Tin cho hay cách đây chưa đầy một năm, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Steve Bannon cho rằng quan hệ Mỹ-Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.
Ông Bannon, khi đó là lãnh đạo điều hành hãng tin Breibart News, nói: “Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ – và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ”. Báo giới giờ đây đang hướng sự quan tâm của dư luận tới lời dự báo này khi ông Bannon đã trở thành cố vấn chiến lược thân cận nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi dường như ít người chú ý đến phát biểu của ông hồi năm ngoái.
Từ Việt Nam, Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, bình luận với VOA về dự báo của ông Bannon đưa ra hồi năm ngoái:
“Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì vấn đề nguyên tắc và lợi ích của hai cường quốc này ở Biển Đông liên tục va chạm. Từ xây dựng đảo nhân tạo, cho đến ngăn chặn tàu của Mỹ được đi qua khu vực này từ mấy năm nay, cũng như đe dọa các đối tác của Mỹ trong vấn đề khai thác dầu. Nó cho thấy sự leo thang rất là lớn. Biển Đông tiềm ẩn một nguy cơ rất là lớn. Cho nên ông Steve Bannon ông có lý trừ phi con người thương thuyết của ông Trump trở nên có những cái uyển chuyển, nếu không thì việc leo thang như vậy rất dễ xảy ra những cuộc va chạm, thì cũng có thể gọi là chiến tranh ở cấp độ thấp, chiến tranh cục bộ rồi”.
Tuy nhiên, một chuyên gia khác về Biển Đông là Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại Học Maine, Hoa Kỳ, nói với VOA rằng phát biểu trong quá khứ của ông Bannon là “không có cơ sở gì hết”:
“Mỹ trong 8 năm qua, 9 năm qua đã cùng các nước khác ở trong khu vực và thế giới tìm những cơ chế đa phương để mà Trung Quốc khỏi tiếp tục bành trướng. Cái vấn đề chiến tranh không phải là một bên muốn bành trướng rồi nó sẽ xảy ra chiến tranh vì một nước dẫu có mạnh lắm nữa cũng không có thể cứ khiêu khích mãi như vậy được. Nếu mà có chiến tranh, Trung Quốc sẽ bị hại trước về mọi mặt quân sự, kinh tế, v.v… Bây giờ ông Bannon là cố vấn cho Tổng thống Trump mà ông muốn có chính sách mà có thể khiêu khích Trung Quốc thì có thể xảy ra đụng độ chỗ nào đó. Nhưng mà tôi nghĩ rằng giới quân sự của Mỹ họ cũng không để chuyện này xảy ra”.
Mặc dù cho rằng không thể xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông, Giáo sư Long cảnh báo Trung Quốc có thể đánh chiếm đảo của Việt Nam ở vùng biển này:
“Mỹ nói sẽ đưa tàu ngăn chặn Trung Quốc đưa quân đội đổ bộ lên các đảo nhân tạo. Vấn đề này có thể làm một vài lần nhưng mà hải quân Mỹ không có sức mà giữ tàu bè xung quanh các đảo nhân tạo đó. Vấn đề chiến lược trên biển thì nó ở những chỗ khác chứ không phải những cái chỗ đó, thành ra không có thể làm được về lâu về dài. Trung Quốc cũng không dại gì đụng độ. Chỉ có thể là Trung Quốc sẽ ‘bắt nạt’ Việt Nam. Trung Quốc ví dụ như là khiêu khích Việt Nam rồi nếu mà có cái gì thì đánh chiếm một vài đảo của Việt Nam để xem Mỹ có dám vào bênh vực Việt Nam hay là không. Chưa chắc gì trong tình huống đó Mỹ sẽ bênh vực Việt Nam”.
Tại một buổi hội thảo an ninh quốc gia mới đây ở Canberra, Úc, cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc Angus Houston cho rằng đã “quá muộn” để ngăn Trung Quốc lấy đất ở Biển Đông. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nói ông lo sợ Tổng thống Mỹ Trump có thể ký một thỏa thuận thương mại bí mật với Trung Quốc cho phép quốc gia này gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Trong bối cảnh hiện nay, Luật sư Vũ Đức Khanh, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Canada nhận định với VOA rằng Việt Nam đang rất “cô đơn” trong vấn đề này.
VOA
No comments:
Post a Comment