Friday, September 1, 2023

Lễ Lao động Hoa Kỳ- Giao Chỉ, San Jose.


Labor Day, ngày lễ Lao động của Mỹ

Chúng tôi sống tại Mỹ từ 1975 đến nay, đã trải qua hơn 40 lần nghỉ lễ Lao Động. Những năm đầu còn nhớ mãi về ngày quốc tế Lao Động tại Việt Nam mùng 1 tháng 5. Cũng đã từng thắc mắc tại sao Mỹ lại có lễ vào tháng 9. Gọi là ngày lễ Lao Động mà sao cả nước lại chỉ lo chuyện Vacation dài hạn tới ba ngày cuối tuần. Năm nay, xin tra cứu lại tài liệu để cùng quý thân hữu phiếm luận một lần cho rõ đầu đuôi. Sách Mỹ chép về lịch sử ngày lễ Lao Động xin tóm lược như sau:
Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ nước Mỹ. Những năm 80 của thế kỷ 19, để giành quyền lợi tối đa, tư bản Mỹ đă ép buộc công nhân mỗi ngày làm việc từ 12 đến 16 tiếng, thậm chí nhiều hơn thế. Công nhân Mỹ dần dần họp đoàn đứng dậy đấu tranh để bảo vệ quyền lợi. Bắt đầu từ năm 1884, tổ chức công nhân tại Mỹ đă đấu tranh thực hiện mục tiêu ngày làm 08 tiếng. Ngày 1/5/1886, công nhân tại Chicago Mỹ tổ chức bãi công quy mô lớn. Cùng ngày hôm đó, khoảng 350.000 công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công và diễn hành. Đấu tranh yêu cầu cải thiện điều kiện lao động, thực hiện chế độ ngày làm 8 tiếng. Cuộc biểu tình này chấn động cả nước Mỹ. Sức mạnh to lớn của công nhân đoàn kết đấu tranh buộc tư bản phải nhượng bộ. Cuộc bãi công của công nhân Mỹ đã giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh lịch sử tại Chicago 1 tháng 5-1986 xảy ra vào thời kỳ của tổng thống thứ 25, ông Grover Cleveland.
Diễn tiến của cuộc đấu tranh lịch sử. Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!” Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston… hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ phải làm 8 giờ. Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Giới chủ nhân đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Đặc biệt, ở Chicago, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm 4 người chết, hơn 70 bị thương và trên 100 người bị bắt. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt… gây nên sự kiện thảm sát Haymarket năm 1886 tại Chicago, Mỹ. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Từ đó, các đoàn thể công nhân các nước trên toàn thế giới đã tổ chức các hoạt động mừng ngày lao động tháng 5. Nhiều nước còn nghỉ một ngày.
Ngày 20/6/1889, ba năm sau “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản Quốc tế lao động cộng sản biểu tình và Hoa Kỳ vui chơi
Tuy nhiên, điều đặc biệt là sau này khi ấn định Ngày lao động cho Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ lại chọn ngày thứ Hai của tuần đầu tiên trong tháng 9, do đó Ngày lễ Lao động của Mỹ không phải vào tháng 5 mà vào tháng 9. Thời đó phe tư bản đã lùi bước, giai cấp lao động đấu tranh thành công. Nếu chính quyền và tư bản cứng rắn, không thỏa hiệp, kết quả không thể tiên đoán được. Mầm mống của chủ nghĩa cộng sản có thể đã bắt đầu phát triển từ Mỹ quốc ngay từ 1886. Cuộc đình công xuống đường mở đầu cho phong trào nghiệp đoàn sau này tại Mỹ đã xây dựng một quốc gia Hoa Kỳ hùng cường. Sự hợp tác giữa tư bản và công nhân đã hình