Bài viết do ông Nguyễn Mạnh Trí tổng hợp dựa theo chi tiết do ông Nguyễn Khoa Phước cung cấp. Ông Nguyễn Khoa Phước hiện sống tại Virginia là em út của Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Tháng 4, 2021.
TỔNG QUÁT
Sau bài viết “Trực hệ của Tướng Nam”, tôi nghĩ rằng đây là bài cuối tôi viết về gia đình bên ngoại. Trong lúc tổng hợp cuốn sách về Tướng Nguyễn Khoa Nam, tôi không liên lạc nhiều với cậu Phước. Tôi tôn trọng niềm đau của mỗi người trong gia đình. Gần đây, khi tái lập Website Tranh Chấp Biển Đông, cậu có gọi qua, cho biết có lên mạng, khá vui khi thấy được lan truyền khá nhiều nước trên thế giới. Cậu năm nay tuổi đã khá lớn, sức khỏe cũng giảm đi, tôi biết Cậu phải đi lọc thận mỗi tuần 2, 3 lần. Cậu bảo tôi nên viết một bài về tiểu sử của ông ngoại, Cậu sẽ cung cấp chi tiết. Lúc đầu, tôi định lấy tựa đề là “Tiểu sử cụ Nguyễn Khoa Túc” nhưng chi tiết Cậu gửi qua ngày càng nhiều nên tôi sửa tựa bài viết lại là “Viết về bên ngoại”. Mong Cậu có được niềm vui khi nói về những người thân trong gia đình.
Bia “Nguồn gốc họ Nguyễn Khoa” tại chùa Ba La Mật ở Huế
CỤ NGUYỄN KHOA LUẬN – VIÊN GIÁC ĐẠI SƯ
Họ Nguyễn Khoa, nguyên là Nguyễn Đình, gốc ở làng Trạm Bạc, tỉnh Hải Dương, nay thuộc huyện An Hải, thành phố Hải Phòng. Đến đời thứ 3, Triều đình sắc cho đổi họ Nguyễn Đình thành họ Nguyễn Khoa, cùng thời với họ Nguyễn hoàng tộc bắt đầu thêm chữ lót thành Nguyễn Phước từ năm 1557.
Họ Nguyễn Đình không thuộc nhánh cụ Nguyễn Đình Thân vẫn còn ở Hải Phòng.
Trực hệ của cụ Nguyễn Khoa Túc bắt đầu từ cụ Nguyễn Khoa Luận - Viên Giác Đại Sư (ông nội: đời thứ 9), cụ Nguyễn Khoa Hoằng (thân phụ: đời thứ 10).
Viên giác Đại sư Nguyễn Khoa Luận (1834-1900) là con trai thứ 2 cụ Phủ An Nhơn Nguyễn Khoa Học, tự Đàm Trai, đạo hiệu Viên giác Đại sư, pháp danh Thanh Chân làm quan đến chức Bố chánh nhưng gặp buổi vận nước suy vi, quân Pháp xâm chiếm nước ta, Ngài trao ấn từ quan, về lập chùa Ba la mật để tu. Ngài là một vị chân tu, giới hạnh được người đương thời vô cùng kính phục.
Trước khi đi tu, ngài lập gia đình với 2 bà - Chánh thất và Thứ thất là 2 bà Công Tôn Nữ Thị Thứ và Công Tôn Nữ Thị Xuân là 2 chị em khác mẹ - Con: 10 trai và 5 gái: NK Ty, NK Lượng, NK Hoằng, NK Đạm, NK Tân, NK Trạm, NK Tùng, NK Tý, NK Đông, NK Trạch, NK Thị Hợi, NK Thị Nhàn, NKThị Nhã, NK Thị Mão, NK Thị Thành (cụ NK Ty mất sớm nên trong gia phả ghi cụ NK Lượng và cụ NK Hoằng là con đầu và thứ hai). Trong các người con của cụ Nguyễn Khoa Luận có ông thứ 3 là NK Đạm làm đến chức Thượng thư (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa - trang 124/217).
