Sunday, August 15, 2021

Afghanistan, Sài Gòn của Biden ? Thụy My


Các phi cơ đa năng A-29 Super Tucano được Mỹ chuyển giao lại cho quân đội Afghanistan tại sân bay quân sự Kabul, 17/09/2020. AP - Rahmat Gul

Tình hình sôi bỏng ở Afghanistan được tất cả các tuần báo Pháp chú ý. L’Express nhắc lại hình ảnh vẫn luôn ám ảnh người Mỹ : khi quân cộng sản Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, một chiếc trực thăng đậu trên nóc tòa đại sứ di tản những công dân Mỹ cuối cùng, ngày 30/04/1975. Ngoài khơi, những chiếc trực thăng được vất xuống biển từ hàng không mẫu hạm để lấy chỗ cho các máy bay chở người di tản.

Chuẩn bị di tản như Sài Gòn ngày 30 tháng Tư 1975

Bốn mươi sáu năm sau khi Sài Gòn thất thủ, số phận Kabul đang như chỉ mành treo chuông. Loan báo triệt thoái của Joe Biden hồi tháng Tư đã làm quân Hồi giáo phấn chấn.

Sau khi Herat và Kandahar, hai thành phố lớn chỉ sau thủ đô bị rơi vào tay Taliban hôm 12/08, Lầu Năm Góc loan báo điều khẩn cấp 3.000 quân nhân đến để di tản hầu hết các nhà ngoại giao Mỹ vẫn còn tại Kabul, công dân Mỹ và những người Afghanistan đã được hứa sẽ bốc đi. Nhân viên sứ quán chuẩn bị đốt bỏ tài liệu, thủy quân lục chiến sắp được gởi đến giữ an ninh phi trường quốc tế Hamid Karzai, một lữ đoàn bộ binh tới Koweit để có thể sang Afghanistan nếu cần, 1.000 nhân viên dân sự lẫn quân sự đến Qatar nhằm trợ giúp hậu cần.

Tốc độ tiến quân của Taliban, chỉ trong 8 ngày đã thâu tóm được phân nửa số thủ phủ các tỉnh trên toàn quốc, đã gây bất ngờ. Chính phủ chỉ còn kiểm soát ba thành phố lớn là Jalalabad, Mazar-i-Sharif và Kabul. Theo tướng Pháp Vincent Desportes, Kabul có thể thất thủ chỉ trong vài tuần, thậm chí vài ngày, bây giờ chỉ còn xem sau khi đàm phán, Kabul đầu hàng hay phải chiếm bằng vũ lực. Theo giáo sư Gilles Dorronsoro, trường đại học Paris-1-Panthéon-Sorbonne, đây là một cuộc chiến mà thất bại đã thấy trước.
Biden chọn rút lui 'nhục nhã', nhờ Nga, Trung xoa dịu Taliban

Le Figaro số cuối tuần nhận định Joe Biden có sự chọn lựa giữa « chiến tranh và nhục nhã ». Ông đã chọn nỗi nhục và sẽ có được thất bại, bởi vì lối ra của cuộc chiến cũng giống như Sài Gòn năm 1975.


Lịch sử không thiếu các bài học mà phương Tây thề rằng sẽ rút ra, nhưng 20 năm sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2001 khiến Mỹ và đồng minh phải can thiệp vào Afghanistan, thế giới quay lại với điểm ban đầu vào thời điểm kỷ niệm sự kiện. Tại sao lại triệt thoái vào đúng dịp này ? Phe Cộng Hòa cảnh báo Taliban có thể đốt cháy tòa đại sứ Mỹ để ăn mừng !

Chọn lựa rút khỏi Afghanistan đầu tiên là từ cựu tổng thống Donald Trump, muốn kết thúc một cuộc chiến tranh quá dài đã khiến 2.450 lính Mỹ tử trận. Nếu lắng nghe Churchill, Biden sẽ phải đi ngược lại, bằng cách duy trì một lực lượng tối thiểu để yểm trợ trên không cho quân chính phủ. Nhưng Biden lại bỏ rơi họ giữa đường, và đáng xấu hổ hơn nữa là còn cầu viện Bắc Kinh và Matxcơva khuyến dụ phe Taliban.

Hoảng loạn đã diễn ra tại Kabul, nơi Biden để cho những tia sáng tự do còn le lói dần tắt lịm. Nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ bị ám ảnh bởi việc này. Phụ nữ Afghanistan sẽ phải sống trong điều kiện thời Trung Cổ, và mặc cho những lời hứa của Taliban, Afghanistan sẽ lại là nơi chứa chấp bọn khủng bố quốc tế. Hai mươi năm chiến tranh kết thúc bằng thất bại địa chính trị được nhân đôi. Quân thánh chiến ở khắp nơi sẽ bùng lên trước dấu hiệu yếu đuối của Mỹ, và Trung Quốc, Nga sẽ lấp khoảng trống mà người Mỹ để lại.

