Monday, December 19, 2011

Hành Trình Afghanistan_TSQ 1853

Hoangsablogspot: Tác giả, một cựu Thiếu Sinh Quân đồng thời cũng là một cựu sĩ quan Hải Quân, khoá 18, Đệ Nhị Xử Nữ, tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, nưả hải trình tróc neo đành giã từ biển xanh để đi vào biển gió cát; từ chiến trường Iraq, anh đã tự nguyện  qua mặt trận Afghanistan, với nhiệm vụ phụ tá kỹ thuật cho công ty Teng, một nhà thầu cung cấp đủ loại dịch vụ cho các lực lượng NATO hiện đang chiến đấu tại đây. Xấp sỉ tuổi về hưu anh vẫn còn lấy công việc làm thú vui và cảm thấy như còn nặng nợ với các xứ sở cuả Ngàn Lẻ Một Đêm.

TSQ 1853


Cuối tháng 8, 2011 khi còn đang làm việc cho công ty KBR trong căn cứ Al Asad tại Iraq thì tôi nhận được Email của Jim, người trưởng ngành cũ. Ông nhắn nhủ công ty TENG đang tuyển một chuyên viên mới cho đoàn thanh tra kỹ thuật, không nên bỏ qua cơ hội hiếm hoi này. Nội dung ngắn ngủi, nhưng trong tình thế khiến tôi không khỏi phân vân.

