Monday, August 23, 2021

Lực Lượng Thiết Giáp Việt Nam Cộng Hoà - Nguyễn Đình Phúc


Sau tạp bút về Không Quân lần này người viết xin tiếp qua Thiết Giáp. Cũng thưa ngay tạp bút chỉ là những mảnh vụn tâm tình, suy tư riêng về người lính Mũ Đen anh hùng.
Hồi còn nhỏ ở Hà Nội một thời tôi từng say mê mấy “quan tàu bay”, ít năm sau cha mẹ về khu phố cổ Mã Mây-Hàng Bạc gần nhà cụ thân sinh một “quan tàu bò” tôi thêm một thần tượng mới. May sao được gần toàn thần tượng tàu bay, tàu bò nếu như gần khu “chị em ta” hay “các tay anh chị” chắc đời tôi xuống dốc từ khuya khác nào chuyện bà Mạnh Mẫu bên Tàu mấy ngàn năm trước. Chuyện kể khi Bà ở gần nhà một đồ tể, từ tinh mơ đã nghe tiếng súc vật bị giết thịt kêu eng éc, còn cậu con tập ngay “mài dao, thọc huyết…”. Sau dọn đến bên một thầy pháp, đêm ngày lại bị trống phách ầm ĩ, con Bà cũng đổi “job”, ra sức tập luyện “phù phép, sai âm binh…”. Mạnh Mẫu sợ hãi “moving” gấp đến bên nhà một thầy đồ (thầy giáo), con Bà từ đó bắt chước khuya sớm sách đèn.

Một ngày nghỉ, thần tượng “tàu bò” mặc quân phục, vai mang “lon” một vạch trắng lấp lánh đến thăm cha tôi nhưng không gặp. Khi cha về, tôi nói vừa có một Thượng Sĩ ghé chơi. Ông cười nói khách là Sous-Lieutenant Blindé (Thiếu Úy Thiết Giáp), vì tôi thấy vạch trắng (ngân tuyến) tưởng lầm là Adjudant (Thượng Sĩ), nhưng các Adjudant, Aspirant (Thượng Sĩ, Chuẩn Úy) thời đó đều có một sợi chỉ rất nhỏ chạy dọc theo hay hai sợi chỉ vắt ngang vạch ngân tuyến. Tôi càng thêm ngưỡng mộ vì thần tượng là Quan Một “tàu bò” (1) chứ không phải “Ông Ách”. Nhờ đó được biết Hải Quân, Không Quân và Thiết Giáp mãi sau này, nhiều nước vẫn giữ truyền thống quốc tế mang cấp bậc vạch vàng (kim tuyến) trên vai, riêng Thiết Giáp oai hơn độc quyền mang toàn vạch trắng.

Từ đó mỗi khi thoáng thấy thần tượng tôi đều dõi mắt ngắm nét oai hùng. Vắng một thời gian, lần kia ông trở về chống nạng, chân bó bột. Nhìn bước ông khập khễnh đi bên bà vợ cao dong dỏng càng thêm kính mến. Chắc chẳng khi nào ông biết có một cậu trai cứ âm thầm theo dõi đời chiến đấu oai hùng của ông cho đến giờ đây, 50 năm đã qua vẫn còn ngồi ghi lại. Tôi sẽ trở lại Lữ Đoàn Thiết Kỵ của ông, nay viết đến một thần tượng khác cùng thời cũng liên hệ đến Thiết Giáp.

