"Last days in Vietnam"
SỰ PHẢN BỘI CUỐI CÙNG.
Bộ
phim Last days in Việt Nam đã được giới thiệu tại Hoa Kỳ. Nhà làm phim tài danh
tiếng là bà Rory Kennedy đã sưu tầm tài liệu nhiều năm và hy vọng đoạt giải
Oscar năm nay, ghi dấu 40 năm mất miền Nam. Ngôi sao chính được phỏng vấn trong
phim là tiến sĩ Kissinger. Báo chí Việt ngữ khen ngợi. Truyền thông Hoa kỳ còn
siêu hơn 1 bậc. Hầu hết đều hết lời xưng tụng. Các báo Mỹ miền Đông cho đến 5
sao. Báo miền Tây khó tính nhưng cũng phải bỏ ra 4 sao. Trên Amazon bình luận
là tuyệt phẩm.
Dự trù sẽ chiếu tại các rạp vào ngày 28
tháng 4-2015 . Kỷ niệm tháng 4 đen. Người Việt di tản suốt 40 năm qua gọi là
ngày quốc hận 30 tháng 4-1975. Kỳ này ngậm thêm một quả đắng. Người Mỹ làm được
cuốn phim những ngày cuối cùng ở Việt Nam đã hãnh diện gọi là sự thật trần truồng.
Ngày cuối ở Việt Nam là ngày cuối của ai.
Đối với Việt Nam Cộng Hòa chăng. Không phải. Ngày cuối cùng của những người Việt
bị bỏ rơi trong tòa đại sứ. Có phải không ? Không phải. Đó là ngày cuối của người
Mỹ ở Việt Nam. Hoa Kỳ nghĩ thế nào. Nhà làm phim nghĩ sao? Tôi không biết. Theo tôi. Đúng là ngày cuối của
người Mỹ tại Việt Nam.
Các ông bà truyền thông Mỹ Việt có thể
khen ngợi tán thưởng phim này. Đó là quyền của quý vị. Theo ý tôi, đây là một
phim chết tiệt. Nên gọi là Sự phản bội cuối cùng.
Tôi xin nói tại sao.
Nội dung cuốn phim 1 giờ 30 phút sơ lược
gồm các đoạn phim tài liệu về 30 tháng 4-1975 có chừng 10 cảnh chính.
Trên biển Đông, máy bay trực thăng của
VNCH di tản. Đáp xuống là đẩy xuống biển. Cảnh chiến binh VNCH lên tàu bị lính
đồng minh Hoa Kỳ khám người, tước súng, vất xuống biển. Cảnh 1 tay triệu phú
cao bồi Mỹ Ed Daly ở Oakland lấy máy bay World Airways bay ra Đà Nẵng cứu dân tỵ
nạn tạo ra hình ảnh rất thảm khốc tại phi trường. (Ông đại sứ Martin miệt thị bảo
tay này chỉ làm tình thế thêm rối loạn) Cảnh mọi người chen nhau vào tòa đại sứ
tìm đường chạy. Cảnh chiến xa cộng sản tiến vào Sài Gòn. Những chiến binh VNCH
bỏ quân phục, mặc quần cụt tan hàng. Cảnh máy bay trực thăng của 1 chiến binh
không quân chở vợ con được cứu trên biển. Và sau cùng cảnh chiến hạm hải quân
Việt Nam lặng lẽ hạ cờ trong nước mắt.
Xen lẫn vào các tài liệu thời sự đau
thương của 40 năm trước là phần bình luận của những người Mỹ trong cuộc và một
vài người nhân chứng Việt Nam. Tổng thống Ford bầy tỏ tấm lòng nhân đạo muốn cứu
vớt nhiều người Việt Nam. Tiến sĩ Kissinger với tình nghĩa rạt rào dâng cao cũng
muốn cứu thêm nhiều người. Các thành viên trách nhiệm Hoa Kỳ ở tòa đại sứ cùng
sĩ quan chỉ huy thủy quân lục chiến kể lại những giây phút cuối tại văn phòng
tùy viên bên Tân sơn Nhất và tại tòa đại sứ. Anh lính thủy quân lục chiến Mỹ bị
chết vì pháo kích. Đây là người lính Mỹ cuối cùng có tên trên bức tường tưởng
niệm ở thủ đô.
Thông điệp chính của cuốn phim là gì.
Trình bầy sự hoảng loạn của quân dân VNCH và sự bình tĩnh tận tâm của Mỹ cứu vớt
người Việt Nam vào ngày cuối cùng. Hoa Kỳ muốn nói rằng đã nỗ lực, nhưng rất ân
hận là vào giờ chót phải bỏ rơi vào khoảng 400 người. Những người may mắn lọt
vào trong tòa nhà đại sứ và được hứa hẹn sẽ bốc đi hết. Nếu họ biết số phận như
thế, bỏ đi từ sớm may ra còn kịp tìm đường khác. Những người này cố leo lên cầu
thang, lên nóc nhà, chỗ máy bay hạ cánh, nhưng cửa bị chặn và lính Mỹ ném lựu đạn
khói cho nghẹt thở để phải bò xuống.
Mới đâu đó giây phút trước Mỹ Việt còn
chuyện trò hứa hẹn. Rồi chợt Mỹ biến mất.
Đó là nội dung cuốn phim.
Trong phim ngày cuối cùng, người Mỹ nhận
tội bỏ rơi 400 người, nhưng thực ra họ đã bỏ rơi cả triệu người Việt của một nửa
nước Việt Nam.
Làm sao tôi có thể khen ngợi cuốn phim
chết tiệt này được. Ngay cả về kỹ thuật cũng chẳng có gì mới lạ.
Tôi xin nói tại sao.
Suốt 40 năm qua, cảnh đau thương ở phi
trường Đà Nẵng, cảnh đẩy trực thăng xuống biển. Cảnh chen chúc ở cửa tòa đại sứ,
chúng ta đã được xem đi xem lại biết bao lần. Kỳ này, với phương tiện và khả
năng rộng rãi của bà chủ biên, có thêm 1 vài đoạn đau thương ly kỳ nhưng cũng
não lòng không kém. Kỹ thuật cắt xén xào nấu đâu có gì mới lạ.
Với nội dung và kỹ thuật như vậy làm sao
tôi có thể khen ngợi 1 bộ phim chết tiệt như thế.
Tôi không thích phim này, nhưng tôi biết
có những người rất thích và có lý do để thích. Việt cộng.
Các bạn thử nghĩ coi. Chiến binh Việt cộng
ở vào tuổi của tôi. Năm 1954 các tay này 20 tuổi, cũng như lúc tôi di cư vào
Nam. Họ bắt đầu cầm súng đi “giải phóng”
miền Nam. Từ 54 cho đến 75, qua hơn 20 năm không chết nhưng cũng không trực tiếp
thấy hình ảnh phe ta tan nát ra sao. Vớ được phim này, thấy cảnh “Mỹ Ngụy” chạy
như thế. Thích là cái chắc.
Xin lưu ý chữ “ giải phóng miền Nam” và
chữ “ Mỹ Ngụy” tôi viết trong ngoặc kép.
Chữ của Việt cộng đấy.
Phim mà kẻ thù thích thú, phim chết tiệt
như thế làm sao tôi khen ngợi.
Tài tử Kissinger
Phim đã chẳng ra làm sao, tài tử bình luận
chính lại là Kissinger đóng vai nhà chính khách nhân đạo, thương yêu Việt Nam hết
sức. Ông muốn cứu thêm mà ngoài khả năng. Thật tội cho ông tiến sĩ, nhưng sự thực
quý vị có biết không?
Nhắc đến chuyện Kiss sang Tàu để bàn chuyện
bán đứng Việt Nam Cộng Hòa là chuyện xưa rồi. Ngay từ tháng 3-1975 Kiss đã liên lạc với Nga sô để xin thỏa hiệp
với Hà nội. Yêu cầu Hà nội đánh đâu thì
đánh, phải chờ ở ngoài vòng đai Sài Gòn cho Mỹ rút vào ngày 3 tháng 5-1975. Ai
tiết lộ chuyện này. Chính đại sứ Martin.
Trong cuốn sách Nước mắt trước cơn mưa viết từ 1990 tác giả Lary Engelman hỏi chuyện
ông đại sứ lúc ông còn sống. Đại sứ nói rằng cần 2 tuần lễ để rút cho êm. Kiss
nói đã thỏa hiệp với Brezhnev bên Nga và được biết Hà Nội đồng ý. Tuy nhiên đầu
tháng 4 đại sứ Martin muốn chắc ăn đã gửi đại tá Harry Summers đi theo chuyến
bay của uỷ hội quốc tế ra Hà Nội nói chuyện trực tiếp. Bắc Việt đồng ý sẽ chờ
ngoài cửa Sài Gòn cho Mỹ rút êm, nhưng phải bỏ của chạy lấy người. Quân dụng để
lại hết. Vì vậy khi thấy Mỹ cho phi công Viêt Nam di tản qua Thái Lan, coi như
di tản quân dụng, là vi phạm thỏa hiệp phải để lại tất cả chiến cụ. Cộng sản
bèn pháo kích Tân sơn Nhất để cảnh cáo. Chính ông Martin kể lại.
Câu chuyện rõ ràng là Mỹ bỏ chạy trong
kế hoạch và cũng hoảng loạn không kém gì Việt Nam. Hẹn nhau ngày chót là 3
tháng 5-1975 mà đã vội vàng bỏ đi trước 3 ngày,
Đầu đuôi như thế bảo làm sao tôi thích phim
này cho được.
Lại nói thêm câu chót về Kissinger. Một
hôm ngồi ăn cơm cạnh ông Hoàng đức Nhã, tôi hỏi về chuyện tranh cãi ký kết hiệp
định Paris. Hỏi rằng lúc gay cấn với Kissinger, trong nội bộ giữa chỗ riêng tư,
ông Thiệu có tức giận không. Có chứ. Vậy ông nói gì. Ông nói ĐM Kissinger ...
Đó là tiết lộ của ông Nhã. Trong bàn ăn có cả tướng Nguyễn Khắc Bình gật gù xác
nhận. Chẳng khác nào cả Kiss và Nixon cũng đã chửi thề khi nói đến VNCH. Kết luận về tiến sĩ Kissinger như vậy đủ chưa.
Thế hệ tương lai.
Có anh bạn thích cuốn phim danh tiếng
này bảo rằng phim cần cho con cháu chúng ta xem để biết về chuyện ra đi năm 75.
Tôi xin nhắc lại. Chúng ta muốn con cháu thấy cảnh 1 chiến binh chen với gia
đình binh sĩ lên máy bay chạy trốn để tay Mỹ cao bồi tống cho 1 quả rớt xuống.
Muốn hay không. Chúng ta có muốn con cháu thấy cảnh lính tráng cởi quân phục có
cả giầy trận và vũ khí đầy đường rồi tan hàng hay không.
Cảnh chen lấn ở cổng tòa đại sứ hay cảnh
đồng minh khám xét đồng minh trên tàu. Hình ảnh chết tiệt như thế mà dành làm kỷ
niệm cho thế hệ tương lai thì buồn cho con cháu nhiều lắm.
Bạn lại hỏi tôi là nếu ông làm phim thì
ông làm ra sao. Nhu cầu đơn giản, ý kiến đơn giản. Phải có đoạn phim trận đánh ở
Long Khánh của sư đoàn 18. Một sư đoàn lính bộ binh miền Nam chặn đứng 3 sư đoàn
Bắc quân kịp thời cho Mỹ rút. Cảnh tàn quân của Sài Gòn cầm chân các đơn vị tiền
quân của Hà nội tại cầu Tân cảng. Đó là những thước phim tài liệu đã từng chiếu
lại. Đoạn phim trung tá cảnh sát Nguyễn Văn Long tự tử ở trước tượng thủy quân
lục chiến. Những người dân chổ trên cyclo đem vào nhà thương Grall, Sài Gòn. Tất
cả đều đã có phim ảnh.
Cũng trong 24 giờ cuối cùng hãy kể về chuyện
7 vị tướng tá tự vẫn. Trong chiến tranh cận đại sau thế chiến thứ II ,chưa từng
có quân đội nào mà 7 vị lãnh đạo đã tuẩn tiết khi được lệnh buông súng. Đó là
những hình ảnh tích cực của những ngày cuối cùng phía Việt Nam Cộng Hòa.Tuy
nhiên điều quan trọng là ngày cuối cùng của người Mỹ cũng không thể để cho những
người như ông Ford, ông Kissinger lên tiếng giả nhân giả nghĩa. Những chính
khách đã quay lưng phản bội đồng minh, dù là phục vụ cho quyền lợi của Hoa Kỳ
thì cũng không thể táng tận lương tâm để 40 năm sau dối trá rằng muốn cứu thật
nhiều người Việt vào những ngày sau cùng.
Theo đúng các điều kiện của chính phủ
Mỹ dự trù thì chỉ có khoảng 60 đến 70 ngàn người sẽ được đem ra khỏi Việt Nam.
Trên thực tế, giờ chót chẳng cần giấy tờ,
trong cơn hoảng loạn vào được DAO hay tòa đại sứ là đi. Xuống các xà lan chở đạn
ở bến Khánh Hội là đi. Hàng ngàn thuyền chạy loạn trên biển Đông đã được vớt.
Chuyến hải hành cuối cùng của VNCH chở trên 30 ngàn người. Trên những con tầu cận
duyên của chúng tôi cũng vớt cả trăm người. Tất cả đều đi theo lá số tử vi,
không theo danh sách của ông Ford. Đoàn tàu VNCH qua đến Suvic Bay, chính phủ
Phi luật Tân mới hôm trước còn là đồng minh thân thiết với VNCH. Hôm sau đã
không thèm nhận tỵ nạn Việt Nam, dù là tạm trú.. Sợ cộng sản Hà nội bơi thuyền
qua đánh Phi nên bắt Mỹ phải kéo cờ VNCH xuống mới chịu lãnh món quà gồm nguyên
cả một hạm đội. Tiến sĩ Kissinger là bộ trưởng
ngoại giao Hoa Kỳ nói là thương VNCH mà cũng không hề can thiệp. Vì vậy nhớ
chuyện 75 nghĩ rằng không tin cộn sản đã đành, cũng chẳng tin được Hoa Kỳ. Khổ
thay, bây giờ mình cũng đã là người Mỹ. Không lẽ lại theo gương ông Thiệu mà chửi
thề Kissinger, éo le thay, bây giờ ông lại là danh nhân của nước Hoa Kỳ chúng ta.
Quả thực trong suốt 21 năm Việt Nam cộng hoà vừa xây dựng vừa chiến đấu,
có khi lên khi xuống, có lúc tốt lúc xấu. Trận 68 cả nước vùng lên triệt hạ toàn
thể quân "Giải phóng miền Nam". Trận 72 đẩy lui quân cộng sản miền Bắc
trên cả 3 vùng chiến thuật. Qua đến trận 75 chỉ vì tình phụ đồng minh bỏ chạy từ
73 nên đã tan hàng thảm bại. Tuy nhiên có làm phim về đoạn cuối thì ít nhất cũng
cần ghi lại trận Long Khánh vào những giây phút sau cùng. Hình ảnh sáng 29 tháng tư phi cơ Hỏa
Long chiến đấu đơn độc và tuyệt vọng rồi bùng cháy trên mây trời Hóc Môn. Và để
xóa bỏ toàn thể hình ảnh gẫy súng tháng tư là những câu chuyện của hàng trăm
chiến binh vô danh tuẫn tiết cùng với 7 vị anh hùng với đầy đủ hình ảnh và nhân
chứng. Phim tài liệu về những ngày cuối cùng với nhiều thiếu xót sai lầm nên đã
trở thành sự phản bội cuối cùng. Ghi dấu 50 năm sau 75, vào năm 2025 chúng ta cần
một cuốn phim khác. Đoạn mở đầu là ngày ra đi và chấm dứt bằng ngày trở về. Quý
ông bà nghĩ sao. (Giao Chỉ, San Jose.)
Ghi chú. Chúng tôi sẽ gửi đến quý vị các trích đoạn cuốn Tear before the Rain của Larry Engelmann (1990) do Nguyễn Bá Trạc dịch và Giao Chỉ giới thiệu. Tin Biển xuất bản 1995. Tác phẩm đầy đủ và xuất sắc nhất về ngày 30 tháng tư 1975. giaochi12@gmail.com
No comments:
Post a Comment