 Sau một thời gian dài làm việc cho KBR, có biết bao bạn bè, kể cả người trong ban quản trị, tôi không đành lòng ra đi. Ngoài ra, những tiện nghi sinh hoạt ở đây ai cũng cho là số một. Tuy sống giữa sa mạc trong một đất nước còn chiến tranh nhưng cơ sở ăn ở và giải trí rất tốt. Tôi được ở trong một Container riêng với buồng tắm có máy nước nóng, máy lạnh và cable TV. Cơm nước, giặt giũ, giải trí đều do những ban, ngành khác của công ty phục vụ hoàn toàn miễn phí. Công việc của tôi là soạn họa đồ xây dựng về điện cho quân đội Mỹ trấn đóng tại Al Asad và các căn cứ phụ thuộc, giữa thủ đô Baghdad và biên thùy Syria.
Tự nhủ mình phải đi đâu mà vội. Sống trong trại lính, cái gì cũng “free”, muốn tiêu xài cũng không có chỗ nào ngoài PX, nên tôi cũng để dành được một số vốn. Dự định nếu về Mỹ thì sẽ hùn hạp với vài người bạn mở tiệm bán đồ ăn nhanh. Vả lại, Dậu, cô bạn gái của tôi cũng ngại “Ông già” mang tâm trạng thất nghiệp, sẽ chóng chán cảnh “Cơm nhà, quà vợ” rồi kiếm cớ . . . Hờn dỗi, lang thang mất công cô đi tìm! Dậu có bản lĩnh của một phụ nữ duyên dáng vốn bươn chải từ thuở nhỏ khi miền Nam đổi chủ. Cũng có thể nàng đã từng qua một lần dang dở, không dễ dãi đặt niềm tin vào lời hứa hẹn suông  của đàn ông. Trong một lần chia tay, sau mấy tuần rượu, Dậu cạn ly và nói:
-Con ngựa già vẫn thích rong ruổi đường xa thì hãy cứ để nó đi. Chừng nào mỏi mệt tự nó sẽ dừng chân, cho người ta . . . Xẻ thịt!
Giọng Dậu ướt sũng không biết vì men cay hay tâm sự nặng trĩu chất đắng của đời sống. Có lẽ là cả hai. Tôi càng muốn câu giờ khi có thêm thông tin không mấy hứa hẹn về sinh hoạt bên Afghanistan. Thằng bạn gọi điện thoại cho biết:
-Tiện nghi  bên này chán lắm anh ơi. Đông đúc, chật chội, ở chung với dân lao động Mã lai, Miến điện, Thái lan, Ấn độ thật là phiền. Tụi nó . . . Ở dơ gì đâu!
Không quan tâm lắm đến vấn đề này vì cảm thấy mình chưa chắc đã sạch bằng ai, tôi chỉ ậm ừ và hỏi:
-Có lao động người Việt không?
Thằng bạn chép miệng trả lời:
-Chưa gặp người Việt nào cả. Có lần Vũ gặp cô nọ. Trông mượt mà, dễ thương lắm. Tưởng người Việt, tính gạ chuyện làm quen mới biết cô là dân Sri Lanka.
Tôi cười:
-Thế thì may cho nền kinh tế Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quá. Nếu có con gái Việt ở đây thì Việt kiều như ông đâu còn đi đi,  về về thăm . . . Quê hương nữa!
Vũ tiếp, giọng thoáng hậm hực:
-Tại mình dở đó chứ. Anh biết không, lao động Việt ở Trung đông, ngay cả tại Dubai khổ như chó. Bị quỵt lương là chuyện bình thường. Cũng tại uy tín, kiến thức giao dịch của Việt cộng còn rất thấp. Chỉ móc ngoặc được với những công ty nhỏ, xong đem con bỏ chợ thôi. Làm gì có bản lãnh như Mã lai, Ấn độ, Thái land. Tụi nó hợp đồng lao động trực tiếp với những công ty hàng đầu thế giới như Ecolog, Supreme, KBR, Atco, . . .  Anh thấy không, lao động của họ được ăn ở, giải trí như lính Mỹ, tiền lương hàng tháng chỉ để dành.
Tôi phịa chuyện cho đỡ căng thẳng:
-Nghe nói nhà nước Việt Nam vẫn còn căm thù đế quốc Mỹ lắm. Đảng ta lại vốn . . . Sợ chiến tranh nên đời nào gởi lao động qua Afghanistan làm việc cho Mỹ. Đâu phải cứ  . . . Xài tiền của Tàu, thuê lao động nước nào cũng được, phải không?
Vũ không cười, tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm:
-Anh sẽ về căn cứ nào? Bagram hay Kandahar? Ở đâu thì cũng bụi bậm lắm, anh ơi. Afghanistan toàn núi đá với cát. Đã vậy còn ngủ tập thể trong nhà bạt (tent). Tắm chung trong nhà bạt luôn!
Tôi đưa đẩy:
-Cũng không sao. Hồi ở Việt nam tụi mình đã từng trải qua rồi mà. Còn phải nằm đất, tồng ngồng tắm nước giếng nữa kìa.
Vũ chép miệng tiếp:
-Ngồi bồn cầu sạch sẽ, thoải mái quen rồi. Đi  vệ sinh trong thùng di động, Vũ . . . Vũ chịu không được. Thấy cứt nổi lều bều mà phát ớn!
Tôi sửng sốt, nhưng cố làm ra vẻ thản nhiên và diễu:
-Cũng chả sao. Mỗi tháng lãnh trên mười ngàn đô để đâu cho hết! Đề nghị ông khắc phục  . . . Tiêu cực. Phấn đấu lên mạng đặt làm một cái bồn cầu hiện đại để giải quyết vấn đề nhé!
Thực tình mà nói, phương tiện vệ sinh vẫn là hạng mục tôi quan tâm nhất. Chả là vì thói quen ngâm nga đọc truyện mỗi khi vào buồng tắm. Nhanh thì 15 phút. Thường thì nửa giờ. Chỉ nghĩ đến cái viễn ảnh phải ngồi bệt bên cạnh máng tiểu xông mùi khai tôi đã thất vọng vô cùng. Cuộc hành trình qua Afghanistan  quả là xa vời vợi. Thế nên tôi cám ơn ông Jim đã có ý tốt; Vì lý do riêng tôi chưa thể quyết định đi Afghanistan ngay được.
Nhưng rồi việc gì đến đã đến. Chính quyền Tổng Thống Obama dứt khoát rút quân Mỹ khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Các dự án xây cất dở dang đều khép lại. Rải rác đó đây quanh căn cứ Al Asad là những nền bê tông vùi dần trong bão cát sa mạc. Có nơi tường đã được dựng lên với cánh cửa chơ vơ, kẽo kẹt đong đưa theo gió nghe đến buồn nản. Nghề của tôi không còn chỗ đứng trong tổ chức KBR nữa. Nhiều chức sắc cao cấp trong công ty đã lần lượt rời Iraq, trong số đó có Jim. Không mấy ai muốn ở lại đến phút chót vì lẽ, sau 31 tháng 12, lực lượng an ninh Iraq sẽ thay quân đội Mỹ bảo vệ nhân viên dân sự cho đến khi bàn giao xong cơ sở và vật liệu thặng dư. Người ta ùn ùn xin nghỉ, đặt vé máy bay và gởi đồ đạc về nhà. Ngày nào sân trước bưu điện cũng chật người đứng xếp hàng chờ.
Giữa lúc tôi còn đang chần chừ chuyện đi, ở thì người vợ cũ viết thư nhắc nhở “Anh gởi tiền cho B. nó vào campus”. Tôi giựt mình, nhưng không ngạc nhiên về chuyện này. Mấy năm qua nàng đã cưu mang, nuôi dưỡng đứa con trai út đến khôn lớn, để tôi xuôi ngược cho quên sầu đời. Kể ra một mình nuôi nấng, dạy dỗ cho đứa trẻ từ tuổi 13 đến khi trở thành một thanh niên không phải là đơn giản. Vả lại, tôi từng hứa với nàng rằng nếu B. gác ý tưởng làm cảnh sát, chịu vào đại học thì tôi sẽ hết mình hỗ trợ. Cuối cùng tôi đã gởi TENG bản resume rồi về Mỹ với niềm lạc  quan là sẽ được tuyển dụng. Theo điều luật mới của bộ quốc phòng Mỹ, với gốc gác quân đội miền Nam Việt nam, tôi được ưu tiên như cựu quân nhân người bản xứ khi xin việc có liên quan đến quốc phòng.
Được tin tôi dự định đi Afghanistan một thằng bạn khác gọi điện thoại cười hô hố:
-Chúc ông may mắn lại được . . . Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự! Cứ tưởng sau 5 năm Iraq ông về Mỹ lấy vợ chứ. Ai dè người có tuổi mà . . . Chưa già như ông còn nhiều duyên nợ với mấy em Trung Đông đến thế!
Tôi phì cười đưa đẩy:
-Nợ mẹ gì. Vì cơm áo gạo tiền nên mới tình nguyện đi đó thôi. Có bà nào chịu cung phụng, mồi dâng  rượu rót thì tao đã dừng bước giang hồ từ khuya rồi. Hỏi mày chứ  . . . Khải, ở tuổi tụi mình vác cái đơn đi xin việc ai mà nhận, huống chi là kiếm vợ.
-Tại ông khó tính, kén chọn quá mà. Ở Mỹ thiếu gì single mother. Con Khanh nó nhắc ông hoài. Có lần nó hỏi anh Khải à, bộ anh Toàn . . . Khùng khùng sao mà cứ đi hoài vậy. Hay là anh ấy chán đời?
Có lẽ tôi chán đời thật, nhưng khùng khùng thì chưa hẳn. Khải là bạn thân 6 năm dưới mái trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Khải rớt tú tài hai, đi Thủ Đức rồi chọn binh chủng nhảy dù. Tôi may mắn thi đậu, đi Nha Trang trở thành người lính biển. Những dịp nghỉ Hè hay Tết chúng tôi thường hay đến nhà nhau ăn dầm, ở dề. Khải chỉ nhỏ hơn tôi 1 tuổi, nhưng bố hắn bắt gọi tôi bằng anh, xưng em làm gương cho 6 đứa em. Ấm ức lắm vì phương diện gì Khải cũng trội hơn tôi, từ diện mạo, sức vóc đến sức học. Nhưng mãi rồi quen, lối xưng hô đã trở thành thân thiết, chỉ biến đổi đôi chút từ khi rời Vũng Tàu. Khi tôi ra trường cả nhà Khải đều có ý tác hợp cho tôi với Khanh, cô em út dễ thương nhất nhà. Dạo ấy tôi còn ham vui, thích bạn bè và đường xa cảnh lạ. Hơn nữa, lương tháng không đủ nhậu, sao dám đèo bồng. Sau này cũng có lúc buồn khi biết Khanh lọt vào tay một chàng sĩ quan không quân cao ráo, đẹp trai. Đúng là “Chẳng nợ nần gì nhau . . . Hãy để tình ta bay cao”; thế mà vẫn là cái cớ cho một chầu nhậu với lính tráng cùng đơn vị!
Sau biến cố 75, tôi gặp lại gia đình Khải ở Wichita, Kansas. Lúc bấy giờ Khanh còn hạnh phúc lắm. Huy, chồng Khanh là một người mực thước, đứng đắn chứ không như nhiều đấng Pilot không quân tôi vốn biết hồi ấy. Đó là thành kiến cũ kỹ của riêng tôi thôi. Đã từng bị tụi bạn không quân chơi hội đồng, “sửa sai” nhiều lần khi trà dư tửu hậu rồi. Đâu ai ngờ vào năm tòa tháp đôi ở New York bị khủng bố Ả Rập phá tan tành, Huy bỗng ra đi vì ung thư máu. Có người bảo nếu chịu thay máu tủy xương thì sẽ vẫn sống, nhưng thường  mất khả năng sinh lý. Huy đã chọn sự ra đi trong tiếc nuối của gia đình và bạn bè. Đang bận công tác cho công ty nên tôi chỉ có thể điện thoại hỏi han, chia buồn với Khanh và 3 cháu. 4 năm sau trong khi làm thủ tục đi Iraq, từ Houston  tôi có ghé thăm gia đình Khanh. Chuyện buồn riêng của tôi được Khải và Khanh biến thành mấy ngày hội ngộ vui như Tết. Lúc chia tay Khanh nhắn nhủ:
-Mong thời gian và cuộc sống bên ấy giúp anh chóng nguôi ngoai. Anh giữ gìn sức khỏe nhé.
Rồi nàng ngập ngừng tiếp:
-Có dịp thuận tiện nhớ ghé Wichita. Cứ coi đây là nhà. Lúc nào . . . Em cũng sẵn sàng đón tiếp anh.
Tôi cảm động chỉ gật gật đầu rồi lên xe để Khải chở ra phi trường cho kịp chuyến bay trở lại Houston.

