Thursday, June 3, 2021

Cổ Thành Quảng Trị...Trị Thiên Vùng Dậy - Năng Văn Lê


48 giờ nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ, ở ngã tư An Sương, Hốc Môn, đối với tôi, ra Sài Gòn làm một chầu cà phê ở quán Mai Hương, Pagode thế là đủ.

Khi chưa kết hôn, 7 ngày phép với tôi là… quá dài, tới ngày thứ tư, tôi đã thấy bồn chồn, ngày thứ năm, tôi nhớ đồng đội, nhớ đơn vị… Rồi tôi không thể nghỉ phép hết ngày thứ sáu. Tôi về đơn vị, không khí ở đó mặn nồng hơn, vui vẻ hơn, so với những ngày phép ở ngoài, sao nó lạt lẽo, đôi khi vô vị. Đúng vậy, chẳng có mùi vị gì hết. Vì vậy, khi người bạn học cũ hỏi tôi:

“Mày mới từ tử địa An Lộc về, giờ lại ra miền Trung, bộ không ngán súng đạn sao?”

“Bây chừ thì chưa, bây chừ tao thấy đi hành quân với đơn vị, anh em, mà lại còn về Huế nữa, là… vui lắm.”

Với cái vui ấy, tôi cùng anh em 81 Biệt Cách Nhảy Dù lên mấy chiếc C-130 của quân đội Mỹ, bay ra phi trường Phú Bài ngày 28 tháng Sáu, năm 1972.

Chúng tôi phải đi gấp vì lệnh của tổng thống đấy.

Hôm đại lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu năm 1972, tổng thống đọc diễn văn và ra lệnh cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, trong vòng 3 tháng, phải chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị. Kể từ hôm tổng thống ra lệnh, đến ngày chúng tôi lên máy bay chỉ mới 9 ngày. Ngoài ấy, Tướng Ngô Quang Trưởng đang là tư lệnh chiến trường, ngoài các đơn vị của Quân Đoàn I, thì các Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến cũng đã có mặt rồi. Không những quân đội chúng ta giữ được phòng tuyến sông Mỹ Chánh, mà lại còn đang phản công ra phía Bắc con sông nầy.

Xuống ở phi trường Phú Bài, chúng tôi được quân xa đưa thẳng ra PK.17, tức là Đồn Cây Số 17, như dân chúng thường gọi. Đây là căn cứ của Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Trung đoàn đã ra trận, chỉ còn một ít binh sĩ ở lại phòng thủ doanh trại.

Đêm đó, như thường lệ, trước mỗi cuộc hành quân, chúng tôi nhận 7 ngày lương khô và được Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn chỉ thị nhiệm vụ cho từng đại đội. Ông đã được vinh thăng đặc cách đại tá tại mặt trận Bình Long, An Lộc, cũng như về sau này tất cả quân nhân khác trong đơn vị có tham dự tại chiến trường An Lộc, mỗi người đều được thăng một cấp.

Tôi, đại đội trưởng Đại Đội 4, cùng Đại Úy Nguyễn Ích Đoan, đại đội trưởng Đại Đội 1, được lệnh đưa hai đại đội ngày mai lên đường tăng phái cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù của Thiếu Tá Lê Văn Mễ. Đơn vị nầy mới từ Charlie về, vừa bổ sung tái huấn luyện, ra Quảng Trị hồi đầu tháng 5, ngay sau khi thành phố Quảng Trị bị mất, nay đang hành quân từ phòng tuyến Mỹ Chánh, tiến dọc theo các ngọn đồi sát chân núi Trường Sơn, phía Tây Quốc Lộ 1. Mục tiêu của Tiểu Đoàn 11 Dù là Nhà Thờ La Vang. Tiểu Đoàn 11 Dù đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đại đội tôi được quân xa chuyển đến gần ngã ba đường vào xã Ưu Điềm, từ đây chúng tôi men theo hai bên Hương Lộ, để di chuyển về hướng Mỹ Chánh, vượt qua cầu Mỹ Chánh vào khoảng trưa, Đại Đội phân làm 2 cánh, tiến ra hướng Bắc, ở hai bên Quốc Lộ mới do Công Binh Mỹ vừa xây xong. Đường nầy không đi qua Diên Sanh, Phủ Lỵ Hải Lăng cũ. Trong một ngày đường là chúng tôi tới khu vực Đại Lộ Kinh Hoàng.

