mừng rồi. Sau đó vài phút tôi nghe đạn hai bên bắn nhau đã giảm đi nhiều. Khi quay lại để trở vào phòng nhiệm sở, có thời giờ quan sát kỹ tôi mới thấy hành lang xuống phòng ăn SQ tối om. Tôi chạy nhanh xuống cầu thang nhìn qua các phòng khác, tất cả đều tối. Không phải là lệnh "làm tối chiến hạm" cho địch khỏi nhìn thấy vì là ban ngày mà. Tôi biết là bị mất điện. Tiện chân tôi chạy xuống phòng ngủ đề lấy bao thuốc lá vì đã hết sạch từ sáng. Phòng ngủ ngập nước và tối quá không thấy đường đi, tôi đành quay trở lên. Khi vào lại phòng Vô Tuyến, điện trong phòng không bị mất, tôi có bụng mừng là máy VRC-46 vẫn còn liên lạc được nhưng cũng không kịp thắc mắc.
Thời gian hai bên đánh nhau khoảng 45 phút. Khoảng 15 đến 20 phút sau cùng, khả năng tác chiến của 3 chiến hạm còn lại của ta yếu hẳn. Các chiến hạm TC cũng không thấy bám theo bắn ta nhiều như lúc khởi đầu. Tôi đang tham gia trận chiến nhưng không phải là SQ chỉ huy trận chiến, cũng không phải là xạ thủ. Nhiệm sở của tôi trong phòng Vô Tuyến như một chuyên viên, chỉ có duy nhất khẩu colt 45 bên hông để chỉ huy nhóm nhân viên trực thuộc phòng khi có tên nào nổi loạn hay sợ quá, bựa ra không nghe lệnh, nên khi hai bên đánh nhau, đặc biệt là lúc gần cuối trận chiến, tôi có cái cảm giác và cảm tưởng rất lạ khó quên. Cảm giác là sợ và mong cho cuộc chiến sớm chấm dứt, hoàn toàn không giống như bản tính của tôi và cũng không giống như trước kia khi tôi ở Duyên Đoàn 21, hành quân án ngữ vùng An Vũ, Song Võ, Bình Định và cũng như lúc ở Duyên Đoàn 26 đưa trung đội đi hành quân phối hợp với Bộ Binh đụng trận ở mật khu Vĩnh Hy. Trận đánh chấm dứt tôi hiểu ngay lý do là vì đánh nhau, địch bắn ầm ầm mà tôi không có súng để bắn lại cũng không được đứng chỉ huy, chỉ ngồi trong phòng giữ mấy cái máy liên lạc, không có hành động gì chống trả cho nóng người nên thấy thiếu an toàn, mất tự tin. Nghĩ mà phục cho mấy ông, bà phóng viên chiến trường. Và, khi hai bên thôi không bắn nhau, tôi có cảm tưởng như cả ta và địch vì đều bị thương nặng, đã đuối sức, không bên nào muốn tiếp tục đánh nhau nữa, cả hai đều tự động rút lui dần ra khỏi vòng chiến.
Liên quan đến việc các chiến hạm rút ra khỏi vòng chiến, trong bài của Đai Tá Ngạc có hai điều quan trọng tôi thấy không ổn.
Thứ nhất: Khi đánh nhau, khẩu 76 ly của HQ4 bị trở ngại tác xạ bao nhiêu lần, thời gian tổng cộng bao nhiêu lâu tôi thực sự không biết rõ vì có thể HQ4 liên lạc với Đ/Tá Ngạc bằng máy PRC-25 trên đài chỉ huy. Nhưng nếu nói trong khi lâm chiến mà HQ4 cứ vài phút xin bắn thửmà lại gọi xin bắn thử đến ba lần thì nghe không ổn. Đang đánh nhau, súng bi trở ngại thì sửa, có thể báo cáo ngay cho cấp chỉ huy biết, sữa xong thì nhắm vào tàu địch mà bắn tiếp may ra được viên nào đở viên đó chứ sao lại cứ xin bắn thử? Bắn thử nghĩa là bắn không nhắm mục tiêu, mà lại xin bắn thử đến ba lần.
Thứ hai: Đaị Tá Ngạc thấy HQ4 bị trở ngại tác xạ và bị thiệt hại nhiều nên ông đã ra lệnh cho HQ4 rút ra khỏi vòng chiến ngay? Thời gian hai bên bắn nhau dữ dội nhất là từ phút khởi đầu cho đến nửa giờ sau. HQ4 có bị thiệt hại nặng thì bị trong khoảng thời gian này, đây cũng là thời gian mà máy PRC-25 của HQ5 trên đài chỉ huy bị trúng đạn bể. Nếu Đ/Tá Ngạc ra lệnh cho HQ4 rút lui ra khỏi vòng chiến thì phải xuống phòng CIC dùng máy VRC-46 để chỉ thị, và như vậy tôi phải nghe được vì 15-20 phút sau cùng tôi chỉ còn có máy này để liên lạc và luôn luôn trực 24/24. Nếu thực sự Đ/Tá Ngạc chỉ thị cho HQ4 rút lui, thì HQ4 cũng chẳng có tội tình gì vì chỉ thi hành lệnh của Đ/Tá Ngạc, tôi không có nhu cầu gì phải giải thích giùm nhưng thực sự tôi không nghe lệnh quan trọng này.