Tác giả

Thấm thoát đã hơn 5 năm. Sinh hoạt của trại lính giúp tôi trở thành con người mới. Hay nói khác đi, thành một người không bình thường ở tuổi đã có cháu nội, ngoại. Hoặc như Khanh nghĩ, tôi trở thành khùng khùng. Khùng khùng nghĩa là chưa mất trí hay điên dại. Với tôi hình như chỉ có giấc ngủ là trọn vẹn của riêng mình, là hạnh phúc lớn nhất, đo được bằng thời gian, cho dù nhiều đêm văng vẳng tiếng bom hoặc đạn pháo kích ì ầm xa gần. Mấy tuần đầu ở Iraq tôi còn chạy ra hầm trú ẩn như bao người khác. Sau rồi thấy quen như chuyện thường ngày ở huyện, đâm ra buông xuôi, tiếp tục co mình trong chăn, phó mặc định mệnh cho “ Trời kêu ai người nấy dạ”. Sáng hôm sau lại phấn khởi đón nhận tia nắng ban mai với công việc thường xuyên phải làm. Tôi thích sinh hoạt chung với lính, thế hệ con, em của mình. Họ hồn nhiên quá, như tôi hồi đó, không biết sợ hay hận thù là gì. Phải chi hồi ấy thế hệ chúng tôi biết Cộng Sản tàn độc như thế nào và hiểu được cái giá của tự do thì chắc ngày nay Nam Việt Nam cũng hùng mạnh như Nam Hàn.
Thử thách chính cho nhân viên dân sự ở Iraq là xa phố phường, người thân và người yêu. Làm gì có hàng quán mà vào nhâm nhi tách cà phê, ly rượu  và tán gẫu với mấy cô chiêu đãi. Cũng có dáng dấp phụ nữ Mỹ và các quốc gia khác, thuộc quân đội hoặc các công ty dân sự. Họ thường to kềnh, thô kệch, nói oang oang như đàn ông, với nhan sắc . . . Qua đường không ai hay. Người có nhân dáng thu hút như trung úy Duyên tôi từng gặp ở Al Asad, rất hiếm hoi. Có lúc tôi cũng đã lãng mạn nghĩ về nàng. Chỉ lãng mạn thôi, chứ không có ý tưởng xa xôi gì khác. Đã từng có hạnh phúc gia đình gần 30 năm nên tôi hờ hững với quan hệ có thể dẫn đến một cuộc hôn nhân. Phụ nữ ít người có quan niệm như thế. Có lẽ Khanh cũng không là một ngoại lệ. Trong một Email cho tôi nàng viết:
“Rất quý mến anh và mong có ngày anh dừng chân ở Wichita. Em cũng thèm có người tâm sự và chia sẻ quãng đời còn lại. Nhưng em chưa thể đón nhận vòng tay của anh hôm ấy. Mặc dù biết anh đã lâu, nhưng quan hệ chúng mình còn sơ giao quá. Hơn nữa, lúc bấy giờ anh đang mang tâm trạng  của một kẻ  đắm tàu kiệt sức, vớ được cái gì cũng . . . Ôm đại!”
Tôi không còn chán đời như hồi gặp lại Khanh ở Wichita. Tuy nhiên, vẫn khùng khùng nên mới trở lại Trung Đông lần thứ hai. Tất cả chỉ là tình cờ, như một khúc quanh giữa khi tôi đang bí lối. Dậu thì nghĩ khác, nàng hiểu tôi cũng muốn vòng tay ấm của một phụ nữ, nhưng chưa thể dừng chân với những ước lệ của đời sống và một mái gia đình. Khi lên đường mới thấy lòng chùng xuống, tiếc nuối hơn tháng ấm êm bên Dậu. Tôi đã được TENG tuyển chọn đi Afghanistan sau một thủ tục khám sức khỏe và an ninh khá nhiêu khê.
Hàng ngày vào buổi sáng sớm tôi vẫn thường cùng Dậu ra biển chạy dọc theo bờ cát. Thỉnh thoảng lại ré lên cười, cụng đầu vào nhau như hai con kiến đi ngược chiều. Dậu không bền sức chạy như Duyên. Nàng thường dừng lại thở và làm động tác thể dục, mặc tôi chạy xa tít. Một lần Dậu níu lấy tay tôi kéo lại thở và nói:
-Ở trên giường anh yếu như sên. Vậy mà khi chạy thì ào ào . . . Như ngựa! Nếu có pháo kích chắc anh cũng là người ra hầm trú ẩn trước. Cần gì phải khám sức khỏe lôi thôi nữa.
Tôi cười ghẹo:
-Quân đội đâu có khám theo tiêu chuẩn chạy đua. Họ chỉ muốn biết trong vòng 6 tháng qua mình có bị nhiễm trùng, trùng . . .
Dậu tròn mắt hỏi:
-Anh nói trùng . . . Là trùng gì?
Tôi giả vờ nghiêm giọng nói:
-Trùng gì? À, trùng  . . . E lờ do em truyền qua đấy!
Tôi vụt chạy trong tiếng réo gọi của Dậu. Thực ra tôi đã làm việc ở Iraq nhiều năm nên chỉ phải thử máu để tránh những bệnh truyền nhiễm vốn trở nên nghiêm trọng như HIV. Thủ tục thanh lọc an ninh mới thật phức tạp. Sau 3 lần lăn tay cơ quan FBI mới vừa ý. Còn bản kê khai lý lịch thì rất chi tiết. Người nào nhanh thì cũng mất ít nhất 2 ngày mới xong. Tôi đã phải nhờ Việt, một đàn em trong Thiếu sinh quân, chứng nhận 6 năm ở Vũng tàu. Sau đó nhờ Thủy, người bạn cùng khóa Hải quân, làm chứng về giai đoạn từ thuở vào trường Nha trang cho đến khi chiến tranh Việt nam chấm dứt. Chưa kể, Dậu là nhân chứng xác nhận tôi hiện đang ở trọ nhà nàng. Ngoài ra, chính tôi phải trả lời nhiều câu hỏi lắt léo liên quan đến Việt, Thủy và Dậu, đặc biệt là chi tiết về hoạt động khủng bố của họ, nếu có.  Những câu hỏi về thân nhân, bạn bè còn ở Việt nam rắc rối hơn nhiều. Khi còn ở Iraq tôi có gặp lại Phương, một cựu sĩ quan phòng nhì, BTL Sư đoàn 21BB. Phương là một người chuẩn mực thuộc thế hệ đàn anh, cũng đang lập thủ tục an ninh để xin việc với bộ ngoại giao. Anh chia sẻ kinh nghiệm với tôi:
-Ông đừng lo. Điều căn bản là cần thành thực. Thiếu thì được, nhưng thừa thì hơi phiền đấy. Không ai bắt tội mình kém trí nhớ đâu. Việc ông từng về Việt nam nhiều lần chơi với đào địch thì có gì mà sợ!
