Friday, September 29, 2023

Ukraine: Những người lính không thể rời mặt trận cho đến khi chiến tranh kết thúc

Đơn vị của Jimmy đã thay đổi chóng mặt kể từ khi chiến tranh nổ raTác giả,Mark Urban

Chiến đấu không biết ngày về, chỉ được nghỉ phép 10 ngày mỗi năm và tỷ lệ thương vong cao - cuộc sống ở tiền tuyến đối với những người lính Ukraine trong một đơn vị không hề dễ dàng, như BBC Newsnight đã chứng kiến tận mắt.
Đứng giữa một số tòa nhà bị san phẳng, "Jimmy", một sĩ quan Ukraine đã tại ngũ nhiều năm, suy ngẫm về sự sống sót của mình: "Tôi là một người may mắn... như tôi thấy, chiến tranh có thể yêu thương con người hoặc không".

Những người lính của anh nghĩ rằng việc Jimmy vẫn ở bên họ, mặc dù mang trên mình nhiều vết thương, có nghĩa là anh đã sống một cuộc sống đầy may mắn.

Đơn vị của anh, Lữ đoàn cơ giới 24, có lịch sử lâu đời và là một phần của quân đội chính quy Ukraine cũ, chiến đấu với quân Nga từ năm 2014. Nhưng kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2/2022, quân đội đã tăng gấp ba lần về quy mô, cả nước đã được huy động và đơn vị của Jimmy đã thay đổi đến mức không ai có thể nhận ra.

Chúng tôi (phóng viên BBC) đã dành hai tuần trong tháng 8 với Lữ đoàn 24, hiện đang phục vụ ở Donbas, trung tâm công nghiệp cũ ở phía đông, hiện là một phần mặt trận giữa Bakhmut và Horlivka.



Và chúng tôi đã đến khu dân cư ở miền Tây Ukraine, nơi lữ đoàn đóng quân trước chiến tranh và nhiều gia đình của họ vẫn sinh sống.

Jimmy - quân đội Ukraine yêu cầu chúng tôi sử dụng biệt danh của các binh sĩ thay vì tên thật của họ - chỉ huy một đại đội (thường có khoảng 120 quân số), một vị trí mà anh đã đảm nhận vào năm ngoái. Một sĩ quan nói với tôi rằng không ai trong số 15 đại đội trưởng tại nhiệm khi chiến tranh bắt đầu vẫn còn tại vị, tất cả đều đã được thăng chức hoặc bị thương vong.

Trong thời gian chuẩn bị chiến tranh, Lữ đoàn 24 chỉ có hơn 2.000 quân, luân chuyển ba tiểu đoàn
Ban đầu, Yurii được cấp một khẩu súng trường và gửi vào bộ binh, vài tháng sau, anh được chuyển sang một "công ty khởi nghiệp" quân sự, đại đội drone tấn công của Lữ đoàn 24. Ngồi ở một chiếc bàn trong sân chơi dành cho trẻ em gần mặt trận, anh cho chúng tôi xem những chiếc drone mới và những gói thuốc nổ mà chúng mang theo, cho phép anh và những người khác lái những chiếc drone này vào các phương tiện, tòa nhà hoặc hầm trú ẩn nơi quân Nga đang ẩn náu.


Yurii giải thích rằng ban đầu mẹ không tin việc anh nhập ngũ, nhưng khi anh bắt điều khiển drone tiến vào chiến hào của Nga, "sau đó bà đã thay đổi quyết định" và trở nên tự hào về anh.


Theo các điều khoản trong hợp đồng, các tình nguyện viên - cũng như những người lính nghĩa vụ - không thể bỏ đi và có nghĩa vụ phục vụ cho đến khi chiến tranh kết thúc. Trong khi đó, họ chỉ được nghỉ phép 10 ngày mỗi năm.


Yurii khác với những chàng trai khác trong Lữ đoàn 24 ở chỗ số tiền 3.195 USD mà anh được trả hàng tháng (80% trong số đó là tiền lương chiến đấu) thấp hơn số anh tiền kiếm được trong cuộc sống bình thường.


Với khả năng lập kế hoạch kinh doanh của một nhân viên ngân hàng, Yurii nói với tôi rằng họ phải khéo léo hơn quân Nga vì kẻ thù có nhiều drone hơn.