Một khung cảnh quá khủng khiếp hiện ra trước mắt, đã làm cho máu tôi ứa trào lên. Tại sao Việt Cộng tàn ác đến như vậy?

Đó là câu hỏi đầu tiên hiện ra trong trí tôi. Những cái ác mà tôi không thể tưởng tượng nỗi, không thể chịu đựng nỗi, không thể chấp nhận được. Tôi vốn là một Phật tử mà. Nhưng dù là một Phật tử, máu tôi không thể không sôi sục dâng trào trước cảnh tượng bất nhân, tàn ác đó.

Trên mặt đường nhựa, xác người dân nằm la liệt, ngổn ngang. Thây người chết ở mọi tư thế khác nhau, nằm sấp, nằm ngửa, nghiêng. Xác thì chân tay dang ra, xác thì chân hay tay co lại. Xác nầy chồng lên xác kia, dồn đống, có xác một mình co quắp bên lề đường… Cái mất đầu, cái mất tay, mất chân.

Có xác đàn ông, có xác đàn bà, có xác trẻ em, có xác không còn nhìn ra là đàn ông hay đàn bà nữa. Không thể nào tả hết được!!!

Đoạn đường Việt Cộng giết người nầy, xảy ra ngay ngày Việt Cộng chiếm thành phố Quảng Trị, ngày 1 tháng Năm, năm 1972 và những ngày tiếp sau đó.

Vậy là đồng bào nằm đây đã gần hai tháng, da thịt đã rữa. Có nơi xương trắng đã bày ra, sọ, tay chân hay xương sườn. Dù quân nhân mặc đồ trận hay thường dân, thì đồ trận, áo quần cũng đã phai màu, mục nát. Mái tóc dài của mấy mẹ, mấy chị, mấy cháu đã tróc khỏi sọ não, bay là đà theo từng cơn gió thoảng, trên mặt cát còn xông đầy mùi tử khí.

Họ là những người trốn chạy, dù họ là dân sự hay quân nhân. Họ trốn chạy Cộng Sản. Họ trốn chạy chiến tranh. Họ trốn chạy tên bay đạn lạc, dù không biết rõ của phe bên nào. Giết chết những người trốn chạy! Vậy là vô nhân đạo, là vô lương tri, là kẻ giết người dã man, họ đã đi tới chỗ tận cùng của lương tâm.

Trên mặt đường và cả hai bên vệ đường, bên cạnh xác người là lỗ chỗ các hố sâu của đạn súng cối, đại bác, hỏa tiễn mà giặc cộng đã nhẫn tâm rót xuống để giết hại đồng bào và những trẻ thơ vô tội.

Xe cộ nằm dọc theo đường đi, mũi xe hướng về Nam, xe quân đội, xe dân sự, xe hàng, xe đò chở khách, xe lớn nhỏ đủ các loại. Nhiều chiếc bị cháy sạm đen, nhiều chiếc bị đạn pháo bắn hư hại một phần hay hoàn toàn. Rải rác đây đó là các loại xe gắn máy, Vespa, Lambretta, Honda, Mobylette và khá nhiều xe đạp, hầu hết, bị hư, cong vành bể lốp chỉ còn là đồ phế thải.

Dù là một người lính trận, từng vào sinh ra tử, tôi không dám nhìn kỹ những cái xác ấy. Kinh hoàng quá! Kinh hoàng quá! Tàn ác quá! Tàn ác vô cùng tận!!!

Chúng tôi lặng yên di chuyển trong đau buồn và tức giận, vừa sẵn sàng súng đạn để phản công nếu địch phục kích, lại cũng vừa để tránh địch phát hiện. Chúng sẽ pháo, pháo dồn dập nếu thấy chúng tôi.

Đêm mùa Hè, trời tối chậm, chúng tôi được lệnh dừng quân nghỉ qua đêm. Tôi cho lệnh các trung đội đào hố cá nhân phòng thủ ở cả bốn hướng, trải rộng dọc theo hai bên Quốc Lộ 1, để tránh tổn thất khi bị địch pháo kích, đồng thời là để phản ứng ngay nếu bị địch tấn công. Tôi và Ban Chỉ Huy Đại Đội đóng cạnh một chiếc xe GMC của phe ta bỏ lại.