Thấy tôi lộ vẻ đăm chiêu, Phương tiếp:
-Này nhé, ông từng kể ra Hà nội du dương vài ngày với một cô. Sau đó về Huế nằm đò với mấy em khác trên sông Hương. Đến Vũng tàu ông lại bao một bồ nhí cả tuần ở khách sạn, đi tắm biển. Cô bé ấy tên gì mà ông cứ khen mãi, nhỉ? À, nhớ rồi. . . Phải Tần, không? Hỏi vậy  chứ, ông có còn liên lạc với mấy cô đó không?
Tôi lắc đầu, Phương cười diễu:
-Nếu mấy nhỏ đó còn bám lấy ông thì mới có vấn đề. Nói thật chứ, nếu nó là con cháu của cán bộ Việt cộng, như con Ba Dũng chẳng hạn . . . Đời ông sẽ lên như diều gặp gió! Khỏi phải tiếp tục qua Afghanistan cày như tôi.
Biết Phương khôi hài cho vui thôi, nhưng tôi vẫn cẩn thận không kê khai tên và địa chỉ liên lạc của Linh, người phụ nữ trẻ đã cho tôi những ngày Tết vui vẻ ở Sài gòn. Tôi cũng có ghi tên vợ chồng Duy, Chỉ không nhắc đến Tần.
Thế là tôi lại lên đường. Đã có kinh nghiệm với đường xa nên tôi chỉ mang theo một valy nhỏ và ít trái nhãn do Dậu gói ghém vào cái ba lô trống rỗng đeo trên vai. Đến bên ấy cần gì nàng sẽ gởi theo sau qua ngả bưu điện. Trước cửa Terminal phi trường Boston cả hai cùng dùng dằng, muốn được nhìn lưng người kia khuất dần sau khúc quanh. Sao tôi ghét lúc chia tay quá. Chẳng ai nói một lời vì sợ cảm xúc òa vỡ. Tôi nhất định không bước vào Terminal cho đến khi người cảnh sát đi tới ra dấu bảo Dậu lái xe đi.
Từ Boston tôi đến Dubai, qua trung gian của phi trường Washington, DC. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý xong thì đã hơn 10 giờ tối. Còn đang xem lại tờ lịch trình di chuyển thì Lloyd, người bạn đồng hành mới quen từ Washington, đề nghị thuê taxi đổi qua Terminal 2, chờ chuyến bay 6  giờ sáng đi Kuwait luôn.
-Anh thấy sao, chứ về khách sạn rồi check-in, check-out chắc chỉ đủ thời giờ cho tụi mình tắm thôi. Anh có sẵn tiền Dirham, không?
Lloyd là chuyên viên về ngành phòng cháy, từng phục vụ trong không quân Mỹ tại Afghanistan nên đã có nhiều kinh nghiệm di chuyển ở Trung Đông. Tôi cúi nhìn đồng hồ theo thói quen rồi gật đầu biểu đồng tình.
-Ừ, có sẵn tiền đây. Về đến khách sạn thì cũng nửa đêm. Vừa nằm xuống đã phải trở lại phi trường cho kịp chuyến bay đi Kuwait.
Đến Terminal 2 chúng tôi hẹn gặp lại ở cổng soát vé. Tôi kiếm địa điểm hút thuốc, suy nghĩ vẩn vơ. Đã bao lần tới lui phi trường Dubai nhưng hôm nay bỗng cảm thấy bơ vơ kỳ lạ. Dubai là cửa ngõ Trung Đông cho Iraq. Hàng ngày thường xuyên có đến hàng trăm thầy, thợ thuộc KBR di chuyển ra, vào. Thế nên công ty lúc nào cũng có người liên lạc và xe cộ túc trực tại các Terminals. Về tới khách sạn lại có một tốp khác chờ sẵn để kiểm soát lại giấy tờ đi đường và tỉ mỉ hướng dẫn lên khu vực nghỉ ngơi, ăn uống.  Chúng tôi nói chuyện rôm rả, không phải quan tâm đến bất cứ vấn đề gì ngoài cái thẻ thông hành mà ai cũng giữ kỹ như vàng. Lần này trở lại Dubai, tôi lầm lũi một mình như con cua lên cạn đang tìm vũng nước.
Đến Kuwait tâm trạng lạc lõng càng nặng trĩu hơn. Chuyến bay đã đáp hơn tiếng mà vẫn không thấy tăm hơi người liên lạc của công ty. Gặp một tay tóc đen, da nhạt đang lóng ngóng như chờ ai, tôi đánh bạo tự giới thiệu. Người ấy cười, lắc đầu nói chưa từng nghe tên TENG bao giờ. Tôi dáo dác tìm Lloydt nhưng không thấy anh ta đâu. Có lẽ người liên lạc của công ty nào đó đã rước Lloydt đi rồi. Nỗi chán nản kéo theo mỏi mệt khiến tôi chùng bước,  tạt vào một cửa hàng Pizza. Thấy bộ dạng tôi không phải người bản xứ, cô tiếp viên niềm nở mời bằng tiếng Anh:
-Chào mừng anh đến Kuwait. Anh muốn dùng chi?
Tôi lùi một bước, nhướng mắt nhìn bảng thực đơn bằng hình trên cao gật gù, ra vẻ thành thạo nói:
-Cho tôi cái Combo Meal với Pepsi Light nhé.
Cô nàng vui vẻ hỏi cần gì thêm. Tôi lắc đầu, móc bóp và ngập ngừng gợi chuyện:
-Tôi đến từ Mỹ. À, không . . . Đến từ Dubai. Chỉ ghé Kuwait vài ngày thôi. Tôi, tôi . . .
Cô nàng mau mắn:
-Anh có phải là người Phi, không?
-Không, tôi là người Việt nam. Bộ cô là người Phi hả?
-Vâng. Em đến từ Phi. Trông anh cũng giống Phi lắm.
Rõ ràng nàng gọi tôi bằng “anh” (You), nên tưởng tượng cô đang xưng “em” với mình, chứ cũng có thể là “cháu” vì nàng chỉ trạc ngoài hai mươi! Người nàng nhỏ nhắn, tóc đen mượt, vấn gọn sau ót dưới cái mũ ca nô giấy. Rồi cô chỉ anh chàng đang lui hui với mấy khay bánh phía sau bếp và nói:
-Anh ấy cũng là người Phi. Tụi em làm việc bên Trung Đông nhiều lắm. Thế anh làm việc ở đâu?
Tôi ấp úng, suýt buột miệng nói “Afghanistan”. Cẩm nang chống khủng bố đã dặn rất kỹ, không lộ tông tích của mình cho người lạ, và nhất là điểm đến. Tôi vội lái câu chuyện qua hướng khác:
-Tôi không biết sẽ làm việc ở đâu. À, cô có biết công ty tên Teng không? Tôi đang chờ người công ty đến đón.
Cô gái khẽ nghiêng đầu, chau mày trong lúc lẩm bẩm tên “Teng” nhiều lần. Bất chợt nàng reo lên:
-A, em biết rồi. Teng là công ty sản xuất nước giải khát nổi tiếng ở Mỹ, phải không?
Rồi nàng hãnh diện khoe:
-Trong siêu thị lớn ở Phi cũng có bầy bán món nước giải khát này. Teng! Teng! . . . Vui nhỉ! Anh làm việc cho Teng hả?
Tôi thất vọng nhưng không khỏi phì cười. Khi còn ở Iraq chính tôi cũng liên tưởng tên “TENG” đến thức uống hiệu “TANG” khá phổ thông ở Mỹ. Tuy phát âm giống nhau, nhưng hai cái tên hoàn toàn không có liên quan gì đến nhau. Tôi chỉ ậm ừ cho xong chuyện rồi hỏi:
-Hết bao nhiêu hả cô?
-Cả thảy là hai . . . Mười lăm. Anh có muốn lấy thêm trái táo xanh, không?
Tôi giả vờ nhăn mặt, không bỏ lỡ cơ hội ghẹo:
-Trời! Đang đói rã người mà ăn táo xanh chắc thắt bụng chết! Tôi còn yêu đời lắm. Bộ cô muốn . . . Muốn  tôi đi sớm hay sao?
Cô gái xua tay giải thích:
-Không, em không có ý đó. Anh không nghe người ta nói mỗi ngày ăn một trái táo xanh, khỏi phải viếng bác sỹ sao? Táo này chọn lọc từ Đan mạch đấy.
Chuyện mời Duyên uống nước dấm táo, mật ong ngày nào ở Iraq bỗng ùa về. Tôi quay đi lắc đầu đánh tan nỗi xúc động vừa dâng lên trong lòng và nói:
-Ừ thì cho tôi  . . . Một quả! Ngày mai mà tôi phải đi bác sỹ, thế nào cũng đòi cô bắt đền.
Cô gái hóm hỉnh cười ghẹo lại:
-Anh trở lại mà không thấy em thì biết là đã đi bác sỹ rồi . . . Vì em đâu thích ăn táo xanh. Nói vậy chứ, mẹ em cũng nói ăn táo xanh tốt cho sức khỏe.
Thấy tôi lục bóp nàng bấm máy tính tiền và nói:
-Cà thảy là hai . . . Bảy lăm.
Tôi nhanh nhẩu móc tờ 5 Dollars đưa cho cô gái. Nàng xụ mặt, chúm môi lắc đầu:
-Rất tiếc em không nhận tiền Mỹ được. Xin anh vui lòng đến dịch vụ hối đoái đổi Kuwait Dinar rồi trở lại đây. Em cũng xin lỗi nhắc anh, một Dinar bằng ba dollar sáu Mỹ. Vị chi anh cần mười đô mới đủ.
Tôi im lặng. Hẳn là trông mặt tôi lúc ấy thảm não lắm. Cô gái nhìn tôi rồi quay lưng xổ một tràng tiếng Phi với anh chàng trong bếp. Không biết họ nói gì với nhau mà chàng ta nguầy nguậy lắc đầu. Cô gái lộ vẻ thất vọng xong quay nhìn tôi, cười nhẹ và nói:
-Tưởng anh ấy có tiền túi đổi dùm cho anh mười dollar. Luật lệ bên này gắt gao lắm. Không ai dám giữ tiền Mỹ mà không có biên nhận của ngân hàng hay dịch vụ hối đoái. Anh chịu khó đi lên lầu . . . Hình như Currency Exchange ở bên trái, cuối Terminal.
Giữa lúc tôi còn đang lưỡng lự không biết phải làm gì thì có tiếng gọi sau lưng.
-Ông Toan . . . Phải ông là ông Toan, không?
Không do dự tôi trả lời ngay:
-Vâng, tôi đây. Toàn đây. Anh là, là  . . . Teng, hả?
Đó là một người đàn ông lạ trạc 40, mặc sơ mi trắng, trông như người Việt, vừa giơ tay ra dấu vừa nói tiếng Anh khá trôi chảy:
-Không, tôi không phải là người của Teng. Tôi thuộc NLC, có nhiệm vụ đón ông đưa về Villa sáng nay. Ông đi theo tôi. Trễ mất rồi! Tên tôi là Sharif.
Tôi ngập ngừng hỏi:
-NLC có liên hệ gì với Teng? Mà anh vừa nói Villa là Villa gì, chứ?
Sharif nuốt nước bọt, kiên nhẫn giải thích:
-Chúng tôi phục vụ Teng và nhiều công ty khác về logistic vòng ngoài. Đưa rước và lo ăn ở cho nhân viên của họ ở Afghanistan. Kuwait là cửa ngõ của Afghanistan mà. Ông còn hai ngày ở Kuwait, phải không?
Tôi lúng túng thò tay vào túi sau định lục tờ lịch trình thì Sharif giơ tay ngăn lại, giằng lấy cái valy bước nhanh dẫn đường. Tôi tất tả bước theo, không quên ngoái đầu nói cám ơn cô gái Pizza. Hình như mắt nàng long lanh nét thất vọng.
Vừa ra khỏi Terminal thấy một chiếc xe Van mang biển NLC tôi yên tâm. Sharif kéo cửa hông cho tôi bước lên, đóng xầm lại rồi ôm luôn cái valy nhảy lên ngồi cạnh tài xế và hối:
-Mau lên! Trễ rồi.
Chiếc xe lao vụt đi. Bấy giờ tôi mới nhận ra mấy hàng ghế sau đầy nhóc người. Họ đều là thanh niên ở lứa tuổi 30, có vẻ Á châu với nước da đen xạm. Tôi còn đang bâng khuâng chưa biết mình về đâu thì có người từ hàng ghế sau lên tiếng:
-Này, các anh chở chúng tôi đi đâu vậy?
Sharif trả lời cộc lốc:
-Đến Departure Terminal chứ đi đâu.
Nhiều người cùng nhao nhao lên bằng ngôn ngữ nước nào không rõ, chen lẫn với tiếng Anh:
-Không được! Mệt và đói lắm rồi.
-Cho tụi tôi đi ăn cái đã.
-Tôi chưa kịp tắm. Nhơ nhớp thế này mà về nhà gặp vợ con sao được.
-Bộ tính làm gì thì làm sao! Tụi này không phải vừa đâu.
Trong xe bỗng trở nên náo nhiệt, xôn xao tiếng người nói xen lẫn giọng gay gắt mà tôi đoán là tiếng chửi thề. Sharif kéo tay áo nhìn đồng hồ thở dài không nói.Một giọng tiếng Anh khá sõi cất lên:
-Các anh có bổn phận phải tiếp đãi chúng tôi tử tế chứ. Chiều nay chín giờ mới có chuyến bay mà.
-Không được!
-Tại sao lại không? Công ty tôi có hợp đồng vói các anh đàng hoàng.
-Rất tiếc, tôi đã nói là không được!
