Sunday, June 27, 2021

Chuyện Hai Người Phi công VNCH và Bắc Việt - SVSQKQ

Bài viết ghi lại theo lời kể của một SVSQ/KQ để nói lên sự tuyên truyền láo khoét và che lấp của người cộng sản Việt Nam. SVSQKQ


• Ngày 11 tháng 4 năm 1975: Khóa chúng tôi gồm 15 người, là khóa phản lực đàn em cuối cùng của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa mãn khóa tại trường bay Webb AFB, Big Spring, TX.

• Ngày 20 tháng 4-1975: Chuyến phi cơ hành khách PANAM 747 cuối cùng chở chúng tôi hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất trong khung cảnh nhốn nháo và lo âu hỗn độn của những người di tản rời Việt Nam.

• Ngày 21/4/1975: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diễn văn từ chức tại Thượng Viện và tố cáo Mỹ đã bỏ và cúp viện trợ cho Việt Nam một cách vô trách nhiệm.

• Ngày 30/4/1975: Tân Tổng Thống Dương văn Minh lên đài phát thanh kêu gọi anh em quân nhân các cấp buông súng đầu hàng vô điều kiện.

Cuộc đổi đời
Tháng 5/1975: Cộng sản kêu gọi các sĩ quan quân đội VNCH, từ cấp thiếu úy tới cấp tướng đi trình diện để học tập chỉ có 3 ngày rồi sau đó trở về lại với gia đình (sau này mới biết là đi học tập cải tạo mút chỉ, có khi tới 17..20 năm, có khi bị chết trong tù, hoặc bị tàn tật hay bị bệnh hậu, khi trở về thành phế nhân hoặc chết sớm), anh em Sĩ Quan VNCH bị gạt một cách dễ dàng. Đúng là câu“ Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm“.

Sau khi về nước, vì còn mang cấp bậc Sinh Viên Sĩ Quan nên tôi không bị đi cải tạo, chỉ đi trình diện ở địa phương và bị theo dõi chặt chẽ bởi lũ công an phường khóm.

Cuối năm 1975, tôi lập gia đình và vợ tôi quê ở Vĩnh Long, lên Sài Gòn ở với tôi nhưng vì mẹ chồng nàng dâu không thuận, nên bà xã tôi ở với tôi được vài tháng rồi trở về ở lại Vĩnh Long quê nàng ta, còn tôi thì ở lại Sài Gòn, cuối tuần thứ sáu thì về Vĩnh Long, rồi chiều chủ nhật thì đón xe đò lên Sài Gòn, y như lính đi nghỉ phép vậy.

Một ngày cuối tuần sau khi đi thăm bà xã ở Vĩnh Long, tôi mua vé xe đò để trở lên Sài Gòn (vì tôi hộ khẩu ở thành phố), tôi ngồi ở chặng giữa, ghế bìa sát cửa sổ, người ngồi kế bên tôi là một người đàn ông người Bắc, trông mập mạp và cao ráo, tuổi chừng khoảng 35-40. Xe đang chạy khoảng hơn nửa tiếng, tôi đang ngủ gà ngủ gục, lúc đó đang đeo chiếc nhẫn của Không Quân Mỹ (USAF) bên ngón tay phải (nhưng khi công an hay lính cộng sản xét giấy tờ thì tôi sẽ lật mặt chiếc nhẫn vô lòng bàn tay để giấu, giống như đeo nhẫn bình thường) thì người đàn ông ngồi kế tôi dùng cùi chỏ thúc vào hông tôi nhè nhẹ hỏi:

- Ê, có phải chú mày là „giặc lái“?

Tôi tỉnh dậy:
- Sao chú biết?
- Tao nghe nói bọn giặc lái ngụy nó thường đeo chiếc nhẫn không quân Mỹ, vậy chắc chú mày là giặc lái phải không?
Tôi hỏi:
- Ủa vậy chú là...?
- Tao là „người lái“ của Không Quân Nhân Dân.
- Ủa vậy chắc chú còn bay?
- Không, tao làm phó thường dân rồi, đâu còn bay bổng chi nữa.
- Ủa sao vậy chú? Trông chú còn trẻ, khỏe mạnh lắm mà?
- Tao bị đuổi ra khỏi đảng và bây giờ làm dân bình thường thôi.
- Thật vậy hả, tại sao vậy chú?