Đêm trôi đi trong bóng tối tĩnh mịch, thỉnh thoảng có ngọn gió thổi qua, tôi thấy dễ chịu đôi chút. Nhưng suốt cả đêm, tôi chỉ chợp mắt từng chặp. Tôi không sợ chết, nếu thần chết có đến, tôi sẽ chống lại, như cái bản năng sinh tồn của muôn loài muôn vật.

Chính tôi đã viết trên tường Đài Tử Sĩ ở An Lộc: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Nói câu đó, và khắc viết lại câu nói đó của người xưa, tức là tôi đã chấp nhận cái kỷ kiến ấy rồi, có chi mà tôi phải thắc mắc.

Nhưng những thây người nằm ngổn ngang đang rửa mục, trên đoạn đường đi qua hồi chiều ám ảnh tôi, làm tôi không ngủ được. Chiến tranh là tàn ác. Những người đi đánh trận như tôi, vì Tổ Quốc, vì đồng bào, tôi chấp nhận nó. Nhưng với những người nằm chết kia, tôi thấy tội nghiệp cho họ, hay như câu Mạ tôi thường nói: “Tội vô cùng”. Tội cho họ quá, không làm sao một con người còn có lương tâm, có thể chấp nhận được.

Sáng hôm sau thức dậy, nhìn vô thùng xe, nhìn chung quanh lại đầy rẫy xác người chết khô, nằm co quắp, nằm dọc dài trên thảm cát, bên vệ đường.

Thật là quá thương tâm, não ruột. Tôi không kềm chế được nỗi xúc động, hai dòng nước mắt ứa trào.

Đại đội tiếp tục tiến ra hướng Bắc, tới một cây cầu, có phải là Cầu Dài như tên dân chúng thường gọi, đã bị sụp đổ, chúng tôi phải trầm mình lội nước vượt qua sông.

Tôi xem lại bản đồ, bên cạnh Quốc Lộ 1, về phía trái hướng Tây, song song với Quốc Lộ là đường xe lửa Saigon-Đông Hà. Bên kia đường xe lửa là khu đồi hoang, lúp xúp cây dại, cây mua và cây sim. Có lẽ vùng nầy tới mùa hoa nở, hoa mua và hoa sim phủ kín ngọn đồi. Nó giống như những ngọn đồi miền Trung, Bình Trị Thiên hay Thanh Nghệ Tĩnh vậy. Đây là “Những đồi hoa sim, màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt.” Tiếc rằng, tôi cũng là người chiến binh, không có thì giờ lang thang qua những đồi sim nầy để thấy màu tím của quê hương.
Di chuyển thêm chừng cây số nữa, bên trái là một căn cứ pháo binh của Sư Đoàn Dù, tình cờ tôi gặp Chuẩn Úy Hoàng Công Thức, Khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, là em một người bạn học cùng xóm, con trai Thầy Hoàng Văn Ngũ, giáo sư Sinh Ngữ Trường Trung Học Công Lập Nguyễn Tri Phương, Huế. Anh là Tiền Sát Viên Pháo Binh của Sư Đoàn Nhảy Dù, đang hoạt động vùng nầy.

Sau cùng, đại đội tôi cũng đã tiếp cận tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, tôi trình diện Mê Linh, tức là Thiếu Tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù. Cùng gặp Mê Linh với tôi sau đó là Đại Úy Nguyễn Ích Đoan, đại đội trưởng Đại Đội 1 Biệt Cách Nhảy Dù.

Mê Linh giao nhiệm vụ cho hai đại đội Biệt Cách Dù là tái chiếm Nhà Thờ La Vang, tên mới là Vương Cung Thánh Đường La Vang: “Đại đội các anh phải chiếm lại nhà thờ nầy và giữ nó, không cho địch chiếm lại.” Có nghĩa là Dù đã chiếm nó. Đó là công lao của “Hùng Móm,” nhưng Hùng phải bỏ nó lại đi tiếp xuống để đánh vào thành phố Quảng Trị, thừa cơ hội đó, VC chiếm lại mục tiêu nầy.

Con đường tiến quân của Cộng Sản đánh vào Quảng Trị là con đường từ Ba Lòng xuống Như Lệ, Phước Môn, bên hữu ngạn Sông Thạch Hãn, theo một con đường bỏ hoang đã lâu, có cái tên cũ là đường Bảo Đại. Nó không giống như con đường Trần Lệ Xuân ở Phước Long, con đường đi lấy gỗ rừng của dân xe be khai thác gỗ.