Ngay sau khi trận chiến chấm dứt, bất cứ một Sĩ Quan dù thuộc ngành chuyên môn nào, cũng muốn biết lúc đánh nhau, vị trí của ta ở đâu, địch đã bố trí như thế nào và có bao nhiêu thiệt hại ? Tôi và một vài Sĩ Quan không có nhiệm sở trên đài chỉ huy hoặc không ở những vị trí thuận tiện quan sát chiến trường cũng rất muốn biết. Đến nay tôi chỉ còn nhớ được một số yếu tố quan trọng. Lúc đánh nhau, HQ4 và HQ5 ở về phía Nam đảo Quang Hoà. HQ16 và HQ10 ở về phìa Bắc. HQ 4 và HQ5 trách nhiệm hai tàu Kronstad 271 và 274 của địch vì hai tàu này đang có mặt án ngữ cạnh đảo phía Nam. HQ16 và HQ10 trách nhiệm tàu 396 và 389 phía Bắc. Khi tàu về đến Đà Nẳng biết tin HQ16 bị trúng một trái đạn 127 ly, chúng tôi cũng đã ngờ rằng trái đạn này của HQ5 bắn nhầm, lý do rất dễ hiểu là vì chỉ có HQ5 và HQ16 có súng 127 ly. Liên hệ đến vị trí chiến hạm lúc đánh nhau, tôi thấy nếu HQ5 có bắn nhầm HQ16 cũng là điều dễ hiểu. Viên đạn này có sác xuất rất cao xảy ra khi khẩu 127 ly của HQ5 bị hỏng hệ thống điện, phải quay bằng tay. Tàu địch thì nhỏ và di chuyển nhanh, sóng biển lúc đó chỉ là cấp 1, cấp 2 thôi nhưng cũng đủ ảnh hưởng đến độ cao thấp của tầm đạn vì vậy mà viên đạn có thể đã trượt khỏi tàu TC mà trúng vào HQ16.
Liên quan đến Công Điện báo cáo sơ kết về BTL/HQ/V1DH và BTL/HQ, một các tổng quát tôi có thể tóm tắt: Về nhân sự có HQ Tr/úy Nguyễn Văn Đồng trưởng khẩu 127 ly tử trận (Tr/Úy Đồng khoá 24 VBDL chuyển sang Hải Quân. Thỉnh thoảng anh có viết cho tập san Đa Hiệu và báo ngoài một vài truyện ngắn và thơ, bút hiệu là Trầm Kha. Tài liệu hầu hết đều ghi là Th/Úy. Lý do anh mới được thăng cấp Tr/Úy 2 hôm trước khi tàu ra vùng hành quân, chưa được gắn lon. Anh và Tr/Úy Lê Viết Phú cùng khóa, cùng thuyên chuyển xuống HQ5, thăng cấp cùng ngày. Cả hai đều ở chung phòng ngủ với tôi nên tôi nhớ rõ). Th/tá Toàn bị thương nhẹ (tôi có thấy ông đi cà nhắc khi rời chiến hạm. Thực ra từ khi ông xuống chiến hạm, biết là ông theo Đ/tá Ngạc như là một phụ tá hành quân nhưng trước và trong trận chiến, tôi không gần ông nên không biết rõ nhiệm vụ cụ thể của ông là gì). Th/sĩ ĐT Nguyễn Phú Hảo, Tr/sỉ TP Quang (tôi quên họ) tử trận. Khẩu 127 ly bị hỏng hệ thống điện phải quay bằng tay. Khẩu 40 ly sau lái bị bị bể hộp cơ bẩm. Kho điện tử cháy, thiệt hại 50% phải xả nước vào làm nguội để tránh kho đạn 127 ly bên cạnh bi phát nổ. Những nơi tàu bị trúng đạn, tôi không nhớ rõ con số chính xác nhưng chắc chắc phải từ 50 đến 100 chỗ bị trứng đạn lớn nhỏ. Riêng đài chỉ huy không thôi cũng đã có 4,5 lổ đạn lớn và trên 10 lổ đạn nhỏ phá thủng . Tôi đã rất ngạc nhiên là không ai ở nhiệm sở này bị thương, đúng là "đạn tránh người". Về số người bị thương không dưới ba người. Máy điện bị hỏng, trưa đó không có điện để nấu ăn, phải ăn lương khô. Đại Úy Lê Khắc Nguyền, Cơ Khí Trưởng (nếu tôi nhớ không lầm thì ông từ Hàng Hải Thương Thuyền chuyển qua) khi sửa xong hệ thống điện và máy tàu, ông bước vào phòng ăn SQ, ông vốn mập và to con, từ đầu đến chân đầy cả dầu mỡ, chúng tôi nói đùa: Hôm nay mới biết tại sao người ta gọi mấy ông Cơ Khí là con heo dầu. Đại Úy Nguyền đã được gắn lon Th/tá ngay khi tàu về cặp cầu A SaiGon, bên cạnh HQ16, cặp ở cầu B.
