Trump sẽ phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có chung chí hướng này, từ Nhật Bản tới Australia cho tới Ấn Độ, Việt Nam, để xây dựng sự cân bằng và ổn định.
Giáo sư Brahma Chellaney, nhà nghiên cứu chiến lược, địa chính trị người Ấn Độ ngày 21/11 có bài bình luận trên Nikkei Asian Review: Donald Trump có thể xoay trục sang châu Á, một điều Barack Obama chưa bao giờ làm.
Chiến lược xoay trục sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama được công bố năm 2012 (sau này đổi tên thành chiến lược tái cân bằng), đã thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận quốc tế.
Tuy nhiên ông Obama đã làm rất ít để chế ngự cách tiếp cận cơ bắp của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hàng hải và thương mại. Liệu cách tiếp cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khác người tiền nhiệm?
Obama "nói nhiều làm ít"
Trong cuộc họp đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi đắc cử, Donald Trump đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận xét là một nhà lãnh đạo đáng tin cậy.
Giáo sư Brahma Chellaney, ảnh chụp từ Youtube.com.
Với động thái ngoại giao khôn khéo - ghé qua New York gặp Donald Trump trước khi đi Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Shinzo Abe đã nhận được những thông điệp trấn an từ Donald Trump.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm bảo thủ cũng như xu hướng dân tộc trong chính sách của mình. Ngày nay, châu Á đang phải đối mặt với nỗi ám ảnh về sự mất cân bằng quyền lực.
Nhiều người lo ngại Donald Trump có thể từ bỏ chiến lược "xoay trục" sang châu Á của người tiền nhiệm. Nhưng điều đó vẫn chỉ là những lời hùng biện của Trump khi tranh cử.
Donald Trump có thể thực sự phải đối mặt với một thách thức ý chí đầu tiên từ Trung Quốc quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận "cắt lát xúc xích" để tìm kiếm vai trò thống trị trong khu vực.
Ngược lại với chiến lược tấn công công khai của Nga, Trung Quốc đã hoàn thiện nghệ thuật leo thang, che giấu chiến tranh bí mật để tìm kiếm một "lát cắt lãnh thổ" trong mỗi thời điểm thích hợp, bằng vũ lực.
Trong nhiệm kỳ của mình, Obama đã ngày càng để Trung Quốc lộng hành. Bắc Kinh dường như được khích lệ, leo thang trắng trợn ở Biển Đông mà không phải chịu bất kỳ trừng phạt nào.
Trung Quốc đã liên tục thúc đẩy "mở rộng biên giới" ra các vùng biển quốc tế theo một cách mà không siêu cường nào làm.
Donald Trump sẽ khó hủy bỏ chiến lược xoay trục sang châu Á
Trong bối cảnh hiện nay, rất khó có thể tìm thấy lý do khiến Donald Trump cắt giảm binh hỏa lực triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhiều khả năng Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ sẽ thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử - tăng cường nguồn lực cho quân đội, cho phép không - hải quân Mỹ bắt đầu tuần tra, trinh sát tự do hàng hải hàng không nhiều hơn ở Biển Đông.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: AP.
Ông cũng có thể khiến Bắc Kinh nổi giận bằng cách mời Nhật Bản tham gia tuần tra hàng hải, hàng không ở vùng biển tranh chấp.
Nhiều khả năng Donald Trump sẽ quyết đoán hơn Obama, người đã từ chối lên tiếng ngay cả khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay đồng minh hiệp ước Philippines.
Việc này diễn ra năm 2012, bất chấp một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, trong đó cả Bắc Kinh và Manila phải rút tàu khỏi bãi cạn này.
Tuy nhiên Mỹ đã không làm gì để đáp lại động thái của Trung Quốc (Philippines rút tàu theo thỏa thuận, còn Trung Quốc ngay lập tức quay lại chiếm bãi cạn).
Chính điều này càng thôi thúc Bắc Kinh ngày càng leo thang quân sự hóa Biển Đông, bồi đắp các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Cuối 2013, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, ông Obama một lần nữa do dự.