Courrier International trích dịch bài viết của The Indian Express « Afghanistan, Trung Quốc ra tay », đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có thể thành công ở nơi mà những nước khác đã nhận được bài học ? Pakistan, nơi chứa chấp Taliban, có thể trông cậy vào Trung Quốc để tái thiết Afghanistan, trước mắt là mở rộng hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới. Phe Taliban đã hứa sẽ không dùng lãnh thổ Afghanistan cho những hành động làm thiệt hại lợi ích Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không ngây thơ. Làm hòa dịu đi lực lượng Hồi giáo cực đoan này không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho Trung Quốc.
« Thế hệ NATO » tìm mọi cách ra đi

Theo L’Express, rốt cuộc thỏa thuận hòa bình giữa Washington và Taliban hồi tháng 2/2020 ở Doha chỉ là một tờ giấy được người Mỹ ký khống để có thể ra đi, bỏ lại phía sau một cuộc chiến bất tận.

Trên 160.000 người Afghanistan đã chết – cả thường dân lẫn lực lượng an ninh và Taliban, trên 5.000 lính viễn chinh đồng minh tử trận, 1.000 tỉ đô la đổ vào để thu lại kết quả thảm hại. Các thủ lãnh cao cấp của Taliban cố khoác một chiếc áo tân tiến, cởi mở hơn, nhưng trên thực địa quân Taliban sát hại các cảnh sát, quân nhân bị rơi vào tay họ, phụ nữ bị đuổi khỏi công sở.

Những người dân Afghanistan sinh ra sau khi cộng đồng quốc tế can thiệp (cuối 2001) chiếm 53% dân số, được gọi là « thế hệ NATO », nín thở chờ đợi. Những người chịu ảnh hưởng phương Tây tìm cách ra khỏi đất nước, không còn thấy tương lai trong một Afghanistan của các thủ lĩnh chiến tranh, số người sống ở các tỉnh chuẩn bị tinh thần tốt hơn nhưng lo ngại trước viễn cảnh các cuộc xung đột.

Tuy vậy Washington và cộng đồng quốc tế đã vượt được một thử thách là chặn lại Al Qaida, nay không còn có thể thực hiện nổi những cuộc tấn công tầm cỡ như vụ ngày 11 tháng Chín. Và có lẽ rốt cuộc đây là tất cả những gì họ muốn, khi quyết định bỏ lại Afghanistan với những ám ảnh của đất nước này.
Vẫn còn cơ hội cho Afghanistan, nhưng Biden không muốn cứu

The Economist nhận định, vẫn còn cơ hội cứu vãn Afghanistan, nhưng Biden không muốn cố gắng. Lý tưởng nhất là không triệt thoái toàn bộ lực lượng. Trong nhiều năm qua, với chỉ vài ngàn quân nhân và rất ít thiệt hại, Mỹ đã thành công trong việc cản bước Taliban - chủ yếu nhờ sức mạnh trên không. Giờ đây Mỹ đơn phương rút quân cho dù Taliban từ chối mọi dạng thức ngưng bắn. Le Figaro dẫn lời cựu tổng thống Donald Trump phê phán, nếu ông còn đương chức, việc triệt thoái chỉ tiến hành với một số điều kiện, và những gì hiện nay đang diễn ra « không thể chấp nhận được ».

Sự ra đi vội vã này khiến quân Hồi giáo không còn giả vờ đàm phán nữa, mà tập trung sức lật đổ chính phủ Afghanistan bằng vũ lực, chiếm được hai phần ba lãnh thổ. Mỹ không còn chiến đấu cơ tại Afghanistan để đẩy lùi, mà phải bay từ các căn cứ xa hơn ở vùng Vịnh và các hàng không mẫu hạm ở biển Oman, kém hiệu quả hơn. Nhiều nhân viên cơ khí chuyên bảo trì phi cơ của Không quân Afghanistan đã ra đi cùng với người Mỹ, làm giảm thêm hỏa lực của quân chính phủ.