Ở đây, đường Bảo Đại là con đường đi săn của nhà vua trước năm 1945, khi ông vua ham săn bắn nầy còn ngồi trên ngai vàng. Quân Cộng Sản đã theo con đường này, đưa quân chiếm lại Nhà Thờ La Vang. Nó cũng có nghĩa là khi Tiểu Đoàn 11 Dù từ hướng Tây đánh vào thành phố, thì coi như Tiểu Đoàn đưa lưng ra cho địch từ sau đánh tới. Trong ý nghĩa đó, hai đại đội Biệt Cách Dù có nhiệm vụ lấy lại Nhà Thờ La Vang, và giữ nó là nhằm mục đích bẻ gãy ý đồ của địch.

Bây giờ chúng tôi lại phải áp dụng chiến thuật sở trường: Đánh đêm.

Vị trí giữa địch và ta đã thay đổi. Trước kia, chúng ta ở trong đồn, VC công đồn, chúng phải đánh ta vào ban đêm, chúng ta khó phát hiện địch. Bây giờ thì chúng ta phải công đồn, chúng ta cũng đánh đêm, địch không thể phát hiện được ta.

Nhà Thờ La Vang mặt quay về hướng Đông. Đại Đội 1 đánh từ hướng Tây Tây Nam, phía có Hang Đá Đức Mẹ. Đại Đội 4 tôi cũng đánh từ hướng Tây, Tây Bắc, phía có con đường đi lên Nhà Thờ Phước Môn ở phía Tây Nhà Thờ La Vang, gần chân núi Trường Sơn hơn.

Vào nửa đêm, chúng tôi âm thầm hai cánh quân tiến sát vòng đai Nhà Thờ La Vang, vừa dàn quân lại gặp một trận mưa lớn, chúng tôi án binh bất động.

Trời vừa sáng, dứt cơn mưa, quan sát các bố phòng của địch, tôi điện báo cho Đại Úy Đoan để phối hợp tác chiến, rồi bắt đầu phát lệnh xung phong, tấn công chớp nhoáng, ào ạt, địch quá bất ngờ, nên một số đã bị tiêu diệt, một số vất súng đầu hàng, vài ba tên tháo chạy vào bên trong nhà thờ, dùng B.40, AK.47 tác xạ chống trả, nhưng đã bị cánh quân hướng Tây Bắc của Đại Đội 4 chúng tôi ném lựu đạn triệt hạ 20 tên và bắt sống 5 tên. Chúng tôi 03 tử thương và 12 bị thương. Thu dọn chiến trường xong, Đại Đội 1 được lệnh ở lại bố phòng Nhà Thờ La Vang. Đại Đội tôi tiếp tục tiến về hướng Đông Đông Bắc để thanh toán mục tiêu kế cận là Chi Khu Mai Lĩnh.

Chi Khu Mai Lĩnh, thuộc Quận Mai Lĩnh, tọa lạc trên đoạn đường rẽ, tên thường gọi là Ngã Ba Long Hưng, là con đường cũ đi vào thành phố, phía ngoài sân vận động Quảng Trị cũ, kế cận trường Trung Học Nguyễn Hoàng.

Trên con đường tiến quân từ Nhà Thờ La Vang đến Chi Khu Mai Lĩnh, đại đội tôi bị tử thương một khinh binh và một tiểu đội trưởng vì đụng chốt VC tại ngã ba đường La Vang và Quốc Lộ 1. Nhổ chốt là sở trường của Biệt Cách Nhảy Dù, theo chiến thuật của Đại Tá Huấn. Pháo Binh cho nổ một tràng vào vị trí địch, buộc địch phải lụt đầu xuống, núp trong các hố cá nhân. Các viên đạn cuối là đạn lép. Trong khi, nghe tiếng đạn đi, VC còn núp, thì chúng tôi biết đó là đạn lép, không có gì nguy hiểm, liền nhanh chóng áp sát chỗ chúng ẩn núp, nhờ đó, chúng tôi thanh toán bọn chúng không mấy khó khăn.

