Tuesday, February 21, 2017

Mỹ - Trung vờn nhau trên Biển Đông - Gia Minh


HKMH USS Carl Vinson của hải quân Hoa Kỳ tham gia tuần tra Biển Đông hôm 19/2/2017.  
Một số diễn biến mới được ghi nhận tại khu vực tranh chấp Biển Đông gồm hoạt động tuần tra của hải quân Hoa Kỳ tiến hành ngay sau khi tàu chiến Trung Quốc kết thúc một tuần diễn tập ở khu vực tranh chấp này.



Thạc sĩ luật Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông nhận định:

Đã có vài tuần tra trên biển trước đây (của Hoa Kỳ) tại khu vực Biển Đông, đặc biệt xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây dựng. Những cuộc tuần tra đó được tiến hành dưới thời của tổng thống Obama và đối với những cuộc tuần tra đó có những ‘tranh luận’ khác nhau. Một số người cho rằng Mỹ mạnh mẽ và tiếp tục duy trì quyền lực ở Biển Đông; nhưng một số người tỏ ý nghi ngờ cho rằng việc tuần tra trên biển mà lại ở những khu vực ‘nhạy cảm’; bởi vì như phán quyết của Tòa vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 là một số thực thể tại Trường Sa mà Trung Quốc cho xây dựng chỉ là ‘đá’, thậm chí là bãi lúc chìm, lúc nổi không có lãnh hải nên không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền.

Dường như theo nhiều nhà nghiên cứu thì Mỹ vẫn sử dụng quyền gọi là đi qua không gây hại nhiều hơn là hoạt động tuần tra.
- Thạc sĩ Hoàng Việt

Mỹ nói sẽ đi tuần tra ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Thế thì đúng ra nếu sự thách thức của Mỹ mạnh mẽ thì Mỹ có thể đi sát vào khu vực lãnh hải của những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã cho xây dựng, nhằm thách thức tính pháp lý của những đảo nhân tạo đó.

Thế nhưng dường như theo nhiều nhà nghiên cứu thì Mỹ vẫn sử dụng quyền gọi là đi qua không gây hại nhiều hơn là hoạt động tuần tra. Vì thế thái độ của Mỹ, chủ yếu thái độ thể hiện của Mỹ trong vấn đề này vẫn không rõ ràng và chưa kiên quyết.

Trung Quốc họ thấy vấn đề đó và thực ra quan hệ hai bên Trung- Mỹ là đang vờn nhau. Còn các quốc gia khác trong khu vực thì đang nghe ngóng, ngóng chờ xem chính sách của hai bên thế nào một cách rõ ràng để từ đó đưa ra những tính toán chiến lược cho phù hợp.

Gia Minh: Có phải chiến lược ‘lát cắt salami’ hay ‘tằm ăn dâu’ của Trung Quốc đến lúc này có phần nào hiệu quả?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Nói chung chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông cho đến bây giờ đang rất hiệu quả.

Như chúng ta thấy dưới thời của ông Obama, ông ta đưa ra chính sách ‘pivot to Asia’, chuyển trục về Châu Á; trong đó ông tập hợp được khá nhiều liên minh và những đồng minh để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên gần như không quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ có thể ngăn được sự tăng cường quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông; mà cụ thể là tất cả các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa. Gần đây báo chí Phillippines cho biết là dường như Trung Quốc muốn tăng thêm việc xây dựng các đảo nhân tạo chứ không phải muốn dừng lại.

Có những học giả đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ đối với hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông chưa thực sự có hiệu quả. Thế cho nên nói gì thì nói, Trung Quốc đang làm có hiệu quả.

Mặc dù phán quyết rất mạnh mẽ của Tòa Trọng Tài Quốc tế vào năm ngoái; nhưng dường như Trung Quốc vẫn làm những hành động tương tự như vậy mà không bị ngăn trở từ các quốc gia khác.

Việt Nam phải làm gì?

Gia Minh: Đối với Việt Nam có gì khác không?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Nói cho cùng thì chính sách của Việt Nam ở Biển Đông vẫn theo hướng từ xưa đến nay. Thứ nhất chính sách của Việt Nam vẫn là chính sách 3 không trong đối ngoại. Kể cả trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam vẫn đặt vấn đề vào những vấn đề lớn nhất của Việt Nam. Và yêu cầu cũng như vận động quốc tế, trong đó có những quốc gia quan trọng như Hoa Kỳ, Philippines… để cùng ngăn chặn ảnh hưởng, tham vọng xấu của Trung Quốc.

Tuy nhiên trong bối cảnh mới này Việt Nam cần phải có một số điều chỉnh: thứ nhất Việt Nam cần phải điều chỉnh hướng đi đối ngoại thích hợp và linh hoạt hơn. Bởi vì khi Mỹ, Philippines, Malaysia thay đổi chính sách thì Việt Nam cần một chính sách mềm dẻo hơn.

Thứ hai sau phán quyết của tòa, một số tuyên bố chủ quyền của Việt Nam… trở nên lạc hậu và mâu thuẫn với phán quyết của tòa; vì thế trong thời gian tới Việt Nam cũng phải điều chỉnh những tuyên bố về yêu sách của mình.

Gia Minh: Còn các vấn đề khác như thế nào và chuyện trang bị quân sự ra sao?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Trang bị quân sự nằm trong chính sách của Việt Nam từ xưa; tức Việt Nam một mặt có chính sách 3 không: không liên kết quân sự, không đi với quốc gia nào để chống lại quốc gia nào, không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trong lãnh thổ Việt Nam; nhưng chính sách của Việt Nam vẫn là phát triển sức mạnh quân sự răn đe. Vì vậy Việt Nam tăng cường việc tìm mua vũ khí từ các nguồn khác nhau.

Chúng ta thấy Việt Nam gần đây xem xét mua một số tên lửa từ Ấn Độ, và cũng tìm những nguồn cung cấp khác từ Israel… Điều đó cho thấy Việt Nam muốn tăng cường sức mạnh quốc phòng. Điều này cũng nằm trong chính sách quốc phòng của Việt Nam từ lâu rồi.

Việt Nam muốn tăng cường sức mạnh quốc phòng. Điều này cũng nằm trong chính sách quốc phòng của Việt Nam từ lâu rồi.
- Thạc sĩ Hoàng Việt

Gia Minh: Riêng đối với Hoàng Sa, tình hình không thể có gì thay đổi?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Chắc là như vậy, bởi vì vấn đề Hoàng Sa hơi khó. Ngay cả vấn đề Trường Sa là vấn đề đa phương có nhiều bên cùng tham gia; thế nhưng dường như vấn đề Trường Sa bây giờ cũng đã khó giải quyết rồi. Đặc biệt việc Trung Quốc cho xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển mà Tòa phán quyết việc xây dựng như thế vi phạm luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, có Công ước về đa dạng môi trường sinh học … cũng như tính pháp lý của Trung Quốc trong những trường hợp đó là sai.

Nhưng mà dường như điều đó không ngăn cản được Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cũng không có những áp lực nào để ngăn chặn Trung Quốc trong việc này.

Trong khi đó vấn đề Hoàng Sa chỉ là song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà đặc biệt sức mạnh của Trung Quốc đang lên như vậy, thì đây là vấn đề trong thực tế vẫn rất khó khăn.

Gia Minh: Cám ơn Thạc sĩ Hoàng Việt.

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6