|
- «Tôi xin phép từ chối. Tôi không nhận cái quyền công dân này. Dù gì tôi cũng là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi mà giờ đây vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo, chưa được trả quyền công dân trước. Tôi sẽ là người sau cùng nhận cái quyền công dân này, sau khi binh sĩ và nhân viên của chúng tôi đã được nhận».
|
|
|
Tết sắp đến nơi rồi, tôi thầm nói với mình câu nói nầy bao nhiêu lần mỗi khi lấy thêm áo ấm trong tủ ra để mặc cho con, hoặc pha cho chồng tách cà phê nóng mỗi sáng sớm. Những việc nho nhỏ nầy gợi lại trong lòng tôi một cảm giác ấm áp thân thương, làm tôi nhớ đến bình trà nóng ngày xưa ở Đà Lạt, mỗi sáng sớm ngoại tôi vẫn có thói quen ngồi bên chiếc bàn cũ kỹ đặt trong góc nhà bếp, nhẩn nha thưởng thức mấy tuần trà mà hương trà cổ kính thanh khiết đó bay phảng phất trong không gian rất lâu. Bên cạnh là một ấm nước đã nhuộm màu khói được đặt trên bếp lửa hồng. Lửa chen chúc bập bùng, vang lên tiếng kêu tí tách từ những thanh củi đang bốc cháy. Thương làm sao cảnh đời của một thuở an bình.
Chạnh nghĩ về Tết cũng là cửa ngõ cho nhiều kỷ niệm xưa sống lại trong lòng. Không biết tại sao bên cạnh nỗi nhớ êm đềm về những ngày Tết của thời thơ ấu, lòng tôi lại quay quắt với vài kỷ niệm về cụ Trần Văn Hương đã in sâu vào tâm hồn tôi như một nét vẽ vừa buồn vừa đậm nét. Tôi càng nhận rõ ra hơn, thời gian không phải là luôn yếu tố để người ta quên được những nhân vật đã đi vào lịch sử.
Nhiều năm trước, khi còn học ở trung học, một buổi tối sau khi dùng cơm, chị tôi dẩn tôi đến phủ «Cây Tùng» để thăm Mai Hương, một người bạn đồng khóa 1 Nữ Quân Nhân của chị, bấy giờ vừa lập gia đình với đại úy Phan Hữu Cương, cháu ruột của cụ Trần Văn Hương. Ba chị em đứng trò chuyện dưới một tàng cây trong dinh Phó Tổng Thống. Bất thình lình cụ Hương từ trong bước ra của đưa mắt nhìn về phía chúng tôi gật đầu rồi ra dấu bảo Mai Hương theo cụ vào trong phủ. Khi trở ra, Mai Hương le lưỡi nói với chị tôi :
- Ông cụ vừa mới la
- La chuyện gì ?
- Ông cụ nói tại sao tôi không mời các bạn vào phòng khách nói chuyện đàng hoàng mà lại để bạn đứng dưới gốc cây. Ông cụ bảo là tiếp bạn như vậy là không phải cách, không trọng bạn.
Đó là lần đầu tôi trông thấy cụ Hương, nhưng nghe thuật lại những lời cụ trách, lòng tôi tự nhiên nhen nhúm một cảm tình quý trọng. Sau đó, tôi có dịp trở lại phủ Phó Tổng Thống đôi lần khi Mai Hương sắp vào nhà bảo sanh. Vì lẽ phu quân của Mai Hương bận công vụ nên MH cho tài xế đến nhờ tôi và em gái tôi giúp đưa MH vào bịnh viện. Tất cả những lần lui tới đó, tôi chẳng có dịp nào được giáp mặt cụ Hương.
Thời gian trôi qua, miền Nam sụp đổ, Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng. Ngay buổi sáng của ngày đầu mất nước, trong một ngôi biệt thự cũ kỷ nằm khuất nơi ngõ hẻm ngắn trên đường Phan Thanh Giản, thân nhân của gia đình nầy đã đau đớn đặt ở giữa nhà hai xác người cùng nhau tìm cái chết, họ vừa chia nhau ống thuốc ngủ đêm qua. Đó là đại úy Phan Hữu Cương và trung úy Trần Mai Hương. Họ đã để lại võn vẹn vài lời trăn trối xin nhờ lòng tha thứ của cụ Hương và gia đình, vì không thể sống khi đất nước đã rơi vào tay kẻ thù…Đôi vợ chồng trẻ gởi gắm lại ba đứa con thơ dại nhờ ông bà nội dưỡng nuôi.