Hà Nội vào những năm 50, thanh thiếu niên hay những người yêu thể thao không ai không ái mộ các ông Long, Quí, Vinh… Đây là lớp huấn luyện viên người Việt đầu tiên thay người Pháp. Hàng ngày mấy ông chạy Vespa, áo quần bó sát phô diễn thân hình cao khỏe đẹp, đến huấn luyện học sinh các trường lớn trước bao nhiêu cặp mắt thán phục. Ông Vinh khi động viên lớp Sĩ Quan cũng được tuyển sang Thiết Giáp, cùng đơn vị với Thiếu Úy Lý Tòng Bá sau này lên Tướng. Mười năm trước tôi được gặp ông ở Canada mới hay vì gia đình kẹt ngoài Bắc nay đã 76 nhưng vẫn tráng kiện, vẫn ra sân tennis. Sau năm 75 ông vào Nam, ra Vũng Tàu chơi để tìm lại kỷ niệm những ngày phép Thủ Đức xưa. Ông vào cửa hàng mua ít món đồ cùng hỏi thăm về người bạn đồng ngũ trước 54 là Lê Đức Đạt. Người bán cho biết có thời ông Đạt làm Tỉnh Trưởng ở đây rồi làm Tư Lệnh nhưng đã tử trận. Người này nói dù chẳng hề quen ông Đạt, nhưng nếu khách có mối thân tình, thì để tỏ lòng với người đã hy sinh chủ tiệm xin thay người đã khuất tặng không làm kỷ niệm. Ông ngạc nhiên trước tình người dân đối với người lính ở miền Nam dù đã đổi đời khác hẳn sự tuyên truyền, xuyên tạc của CS. Nhớ lại 1954, 55 trong chiến dịch tiếp thu vùng Bình Định Phú Yên, là vùng Việt Minh, dân chúng kéo nhau tới rờ mó, gõ vào chiến xa rồi lấy làm lạ nói với nhau: “bằng sắt cả, sao Việt Minh (CS) bảo xe tăng Pháp chỉ bằng bìa lấy mã tấu chém cũng đứt?”.

Trong lịch sử, hầu hết các danh tướng đông tây, cổ kim nên đại nghiệp, tạo chiến công lừng lẫy đều có những tuấn mã (Hạng Võ với Ô Trùy, Lã Bố, Quan Vũ với Xích Thố, Lưu Bị với Địch Lư…), hay Mông Cổ với những đoàn kỵ binh mà cả đời người kỵ mã chinh chiến, ăn ngủ trên lưng ngựa. Sau này Napoléon, Patton cũng thành bất tử với thiết kỵ, những danh tướng Pháp tại Đông Dương như De Lattre, Leclerc, De Castries đều thuộc Thiết Giáp. Âu Châu xưa hàng quý tộc có truyền thống cho con cháu vào Kỵ Binh (Cavalier). Tôi nhớ được xem cuốn phim quay cảnh một trang thanh niên oai phong phi ngựa nước đại giữa đoàn kỵ mã tùy tùng, đàn chó săn mấy chục con sủa inh ỏi chạy quanh, tiến vào một doanh trại. Binh sĩ hoảng hốt xếp hàng súng gươm chào kính tưởng chừng vị Công Hầu, Tướng Lãnh nào bất thần đến thanh tra. Viên chỉ huy vội chạy đến trước ngựa kính cẩn chào đợi lệnh. Lúc đó “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” mới uy nghi hạ mã cho biết chỉ là con một … Công Tước đến xin nhập học trường Kỵ Binh. Chuyện nàng Công Chúa Anh từng yêu một sĩ quan kỵ binh, chắc hẳn cũng vì phong thái mã thượng. Chữ Hán viết về người con gái lên xe hoa là vu quy, nhưng với Công Chúa có riêng từ “hạ giá” hay “hạ mã” và chàng trai được diễm phúc sẽ là Phò Mã (phải chăng nguyên nghĩa là kẻ giữ ngựa?).

“Mãi mã cốt” kể chuyện một Vương gia mưu dựng nghiệp hễ nghe đâu có ngựa quí liền mua bất kể giá cả. Lần nọ, viên quan lãnh mệnh ra đi nhưng đến nơi, ngựa vừa chết. Ông vẫn cho đào bộ xương còn trả gía gấp đôi mang về triều. Vương ngỡ ngàng hỏi: “ngựa ngàn vàng đã đắt, sao bộ xương còn trả gấp đôi?”. Viên quan tâu: “mỗi khi nghe đâu có tuấn mã, giá nào vương gia cũng thuận nhưng vẫn chưa mua đủ số. Nay nếu thiên hạ đồn nhau rằng bộ xương ngựa quí vương gia còn trả gía hậu như vậy hỏi sao thiên hạ không mang hết đến bán cho Ngài”. Quả nhiên, sau đó tất cả ngựa quí trong thiên hạ đều về tay Vương gia.

Trong quân lực Pháp cấp bậc tột cùng là Thống Chế (Maréchal 5,6 sao như Maréchal Juin, Maréchal De Latttre) và Pháp ngữ để chỉ người đóng móng ngựa là Maréchal…ferrant (blacksmith) không rõ có liên hệ gì hay người xưa cũng muốn cho anh thợ đóng móng ngựa dự phần vinh quang với vị thống soái chăng?