- Số là như vầy:
„Tao là người lái máy bay Mig-19, là máy bay phản lực 2 máy, giống máy bay A-37 hay F-5 của chú mày, nhưng nó không có khả năng không chiến mạnh như Mig-17 hay Mig -21 để đương đầu với phi cơ F-4 con ma của Mỹ, nhưng tao thích lên đấu với chiếc F một lẽ năm (F-105) của Mỹ, vì chiếc này nó to và bay nhanh. Chủ đích là mang bom nhiều ở dưới cánh và bụng, nhưng khả năng không chiến hoặc tự vệ rất yếu.

„Một ngày kia khoảng trung tuần tháng sáu năm 1972, tao đang ngồi ở phòng trực tác chiến, thì nghe loa phóng thanh báo động: „Có phi cơ F-105 của Mỹ ở hướng Đông Nam Hà Nội, có phi cơ địch, có phi cơ địch...! ! !“ Tụi tao mừng lắm, vì nếu gặp F-105 thì hên lắm, còn thọ được. Chớ nếu gặp F-4 thì phiền lắm, thì coi như chết chắc, tới số! Mig-19 tụi tao không đủ sức độ với F-4 của Mỹ.

Tao bay về hướng Đông Nam, hướng dẫn thẳng ra biển, trên cao độ khoảng 5000 mét, thì tao thấy nhiều đốm đen theo hướng hai giờ (hướng tay phải), nhìn rõ tao thấy toàn F-4, chớ đâu phải F-105. Tao lẩm bẩm chửi thề mẹ kiếp cái đài không lưu báo cáo loét, chết cha tao rồi... Tao chửi thề trong miệng, liền đẩy tay ga lên tối đa, bay thẳng lên trên cao thêm khoảng 7000-8000 mét, hy vọng trốn vào trong mây cho nó chắc ăn, nhưng tao đã lầm to: ít nhất có 30 chiếc F-4 bay giăng hàng ngang ở trên từng mây cao này, tao bay gần sát bọn nó, thậm chí còn thấy tụi Mỹ đội nón an toàn (helmet) thật rõ, tao liền kéo cần để nhảy dù ngay (eject/ bailout) liền tức tốc....“

- Chú nhảy dù ??? Trời đất ???
- „Chớ còn gì nữa, nếu chần chờ thì sẽ bị ăn cái hỏa tiển (sidewider) của nó là chết banh xác. Tao nhẩy dù ra bay lơ lửng trên trời xanh rồi từ từ hạ xuống, tao còn thấy chiếc Mig-19 của tao nó rớt xuống đất nổ tan tành với một cục lửa màu đỏ cam rất to, có vài chiếc F-4 của Mỹ nó bay vào vèo vèo bên tao, nó thấy tao nhưng nó không bắn, thật là tao rất có phúc...đại phước...

Tao cũng nghe nói là bọn Mỹ rất anh hùng, nó không bao giờ bắn người ngã ngựa, kinh nghiệm trong thế chiến thứ hai. Tao rớt xuống một cánh rừng, bị vướng tòn ten trên một cây thật cao, nhưng may phước là thân hình tao còn nguyên, lành lặn không có gì bị thương cả, nhưng tao thấy ở dưới gốc cây có chừng khoảng 10 thằng du kích xã, hầu hết là mang súng trường SKZ và đứa nào cũng đang nhắm vào tao để muốn bắn chết tao, đứa đứng đứa ngồi.

„Tao hét lên: „Này đừng bắn, Không Quân Nhân Dân...Không Quân Nhân Dân !“ và đồng thời tao vỗ vào cánh vai trái bình bịch vào cụm tay tao có may lá cờ đỏ sao vàng to tổ bố để phân biệt là người lái phe ta với giặc Mỹ. Tao tiếp tục la thất thanh:“Ông là Không Quân Nhân Dân, Không Quân Nhân Dân đừng bắn !!! Đ. má đừng bắn !!! Tiếp theo tao nghe một tiếng súng nổ ...Đoành!