Đại đội tôi cũng áp dụng chiến thuật đánh đêm để tiến chiếm Chi Khu Mai Lĩnh. Đơn vị VC chốt lại đây không đông, khoảng 15 hay 20 tên, chúng nằm trong các công sự có sẵn trong Chi Khu để chống trả, và vì thế mà chúng đã không ngờ binh sĩ của đại đội tôi, một nửa ém quân bên ngoài, thỉnh thoảng tác xạ súng phóng lựu M.79 vào bên trong Chi Khu, một nửa lợi dụng trời tối đen như mực đã bò vào nằm sát bên ngoài công sự, khi chúng tác xạ chống trả đã để lộ mục tiêu, nên bị chúng tôi ném lựu đạn giết chết và làm trọng thương hầu hết.

Ở lại trấn thủ Chi Khu Mai Lĩnh được hai hôm, đại đội tôi được lệnh tăng phái cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Bùi Quyền, Thủ Khoa Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt, đang hành quân ở phía Đông Thành Cổ. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đang đóng tại khu vực Thôn An Thái cách Cổ Thành khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Trình diện danh tánh, cấp bậc, chức vụ với tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5, Thiếu Tá Bùi Quyền nhìn tôi nói đùa:

“Tôi thì nhỏ con, Trung Úy Lực thì to con, vậy tôi gọi ông là Lực Đô nhé, à… à… mà Lực Đô nói lái là Lộ Đức, vậy thì Lộ Đức là ám danh đàm thoại vô tuyến tôi đặt cho trung úy trong cuộc hành quân này, trung úy, có chịu không?”

Nói xong, Thiếu Tá Quyền cười vui vẻ vì cái sáng kiến độc đáo của ông. Nhờ ông, mà cái biệt danh Lộ Đức đã đeo đẳng theo tôi từ đó cho tới bây giờ.

Hôm sau Đại Đội 3 của Đại Úy Phạm Châu Tài cũng được điều động đến tăng cường cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.

Thiếu Tá Bùi Quyền họp các đại đội trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và Biệt Cách Dù để ban lệnh hành quân. Ông giao cho tôi nhiệm vụ tấn công chiếm cứ nhà thờ Hạnh Hoa Thôn, thuộc làng Cổ Thành, quận Triệu Phong. Đai Đội 3 là lực lượng trừ bị. Thôn nầy ở bên sông, đẹp như cái tên của nó, nằm trên con đường đất hẹp, từ phía Đông Thành Cổ ra tới bờ sông Vĩnh Định, Thôn Hạnh Hoa có những ngôi nhà cổ, vườn rộng, cây lá xanh tươi, nhiều gốc mai lưu niên, có thể là trồng từ lâu lắm, đã mấy chục đời.

Nhà thờ Hạnh Hoa nhỏ, đối diện với bên kia đám ruộng nhỏ là nhà thờ Tri Bưu cao lớn, có tháp chuông vươn khỏi những ngọn tre làng.
Địch đang chiếm cứ trong nhà thờ.

Đánh trận ở đây, khi thấy địch chiếm đóng nhà thờ, tôi thường nhớ lại một câu trong bài hát: “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”:

“Từ khi giặc tràn qua Xóm Đạo,
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương”.

Vâng, tôi là người chiến sĩ giữ quê hương và tôi đang đuổi giặc ra khỏi xóm quê nầy, mặc dù tôi chẳng có một em nhỏ nào cả “để nghe khe khẽ lời em nguyện” mà chỉ có “luyến thương chan chứa Tình Quê Mẹ” mà thôi.

Hình như quân Cộng Sản chỉ quen với chiến thuật tấn công hơn là chiến thuật phòng thủ. Nhờ vậy chúng tôi lần nữa sử dụng kỹ thuật đánh đêm. Tôi bung bốn trung đội men theo các nhà dân bị đổ nát, song hành tiến sát nhà thờ Hạnh Hoa Thôn. Lại một trận mưa rào đổ xuống đã giúp xóa bớt tiếng động di hành của chúng tôi, và nhờ đó mà đại đội đã vào chiếm cứ nhà thờ không một tiếng súng nổ. Đáng buồn là khi trời hừng sáng, địch đã nổ súng phản công và trong lần đụng độ này, tôi mất người hiệu thính viên mà tôi rất thương mến: Hạ Sĩ Chấn. Anh đã hy sinh ngay khi đang cầm ống nghe liên lạc báo cáo với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, thì bị một viên đạn địch bắn trúng đầu.

Vào ngày hôm sau, từ tờ mờ sáng đại bác của VC tác xạ liên hồi từ hướng Tây vào các vị trí phòng thủ của các đơn vị Nhảy Dù, đại đội tôi và rải rác quanh khu vực phía Đông của Cổ Thành. Vừa ngưng pháo thì VC bắt đầu mở cuộc tấn công quy mô với một đơn vị Cộng quân đông hơn quân số đại đội tôi tới khoảng 5 lần.

