Thursday, December 22, 2016

Dùng phép Đả Hổ để Đập Ruồi! Nguyễn-Xuân Nghĩa




Tàu ăn cắp drone lặn nước của Mỹ - Nga ăn cắp emails của đảng Dân Chủ Mỹ
Nhìn lại phản ứng của Hoa Kỳ với hai vụ đánh cắp!
Tuần qua, hình như Hoa Kỳ bị thách đố từ cả hai mặt. Từ Liên Bang Nga là vụ đánh cắp điện thư trên không gian ảo để tác động vào kết quả bầu cử tổng thống. Từ Trung Cộng là vụ Bắc Kinh đánh cắp một tầu ngầm tự động của Mỹ ngoài hải phận quốc tế. Cả hai biến cố cho thấy nhược điểm của Mỹ là… cái đầu!

Thứ nhất, từ Tổng Thống Barack Obama xuống tới các cơ quan an ninh và giới lãnh đạo Quốc Hội đều nói đến việc chính quyền Vladimir Putin của Nga đã xâm nhập mạng điện toán của Hoa Kỳ để chi phối kết quả bầu cử, khiến ứng cử viên Cộng Hòa là ông Donald Trump thắng cử. Sự thật thì mọi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, đều tìm cách ảnh hưởng đến xứ khác qua nhiều phương thức chìm nổi khác nhau tùy theo khả năng. Nếu các chính quyền Nga và Tầu không làm chuyện ấy thì mới là điều ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là chính tổng thống Mỹ lại nhảy vào cuộc, công khai ra lệnh điều tra rồi còn nhắc lại cho dư luận qua cuộc họp báo.
Tổng thống Hoa Kỳ phải được các cơ quan hữu trách về an ninh thường xuyên cho biết về các âm mưu hay khả năng của mọi đối thủ, nhất là khi mà Nga và Tầu đã từng xâm nhập và đánh cắp nhiều thông tin của Mỹ trên không gian ảo. Trong việc điều tra và theo dõi, ít ra thì hai cơ quan hàng đầu là CIA và FBI phải thông báo kết quả để hỗ trợ nhau (ta mong như vậy!) chứ vì sao lại mất nhiều ngày phơi bày dị biệt trong nhận định về kẻ địch? Nếu có thực tài thì tình báo Nga, Cục Quân Báo GRU hay Tổng Cục An Ninh FSB (hậu thân của KGB), phải biết những tiết lộ từ điện thư trong ban tranh cử của bà Hillary Clinton không đủ làm xoay chuyển kết quả bầu cử. Hay là họ không có thực tài như người ta thường lo sợ? Thế thì vì sao Tổng Thống Obama lại cho biết rằng từ Tháng Chín ông đã yêu cầu Nga phải chấm dứt việc phi pháp đó?
Chưa ai có thể biết được sự thật ngấm ngầm bên dưới, nhưng Tổng Thống Vladimir Putin vừa được một món quà: dù Liên bang Nga đang gặp khó khăn muôn mặt, họ vẫn có vẻ thừa sức gây ra khủng hoảng chính trị cho nước Mỹ khi vị tổng thống tân cử bị dị nghị! Điều ấy cho thấy một sự thật khác: ai đó muốn gây ra sự dị nghị này để làm suy yếu tư thế của vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
“Ai đó” không nhất thiết chỉ có Putin ở bên Nga mà còn là nhiều người bên Mỹ!
Chuyện thứ hai, Hải Quân Trung Cộng vừa cho chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tham dự cuộc thao diễn quân sự với đạn thật. Chưa rõ lý do có liên quan đến việc ông Trump trực tiếp điện đàm với Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan hay chăng, nhưng Bắc Kinh mới chỉ có một mẫu hạm đầu tiên và duy nhất, với khả năng phóng lên tối đa là 36 chiến đấu cơ, chứ chưa thể có hạm đội dù là ngang hàng với Nhật Bản. Hoa Kỳ có 10 mẫu hạm với trung bình là 70 chiến đấu cơ trong mỗi đơn vị, chưa kể tới dàn chiến hạm hộ tống. Hải Quân Mỹ có sáu Hạm Đội Tác Chiến và thường xuyên có năm hàng không mẫu hạm hiện dịch trên toàn cầu và Trung Cộng chưa thể có khả năng thôn tính Đài Loan bằng quân sự.
Thế rồi, y như trong vụ tin tặc Nga xâm nhập, truyền thông báo chí Mỹ nhắc tới vụ Liêu Ninh như một “bước ngoặt.” Họ không chú ý tới nội dung phát biểu hôm Thứ Năm 15 của giới chức quân sự Bắc Kinh: “khi có kẻ lạ lảng vảng ngoài ngõ thì chúng tôi có quyền dùng ná cao su,” slingshot. Với sức mạnh của Hải Quân Hoa Kỳ, dầy kinh nhiệm tác chiến từ gần trăm năm nay, chiếc Liêu Ninh cổ lỗ mua lại của Ukraine chỉ là một dằn thun, một cái súng cao su. Trong tiềm thức, Bắc Kinh đã biết như vậy.
Nhưng lãnh đạo Trung Cộng icần biểu dương cho thần dân thấy là họ không sợ Mỹ. Vì vậy mới có vụ Hải Quân Bắc Kinh ngang nhiên cướp một tầu ngầm khoa học không người lái của Mỹ trong hải phận quốc tế gần biển Philippines. Đấy mới là “bước ngoặt” sau vụ Hải Quân Bắc Kinh uy hiếp một phi cơ trinh sát điện tử của Mỹ vào Tháng Tư năm 2001 khiến chiếc máy bay và phi hành đoàn phải hạ cánh trên đảo Hải Nam, mãi sau mới được trả lại. Bắc Kinh chỉ khiêu khích tới đó mà thôi, đi xa hơn thì có khi mang họa thật.