Với sự thiệt hại và khả năng chiến đấu như trên, Đ/Tá Ngạc đã xin lệnh rời vùng hành quân. CD này chuyển về một Duyên Đoàn thuộc Vùng I DH (tôi không nhớ Duyên Đoàn nào) yêu cầu chuyển tiếp về BTL/HQ/V1DH, nôi đây sẽ chuyển tiếp về BTL/HQ. CD có độ khẩn là Thượng Khẩn (Y), chuyển đi lúc khoảng 12 giờ trưa nhưng chờ mãi đến sau 3 giờ chiều không thấy trả lời. Lúc đó, các antenna của HQ5 đã được tạm thời sửa chữa, máy hoạt động lại. Tôi đích thân lên máy gửi CD này lại một lần nữa, sau đó khoảng nửa giờ, có CD cho lệnh HQ5 rút ra khỏi vùng hành quân. Công tác mới là tìm kiếm dấu vết và thủy thủ đoàn HQ 10. Sau hơn 1 ngày đêm tìm không thấy có dấu vết gì, chiến hạm được lệnh về Đà Nẳng để tiếp tế và sửa chữa.
Chiến hạm về đến Đà Nẳng tối 30 sáng mùng 1 Tết. Ngay sáng đó, tôi có thấy TL/V1CT, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng xuống thăm. Tất cả Sĩ Quan, HSQ, Đoàn Viên chiến hạm cấp tốc sửa chữa hư hỏng, nhận tiếp tế và đặc biệt là di chuyển tất cả đạn 127 ly trên sàn tàu xuống lại nơi an toàn vì nghe đâu sẽ có lệnh trở ra lại vùng hành quân. Số đạn được mang từ dưới hầm tàu lên quá nhiều chưa bắn hết vì súng bị hỏng, có thể bị trúng đạn địch phát nổ. Đã có 2 nhân viên vừa mệt, vừa đói ngất xỉu trên boong tàu vào sáng ngày mùng một Tết này.

Sau khi tạm sửa chữa những nơi hư hỏng nặng, nhận tiếp tế xong, HQ5 được lệnh trực chỉ Trường Sa để tham dự hành quân Trần Hưng Đạo 48, dười quyền chỉ huy của Đại Tá May cho đến sau Tết hơn 1 tháng, chiến hạm mới được về Sai Gon để tiếp tục sửa chữa gần 2 tháng nữa.

Tại SaiGon, HQ5 đậu ở cầu A, HQ16 đậu ở cầu B cách nhau không quá 200 mét. Chúng tôi được biết HQ16 được tổ chức tiếp đón trọng thể lúc mới về đến, thương tích còn đầy mình. Chúng tôi thấy hãnh diện lây vì mình cũng là thành viên tham dự trận đánh. Riêng HQ5 về trễ hơn 1 tháng nhưng cũng đã được BTL chiếu cố, tuy hơi muộn màng. Nhiều người được đề nghị thăng cấp và huy chương do công trận Hoàng Sa, nhưng không hiểu tại sao đã không được cứu xét nhanh chóng (ngoại trừ Đại Úy Nguyền) mà mãi đến cuối năm mới có lệnh được thăng cấp như là thăng cấp thường niên. Nhiều phái đoàn dân sự xuống thăm viếng, ủy lạo, kết thân. Nhiều tiền ủy lạo nhất hình như là hãng Vishipcoline, nhiều nhóm kết thân nhất là trường Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm. Bên cạnh một chút hãnh diện, một chút niềm vui, an ủi nho nhỏ đó, chúng tôi nhiều lúc cũng không khỏi suy tư, ray rứt về trách nhiệm của mình là đã không giữ được nổi quần đảo Hoàng Sa, vùng đất tuy xa xôi nhưng từ thời cha ông đã có được chủ quyền, nằm trong vùng lãnh hải của đất nước Việt Nam thân yêu.
Kỷ niệm húy nhật Đức Trần Hưng Đạo, năm 2004
Hồ Hải


No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...