„Tao mở mắt ra thì thấy đang nằm trên giường nhà thương, áo choàng màu trắng, chân phải tao đang bị băng bột treo lên cao và đang bị vô nước biển, cô y tá đứng bên giường nói: „ Thưa đồng chí Thượng Úy, đồng chí đang nằm điều trị tại nhà thương Bạch Mai, Hà Nội.“

„Chừng khoảng nửa tiếng thì có phái đoàn vô thăm tao, dẫn đầu là một thượng tá là người lái xếp của tao và kế tiếp theo sau là các người lái Mig-17, Mig-21 vô để chúc mừng tao, nói là hôm ấy tao bắn hạ 3 chiếc F-4 và sau đó máy bay tao bị hết xăng, tao phải nhẩy dù ra và phi cơ địch đã bắn trúng chân phải của tao, họ cấp cho tao giấy khen là chiến sĩ anh hùng diệt máy bay Mỹ và truy thăng tao lên Đại Úy và nói là kể từ phút này vì bị thương tích nơi chân, nên tao không thể bay được nữa và họ đã dành cho tao một nhiệm sở mới đó là làm việc tại phòng huấn luyện, để giảng dạy dưới đất cho các học viên người lái.

Tao rất buồn vì thú thật tao rất thích đi bay lắm, nhưng tao phải thầm cám ơn mấy thằng du kích xã vì nó bắn tao bị thương chân, nên bị loại ra khỏi đi bay, chớ nếu còn bay thì có ngày nát thây với bọn F-4....


Tôi hỏi tiếp:
- Rồi sao hả chú?
- „Tao làm việc tại phòng huấn luyện được vài năm, thì đến ngày 30-4-1975. Miền Bắc tấn công và chiếm miền Nam, tụi tao thì nói với nhau: Miền Nam thua vì bị thằng Mỹ bỏ rơi nửa chừng, tụi mình có đánh đâu mà thắng, còn miền Nam có đánh đâu mà thua“.

„Sau 30-4-1975, tao nhận được một lá thư từ trong Nam gởi tới nhà tao tại Hà Nội, trong thư nói là tao có một thằng em trai, nó đi vô Nam hồi năm 1955, sau này nó lớn lên tốt nghiệp ở trường Võ Bị Đà Lạt, rồi giữ chức Đại Úy nhảy dù, bây giờ nó đi cải tạo ở suối Máu, nhờ anh đó bảo lãnh ra dùm, dẫu sao cũng là anh em ruột thịt. Tao động lòng máu mủ, tao mới đứng ra điền đơn xin bảo lãnh cho thằng em ra trại.“

„Kết quả là thằng em không ra tù, mà tao lại bị chúng nó điều tra lại lý lịch, tụi nó nói là tao khai gian và che dấu có thằng em Mỹ ngụy ác ôn, rồi kể từ đó tao bị trục xuất ra khỏi đảng. Cho tao ra làm phó thường dân, tao xin về miền Nam ở nhà gia đình thằng em tại tỉnh Vĩnh Long này. Thứ nhất là tại vì tao thích ở trong Nam thoải mái hơn, thứ hai là thấy có cán bộ trong nhà tụi công an phường xã nó đỡ ăn hiếp gia đình em tao.“

„Sau khi ở miền Nam được vài tháng tao mới phát hiện được là trong Nam, thằng cha nông dân, thằng tài xế xe đò ...còn có hai bà vợ lẽ, con gái miền Nam rất đẹp, khêu gợi, ăn mặc đều đẹp cả, ngay cả đi ngủ cũng mặc đồ ngủ riêng. Cái khổ miền Bắc là đàn bà chỉ được cấp một năm có hai bộ đồ, nó mặc hoài hôi rình, nhìn thấy mắc ói, chán lắm mày ơi! Thành thử giải phóng miền Nam đâu chưa thấy, chớ tao thấy là giải phóng tao trước.“

„Tuy nói vậy, cũng phải làm gì để kiếm ăn, tao thì đi đi về về Hà Nội - Sài Gòn bằng đường xe hỏa Bắc Nam, tao thấy trên tàu hỏa, người ta đi hầu hết là đi buôn, vậy mà họ sống rất khuây khỏa, đâu cần đi làm công nhân cho nhà nước suốt đời nghèo mạt, tao bèn nghĩ ra cái nghề đi buôn, mua đi bán lại. Miền Nam gọi nôm na là nghề chợ trời, ở trong Nam, tao đi mua xe đạp mini,