Cũng trong ngôi biệt thự bị bao phủ bởi không khí bi thương ấy, nơi một căn phòng trên lầu, cụ Hương đóng cửa im lặng, trầm mình trong nỗi đau của một người đã từng trên cương vị lãnh đạo, giờ đây bi phẩn chứng kiến cảnh quốc gia suy vong, gia đình tang chế. Nỗi đau khổ của Cụ ở mức độ nào, chẳng ai trong nhà được Cụ hé môi thố lộ.
Nhưng ý định cùng chồng đi tìm cái chết của Mai Hương đã không được toại nguyện bởi lẽ một người cháu của MH tình cờ ghé lại thăm, thấy thân thể của cô mình vẫn còn chút hơi ấm, nên vội chở MH đi cấp cứu. Sự sống của MH đã được các bác sĩ giành giựt lại từ đường tơ kẻ tóc, nhờ đó MH đã trở thành một chiếc cầu khiến tôi có cơ hội biết thêm chút ít về cụ Hương trong những ngày tháng sau nầy của Cụ.
Nhiều lần, MH dẩn tôi về lại ngôi biệt thự cũ để thăm các con của MH đang sống nương nhờ vào ông bà nội, tôi đã chứng kiến cảnh sống đạm bạc, nếu không nói là thiếu thốn, túng quẩn của gia đình cụ Hương. Cụ Hương luôn sống lặng lẽ một mình trong căn phòng nhỏ trên lầu. Căn phòng bài trí sơ sài, chẳng có món đồ nào được coi là sang trọng. Ngoài chiếc giường nệm cụ nằm, đồ vật còn lại chỉ là hai chiếc ghế bành, một cái tủ cũ đựng quần áo cũng đã cũ, một chiếc bàn con trên đó cụ đề một tượng Phật Di Lạc. Căn phòng có một cửa ăn thông ra sân thượng. Hầu cận săn sóc Cụ là người em rể của Cụ, mà tôi gọi theo như MH là dượng. Phía dưới lầu là những căn nhà trệt nhỏ, nằm dọc theo bức tường phía trong khuôn viên của biệt thự, có lẽ trước kia là những nhà kho, bây giờ trở nên nơi tá túc của các thân nhân gồm các em và cháu của Cụ, vì phải gặp cảnh khó khăn dưới quê nền phải tìm về Saigon nương náu trong ngôi biệt thự cũ nát mà Tổng Thống Thiệu đã cấp cho Cụ từ thời trước. Ngôi biệt thự nầy, trước khi cấp cho cụ Hương, Tổng Thống Thiệu đã ra lịnh chỉnh trang lại, nhưng Cụ đã từ chối xin cứ đề tình trạng như vậy vì Cụ đã già rồi, không làm gì ích lợi cho quốc gia, nên cụ không muốn làm tốn hao công quỹ. Do đó, đến khi Cộng Sản vào, ngôi biệt thự trên chẳng phải là mồi ngon cho các cán bộ của họ tranh nhau chiếm đoạt như số phận các ngôi biệt thự xinh xắn khác. Tường vách của ngôi biệt thự đã có nhiều chỗ nứt nẻ, nền nhà nhiều chỗ gạch vỡ tung lên, màu vôi đã trải qua nhiều năm tháng vàng uế không được trùng tu sơn quét.
Hình ảnh Cụ lúc nầy như một con chim đại bàng sa cơ gẫy cánh mà vẫn cố giương đôi cánh mang thương tích để bảo bọc đàn chim non. Tôi được kể, cứ mỗi lần người nhà mang cơm lên lầu cho cụ, thường thì rất đạm bạc, lâu lâu mới có một chút cá thịt để cụ bổ sức, nhưng cụ luôn hỏi phần cơm của các người khác trong nhà có được ăn giống như cụ hay không. Mặc dù người nhà trả lời là có để làm cụ an lòng, nhưng cụ thấu hiểu tình cảnh nghèo túng nên thường giành thức ăn ngon trên mâm để mang trở lại xuống nhà cho con cháu.