Thiết Giáp Binh Việt Nam ra đời vào năm 1950, tiếp nhận một số chiến xa Sherman M4 A1 (2) là chiến xa chủ lực của Mỹ, thiết giáp xa M8, Scout Car M3 (thuộc SĐ 2 TG Pháp trong thế chiến 2), các xe “Cua Bể”, “Cá Sấu” “Nồi Đồng”… từ đơn vị thiết giáp Pháp nhưng nhìn chung đều cũ kỹ, thiếu cơ phận… Thiết Giáp là nơi xuất thân của nhiều tướng lãnh sau này như Vĩnh Lộc, Hoàng Xuân Lãm, Nguyễn Văn Toàn… các tướng Lý Tòng Bá, Trần Quang Khôi được ngoại quốc xưng tụng “Patton Việt Nam”.

Trong phạm vi hành chánh, chúng tôi thường chỉ quen thuộc với Chi Đội Cơ Giới thuộc tỉnh đoàn Bảo An gồm Thiết Xa Ford Lynk, xe GA và các Chi Đội Thám Xa Commando Car V 100 của các tiểu khu giúp an ninh lộ trình.

Ra hải ngoại, nhiều lần la cà các khu vực bán đồ quân đội phế thải bắt gặp các loại xe này nằm phơi mưa nắng lòng thấy bồi hồi.

Từ những năm 54, 55 các Tiểu Đoàn, Trung Đoàn thiết giáp ra đời, với những chiến xa M-24 rồi theo cường độ chiến tranh vào đầu những năm 60 chúng ta tiếp nhận thêm những Chiến Xa M-41, Thiết Quân Vận M 113 từ Hoa Kỳ.

Nhớ lại chuyện vui xin coi là “Thiết Giáp Binh ngoại truyện”. Lúc quân đội Pháp sắp hồi hương, một số đơn vị tập trung tại Barịa-Vũng Tàu tôi được biết chuyện Th/Tá Đỗ Hữu Độ TgĐT/TgĐ 12 năm đó đồn trú tại đây (sau này là TT/HLQG Vạn Kiếp) thấy Pháp xếp súng đạn từng đống như củi, trong lúc ta thiếu thốn nên ông cho thuộc cấp phục rượu (thêm thuốc ngủ) để lấy súng máy, súng lục, Garant M1 (thời đó phần đông bộ binh ta chỉ mới có Mas 36) nhất là tính lấy luôn cả 5, 7 chiếc chiến xa (rủ lính TG Pháp đào ngũ) lái chạy vào tạm dấu trong rừng. Kế hoạch bại lộ vì có anh Pháp báo an ninh, nên chỉ mới lấy được một số súng. Việc này lên đến Đại Sứ Pháp, rồi qua Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, tạo hậu quả lôi thôi vuợt phạm vi quốc gia. Thiếu Tá Độ phải trình diện SĐ nhưng may được thượng cấp che chở, bỏ qua cho rằng cũng chỉ do lòng yêu nước. Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ lúc đó chỉ huy THD/SĐ 4 biết chuyện này, sau được chính Th/Tá Độ kể lại nên đã viết ra. Mới đây tôi cũng có dịp điện thoại thăm Đại Tá Duệ và hỏi thêm chi tiết.

Năm 1966 tôi vào trường Bộ Binh Thủ Đức thời gian này chỉ còn lại trường Võ Thuật và Thiết Giáp. Chiều chiều SVSQ thường kéo nhau xuống khu gia binh Thiết Giáp kiếm chè cháo hay những bữa cơm canh chua, cá thịt kho hoặc anh nào muốn “dù” sẽ chui qua ”khe sanh” nhẩy xe Lam về Sài Gòn lỡ “dù không bọc” lộn trở lại cũng “an toàn” coi như dạo mát.

Phía trước bộ chỉ huy trường, chiếc thiết giáp đặt trên bệ xi-măng nằm nghiêng dãi dầu mưa nắng ngày đêm như thân phận người lính chiến. Điều lạ mắt là chiếc béret đen trên đầu Thiết Giáp xếp ngược lại so với Bộ Binh.

Rời trường Bộ Binh, trở về nhiệm sở Long Khánh, tôi có anh Đào Văn Định, gốc Thiết Giáp giải ngũ vừa đắc cử Xã Truởng Bình Lộc. Anh là một cán bộ xã ấp ưu tú, nhất là tinh thần chống cộng, “máu Thiết Giáp” trong anh vẫn sôi sục như xưa. Nếu chọn đời sống an nhàn, hạnh phúc khi được giải ngũ chỉ cần chiếc xe Lam đưa khách gia đình cũng đủ yên vui. Trái lại cứ nghe đến hai chữ VC là anh đứng ngồi không yên. Vì thương tích anh phải xa chiếc Thiết Giáp lại tiếp tục chiến đấu, quần thảo với VC bên những Nghĩa Quân, NDTV người Thượng lưng chỉ có chiếc gùi nhưng lòng căm thù CS cao sâu như dãy Trường Sơn. Anh nhờ cơ xưởng đồn điền chế súng cối, mìn bẫy… săn nhặt từng viên đạn tích trữ. Từ các ấp hạng C lần lần đưa hết lên A hay B, đưa được dân trở về ấp cũ đã mất. Sau mấy năm công việc bình định gần hoàn tất, anh phải ra đi vì trò chơi dân chủ: thất cử trước một đối thủ kém khả năng nhưng nhiều mánh lới.

Một khuôn mặt khác, tiêu biểu cho sự phấn đấu tôi rất ngưỡng phục, cũng tình nguyện đứng trong hàng Kỵ Binh: Bác sĩ Trần Công Luyện. Tôi được biết xưa kia ông chỉ là một sĩ quan Bảo Chính Đoàn (địa phương quân), tự trau dồi văn hóa chuyển sang chính qui, di cư vào Nam, được giải ngũ lần lượt học và tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, Cử Nhân Luật, học Nha ít năm rồi vào Y Khoa, tốt nghiệp chọn về làm Y Sĩ Trưởng Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, cũng xông pha, lặn lội ngoài chiến trường. Sau về Quân Y Viện đến 30-4, tù cải tạo như các chiến hữu, ra tù đưa gia đình vượt biên, tiếp tục học để trở lại hành nghề cùng lúc nuôi gần mười con đều thành đạt. Ngày thành hôn con tôi, nhắc lại tấm gương, ông cười chúc đôi tân hôn: “điều gì cũng nên hơn ông bà, riêng việc sinh con chỉ nên theo bằng nửa.”

Trở lại thần tượng “tàu bò” lúc thiếu thời của tôi, khi tôi về tỉnh Long Khánh Ông đã trở thành Tư Lệnh Lữ Đoàn Kỵ Binh (tôi viết chữ Ông hoa để tỏ lòng kính phục). Dù không đội béret đen của người lính thiết giáp nhưng tôi cũng biết từ chiến mã đến những chiến xa, thiết giáp, không kỵ ngày nay đều đòi hỏi nhiều yếu tố rất cần để có thể phát huy khả năng tác chiến. Xưa kia, nói đến lương thảo là ngoài lương (lúa gạo) cho sĩ tốt không thể thiếu thảo (cỏ) cho voi ngựa như nhiên liệu, cơ phận cho chiến xa. Tôi chỉ là một khinh binh, cầm súng cá nhân bắn trên thao trường đã khó trúng bia, huống chi một chiến xa, thường di động, có những vũ khí bắn đạn đạo cầu vồng, mục tiêu sát bên quân bạn hay đã “trộn trấu” thì sao diệt địch, yểm trợ nếu không có cấp chỉ huy, pháo thủ đủ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm chiến trường. Những thân cây chuối bổ dọc mang bên sườn chiến xa, thiết giáp giúp giảm thiểu sức công phá đạn địch chẳng phải chỉ áp dụng từ khi được lệnh “đánh giặc theo kiểu nhà nghèo” mà tổ tiên ta luôn dùng mưu trí từng đóng cọc lòng sông chống Hán, Nguyên, dụ voi giặc Lào vào vùng sẵn hầm hố ngụy trang, quân cảm tử núp dưới dùng tre đực (ruột tre đặc) vạt nhọn đâm kẽ chân để voi thối lui đạp lên quân giặc.

Thời nay sử dụng chiến xa, thiết giáp trên mỗi chiến trường, mỗi chiến lược, chiến thuật… không phải tướng lãnh nào cũng cùng ý kiến. Tướng Westmoreland cho rằng địa thế Việt Nam chỉ có thể dùng chiến xa ở vùng ven biển, trái lại cao nguyên, núi và rừng không thể. Phải chờ sau 68, thiết giáp binh VNCH tạo được chiến thắng lớn trên nhiều địa thế tướng Westy mới đổi nhận định cũ. Nhị thức bộ binh-thiết giáp được cấp chỉ huy đủ tài ba vận dụng sẽ chiến thắng, trái lại không đủ bản lĩnh, chiến thuật tùng thiết không nhịp nhàng khó tránh thất bại giống như tăng CSBV chạy lơ ngơ, làm mồi cho bộ binh tiêu diệt dễ dàng. Thêm nữa nếu xé lẻ, hay để mất di động tính, mất thế tiến công sẽ như thiết giáp Pháp xưa kia trong chiến dịch biên giới (miền Bắc) hay Điện Biên chỉ đưa đến thảm bại oan uổng. Điều này khác gì trong lịch sử việc dùng voi xung trận cũng đã không đơn giản: voi của Hưng Đạo Vương sa lầy phải bỏ lại bên sông, trong khi những thớt voi của Vua Quang Trung thần tốc, dũng mãnh dẫn đầu quân Tây Sơn vào thành Thăng Long trong mùa xuân Kỷ Dậu.

Kỵ Binh cùng hầu hết quân binh chủng ta vào trận Hạ Lào khó khăn, bất hạnh ngay từ tuyến xuất phát để rồi chịu những đau thương đâu phải chiến sĩ ta thiếu lòng quyết tử, khả năng chiến đấu. Mùa hè đỏ lửa KonTum kiêu hùng, phá tan lực lượng mặt trận B3 của CSBV ngoài tài dụng binh của “Patton Việt Nam” tướng Lý Tòng Bá, lòng “quyết chiến quyết thắng” của chiến sĩ SĐ 23, các quân binh chủng chủ lực, địa phương nhưng pháo đài bay B52 trải thảm mãnh liệt, vận tải cơ khổng lồ C123, C130 chuyển vận thần tốc cả trung đoàn 44 không phải là những yếu tố góp vào chiến thắng hay sao?

Sau hiệp định Paris, Ngày Quân Lực 19-6-1973, tướng Bá dẫn đầu đoàn chiến xa là một trong những hình ảnh oai hùng của quân lực, nhưng cũng có thể qua đó “đồng minh” muốn “rửa tay” ngầm cho thế giới hiểu “Việt Nam hóa chiến tranh” thành công, Hiệp Định Paris đã ký, miền Nam còn hay mất không phải tại Mỹ. Chẳng biết ý nghĩ này đúng hay sai?


Tấn công là cách phòng thủ hữu hiệu nhất: Tướng Đỗ Cao Trí Tư Lệnh QĐ III sinh thời nổi tiếng xông xáo, chiến trường đụng là ông đáp ngay tuyến đầu. Ông tung sáng kiến chiến lược: tổ chức Lực Lượng Xung Kích hợp đồng cùng Lữ Đoàn Thiết Kỵ làm trừ bị Quân Đoàn, như lưỡi khoan thép sẵn sàng phóng vào mục tiêu. Là hợp đồng Liên Quân ở tầm vóc cao nhất, tài năng Tướng Thiết Giáp Trần Quang Khôi tạo điều kiện mọi cánh quân phát huy hết sở trường.

Những năm tháng đó qua truyền thông, báo chí những ai quan tâm đến cuộc chiến cũng thấy được hiệu năng tác chiến của Lực Lưọng Xung Kích với Lữ Đoàn Kỵ Binh nòng cốt. Nó đã quần thảo với các Công Trường 5,7,9 của CSBV qua nhiều địa danh Đambe, Krek, Snoul, tiếp cứu Chiến Đoàn 5 BĐQ, CĐ8/SĐ5BB ở Snoul triệt thoái… Sau thời gian bị giải thể, Lực Lượng được tái tổ chức năm 73 với 3 Chiến Đoàn gồm liên binh những đơn vị hàng đầu của QLVNCH hiệu năng tác chiến càng lên cao khác nào sấm sét giáng xuống quân địch. Người viết muốn nhắc lại 5,7 ngày cuối tháng 4-1975 của Lực Lượng này khi tình hình buộc chuyển sang thế ngăn chặn, lui binh.

