Tổng thống Ngô Đình Diệm trao kiếm danh dự cho Thủ khoa khóa 10 Lê Bá Thông năm 1962 - Ở giữa là Tư lệnh Hải Quân – Đại tá Hồ Tấn Quyền
Thật sự, tôi có ý định viết hồi ký về cuộc đời của mình từ lâu nhưng viết xong bản thảo rồi để đó, chẳng muốn hoàn tất. Viết về cái tôi cũng chẳng hứng thú gì nhất là ở lứa tuổi 80 gần đất xa trời. Trong số bạn bè thân có 2 nhóm. Nhóm học trường Trung học Nguyễn Tri Phương và Quốc Học từ 1953 - 1960 tại Huế.
Ngày 23/4/2021, anh Phan Tứ Hải từ Houston gọi điện thoại qua cho biết anh Trần Viết Phồn vừa mới mất ở Sài Gòn. Tôi bàng hoàng nhận được tin này vì anh Phồn vẫn đều đặn liên lạc với tôi trên Facebook. Anh báo nhận mỗi lần tôi đưa bài mới lên mạng. Anh Phồn học cùng lớp từ Đệ Thất đến Đệ Tứ B4 với tôi ở trường Trung học Nguyễn Tri Phương từ 1953 - 1957 cùng với Phan Tứ Hải. Vào cuối tuần, tôi thường lên nhà anh ở cửa Ngăn để cùng học bài. Anh thuộc về hạng học giỏi trong lớp. Tôi học cũng không tệ lắm nhưng gia đình không được may mắn nên sức học bị phân tán. Lên Quốc Học, Phồn chuyển qua học ban A vì có ý định học Bác sĩ, còn Phan Tứ Hải học B3 với Lê Bá Thông. Lúc chúng tôi vào Hải Quân thì anh Phồn vào trường Quân Y. Sau này, anh có nhận học bổng du học ở Đức. Anh lập gia đình muộn. Theo lời anh nói, năm 1975 anh mới đính hôn và quyết định không rời Việt Nam. Hình như bà xã Phồn cũng trong ngành Y-Dược và 2 vợ chồng đã góp công khá nhiều trong lãnh vực giáo dục y khoa tại Sài Gòn. Trên Facebook, vài người đã gọi “thầy Phồn” với sự kính trọng. Năm 1997, tôi về Việt Nam trong một dự án tài trợ ngắn hạn. Bạn bè Quốc Học lại có dịp thường gặp nhau tại quán Huế gần nhà thờ Kỳ Đồng. Thỉnh thoảng cũng có gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng 2 anh Nguyễn Văn Hạnh, La Quang Thanh. Cách đây hơn 1 năm, chúng tôi lại gặp nhau ở California vì anh Phồn có một người con trai, kỹ sư phần mềm rất giỏi, được Google thu nhận, làm việc ở Seattle nên vợ chồng thường qua Hoa Kỳ thăm cháu nội. Hai đứa đi chơi với nhau gần cả ngày, nói chuyện thời thơ ấu. Thỉnh thoảng, chạm phải một vài vấn đề tế nhị, chúng tôi giữ im lặng, đi vào cõi mông lung nào đó.
Hình anh Trần Viết Phồn trên Facebook
Đối với anh Lê Bá Thông thì mối thâm tình kéo dài từ 1957 cho đến bây giờ. Vào trường Quốc Học thì anh Thông học B3 cùng với Phan Tứ Hải. Giữa năm 1960, thì phần lớn chúng tôi rớt kỳ thi viết thứ nhất Toàn phần vì trong năm này, các bài thi về Toán và Lý Hóa rất khó. Nhân có lúc phái đoàn Hải Quân do HQ Thiếu tá Vương Hữu Thiều (sau này là Đại tá) ra tuyển mộ. Chúng tôi thi tuyển và được chấp nhận. Thế là chúng tôi bước vào ngã rẽ mới. Phan Tứ Hải, giỏi Toán, sau đó thì còn học Đại học thêm một năm rồi cũng vào Hải Quân khóa 11.