Nhiều lần, nhìn lên sân thượng, tôi trông thấy Cụ ngồi lặng lẽ trong phòng. Hình ảnh cụ già tóc bạc trắng, cặp mắt bất động nhìn về khoảng không, làm tôi bàng hoàng ray rứt trên đường đạp xe trở về nhà.
Một hôm, có lẽ vào dịp gần Tết, MH trao cho tôi một củ sâm Đài Loan và nói :
- Bà nội sắp nhỏ bảo chị đem củ sâm nầy đi bán. Củ sâm là của người ta biếu cho ông cụ khi xưa khi ông cụ viếng Đài Loan, ông cụ còn cất giữ cho đến giờ. Ông nói chắc ông không cần dùng đến nó nên sai bà nội đem bán lấy tiền đong gạo cho sắp nhỏ.
Củ sâm võn vẹn bằng hai phần ba bàn tay, được bọc trong mấy lớp giấy dầy bụi bám, có lẽ đã bị quên lãng trong ngăn tủ nay được lôi ra… Tôi nhìn củ sâm mà nghẹn ngào. Một nhà giáo thanh bạch, một người lãnh đạo quốc gia thanh liêm, nay cụ có đâu vàng bạc tài sản để đem bán nuôi thân và nuôi đàn cháu, giúp đỡ người thân đang tá túc trong nhà, những người đã bị Cộng Sản kết tội vì liên lụy đến các hoạt động chính trị của cụ.
Độ hơn tuần sau, ông nội của các cháu, tức em rể của cụ Hương, ghé lại nhà MH và tôi (lúc nầy, tôi và MH ở chung tại một căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình) kể cho chúng tôi nghe là ông vừa làm theo ý của cụ Hương là mang ra chợ trời bán mấy bộ veste còn tốt của Cụ.
Để an ủi người nhà bớt đau lòng, cụ bình thản giải thích : « Từ đây cũng đâu có dịp cần để mặc, thì đem bán đi chớ giữ làm chi». Số tiền bán áo cũng chẳng còn giữ được bao lâu vì bà Út đã dùng số triền nầy để đi chợ mua thức ăn cho sắp nhỏ.
Gia đình của cụ Hương đã chịu chung số phận nghèo khổ bi đát tột cùng, từ tinh thần đến vật chất của mọi tầng lớp dân chúng miền Nam khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm.
Có một sự kiện làm tôi chảy nước mắt mỗi khi nhớ đến, lòng thêm kính mến và cảm phục cụ Hương. Trước khi chính quyền CS cho tổ chức cuộc bầu cử quốc hội bịp bợm đầu tiên, cụ Hương được họ thông báo sẽ có một buổi lễ để chính phủ trả quyền công dân cho cụ. Sau đó, để có buổi lễ được quay phim tuyên truyền, khi một cán bộ thay mặt chính quyền, đọc "chính sách khoan hồng, rộng lượng" của nhà nước đối với những "thành phần" như cụ, cụ dõng dạc nói:
- «Tôi xin phép từ chối. Tôi không nhận cái quyền công dân này. Dù gì tôi cũng là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi mà giờ đây vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo, chưa được trả quyền công dân trước. Tôi sẽ là người sau cùng nhận cái quyền công dân này, sau khi binh sĩ và nhân viên của chúng tôi đã được nhận».
