Sunday, April 7, 2024

Tượng Lenin ở Nghệ An, dựng lên để làm gì?



HÌNH ẢNH,
HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES)

Tượng Lenin ở Hà Nội đã đi vào một bài vè có tính châm biếm
7 tháng 4 2024

Một bức tượng đồng Lenin sắp được dựng lên tại trung tâm thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đang trở thành chủ đề tranh luận trên mạng xã hội.


Bức tượng nhà lãnh đạo vô sản, người sáng lập Liên bang Xô Viết Vladimir Illyich Lenin (1870-1924) được tỉnh Ulyanovsk (Liên bang Nga) “trao tặng hoàn toàn” theo quyết định của tỉnh này từ năm 2019, VTC News cho biết.


Trước đó, vào năm 2017, tỉnh Nghệ An đã cùng Ulyanovsk khánh thành tượng đài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ulyanovsk.


Hai tỉnh Ulyanovsk và Nghệ An đã kết nghĩa với nhau, theo tuyên bố chung.


Tượng đồng nguyên khối Lenin, nặng 4,5 tấn, cao 3,6 m sẽ được khánh thành vào ngày 15-16/4 tới, nhân kỷ niệm ngày sinh của nhà lãnh đạo Xô Viết này (Lenin sinh ngày 22/4/1870).


Năm 2020, ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã gọi tượng Lenin "là địa chỉ đỏ tại thành phố Vinh".

Tượng Lenin ở Việt Nam


Tượng các lãnh tụ cộng sản tiền bối như Lenin, hoặc các lãnh tụ sau này như Fidel Castro, được dựng lên tại Việt Nam nhằm nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa cộng sản và tình hữu nghị giữa các quốc gia chung ý thức hệ.


Các bức đặt ở khu vực công cộng còn nhằm mục đích tạo nên ký ức cộng đồng về chủ nghĩa mà các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương dẫn dắt toàn dân theo đuổi.


Tuy nhiên, khác với thời quá khứ, việc xây dựng tượng đài lãnh tụ ngày nay thường gây ra những ý kiến trái chiều.


Ở Hà Nội có Công viên Lê-nin và tượng Lê-nin, nơi người dân thường đến tập thể dục, lớp thanh niên tới nhảy múa và thỉnh thoảng lãnh đạo tới đặt hoa trong vài dịp lễ liên quan đến chính trị và lịch sử của chủ nghĩa cộng sản.


Việt Nam đã hoàn thành tượng này vào năm 1985, sau đó vườn hoa Chi Lăng được đổi tên thành Công viên Lê-nin hồi năm tháng 10/2003.


Tượng đài Lênin bằng đồng tại đây cao 5,2 m, hướng mặt ra đường Điện Biên Phủ.


Cho đến nay, chưa thấy có tin tức, hình ảnh các lãnh đạo Nga như Vladimir Putin hoặc Dmitry Medvedev khi thăm Hà Nội đã đến thăm tượng đài Lenin. Nhưng về phía Việt Nam, các lãnh đạo trung ương và Hà Nội hàng năm đều đến dâng hoa tại tượng đài Lenin nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, ngày sinh của Lenin (22/4), kèm theo các câu khẩu hiệu sấm sét như: "Tinh thần Cách mạng tháng 10 bất diệt".


Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gọi Lenin là “nhà lý luận chính trị kiệt xuất, vị lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới”.


Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh xuyên suốt trong những năm qua về việc phải “kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội; kiên định đường lối đổi mới”.


Hồi tháng 1/2014, một nhóm người tự nhận là học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam đã tìm cách kéo đổ tượng Lenin ở đây nhưng không thành.


Còn trong dân chúng, không ít người nhìn những bức tượng này với cặp mắt hài hước. Bức tượng Lenin tại Hà Nội đã đi vào một bài vè và được phổ biến rộng rãi trong dân gian (Ông Lenin ở nước Nga/Sao ông lại đến vườn hoa nước mình?).


Nhân dịp Nghệ An sắp dựng tượng Lenin, nhiều người đã nhắc lại bài vè này cũng như đặt câu hỏi có nên dựng tượng hay không.

Di sản của Lenin
HÌNH ẢNH,
ANDRE DURAND/AFP/GETTY IMAGES


Tượng Lenin bị kéo hạ tại thủ đô Bucharest ở Romania vào ngày 5/3/1990 sau khi lãnh tụ cộng sản Nicolae Ceausescu cùng vợ bị xử tử


Lenin là một trong số các nhân vật chính trị và nhà tư tưởng cách mạng hàng đầu của thế kỷ 20, người đã lãnh đạo Bolshevik lên nắm quyền tại Nga vào năm 1917 và là nguyên thủ đầu tiên của Liên Xô.