Bọn chúng từ một ngôi làng ở hướng Bắc Thôn Hạnh Hoa, ồ ạt xung phong biển người tấn công vào nhà thờ Tri Bưu và nhà thờ Hạnh Hoa. Chúng tôi sử dụng hết hỏa lực của mình để ngăn giặc. Nhưng kỳ lạ chưa? Bọn chúng như điên cuồng, như rồ dại, như uống bùa mê thuốc lú, hết lớp nầy ngã xuống, lớp sau tiến lên. Lớp sau ngã xuống, lớp sau nữa tiến lên. Không những chúng tôi ngạc nhiên, thấy kỳ lạ mà còn kinh hoảng nữa, tự hỏi: “Sao bọn chúng ngu xuẩn, điên rồ vậy?”. Cứ tình trạng nầy, đại đội tôi, với quân số ít ỏi, chưa kịp bổ sung sau trận An Lộc, sẽ bị chúng tràn ngập mất thôi.

Nhưng cuối cùng, trước hỏa tập TOT của Pháo Binh Dù và Sư Đoàn 1, cùng sự chiến đấu dũng cảm của các Đại Đội Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và Đại Đội 4 chúng tôi. Bọn chúng quay đầu tháo chạy như lũ chuột, bỏ lại trên bãi chiến trường la liệt xác chết của đồng bọn, của những tên giặc cộng cuồng tín, vô thần, mất hết cả lương tri, nhân tính.

Tôi ngồi nghỉ mệt, lật tấm bản đồ ra xem lại vị trí của mình, tôi bỗng chợt nhớ câu chuyện của một người bạn cũ kể lại. Tết năm Mậu Thân, VC dùng con đường nầy để tiến quân đánh vào Thị Xã Quảng Trị, ngay tại điểm nầy, chỗ tôi đang ngồi, Thôn Hạnh Hoa, VC đụng phải một Tiểu Đoàn Nhảy Dù và thiệt hại không ít. Nhờ đó mà Quảng Trị được yên hơn Huế là vì vậy.

Hèn chi, VC cố chiếm lại nhà thờ Hạnh Hoa Thôn, là vì nó nằm trên con đường chiến thuật. Mất nhà thờ Hạnh Hoa Thôn, là chúng mất con đường tiếp cận với binh lính của chúng đang cố thủ trong Cổ Thành. Giữ được nhà thờ Hạnh Hoa Thôn là đại đội tôi đã đóng góp sức mình cho công việc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.

Tình hình chiến sự ở khu vực cận Cổ Thành vẫn còn sôi động, súng đạn từ trong bắn ra từ ngoài bắn vào nổ liên tục. Tiểu Đoàn 5 Dù được tăng cường thêm Đại Đội 1 và Đại Đội 2 Trinh Sát Dù, đang nỗ lực tấn công chiếm Cổ Thành. Thiếu Tá Bùi Quyền ra lệnh cho Đại Đội 3 và Đại Đội 4 Biệt Cách Dù, cùng tiến lên chiếm lĩnh phòng thủ tại Nhà Thờ Tri Bưu, để phụ trách sườn cánh phải, hướng Bắc của Cổ Thành.
Tôi dẫn đại đội thi hành nhiệm vụ. Chẳng còn thằng cùi hủi nào trong nhà thờ Tri Bưu cả. Bọn chúng đã bị Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù triệt hạ hầu hết trong lần tập kích trước, nên rút chạy cả rồi.