thành. Hoa Kỷ giữ riêng Ngày lễ Lao Động vào tháng 9 hàng năm. Giới lao động Mỹ đã trao tặng ngày 1 tháng 5 cho Âu Châu và 26 năm sau, đến ngày 1 tháng 1 năm 1912 đảng cộng sản Nga mới ra đời bèn nhận ngày lịch sử của Chicago thành biểu tượng của cách mạng vô sản. Ý nghĩa ngày 1 tháng 5 của công nhân toàn thế giới dần dần biến thành ngày đấu tranh của thế giới cộng sản. Cần ghi lại thêm một ngày lịch sử, 29 tháng 8 năm 1991, sau 79 năm cờ đỏ hạ xuống ở điện Cẩm Linh. Chế độ cộng sản chấm dứt tại thiên đường Xô Viết
Nước Mỹ và người Mỹ. Qua bài học về lịch sử ngày lao động quốc tế và ngày Lao động Hoa Kỳ, chúng ta ghi nhận được những gì. Ngày xưa hình ảnh nước Mỹ đến Việt Nam qua phim ảnh. Người Mỹ ở những ngôi nhà lớn trong nông trại. Gia nhân da đen hầu hạ, những cánh đồng bát ngát trồng bóng vải trắng trong phim Cuốn theo chiều gió. Rồi đến những phim cao bồi của đoàn người chinh phục miền Viễn Tây. Dân Mỹ nguyên thủy từ Anh quốc đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh. Họ chống lại nước Anh để trở thành nước Mỹ. Bắt người da đen từ Phi Châu đem về làm nô lệ. Rồi cuộc nội chiến Nam Bắc tàn khốc để giải quyết chế độ nô lệ. Họ bắt dân da đỏ tập trung vào những khu riêng biệt. Nhập cư dân da vàng làm phu đường xe lửa. Cuộc chiến dành dân lấn đất xảy ra giữa Mỹ và người Pháp, Mỹ và người Mễ. Khởi đi từ hung bạo tàn nhẫn, kỳ thị và ác độc người Mỹ xây dựng đất nước vĩ đại trở thành bao dung nhân từ đón nhận tất các di dân trên thế giới để trở thành Hiệp Chúng Quốc với 50 tiểu bang. Với bản hiến pháp, bản tuyên ngôn độc lập, bản tuyên ngôn nhân quyền làm khuôn vàng thước ngọc cho nhân loại.
Sau nhiều năm sống trong lòng nước Mỹ, Nhưng ta hiểu được đất nước này bao nhiêu để mang danh nghĩa công dân Hoa Kỳ. Riêng tiểu bang CA, người Mỹ da trắng ngày này đã thành thiểu số.
Câu hỏi đặt ra: Thế nào là người Mỹ và nước Mỹ. Người Mỹ mặc quần Jean, ăn Fast Food và nói tiếng Anh. Nước Mỹ không có quốc giáo, chấp nhận mọi tôn giáo, chấp nhận súng đạn, chấp nhận sửa chữa các sai lầm. Lập gia đình sai lầm, luật pháp cho phép ly dị. Làm ăn sai lầm cho phép khai phá sản. Mua đồ sai lầm cho phép trả lại.Luật pháp cho phép phá thai. Thể chất con người sai lầm hay khác biệt đều cho phép tiếp tục tồn tại. Người tàn tật, người đồng tính, người chuyển giới, người tâm thần và người cao niên đều được quyền sống. Hoa Kỳ chấp nhận tất cả các sắc dân và nguồn gốc. Da trắng da đen da đỏ da vàng. Chấp nhận hôn nhân dị chủng. Thậm chí chấp nhận cả tư tưởng kỳ thị, miễn là giữ riêng từng cá nhân và không bạo động. Đó là những tỉnh hoa của tính chất Hoa Kỳ. Dù rằng tại mỗi nơi, mỗi thời và mỗi hoàn cảnh có khác biệt, những tinh thần tự do và phóng khoáng đó sẽ là có đường đi tới. Sau cùng ngày quốc tế lao động của cộng sản là ngày sắt máu nhưng ngày Lao động Hoa kỳ là ngày nghỉ ngơi và shopping. Ba ngày dài. Mua hàng rồi trả lại. Đó là Hoa Kỳ, đất nước kỳ hoa dị thảo kèm theo long weekend.


Bài học thành công của Hoa Kỳ qua lịch sử ngày Labor Day là tương nhượng và thỏa hiệp để cùng sống chung hòa bình.

Giao Chỉ, Vu Van Loc, San Jose.



No comments: