Tuesday, April 14, 2015

Bốn quan điểm trong chính giới Hoa Kỳ về Biển Đông Đoàn Hưng Quốc

Hoàng Sa Quần Đảo

Chuyển trục sang Châu Á Thái Bình Dương là chính sách được Tổng Thống Obama và cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton đề xướng nhưng không phải được sự đồng thuận trong chính giới và những nhà nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ. Mỹ là một quốc gia dân chủ và cường quốc hiện diện toàn cầu nên lúc nào cũng có nhiều phe phái vận động lập trường của Hoa Kỳ nghiêng về phía mình, cho dù trong không ít trường hợp các mục tiêu chẳng những đối nghịch lẫn nhau mà kết quả còn làm thiệt hại cho quyền lợi của nước Mỹ nói chung. Bài viết này dựa trên báo chí và sách vỡ để ghi nhận tóm tắt rằng hiện có 4 quan điểm đối lập chính trị trong nước Mỹ về mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn ảnh hưởng đến vùng Á Châu Thái Bình Dương.



A map of China's shifting definition of the so-called Nine-Dash Line. US State Dept. Image
Cánh thứ nhất tạm gọi là Diều Hâu với quan điểm cho rằng Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất với vai trò và khả năng bảo vệ nền trật tự toàn cầu, đồng thời có nhiệm phát huy dân chủ và nhân quyền ra khắp thế giới. Tiêu biểu cho lập trường này là Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain, ông chủ trương Mỹ phải can thiệp tích cực vào Lybie, Syria, Iraq, Afghanistan, đánh ISIS, chống Al Qeda, không thỏa hiệp với Iran và Bắc Hàn, viện trợ vũ khí cho Ukraine và siết chặt phong tỏa Nga, ngăn cản âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Thế giới hiện có rất nhiều khu vực nhiễu nhương cần đến sự trợ giúp của Mỹ và cánh Diều Hâu đòi Hoa Kỳ phải cùng một lúc phải có mặt tại mọi khu vực đang tranh chấp với chính sách ngoại giao vô cùng cứng rắn được hổ trợ bằng quân sự hay kinh tế khi cần thiết. Cánh thứ nhì với cách nhìn thực tiễn (pragmatism) không muốn Hoa Kỳ đa đoan khiến tiêu mòn lực lượng ở quá nhiều phía, nhưng phải tập trung vào cuộc tranh hùng Mỹ-Trung vốn sẽ định đoạt tương lai của nhân loại trong thế kỷ 21. Tiêu biểu cho cánh này là giáo sư Mearshmeyer, ông rút tỉa lịch sử để kết luận rằng trên núi không thể có hai cọp, và theo đà phát triển về kinh tế, quân sự và kỹ thuật hiện thời thì Trung Quốc không thể nào không tìm cách hất Mỹ ra khỏi khu vực Á Châu Thái Bình Dương để thay vào đó bằng một nền trật tư mới có lợi cho Bắc Kinh – cũng giống như quân phiệt Nhật đã từng làm trong Thế Chiến Thứ Hai. Nga hiện là một cường quốc đang xuống, trình độ kỹ thuật thấp, dân số và GDP của Nga thua xa so với Tây Phương nên không thể là mối đe dọa cho toàn bộ Âu Châu; thái độ gây hấn của Nga bắt đầu từ mặc cảm của thế yếu cho nên Tây Phương nên gấp rút thương lượng nhằm đạt đến một thoả hiệp khả dĩ Nga có thể chấp nhận được, để sau đó Hoa Kỳ rảnh tay tập trung năng lực vào Á Châu Thái Bình Dương. Về phía Trung Đông giáo sư Mearshmeyer cho rằng chính sách của Mỹ đã bị Do Thái lèo lái quá đáng theo chiều hướng thiên vị vô cùng có hại cho Mỹ (xem The Isreal Lobby của ông). Theo quan điểm của cánh thực tiễn Hoa Kỳ nay tự túc về năng lượng nhờ vào kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến, cho nên phải lợi dụng thời cơ này để giảm dần can thiệp ở Trung Đông vì tranh chấp giữa các hệ phái trong đạo Hồi là một nùi chỉ rối mà bên ngoài dính vào chỉ sa lầy trong một cuộc chiến có thể kéo dài hàng trăm năm.
Cánh thứ ba tạm gọi là thăng bằng (balancing) vốn theo quan điểm của cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger rằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không nhất thiết sẽ phải đối đầu nếu cả hai bên đều ý thức rằng không thể có bên thắng cuộc nếu có tranh chấp. Trái lại cả hai nước và toàn thế giới sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu tranh chấp xảy ra, chỉ vì tương quan giữa Mỹ-Trung quá gắn bó và ảnh hưởng lan rộng toàn cầu. Mỗi bên phải tôn trọng quyền lợi của đối phương. Nhưng đâu là ranh giới của thỏa hiệp thì có lẽ không ai biết kể cả ông Kissinger, hơn nửa mức độ nhân nhượng sẽ không cố định mà tùy thuộc về tương quan lực lượng mỗi ngày một thay đổi giữa hai bên.
Cánh cuối cùng không có gương mặt đại diện nhưng xin được gọi là thiên vị vì muốn giữ Hoa Kỳ tiếp tục dành trọng tâm vào Châu Âu và Trung Đông đồng thời nhượng bộ Bắc Kinh về ảnh hưởng ở Á Châu Thái Bình Dương. Theo cánh này thì Trung Quốc đang trở thành một siêu cường nên phải có khu vực sân nhà chẳng khác gì Hoa Kỳ đã từng dùng Châu Mỹ của người Mỹ để hất chân Âu Châu ra khỏi Mỹ Châu vào thế kỷ 19, còn nếu tránh va chạm thì Mỹ sẽ hưởng quyền lợi kinh tế trong khu vực. Nhưng nguyên do chính bởi Trung Quốc phát triển chẳng những không hề là mối đe dọa cho Châu Âu và Do Thái chỉ vì khoảng cách địa lý qua xa, trái lại các nước này còn trải thảm đỏ mời Bắc Kinh thu hút đầu tư và nâng cấp mậu dịch. Châu Âu muốn tiếp tục cắt giảm chi phí quốc phòng và mãi mãi dựa vào cánh dù an ninh của Mỹ, còn Do Thái theo chính sách cực hữu bị cô lập giữa khối Hồi Giáo ngày thêm khích động. Theo cách lý luận quanh co (twisted arguments) thì khủng hoảng Iran, ISIS và Ukraine là những món quà trời cho vì không quá lớn đến mức đe dọa nền an ninh của Do Thái và Châu Âu nhưng lại đủ trầm trọng để lôi kéo sự chú tâm của toà Bạch Ốc – bằng cớ là Ngoại Trưởng Kerry miệt mài với các thương thảo từ nhiều tháng nay nên không còn thời giờ quan tâm đến Á Châu Thái Bình Dương – khiến kế hoạch chuyển trục của Tổng Thống Obama bị xì hơi dần cho đến khi mất đà và rơi vào quên lãng.
http://vietbao.com/p112a236238/bon-quan-diem-trong-chinh-gioi-hoa-ky-ve-bien-dong



TVQ từ Úc Châu chuyển

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...