Một bài về thời bao cấp HN, viết bởi một nhà báo kiêm nhà văn tên LPK
Tôi nghe nói ở HN một thời người ta truyền tai nhau những câu đồng dao như:
“Tôn Đản là chợ vua quan
Đặng Dung là chợ trung gian nịnh thần
Đồng Xuân là chợ thương nhân
“ Với chính sách hoang tưởng của những người kiêu căng sau chiến thắng 1975 như cải tạo tư sản SG (địa danh ở miền nam nước Nam Tàu), tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH (thứ chủ nghĩa ngoại lai du nhập vào Nam Tàu) , sáp nhập tỉnh, xây dựng các huyện trong cả nước thành 500 pháo đài XHCN, kể cả tham vọng làm bom nguyên tử, dời thủ đô lên Tây Nguyên làm bá chủ vùng Đông Nam Á của TBT 3D vv… vv… đất nước đã đi vào ngõ cụt.
Chưa bao giờ cán bộ và nhân dân HN khốn khổ như thế. Và tất nhiên là các địa phương còn khốn khổ hơn. Viết cuốn sách 1,000 trang cũng không thể nói hết về sự đói khát của nhân dân thời đó, tức từ năm 1975 đến cuối năm 1980, đến 1981 khi tôi rời HN vào Nam. Nghe nói sau đó còn tệ hơn.
Một buổi sáng, tôi đèo cái can nhựa sau xe máy đi mua dầu hỏa theo tem phiếu để nấu ăn bằng bếp dầu (thứ bếp thịnh hành thời đó). Khi tôi dừng xe ở chợ Mơ để mua gói thuốc lá chợ đen giá cao, tôi thấy một chị công nhân nhà máy dệt 8-3 mặt xanh xao, người gầy ốm đang ngồi xụt xịt khóc. Lúc đó chị đi làm ca đêm về, tôi hỏi:
“Sao chị không về nhà đi?”
Chị không trả lời ngay mà vẫn khóc, gặng hỏi mãi chị mới kể cho biết người chồng đã ốm suốt cả tuần nay, anh chỉ thèm có một bát cháo thịt. Cho thuốc gì anh cũng không uống, chỉ nói: cho bát cháo thịt là khỏi ngay! Chị không đủ tiền mua 1kg thịt của “con phe” (thời đó những người bán thịt rong bị gọi là con phe).
Chị năn nỉ một “con phe” bán cho 100 gram vì không đủ tiền mua cả 1 kg, và chị sẽ trả cao hơn giá bán (chẳng hạn 10 đồng/kg, chị trả 11 đồng). Nhưng con phe đã không bán mà còn chửi té tát vào mặt chị:
“Không có tiền thì ăn máu L… đừng hỏi mua thịt! “
Chị tủi thân quá, thương chồng nên khóc…
Thời đó những công nhân đi làm ca đêm và những người không có thời gian đi xếp hàng phải bán tem phiếu cho “con phe”. Con phe móc ngoặc với mậu dịch viên để mua được thịt ngon bằng tem phiếu, sau ra ngoài bán lại cho người dân giá cao kiếm chênh lệch. Và đó là nguồn sống của chính họ.
Nghe chuyện chị kể, tôi an ủi chị đừng khóc nữa và cứ ngồi yên đó, tôi sẽ đem về cho 100 gram thịt. Nói xong tôi phóng xe lên cửa hàng thực phẩm tận chợ Cửa Nam, nơi bà chị gái thứ hai làm cán bộ mậu dịch ở đó để có được 100 gram thịt nạc. Tôi vẫn còn nhớ rõ sự sung sướng của chị ngày ấy và đó là việc có ích nhất là tôi làm được trong cả đời cầm bút của mình. Có phải thế không, hỡi bạn đọc vĩ đại của tôi!
Tình hình kinh tế đất nước ngày một bi đát vào những năm 1978-1979-1980… trong khi đó hai đứa con trai của tôi đang độ tuổi lớn. Một đứa 7 tuổi, một đứa 9 tuổi. Vợ tôi lương giáo viên cấp 2 ít ỏi. Tôi lương phóng viên bậc thấp, không chức không quyền chẳng có bổng lộc gì nên gia đình càng ngày càng túng thiếu.
