Saturday, November 12, 2016

Trốn nhập ngũ sẽ phải trả giá đắt? Louise Redvers





Khắp châu Âu, hàng chục nghìn thanh niên trẻ, thậm chí cả một số nữ, có thể sớm bị gọi nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nước mình.

Chế độ tòng quân bắt buộc đã được bãi bỏ dần ở các nước châu Âu sau thời Chiến tranh Lạnh, nhưng với tình hình địa chính trị bất ổn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, nhiều nước đang phải xem xét lại khả năng quốc phòng của mình.

Trong khi đó, ở khắp châu Âu, các vụ tấn công khủng bố cũng như sự trỗi dậy của phe cánh hữu cũng đang làm dấy lên các cuộc tranh luận mới về danh tính của mỗi quốc gia và sự hoà hợp giữa các cộng đồng.

Chính sách nghĩa vụ quân sự

Đức, Pháp, Ba Lan và Thuỵ Điển nằm trong số những quốc gia đang tranh luận về việc tái áp đặt chế độ nhập ngũ bắt buộc.
Ukraine và Lithuania đã thông qua các điều luật để chính thức hoá chế độ này, trong khi Phần Lan, vốn là nước vẫn giữ nguyên chế độ tòng quân bắt buộc lâu nay, giờ đây áp dụng chế độ này cho cả nữ giới lẫn nam giới.



Với việc xung đột gia tăng trong vài năm qua, Ukraine đã chuyển sang chính thức hóa chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc
"Trước sự hung hăng của Nga ở khu vực biên giới châu Âu, rất nhiều quốc gia đang phải xem xét lại chiến lược của mình đối với chế độ tòng quân cũng như khả năng quốc phòng," Elizabeth Quintana, Giám đốc mảng khoa học quân sự tại Học viện Royal United Services Institute, nói.
Thế nhưng cảnh tượng này đang diễn ra tại châu Âu không chỉ do mối đe doạ từ Nga mà còn do các nguyên nhân khác, Daniel Keohane, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Center for Security Studies thuộc Đại học ETH Zurich, Thuỵ Sỹ, nói.
Tại Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Kuwait từng áp đặt chế độ nhập ngũ bắt buộc đối với các nam thanh niên trẻ.
Với một dân số khá nhỏ, UAE muốn củng cố khả năng quốc phòng trước tình hình bất ổn ở những quốc gia như Yemen và Syria. Tuy nhiên việc sửa đổi chế độ nghĩa vụ quân sự cũng được cho là nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với một quốc gia trẻ.
Cũng giống như ở hầu hết các nước khác, thanh niên ở UAE có thể được miễn gọi nhập ngũ nếu mắc một số chứng bệnh nhất định hoặc nếu là người đàn ông duy nhất trong gia đình kiếm tiền nuôi cả nhà.
Tuy nhiên, việc nhập ngũ có thể mang lại những lợi ích nhất định.
Luật pháp của UAE yêu cầu các công ty phải giữ nguyên vị trí cho những người đi thực hiện nghĩa vụ quân sự và sau đó những người này phải được ưu tiên thăng chức khi trở về. Đối với các tân binh, điều này giúp giảm đi nỗi lo về con đường sự nghiệp khi họ phải lên đường phục vụ đất nước.



A UAE fighter squadron in Jordan. Amid uncertainty in the Middle East, the country is looking to bolster its defences, including introducing conscription (Credit: Getty Images)Một nhóm chiến đấu cơ của UEA tại Jordan. Tình hình bất ổn ở Trung Đông khiến UEA phải tìm cách củng cố khả năng quốc phòng, trong đó gồm cả việc áp dụng chính sách tòng quân

Thăng chức

Việc đi lính nghĩa vụ có thể giúp cho sự nghiệp của bạn trong nhiều trường hợp, Victoria Bethlehem, phó chủ tịch cao cấp tại công ty tuyển dụng Adecco Group, nói.
"Các ứng viên học được những kỹ năng bổ ích và thu về cho mình những trải nghiệm quý giá trong thời gian tại ngũ. Đó là những kỹ năng họ có thể mang theo mình trên con đường sự nghiệp sau này," bà nói.
David Hubbard, người London, cũng có cùng suy nghĩ. Là người mang hai quốc tịch Anh và Phần Lan, anh đã có thể tận dụng lợi thế song tịch để đi học và tránh nghĩa vụ quân sự tại Phần Lan.
Tuy nhiên, anh lại nắm lấy cơ hội này vì cho rằng nó sẽ giúp mình 'nổi bật' hơn khi tìm việc làm sau đại học.
"Tôi nghĩ nó là một trải nghiệm tuyệt vời," chàng trai 19 tuổi này nói. "Ban đầu mọi thứ khá khó khăn, tôi không thạo tiếng Phần Lan và tôi không hiểu những gì đang xảy ra, nhưng mọi thứ trở nên dễ dàng hơn sau đó và tôi học cách thích nghi tốt hơn trong những tình huống khó khăn."