Sau khi chiếc Slocum Glider bị cướp trưa Thứ Năm 15, phản ứng của đôi bên mới là lạ.
Bắc Kinh phủ nhận hành vi này là ăn cắp mà nói họ phải bảo vệ sự an toàn và quyền tự do hàng hải. Phía Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng đòi Trung Cộng trả lại chiếc tầu ngầm và cho biết Bắc Kinh đã đồng ý. Tổng thống tân cử Donald Trump thì phóng lên Twitter cho hơn 17 triệu người xem, rằng đây là hành động chưa từng thấy của Bắc Kinh. Ông gõ sai một chữ và sau đó sửa lại. Nhưng khi Bộ Quốc Phòng cho biết Bắc Kinh hứa trả lại chiếc Glider, ông gõ tiếp trên Twitter. Rằng “chúng ta không nên đòi mà cứ để Bắc Kinh giữ lấy vật đó!” Tức là làm sao?
Nếu Bắc Kinh có hành vi cướp giật rồi trả lại “tang vật” thì coi như hết chuyện?
Phải chăng, vị tổng thống tân cử không để đôi bên cho chìm xuồng – lại chơi chữ – hành động sai trái của Bắc Kinh? Ông muốn ghi vào phần kế toán Trung Cộng sẽ phải thanh toán sau này trong quan hệ đa diện với Hoa Kỳ! Khi ấy, ta trở lại cách ứng xử của Mỹ với các đối thủ….
Nhìn từ bên ngoài, ta thấy dường như Hoa Kỳ thường đánh giá sai các đối thủ.
Trong thời Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ đánh giá quá cao hai đổi thủ chính là Liên Bang Xô Viết và Trung Cộng. Khi hai cường quốc Cộng Sản này đụng độ với nhau vào năm 1969 là lúc Trung Cộng đang trôi vào khủng hoảng của cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại, Mao Trạch Đông ra tay tiêu diệt đối lập và ở vào thế yếu. Nhưng lãnh đạo Hoa Kỳ thời Richard Nixon lại giải vây cho cả Mao lẫn Tầu với chuyến Hoa du đầu năm 1972 làm đảo lộn trật tự toàn cầu và giúp Trung Cộng mọc cánh. Là chuyện ngày nay!
Cũng vậy, Hoa Kỳ đánh giá quá cao sức mạnh kinh tế và quân sự của Liên Xô Thời Leonid Brezhnev rồi ngạc nhiên khi xứ này bị khủng hoảng và tan rã năm 1991 thời Mikhai Gorbachev. Phải chăng Hoa Kỳ lại tiếp tục đánh giá sai khả năng can thiệp và tác động của liên bang dưới thời Vladimir Putin ngày nay?
Chuyện đánh giá sai còn nguy hại hơn vậy. Liên Xô không muốn trực tiếp đụng độ với Mỹ về quân sự mà dùng phương pháp gián tiếp, là yểm trợ các nước có thể chống Mỹ và huấn luyện các tổ chức khủng bố Ả Rập hay Á Phi, Nam Mỹ dưới nhiều chiêu bài khác nhau. Liên Xô lập ra trận thế xa luân chiến, tấn công vào loại “mục tiêu mềm” để làm Hoa Kỳ hao tổn nội lực ở nhiều nơi làm dân Mỹ nản chí bỏ cuộc. Cho tới khi Liên Xô tự tan rã vì sự bất lực của chủ nghĩa cộng sản.
Cũng theo lối đánh giá sai đối thủ, Hoa Kỳ không lượng định khả năng của Cộng Sản Việt Nam cho thực tế mà cứ chỉ điểm quân tính số rồi đánh cầm chừng theo lối “toàn cầu hòa,” tưởng rằng sẽ làm đối phương nản chí bỏ cuộc. Khi chính dân Mỹ lại nản chí thì Hoa Kỳ bèn bán rẻ đồng minh qua sự đổi chác với Trung Cộng năm 1972, rồi gọi đó là “hòa bình trong danh dự.”
Chính là sai lầm ấy khuyến khích các phong trào Hồi Giáo cực đoan – cũng được đánh giá quá thấp, mới mở ra cuộc xa luân chiến bằng phương pháp khủng bố nhắm vào các “mục tiêu mềm.” Hậu quả là chiến tranh kéo dài từ năm 2001 tới nay vẫn chưa có đoạn kết, vì Hoa Kỳ không xác định được đối thủ là “cái gì” mà chỉ nghĩ tới là “những ai.” Al-Qeada, Talilban, ISIL, Hezbollah, v.v… là những biểu hiện khác nhau của một luồng tư tưởng và khả năng huy động được Hoa Kỳ đánh giá thấp hơn thực tế nên đối phó với phương pháp quân sự, khi thì chống khủng bố, khi thì chống nổi dậy, v.v…

Hoa Kỳ đang là đệ nhất siêu cường kinh tế và quân sự không có đối thủ. Nhưng nhìn từ bên ngoài thì đối thủ nguy hiểm nhất cho nước Mỹ chính là khả năng lượng định của lãnh đạo. Họ bị dao động vì một vụ đánh cắp điện thư và tầu ngầm khoa học rồi hoài nghi về khả năng của một vị tổng thống tân cử. Có nằm mơ, lãnh đạo Nga Tầu cũng chẳng ngờ là trò vặt của họ lại gây bão cho chính trường Mỹ!




Nguyễn Xuân Nghĩa

No comments:

Nga gia tăng hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine

HoangsaParacels:    Giết tù binh là mộ tợ ác chiến tranh man rợ Hình ảnh,Facebook,Oleksandr Matsievsky hiện là một nhân vật mang tín...