xe đạp Pháp Peugeot 5 lip, xe gắn máy Honda, đồng hồ Seiko không người lái, có hai cửa sổ, mền nỉ US, mền dù lính, mùng ngủ lính Mỹ, máy may Singer, hộp quẹt Zippo, bột ngọt... đem ra ngoài Bắc bán, còn từ Bắc vô Nam thì tao chỉ mua đồ của Liên Sô, thuốc Tetra lon nhôm vàng Bulgary chống sốt rét, đại khái là mua một lời năm, sau một năm tao chỉ cần đi hai ba chuyến là đủ sống trong năm, đời sống rất thoải mái sung sướng, không còn giặc giã chết chóc, ăn cơm thì toàn độn thịt, chớ không độn bo bo, sướng thật vì sống bằng nghề đi buôn...“

Nói xong anh ta kéo hai tay áo lên, trên hai cánh lịch tay đeo ít nhất là mười mấy cái đồng hồ Seiko trên hai cánh tay và chiếc áo khoác bên ngoài thì có nhiều túi kéo chứa toàn là hộp quẹt Zippo, mặc giống như chiếc áo giáp.
- À quên nữa, thế chiếc nhẫn Không Quân mày đang đeo có định bán không, tao mua nó thật đấy!

Tôi trả lời:
- Chiếc nhẫn này của tôi quý lắm, là kỷ vật của tôi để kỷ niệm hồi học bay bên Mỹ, tôi không bán đâu.
Ông ta hỏi tiếp:
- À nghe nói bọn mày đi Mỹ học bay nó có cấp cho mỗi đứa một cái áo khoác màu xanh lá cây, bên trong có vải satin màu cam đẹp lắm, mày còn giữ không? Nếu có bán cho tao đi.

Tôi trả lời:
- Trong lúc loạn lạc, hồi miền Bắc mới chiếm miền Nam, tôi vất đi hết rồi đâu dám giữ, vì mình là dân „Mỹ ngụy“. À chú đi buôn lên xuống như vậy có bị công an hay trạm xét làm khó dễ không?
Chú ta hể hả cười nói:
- Có gì đâu, hễ tụi nó xét, là tao rút túi ra tờ giấy chứng nhận liệt sĩ, anh hùng diệt máy bay Mỹ, là tụi nó cho qua tuốt, vả lại tao là cựu Đại Úy có giấy tờ chứng minh mà mày, tụi nó thấy là run rồi. Coi vậy có tờ giấy tùy thân mắc dịch này cũng có lúc được nhờ cậy, chưa kể buồn buồn tao đeo cái huy chương bác Hồ phi công anh hùng ở ngực áo là tụi nó phát khiếp...ha ha.“

„À tao thấy trong hình bọn giặc lái chú mày mặc đồ bay đẹp và trông oai quá, đồ bay gì mà toàn là giây kéo (zipper), ăn mặc khít khao, có khăn quàng cổ màu tím, màu cam, hông đeo súng cá nhân, dây nịt súng có đầy đạn tùm lum, mang dao, máy truyền tin, súng bắn cứu nguy (flare gun) áo lưới mưu sinh (survival vest), coi chằng quá, đội mũ vải xanh dương (calo) trong oai ghê, tao thấy còn mê, chắc mấy em trong Nam khoái mấy chú mày lắm phải không? Tao thấy thằng nào trông cũng bảnh trai hết?“

Tôi trả lời:
- Thì đồ bay của chú cũng đẹp lắm mà?
Chú ta trả lời:
- Đẹp cái con khỉ khô, đồ bay mà của tụi tao mặc còn cài nút, mặc hai mảnh trên dưới, trông giống mấy thằng công nhân xí nghiệp chết mẹ, nhìn muốn mửa, còn lái Mig 17 giờ này còn mang nón bay bằng da (leather helmet), giống lính lái xe tăng vào đệ nhất thế chiến, trừ cái đám lái Mig 21 thì còn đội nón bay hao hao giống Mỹ, nhưng vẫn không đẹp bằng của Mỹ, còn mặt mày thì thằng nào trông cũng thấy ngố ngố, miệng hô hốc, vì tối ngày lo luyện bài chính trị Bác và Đảng, thì làm sao ga lăng được.

