Saturday, August 7, 2021

GS PHẠM CAO DƯƠNG: NHỮNG LÝ DO KHIẾN HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI THOÁI VỊ 30 Tháng 8 Năm 1945

LTS: Trích từ tác phẩm "Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại -Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam" (chương 9)
Tác giả: Ts Phạm Cao Dương - Xuất bản năm 2018.

MẠNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM SAIGON, Pháp
Bài này được trích đăng một phần từ tác phẩm Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới:Bảo Đại-Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam, 9/3/1945 -30/8/1945 của
Giáo Sư Phạm Cao Dương, do Nhà xuất bản Amazon in và phát hành, thể theo lời yêu cầu của một số quý vị độc giả, vì lý do này hay lý do khác, không có cuốn sách này trong tay, muốn biết rõ hơn và đầy đủ hơn.
Bài viết dài nếu muốn hiểu tường tận, xin mời quý vị mở đọc mạng sau đây:


"Mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm mong muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.
Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ."
Hoàng Đế Bảo Đại
(trích Chiếu Thoái Vị)

TRÍCH ĐOẠN:
Về phía Vua Bảo Đại, hơn ba mươi năm sau ngày thoái vị, Nhà Vua đã kể lại biến cố tối quan trọng liên hệ tới không riêng đời mình mà luôn cả dòng họ mình, thần dân mình và đất nước mình một cách tình cảm hơn và bình thản hơn:
Bản tuyên ngôn được đọc trong sự yên lặng hoàn toàn. Tôi quan sát các khán giả đứng hàng đầu. Tất cả các vẻ mặt đều tỏ vẻ ngạc nhiên cùng cực. Bản tuyên ngôn thoái vị của tôi như tiếng sét đánh xuống ngang đầu họ. Họ lặng người đi.
Trong một bầu không khí bực dọc, tôi trao nhanh ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu, mà chính ông ta cũng có cảm tưởng như từ trên mây mà lại. Trong khi tôi hồi cung, đám đông tan ra, không một tiếng kêu.
Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi phía sau. Trước khi chia tay với tôi, đại diện của Ủy ban Giải phóng nói:
-Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi muốn mời Ngài ra Hà Nội để dự lễ đặt cơ cấu chính quyền dân chủ cộng hòa.
-Thưa ông Đại diện, tôi xin gửi lời ông cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhã ý mời tôi, và tôi không bỏ lỡ dịp tới dự.

Cũng nên biết thêm về cảm tưởng của Trần Huy Liệu khi nhận được ấn kiếm nhà vua trao cho mà ông gọi là “dâng lên”. Ông này viết:
Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn nặng tới 10 kg vàng, nói thật với các bạn, khi giơ hai tay đỡ chiếc ấn, tôi đâu có ngờ nó nặng đến thế, nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy, khi chiếc ấn nặng trĩu đã nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là để người tôi phải nghiêng ngả, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử. Cũng may là tôi đã làm xong trách nhiệm “nặng nề” ấy.
Đoạn văn kể trên được in trong bản của Nhà Xuất Bản Thuận Hoá, bản được tác giả ghi là Hà Nội, 8, 1960 và trích từ Hồi Ký Trần Huy Liệu do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1992 nhưng đã bị cắt bỏ trong bản in trong "Xưa Và Nay", Số 450, tháng 8 năm 2014, đã dẫn.

Một nhân chứng khác có mặt trong buổi lễ này là Đặng Văn Việt, người sinh viên trường Thanh Niên Tiền Tuyến đã hạ Cờ Quẻ Ly để thay thế bằng cờ đỏ sao vàng ở kỳ đài hai ngày trước, đã nói ở trên. Nguyên văn lời kể của Đặng Văn Việt như sau:
Mấy hôm sau, (hôm treo cờ lần thứ nhất) trên cổng Ngọ Môn, tôi có mặt trong buổi nhà vua làm lễ thoái vị “Giao ấn vàng, kiếm báu” cho ông Trần Huy Liệu - đại diện của chính phủ Trung ương từ Hà Nội vào. Trong cuộc mít tinh lịch sử, hàng vạn nhân dân Huế được tụ tập để “tạm biệt” vị Hoàng đế cuối cùng của triều nhà Nguyễn. Nếu chúa Nguyễn Hoàng là người đầu thực hiện lời khuyên, lời tiên đoán của nhà ẩn dật nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân”.
thì vị Hoàng đế cuối cùng Bảo Đại. cũng là người tuyên bố chấm dứt nghiệp đế sau gần 3 thế kỷ (chúa – vua):
“Thà làm dân một nước tự do
Hơn làm vua một nước nô lệ”.
Trong buổi lễ long trọng (ngày 30-8-1945) có mục nghi thức mới: Hạ cờ vàng, lần thứ hai và treo cờ đỏ sao vàng chính thức lên cột cờ của cố đô Huế.
Viên lãnh binh khố vàng đến cạnh tôi, biết anh Cao Pha và tôi là người đã làm việc treo hạ cờ hôm ấy – ông ta nói:
Hôm hạ cờ nhà vua, cả đại đội khố vàng chúng tôi nằm rạp, dọc theo thành cổng Ngọ Môn. Hơn một trăm tay súng chĩa về các anh - xin ý kiến Hoàng đế - Ngài bảo:
“Chớ! Chớ! Việt Minh đấy! Chúng mi nổ súng thì tao chết trước đấy – may quá lính chỉ nằm im cho đến khi các anh đi khuất. Hôm ấy mà bóp cò, thì nay tôi toi mạng rồi, thật phúc lớn nhà tôi".

