Wednesday, May 19, 2021

Hiện tượng “Seeing Double”: “thấy vậy… nhưng không phải vậy!”

Nghệ thuật, ngoài những hệ lụy vốn có của nó, đôi khi tạo ảo giác cho người thưởng ngoạn. Cụ thể hơn, hội họa cũng mang đến cho người xem tranh những hình ảnh cứ tưởng như trừu tượng nhưng lại lộ rõ trên tác phẩm. Đó là hiện tượng “Seeing Double”, hay nói khác đi, “thấy vậy… nhưng không phải vậy!”.
Có những họa sĩ thường dựa vào bức tranh “thực” để gợi ý cho người thưởng ngoạn những ý nghĩ “ảo” nằm ngoài khuôn khổ của bức tranh. Đó là phạm vi trừu tượng của nghệ thuật mà người ta thường gọi bằng cái tên “siêu hiện thực” (surrealism).

Ở một trường hợp khác, đặc biệt hơn, họa sĩ phơi bày hết những gì mình suy nghĩ lên tranh nhưng lại đòi hỏi thị giác của người xem có nhận ra, qua nét vẽ, những ấn tượng mình muốn diễn đạt. Đó là một trong những trường hợp hiếm hoi của họa sĩ người Ukraine, Oleg Shuplyak.

Oleg còn tương đối trẻ. Anh sinh năm 1967 tại Ternopil, Ukraine, là một họa sĩ chuyên vẽ tranh chân dung theo trường phái “siêu thực”. Tốt nghiệp khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Lviv năm 1991, anh đã nhanh chóng trở thành hội viên Hội Nghệ thuật Ukraine với những tác phẩm độc đáo.

Oleg Shuplyak
Oleg Shuplyak vẽ những bức tranh trong đó bao gồm những “Hidden Images” (Những hình ảnh ẩn dấu). Để thấy được những hình ảnh đó, người xem cần một khoảng thời gian để chiêm ngưỡng từ nhiều góc cạnh, từ xa đến gần, từ phóng đại đến thu nhỏ và… cuối cùng “tự sướng” với những khám phá của mình!

Anh đã có những bức chân dung tự họa để giới thiệu về cách sáng tác của mình. Đầu tiên là Oleg với ý tưởng của một người họa sĩ tự vẽ chân dung của mình. Một sự kết hợp giữa thực và ảo qua những nét vẽ dưới đây:

Chân dung tự họa 1

Trong bức chân dung tự họa 2, người xem thấy trước mắt họa sĩ Oleg đang sáng tác. Anh vẽ một căn nhà nơi vùng quê trong tư thế quỳ trên một tảng đá. Nhưng không phải chỉ có vậy. Người ta còn nhận ra khuôn mặt của người họa sĩ, đôi mắt chính là một căn nhà có thực và một căn nhà trên giá vẽ. Người họa sĩ đang quỳ lại là cái mũi của bức chân dung lớn và tảng đá anh quỳ lại là đôi môi và chiếc cằm của của chính Oleg!

Chân dung tự họa 2
Ở chân dung tự họa 3 là hình ảnh thơ mộng của một đôi trai gái ngồi thổi sáo bên dòng sông. Đó chỉ là cảm nhận đầu tiên khi nhìn tranh trong khi ý chính của họa sĩ là phác họa chân dung của mình. Hóa ra cô gái lại là cái mũi, tảng đá cô ngồi chính là cặp môi và con mắt mầu đen lại là hình ảnh của bức chân dung.

Bố cục hai cây bạch dương bên phải và một cây cổ thụ bên trái mang hình một mặt người tạo nên khuôn mặt Oleg. Nhìn kỹ thêm, gốc cây bên trái mang hình dáng sần sùi của một khuôn mặt, hình như của ông bố nào đó, trông rất dữ dằn và có vẻ đe dọa đôi trai gái.

Chân dung tự họa 3
Lich sử nước Nga thời Nga Hoàng có Đại nguyên soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov (1729-1800) là vị tướng vĩ đại với danh hiệu “Bách chiến, Bách thắng”. Chân dung của ông được Olog ghép một cách khéo léo bởi nhiều mảng tranh chiến mã xông pha giữa lằn tên mũi đạn, tạo nên hình ảnh hào hùng của vị nguyên soái cuối cùng trong lịch sử thời Nga hoàng.