Cuộc đối thoại còn đang gay cấn thì xe đã vòng đến Departure Terminal. Đồng hồ chỉ đúng 11 giờ trưa. Tôi quên hẳn mệt nhọc vì câu chuyện bất ngờ trên xe. Lòng hoang mang, tôi tự động kéo cửa hông bước xuống khi Sharif cùng gã tài xế vừa đi vòng ra sau xe, mở cửa hành lý. Có đến khoảng 15 thanh niên. Họ đã phải ngồi ép vào nhau trong 2 hàng ghế dưới để nhường cho tôi một mình băng ghế ngang cửa. Mọi người đổ xô ra phía sau, vây quanh Sharif và gã tài xế đang hùng hục chuyển hành lý xuống vệ đường. Tôi lùi xa, rút điếu thuốc châm lửa hút. Tôi đã đoán được phần nào câu chuyện. Nhóm thanh niên nọ cũng như tôi, chỉ là khách của NLC. Chính tôi cũng còn mù mờ về nơi mình đến cơ mà.
Một thanh niên có vẻ trẻ nhất bọn tách đám đông bước đến trước mặt tôi. Thằng bé lí nhí nói tiếng Anh thật ngọng, nhưng đủ cho tôi hiểu. Tôi cười thân mật vỗ bao thuốc cho nó rút một điếu và hỏi:
-Các em ở đâu tới vậy?
Rít mấy hơi dài xong thằng bé chậm rãi trả lời:
-Đến từ Nepal. Tụi em làm thợ mộc cho công ty xây dựng First Kuwaiti ở thành phố này.
Tôi đưa đẩy câu chuyện và hiểu ra nhóm thanh niên này đã mãn hợp đồng với First Kuwaiti. Bây giờ họ về nước. NLC có bổn phận đưa họ ra phi trường, làm thủ tục hải quan rồi vào cổng đợi máy bay. Cuộc giằng co bắt đầu khi một thanh niên giằng cái túi từ gã tài xế, quăng lại lên xe. Nhũng thanh niên khác đồng loạt vừa reo hò, vừa nhặt hành lý để lên xe. Sharif mồ hôi nhỏ giọt, giơ hai cánh tay cản lại trong khi gã tài xế cố đóng một cánh cửa sau. Bất chợt có người đẩy mạnh, Sharif ngã sòng xoài xuống mặt đường. Hắn lồm cồm bò dậy, chỉ chỏ đám đông và gay gắt nói:
-Ê, thằng nào khốn nạn vậy? Tụi bay coi chừng nghe! Tao mà kêu cảnh sát đi tù cả lũ bây giờ.
-Kêu đi. Tụi tao thách đấy!
-Tụi tao chỉ xin mày chở xuống Shopping Mall để ăn uống, tắm rửa cũng không được sao, thằng bần tiện!
Thanh niên nói sõi tiếng Anh bước đến trước mặt Sharif hạ giọng:
-Anh thông cảm cho chúng tôi với. Xa nhà hai năm mới được về. Cũng phải chuẩn bị cho chuyến bay chứ. Đâu thể gặp bà con với hình dáng tàn tạ như thế này được. Chúng tôi cũng cần mua ít quà Kuwait. Thông cảm cho tụi tôi đi mà!
Sharif giơ khăn lau mồ hôi trán và gắt:
-Thông cảm cho tụi bay rồi ai thông cảm cho tao, hả?
Một người hớn hở chồm tới, giơ nắm tiền nói to:
-Tụi tôi thông cảm cho anh nè! Tụi tôi đóng tiền, nhờ anh chở xuống Mall không được sao?
Sharif lắc đầu cười, giọng khinh bạc:
-Không có chuyện đó đâu! Tao được lệnh đưa tụi bay ra phi trường chứ không phải thả cho tụi bay lang thang dưới phố.
-Nhưng mà còn tới gần 10 tiếng nữa. Hỏi anh, tụi tôi phải làm gì đây.
-Đó là chuyện của tụi bay. Kêu công ty mày đi! Cellphone nè. Tao phải về Villa chuẩn bị đón tốp người khác.
-Không được! Tụi tôi không chịu xuống chỗ này.
Tôi không thể đứng ngoài được nữa trước bế tắc của đám đông. Tôi cũng cần về Villa gì đó ngủ cho lại sức. Mạnh dạn chen vào giữa đám đông, tôi quàng tay lên vai một thanh niên và nói thật to:
-Chuyên gì cũng có cách giải quyết thôi. Việc gì mà phải gay cấn như thế! Cũng như các bạn, tôi ở rất xa.  Tôi đến từ Việt nam đây!
Đám đông bỗng im bặt. Nhiều người lập lại hai chữ Việt nam. Có người gật gù đầu, có người ngơ ngác,  chắc không biết Việt nam ở đâu. Tôi hứng thú tiếp:
-Vâng, tôi đến từ Việt nam. Mất 10 tiếng mới bay về đến nhà trong khi các bạn chỉ có 6, 7 tiếng. Gặp lại người thân, gia đình mình mới là quan trọng. Quà cáp thì ở đâu chẳng có, kể cả trong Terminal. Cũng đều là . . . Made in China cả thôi, phải không?
Có tiếng cười xen lẫn tiếng xì xào bàn tán. Quay qua Sharif tôi tiếp:
-Các bạn cũng nên thông cảm cho Sharif. Mặc dù ông ấy làm việc cho NLC, nhưng lại theo lệnh của công ty của các bạn. Sharif không có quyền gì hết. Hỏi chứ, để các bạn xuống Mall, có gì rắc rối đến pháp luật thì ai chịu trách nhiệm?
Nhìn mấy khuôn mặt bắt đầu lộ vẻ đăm chiêu, tôi cao giọng hỏi:
-Chưa kể, nếu bạn nào trễ phi cơ chiều nay hay có vấn đề với an ninh phi trường thì sao? Ai giải quyết cho các bạn nếu không có NLC hậu thuẫn?
Nhiều người cùng ồ lên, gật gật đầu. Tôi quay qua Sharif và đề nghị:
-Ông cũng thông cảm cho người ta chứ. Lao động đến phút chót, không có thời giờ tắm rửa, trong khi còn những 10 tiếng nữa mới bay. Công ty sẽ khiển trách nếu ông để tình trạng giằng co này tiếp diễn. Sao ta không chở họ về Villa để cho ban lãnh đạo giải quyết. Giữ Passport lại, cho họ chỗ tắm có mất mát gì đâu. Vả lại . . . Ông chỉ có hai người.
Gườm gườm nhìn đám đông xong Sharif quay qua tôi gật đầu. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tự an ủi mình cũng còn được nể nang hơn những thanh niên kia, tôi thấy vui vui trong suốt quãng đường đến Villa. Đó là một khách sạn 3 tầng, kiểu cổ mà NLC dùng làm nơi tạm trú cho nhân viên của những công ty có hợp đồng. Dặn nhóm thanh niên Nepal không được rời xe xong Sharif xách valy và ra dấu cho tôi bước lên bậc tam cấp dẫn vào đại sảnh. Thấy tôi cô tiếp viên có dáng dấp Á châu đứng lên sau quầy, đon đả cười hỏi:
-Phải ông Toan không ạ?
Tôi gật đầu cười đáp lễ và nói:
-Vâng, tôi là Toàn, công ty Teng đây. Tôi muốn có chỗ nằm nghỉ ngay.
Cô gái dò danh sách trên màn hình, tỏ vẻ thông cảm, nheo mắt nói:
-Anh (lại “you”) đến từ Mỹ cơ à? Xa thật! Còn hai ngày tha hồ nghỉ ngơi. À, mà sáng mai anh có mặt tại đây đúng 4 giờ nhé.
Tôi ngỡ ngàng chưa kịp hỏi thì cô gái tiếp:
-Theo lịch trình thì sáng mai anh phải đến căn cứ Ali Al Salem  để lãnh áo giáp và nón sắt. CHúng em đã chuẩn bị sẵn hết cho anh.
-Cái gì? Tôi có đi máy bay quân đội đâu mà phải lãnh áo giáp với nón sắt. Chừng nào đến đơn vị thì mới cần chứ! Bộ cô tưởng nhẹ lắm à. Khơi khơi vác theo hơn ba chục pounds lên phi cơ thương mại sao được.
Cô gái nhỏ nhẹ giải thích:
-Vẫn biết thế, nhưng đây là sắp xếp của quân đội Mỹ. Theo em biết thì từ năm ngoái, chỉ có một địa điểm cấp phát áo giáp, nón sắt thôi. Ai cũng phải đến Al Salem làm thủ tục nhận lãnh. Sau đó anh, anh . . . Giữ luôn cho đến khi nghỉ việc.
-Lúc ấy tôi lại phải trở về đây mang đồ đi trả hả?
-Vâng. Bộ Teng không cho anh biết trước về chuyện này sao? Cho em xin cái Passport để vô sổ.
Tôi bối rối lục trí nhớ. Hình như Teng có đề cập và cảnh báo là nên mua sẵn cái sắc ma-ranh để đựng. Hãng hàng không sẽ chạc thêm tiền cước phí khi gởi hành lý trước khi lên phi cơ. Tôi cần giữ biên nhận để được bồi hoàn. Thả ba lô xuống sàn, lục cái Passort đưa cho cô gái, tôi dịu giọng:
-Xin lỗi cô, tôi hiểu rồi. Nhưng mà sao lại phải đi sớm thế? Rồi ông Sharif tới chở tôi đi hả?
Cô gái lại cười, nhũn nhặn tiếp:
-Từ Villa đến căn cứ Al Salem chỉ mất ngót ngét một tiếng thôi. Nhưng mà thủ tục an ninh mất nhiều thời giờ lắm. Khi vào trong căn cứ rồi ông phải đón chuyến xe bus 6 giờ đi Camp Buehring. Nhớ đấy, không được trễ đâu! Vì nếu ông trễ sẽ phải nghỉ đêm ở đó để sáng hôm sau trở lại Al Salem bằng chuyến bus 5 giờ. Mỗi ngày chỉ có một chuyến thôi.
Đầu tôi lùng bùng như muốn vỡ tung, nhưng cố kiên nhẫn rút cuốn sổ tay định ghi chép. Cô gái giơ tay ngăn lại và nói:
-Ông chỉ cần nhớ đúng 4 giờ sáng mai thôi. Sẽ có người đưa ông đến Al Salem rồi rước ông về lúc 11 giờ!
Tôi mất bình tĩnh vì mỏi mệt nên gắt nhẹ:
-Rắc rối quá! Sao công ty không chở tôi đến thẳng Bu ring gì đó cho tiện mà phải đón xe bus?
Cô gái kiên nhẫn giải thích:
-NLC chỉ được phép tháp tùng các anh vào đến Al Salem thôi. Từ Al Salem quân đội Mỹ phụ trách đưa người đến các căn cứ khác. Không ai có thể đến những căn cứ này mà không qua thủ tục an ninh tại Al Salem. Buehring là nơi duy nhất cấp phát quân trang. Chiều rảnh anh nên vào Google tìm hiểu thêm cho biết. Cũng lý thú lắm đấy!
Tôi phì cười:
-Lý thú gì!  . . . Cho cô hết. Tôi chỉ muốn ngủ vùi đến sáng. Ông Sharif sẽ đến đón tôi hả? Tên gì mà nghe như Ai cập.
Cô gái cười ngặt nghẽo:
-Sharif là người Bangladesh. Em cũng là người Bangladesh nè. Bộ tụi em trông giống Ai cập lắm sao?
-Không phải thế. Tại tôi nhớ tên một anh tài xế gặp ở Ai cập cũng tựa tựa như vậy. Trông cô nhỏ nhắn, duyên dáng hơn phụ nữ Ai cập nhiều.
Cô gái lại cười nói cám ơn và nhắc:
-Passport đây, anh lên phòng nghỉ đi. Em là Nadia. Cần ăn uống gì cứ gọi nhé. Chúng em sẽ mang đến tận cửa. Ông Sharif chỉ phụ trách đưa rước đến phi trường thôi. Sáng mai sẽ có ông  Badrul đến đón anh đi Al Salem.
Sau 2 ngày rời Mỹ tôi đã đến Kuwait, cửa ngõ của chiến trường Afghanistan. Kể ra thì cũng khá nhanh và không có gì đáng gọi là thử thách. Chỉ vì tôi đã quen làm việc với một công ty lớn với nhân lực dồi dào và tổ chức chặt chẽ nên cảm thấy lạc lõng, mệt mỏi với cuộc hành trình này. Hai hôm sau Sharif đưa tôi ra phi trường Kuwait đúng như lịch trình đã sắp đặt. Tôi đã sắp xếp lại hành lý và nhét gọn bộ áo giáp, cái  nón sắt vào ba lô. Anh chàng cân hành lý lẩm bẩm 3 kilogram quá tải, nhưng rồi nhìn tôi cười dễ dãi, bảo yên tâm, không sao đâu.
Tôi đến Căn cứ Bagram, Afghanistan vào 10 giờ sáng Thứ Bảy. Hút thuốc lá vặt chờ dài cổ ở phòng đợi mà chẳng thấy tăm hơi người của công ty ra đón. Đã có chút kinh nghiệm mấy ngày qua tôi tự nhủ không việc gì phải nóng lòng. Mình đi làm chứ có phải đi ăn cỗ đâu mà vội. Tôi thấy nhẹ nhõm với ý nghĩ ấy và thản nhiên đeo ba lô, xách valy ra ngoài, thả bộ quanh khu vực. Đây là một trong những căn cứ không quân lớn của Mỹ tại Afghanistan. Máy bay vận tải và chiến đấu nườm nượp lên xuống. Cách phòng đợi một con đường bụi mù xe qua lại là một nhà bạt khổng lồ với giường vải xếp thành nhiều hàng gọn ghẽ. Rải rác xa gần lính trong sắc phục khác nhau của nhiều quốc gia kẻ nằm, người ngồi rì rầm nói chuyện. Đi lòng vòng một hồi vừa định quay về phòng đợi thì có tiếng người gọi sau lưng bằng tiếng Anh:
-Ông ơi . . . Người Việt nam hả?