Ngày 25, vùng trách nhiệm của Lữ Đoàn và Lực Lượng là thành phố ninh chung khu vực vẫn yên tĩnh. Tướng Khôi, tư lệnh mặt trận khi được yêu cầu của tân Tổng Thống Dương Văn Minh cố giữ đến 8 giờ sáng ngày 30 để chờ một giải pháp, Ông xác nhận đủ sức chấp hành. Quá hạn định, không được một lệnh nào khác, Tướng Khôi và bộ tham mưu nhận định Biên Hòa không còn là mục tiêu của địch nữa, phải lui binh về bảo vệ thủ đô Sài Gòn. Cuộc lui binh hoàn toàn tốt đẹp từ ý niệm điều quân, kỷ luật và tinh thần chiến đấu. Ông vẫn cố liên lạc với các cấp chỉ huy theo hệ thống dọc ngang (Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp, Quân Đoàn và TTM), nhưng các cấp chỉ huy đã ra đi. Sau khi DVM đọc lệnh đầu hàng, Ông mới để các đơn vị trực thuộc tùy quyền.

Ai cũng biết lui binh là thế trận khó khăn hơn hẳn tấn công, bảo toàn lực lượng khi triệt thoái nói lên tài năng vị chỉ huy. Thời Tam Quốc có mấy cuộc lui binh đáng kể nhưng theo người viết riêng cuộc rút quân của Khương Duy từ Kỳ Sơn về lại thành đô là khó khăn nhất: Quân Sư Khổng Minh vừa mất trong quân, tinh thần tướng sĩ giao động, nội bộ phân hóa (Ngụy Diên mưu phản), Tư Mã Ý truy kích rất rát, nhưng Khương Duy vẫn ổn định được lòng tướng sĩ, bảo vệ di hài chủ tướng, thanh toán nội phản, cầm chân được giặc. Khi Tư Mã Ý không còn đuổi kịp quân Thục, ngửa mặt lên trời than tiếc: “Khương Duy đã học hết tài Khổng Minh rồi!”


Qua ít trang tạp bút về Kỵ Binh Thiết Giáp, nhân ngày 30 tháng tư, người viết có vài suy nghĩ thay phần kết:

1/ Phải chăng cuộc chiến 1945-75 vô ích chỉ mang lại kết cuộc bi thảm?
Trước 54 đến 1975 ở những miền đất thuộc chính quyền Quốc Gia và Miền Nam Tự Do nhân dân cũng đã từng bước xây dựng và được hưởng một nền Dân Chủ, Tự Do, Tiến Bộ. Nếu Quân Dân không đồng tâm chung sức chiến đấu chúng ta có được hạnh phúc đó hay toàn dân đã phải sống dưới ách độc tài Cộng Sản từ khi chúng mượn chiêu bài kháng chiến dành độc lập năm 1945? Chẳng những thế mấy trăm triệu dân các nước Đông Nam Á có cơ hội hòa bình để phát triển thành những Con Rồng kinh tế hay tất cả chỉ có một Con Rồng Đỏ CS ngự trị? Nếu không nhận chân được giá trị chiến đấu và món nợ máu xương đối với các chiến sĩ QLVNCH lý do nào khiến các nước láng giềng phải mở cửa cho thuyền nhân tạm cư trước khi được một quốc gia đệ tam tiếp nhận?

2/ Dương Văn Minh đầu hàng giúp cho dân quân cán chính khỏi phải đổ máu thêm vô ích?

Nguyên vẹn Quân Đoàn IV Miền Tây và những đơn vị như Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ & Lực Lượng Xung Kích trên đây nếu tiếp tục được chiến đấu, kháng cự bằng sự lãnh đạo xứng đáng, có thể góp phần vào một giải pháp nào đó chẳng hơn buông súng vô điều kiện? Không phải hy sinh mạng sống ngày 30-4 nhưng mấy trăm ngàn người chết trên biển Đông, mấy trăm ngàn quân cán chính chết dần mòn trong các trại tù cải tạo, hàng chục triệu đồng bào từ 30 năm nay sống kiệt quệ tinh thần, thể chất, đất nước xuống hàng nghèo đói nhất thế giới do chế độ CS… giá nào mắc hơn?

Nguyễn Đình Phúc
HV

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...