Điều đáng để ý là cùng một nhân chứng Đặng Văn Việt, trong hồi ký Người Lính Già Đặng Văn Việt, Chiến Sĩ Đường Số 4 Anh Hùng (Hồi Ức), ấn hành bốn năm trước, năm 2004, bởi Nhà Xuất Bản Trẻ, câu trả lời này của Bảo Đại hơi khác. Thay vì xưng “tao” và “chúng mi” với vị lãnh binh lính Khố Vàng, nhà vua đã dùng các tiếng “các ngươi” và “trẫm”. Nguyên văn như sau:
Tôi đang đứng dự buổi lễ (thoái vị) tự nhiên ông lãnh binh đội cận vệ Hoàng gia (khố vàng) đến cạnh tôi và nói: ”Hôm nọ, hai ông ra lệnh hạ cờ nhà vua, treo cờ Cách mạng lên cột cờ lớn. Được tin, thi hành nhiệm vụ bảo vệ Hoàng cung, tôi đã cho 120 lính khố vàng nằm dọc theo thành của Ngọ Môn, chĩa súng vào hai ông”. Xin ý kiến của Hoàng đế, ngài thét lên và bảo: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy, các ngươi mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó”. Nhờ lệnh ấy mà chúng tôi đã không bóp cò.

Cũng nên biết thêm cảm tưởng của Bảo Đại về Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận khi Nhà vua tiếp kiến Phái Đoàn của Chính Phủ Lâm Thời lần đầu tiên ở Điện Kiến Trung:
Sáng ngày 23 tháng 8, hai phái viên của Việt Minh đến cung điện. Đó là những người đại diện cho việt Nam Độc lập Đồng Minh, do Hà Nội cử vào. Trần huy Liệu trưởng phái đoàn cũng là phó chủ tịch của Ủy ban. Đó là một người gầy còm, có hình thái tiều tụy, đeo đôi kính đen để che cặp mắt lé, mà người ta lấy làm khó chịu khi phải nhìn lâu.. Kẻ đồng hành là Cù huy Cận trông thật là vô nghĩa. Tôi không khỏi thất vọng.
Đến đây, cùng với sự kiện thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại, không chỉ riêng Triều Đại Nhà Nguyễn mà luôn cả nền quân chủ Việt Nam đã cáo chung sau hơn một ngàn năm tồn tại với không biết bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, “dẫu cường nhược cũng có lúc khác nhau”. Đế Quốc Việt Nam cũng không còn nữa đúng như lời Vua Bảo Đại đã cảnh cáo Phạm Quỳnh khi có tình trạng hoang mang trong Hội Đồng Thượng Thư do Phạm Khắc Hoè tạo ra qua hai Thượng Thư Bùi Bằng Đoàn và Ưng Úy trước đó, nguyên văn:
“Ông liệu mà bảo họ chấm dứt những chuyện ăn nói lung tung và mưu mô đó đi… Hoàng đế là Trẫm! Bảo họ đừng quên điều đó. Nếu ngày nào Trẫm phải ra đi, ngày đó sẽ không còn Đế Quốc Việt Nam này nữa!”
Chiều ngày 30 Tháng 8 Năm 1945, Hoàng Đế Bảo Đại không ngờ đã “phải ra đi” thực và Đế Quốc Việt Nam cũng đã “không còn nữa”.

Một ông vua trí thức. Nguồn: Un Empire Colonial Français: L’Indochine,Georges Maspéro chủ biên (1929)

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...