Ðại diện của chính quyền CS không ngờ sự thể xảy ra như vậy. Tức giận, họ ra lịnh cúp máy thu thanh, thu hình. Vài ngày sau cụ nhận được lịnh quản thúc tại gia 3 năm. Cụ Hương nói với người nhà:
- «Bọn nó cũng chẳng cần phải quản thúc tao. Tao già và đau yếu như vầy, có khi nào bước chân ra khỏi nhà đâu mà cần phải quản thúc! »
Vào năm 80 tuổi, mỗi lần theo Mai Hương ghé vào thăm ông bà nội của các cháu, tôi ít thấy cụ Hương ra ngồi ở sân thượng như lúc trước. Tôi được biết sức khỏe của cụ sa sút nhiều. Một hôm, em rể cụ Hương bảo tôi:
- Ông cụ dạo nầy yếu quá. Ông lại dứt khoát không muốn vô nhà thương khám bịnh hay chữa trị gì cả. Chắc Cẩm Anh cũng biết tại sao rồi. Dượng muốn nhờ Cẩm Anh có quen ai là bác sĩ trước 1975, xin họ đến nhà khám bịnh giùm cho ông cụ. Nếu không thì Dượng chẳng yên tâm.
Nghe ông Dượng nói tôi mới nhớ, cách đó không lâu, cụ Hương bị mệt xỉu phải đưa vô nhà thương cấp cứu. Lúc tỉnh dậy, cụ nhứt định đòi người nhà phải đưa cụ về ngay. Cụ một mực từ chối, không chịu để điều trị trong bịnh viện đã thuộc về tay chính quyền CS.
Mặc dầu có quen biết vài bác sĩ, nhưng tôi nghĩ ngay đến nhà tôi, lúc ấy còn là một người bạn, vì trong hoàn cảnh không biết tương lai ra sao, nên chúng tôi chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Tôi nhận lời Dượng, hứa tìm một bác sĩ của "chế độ mình" để nhờ khám bịnh cho cụ. Khi nghe tôi trình bày, nhà tôi chẳng chút ngần ngại, vui vẻ nhận lời ngay. Lần đầu tiên nhà tôi đến, cụ bảo nhà tôi lại thật gần để cụ nhìn mặt vì mắt cụ đã mờ. Cụ Hương hỏi nhà tôi:
- Con đến đây thăm bịnh cho qua, con có sợ họ làm khó dễ con không?
Nhà tôi trả lời:
- Thưa cụ, cháu chỉ làm bổn phận và công việc của người thầy thuốc, cháu không ngại.
Cụ xúc động, ghé người gần lại, đưa tay ôm lấy đầu nhà tôi. Nhà tôi tiếp:
- Thưa cụ, cháu là bác sĩ trẻ mới ra trường, kinh nghiệm và kiến thức hãy còn ít, chữa bịnh cho cụ, nếu có điều gì không biết, cháu sẽ về đọc sách lại.
Cụ Hương vui vẻ, mỉm cười cảm ơn và nắm lấy tay nhà tôi như để trấn an.
Từ đó nhà tôi lui, tới với cụ thường xuyên để thăm bịnh cụ. Dường như việc trị bịnh đối với cụ chẳng có gì quan trọng, cụ không quan tâm lắm, mặc dầu cụ luôn luôn là một bịnh nhân gương mẫu, theo đúng những lời dặn của bác sĩ. Ðiều làm cho cụ vui và thoải mái hơn có lẽ là có người để cụ nói chuyện. Do đó, nhà tôi thường ngồi lại với cụ một hai giờ sau khi khám bịnh. Cụ nói thuốc men cụ dùng hàng ngày là do bà Trần Văn Văn và bạn bè ở Pháp gởi về tặng cụ. Những thứ thuốc nào không cần dùng, cụ đưa cho người em rể cụ đem ra chợ trời bán, lấy tiền chia đều cho gia đình con cháu đong gạo. Một hôm cụ kể cho nhà tôi nghe một câu chuyện rất cảm động như sau:
- «Con biết không, chú có thằng em đến thăm [cụ xưng chú với nhà tôi, khi biết thân phụ nhà tôi lớn hơn cụ vài tuổi] nó đem đến một hộp sữa bò còn tặng chú 5 đồng [lúc mới đổi tiền, 500 đồng tiền cũ ăn 1 đồng tiền mới]. Chú thương nó có tình, nhưng nghĩ nó phải đạp xích lô cực khổ để sinh sống, nên chú không nỡ lấy. Nhưng nếu chú không nhận thì "sợ nó buồn tội nghiệp", nên chú chỉ nhận có 5 đồng, còn hộp sữa thì bảo nó đem về cho gia đình» . Người mà cụ kể là "thằng em" một cách thân mật chính là thuộc hạ cũ của cụ.
