Hạm đội 5 của Mỹ hôm qua (28/12) đã tuyên bố một cách đầy cứng rắn rằng, lực lượng này sẽ không cho phép và cũng không dung thứ cho bất kỳ hành động gây cản trở giao thông nào ở Eo biển Hormuz – một trong những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất thế giới.
"Sự tự do đi lại của tàu thuyền chở hàng hóa và dịch vụ qua Eo biển Hormuz là vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng của khu vực và toàn cầu. Vì thế, bất kỳ ai đe dọa sự tự do đó tại một eo biển quốc tế sẽ chứng tỏ đó là kẻ đứng bên ngoài cộng đồng các quốc gia và bất kỳ hành động gây cản trở nào cũng sẽ không được dung thứ", một nữ phát ngôn viên của Hạm đội 5 đóng tại Bahrain của Hải quân Mỹ, nhấn mạnh.
Tuyên bố thẳng thừng và mạnh mẽ một cách bất thường trên của nữ phát ngôn viên quân đội Mỹ được đưa ra ở trên là nhằm đáp trả những lời đe dọa liên tục của Iran gần đây về việc đóng cửa Eo biển Hormuz nếu phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.
Ông Mohammed Reza Rahimi, Phó Tổng thống Iran, hôm 27/12 đã tuyên bố trên các phương tiện truyền thông quốc gia rằng: “Nếu các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu khí Iran được thực hiện thì sẽ không có một giọt dầu nào đi qua được Eo biển Hormuz. Các kẻ thù của chúng tôi sẽ phải từ bỏ âm mưu của họ khi chúng tôi dạy cho họ một bài học lớn”.
Tiếp lời ông Rahimi, Đô đốc Habibollah Sayari, Chỉ huy Lực lượng Hải quân Iran, nhấn mạnh, việc đóng cửa Eo biển Hormuz và từ đó bóp nghẹt đường cung cấp dầu mỏ cho thế giới sẽ “dễ hơn cả việc uống một cốc nước".
Những phát biểu của Đô đốc Sayari được đưa ra đúng thời điểm hạm đội Iran đang tích cực tham gia một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn kéo dài 10 ngày ở vùng biển quốc tế, gần Eo biển Hormuz. Cuộc tập trận này có sự xuất hiện của một loạt tàu chiến, trực thăng, tàu ngầm và tàu đệm khí.
Hoạt động phô trương sức mạnh trên của Iran được cho là nhằm để chứng tỏ khả năng nước này có thể đóng cửa Eo biển Hormuz nhanh chóng như thế nào. Eo biển Hormuz là một eo biển hẹp nối vùng Vịnh Persian với Biển Ả-rập. Nó có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu thế giới khi hơn 1/3 (khoảng 40%) nguồn cung cấp dầu mỏ cho thế giới phải đi qua eo biển này. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 15 triệu thùng dầu đi qua Eo biển Hormuz.
Hạm Đội 5 HQ Hoa Kỳ
Theo các nhà phân tích, Iran có thể thực hiện những hoạt động phá hoại ở Eo biển Hormuz nhưng hải quân nước này sẽ không thể địch nổi với hỏa lực của Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ. Hạm đội này đang đóng tại Manama, cách bờ biển của Iran chỉ khoảng 160km. Hạm đội 5 của Mỹ bao gồm hơn 20 tàu chiến, trong đó có một đội tàu sân bay tấn công được hỗ trợ bởi một loạt chiến đấu cơ. Có khoảng 15.000 quân nhân được triển khai trên các con tàu thuộc Hạm đội 5 và khoảng 1.000 người được triển khai trên bờ.
Trừng phạt
Chiến đấu cơ 8F/A-18C Hornet cất cánh từ HKMH lớp Nimitz USS John C. Stennis (CVN 74) thuộc Hạm Đội 5 HQ Hoa Kỳ trên vịnh Ả Rập (Arabian Gulf) hôm 23/11/2011
(U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Kenneth Abbate/Released)
Căng thẳng giữa Iran và phương Tây leo thang sau khi ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) cách đây 3 tuần đã quyết định thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 của thế giới đồng thời để ngỏ khả năng áp dụng một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Iran. Đây là một biện pháp nhằm gia tăng sức ép buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Phương Tây cáo buộc Tehran đang tìm cách sản xuất bom hạt nhân. Tehran bác bỏ cáo buộc này, khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ có mục đích hòa bình.
Những lời đe dọa của Iran gần đây đã làm giá dầu tăng hôm 27/12 và đã giảm nhẹ trở lại một ngày sau đó. "Lời đe dọa của Iran về việc đóng cửa Eo biển Hormuz đã đẩy giá dầu tăng cao nhưng ảnh hưởng của lời đe dọa này đã suy giảm dần. Lý do là đó chỉ là những lời đe dọa trống rỗng bởi Iran sẽ không thể gây cản trở đối với các hoạt động chuyên chở dầu qua Eo biển Hormuz khi mà Mỹ đang hiện diện tại đây", ông Thorbjoern bak Jensen, một nhà phân tích, nhận định.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, các tàu chiến của nước này đang đi tuần tra trong khu vực và sẽ giúp đỡ để đảm bảo sự đi lại tự do qua Eo biển Hormuz.
Trong khi đó, Pháp hôm qua đã lên tiếng kêu gọi Iran tuân theo luật quốc tế trong đó cho phép tất cả các tàu thuyền đi lại tự do qua Eo biển Hormuz.
Iran tiếp tục đối đầu với Mỹ và phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Bất chấp sức ép dồn dập mà phương Tây nhằm vào Iran bằng những biện pháp trừng phạt liên tiếp với mức độ ngày càng mạnh mẽ, Tehran vẫn kiên quyết không chịu lùi bước.
http://www.quehuongngaymai.
Bạn Chi Trương chuyển
No comments:
Post a Comment