Cụ Nguyễn Khoa Luận – Viên Giác Đại Sư
Đến đời cụ Nguyễn Khoa Hoằng là Hàn lâm viện Thừa biện - Vợ: 3 bà với 7 trai và 10 gái - Chánh thất: bà Nguyễn Thị Khê sinh 4 trai và 5 gái: NK Túc, NK Trọng, NK Tuất và NK Dậu (mất sớm), NK Diệu Tích, NK Diệu Ngân, NK Diệu Hoàng, NK Diệu Đào, NK Diệu Cảnh - Kế thất: bà Lê Thị Quí và 1 bà thiếu tên tuổi sinh 3 trai và 5 gái: NK Biểu, NK Hữu, NK Hy, NK Diệu Châm, NK Diệu Ngọ, NK Diệu Oanh, NK Diệu Ái và NK Diệu Hồng (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa - trang 139/217). Có một chi tiết mang tính cách lịch sử: Cụ bà Nguyễn Khoa Hoằng là Nguyễn thị Khê, con gái của cụ Nguyễn Văn Tường, người Quảng Trị. Thời vua Tự Đức và các triều kế tiếp, cụ Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là 2 vị cận thần, khuynh loát cả một giang sơn. Cụ Nguyễn Văn Tường là ông Ngoại của cụ Nguyễn Khoa Túc, sui gia với cụ Nguyễn Khoa Luận. Lý do nào để 2 Cụ kết tình thông gia không nghe kể lại, chỉ biết ngài NK Luận là vị tu hành, bỏ chức Án Sát đi tu, còn cụ Nguyễn văn Tường thì chọc trời khuấy nước, mưu lược hơn người. Pháp bắt ông đem đày ra đảo quốc Phi Châu. Các con phải đổi họ Nguyễn Văn thành Nguyễn Quốc như giáo sư tiến sĩ Viện Trưởng QGHC/VNCH Nguyễn Quốc Trị (Maryland) và ông Nguyễn Văn Đãi, QGHC khóa 1, Đại biểu Chính phủ Vùng 1 Chiến thuật, bị VC bắt ra Bắc trong dịp Tết Mậu Thân, đến năm 1980 mới tha về.
TIỂU SỬ CỤ NGUYỄN KHOA TÚC
Nguyễn Khoa Túc là con trưởng của cụ Nguyễn Khoa Hoằng và chánh thất sinh năm 1986 nhằm thời vua Tự Đức tại làng Tây Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Ngoài 2 người em trai mất sớm (NK Tuất và NK Dậu), ông Nguyễn Khoa Túc có 4 em trai và 10 em gái: 1 em trai (NK Trọng) và 5 em gái (NK Diệu Tích, NK Diệu Ngân, NK Diệu Hoàng, NK Diệu Đào, NK Diệu Cảnh) thuộc nhánh chính thất cùng 3 em trai (NK Biểu, NK Hữu, NK Hy) và 5 em gái thuộc nhánh thứ thất (NK Diệu Châm, NK Diệu Ngọ, NK Diệu Oanh, NK Diệu Ái và NK Diệu Hồng).
Cụ Nguyễn Khoa Túc
Ông NK Túc đi ngành Sư Phạm, còn ông NK Trọng làm thư ký Tòa Khâm. Ông NK Túc tốt nghiệp Sư phạm năm 1905, 21 tuổi ra dạy trường tiểu học Thanh Hóa, về sau đổi về dạy trường Ecole des Garcons (Nam Tiểu học - Tourane), nhà ở dãy 14 gian, thuê của ông Nguyễn Bá Giản (ông Hường Giản). Năm 1915, ông được chuyển sang ngạch giáo viên chương trình Pháp vì Đà Nẵng là thuộc địa của Pháp, ông từ giả ngạch Nam Triều của Hoàng đế Bảo Đại. Ông hưởng lương theo quy chế của công chức Pháp. Năm 1928, ông được giao chức vụ Hiệu trưởng trường Ecole des Garcons (Nam tiểu học). Lúc bấy giờ ở Đà nẵng chỉ có trường Ecole des Garcons và Ecole des Filles (Nữ tiểu học). Năm 1933, ông được thăng chức Thanh tra Sở giáo dục Đà Nẵng cho đến lúc về hưu 1941.