Ông trở thành nhà lãnh đạo tiên phong trong việc đưa đảng của giai cấp công nhân vô sản lên nắm quyền lực thực tế.


Lenin chết ngày 24/1/1924 và thi hài được ướp để cho vào lăng tại Quảng trường Đỏ, Moscow. Người kế nhiệm Lenin là nhà độc tài Joseph Stalin.


Lenin được cho là người mạnh tay với giới trí thức và văn hóa truyền thống của Nga, khi cưỡng bức họ phải rời bỏ quê hương.


Từ năm 1919, chính quyền của Lenin đã ra lệnh bắt hàng loạt trí thức, nhà khoa và văn nghệ sĩ Nga, gồm cả những người theo Đảng Kadet, lực lượng chính trị trung hữu, ủng hộ tự do cá nhân, bảo vệ thiểu số Do Thái, có mặt trong Viện Duma Nga từ năm 1906.


Trong thời kỳ Cách mạng Tháng 10 và xảy ra nạn đói Nga Povolzhye vào năm 1921, Lenin đã bỏ mặt sự chịu đựng của nhân dân và đàn áp thẳng tay đối với bất kỳ sự phản kháng nào.


Mặc dù Lenin tàn nhẫn nhưng ông cũng là nhà kinh tế thực dụng.


Khi các nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế Nga sang mô hình xã hội chủ nghĩa bị bế tắc, ông đã đề ra Chính sách Kinh tế mới, theo đó các doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động trở lại, chính sách này vẫn tiếp tục cho đến những năm sau khi ông qua đời.
HÌNH ẢNH,
CORBIS/CORBIS/GETTY IMAGES

Vladimir Lenin phát biểu tại Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm một năm chiến thắng Cách mạng tháng 10 vào năm 1918


Dù lấy cảm hứng từ lý tưởng cộng sản của Karl Marx và tư tưởng xã hội của Friederich Engels, chủ nghĩa do Lenin tạo ra cả về lý luận và trên thực tiễn được cho là "nhà nước toàn trị hiện đại đầu tiên", theo Bách khoa Toàn thư Anh Britannica.


Britannica viết: "Vì điều kiện xã hội lạc hậu ở Nga không dẫn đến chủ nghĩa xã hội một cách tự nhiên, những người Bolshevik đã đem chủ nghĩa xã hội vào thực tế và áp dụng các biện pháp chuyên chế, độc đoán nhằm bẻ gãy sự phản kháng của người dân."


"Vì thế, mọi mặt của cuộc sống kinh tế, xã hội, văn hóa, trí tuệ và sinh hoạt chính trị tại Liên Xô đều bị Đảng Cộng sản kiểm soát hết sức chặt chẽ và mang tính trại lính, không chấp nhận bất cứ biểu hiện đối lập nào."


"Xã hội xã hội chủ nghĩa được xây dựng bằng quyền lực độc đoán của quan chức Đảng Cộng sản và bộ máy quan liêu."


Trong bài viết ngày 25/1/2024 trên báo South China Morning Post, nhà sử học về Đông Âu Tanja Penter đánh giá về Lenin như sau:


“Lenin đã xuất hiện trong một kỷ nguyên mới với sự thử nghiệm chủ nghĩa xã hội. Và ông ta rõ ràng cũng là một người tiên phong cho nền cai trị khủng bố và bạo lực của người kế nhiệm Stalin.”


“Lenin là một nhà cải cách cực đoan, người luôn cuồng tín về sự đúng đắn trong con đường của mình. Ông ta cũng là một bạo chúa, sẵn sàng thực hiện mục tiêu của mình bằng mọi giá.”


Riêng tại Việt Nam, Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn coi Lenin là lãnh tụ tiên phong của giai cấp công nhân. Việt Nam vẫn trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong định hướng phát triển của đất nước.


Các môn học về Marx-Lenin được dạy trong chương trình chính khóa từ phổ thông tới đại học, theo kiểu giáo điều, tuyệt đối hóa chân lý, không hoặc ít có sự phản biện đúng mức.