Ngay cả nhà dân chúng chung quanh nhà thờ, dân thì đã di tản đã lâu, từ đầu trận đánh, bây giờ chẳng còn thằng nào bén mảng đến đây.
Tôi vẫn cho binh sĩ lục soát kỹ ở nhà thờ, không có gì hết, ngoài một số xác chết của đám “sinh Bắc tử Nam” bị sình thối, nằm vương vãi một vài nơi, trong và ngoài khuôn viên nhà thờ. Nhưng tôi rất buồn khi nhìn lên Bàn Thờ Thánh, tượng Chúa Giê Su còn đó, một mình trên Thập Giá. Cha xứ và con chiên chạy trốn giặc Cộng hết cả rồi. Cảnh tượng ấy làm cho tôi thấy đau lòng hơn cả câu thơ của Phạm Văn Bình: “Chúa buồn trên Thánh Giá. Mắt nhạt nhòa mưa qua!” Tôi không khóc, vốn dĩ từ nhỏ tôi ít khi khóc. Nhưng xúc động thì tình cảm của tôi không thua kém ai, nhất là khi tôi nhìn lên gác chuông nhà thờ. Gác chuông đã bị đổ sập, chỉ còn một nửa. Là một Phật tử, không mấy khi tôi vào quì lạy trong nhà thờ để nhìn lên tượng Chúa, nhưng gác chuông nhà thờ là một hình ảnh không xa lạ gì với số đông người Việt Nam. Vì vậy, khi nhìn cái gác chuông bị gãy đổ, lòng tôi xúc động hơn. Nơi đây không còn tiếng chuông nhà thờ nữa, tiếng chuông rộn rã mà tôi đã từng nghe khi tôi còn tuổi ấu thơ.

Đại đội được lệnh nằm án ngữ tại nhà thờ Tri Bưu, ban đêm bung quân ra bên ngoài, để ngăn chặn địch có thể trở lại quấy phá. Trong một lần kích đêm, tiểu đội tiền đồn của Trung Sĩ Khưu Công Quí đã bắn tử thương 02 giặc cộng đang mò mẫm đi vào hướng khu nhà đổ nát của dân, tôi nghĩ chắc để tìm kiếm lương thực (?). Không lâu sau đó, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù ra lệnh Đại Đội 3 và 4 chúng tôi đưa quân về hướng Đông, tiếp cận Cổ Thành. Có đơn vị Nhảy Dù đang chờ ở đó.

Từ nhà thờ Trí Bưu, đại đội đi lom khom, lẩn khuất trong các khu vườn nhà dân, từ vườn nầy qua vườn khác, để tránh địch phát hiện. Tới phía ngoài Cổ Thành, trong vị trí bố phòng của các đại đội Nhảy Dù, tôi nhìn thấy có một số binh sĩ Nhảy Dù tử thương, bị thương, đang nằm trên các băng ca, chưa kịp di tản. Cũng vào lúc đó hàng loạt trái đạn do Pháo Binh tác xạ, rồi tiếp theo sau là các chiến đấu cơ A.37, Skyraider của Không Quân Việt Nam đang thay nhau oanh tạc, nổ dồn dập, inh ỏi trên Kỳ Đài Cổ Thành Quảng Trị. Nhưng, bỗng dưng, không rõ từ đâu có hai chiến đấu cơ loại F.5 của Mỹ, bay vào khu vực giội bom, nổ lạc hướng về phía phòng thủ của Nhảy Dù, gây nên tổn thất nặng nề về nhân mạng cho Đại Đội 51 và 52 của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và một ít cho hai Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Nhảy Dù đang bố phòng kế cận. Sự kiện nầy làm cho quân số của Nhảy Dù hao hụt nhiều hơn. Họ tham gia cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị kể từ đầu Tháng Năm cho đến giờ, vậy là đã hơn 2 tháng. Hai tháng đánh trận liên miên, ngày đêm không ngơi nghỉ, sức voi cũng không chịu nổi. Tôi nghĩ thầm mà thấy thương cho các chiến hữu của tôi.

Ngày 27 tháng Bảy, năm 1972, ba lữ đoàn Nhảy Dù và hai Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Dù có lệnh triệt thối để bàn giao chiến trường cho Thủy Quân Lục Chiến. Vì là lực lượng tăng phái, Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Dù được rút trước. Nhảy Dù còn ở lại, chờ quân bạn tiến lên tiếp nhận phòng tuyến.

Barbara và Helène là hai cao điểm nằm ở thượng nguồn, giữa sông Ba Lòng và sông Nhùng về phía Tây Tỉnh Quảng Trị, gần Trường Sơn. Đỉnh Helène cao hơn, thường bị mây mù bao phủ sớm chiều, nhất là về mùa mưa, mây che mờ mịt. Còn Barbara thì thấp hơn một chút, ít mây mù hơn, thuận tiện công việc quan sát đường chuyển quân của Cộng Sản quanh mật khu Ba Lòng.