Vào trường giữa năm 1960 thì anh Thông đã có gia đình với cháu gái đầu tiên là cháu Nhàn. Đặc biệt là các SVSQ có gia đình thì được ra ngoài thêm tối Thứ Tư. Thông thuê một căn nhà nhỏ ở Chụt, cách Trung tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang về phía Nam khoảng nửa cây số và cũng cách Cầu Đá khoảng như vậy. Đặc biệt là Chụt có bánh mì và phở Gà rất ngon. Mỗi lần đi bờ về, các bạn thường mua bánh mì về cho các bạn bị trực.
Làng Chụt ở Nha Trang năm 1960
Tháng 6/1962 thì chúng tôi chuẩn bị thi ra trường. Trong ban giáo sư thì có thầy Trần Văn Sơn, người Huế, tốt nghiệp trường Brest ở Pháp về dạy Điện Kỹ Nghệ. Ông rất là khó mà chúng tôi gọi đùa ông là “Già Rô”. Niên trưởng Sơn là người rất năng nổ trong chính trị Cộng đồng tại Hoa Kỳ. Ông mất cách đây mấy năm tại San Diego. Trước khi mất, ông còn để lại di chúc những người đọc điếu văn, hầu hết là đại diện các hội đoàn chính trị. Về Hải quân, ông chỉ yêu cầu có 2 người: Niên trưởng Phạm C. đại diện cho các bạn đồng khóa tại Brest còn tôi đại diện cho các học trò của ông tại trường Hải quân Nha Trang. Không hiểu vì lý do gì ông có cảm tình đặc biệt với tôi lúc còn là Sinh viên Sĩ quan. Thi viết xong thì ông cho tôi biết trong số 3 sinh viên có số điểm thi viết cao nhất là Thông, Rạng và tôi thì Thông đã được chọn là Thủ khoa vì có Tổng thống Ngô Đình Diệm ra chủ tọa, cần tuyển chọn một SVSQ to con, đẹp trai.
Tổng thống Ngô Đình Diệm trao kiếm danh dự cho Thủ khoa khóa 10 Lê Bá Thông năm 1962 - Ở giữa là Tư lệnh Hải Quân – Đại tá Hồ Tấn Quyền
Ra trường, Thông phục vụ trên Dương Vận Hạm trong khi Rạng và tôi phục vụ trên 2 Hộ tống hạm HQ 7 và 8. Năm 1964, hai đứa tôi được lệnh qua Hoa Kỳ nhận lãnh 2 Hộ tống Hạm Nhật Tảo và Chí Linh HQ 10 và 11. Hạm trưởng là HQ Thiếu tá Nguyễn Văn Ánh và HQ Đại Uý Vũ Đình Đào. Sau này, HQ 10 bị chìm trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Về Sài Gòn giữa năm 1965 thì tôi được lệnh qua làm Hạm Phó HQ 402. Chưa kịp thuyên chuyển thì một sĩ quan cao cấp của Bộ Tư Lệnh Hải Quân đích thân xuống gặp chúng trôi trong nhiệm vụ tuyển mộ đặc biệt. Ông ca tụng hình ảnh của cố Tổng thống John F. Kennedy với chiếc PT 109. Chúng tôi chỉ 1 tuần để quyết định và 12 anh em khóa 10 và 11 chúng tôi tình nguyện ra Đà Nẵng. Chúng tôi hoạt động cho đến cuối năm 1968 thì Hoa Kỳ quyết định ngưng oanh tạc Bắc Việt, đánh dấu cho sự sụp đổ của Miền Nam năm 1975.
Trong những ngày rối loạn cuối tháng 3/1975, tôi có gặp 4 cháu con đầu của anh chị Thông di tản từ Huế vào Đà Nẵng. Các cháu cho biết anh Thông, hiện đang ở Nhà Bè, đã liên lạc với Đô đốc Thoại để xin nhờ giúp đỡ. Căng thẳng vì quá nhiều chuyện, tôi cũng chẳng nói chuyện nhiều với các cháu vì còn phải quá nhiều chuyện phải giải quyết. Sau 1975, tôi được biết anh chị Thông qua Hoa Kỳ chỉ đem theo 4 cháu nhỏ, còn 4 cháu lớn theo ông bà về lại Huế, đến mấy năm sau mới qua đoàn tụ với cha mẹ.
Qua Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn thường liên lạc với nhau. Anh chị Thông ở Virginia trong khi khi chúng tôi ở South Carolina. Được biết, Thông quyết định để cho bà xã ở nhà lo cho các cháu nhỏ trong khi Thông làm việc một mình lo cho các con ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Năm 1980, gia đình tôi di chuyển sang California. Anh chị Thông vẫn thường qua Cali ở chơi với chúng tôi. Buổi họp mặt đầu tiên của khóa được tổ chức tại nhà tôi năm 1985.
Các chị khóa 10 trong buổi họp mặt năm 1985 tại nhà của tác giả - Từ trái sang phải: chị Thùy - chị Điền (đã mất) – Kim Anh (bà xã tác giả) – chị Hưng – chị Hiền
Năm 2002, trong chuyến thăm Cali, anh Thông ở lại chơi với chúng tôi, anh cho biết anh bị Ulcer vì quá căng thẳng trong công việc. Chúng tôi phân tích các yếu tố và tôi khuyên Thông nên xin về hưu sớm. Dù mất ít tiền còn hơn là nguy hiểm cho sức khỏe. Thông về hưu năm sau đó với con cái thành đạt. Thông dư dả tiền bạc, thỉnh thoảng đi Casino du hí, được ân cần săn sóc với Steak và Lobster. Có một lần sau đó, chúng tôi du hí tại Casino Harrah's miền Nam Orange County, tôi và San hết tiền, Thông hào phóng cho 2 ông bạn mượn mỗi người $500 mà chẳng bao giờ nhắc lại.
Trong số các chị khóa 10, hai chị mà tôi kính trọng nhất là chị Thùy và chị Thông. Chị Thùy vừa phải làm việc vừa lo cho chồng đau ốm trong suốt 7 năm. Chị Thông phải lo cho anh Thông trong suốt 5 năm.
Anh Chị Lê Bá Thông 2016
Tôi viết bài này với sự trân trọng dành cho 2 anh chị Thông. Cách đây 5 năm, anh Thông bị bệnh Gout. Được 2, 3 năm thì tình trạng khá hơn. Xuống Houston dự đám cưới con trai của người bạn cùng khóa, về nhà thì anh lại bị Stroke. Trong 2 năm gần đây thì anh lại bị lọc thận. Chị Thông đã kiên nhẫn lo cho anh trong suốt 5 năm. Những năm vừa qua, dù đau ốm, anh Thông vẫn thường xuyên liên lạc với chúng tôi, làm trọn nhiệm vụ của người Thủ khoa trong khóa. Trong cuộc chiến Việt Nam, anh Thông, cũng như tất cả các chiến sĩ QL/VNCH, đã đem xương máu bảo vệ cho sự tự do của miền Nam. Qua Hoa Kỳ, anh chị Thông đã xây dựng một gia đình toàn vẹn. Sau một thời gian làm việc, từ thu ngân anh đã trở thành General Manager của một hệ thống siêu thị Mỹ. Cháu Trí là một kỹ sư cao cấp của Qualcomm, cháu Dũng là một chuyên viên đầu tư cao cấp làm việc tại Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam, cháu Hùng là một Đại tá trong Hải quân Hoa Kỳ.
Anh ra đi trong sự thanh thản của một gia trưởng của gia đình Việt. Trong Phân Ưu của khóa, chúng tôi cầu nguyện anh phù hộ cho quê hương Việt Nam được vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải và chủ quyền biển đảo. Trong những năm cuối cùng của cuộc đời, những suy nghĩ về ý thức hệ, những năm tháng nhọc nhằn trong trại cải tạo dù vẫn còn in hằng trong ký ức nhưng rồi vẫn qua đi. Chỉ còn lại chăng là ước mong được thấy một dân tộc và quê hương Việt Nam trong thanh bình và thịnh vượng.
Nguyễn Mạnh Trí
June 2021
No comments:
Post a Comment