Nói ba hoa chích chòe, mà xe đã chạy tới Phú Lâm, xe đò chạy vô bến xe Xa Cảng miền Tây, có cả ngàn người đang lô nhô, bụi bặm, khói xe ngộp trời, xe ngừng tại bến, thấy chú ấy đang đợi các lơ xe thả xe đạp, máy may xuống. Tôi tình nguyện đứng giữ đồ cho chú ấy, bên cạnh chiếc cyclo máy đang nổ máy nghe xình xịch. Sau khi chất được hai chiếc xe đạp mini, một máy may, vài bọc hàng lỉnh kỉnh lên xe, chú ta đã ngồi gọn hẳn trong cyclo máy.

Chú ấy nói lần cuối:
- Bây giờ tao lên thành phố, đón tàu hỏa về Bắc, thôi tạm biệt chú em, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, cám ơn đã giữ đồ cho tôi lúc nẫy, thôi mình đi nhe.
Tôi giơ tay lên chào theo kiểu nhà binh, chú ấy cũng chào lại y chang.

Tôi đón xe lam về Sài Gòn cư xá Nguyễn Thiện Thuật, trong lòng không bao giờ quên lại câu chuyện gặp lại anh phi công Mig Hà Nội này, trông cũng thật tội nghiệp. Đúng là đất nước mất, mất tất cả, cộng sản thà bắt giết lầm, chứ không tha lầm, đa nghi như Tào Tháo. Vậy mà cũng có người nhẹ dạ nghe theo, rồi chết ân hận.
Tôi rất hối hận không có dịp hỏi tên của anh ta.

Chợ trời
Vào năm 1976, sau nước mất, tôi sống bằng nghề chợ trời (nghề chánh là làm việc cho hãng in (printing shop) trong thành phố nên không bị đi vùng kinh tế mới, nhưng đó là cái nghề để qua mắt công an phường khóm, chớ thật ra phải sống bằng nghề mua đi bán lại còn là gọi nghề chợ trời, khi thì buôn thuốc tây ở khu Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Nghi. Khi thì đi mua bán vàng và đô la Mỹ ở khu Lê Thánh Tôn, thấy vậy mà sống rất phây phả, ung dung.

Một bữa kia vào đầu năm 1979. Tình cờ tôi gặp lại anh phi công Mig-19 Hà Nội (hồi gặp trên xe đò Sài Gòn-Vĩnh Long). Lúc này trông anh ta thấy khác ra, không khác người Sài Gòn, tuy hơi ốm nhưng trông rất khỏe. Anh ta đang lái chiếc xe gắn máy Honda 50cc kiểu đàn ông màu đen, ngồi sau xe là một cô cũng khá trẻ đẹp ngồi ôm eo ếch (thoạt tiên tôi tưởng là anh ta chạy xe ôm).

Tôi hỏi:
- „Giời ơi trái đất tròn, bây giờ gặp lại chú, trông chú đẹp trai quá, chú còn nhớ tôi không?“
- „A thì ra anh...anh là phi công tôi gặp trên xe đò năm 1975 phải không?
- „Đúng rồi đó, a còn cô ngồi ở phía sau là...?
- „Bà xã mình đó.“ Anh ta dựng xe và nói tiếp:
- „Bà ấy nguyên là vợ một Thiếu Tá phi công của chế độ Sài Gòn, đi học tập và chết trong trại cải tạo năm 1977. Sau đó bà ấy phải lam lũ khổ sở buôn bán chợ trời để nuôi hai đứa con nhỏ, có vài lần bị công an nó bắt, mình là bạn bè bán hàng với bà ấy. Tôi lên đồn công an xin nó thả bà ra và mình nói là bà con của mình và xin đặc biệt thả ra, chứ không nó bắt đầy đi vùng kinh tế mới, nhận bừa là bà con nó vừa nể mình là cựu cán bộ.