Tôi ngỡ ngàng nhìn quanh xem ai gọi ai. Biết chắc là thanh niên mặc đồ Jean nọ với cái Laptop đang nhìn mình cười, tôi gật gật đầu trả lời bằng tiếng Anh:
-Vâng . . . Tôi, Việt nam đây. Anh cũng là người Việt nam à?
Thanh niên đặt cái máy lên ba lô dưới chân giường, đứng dậy giơ tay cho tôi bắt và nói tiếng Việt:
-Dạ. Thấy anh . . . À, chú có vẻ Việt nam như ba cháu. Cháu tên Tâm.
Tôi xiết tay Tâm thật chặt, tưởng gặp một người Việt làm cho công ty dân sự. Để ý kỹ mới thấy anh chàng có đeo dây ba chạc với lưỡi lê, mấy băng đạn và khẩu Colt khuất dưới chiếc Jacket Levy rộng. Hóa ra Tâm gốc Biệt động quân, đang hoạt động trong tổ Delta thuộc địa bàn cực Nam Afghanistan. Tôi có biết sơ qua về đơn vị đăc biệt này nên không đề cập đến chuyện lính tráng cho Tâm đỡ bối rối. Mới 25 tuổi đã đeo lon đại úy chứng tỏ anh chàng đã từng vào sinh ra tử. Tâm đeo kiếng mát và đề nghị:
-Chiều cháu mới bay. Chú rảnh không? Mình đi ăn trưa nha. DFAC cũng gần đây thôi.
Tôi nhìn đồng hồ xong chép miệng nói:  
-Chắc tôi không đi được đâu vì đang chờ người công ty đến đón. Ông ở đây lâu chưa mà có vẻ rành rẽ khu vực vậy? Có biết văn phòng công ty Teng ở đâu, không?
Tâm khẽ nhíu mày và lắc đầu trả lời:
-Nghe nói căn cứ có hàng trăm công ty. Cháu ít tiếp cận với dân sự nên chưa nghe đến Teng bao giờ.
Tôi vừa định giục Tâm đi ăn một mình kẻo trễ thì có tiếng xe thắng lại bên lề đường, giọng một phụ nữ vang lên:
-Xin lỗi, phải  . . . Anh Toan đó không?  
Tôi quay lại ngờ ngợ tưởng gặp một người quen nào. Cô nàng tóc đen ngồi sau vô lăng chiếc Toyota gỡ kiếng mát và nói giọng tự tin:
- Tôi chạy mấy vòng rồi đi tìm một người Việt. Cả hai anh đều trông giống Việt nam. Anh nào là Toan?
Tôi mừng rỡ giơ tay và nói:
-Tôi, . . . Tôi là Toàn đây! Cô có phải là . . . Teng, không?
-Đúng đấy. Tôi được lệnh đón anh về công ty từ hồi sáng. Loay hoay với sổ sách rồi quên mất. Xin lỗi anh nhé! Tôi là Pinky.
Lại “anh”, nhưng tôi đoán Pinky xưng “tôi” vì trông nàng khoảng 40. Tâm bắt tay từ giã và hẹn ngày gặp lại cùng đi ăn nói chuyện nhiều hơn. Quăng ba lô và valy lên hàng ghế sau, tôi mở cửa xe lên ngồi cạnh Pinky. Pinky là người Mỹ gốc Phi, đến từ Chicago. Nàng đã làm việc cho TENG gần 2 năm, từ khi công ty được hợp đồng ở Afghanistan. Pinky liến thoắng kể tôi nghe hoạt động của công ty tại căn cứ Bagram, và lần chạy tán loạn như chuột trong trận pháo kích kinh hoàng của Taliban cách nay vài tháng. Pinky có thói quen cười hằng hặc khi ngắt câu. Lâu lắm tôi mới chen được vào, hỏi một câu:
-Thế còn chỗ ăn ở nơi đây ra sao, hả cô?
Pinky nói cũng tạm được, không phải ở nhà bạt. Rồi nàng lại phá lên cười, xong vỗ vai tôi và an ủi:
-Nhưng mà anh không phải ở đây lâu đâu. Chiều nay tôi đưa anh trở lại phi trường ghi danh cho chuyến bay Kandahar vào sáng Thứ Ba. Anh có dịp dùng áo giáp, nón sắt rồi đấy. Không bay C130  thì cũng Blackhawk.
Tai tôi lại lùng bùng. Kandahar là gì? Ở đâu? Tôi đã đến Teng ở Bagram mà! Như hiểu được nỗi thắc mắc trong lòng tôi, Pinky lại cười hằng hặc và nói:
-Sorry. . . Baby! Anh sẽ làm phụ tá kỹ thuật cho Teng ở Kandahar thay cho Anh Ron sắp nghỉ việc.
Như tựa đề của cây chuyện, tôi xin dừng lại nơi đây. Nếu tiếp tục hẳn sẽ khiến bạn đọc nhàm chán vì nỗi mệt mỏi của cuộc hành trình. Sau mấy lần ra phi trường Bagram rồi lại quay về chờ đợi, mãi Thứ Sáu tuần sau đó tôi mới đến căn cứ Kandahar bằng C130 chật ních hành khách. Tính ra chuyến đi hết chẵn 10 ngày.
Thấm thoát đã ngót 2 tháng làm việc ở đây. Bạn tôi đã chia sẻ khá nhiều về tiện nghi ăn ở nơi này. Tuy nhiên, tôi đã tìm thấy được sự thoải mái, yên bình cho những tháng, năm còn lại. Như có ai đó đã nói, “Trên 60 tuổi, mỗi ngày sống là một phần thưởng cho thêm của Thượng đế”. Hình như tôi đang lãnh phần thưởng ấy vì vẫn còn hứng thú làm việc, vẫn hay mộng mơ, và có một tri kỷ chờ đón ở cuối đường. 
TSQ 1853
Căn cứ Kandahar, Afghanistan
Mùa Đông Tân Mão, 2011

2 comments:

Đào Dân, 18 said...

Câu chuyện về chuyến đi dài đến Afghanistan cuả TLD thật ... dài nhưng cũng thật thích thú. Như những ngày xưa, thật xưa lúc xách vali lên đường tìm về lại đơn vị. Những phòng tiếp liên với giấy tờ, xin xỏ; những ngày nằm ngồi vật vả lang thang trong các phi trường quân đội; những đợt quá giang xe nhà binh vào lúc 4,5 giờ sáng khi trên đường chưa có ai qua lại. Nhiều, thật nhiều những kỹ niệm. Hiện về.

Tưởng như mới đây. Tưởng như mình đang trẻ lại. Vậy mà... tóc bạc, da mồi.

Cám ơn Tiến, những dòng chữ mới đây mà như là những hoài niệm.

Dân

Hải 18 said...

Bài viết cuả Tiến rất hay và lôi cuốn, thứ nhất là lạ món, đề tài khó ai có thể viết được nếu không sống và thở với gíó cát sa mạc. Cảm ơn Tiến đã cho anh em đọc câu chuyện 1002 đêm A Phú Hãn, Con Đường Tơ Luạ và Hoa Thuốc Phiện.
Hải

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6