Trong khi Washington chỉ hoãn chuyến công du Bắc Kinh của Phó Tổng thống Joe Biden để phản đối hành động của Trung Quốc, các hãng hàng không thương mại Mỹ vẫn tuân theo các quy định ADIZ mà Trung Quốc áp đặt.
Động thái này trái ngược hoàn toàn với khuyến cáo của chính phủ Nhật Bản với các công ty hàng không dân dụng của mình, bỏ qua các yêu cầu của Trung Quốc.
Vì vậy hành động bị không ít người chỉ trích của ông Rodrigo Duterte - tân Tổng thống Philippines trong việc nối lại quan hệ với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỉ USD đầu tư, nên được đánh giá trong bối cảnh cụ thể này.
Tuy nhiên các thỏa thuận ấy nhiều khả năng chỉ có giá trị cho đến khi Trung Quốc có bước xâm nhập tiếp theo lớn hơn.
Nghịch lý ở đây là sự leo thang ngày càng tăng của Bắc Kinh diễn ra đúng lúc Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á, Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng các khu vực tranh chấp với đồng minh, đối tác chiến lược của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Obama đã tránh xa các lựa chọn chiến lược cứng rắn. Chính sự thiếu rõ ràng này đã làm tăng nghi ngờ về những cam kết của Washington, khiến nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ buộc phải thận trọng hơn.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ sẽ làm những điều người tiền nhiệm chưa từng làm ở Biển Đông
Trái ngược với những lo ngại Mỹ rút khỏi châu Á, dưới thời Donald Trump nhiều khả năng Washington sẽ tăng cường các quan hệ liên minh và đối tác với các nước xung quanh Trung Quốc.
Chính quyền của ông thậm chí còn có thể hỗ trợ các cải cách an ninh và hiến pháp của Nhật Bản, góp phần ngăn chặn sự mất cân bằng quyền lực có thể gây bất ổn ở Đông Nam Á.
Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Trump để ngăn chặn sự xói mòn quyền lực tương đối của Mỹ thông qua đổi mới toàn diện chính sách đối nội, bao gồm kiềm chế thâm hụt ngân sách.
Có không ít quan điểm lo ngại về khả năng thất bại của TPP. Tuy nhiên trên thực tế, TPP có một nửa thành viên đã ký hiệp định tự do thương mại song phương với Hoa Kỳ (FTA).
Vì vậy tác dụng chính của TPP là tạo ra một thỏa thuận tự do thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ, hai nước chiếm 80% tổng sản phẩm quốc nội trong tổng số 12 nước tham gia TPP.
Thương mại là một trong những lĩnh vực Donald Trump phải thực hiện các lời hứa trong chiến dịch tranh cử và giúp ông chiến thắng. Bởi thế chính quyền Donald Trump sẽ tìm cách đàm phán lại một số bộ phận của TPP.
Trong bối cảnh tương lai trật tự châu Á không chắc chắn, Donald Trump có thể xoay trục sang châu Á theo cách Barack Obama chưa từng làm.
Chỉ có điều, ngày nay không có một siêu cường nào duy nhất, ngay cả Hoa Kỳ cũng không thể định hình sự phát triển riêng ở khu vực châu Á, bao gồm đảm bảo một trật tự dựa trên luật pháp.
Chính quyền Donald Trump sẽ phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có chung chí hướng này, từ Nhật Bản tới Australia cho tới Ấn Độ, Việt Nam, để xây dựng sự cân bằng và ổn định về sức mạnh ở châu Á.
Người viết cho rằng, Donald Trump và cộng sự vẫn đang chuẩn bị nhân sự và chính sách cho việc chuyển giao quyền lực Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ khá kín tiếng về các chính sách đối nội, đối ngoại sau bầu cử.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích có đưa ra những nhận xét, bình luận thậm chí đồn đoán khác nhau cũng là việc thường tình.
Do đó những phân tích của học giả Brahma Chellaney là một trong những quan điểm, đánh giá đáng để các bên quan tâm, tham khảo.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy
Mai Luong chuyen
No comments:
Post a Comment