(Quốc tế) - National Interest nhận định, những gì đang diễn ra hiện nay là do Trung Quốc tin rằng đã trở nên đủ sức mạnh đối trọng với Mỹ hoặc thậm chí vượt qua Mỹ để có thể triển khai sức mạnh ở châu Á. Lịch sử đã chứng minh rằng nước nào có sức mạnh, nước ấy có quyền lãnh đạo…
Những cuộc đụng độ gần đây ở Biển Đông giữa lực lượng hải quân Indonesia và cảnh sát biển Trung Quốc đã tăng cường mối quan tâm chung đối khu vực. Một số hoan nghênh quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên biển. Tuy nhiên một số vẫn băn khoăn về động cơ của Trung Quốc trong việc kích động xung đột khu vực như vậy với Việt Nam, Malaysia và Philippines. Làm thế nào để giải thích tại sao Trung Quốc lại mạo hiểm dấn thân vào một cuộc chiến lớn có thể kéo theo sự can dự của Mỹ vào việc tranh giành một nhúm đảo, đá?
Một vài người cho rằng các nước đang tranh giành quyền kiểm soát trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở những vùng biển này. Nhưng có vẻ điều đó không đúng với trường hợp này. Nhìn chung trong lịch sử hiện đại, các nước lớn hiếm khi đánh nhau trong một cuộc chiến lớn để tranh giành các nguồn lực kinh tế. Hay phải chăng vì “đường chín đoạn” ngang ngược của Trung Quốc? Chắc chắn cần phải phân biệt các cách thức, phương tiện và kết cục của các hiện tượng này. “Đường lưỡi bò” là phương tiện mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho những chính sách tối hậu của mình. Nhưng nó không giải thích được kết cục mà Trung Quốc muốn đạt được, do đó nó không thể được sử dụng để lí giải cho động cơ của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hãy nhìn lại thế ky XX. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng phát khi đế quốc Áo-Hung tuyên chiến và tấn công Serbia. Vậy có phải cuộc xâm lược của đế chế Áo – Hung gây nên Thế chiến I? Không phải như vậy. Đúng là đế quốc Áo – Hung phát động chiến tranh nhưng chắc chắn đó không phải là nguyên nhân của cuộc chiến. Nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến này là mối quan tâm của các nước lớn về trật tự khu vực thịnh hành ở châu Âu và mong muốn thay đổi nó.
Người Đức (cùng với đế chế Áo – Hung) không thoải mái với việc thay đổi cân bằng quyền lực nghiêng về phía liên minh Pháp – Nga- Anh. Họ nhận ra sự thống trị của nước Đức trong trật tự châu Âu bị xói mòn và tìm kiếm phương cách để đảo ngược xu hướng này. Pháp và Nga được cổ súy bởi vị thế sức mạnh mới đạt được, đã từng bị nhục mà trong trật tự do Đức dẫn đầu trước đó và đã tìm cách để trừng phạt Đức cùng các đồng minh của nước này.
Tương tự như Thế chiến I, Thế chiến II cũng khởi nguồn với cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler. Tuy nhiên, Ba Lan không phải là nguyên nhân sâu xa của sự kình địch giữa Anh- Pháp và Đức dẫn đến leo thang thành chiến tranh năm 1939. Mà là thực trạng Anh – Pháp lo lắng về sự chuyển dịch cân bằng quyền lực theo hướng có lợi cho Đức và tìm cách ngăn chặn xu thế này phát triển xa hơn. Quyết tâm đó cuối cùng đã dẫn đến cuộc chiến vượt qua sự tồn vong của Ba Lan.
Theo National Interees, đơn giản có điểm chung giữa Serbia và Ba Lan trước đây với biển Hoa Đông và Biển Đông hiện nay là chúng đều là sân khấu cạnh tranh siêu cường. Nhưng chúng hoàn toàn không phải là nguyên nhân của sự kình địch đó.
Chiến đấu cơ J-15 thử nghiêm trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Nước này có kế hoạch tự đóng thêm hai tàu sân bay dựa trên thiết kế của tàu Liêu Ninh
Để hiểu nguyên nhân của cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ cần phải xem xét lại lịch sử và bức tranh chiến lược của khu vực châu Á, hay đơn giản hơn là trên Biển Đông. Sau thất bại của Đế quốc Nhật trong Thế chiến II, Mỹ là siêu cường duy nhất có thể khai triển sức mạnh trong khu vực. Kể từ đó, châu Á luôn nằm dưới trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu. Chỉ bằng một phần nhỏ so với sức mạnh của Mỹ, các nước khác trong khu vực đều chấp nhận vị thế bá chủ của Mỹ.
