Friday, February 17, 2017

Tại sao Trump ‘nhượng bộ’ về vấn đề ‘một Trung Quốc’? by The Observer



Vào ngày 10/2, thế giới bất ngờ vì một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Một phát ngôn từ Nhà Trắng mô tả cuộc điện đàm “hết sức thân mật.” Quan trọng nhất với Tập là việc Trump đảm bảo cam kết của Mỹ đối với chính sách “một Trung Quốc”.

Cuộc điện đàm này, cộng với một lá thư từ Trump gửi Tập hai ngày trước, trong đó thể hiện Mỹ mong muốn “một mối quan hệ mang tính xây dựng” với Trung Quốc, đã loại bỏ nhiều những lo âu được tạo nên bởi những phát ngôn trước kia của Trump cho rằng nguyên tắc “Một Trung Quốc” có thể được đàm phán lại.


Thách thức của Trump với nguyên tắc “Một Trung Quốc” và đe dọa của ông trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ áp thuế nhập khẩu 45% lên hàng hóa Trung Quốc đã gây nhiều lo âu rằng hai quốc gia đang ở trên đà đụng độ nhau.


Những thất thế ở sân nhà
Một cách giải thích có lý về sự quay trở về nguyên tắc “một Trung Quốc” của Trump có thể là bởi vì những bất lợi ngày càng tăng ở sân nhà.


Khi Trump đe dọa gắn nguyên tắc “một Trung Quốc” với việc Trung Quốc phải nhượng bộ trong một số vấn đề, ông đang tiến lên với niềm tin rằng mình bất khả chiến bại sau cuộc bầu cử.


Các lãnh đạo nước ngoài tranh đua để lấy lòng ông. Ở trong nước và ở nước ngoài, Trump dường như có uy quyền mạnh mẽ.


Nhưng sau khi ông lên nắm quyền, Trump đã gặp phải những trở ngại rất lớn ở trong nước.


Những chính sách mới đã gặp phải sự lên án mạnh mẽ và bị chống đối bởi công chúng, giới truyền thông, và các nhánh khác của chính phủ.


Theo một thăm dò bởi CNN/ORC, 53% người được hỏi không tán thành cách mà Trump giải quyết công việc, đánh dấu mức độ không tán thành cao nhất đối với một tổng thống mới đắc cử từ khi các cuộc thăm dò bắt đầu theo dõi những kết quả trên.


Kết quả là Trump ngày càng trở nên tuyệt vọng và khó chịu vì những thách thức ở trong nước.


Điều cuối cùng Trump cần là một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc, một cuộc xung đột hứa hẹn sẽ rất ác liệt và sẽ dẫn đến kết cục khó đoán.


Vì thế khả năng rất cao là Trump sẽ quay trở lại nguyên tắc “một Trung Quốc” sau khi so sánh tầm quan trọng của chương trình nghị sự trong nước với vấn đề chính sách đối ngoại của chính quyền ông.


Trung Quốc tranh sự ủng hộ của nhà Trump
Việc Trump quay trở lại nguyên tắc “một Trung Quốc” cũng có thể là kết quả của những nỗ lực ngoại giao thành công của Trung Quốc, bằng những biện pháp thông thường và đặc biệt.


Chính thức thì Trung Quốc đã cứng rắn trong việc gửi một lời nhắn rằng nguyên tắc “một Trung Quốc” có liên quan đến những lợi ích nền tảng của Trung Quốc và họ sẽ đấu tranh đến cùng vì nguyên tắc đó.


Họ cũng đã đeo đuổi những phương pháp đặc biệt, và qua cửa sau để định hình chính sách Trung Quốc của Trump.


Bắc Kinh hiểu một cách rõ ràng rằng Trump dựa vào một nhóm rất nhỏ những cố vấn để dẫn dắt ông trong những vấn đề chính sách, bao gồm con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump.


Vì thế, Trung Quốc đã cố gắng để gây ảnh hưởng trực tiếp đến “đệ nhất gia đình” để xoa dịu quan hệ với Trump. Không lâu sau khi Trump đắc cử, Kushner dự một bữa tối với doanh nhân Trung Quốc Wu Xiaohui, người quản lý tập đoàn bảo hiểm Anbang với tổng giá trị tài sản lên đến 285 tỉ đô la và có mối quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo nhà nước Trung Quốc.


Rồi đến ngày 1 tháng 2, con gái của Trump là Ivanka bất ngờ đến thăm đại sứ quán Trung Quốc ở Washington để dự một bữa tiệc mừng năm mới.


Sau những cánh cửa khép kín, Trung Quốc có thể đã thành công trong việc chủ động định hình quan điểm của Trump về chính sách “một Trung Quốc” thông qua những sự răn đe và xoa dịu cùng lúc.


Hướng đi tương lai
Dù cam kết của Trump đối với nguyên tắc “một Trung Quốc” đã loại bỏ một cản trở trong ngắn hạn đối với quan hệ Trung-Mỹ, tương lai của mối quan hệ song phương vẫn còn nhiều thách thức.


Nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, Biển Đông, hay là thách thức hạt nhân của Triều Tiên, vẫn có khả năng dẫn hai nước đến xung đột.


Mỹ và Trung Quốc có thể làm một số điều để giới hạn xung đột và tối đa hóa hợp tác.


Trong khi Mỹ nên kìm chế trong việc dùng nguyên tắc “một Trung Quốc” để gây áp lực với Trung Quốc trên phương diện thương mại, Trung Quốc cũng nên có những nhượng bộ nghiêm túc.


Chính phủ Trump có một lý do chính đáng để than phiền với Trung Quốc, đó là thâm hụt mậu dịch khổng lồ ở phía Mỹ.


Trung Quốc vì thế nên giải quyết vấn đề “thương mại công bằng”. Những nhượng bộ bao gồm việc cho phép các công ty Mỹ có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.


Về vấn đề Biển Đông, những phát ngôn gần đây của chính quyền Trump đã có những dấu hiệu đáng khích lệ.


Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, trong một chuyến thăm Nhật gần đây, nói rằng lực lượng vũ trang Mỹ không cần có những nước đi “mạnh mẽ” (drastic) ở Biển Đông.


Thêm vào đó, ông nói rằng Mỹ sẽ sử dụng ngoại giao như phương tiện chính để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông.


Trung Quốc không nên diễn giải điều này như là một dấu hiệu của thế yếu. Ngược lại, Trung Quốc nên kìm chế những hành động có thể làm gia tăng xung đột ở Biển Đông với Mỹ.


Cuối cùng, Trung Quốc nên có những nỗ lực thành thật hơn trong việc giới hạn những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.


Những nỗ lực gia tăng của Bắc Kinh không những sẽ đóng góp cho ổn định trong khu vực mà còn có thể làm vững mạnh thêm sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề này.


Những nỗ lực như thế có thể thuyết phục Trump rằng Trung Quốc đang làm những gì có thể để giúp Mỹ trong vấn đề an ninh nhạy cảm này.


Zhang Baohui là giáo sư bộ môn khoa học chính trị và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kong.



Nguồn: Zhang Baohui, “Why Trump backed down on ‘One China’”, CNN, 13/02/2017.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6