Trong thời gian ông làm giáo viên tại trường Nam TH Đà Nẵng, khoảng đầu năm 1919, bà vợ chánh thất là Trương thị Diệu bị bệnh qua đời, ông ở vậy nuôi con, lúc đó con gái của ông là Nguyễn Khoa Diệu Khâm mới 2 tuổi. Năm 1926, ông về Huế gặp bà Công Tôn Nữ Mộc Cẩn thuộc phòng Tuy Lý Vương ở làng Vỹ Dạ và xin cưới làm vợ sau 5 năm sống độc thân. Lúc đó ông đã 40 tuổi. Ông có 2 người con trai đầu: Nguyễn Khoa Ấm và Nguyễn Khoa Phi. Cả hai đều mất sớm. Ông NK Ấm mất năm 1932. Ông NK Phi mất năm 1939 lúc còn học Đại học Y khoa tại Hà Nội. Năm 1927, sinh ra con trai thứ ba là Nguyễn Khoa Nam và ngày 2/2/1935, sinh con trai út là Nguyễn Khoa Phước.
Năm 1941 ông về hưu đúng tuổi theo quy chế công chức thời Pháp thuộc (55 tuổi). Từ khi lập gia đình, ông chưa hề có một căn nhà riêng, nay về hưu ông và gia đình về Huế ở nhà của ông thân sinh để lại ở Bến đò Chợ Dinh. Ở đây, ông có được một khu vườn và một căn nhà do Ông Bà để lại vì ông là con trưởng của ông NK Hoằng. Khu vườn rất rộng và đẹp, dựa bên bờ sông Hương, từ bến đò chợ Dinh vô sâu hơn 150 m, phía sau là đường vô làng La Ỷ, trước mặt là con đường từ đường Thuận An (bây giờ là Nguyễn Sinh Cung) xuống tận bến đò. Khu vườn rộng gần 2 mẫu, quanh năm cây cối xanh tươi như ổi, mận đào, cam, quýt, thanh trà, vả và nhiều loài hoa đẹp, dưới bờ sông là một hàng tre xanh mướt, đúng là một nơi nghỉ ngơi lý tưởng ở một vùng ngoại ô thành phố Huế. Trước khi về hưu, bà ngoại đã bàn với ông ngoại về việc làm một ngôi nhà mới vì nhà cũ đã quá xưa, mục nát, hiện do O Kiều ở. O Kiều là bà hầu của ông NK Hoằng, tuổi chỉ bằng ông ngoại. O Kiều sinh được ông Nguyễn Khoa Biểu, sinh ra Diệu Quyên nay 91 tuổi còn ở Huế, Diệu Ái ở Portland, Oregon cùng
cô NK Diệu Hồng.
Căn nhà bắt đầu khởi công tháng 6 năm 1940 do người em rễ đứng thầu và trông coi. Đó là ông Nguyễn Đức Tích, chồng của bà em của bà Thông Tích. Bà ngoại vẫn ra vào Huế để trông coi việc xây nhà, đến tháng 2/1941 mới xong, trị giá 2,500 đồng Đông Dương. Nhà làm theo mẫu nhà cụ Ưng Thuyên, xây từ 1936 nhưng lớn hơn nhiều, trị giá 5 ngàn đồng, gia đình không đủ tiền để xây như vậy. Cụ Ưng Thuyên là ba vợ ông GS Nguyễn Văn Hai.