Vợ tôi ngày nghỉ phải nhảy tàu về Cẩm Giàng, nơi cô ta dạy học trước đây để đem mì sợi, thứ bột mì được kéo thành sợi bán vào tiêu chuẩn lương thực hàng tháng của cán bộ công nhân viên nhà nước để đổi lấy gạo ở các chợ quê. Đổi như thế lợi hơn nhiều, vì ở nhà quê bà con mò được con cua con ốc, nấu thành canh ăn với mì sợi thay bún rất lạ miệng, rất ngon. Hàng ngày vợ tôi ngoài công việc ở cơ quan là cắm đầu vào đan len thuê để kiếm thêm chút tiền mua gạo cho hai thằng con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tướng Qua (chú tôi ) từ ngày được đeo lon tướng, tuy chức vụ vẫn là cục trưởng nhưng hàm thì ngang thứ trưởng nên có xe riêng, được lãnh sổ mua hàng ở cửa hàng cao cấp Tôn Đản. Bà thím tôi vì thương vợ chồng tôi lương ít nên mỗi lần đi mua sắm ở Tôn Đản đều hẹn vợ tôi lên nhà và cho đi theo. Cái gì bà mua thì mua, còn lại cho vợ tôi mua. Vợ tôi mua những thứ linh tinh ở cái “chợ của vua quan” đó, đem ra “chợ của nhân dân anh hùng” là vỉa hè bán kiếm chút chênh lệch, thêm thắt vào cuộc sống khó khăn của gia đình. Nhìn vợ tôi ngồi ở vỉa hè, bán những thứ mà “bọn tư bản giãy chết” vứt đi không hết ấy mà phải “ân huệ” lắm mới được bước chân vào “chợ vua quan” Tôn Đản mua ra… tôi ngán đến tận cổ cái CNXH ưu việt mà tôi đang phải sống. Tôi bắt đầu nẩy sinh ra tư tưởng rời bỏ Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên để vào Nam. Cụ thể hơn là vào Đồng bằng sông Cửu Long mà những lần tôi đi công tác đã được thấy tận mắt cảnh trên bến dưới thuyền, “gạo trắng nước trong” và tính tình cở mở, vô tư của đồng bào Nam Bộ.
Một lần, đi máy bay từ SG ra HN, tôi phải dành xuất ăn nhẹ được phát trên máy bay (có một khúc bánh mì kẹp thịt, một cái bánh ngọt, một gói đường nhỏ để uống trà …) mang về làm quà của bố sau một chuyến đi công tác dài ngày cho hai thằng con trai đang đói khát ở nhà. Nhìn hai thằng chia nhau mẩu bánh mì và cái bánh ngọt, còn gói đường nhỏ cũng chia nhau… tôi không còn do dự gì nữa cho sự ra đi của mình.
Hồi đó, HN cũng nở rộ chuyện tiếu lâm. Ở các quán nước, được gọi là quán “trà xụp” ở vỉa hè, đâu đâu cũng được nghe tiếu lâm. Chuyện tiếu lâm chủ yếu mang chủ đề chính trị-xã hội. Những chuyện thời đó mà ai cũng biết như: nhà 5 tầng không hố xí, bạn học của anh Ba (3D)… Có điều đáng chú ý là chuyện về TBT 3D chiếm vị trí số 1. Có lẽ vì dân HN quá đói khổ lúc đó, lại luôn phải nghe những lý thuyết hoang đường như “làm chủ tập thể” và những lời hứa hão huyền “mỗi nhà đều có TV, tủ lạnh” của TBT từ sau cơn bốc đồng chiến thắng 30/4/1975 nên các “sĩ phu Bắc Hà” tập trung sáng tác giai thoại về ông ta. Tạm kể mấy giai thoại “ai cũng biết” thời đó, để đời sau… biết những câu chuyện không “chính sử” này.
Chuyện kể rằng: có một ngôi nhà tập thể ở Hà Nội được xây tới 5 tầng lầu. Khi xây xong công ty xây dựng mời khách đến khánh thành và tham quan. Quan khách thắc mắc:
“vì sao tầng 1 lại không có hố xí? “
Giải thích:
vì tầng 1 bố trí làm nhà trẻ cho các cháu mẫu giáo, các cháu ỉa bô không cần hố xí.
Đến tầng 2 khách lại thắc mắc vì sao không có hố xí?
Giải thích: tầng 2 giành cho sinh viên ở, sinh viên nó ăn gì mà ỉa!
Tầng 3 được giải thích là để bố trí cho các nhà văn, nhà báo ở. Họ quen ỉa vào mồm nhau rồi nên không cần hố xí.
Tầng 4 được giải thích là bố trí cho các hộ độc thân, và họ ỉa ở cơ quan rồi.
Tầng 5 là để bố trí cho các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước ở, họ quen ỉa lên đầu nhân dân rồi nên cũng không cần đến hố xí.
Chuyện thứ hai: có một hôm, một anh chàng đến số 6 phố Hoàng Diệu (nhà riêng của 3D), xin gặp đồng chí TBT. Bảo vệ hỏi:
“anh quan hệ với TBT như thế nào? “
Anh chàng kia trả lời: Bạn học cũ!
Anh ta liền bị còng tay ngay vì đồng chí 3D có đi học bao giờ đâu mà có bạn học!
Chuyện thứ ba: có một nhóm phản động, hàng đêm đem cả bị vứt vào số 6 Hoàng Diệu. Công an mang về điều tra thì thấy toàn là sâm nhung quế phụ. Đem xét nghiệm thì thấy đây là thuốc bổ thứ thiệt không phải hàng giả. Công an bố trí bắt được nhóm người vứt đồ vào nhà TBT, tra hỏi mãi chúng mới nói thật là, tổ chức phản động nước ngoài cốt làm thế để TBT 3D sống mãi, để phá hoại đất nước Nam Tàu.
———————
Tác giả: LPK
No comments:
Post a Comment