Sau đó mình thấy tình cảnh đắng lòng mẹ góa con côi, còn tôi thì còn độc thân, vả lại làm ăn qua lại riết có cảm tình. Lấy nhau rồi tôi về nhà bà ấy ở khu đường Trương Minh Giảng, gần nhà thờ Ba Chuông (Sài Gòn) cho tiện. Buôn bán thì cũng tạm được, có điều lúc nào cũng cảm thấy bị rình rập bởi công an cộng sản, đất nước mang tiếng là Độc Lập - Tự Do, nhưng lúc nào cũng phập phòng lo sợ không biết bị bắt bất cứ lúc nào, vả lại thằng em Đại Úy Nhảy Dù đi học tập mới chết năm ngoái, còn ông chồng cũ của bà xã mình thì cũng chết trong trại tù ở Hoàng Liên Sơn (Bắc Việt), nên tôi buồn khổ lắm. Tôi không còn luyến tiếc ra miền Bắc nữa, chỉ ở trong Nam thôi.“

- „À chú mày có đường dây nào đi ra nước ngoài không? Chúng tôi không muốn sống sống ở đất nước này nữa!
Tôi nói:
- „Nếu chú thím đi chui thì lỡ bị bắt thì rất là nguy hiểm, vì chú là chính gốc cán bộ, còn nếu đi theo kiểu bán chính thức, tức là theo kiểu người Hoa thì đường này thì nó tính mỗi đầu người là 7 cây vàng, nhưng nó chắc và an toàn hơn, nhưng nó sẽ đặt tên chú là tên Hoa kiều chớ không lấy tên Việt Nam“
- „Số tiền đó tụi này lo được, nhưng chú em biết tổ chức đó ở đâu không?“
- „Tôi cũng đang đi tìm, nếu có sẽ cho chú thím hay“
- „Nếu muốn gặp, thì vợ chồng tụi này hằng ngày ở đây. Chỗ quán nước mía cạnh cây cột đèn và sẽ thấy có chiếc Honda màu đen này, thì tụi này có mặt ở đó.“
- „Thôi tạm biệt chú và chúc chú thím may mắn.“

Vượt Biên

Vào tháng 6/1979, vợ chồng chúng tôi đi vượt biển đường Vĩnh Long, ghe chở khoảng 300 người và sau một tuần lênh đênh trên biển thì đến đảo Tanjung Pinang, Indonesia. Cũng may là tàu đi vào tháng này biển rất êm và may mắn không gặp hải tặcThái Lan hoặc Mã Lai lộng hành, ở được hai tháng thì một ngày kia, tôi đang ở trại A đi qua khu trại B để thăm coi có ai quen không. Tình cờ tôi thấy một người đàn ông trông rất quen, anh ta đang sửa lại cái lều của mình.

Tôi hỏi đại:
- „Chú còn nhớ tôi không, có phải chú lái Mig-19?
Chú đưa lên miệng một ngón tay:
- „Này nói khẽ chứ, mình đây, sao chú em đến đảo này hồi nào. Tôi đi đường Bến Đáy ở Trà Vinh, tới đây vợ chồng chúng tôi ở trong lều này.“
Tôi hỏi:
- „Chú sắp được phỏng vấn bởi phái đoàn Mỹ chưa? à có điều này mình cần nói với chú là phải khai thành thật, không dấu diếm, phải khai báo sự thật về lý lịch cũ của chú nhé, đừng khai gian. Mỹ họ rất ghét ai nói láo, khai gian và nhớ khai đúng sự thật thì không bị trở ngại xin tỵ nạn theo diện chính trị (political asylum) nhé. Thôi chào chú thím và chúc may mắn.“

Tuần lễ sau là ngày tôi được phái đoàn Mỹ kêu lên phỏng vấn, mình mừng hết cỡ, vì ở trại tỵ nạn tuy không có làm gì, nhưng ngày nó kéo dài đăng đẳng. Chỉ trông lên đường định cư qua Mỹ, rồi có đi làm cơ cực cũng chịu.
Phái đoàn Mỹ gồm có một ông Mỹ trắng già khoảng 50-60 tuổi, một cô Việt Nam (ở bên Mỹ qua) làm thông dịch viên và một người Mỹ trắng mang mắt kiếng đen, râu rậm. Trông giống điệp viên Gestapo hay CIA với khuôn mặt rất lạnh lùng như pho tượng.

Nghe tôi học bay bên Mỹ mới về nước, ông Mỹ mang kiếng đen hỏi tôi bằng tiếng Mỹ:
- „ What is your name and your serial number?“
Tôi nói:
- „Yes sir, my name is ... and serial number is...“
Ông ta hỏi tiếp:
- „Do you know how to fly T-37 and can you let me know how to start the engine?“
Tôi bình tỉnh trả lời:
- „Carburator switch on, throtlle on, mixture to cold, prime switch to on, navigator light to on, ignition switch on and hold.“

Ông ta hỏi tiếp:
- „ What is the name of your jet engine and thrust?“
Tôi trả lời:
- „ Each engine has 1025 lbs thrust, has two J-69-T engines“
Tôi trả lời rành rẽ không lúng túng, không nói vấp vì đó là nghề củ của tôi mà (trong cuốn Dash 1 trước khi pre flight hay bị IP hỏi.)