Cụ Hương còn tâm sự với nhà tôi những chuyện lúc cụ còn trẻ. Có một thời gian cụ cùng với một người con trai (Trần Văn Dõi) theo hoạt động cho Việt Minh chống Pháp. Nhưng khi nhận ra bộ mặt thật của Việt Minh, cụ dứt khoát trở về lại trong Nam và mất liên lạc với người con trai từ lúc ấy. Người con trai nầy đã ở lại miền Bắc, và phục vụ trong quân đội CS. Sau khi Sàigòn bị chiếm, anh có về thăm cụ với vợ là một bác sĩ VC. Có lẽ sự lui tới của cặp vợ chồng nầy cũng nhằm mục đích theo dõi cụ.
Cụ Hương cũng có một người con khác đang sinh sống tại California. Anh có một đứa con bị bịnh Thalassemia, được đưa sang Mỹ chữa trị trước năm 1975. Ðã bao lần anh muốn bảo lãnh cụ ra nước ngoài, nhưng cụ nói với nhà tôi:
- «Trước kia đại sứ Martin năn nỉ, yêu cầu chú đi, chú đã từ chối. Bây giờ đời nào chú lại xin chính quyền CS để được đi ».
Những lần đi thăm bịnh sau của nhà tôi, cụ tâm sự nhiều hơn về những vui buồn trong cuộc đời tham chính của cụ. Cụ luôn nhắc đến tên của những người mà cụ đặc biệt quý mến như bác sĩ Bạch Ðình Minh. Cụ ngậm ngùi kể:
- « Bác sĩ Minh là một người mà chú rất quý trọng. Hồi trước chú thấy bác sĩ Minh đi khám bịnh mà không có đồng hồ đeo tay. Chú mua tặng cho bác sĩ Minh một cái, nhưng đeo được vài tuần, bác sĩ Minh đem trả lại chú. Chú thấy bác sĩ Minh phục vụ trong quân đội hết lòng tận tụy và giàu tinh thần trách nhiệm, chú đề nghị lên tổng thống Thiệu tưởng thưởng "Bảo quốc huân chương" cho bác sĩ Minh. Bác sĩ Minh từ chối không nhận viện lẽ ông đang làm việc ở chỗ an toàn, xin dành huy chương ấy cho những người xả thân chiến đấu, hy sinh xương máu cho đất nước ».
Một lần khác cụ hỏi nhà tôi:
- Con có biết bác sĩ Trần Lữ Y không?
Nhà tôi thưa:
- Bác sĩ Trần Lữ Y dạy con môn Nội Khoa ở trường Y khoa.
Cụ Hương tâm sự:
- Hồi trước bác sĩ Hoa Kỳ sang đây khám bịnh cho chú, họ đề nghị đưa chú sang Hoa Kỳ chữa bịnh. Thằng Trần Lữ Y đi theo chú, xin lỗi con, chú gọi bác sĩ Trần Lữ Y bằng "thằng", vì chú thương nó như con chú vậy. Khi máy bay ghé Manille, suốt mấy hôm chú ăn không nổi đồ ăn của họ, nên bác sĩ Trần Lữ Y phải ra phố kiếm thức ăn mua về cho chú. Gần đây chú nghe có người nói bác sĩ Trần Lữ Y qua đời bên Pháp vì bịnh ung thư, có đúng như vậy không?
Nói tới đây, cụ im lặng hồi lâu như nén sự xúc động. Mấy tuần sau, nhà tôi được tin bác sĩ Trần Lữ Y vẫn còn khỏe mạnh ở bên Pháp và có phòng mạch tư, gần với phòng mạch của bác sĩ Phạm Tu Chính. Nhà tôi vội vàng ghé lại thăm và nói cho cụ Hương biết tin thật về bác sĩ Trần Lữ Ỵ. Nghe xong, cụ Hương nắm lấy tay nhà tôi mà chẳng nói gì. Hai giòng nước mắt từ từ lăn trên má cụ.