Tượng Lenin trên thế giới giờ ra sao?
HÌNH ẢNH,
ANATOLI BOIKO/AFP/GETTY IMAGES

Người biểu tình kéo sập tượng Lenin tại trung tâm thủ đô Kyiv vào ngày 8/12/2013, trong cuộc tuần hành đòi Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych từ chức


Ngay tại nước Nga quê hương, các di sản của Lenin đã là một chủ đề gây tranh cãi. Không ít người vẫn hoài nhớ về thời đại Liên Xô của ông, trong khi nhiều người coi ông là nguyên nhân của các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị nghiêm trọng dưới thời Liên Xô và cả Nga sau này.


Tượng Lenin vốn là một biểu tượng của các nước xã hội chủ nghĩa. Trước năm 1990, có thể gặp tượng của ông ở khắp các nước Đông Âu và các quốc gia thành viên Liên Xô.


Tuy nhiên, sau sự tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, tượng Lenin dần biến mất tại nhiều nơi.


Tại những nước nơi người dân có ký ức kinh hoàng về Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản, như Ba Lan, Hungary, Lithuania, Latvia, Czech,… tượng Lenin đã bị giật sập và phá ủi hàng loạt.


Một số nước vẫn kiên trì theo chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, hoặc các nước nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga, các nhà nước độc tài Trung Á… vẫn giữ tượng Lenin với nhiều mục đích khác nhau.


Tại Ukraine, tượng Lenin vẫn hiện diện tại một số quảng trường lớn nhiều năm sau khi Liên Xô tan rã. Ở các quảng trường trung tâm Kyiv, Kharkiv vẫn có tượng Lenin. Tuy nhiên, sau khi mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine dâng cao, đặc biệt là việc Nga ủng hộ các nhóm ly khai nổi dậy tại vùng Donbas và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, tượng Lenin đã bị giật sập tại nhiều nơi.


Tháng 9/2014, phe chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã giật sập một bức tượng Lenin ở trung tâm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine, trong một hành động được chính quyền ủng hộ. Người dân đứng xem đã reo hò vui mừng khi bức tượng sụp xuống.


Khi đó, ông Arsen Avakov, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã viết trên tài khoản Facebook của ông rằng:


“Lenin à? Hãy để ông ta sụp cho rồi...,” ông viết. “Miễn là người dân không bị thương. Miễn là biểu tượng cộng sản đẫm máu này không gây hại cho thêm nạn nhân nào nữa khi nó sụp.”


Trước đó, vào năm 2013, tượng Lenin cũng bị kéo hạ tại thủ đô Kyiv, người dân đập bức tượng và mỗi người được phát một mảnh tượng về làm "quà lưu niệm".
HÌNH ẢNH,
PAULA BRONSTEIN/GETTY IMAGES

Một bức tượng Lenin bị kéo hạ ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ vào ngày 14/10/2012. Lý do được thị trưởng thành phố này đưa ra là tượng đài này tượng trưng cho sự áp bức thời Liên Xô, đồng thời lên án Lenin và các đồng chí cộng sản của ông là "những kẻ sát nhân". Trong Chiến tranh Lạnh, Mông Cổ là một quốc gia vệ tinh của Liên Xô.


Ở các nước phương Tây, tượng Lenin có xuất hiện ở vài nơi, với những mục đích và vai trò khác nhau, như trong bảo tàng về tội ác cộng sản, bảo tàng lịch sử, tại một số điểm công cộng, nhưng không phải là theo kiểu “địa chỉ đỏ” như ở Việt Nam.


Tại thành phố Seattle của tiểu bang Washington của Mỹ, có một bức tượng đồng Lenin đặt cạnh vỉa hè tại góc đường Fremont Pl N và đường N 36th St. Bức tượng cao 16 feet (gần 5m), nặng 7 tấn và không có bệ đỡ tương xứng.


Bức tượng này đã gây tranh cãi đối với người dân địa phương, và được trang trí trong các dịp lễ, như gắn đèn hay thậm chí được vận trang phục sặc sỡ để phục vụ mục đích giải trí.


Tại Lithuania, quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây, hơn 80 tượng Lenin, Stalin và các biểu tượng của Liên Xô đã bị dời vào tập kết tại khu công viên Grutas, theo DW vào năm 2022.


Trong khi đó, Việt Nam vẫn trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin và mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Moscow được coi là sự kế thừa về tình cảm từ thời Liên Xô. Khi còn tại chức, trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn Cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gọi "đồng chí Putin". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi lần gặp ông Putin đều ôm chầm thắm thiết.


Thông tin các nước giật sập tượng đài Lenin được Ban Tuyên giáo Việt Nam kiểm soát chặt chẽ, không cho báo chí đưa tin.

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”