National Interest nhận định, những gì đang diễn ra hiện nay là do Trung Quốc tin rằng đã trở nên đủ sức mạnh đối trọng với Mỹ hoặc thậm chí vượt qua Mỹ để có thể khai triển sức mạnh ở châu Á. Lịch sử đã chứng minh rằng nước nào có sức mạnh, nước ấy có quyền lãnh đạo. Và với sức mạnh mới đạt được, Trung Quốc muốn có vai trò lãnh đạo lớn hơn trong khu vực. Chắc chắn, bất kỳ ai khi nghiên cứu lịch sử một cách cẩn thận sẽ đều thừa nhận rằng đây là một điều hết sức bình thường.
Nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã thiết lập tầm nhìn của mình về việc thay thế Mỹ trở thành siêu cường nổi trội quyết định trật tự ở châu Á. Tham vọng của Trung Quốc với quyền lãnh đạo cao hơn trong khu vực thật không may lại gặp phải những thách thức gay gắt từ phía Mỹ cũng như các nước lớn khác trong khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ.
Sau những tuyên bố chủ quyền ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Mỹ đã cho ra đời chính sách “xoay trục châu Á” (về sau được đổi tên là “tái cân bằng”). Trong khi đồng minh của Mỹ là Nhật Bản đã diễn giải hiến pháp, cho phép Tokyo chủ động hơn cả về chính trị lẫn quân sự ở bên ngoài lãnh thổ. Ấn Độ về phần mình cho ra đời chính sách hướng Đông trong khi cố gắng để củng cố sức mạnh hàng hải để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương.
Đối mặt với nguy cơ ngăn chặn, câu hỏi hết sức quan trọng đối với lãnh đạo Trung Quốc là làm thế nào để Trung Quốc có thể hất cẳng Mỹ và trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu khỏi châu Á?
Trung Quốc có vẻ tin rằng trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu dựa trên trật tự an ninh chính trị khu vực do nước này tạo ra. Trật tự an ninh chính trị này lại dựa vào hệ thống đồng minh khu vực của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines và Thái Lan. Hệ thống liên minh này cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ tiền đồn, bao đảm cho Mỹ khả năng nhanh chóng khai triển sức mạnh trong khu vực bất cứ khi nào có khủng hoảng nổ ra.
Không có những căn cứ như vậy, Mỹ sẽ không thể khai triển lực lượng một cách hiệu quả, và do đó sẽ chỉ có ảnh hưởng bên lề trong một cuộc khủng hoảng. Việc giảm bớt khả năng đối phó của Mỹ đối với một cuộc khủng hoảng khu vực đồng nghĩa với việc giảm đi rất nhiều ảnh hưởng của Mỹ đối với trật tự khu vực.
Theo logic, phá vỡ hệ thống liên minh này sẽ dẫn tới sự đổ vỡ trật tự khu vực do Mỹ lãnh đạo. Câu hỏi hiện nay là làm sao Trung Quốc có thể phá vỡ hệ thống liên minh này?
Theo National Interest, liên minh về bản chất là một sự bao đảm. Bằng việc ký kết một liên minh, Mỹ đã bảo đảm với đồng minh của mình rằng nước này sẽ giúp họ bảo vệ đất nước trong các cuộc khủng hoảng. Giống như một công ty bảo hiểm thương mại, sự thành công của việc kinh doanh phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của công ty. Miễn là các đồng minh của Mỹ tin rằng Mỹ sẽ thực hiện lời hứa của mình, hệ thống liên minh này sẽ được duy trì. Tuy nhiên nếu các đồng minh của Mỹ không tin vào những lời hứa, nghi ngờ vào độ tin cậy của những lời nói này thì hệ thống liên minh sẽ bị phá vỡ.
Hệ quả lại nảy sinh một câu hỏi mới: Làm thế nào để Trung Quốc có thể hủy hoại tín nhiệm của Mỹ đến mức mà có thể dẫn tới sự phá vỡ hệ thống liên minh khu vực? Chắc chắn không có cách nào tốt hơn là làm giảm độ tin cậy của một ai đó hơn là chứng tỏ rằng ai đó không đủ khả năng để thực hiện lời hứa. Nói một cách khác, Trung Quốc phải chỉ ra cho các đồng minh của Mỹ thấy rằng Mỹ sẽ không ở bên khi họ cần. Điều đó có nghĩa là phải kích động một cuộc xung đột với các đồng minh của Mỹ, bao đảm rằng các nước này sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ Mỹ và cùng lúc đó bao đảm rằng Mỹ sẽ không thực hiện chính sách bảo hiểm của mình.
Đây là một trò chơi nguy hiểm. Trung Quốc phải nỗ lực hết sức để bao đảm rằng Mỹ sẽ không ủng hộ đồng minh của mình. Nếu không, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến với Mỹ – một tình huống nghiệt ngã cho cả hai bên khi cả hai đều co vũ khí hạt nhân, National Interest cảnh báo.
(Theo Viettimes)
No comments:
Post a Comment