Nhà ông ngoại ngay trên phía phải của Bến đò Chợ Dinh. Cầu Chợ Dinh chỉ mới được xây năm 2003
Ông về hưu năm 1941 và trở về Huế. Việc ưu tiên là ông vô Chùa Ba La để tu học. Nhà gần Chùa nên việc đi chùa thật dễ dàng. Lúc bấy giờ, Trụ trì chùa Ba La là thầy Thích Trí Thủ, một vị tu sĩ uyên thâm giáo lý nhà Phật và cũng am tường Nho học. Thầy Trí Thủ nhỏ hơn ông 14 tuổi nhưng rất thân tình và tương đắc. Mỗi ngày ông ngoại vô chùa buổi sáng và chiều tối mới về nhà, việc nhà đều do bà ngoại quán xuyến. Đến năm 1947, sau khi quân Pháp trở lại thành phố Huế và tái lập chính quyền Quốc Gia, ông Trần Văn Lý, chủ tịch Hội đồng chấp chánh lâm thời Trung Kỳ mời ông ra làm Hiệu trưởng trường Sư Phạm, cơ quan đào tạo giáo viên tiểu học, trường đặt tại trường tiểu học Gia Hội. Lúc bấy giờ tuy tuổi cao (61 tuổi), ông ra đảm nhận chức vụ này, do sự đề nghị của Giám đốc Học chánh Trung Kỳ Ưng Quả.
Tháng 12 năm 1948, một hôm trời mưa bất chợt, trên chuyến đò ngang sông Hương, trên đường trở về nhà, ông bị ướt về nhà cảm sốt, được đưa đến Bệnh viện của Bác sĩ Phan đình Tuân ở Gia Hội. Lúc bấy giờ Huế chưa có thuốc trụ sinh, nên ông đã qua đời sau hơn một tháng. Ông mất ngày 22 tháng 2 năm 1949, thọ 63 tuổi.
Đại gia đình ở đây cho đến khi ông mất thì con cháu dời lên ở số nhà 64, đường Gia Hội (sau này đổi tên là đường Chi Lăng) đối diện với đường Trung Bộ.
CỤ NGUYỄN KHOA TÚC VÀ CHÙA BÀ LA MẬT
Khi nói về dòng họ Nguyễn Khoa thì phải đề cập đến 3 ngôi chùa: Chùa Ba La Mật và chùa Trà Am ở Huế và chùa Già Lam ở Sài Gòn.
Vị trí chùa Bà La Mật (trên cùng) và chùa Trà Am (gần Quốc lộ 1, phía Nam Núi Ngự Bình)
Chùa Ba La Mật: Nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, bên phải đường từ Huế về Thuận An. Người khởi dựng năm Đồng khánh nguyên niên (1886) là bà Công Tôn Nữ Thị Tư (1839-1899), hiệu Thanh Trất Từ Thiện phu nhân, tạo nơi tu hành cho chồng, ông Bố chánh Nguyễn Khoa Luận (1834-1900), bán thế xuất gia, pháp danh Thanh Chân, Pháp Hiệu Viên Giác đại sư. Có nhiều người lộn Ba la mật với Bà La mật. Ba-la-mật-đa là cách phiên âm thuật ngữ tiếng Phạn pāramitā, cũng được viết tắt là Ba-la-mật. Ba-la-mật-đa được dịch nghĩa là Đáo bỉ ngạn. Mặc dù nghĩa "đáo bỉ ngạn" (đạt đến bờ bên kia) rất được thông dụng tại Đông Nam Á nhưng cách dịch nghĩa này có lẽ không chính xác theo từ nguyên trong tiếng Phạn. Cách dịch "sự cứu cánh" (chỗ tối hậu của sự việc) có vẻ đúng hơn và cũng được nhiều nhà Phật học hiện nay áp dụng. Nó tương đương từ perfection trong tiếng Anh và Vollkommenheit trong tiếng Đức.
Năm 1884, lúc đang làm Bố Chánh Thanh Hóa, khi nghe tin vua Hàm Nghi xuất bôn và phát hịch Cần Vương, ông cũng hưởng ứng, sửa soạn thành trì, đạn dược. Nhưng việc không thành, ông xin treo ấn từ quan, lên chùa trên núi nằm dưỡng bệnh. Pháp nghi ngờ theo dõi, ông bực mình theo đường núi vào dẫn đến Quảng Ngãi, ở chùa Thiên Ân, ít lâu trở về Huế, cũng ẩn tích trong các chùa, rồi cắt tóc quy y với hòa thượng Hải Thiệu chùa Từ Hiếu. Phu nhân là Thanh Trất Từ Thiện thấy ông lênh đênh nay chùa này mai chùa nọ, bèn bỏ tiền riêng và quyên góp bà con, dựng ngôi chùa Ba La Mật để sư tu hành, ở kề nhà thờ họ.
Năm 1891, ông thọ tỳ kheo giới tại đại giới đàn Báo Quốc do hòa thượng Hải Thiệu làm đường đầu, qua năm 1894 thì thọ Bồ Tát giới, pháp húy Thanh Chân, pháp danh Viên Giác. Năm Canh tý (1900), đại sư lâm bệnh, yếu dần, truyền y bát cho đệ tử Viên Thành, rồi thị tịch trong năm. Sư Viên Thành kế thế trụ trì chùa Ba La Mật. Đến năm 1923, sư Viên Thành lập riêng chùa Trà Am, giao lại cho đệ tử là Trí Hiển về trụ trì. Đến năm 1928, sư Viên Thành viên tịch, Trí Hiển phải lên Trà Am làm giám tự, rồi cũng viên tịch (1840), đại đức Trí Thủ kế thế trụ trì Ba La Mật. Dòng họ Nguyễn Khoa, do bà vợ Nguyễn Khoa Tân giữ chức hội chủ, vận động bà con trùng tu lần đầu năm 1924, lần thứ hai năm 1937(có bia), lần thứ ba năm 1943, năm 1992 xây thêm thành phía trước và nhà thờ phía sau. Khuôn viên chùa rộng khoảng 2,500 m², có la thành bao quanh. Giấy tờ lưu trữ gồm trích lục địa bạ, di vật có tấm bia khắc bài văn thuật tiểu sử Viên Giác đại sư.
Khoảng năm 1942, chùa do thầy Trí Thủ làm trụ trì, có thêm 4 hay 5 chú tiểu cỡ 14, 15 tuổi tu ở đó, các chú này sau trở thành những nhà tu lớn nổi tiếng như thầy Đức Tâm, Đức Trì, Đức Trạm, Đức Phương. Tình hình kinh tế của Chùa thật khó khăn vì phải tự sinh hoạt. Trước đó có Ôn cả Nguyễn Khoa Truyền (ông nội của anh Nguyễn Khoa Điềm) lo việc chùa sau ông này mất thì cụ Nguyễn Khoa Túc phải ra sức kêu gọi mấy ông Nguyễn Khoa khá giả cố gắng giúp chùa, vừa lo tu bổ nhà cửa, vừa lo sinh hoạt ăn uống cho quý Thầy. Mấy ông NK lúc đó đều là em trong dòng họ nên ông nội cũng dễ nói. Họ làm quan to nhưng tiền bạc không dư dả, thấy bề ngoài tưởng giàu có nhưng cũng chật vật, họ lại đông con, nhiều người đi du học ở Pháp nên tốn kém, chùa phát triển rất khá, phải kể công lao của một người cháu đức tôn của ngài Bala là ông Nguyễn Khoa Lan, đang làm về Công chánh xây dựng ở Huế. Ông Lan rất quý ông Nguyễn Khoa Túc (gọi bằng chú) vì bao nhiêu tâm huyết đều đặt vào chùa. Sau khi ông mất, Thầy Trí Thủ và các chú bác trong họ NK rất xúc động. Họ tổ chức một đám tang rất trang trọng, với câu đối do Ông Nguyễn Khoa Toàn viết: "Họ NK và chùa Ba La mất một người lèo lái, một tấm lòng". Ông Nguyễn Khoa Sừ xúc động gục xỉu bên quan tài: “Anh ơi, anh mất đi, ai cùng chúng em lo việc chùa việc họ, có anh việc gì cũng xong, cuộc đời anh cống hiến cho Phật tổ và Dòng họ. Anh là một ngôi sao tắt sớm". Ông mất năm 64 tuổi.