Rút khỏi Quảng Trị, mấy chiếc Chinook bốc thả Đại Đội 1 và Đại Đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù xuống căn cứ Barbara, với nhiệm vụ là từ cao điểm này, tung các toán thám sát của đại đội, thâm nhập vào phía Nam mật khu Ba Lòng để theo dõi, phát hiện sự chuyển, rút quân của địch, mà hướng dẫn pháo binh tác xạ và khu trục oanh kích.

Căn cứ nầy trước kia là của quân đội Mỹ trú đóng. Họ đã rút đi, nay chỉ còn lại những công sự ngầm và hàng rào phòng thủ bao quanh phòng tuyến.

Chiến trường Quảng Trị vẫn còn tiếp diễn, nhưng có lẽ địch đã núng thế rồi, không còn hy vọng gì giữ Cổ Thành lâu hơn được nữa, do đó, các toán thám sát đã báo cáo thấy địch rút quân ra nhiều hơn là đưa quân vào tăng cường cho quân phòng thủ trong thị xã. Các toán thám sát nhận lệnh theo dõi và định vị chính xác đường mòn, căn cứ địch. Từ đó, tôi thông báo về Bộ Chỉ Huy để xin pháo binh và phi cơ tiêu diệt.

Công việc cứ tuần tự như thế cho đến khi nghe tin chiến thắng. Sư Đoàn Thủy Quân Lục chiến đã giương cao ngọn Cờ Vàng ba sọc đỏ của Tổ Quốc Việt Nam trên Cổ Thành Quảng Trị, hôm ấy là ngày 16 Tháng Chín, năm 1972, trước kỳ hạn ba tháng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tổng tư lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Có một điều, trong suốt gần ba tháng dài cùng phối hợp chiến đấu bên cạnh các tiểu đoàn Dù, tôi vẫn không hiểu tại sao Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù là một đơn vị tinh nhuệ, chiến đấu can trường, đã mang lại nhiều chiến công hiển hách, mà gần nhất là An Lộc điển hình, nhưng khi đưa vào chiến trường Quảng Trị lại không là một nỗ lực chính, giao phó riêng một vùng trách nhiệm như hồi Mậu Thân ở Ngã Ba Cây Quéo, Cây Thị, hay vừa qua tại An Lộc, mà lại xé lẻ, riêng rẽ từng đại đội, để tăng cường cho các tiểu đoàn Dù và đặt dưới quyền điều động, sinh sát của họ mà thôi.

Phải chi với sở trường đánh địch trong thành phố, với chiến thuật du kích, đánh đêm tài tình, điêu luyện, với tài chỉ huy mưu lược của Đại Tá Phan Văn Huấn, khi tham chiến tại Quảng Trị mà được hoạt động riêng rẽ, chắc chắn Liên Đoàn sẽ lại tái diễn thêm một kỳ công, chiến tích lẫy lừng, để sớm mang lại chiến thắng, rút ngắn thời gian tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị mà Sư Đoàn Dù đã đổ máu không phải là ít.
Thế là tàn một trận chiến. Lòng tôi vui mừng vì chúng ta đã chiến thắng, nhưng không khỏi bâng khuâng tự hỏi: “Tại sao họ không ở yên ngoài kia mà đem quân xâm lăng chúng ta, tạo ra hàng vạn, hàng vạn người sinh Bắc tử Nam.” Câu hỏi không dễ trả lời, nhưng có bao nhiêu người khi gây ra một cuộc chiến, nghĩ đến câu: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô!”

Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù trong đó có Đại Đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù do tôi chỉ huy, một lần nữa đã góp một phần công lao, xương máu, để viết viết lên thêm một chiến thắng oai hùng, lừng lẫy trong trang Sử Chiến Tích của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để mãi mãi lưu truyền cho Hậu Thế.

***

Cùng Chung Chiến Hào

“Mình ba đứa hôm nay gặp nhau….
Xuất thân khác quân trường
Thủ Đức hay Võ Bị,
Đều chung một con đường.
Xông pha khắp chiến trường,
Vẫy vùng nơi trận địa,
Hy sinh vì lý tưởng.
Quyết bảo vệ quê hương.
Tay buông súng đầu hàng,
Nhục hờn căm lính trận,
Tha hương chung phận số,
Kiếp lưu đày vong nô.
Bốn phương về hạnh ngộ,
Áo trận dẫu mờ phai,
Vẫn kiêu hùng phong độ.
Bất tử mãi thiên thu.

April 11, 2018

Nang Van Le

HT chuyen

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”