Ông ta nói:
- „Very good, now you can go and let us interview the next one“
Tôi đứng dậy chào tay kiểu nhà binh rồi đi ra.
Buổi chiều hôm đó, tôi gặp lại anh ta (Mig-19) ở khu giếng lấy nước, thấy anh ta đang khom lưng khệ nệ khiêng hai thùng nước về cho gia đình xài.

Tôi chận lại hỏi nhỏ:
- „Sao bữa nay chú có được phái đoàn Mỹ phỏng vấn không?
- „Có chứ, hú hồn hú vía“
Tôi hỏi:
- „Chú khai thật hết phải không?“
- „Vâng theo lời chú em tôi khai thật hết“
- „Họ hỏi gì?“
- „Có ông Mỹ trắng mang mắt kiếng đen, có râu rậm, ông hỏi tôi bằng tiếng Việt. Trời đất ơi! ổng ta nói tiếng Việt theo giọng Bắc mới khiếp chứ“
- „Thế họ hỏi chú cái gì?“

- „Ổng Mỹ hỏi:“Nghe nói ông là người lái phi cơ Mig-19, xin ông cho biết, ông thuộc phi đoàn nào và căn cứ nào?“
Tôi trả lời:“Phi đoàn 925 tại Yên Bái, Bắc Việt“
Ông ta nói tiếp:“Anh học lái Mig-19 ở đâu?“
Tôi trả lời:“Tân Cương, Trung Quốc“
Ông ta hỏi tiếp:“ông có thể nói cho tôi biết cách đề (start) của phi cơ Mig-19?“
Tôi trả lời:“Đề máy như vầy...như vầy“
Ông ta hỏi tiếp:“Lý do nào mà ông muốn xin qua Mỹ?“
Tôi trả lời:“Tôi muốn ở thế giới Tự Do, tôi không thể nào sống dưới chế độ cộng sản. Tôi không thích cộng sản và tôi xin phép được tỵ nạn chính trị tại nước Mỹ“

Ông ta chỉ tay qua vợ con tôi hỏi:“Còn người đàn bà này là ai và hai đứa nhỏ này?“
Vợ tôi trả lời:“Tôi tên... và ...tuổi, nghề nghiệp nội trợ. Chồng cũ tôi tên là...cấp bực Thiếu tá, lái phi cơ khu trục A1H, phi đoàn 518 đóng ở Biên Hòa. Lúc trước chồng tôi học bay T-28 ở tại Keesler, thành phố Biloxi, tiểu bang Mississippi, và đã chết trong tù cải tạo trại Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt năm 1977. Tôi có hai đứa con với ảnh, đưa con gái được 11 tuổi và đứa con trai 8 tuổi. Vào năm 1978, tôi lấy anh này và anh ấy là người rất tốt, đến năm 1979 chúng tôi vượt biển đến trại tỵ nạn này.

Ông Mỹ trả lời:“Cám ơn ông bà, hồ sơ phỏng vấn của ông bà đã xong, xin ông bà ra về. Chúng tôi sẽ điều tra và sẽ thông báo cho ông bà biết sau“
Chú ta trả lời:
- „Chỉ vậy thôi, bây giờ mình như cá nằm trên thớt, không biết ra sao nữa. Có điều là vái trời là họ cho đi định cư bên Mỹ, đợi bao lâu cũng được, chớ đừng gởi trả về Việt Nam là chết bỏ mẹ“

Huyền diệu thay, một tháng sau gia đình tôi và gia đình anh ta được đi khám sức khỏe tại bệnh viện Tanjung Pinang và tuần sau thì lên thuyền đi Singapore để định cư bên Mỹ.
Gặp lại anh trên thuyền tôi hỏi:
-“Chúc mừng chú và gia đình được đi Mỹ, à chú biết định cư ở tiểu bang nào không?“
Anh ta trả lời:
- „Mình được gia đình Mỹ bảo lãnh, sang định cư ở Newyork, còn anh đi tiểu bang nào vậy?“