Mặc dầu sức khỏe cụ Hương lúc đó đã sa sút nhiều, đi đứng khó khăn, dầu chỉ vài bước cũng cần cây gậy. Bên cạnh giường ngủ có gắn một cái chuông điện, trên bàn luôn có một cái chuông nhỏ để khi cần người nhà, cụ lắc bằng tay. Nhà tôi thán phục cụ có trí nhớ đặc biệt. Cụ có thể nhớ nguyên văn câu nói của từng người, ngày tháng, giờ giấc của sự kiện đã xảy ra. Cụ không quên từng chi tiết nhỏ. Có lần cụ chia xẻ với nhà tôi rằng:
- Chú nghĩ người làm chính trị phải có giáo dục và đạo đức. Khi tham chính tất nhiên chú chấp nhận có phe đối lập, nhưng dầu khác lập trường, chú vẫn luôn luôn tôn trọng họ. Có một dân biểu trẻ tên là [xin giấu tên], trong một buổi họp quốc hội, đã đứng lên đập bàn, chỉ vào mặt chú nói những lời vô lễ [xin không ghi lại câu vô lễ nầy]... Vì dân biểu nầy đáng con chú. Chú buồn và tiếc cho người làm dân biểu mà không biết đến chữ "lễ", không tỏ ra có tư cách của người học thức, chớ không buồn về lập trường đối lập của họ.
Một hôm đến thăm cụ, nhà tôi thố lộ với cụ rằng "sớm muộn gì con cũng phải ra đi". Chuyện ra đi không biết khi nào mới thành công, nhưng không bao giờ con bỏ ý định đó. Chẳng phải vì miếng cơm manh áo, hay sự cực khổ mà phải bỏ quê hương. Nhưng vì cuộc sống lúc nào cũng thấy bị đe dọa, thiếu an toàn, ngủ một đêm thức dậy có thể bị bắt vì bất cứ một lý do viển vông nào. Nghe nhà tôi nói, cụ Hương trầm ngâm một hồi lâu mà không nói gì. Mãi một lúc sau, cụ thở dài chép miệng:
- «Có lẽ chú làm không đúng khi ra lịnh ngăn người ta ra khỏi nước trong những ngày hỗn loạn ».
Lúc nhà tôi từ giã cụ ra về, cụ ôm hôn nhà tôi và nói:
- Chú gặp con muộn quá!
Vào tháng 4 - 1981, tôi đạp xe đưa nhà tôi đi vượt biên lần thứ 13. Trước khi đi, nhà tôi có đến thăm cụ lần cuối. Biết cụ rất buồn, nhưng cụ giấu kín tình cảm để người đi bớt vướng víu. Một tháng sau đó, tôi cũng rời Việt Nam đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình do anh chị tôi bảo lãnh. Một ngày trước khi đi, tôi đạp xe trở lại đường Phan Thanh Giản, đứng một mình bên chiếc cổng sắt. Giữa một niềm vui khi sắp sửa thoát khỏi cảnh đời vô vọng, tăm tối, và một nỗi buồn khi biết rằng mình sẽ mất bao nhiêu gắn bó thân thuộc khi lìa khỏi nơi đây. Cụ Hương vẫn là hình ảnh làm cho lòng tôi se thắt, là một cánh sen nổi trên dòng nước đang giao động của tâm hồn tôi.
Khi ngồi viết những dòng nầy, sau một thoáng suy nghĩ, tôi đã cắt bỏ những đoạn sau để khỏi đưa đến những gì gọi là cuối câu chuyện.
Những phần không được viết ra, xin độc giả hãy coi đó là một nén hương trầm mà người viết muốn thành kính đốt trên bàn thờ cụ Trần văn Hương. Một người quốc gia, một nhà nho giàu lòng yêu nước, sống và chết trên dòng sinh mệnh điêu linh của dân tộc.
Phan Cẩm Anh
Nguồn: Đặc San Trường Trung Học Mỹtho 1997 / Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học MỹTho (Canada)
No comments:
Post a Comment