Đại nguyên soái Aleksandr Vasilyevich Suvorov

Cũng từ lịch sử nước Nga, Ivan IV Vasilyevich (1530-1584), với danh hiệu Ivan Grozny (Ivan Bạo chúa – Ivan the Terrible), đã mở đầu Kỷ nguyên Sa Hoàng năm 1547. Chân dung của “Bạo chúa” được Oleg thể hiện qua một hành động tàn bạo không hổ thẹn của một ông vua đầy bạo lực nhưng lại có công biến nước Nga trở thành một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo.

Ivan “Bạo chúa”
Sở trường của Oleg là những bức chân dung các nhân vật nổi tiếng thế giới. Chúng ta sẽ lần lượt ngắm những khuôn mặt này. Trước nhất là Isaac Newton (1642-1727), nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim thuật người Anh.

Cuộc đời của Newton gắn bó với trái táo khi ông khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn. Hai con mắt của Newton là hai trái táo giữa các nhánh cây ẩn hiện sống mũi và một cậu bé ngồi đọc sách giữa hai cây táo… Oleg đã vẽ chân dung Newton theo cách riêng của mình.

Isaac Newton và những trái táo
Charles Robert Darwin (1809-1882) là người đã phát hiện và chứng minh rằng vạn vật đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung. Chân dung Darwin được Oleg kết hợp một cách tự nhiên qua việc dùng khung cửa hình vòng cung làm vầng trán, con mắt là một ngôi nhà và bộ râu bạc là hình ảnh một thiếu nữ ngồi đọc sách.

Charles Darwin

Để vẽ chân dung “ông tổ” của ngành phân tâm học, Sigmund Freud (1856-1939), Oleg dùng hình ảnh của một đôi nam nữ. Thế ngồi khỏa thân của cô gái chính là cái mũi của Freud, bộ râu của ông là tảng đá, con mắt lại là hình ảnh của người ngồi trên thuyền và tai của Freud lại là chú thiên nga trên bờ sông.

Những hình ảnh đó nhiều người nhìn thoáng qua khen là một bức tranh lãng mạn nhưng nhìn kỹ lại là một bức chân dung đạo mạo của bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo đã từng đặt nền tảng cho một ngành phân tích sinh lý của con người.

Chân dung Sigmund Freud

Cuộc đối đầu giữa hai nhân vật lịch sử Adolf Hitler (1889-1945) và Joseph Stalin (1878-1953) đã được Oleg thể hiện trong một bức tranh mô tả cuộc đụng độ giữa quân đội Đức và Nga trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.

Người xem tranh thấy hiện lên trước mắt cảnh chiến tranh với quân lính, súng đạn, xe tăng, máy bay… Nhưng ẩn chứa trong hình ảnh đó là chân dung của Hitler và Stalin, hai thủ lãnh đối đầu với nhau từ hai góc của bức tranh.

Hitler Vs Stalin
“Uncle Sam” là nhân vật huyền thoại mổi tiếng, tượng trưng cho nước Mỹ. “Chú Sam” xuất hiện trên tranh vẽ thời nội chiến Nam-Bắc từ năm 1813. Đã có rất nhiều phiên bản về “Chú Sam” nhưng có lẽ tranh của Oleg về “Uncle Sam” mang một sắc thái mới lạ.

Nước Mỹ, qua cách nhìn của Oleg, ngoài biểu tượng con ó còn có tượng Nữ thần Tự do, có thỏi vàng và đồng đô la, có người phụ nữ khỏa thân và có cả Georges Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc.

“Uncle Sam”

Ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 16 có “Sấm Trạng Trình” với 487 câu tiên đoán của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Đó là những lời tiên tri về các biến cố chính của dân tộc, kéo dài trong khoảng 500 năm, từ năm 1509 đến khoảng năm 2019.

Sau Việt Nam, ở bên trời Âu cũng có nhà tiên tri người Pháp, Nostradamus (1503-1566). Năm 1555 ông xuất bản cuốn “Les Propheties” (Những lời tiên tri) dưới dạng những câu thơ tứ tuyệt, tiên đoán những sự việc xảy ra từ giữa thế kỷ 16 cho đến ngày tận thế, theo ông là vào năm 3797.

Họa sĩ Oleg đã đưa Nostradamus vào hội họa qua một bức chân dung với những hình ảnh mang nặng màu sắc tôn giáo và chiêm tinh học. Người xem gần như bị lạc vào thế giới thần bí với hình ảnh vũ trụ đầy thiên hà và các vị thiên thần trong bầu trời bí hiểm.

Chân dung Nostradamus

Chân dung William Shakespeare (1564-1616), nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Anh, được Oleg nhìn qua hình ảnh một nữ diễn viên tóc vàng trên sân khấu kịch nghệ và mái tóc của Shakespeare chính là hai bức màn của sân khấu với những sợi dây kéo màn. Người xem tranh lại nhớ đến câu “All the world's a stage…” (Thế giới này là một sân khấu…) trong vở kịch “As You Like it” của ông.

