Thursday, May 13, 2021

Ông Vua mất ngôi - Ngân Bình


Giờ cơm trưa, Tửng gọi điện thoại cho tôi, giọng cà lăm hốt hoảng: -Chị… chị … Hai, … má … má … đi mất tiêu rồi.
Nghe Audio:
Tôi vội vàng chạy về nhà thì thấy bốn đứa em ngồi chùm nhum trong phòng ăn, đứa nào mắt cũng đỏ hoe. -Làm sao bây giờ chị Hai -Tửng òa lên khóc- Cũng tại ba… tại ba hết. Trong gia đình, ba tôi đúng nghĩa là “Vua”. Không biết khi xưa, trước lúc má đi lấy chồng, bà ngoại dạy dỗ thế nào… chắc cũng công, ngôn, dung, hạnh, tam tòng, tứ đức. Rồi không biết “tòng” cỡ nào mà má tôi sợ chồng còn hơn sợ cọp. Hồi nhỏ, bốn chị em tôi hay rù rì nói xấu ba. “Em mà là má, em bỏ ổng lâu rồi”. “Ừ! ba xấu hoắc lấy được má đẹp như tiên còn làm tàng!” “Má con Cúc lùn tịt, đen thùi, xấu hơn má mình nhiều mà được ba nó cưng như vàng. Lớn lên, em có chồng mà chồng ăn hiếp em giống như ba ăn hiếp má là em cho nó sang số de liền”. “Ừ! chồng em mà táng em một bạt tai là em phang đòn gánh cho nó chết luôn”. Lúc đó, chị em tôi mới có mười một, mười hai tuổi mà đã ngấm ngầm bất mãn. Ba tôi phục vụ trong quân đội với cấp bậc trung úy. Má không đi làm, chỉ ở nhà chăm giữ một bầy con gái bốn đứa cũng đủ mệt, chưa kể đứa em gái út bệnh hoạn, èo uột, ban đêm khóc nhiều hơn ngủ. Tôi thấy ba của nhỏ bạn trong xóm cũng trung úy mà nhà có người giúp việc, mẹ nó chỉ ở nhà chưng diện se sua và đi đánh bài. Còn má tôi cũng là “trung úy phu nhân” như ai mà quần quật suốt ngày với ông táo, quần ống cao, ống thấp với đám con gái quậy phá, lý lắc không thua gì con trai. Ba tôi đi suốt ngày có biết gì đâu, mà hễ về đến nhà thì cứ lên giọng chê bai “Thứ đàn bà… ở nhà có nồi cơm cũng không xong”. Tôi hỏi chú tài xế, ba làm việc có cực không? Chú nói “Trung úy sướng thấy mồ, muốn gì thì sai bảo lính chứ có làm gì đâu mà cực”. Vậy mà mỗi lần rày la má, ba hay nói “Tôi đi làm đầu tắt mặt tối, cực khổ trăm bề chứ đâu có sướng như bà”. Nhìn má cúi đầu với đôi mắt rướm lệ, tôi nghĩ … cái sướng của má mà đem tặng cho thiên hạ chắc ai cũng chạy te, không dám quay đầu lại. Khi ba đi tù cải tạo,Tửng còn nằm trong bụng má. Tửng chào đời được sáu tháng thì má đem bầy con về quê ngoại để nương tựa, vì không lo nổi cơm ăn, áo mặc cho đám con nheo nhóc.Tôi lớn nhất nên phải ở nhà nấu cơm, coi chừng em cho má đi làm ruộng với dì Tư. Nhớ… năm Tửng một tuổi rưỡi, mới biết đi lững chững, có bữa mấy chị em ham chơi đánh đũa, thằng nhỏ đi lơn tơn một mình rồi rơi tòm xuống ao. 
Cũng may, lúc đó cậu Năm đang trên đường đến nhà tôi. Ngang qua ao, thấy cái lưng áo phập phồng là lạ nên đứng lại nhìn, một chập mới nhận ra thằng cháu của mình. Cậu ẵm Tửng vào nhà, la hét chửi mắng mấy con chị vô ý, vô tâm, ham chơi, không giữ em cẩn thận, rồi làm hô hấp, đánh dầu gừng một hồi Tửng mới tỉnh dậy. Cũng từ đó, cái tên trong khai sinh của thằng em tôi bị lãng quên và mọi người chỉ quen gọi nó là Tửng. 
Càng lớn Tửng càng “tửng”, không giống ai. Bình thường, Tửng rất hiền, ai nói gì cũng cười, nhưng khi lên cơn tửng thì cỡ nào nó cũng quạt, bất kể lớn nhỏ. Trong nhà, má và bốn chị em tôi rất sợ ba. Sau này, khi ba được thả về với hoàn cảnh sa cơ, lỡ vận ông lại càng cau có, khó khăn hơn. Có lúc, ba như nổi điên vì uất ức, khiến má con tôi khiếp vía hơn nữa. Cái khổ là người ngoài làm cho ba giận, nhưng ông không dám làm gì ai, cứ nhè vợ con mà trút giận. Vì thế, chị em tôi ăn đòn đều đều vì những cơn điên bất chợt của ba. Nhưng riêng với Tửng thì ba không bao giờ “dám” nổi điên. 
Vì Tửng nhà ta hay phát biểu những câu mà người bên cạnh có thể mang họa liên can. Chẳng hạn như “Ba hung dữ như lũ giặc Hồ” (là câu nó học được khi lân la ở đầu xóm, nghe lóm chuyện của các chú “phản động”). Hay những lúc vui vẻ, Tửng sẽ toét miệng cười “Ba đừng giận nữa để Tửng hát cho ba nghe… “Như có Bác Hồ trong nhà thương Chợ Quán, vừa mới ra xe cán Bác u đầu!!!….”. 

Khi được sang Mỹ theo diện H.O, ba lại càng lên chân, vì cho rằng nhờ ông mà má con tôi mới đến được xứ sở văn minh nhất thế giới. Nơi vùng đất tự do này, ba không còn nổi điên nữa nhưng đổi qua tính gàn. Đã gàn lại ra kiểu ta đây, dù ông chẳng bằng ai. Ba phê phán người này, chê bai người kia. Ba chống cộng theo kiểu của ba -chỉ ngồi nhà chửi đổng chứ không tham gia một đoàn thể nào. Bất cứ phương cách chống cộng nào và của ai, ông cũng đều bỉu môi “Làm vậy thất bại là cái chắc. Tại sao không làm thế này….” Một hôm, cả nhà đang xem tin tức, đến đoạn phóng sự chiếu quang cảnh cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam để phản đối sự chà đạp nhân quyền, ba cao giọng chửi đổng: – Đồ ngu, làm chuyện vô ích, biểu tình ôn hòa vậy thì được trò trống gì. Tại sao không xông vào trong, kéo cổ thằng đại sứ đập cho nó một trận… Vậy mà cũng bày đặt kế hoạch này, kế hoạch nọ… Càng xem càng thêm tức… Tửng nhíu mày, bịt tai, rồi chậm rãi cầm “remote” đứng lên, đổi đài một cách tỉnh bơ mà không hề xin phép ba. “Thằng kia, mày có thấy tao đang xem tin tức không?” “ Xem gì mà xem, nãy giờ chỉ thấy ba chửi không hà?” “Mấy thằng cộng sản đáng chửi thì phải chửi. Mấy đứa chống cộng không bài bản, không đường lối thì phải ‘dạy bảo’ nó”. Tửng gục gặc, ra vẻ khoái chí: “Con sẽ cho gọi điện thoại dặn bác Chí, khi nào có đi biểu tình nhớ rủ ba đi theo để ba “dạy bảo” họ, chứ ngồi nhà la hét có ích lợi gì mà còn bị người ta chê ba chỉ giỏi đấu võ mồm”. Tách trà bay qua đầu Tửng. Má hoảng vía, trố mắt nhìn Tửng đang quay ngoắc đi, gầm gừ: “Có làm gì được ai đâu… chỉ giỏi tài chửi. Đòi phục quốc mà suốt ngày tay cầm lon bia. Miệng bảo thiên hạ xung phong, tiến lên mà mình thì trốn dưới gầm bàn cho an toàn”. Tửng lặp lại nguyên văn lời phê phán của cậu Năm. Khi Tửng bắt đầu kiểu nói năng không nể nang thì ba dừng lại rất kịp thời, vì không muốn bị mất mặt. Nhưng người lãnh đủ sẽ là má. “Mụ kia, dạy dỗ con ăn nói hỗn láo như vậy hả?” Lần