Một trong những sĩ quan tiết lộ rằng mặc dù Yurii chỉ được xếp là một binh nhì đơn giản nhưng về cơ bản anh vẫn điều hành đơn vị này. Việc xem xét lại hệ thống phân cấp thông thường là một trong những điểm khác biệt giữa lực lượng quân đội được thành lập trước năm 2022 và lực lượng hiện đang chiến đấu với quân Nga.


Một điều nữa là họ sẵn sàng bỏ qua tuổi tác và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tình nguyện viên trước năm 2022. Chúng tôi gặp một trung sĩ có biệt danh là "Hryb" (có nghĩa là nấm), người được giao phụ trách một khẩu pháo tự hành.


Ông đã lớn tuổi, chính xác là 52 tuổi, đã phục vụ trong quân đội hơn 30 năm trước. Ông ấy có thể biết gì về chiến tranh hiện đại?

Gia đình Hryb đã khóc khi ông nói với họ về quyết định đi lính tình nguyện

Một cách trùng hợp, loại pháo 152mm Akatsiya (hay Acacia) của Lữ đoàn 24 cổ xưa đến mức chúng cùng loại với loại mà Hryb vận hành khi phục vụ trong Quân đội Liên Xô ở Đông Đức vào đầu những năm 1990.

Những quả đạn mà chúng tôi thấy họ bắn đã được sản xuất cách đây 40 năm và những người lính đã đặt biệt danh cho lựu pháo là Babushka hay Grandma (Người bà). Còn ai biết rõ những đặc tính cũ của “bà” hơn “ông Hryb”?


Quyết định đi lính tình nguyện không hề dễ dàng với gia đình ông. “Họ khóc thầm,”ông Hryb giải thích. "Họ nói rằng họ sẽ đợi tôi, rằng họ yêu tôi."

Đằng sau những tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh, “miễn là cần thiết”, là hàng trăm ngàn gia đình Ukraine đang phải vật lộn, cố gắng xoay sở với những hy vọng và nỗi sợ hãi của mình khi chiến tranh đã trôi qua 18 tháng mà dường như chưa có hồi kết.

Tại một trung tâm phục hồi chức năng ở Lviv dành cho những người lính bị thương nặng, tôi đã trao đổi về những khó khăn khi một số người lính bị thương nhẹ nói với vợ của mình rằng họ muốn quay lại mặt trận.

Một quân nhân bị thương cảnh báo rằng Ukraine chưa tính đến số người bị thiệt hại do chiến tranh

Pavlo, một trong những bệnh nhân, nói với tôi: “Nhiều chàng trai trẻ, những người còn sống nhưng bị mất đi một chi, cũng mất cả gia đình”.

Điều tương tự cũng diễn ra trong cuộc hôn nhân của Pavlo, anh nói một cách buồn bã: "Cô ấy nghĩ tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình rồi." Một người đàn ông khác, bị thương trong một bãi mìn trong cuộc phản công gần đây, nói với tôi rằng xã hội Ukraine vẫn chưa thức tỉnh trước việc hiện nay có bao nhiêu người bị thương vong.

Hồ sơ về những cái chết, thương tích và những người bị bắt có thể ảnh hưởng đến việc mọi người sẵn sàng phục vụ. Tuyển quân là một chủ đề khác mà Ukraine không công bố số liệu chính thức.
Tuy nhiên, trong số những người mà chúng tôi quay phim đang được huấn luyện tại Yavoriv và một khu vực khác gần mặt trận hơn, nhiều người ở độ tuổi 40 và khá nhiều người ở độ tuổi 50. Các sĩ quan kể cho chúng tôi nghe về sự cạnh tranh khốc liệt nhằm giành tân binh giữa các lữ đoàn khác nhau.


Sự tranh giành cũng nổi lên vào tháng 8, sau khi sa thải các sĩ quan giám sát việc nhập ngũ, bởi hàng ngàn người đàn ông đã hối lộ để rời khỏi đó hoặc đi lậu ra khỏi đất nước để trốn nghĩa vụ.

Trong số những người tình nguyện ra mặt trận, có nhiều người đã mất việc làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo chiến tranh và bị thu hút bởi mức lương cao khi ra mặt trận.

Đối với những nỗ lực lật ngược tình thế với Nga vào mùa hè này, nhằm giải phóng các vùng đất bị chiếm đóng, kỳ vọng về những gì quân đội Ukraine có thể đạt được ở Lầu Năm Góc có lẽ cao hơn ở các cựu chiến binh của Lữ đoàn 24.

