Saturday, April 4, 2015

'Thành phố hoa phượng đỏ' bỗng 'bớt đỏ'? Nguyễn Lê Nam Phong


Hoa Phượng được người Pháp mang sang Việt Nam từ thế kỷ 19 từ đảo Madagascar, và trồng ở nhiều thành phố lớn ở Việt Nam từ Sài Gòn đến Hà Nội, nhưng nhiều nhất ở Hải Phòng, có lẽ vì thổ nhưỡng Hải Phòng gần giống với Madagascar, và biến Hải Phòng thành 'thành phố hoa phượng đỏ'.

Sau gần 100 năm, những cây phượng vĩ trưởng thành hiên ngang chắn nắng mưa, che bão tố khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa, đi vào thơ văn, nhạc họa và cuộc đời của mỗi người Hải Phòng.
Những cây phượng vĩ không chỉ là biểu tượng của thành phố mà còn là chứng nhân lịch sử của thành phố, con người và tình yêu nơi đây.
Mỗi mùa hè về hoa phượng lại nở đỏ rực một góc trời, mỗi mùa hoa phượng nở cũng là mỗi mùa bao thế hệ học sinh ra trường, chia tay bạn bè, chia tay trường lớp.
Nhiều thế hệ chắc vẫn chưa quên những ký ức của ngày hôm qua, những buổi chiều dạo dưới bóng mát của hàng phượng vĩ trên bờ hồ Tam Bạc, những trái tim giữa tên hai người khắc dưới thân cây, những chùm hoa phượng lặng lẽ trao nhau. Cây phượng là chứng nhân cho bao nhiêu mối tính học trò ngây thơ vụng dại như thế.
Đường Đà Nẵng, phượng trải dài, đỏ rực, mỗi cơn gió qua "Hoa như mưa rơi rơi. Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi. Như nuối tiếc một thời trai trẻ".
Thành phố mở rộng, người ta chặt bớt một số cây, gió mưa, bão lũ làm đổ gãy một số khác, và con người phá nốt phần còn lại vì cây phượng ''ít bóng mát'', và hoa lá rụng nhiều tạo "nhiều rác"...

'Điệp khúc trồng và chặt'

Người ta thay thế cây phượng bằng những cây hoa gạo, cây hoa gạo lớn nhanh, cho bóng mát rộng, hoa cũng nở đỏ rực như hoa phượng, quả gạo như cái bánh xe nhỏ, trẻ con vẫn dùng đề chơi. Nhưng cây hoa gạo thân dòn, rễ chùm dễ đổ mỗi mùa mưa bão về, nên năm nào cũng cây đổ, chết người, xô vào cột điện làm mất điện toàn thành phố...
Đến giữa những năm 2000, người Hải Phòng chợt nhận ra thành phố hoa phượng đỏ, không còn hoa phượng nữa. Những phố mới không một bóng cây, những con đường nắng cháy không một bóng râm.
Và, người ta lại bắt đầu trồng lại phượng.
Khắp thành phố tràn ngập những cây phượng thiếu nhi, bé nhỏ, run rẩy, sợ hãi mỗi khi mùa mưa bão về.
Cây chặt rồi, có thể trồng cây khác thay thế. Nhưng cây mới không có linh hồn của cây cũ. Thân cây không có những vết thương được điêu khắc bởi thời gian, không có nét tang thương của năm tháng, không có những dấu vết của lịch sử.
Phố mới có vẻ đẹp trẻ trung, hiện đại. Phố cũ có vẻ đẹp của thời gian. Cây cũ cả trăm năm rồi có nhược điểm của cây cũ, cây mới trồng trăm năm nữa phát sinh nhược điểm lại chặt sao?
Mỗi một hàng cây, mỗi một góc phố cũ nắm giữ một phần linh hồn của thành phố. Gìn giữ thì khó mà xóa bỏ thì dễ.
Một thành phố mà không có linh hồn thì chỉ là một thành phố trống rỗng. Một thành phố trống rỗng thì cũng như một thành phố chết mà thôi! Không hiểu được điều này, thì sẽ vẫn mãi điệp khúc Trồng - Chặt - Trồng - Chặt thôi.
Nguyễn Lê Nam Phong
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

No comments:

Lễ 51 Năm Giỗ Trận Hoàng Sa 19/1/1974-19/1/2025. Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Đền Nợ Nước.

Chuyện Bên Lề Một Thủy thủ già sau khi dự lễ 51 Năm Hoàng Sa mời các bạn về nhà hái ổi. Vừa mở cửa xuống xe ông b ỗng nạt:” ”Bình! ...