Tôi trả lời:
- „Tôi được bảo lãnh về tiểu bang Cali, thôi xin gặp lại chú thím nhé“
Anh ta trả lời:
- „Cám ơn anh đã chỉ bảo cặn kẽ lúc phỏng vấn, thôi tụi mình đi nha, hẹn sớm gặp lại“

20 Năm Sau: Little Saigon - California

20 năm sau tình cờ tôi gặp lại chị ở Little Saigon, con cái đều thành công và công ăn việc làm ổn định. Nhưng đổi lại với nét buồn trên khuôn mắt chị và tôi nhìn thấy trên bàn thờ hình ảnh hai vị phi công đã cất cánh bay cao, ở một nơi mãi mãi Tự Do, không có bóng dáng cộng sản đang từng ngày dày xéo trên quê hương Việt Nam bé nhỏ thân thương.

Sau khi định cư ở Mỹ, tôi đi làm cho một hãng đóng máy bay F-16 ở tại San Diego được 20 năm. Một ngày cuối tuần năm 2000, vào trung tuần tháng 5, vợ chồng tôi rủ nhau đi lên Santa Ana để đi chợ Việt Nam mua thức ăn và nhân tiện ghé một nhà hàng bán phở tại khu Westminster. Chúng tôi vào nhà hàng ăn, vừa ngồi ghế xong, là có một người đàn bà, cầm menu đưa chúng tôi và hỏi:
- „Thưa ông bà dùng chi và đây là thực đơn, xin ông bà lựa chọn món ăn“

Tôi ngẩng lên nhìn và trông thấy bà này quen quen ở đâu nè, tuy nét mặt khoảng trên 50 tuổi nhưng nét đẹp vẫn còn đó. Tôi hỏi đại:
- „ Hình như bà chủ tên...lúc trước ở Sài Gòn, khu nhà thờ Ba Chuông thì phải?“
Bà ta trả lời và mừng rỡ:
- „A hình như đây là chú...mình hồi đó có làm ăn trên đường Lê Thánh Tôn“
Tôi mừng quá nói:
- „Đúng rồi! chính mình đây, ủa anh đâu rồi chị? anh khỏe không?

Bà ta sầm nét mặt và buồn rười rượi nói:
- „Anh mất hơn hai năm rồi, anh bị đột quỵ (Stroke) khi đang ở trong bếp. Anh ấy đi làm technician trên 15 năm ở một hãng điện tử, thì xin về hồi hưu rồi để dành chút tiền để mở tiệm phở này. Tính ra hai vợ chồng già sống qua ngày, không phải đi làm vì hai đứa con đã lớn hết rồi. Con bé thì học ở UCI xong ra làm bác sĩ ở bệnh viện Fountain Valley, còn thằng con trai học xong ở UC Davis ra làm kỹ sư cho hãng Boeing ở Long Beach, tụi nó có gia đình hết rồi.

Bây giờ anh ấy mất rồi, tôi buồn quá, cũng nhờ có công việc ở nhà hàng bề bộn nên thời giờ qua mau và bớt lo buồn. Bây giờ tôi có thờ linh cốt (Tro) anh ấy trong chùa Điều Ngự và thờ linh vi thì ở nhà và trong văn phòng nhỏ trong tiệm này. Chị dẫn chúng tôi vô văn phòng nhỏ của chị, trên tường có thờ hai linh vị của: Thiếu Tá Phi Công thuộc PĐ 518 và anh phi công Mig-19. Tôi đốt nén nhang lên khấn vái và kính chúc hai anh chóng siêu thoát lên cõi niết bàn. Hai anh đã cất cánh bay về miền viễn cực lạc, ở một nơi mãi mãi tự do, không còn khổ đau như trần thế.

Chị nói:“ Khi không anh em đánh giết lẫn nhau cũng vì ngoại bang, anh em cũng một nhà, cùng một nước, nói cùng ngôn ngữ vả lại có chiến tranh cũng vì ngoại bang gây ra, chị cầu mong cho đất nước mình, một ngày không còn cộng sản, có thể chế tự do dân chủ và không bao giờ có chiến tranh nữa.“

SVSQKQ 

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...