Cô Nguyễn Khoa Phượng Tiên tại chùa Ba La Mật 2018
Chùa Tra Am hay Trà Am: Chùa Tra Am tọa lạc giữa vùng đối núi hoang vu dưới chân núi Ngũ Phong, xây từ năm 1923, vốn là một chòi tranh nhỏ do tổ sư Viên Thành lập nên. Vị tổ sư vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhưng vì giác ngộ đạo Phật đã xin ra khỏi kinh thành dựng am nhỏ ngày ngày tụng kinh niệm phật. Điều đặc biệt của Tra Am trước tiên nằm ở tên gọi “không hề trùng lặp” với tên gọi hàng ngàn ngôi chùa khác. Đa phần tên chùa đều được gọi tên theo ngôn từ trích dẫn trong kinh phật nhưng tên gọi Tra Am lại bắt nguồn từ một điển tích mang nặng ân nghĩa. “Thời xưa có câu chuyện về hai cha con đều là tướng giỏi của triều đình. Người cha tên Lê, người con tên Tra. Trong các buổi thiết triều nhà vua hết lời khen ngợi Tra tài giỏi, phải cố gắng để hơn hẳn cha mình mới xứng nhưng Tra không ngần ngại đáp rằng “Tra bất như Lê” nghĩa dù có lập nhiều chiến công đến mấy ông cũng không bao giờ sánh bằng cha mình, nhờ ơn cha dạy dỗ mới có tướng Tra ngày nay. Sau khi người cha qua đời, Tra đã dựng nhà bên mồ thân phụ suốt hai năm ba tháng để tỏ lòng hiếu nghĩa. Sư Viên Thành cũng vì muốn báo đáp ân nghĩa của ân sư Viên Giác nên mới lên núi lập chùa ngay cạnh mộ sư tổ và lấy tên Tra Am. Ngôi chùa từ đó được biết đến với ý nghĩa báo hiếu.
Chùa tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng, yên tĩnh, giữa những rặng thông khóm trúc xanh ngát, có khe nước uốn khúc, róc rách quanh năm. Phía nam chùa là núi Thiên Thai, phía đông là núi Ngũ Phong, phía bắc là núi Ngự Bình. Chùa được ngài Trí Hiển trùng tu năm 1937 và ngài Như Ý tổ chức đại trùng tu năm 1960 theo nghệ thuật kiến trúc Nam Á Châu. Cảnh trí xung quanh chùa Trà Am là một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật hiếm có, tất cả cây cỏ, khe suối, núi đồi, đá tảng được sấp xếp tạo dáng để khi ai đó bưóc chân đến ngôi chùa này cũng cảm thấy phảng phất xung quanh một sự nhẹ nhàng bay bổng, để tâm hồn mình trở nên thanh thản, siêu thoát trước cảnh sắc phong quang thoát tục, ở đó con người dễ hòa mình trong sự trầm mặc của triết lý Phật giáo. Cái khung cảnh tuyệt vời đó cũng nói lên cái sâu sắc, cái ý nghĩa của con đường đã chọn và cái ngộ của chủ nhân ngôi chùa Tra Am.