Trả tiền để tránh nhập ngũ

Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở các quốc gia khác không phải lúc nào cũng dễ chịu như vậy. Rất nhiều thanh niên trẻ và gia đình họ đã làm mọi cách để tránh đi lính.
Các thanh niên trẻ ở Nga bị buộc phải phục vụ trong quân ngũ trong 12 tháng. Không có số liệu chính thức nào cho thấy có bao nhiêu người đã trốn nghĩa vụ quân sự, tuy nhiên gần một nửa được cho là đã hối lộ hoặc tiếp tục học cao hơn để không phải đi lính.
"Tình trạng tham nhũng lan tràn khắp nơi ở Nga và việc hối lộ cho ai đó để không phải nhập ngũ là chuyện khá phổ biến," một chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu European Parliamentary Research Service nói với điều kiện ẩn danh.
Tuy nhiên, sau khi Nga can thiệp quân sự tại Syria cũng như gia tăng hoạt động quân sự dọc biên giới nước này, Moscow đang có các biện pháp để chấn chỉnh tình trạng trốn nhập ngũ và cải thiện hình ảnh quân đội nước mình để thu hút thêm tân binh.



 Nga đang áp dụng các biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng trốn nhập ngũ và thu hút thêm tân binh
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả những thanh niên trẻ, ngoại trừ những người không đủ điều kiện sức khoẻ hoặc là người duy nhất chu cấp cho cả gia đình, đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, những người có tiền vẫn có thể tránh nhập ngũ bằng cách thuê các bác sĩ viết giấy tờ xét nghiệm giả. Chính phủ đôi lúc cũng cho phép các đối tượng nhập ngũ đóng tiền thay cho việc đi lính.
Hiện nay, đối với những công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã sống, làm việc hoặc học tập ở nước khác trong hơn 3 năm, họ có thể trả1.000 euro (khoảng 1.096 đô la Mỹ) để được miễn nghĩa vụ quân sự hoàn toàn.
Những người vẫn sống trong nước phải trả một khoản cao hơn nhiều, 18.000 lira (tương đương 5.813 đôla), đủ để khiến họ rơi vào cảnh nợ nần trong nhiều năm.
Việc không trình diện khi được yêu cầu nhập ngũ có thể khiến bạn bị phạt 100 lira (tương đương 32 đôla). Khoản phạt này sẽ tăng gấp đôi mỗi lần họ bị toà triệu tập.

Bỏ đi biệt xứ

Ugur Bilkay đã hành động táo bạo hơn. Anh rời khỏi Istanbul vào năm 2011 ở độ tuổi 20, và sau đó đã du lịch qua 6 quốc gia châu Âu trước khi được cho tỵ nạn tại Ý vào năm 2012.
Người thanh niên 26 tuổi, từ vùng đông người Kurd sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói anh đã chứng kiến các hành động bạo lực của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi còn nhỏ và đã quyết định sẽ không nhập ngũ.
Thế nhưng mọi thứ không phải là dễ dàng. Anh đã không thể về nước gặp gia đình. Kể từ khi Bilkay rời khỏi đất nước, cha anh đã qua đời và mẹ anh lâm bệnh nặng mà anh không thể gặp họ.
Rất nhiều người nghèo khó tại Iran cũng tránh nhập ngũ bằng cách ra nước ngoài, Potkin Azarmehr, một nhà hoạt động người Iran hiện đang sống tại Anh quốc, nói.
Nhiều người khác chọn cách trả tiền - mặc dù không phải lúc nào họ cũng có thể làm điều này, và khoản tiền yêu cầu để tránh nhập ngũ cũng thay đổi thường xuyên.
"Những người có tiền có thể ra nước ngoài, quay về và dùng tiền để tránh nghĩa vụ quân sự, trong khi những người khác phải ở lại và phải đi lính," Potkin nói.
Những người khác thì nghĩ ra nhiều mưu kế sáng tạo hơn. "Một trong những người tôi biết đã phải uống thuốc tăng cân để trở nên béo phì. Những người bị bệnh béo phì sẽ không phải nhập ngũ. Cách này đã phát huy tác dụng, thế nhưng từ đó đến nay ông ta vẫn không thể giảm cân."
"Một người khác tự nhận mình là mù chữ. Ngày nay, ông ta là một doanh nhân thành đạt, thế nhưng ông ta cảm thấy rất xấu hổ mỗi khi giấy tờ mình bị kiểm tra và bị phát hiện là được miễn đi nghĩa vụ quân sự do mù chữ."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
http://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-37903502

No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...