Thay vì tìm cách trợ giúp chính phủ Afghanistan, Biden hôm 10/08 lại nói rằng người Afghanistan phải tự chiến đấu để bảo vệ đất nước mình. Theo The Economist, thực ra Mỹ vẫn có thể hỗ trợ dù không còn duy trì lực lượng thường trực. Chẳng hạn Mỹ có thể tung lực lượng đặc nhiệm vào những chiến dịch ngắn để tăng cường cho quân đội Afghanistan, mở rộng hoạt động các hàng không mẫu hạm để yểm trợ trên không, hay mượn đường các nước láng giềng để phi cơ Mỹ tạm thời bay vào. Và nhất là ông Biden phải khẳng định mạnh mẽ không bỏ rơi Afghanistan, để răn đe Taliban. Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ không thể biến Afghanistan thành một nền dân chủ thịnh vượng, nhưng vẫn có thể ngăn cản nước này quay lại với chế độ thần quyền bạo lực.
Hồi giáo cực đoan sẽ gieo rắc tai họa khắp nơi

Về hậu quả, tuần báo Anh nhắc lại, khi Taliban lãnh đạo đất nước lần đầu năm 1990, các em gái không được đến trường, phụ nữ phải ở nhà, những ai nghe nhạc hoặc ăn mặc không đúng cách bị đánh đập. Từ đó đến nay, Taliban không mấy thay đổi. Tại những vùng tạm chiếm, họ sát hại công chức và nhân viên các tổ chức phi chính phủ, ra lệnh cho các gia đình phải gả con gái cho các chiến binh. Một sinh viên hoạt động nữ quyền khóc nức nở qua điện thoại với nhà báo Le Figaro : « Thật quá bất công cho phụ nữ Afghanistan, sau bao nhiêu năm học hành giờ đây phải ru rú trong nhà, với hy vọng không bị tra tấn và sát hại ».

Một vương quốc Hồi giáo tái sinh không chỉ áp chế người dân Afghanistan mà còn gieo rắc tai họa cho cả khu vực. Afghanistan vốn đã là nước sản xuất heroin nhiều nhất thế giới, sẽ « xuất khẩu » nhiều triệu người tị nạn sang các nước láng giềng. Bạo lực cũng là một « mặt hàng xuất khẩu » khác. Một nhánh của Taliban đã giết chết khoảng mấy chục ngàn người Pakistan trong một chiến dịch khủng bố, phải mất nhiều năm trời mới chận đứng được. Sự rút lui không lấy gì làm vinh dự của Mỹ khiến một số nước trong khu vực hoan hỉ, nhưng niềm vui này sẽ không kéo dài.
80.000 người Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trước và sau chiến tranh

Cũng tại châu Á, L’Express nói về việc tìm kiếm hàng ngàn người Hàn Quốc bị Bình Nhưỡng bắt cóc. Nhờ các tài liệu lịch sử và những nhân chứng, năm nhà điều tra của một tổ chức phi chính phủ ở Seoul tìm cách lập danh sách khoảng 80.000 người bị chính quyền cộng sản phương bắc bắt đi.

Đó là các viên chức, dân biểu, cảnh sát, nhà báo bị mất tích trong thời gian chiếm đóng ngắn ngủi của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh 1950-1953. Khoảng mấy chục ngàn người lính Hàn Quốc bị bắt làm tù binh và đưa sang miền bắc bị Bình Nhưỡng coi là « lính đào ngũ ». Nhưng Son Myung Hwa, chủ tịch hiệp hội tù binh chiến tranh Hàn Quốc, lớn lên ở Bắc Triều Tiên kịch liệt phản đối, cho biết cha của bà bị bắt và bị đối xử như nô lệ, con cái lớn lên mang « lý lịch xấu » không được vào đại học. Sau nhiều lần toan tự tử, rốt cuộc bà đào thoát được sang miền nam.

Ngoài ra còn có 516 người Hàn Quốc khác bị bắt cóc trong thời hậu chiến. Một trong những vụ đình đám nhất là chuyến bay YS-11 của Korean Air năm 1969, bị buộc hạ cánh xuống Bắc Triều Tiên và 50 hành khách bị bắt, sau đó 39 người được thả.

Vì hầu hết các vụ bắt cóc xảy ra trong thập niên 50, con cái các nạn nhân nay đều đã lớn tuổi, các điều tra viên càng lo ngại những tài liệu mà gia đình lưu giữ bị thất lạc. Họ đã tập hợp được 20.000 hồ sơ, xếp loại theo : tù binh chiến tranh, thường dân bị bắt cóc trong và sau cuộc chiến, mất tích trong chế độ Bắc Triều Tiên. Riêng về các nạn nhân không còn tung tích ở Bắc Triều Tiên, chỉ có thể dựa vào các nhân chứng đào thoát từ miền bắc, nhưng những người này thường ngại nói vì sợ gia đình còn ở lại bị liên lụy.
Cuba dần xa khỏi chủ nghĩa xã hội ?

Tại đất nước cộng sản khác là Cuba, The Economist coi việc chính quyền La Habana cho thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ. « Một bước ngắn để dần dà rời khỏi chủ nghĩa xã hội »,

Ngày 06/08, Hội đồng Nhà nước Cuba thông qua một dự luật rất được chờ đợi, một tháng sau khi hàng ngàn người dân rầm rộ xuống đường đòi tự do. Khoảng 380 người biểu tình vẫn còn bị giam giữ chờ ngày ra tòa. Loan báo này có thể phần nào nhằm đánh lạc hướng vụ đàn áp. Tại đảo quốc có tỉ lệ nhiễm Covid thứ tư thế giới, người dân khó thể quên được dù không có xăng cho xe gắn máy, xe cứu thương, lò hỏa táng nhưng vẫn có đầy đủ cho những chiếc xe buýt và xe tải chất đầy lực lượng đặc nhiệm đến trấn áp biểu tình.

Tuy vậy, cải cách này theo chiều hướng tốt vì tư nhân nay có thể lập ra công ty vừa và nhỏ và được tuyển dụng nhân viên, thay vì tư doanh kiểu gia đình. Một nhà tư vấn tỏ ra hào hứng với hy vọng nảy sinh được sức sống mới bên cạnh lãnh vực quốc doanh kém hiệu quả, tuy nhiên thủ tục lập doanh nghiệp vẫn rắc rối, vì « Cuba vẫn là Cuba ».

Courrier International dịch lại bài viết trên The Atlantic của một giáo sư người Cuba 38 tuổi nay định cư tại Mỹ, cho biết ông « nhìn thấy chế độ suy sụp từ bên trong ». Sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba rơi vào khủng hoảng, gần 35.000 người dân tìm cách vượt biển trong đó có những người không bao giờ đến nơi. Ngày nay một thế hệ mới lớn lên không có cái bóng bao trùm của Fidel Castro, những bài diễn văn xã hội chủ nghĩa không còn thuyết phục được họ. Những người cầm quyền phải biết mở cửa cho tự do hóa trước khi quá trễ, với nguy cơ Nhà nước sụp đổ và nội chiến.
Còn ai muốn một hiệp ước nguyên tử với Iran ?

Courrier International tuần này lý giải làm thế nào « Sống với tình trạng khí hậu nóng bức », L’Obs nói về cuộc sống hài hòa giữa đôi lứa và cá nhân,còn chủ đề của L’Express là việc vận động hành lang của ngành y học thay thế. Le Point đặt vấn đề « Nếu các nước Bắc Phi chao đảo ».

Nhìn sang Trung Đông, trong bài « Nguyên tử Iran, còn ai muốn một hiệp ước ? » Le Point nhận định về một cuộc chiến tranh không tuyên bố nhưng không kém phần ác liệt giữa Iran và các đối thủ Israel, Hoa Kỳ và các vương quốc vùng Vịnh.

Tại Iran, người phụ trách chương trình nguyên tử bị ám sát một cách bí ẩn, những vụ nổ không thể giải thích tại các cơ sở hạt nhân và dầu khí, chưa kể cấm vận chưa từng thấy của Mỹ bóp nghẹt kinh tế nước này. Ngoài ra, các vụ tấn công tàu dầu liên tiếp xảy ra tại vùng vịnh Pécxich, phe này tố cáo phe kia. Tuy nhiên ai đã khởi đầu không mấy quan trọng, vấn đề là căng thẳng đang ở mức tối đa và có thể biến thành xung đột khó kiểm soát bất kỳ lúc nào.

Không còn hy vọng chính quyền Mỹ quay lại với hiệp ước nguyên tử Iran (JCPOA). Dù đã có ít nhiều tiến bộ trong đàm phán giữa Washington và Teheran qua trung gian Châu Âu, Nga và Trung Quốc, nhưng tất cả đều ngưng lại để chờ bầu cử tổng thống Iran, và bây giờ phải xem tân tổng thống Ebrahim Raissi hành động thế nào. Phe thì muốn tái thương lượng với Mỹ để giảm nhẹ cấm vận, phe khác cho rằng phải đối đầu với Washington và xích lại gần với Nga, Trung Quốc.

Về phía Mỹ cũng không rõ ràng. Không chỉ phe Cộng Hòa phản đối thỏa thuận, mà một số nhân vật Dân Chủ quan trọng cũng vậy. Bởi vì hệ quả đầu tiên là chuyển giao hàng tỉ đô la cho Iran mà Hoa Kỳ luôn coi là Nhà nước khủng bố. Đàm phán hiện đang bế tắc. Tạm thời, bảo đảm duy nhất cho hòa bình là ý thức của Iran và sự yếu kém về quân sự của nước này : Cộng hòa Hồi giáo Iran rõ ràng không muốn tự sát.

No comments:

Mật vụ Ukraine 'tung hoành' ở Moscow như thế nào? Tác giả,Zhanna Bezpiatchuk, Ilya Barabanov, Tom Santorelli

HÌNH ẢNH,BỘ QUỐC PHÒNG NGAChụp lại hình ảnh,Trung tướng Igor Kirillov của Nga - người bị giết tại Moscow vào hôm 17/12 Các nguồn tin của BBC...