“Đơn giản là không thể có được một bước đột phá dễ dàng”, Jimmy nói với chúng tôi. "Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài."

Pháo của lữ đoàn là loại được Quân đội Liên Xô sử dụng từ những năm 1990

Một sĩ quan khác của lữ đoàn, chỉ huy một trong các tiểu đoàn, đã so sánh cuộc xung đột với Việt Nam, ngụ ý rằng nó có thể kéo dài nhiều năm.

Và khi cuộc chiến tiếp tục, sự mất mát cũng kéo dài. Thương vong là một vấn đề rất nhạy cảm ở Ukraine, việc công bố số liệu là vi phạm pháp luật. Nhưng Lầu Năm Góc ước tính gần đây có 70.000 người Ukraine thiệt mạng trong chiến tranh, phần lớn trong số họ là quân nhân.

Từ phân tích về các kênh truyền thông xã hội và các bản tin, ước tính dè chừng của chúng tôi là Lữ đoàn 24 đã mất tổng cộng khoảng 400 nhân sự. Khoảng 120 người trong số này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh từ năm 2014 đến đầu năm 2022, số còn lại kể từ cuộc xâm lược của Nga.

Lữ đoàn cũng đã có hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm người bị bắt, một chủ đề khó khăn khác đối với chính quyền, vì việc trao đổi tù nhân cho đến nay vẫn còn rất hạn chế về quy mô.

Vợ của một tù binh chiến tranh nói với chúng tôi rằng cho đến nay chỉ có 22 người từ Lữ đoàn 24 trở về và tất cả các cơ quan chính phủ mà cô viết thư tới đều gửi cho cô cùng một thông điệp: "Cô nên đợi."

Việc hồi hương tù binh chiến tranh chỉ là một trong nhiều vấn đề sẽ phải được đàm phán một khi tiếng súng không còn. Nhưng sự mất mát và sự phẫn nộ của công chúng trước hành động của Nga đã khiến các chính trị gia Ukraine khó đồng ý với một hiệp định đình chiến hoặc hòa bình trông giống như một thỏa hiệp lộn xộn hơn rất nhiều.

Tại một nghĩa trang ở ngoại ô Lviv, chúng tôi theo chân Natalia Nezhura khi cô đặt những bông hoa tươi lên mộ anh trai Andrii. “Tôi đã cố gắng mọi cách để ngăn anh ấy ra tiền tuyến, cô giải thích.

Natalia cố giấu giấy gọi nhập ngũ của anh trai để ngăn anh bị đưa ra tiền tuyến

Cô suy sụp khi kể với tôi về cảm giác thất bại vì đã không thuyết phục được anh.

Cô đã giấu giấy gọi nhập ngũ của Andrii, sau đó, khi không thành công, cô đã sử dụng mối liên hệ để tìm cho anh một công việc hướng dẫn sử dụng súng tại sân tập Yavoriv, "nhưng cuối cùng hầu hết các chàng trai đều được đưa ra tiền tuyến".

Andrii đã tử trận vào đầu năm nay, khi Lữ đoàn 24 có các đơn vị tham gia trận chiến ở Bakhmut. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra giữa những lá cờ phấp phới của nhiều đơn vị thuộc khu quân sự ở Lviv, nơi mà chúng tôi đếm được có hơn 2.000 ngôi mộ.

Những ai tưởng tượng rằng sự mất mát và đau đớn này có thể khơi dậy niềm khao khát hòa bình sẽ phải chịu một cú sốc nặng nề. Khi tôi hỏi cô ấy nên kết thúc chiến tranh như thế nào, Natalia trả lời: "Tôi chỉ muốn tất cả người Nga chết, tôi ghét họ bằng cả trái tim và tâm hồn", nói them rằng, "làm sao bạn có thể nói về hòa bình khi họ đã giết rất nhiều người của chúng tôi? "


Trong nhiều năm, quân đội chính quy cũ đã duy trì được một nền hòa bình không mấy dễ chịu và thỉnh thoảng xảy ra các cuộc xung đột dọc đường tiếp xúc với quân Nga. Nhưng bây giờ mọi người đều cảm thấy có liên quan trong cuộc xung đột, và thái độ mà chúng tôi chứng kiến từ những người lính và gia đình của Lữ đoàn 24 đã nhấn mạnh mức độ mà toàn thể xã hội đã được huy động và giờ đây chỉ có một chiến thắng rõ ràng mới được người Ukraine chấp nhận.

No comments: