Kính thưa quý vị:
Chúng ta đã có một mối quan hệ chặt chẽ trong việc tưởng nhớ những hy sinh mà chúng ta đã phải chịu trong cuộc chiến đó. Đóng góp của các bạn đã giúp chúng tôi tài trợ hai tượng đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại Ft. Rosecrans và Miramar National Cemeteries.
Hôm nay, tôi muốn kể một câu chuyện về ba con tàu Hải quân - thực ra là một con tàu Hải quân đã đóng vai trò trong Chiến tranh Việt Nam, Tháng Tư Đen và Sài Gòn thất thủ, và ngày nay tiếp tục chiến đấu chống lại sự xâm lược Cộng sản ở Đông Nam Á.
Hãy hình dung vào tháng Mười 1968 tại trung tâm đồng bằng Cửu Long, trên dòng sông Hậu Giang. Một Chiếc trực thăng với biệt danh Jolly Green Giant hạ cánh trên sàn bay của tàu USS Harnett County (LST-821), một con tàu được tân trang thành một Cơ Xưởng Hạm của Hạm Đội Hải Quân "Nước Nâu" gồm các Lực Lượng Lưu Động Sông-Brown Water Navy Mobile Riverine Force-với các giang tốc đĩnh (PBRs) của các Giang Đoàn Tuần Thám (PBRs) và một đội trực thăng tấn công Seawolf.
Tôi đã đi trên chiếc trực thăng đó,mang cấp bậc HQ Thiếu Uý tân đáo thay phiên trong một năm trong chức vụ Sĩ quan Phòng Tai và sau đó là Cơ Khí Trưởng của chiến hạm.
Harnett County và thủy thủ đoàn đã phục vụ xuất sắc, vào cuối năm 1969 tàu đã giành được hai Tuyên Công Đơn Vị cấp Tổng thống, chín Anh Dũng Bội Tinh và ba Hải Quân Huân Công vì lòng anh dũng phi thường của thủy thủ đoàn và chiến hạm kể từ khi đến Việt Nam vào năm 1967. Nhưng hành trình của con tàu này không dừng lại ở đó.
Sau khi phục vụ với Hải quân Hoa Kỳ, Harnett County đã được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1970 và trở thành Cơ Xưởng Hạm Mỹ Tho (HQ-800). CXH Mỹ Tho tiếp tục phục vụ các cuộc hành quân vùng sông ngòi cho đến tháng Tư năm 1975.
Vào cuối tháng Tư năm 1975, tôi vừa hoàn thành một chuyến đi trên biển Tây Thái Bình Dương kéo dài chín tháng trên một khu trục hạm và chúng tôi đang trở về bến nhà San Diego.
Bắc Việt Nam đã xâm lược Miền Nam Việt Nam và Sài Gòn đang sụp đổ. Chúng tôi đã được quay lại và kêu gọi để giúp đỡ những ngừơi dân Việt di tản. Đồng thời, CXH Mỹ Tho đã chở hơn 3.000 người di tản từ thành phố Mỹ Tho và xuôi theo sông hướng ra khơi.
Chiến hạm đã tham gia vào một đội tàu khác của Việt Nam Cộng hòa đi qua những khu vực nguy hiểm để đến nơi an toàn, và tiếp tục hành trình đến Vịnh Subic, Philippines. Tại đó, những người di tản bắt đầu cuộc sống mới, nhiều người đến định cư ở Mỹ.
Nhưng di sản của con tàu My Tho không dừng lại sau khi chiến tranh kết thúc. CXH My Tho đã được chuyển cho Hải quân Philippines và đổi tên thành BRP Sierra Madre.
Sau hơn 20 năm phục vụ trong nước biển xung quanh quần đảo Philippines, nó lại bị kéo vào một cuộc xung đột khác - tranh chấp quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông, khu vực này là một khu vực đánh cá giàu có và là một nguồn tài nguyên dầu và khí tự nhiên lớn. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng cũng bị quân đội của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan chiếm đóng.
Năm 1999, Philippines đã cố ý đưa tàu Sierra Madre đến bãi Cỏ Mây tức bãi cạn Thomas số 2 thuộc quần đảo Trường Sa, để củng cố chủ quyền lãnh thổ của mình. Sierra Madre là biểu tượng của sự kiên cường và sự đối kháng quyết liệt khi 12 binh sĩ Philippines duy trì vị trí của họ mặc cho sự phản đối từ phía Trung Cộng khi tàu cảnh sát biển TC tấn công họ bằng vòi phun nước và vũ khí laser. Đến ngày nay, năm 2024, con tàu vẫn ở đó, tiếp tục chiến đấu.
Tám mươi năm sau khi được đóng vào năm 1944, con tàu của chúng tôi, USS Harnett County, RVNS My Tho và BRP Sierra Madre tiếp tục chống lại sự xâm lược của Cộng sản và sống trong lòng của các cựu chiến binh của chúng tôi. Chúng tôi tôn trọng di sản của họ và thề sẽ không bao giờ quên những hy sinh của họ.
Muốn tìm hiểu thêm về con tàu tuyệt vời này, mời quý bạn lướt trên Google Các Khóa Chữ : USS Harnett County, RVNS My Tho và BRP Sierra.
Chú Thích: BRP là chữ viết tắt của Barko ng Repubika ng Pilipinas nghĩa là Chiến hạm của Cộng Hoà Philippines.
Jack Kline (US NAVY Retired)
Bài noí chuyện này được ông Jack Kline đọc trong buổi lễ tưởng niệm 30/4 do Cộng Đồng Việt Nam SanDiego tổ chức.
No comments:
Post a Comment