Chùa Trà Am nổi tiếng về cặp rắn tu vào những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước, người ta bất ngờ thấy có hai con rắn thường đến “vãn cảnh” nhà chùa vào các ngày sóc vọng, ngày lễ lớn. Đối với vị tổ sư của chùa ngày đó (cũng là sư phụ của sư thầy Thích Thế Thanh, nay đã quá cố) hình ảnh cặp rắn ấy không bao giờ phai lợt và câu nói nhẹ nhàng của TT Viện chủ chùa Trà Am vẫn còn văng vẳng bên tai: “Phật dạy: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, những loài như chim bay trên trời hoặc là những côn trùng nhỏ nhích đều có Phật tánh cả, nếu biết tu hành, không chóng thì chầy, đều sẽ thành Phật?”
Chùa Trà Am
Chùa Già Lam: Năm 1960, Hòa thượng Trí Thủ vào Sài Gòn, tạo mãi khu vườn ở Gò Vấp khai sáng Tu viện Quảng Hương Già Lam. Năm 1984, khi gia đình cải táng mộ tướng Nguyễn Khoa Nam tại Cần Thơ đưa lên Sài Gòn thì Hòa thượng Trí Thủ là người chủ lể an vị hài cốt Tướng Nam tại chùa Già Lam và ngài cũng mất 2 tuần sau đó vào ngày 2 tháng 4 năm 1984, sau một cơn suy tim đột ngột. Ngài đã thâu thần viên tịch tại Bệnh viện Thống Nhất, thọ 76 tuổi đời, 56 tuổi đạo.
Chùa Quảng Hương Già Lam 2016
THẾ HỆ NỐI TIẾP
Sau biến cố 30/4/1975, cũng như mọi gia đình ở miền Nam, dòng họ Nguyễn Khoa cũng có nhiều gia đình di tản, sang định cư ở nước ngoài. Trong gia đình cụ Nguyễn Khoa Túc, ngoài tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết thì có 2 gia đình con cháu định cư ở nước ngoài:
Bà NK Diệu Khâm lập gia đình với ông Nguyễn Mạnh Huyền và có 4 người con: Nguyễn Mạnh Trí (1942), Nguyễn Mạnh Thông (1944), Nguyễn Mạnh Diệu Thu (1946), Nguyễn Mạnh Diệu Thúy (1950). Gia đình có 2 trai và cô con gái út sang Hoa Kỳ. Người con trưởng Nguyễn Mạnh Trí, vợ là Nguyễn Thị Kim Anh, qua Hoa Kỳ năm 1975 có 3 người con trai: Patrick Nguyễn, Tony Nguyễn và Phú Nguyễn với 3 cháu nội: Josephine Nguyễn, Douglas Nguyễn và Caitlyn Nguyễn. Người con thứ hai Nguyễn Mạnh Thông có 2 con trai và một con gái: Nguyễn Mạnh Thái (Việt Nam), Lilian Nguyễn và Michael Nguyễn. Người con gái út Nguyễn Mạnh Diệu Thúy có 2 con trai và 2 cháu ngoại.
Ông Nguyễn Khoa Phước (2/2/1935) lập gia đình với bà Trần Thị Kim Đính và có 4 người con: Nguyễn Khoa Phượng Tiên, Nguyễn Khoa Quỳnh Tiên, Nguyễn Khoa Đức và Nguyễn Khoa Bình (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa - trang 185/217). Ngoài cô Nguyễn Khoa Quỳnh Tiên mất sớm thì 3 chị em Phượng Tiên, Khoa Đức và Khoa Bình qua được Hoa Kỳ cùng cha mẹ. Nguyễn khoa Phượng Tiên: Sinh năm 1961, chồng là Lê hữu Phúc và các con: Andrew Lê 1997 và Kenneth Lê 1998 - Nguyễn Khoa Đức, sinh năm 1966 và vợ Nguyễn Mộng Lành, các con Josehp Nguyễn Khoa Đan 1999 và Sydney Nguyễn Khoa Diệu An 2001 - Nguyễn Khoa Bình sinh năm 1975, vợ là Kelly Vương Bội Huyền, các con Darlene Nguyễn Khoa Diệu Linh 2003 và Sophia Nguyễn Khoa Diệu Tâm 2004.
KẾT LUẬN
Trong thời gian gần đây, tác giả có thì giờ rảnh, xem bộ phim “Quân sư Liên minh” nói về truyện Tam Quốc Chí. Sau 60 năm xem lại mà vẫn còn say mê. Trong lúc viết về chùa Già Lam, tác giả đọc lại cuốn “Bên thắng cuộc” của nhà văn Huy Đức. Bên thắng cuộc thì được xây Lăng, Nghĩa trang Liệt sĩ. Bên thua cuộc thì nương náu cảnh Chùa. Dù rằng trong hoàn cảnh khác nhau, tác giả vẫn nhớ hoài 2 câu đối họa của Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường trong thời Tây Sơn - Nguyễn Ánh:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Tướng Nam là một tướng lãnh nhưng cũng là một Phật tử thuần hành. Khi không còn giữ được thì Tướng chết theo thành. Ông đã quyết định không tiếp tục chiến đấu để tránh sự chết chóc cho quân dân dưới quyền.
Tướng Nam lễ Phật tại Đồng Tâm - Bên phải là Thượng tọa Thích Tâm Giác – Tuyên úy Phật giáo
Sau biến cố 30/4/75, rất nhiều gia đình thuộc dòng họ Nguyễn Khoa đời 12, 13 đã phải bỏ nước ra đi, lập nghiệp phần lớn tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới. Sau hơn 44 năm, thế hệ thứ nhất cũng đã trên ngưỡng cửa 80, 70 và đang bước vào hoàng hôn của cuộc đời. Đời thứ ba cũng xấp xỉ tuổi 30 hay bắt đầu vào đại học. Thế hệ này, cùng với thế hệ ngang hàng trong nước sẽ xây dựng một nước Việt Nam tươi đẹp trong tương lai. Dù rằng nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng gì đi nữa nhưng trong tim vẫn mang dòng máu Việt Nam. Thế hệ mới sẽ nhìn cuộc chiến Việt Nam một cách tích cực và công bằng hơn với 2 miền Nam - Bắc.
THAM KHẢO
Extrait du Bulletin des Amis du Vieux Hue - 2ème année, No.3 (Juillet-Septembre 1915) - pp.287-304 « Une lignée de loyaux sujets les Nguyen Khoa » par G. Rivière, professeur.
Gia-phả tộc Nguyễn Khoa - Ấn bản 1985 (Paris) ghi chép các Đời (thế hệ) thứ 1 đến thứ 11 do hậu duệ của cụ Thảo am Nguyễn Khoa Vy (Paris) biên soạn.
Gia phả tộc Nguyễn Khoa - Tái-bản 2001 dày 217 trang ghi chép các Đời (thế hệ) thứ 1 đến thứ 15 do ông Nguyễn Khoa Phồn Anh (Texas) biên soạn.
Bài viết “Viên giác Đại sư Nguyễn Khoa Luận và chùa Ba La Mật” của ông Nguyễn Khoa Điềm.
Cuốn sách “Nguyễn Khoa Nam - Ấn bản 1 và 2” do người cháu Nguyễn Mạnh Trí tổng hợp.
Bài viết “Trực hệ của Tướng Nguyễn Khoa Nam” do người cháu Nguyễn Mạnh Trí viết ngày 24/1/2019.
Bài viết “Những bến đò ngang trên sông Hương” của tác giả Phan Thuận An ngày 4/8/2010.
Bài viết “Chùa Trà Am – phường An Tây, thành phố Huế” của tác giả Tùng Lâm ngày 2/7/2015.
Bài viết “Cặp rắn tu ở chùa Trà Am (Huế) submitted by anonymous on 7/20/2007.
Bài viết “Ly kỳ nhà báo Tây Đức phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” đăng trên đài BBC ngày 29/4/2021.
Nguyễn Mạnh Trí
Tu chỉnh: 29/4/2021
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
No comments:
Post a Comment