Chân dung William Shakespeare

Chủ đề về âm nhạc cũng xuất hiện trong tranh của Oleg. Điển hình là gương mặt của John Lennon (1940-1980), nhạc sĩ đồng thời là ca sĩ người Anh đã sáng lập ban nhạc huyền thoại “The Beatles”, được coi là một hiện tượng độc đáo của thế kỷ 20.

Trong bức chân dung Lennon, Oleg đã chọn bản nhạc “Imagine”, xuất hiện năm 1971, với những lời kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới bằng óc tưởng tượng không có địa ngục phía dưới mà chỉ có bầu trời trên cao đối với mọi người: “Imagine there's no heaven / It's easy if you try / No hell below us / Above us only sky / Imagine all the people / Living for today...”.

Chân dung John Lennon

Cây đàn của người nghệ sĩ cũng đã xuất hiện trong tác phẩm của Oleg. Bức tranh dưới đây là chân dung nhìn nghiêng của một nhạc sĩ, cái mũi của ông lại chính là cánh tay của người nghệ sĩ đang say mê kéo vĩ cầm. Chúng ta có hình ảnh của hai nhạc sĩ nhưng khuôn mặt của cả hai chỉ là một người!

Nhạc sĩ vĩ cầm

Lĩnh vực hội họa cũng được khai thác trong tranh Oleg qua những bức chân dung về các thiên tài họa sĩ của thế giới. Trước nhất là bức họa Mona Lisa, còn có tên La Joconde, được Leonardo da Vinci (1452-1519) vẽ bằng sơn dầu trong thời kỳ Phục hưng tại Ý vào thế kỷ thứ 16. Oleg vẽ lại Mona Lisa, người phụ nữ có khuôn mặt bí ẩn và đặc biệt, nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy bàn tay phải là một con chim bồ câu trên nền áo là những cây lúa mềm mại.

Chân dung Mona Lisa theo cách nhìn của Oleg

Họa sĩ người Hòa Lan theo trường phái ấn tượng (impressionism), Vincent van Gogh (1853-1890), có một công trình nghệ thuật với hơn 2000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1100 bức phác thảo.


Chân dung Van Gogh được vẽ theo đúng phong cách dùng những gam màu sáng của ông và Oleg đã dùng óc sáng tạo của mình qua sự kết hợp của một Van Gogh thứ hai trên mũi, đôi mắt là hai căn nhà và cái tai chính là chiếc nón rộng vành của một cô gái.

Chân dung Vincent van Gogh

Phụ nữ cũng xuất hiện trong tranh của Oleg theo cách diễn tả riêng của người họa sĩ. Chỉ cần một bình hoa cúc trắng cũng đủ để giới thiệu chân dung một thiếu nữ xinh đẹp mà đôi mắt tạo thành bởi những chiếc lá và mũi của người đẹp lại chính là chiếc bình cắm hoa.

Thiếu nữ và hoa cúc

Ở một bức tranh khác, người thưởng ngoạn thấy rõ một phụ nữ với thân hình vệ nữ đang bay trên cây chổi nhưng nếu ngắm kỹ, đùi của nàng lại chính là chiếc mũi của bức chân dung một bóng người với cái đầu là quả địa cầu giữa những vì sao.

Vệ nữ và cây chổi

Cuối cùng, Oleg khai thác mảng tranh thiên nhiên trong đó chỉ có lá và chim khiến người xem phải sửng sốt về những khám phá của chính mình. Thoạt nhìn, chỉ thấy một chú chim trên cành nhưng nhìn lâu hơn lại thấy một chú nữa được tạo ra từ những chiếc lá xanh và vàng!

Đôi chim

Trong tranh dưới đây cũng là một chú chim xuất hiện rõ ràng phía bên dưới. Khi quan sát kỹ hơn, ta thấy ẩn trong đám lá vàng đang bay theo gió là một chú chim thứ hai trông còn đẹp hơn chú chim phía dưới.

Lá và chim

Hội họa đem đến cho con người cách thưởng ngoạn qua trực giác nhưng cũng có những họa sĩ như Oleg Shuplyak lại mở ra một trường phái mới thông qua ảo giác. Đó không phải là sự đánh lừa mà là sự khám phá của mỗi người đứng trước bức tranh.

Thế cho nên nhiều người phải thốt lên: “Thấy vậy… nhưng không phải vậy!”

Bluesea chuyen

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”