khác, ba không chửi cộng sản nữa mà quay sang chửi Mỹ. Tửng thì biết ơn nước Mỹ này lắm, vì từ hồi sang đây nó mới được ăn uống no đủ đến mức thừa mứa, lại có quần áo đẹp để mặc, có xe hơi để đi, có “game” để chơi thỏa thích. Tửng vẫn còn đủ trí nhớ để nhớ cái hồi đói meo, quần áo tả tơi, chân đất quê mùa ở Việt Nam, nên làm sao im được khi ba đụng chạm đến người Mỹ, trong đó có thầy cô, bạn bè, đối xử với Tửng rất tốt. “Ba chỉ ở không, chẳng làm gì mà còn được chính phủ cho tiền xài. Không cám ơn người ta thì thôi, còn bày đặt chửi rủa. Không thích Mỹ thì về Việt Nam ở đi”. “Tổ mẹ cái thằng mất dạy. Mày có biết, vì tụi Mỹ gian manh mà mình phải lìa quê cha, đất tổ để đến đất nước xa lạ này không?. Nó là thằng đồng minh đểu cáng. Mày nên nhớ, tao qua đây là để tỵ nạn chứ không phải đi ăn mày. Thằng Mỹ có bổn phận phải nuôi tao. Tao không xin xỏ ai hết. Tao không cần đồng tiền của nó.” “Hả!!! ba nói thiệt? … nếu ba không cần tiền của Mỹ thì ngày mai con sẽ gọi điện thoại lên Sở An sinh Xã hội, nói với họ, ba tao không thèm lãnh tiền của tụi bây, hãy ngưng ngay tức khắc. Nè! ba đọc cho con số an sinh của ba đi… À! con nhớ rồi, tuần trước chị Hai có điền đơn xin “foodstamp” cho ba. Để nhớ coi… số của ba là ….” Ba nhào tới, túm tóc thằng con “bất hiếu” luôn làm lộ chân tướng của ông khiến ông “quê xệ”. Tửng hụp xuống chạy lẹ, ông mất đà ngã chúi nhủi vào chiếc “sofa” bên cạnh. Giận cá, chém thớt, má tôi ăn ngon lành hai cái bạt tai. Tửng chạy lại bàn, chụp điện thoại. “Ba ngon đánh má thêm cái nữa đi. Đừng tưởng con không dám kêu cảnh sát”. Ba đưa chân, đá tung cái giá đựng báo, gào lên: “Cái nhà này loạn rồi, má con mày chỉ là một lũ vong ơn”. Má van nài, khóc lóc: “Tửng ơi! con thương má thì xin lỗi ba. Xin lỗi ba mau lên”. Tội nghiệp má, mấy mươi năm chỉ biết chịu đựng và chịu đựng. Nhưng vài tháng gần đây thì đã khác. Sắp bước sang tuổi sáu mươi, tính tình má có nhiều thay đổi. Má bắt đầu có vài dấu hiệu phản kháng mỗi khi bị ba lấn lướt. Một bữa cơm chiều, ba vừa chấm đũa vào đĩa thịt kho đã nhăn nhó. “Nấu cái gì mà mặn lè vậy?” Im lặng! “Bộ dư đường lắm sao mà tô canh ngọt như chè vậy”. Im lặng! “Nước mắm hay nước chanh mà chua lè vầy nè?” Chuyện chê khen trên bàn ăn xảy ra hàng ngày, chị em tôi quen rồi nên bỏ ngoài tai. Má thì cứ nhống cổ lên mà nuốt hoài không trôi miếng cơm. Nhưng hôm nay… má quay sang hỏi Tửng. “Thức ăn dở quá, ăn không nổi hả con?” Tửng vừa nhai, vừa lắc đầu nguầy nguậy. “Đâu có, ngon lắm”. Má hất mặt hỏi tiếp. “Mấy đứa con… thì sao?” Bốn đứa con gái lấm lét, ầm ừ trong cổ. “Dạ! dạ…” Má quay sang ba, giọng nói xưa nay vốn nhỏ nhẹ, dịu dàng nhưng giờ thì chua không thua dấm táo. “Ông có tiền đầy túi mà, ăn không vừa miệng thì ra tiệm mà ăn …” Má nói chưa dứt câu, chén dĩa đã bay vèo xuống sàn nhà. Trước đây, ba chỉ la hét, gầm gừ chứ không bao giờ ra tay đập phá đồ đạc. Hôm nay… Chị em tôi, ai cũng hiểu vì sao cơn giận của ba lên cực điểm. Cái “ngôi Vua” ba đang ngự trị đã bắt đầu lung lay, nếu ba không nổi trận lôi đình mới là chuyện lạ. Sự bất mãn của má ngày càng bộc lộ rõ rệt và sự chịu đựng của má cũng đã vượt quá giới hạn. Nhưng không ai ngờ má lại lặng lẽ bỏ đi. Mấy ngày sau tôi nhận được điện thoại của dì Lan. Dì cho biết, má đang tá túc ở nhà dì nhưng không cho tôi nói chuyện. Dì Lan sợ má nghe tôi than thở lại quay về. Thì ra, chuyện má bỏ nhà ra đi là do sự xếp đặt của dì Lan. Dì nói, nếu tụi bây thương má thì phải làm theo lời dặn dò của dì, để ba mày đừng đè đầu, đè cổ má mày nữa, một lần này cho ổng sáng mắt ra. Năm chị em tôi làm đúng theo kế hoạch của dì Lan. Tôi và đứa em kế kiếm cớ đi làm “overtime” gần khuya mới về nhà. Ba đứa em thì cũng bận học thi ở thư viện tới tối mịt. Thật ra, chiều chiều năm chị em kéo nhau đi ăn và đi xem phim, không đứa nào đụng tới giỏ quần áo dơ của ba, cũng không quan tâm han hỏi đến chuyện ăn uống của ba. Chúng tôi nhất quyết lánh mặt ba một tuần lễ để xem kết quả ra sao? Chú Ninh gọi tôi la làng. -Tụi bây làm cái gì mà không đứa nào giặt giũ quần áo, nấu nướng cho ba mày. Chị Tư đâu? -Dạ, con không biết… má đi đâu cũng không nói với tụi con một lời. Còn tụi con, đứa nào cũng bận, vừa đi làm vừa đi học. Với lại… nhà có máy giặt, ba cứ bỏ quần áo vào máy là xong. Tiệm ăn thì sát bên nhà, ba muốn ăn gì cứ bước qua đó, tha hồ mà chọn những món ba thích… ngon hơn má nấu nhiều. Từ xưa đến giờ, có bao giờ ba đụng tay đến chuyện nhà nên làm sao biết sử dụng máy giặt. Chắc là ba kêu cứu, nên chú Ninh mới điện thoại trách móc chị em tôi. Một điều đặc biệt là ba không bao giờ ăn tiệm, vì sợ thức ăn không sạch sẽ, dễ sinh bệnh hoạn. Một tuần sau, tôi về nhà đúng giờ cơm chiều. Bước vào trong, nhà cửa lạnh tanh. Chạy lại bếp thì thấy chảo nồi la liệt. Nồi cơm nhão như cháo đang nằm trên bếp, cùng một đĩa trứng chiên cháy khét đen nằm bên cạnh. Tôi vừa tội nghiệp ba, vừa buồn cười. Rón rén vào phòng thì thấy ba đang đắp mền rên hù hụ. Tôi hỏi nhỏ: -Ba bệnh hả? Ba tung mền, mếu máo: -Tụi mày biết má ở đâu, phải không? Tụi mày toa rập với má, bỏ bê ba mà… Kêu má về cho ba đi con. Lần đầu tiên, nước mắt tôi ứa ra vì thương ba. Tôi cầm điện thoại lên bấm số. Bên kia có tiếng “hello”, tôi đưa máy cho ba. -Má nè, ba nói chuyện đi. -Bà ơi, về nhà đi bà… tôi xin lỗi. Tôi thật sự bị chấn động khi nghe hai xin lỗi thốt ra từ cửa miệng của một người chồng suốt mấy mươi năm luôn đối xử với vợ theo phong cách gia trưởng, vì như thế có nghĩa là ba tôi -ông vua ngày nào- đã đồng ý xuống ngôi.
Từ đó, gia đình tôi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Đôi lúc, hạnh phúc đến như sự tình cờ!!! [].
Ngân Bình

No comments:

Danh sách các Chiến Sĩ Hải Quân QLVNCH đã Hy Sinh Trong Trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974:

Số TT Chức vụ Họ tên Đơn vị 1 Trung sĩ Cơ khí Trần Văn Ba HQ-10 2 Hạ sĩ Cơ khí Phạm Văn Ba HQ-10 3 Hải quân đại úy Vũ Văn Bang HQ-10 4 Hạ sĩ...