Wednesday, May 1, 2024

Bà Nguyễn Tôn Hoàn, bông hoa cẩm chướng đã bay về Trời · .Giao Chỉ, San Jose.


Lời mở đầu:  Quý vị có biết ai là cô sinh viên Sài Gòn ra Bắc học y khoa đã cất tiếng hát lần đầu tiên bài tiếng gọi sinh viên sau này trở thành bài quốc ca VNCH. Cô Phạm thị Bình tức bà bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn qua đời ngày 11 tháng 11 năm 2012 tại Palo Alto, CA hưởng thọ 90 tuổi.Hai tháng trước tôi và anh Phạm phú Nam có lên nhà quay đoạn phim chị Bình kể lại chuyện hát bài ca lịch sử tại nhà hát lớn Hà Nội. Đoạn phim này sẽ là phần quan trọng về dữ kiện lịch sử bài quốc ca của miền Nam được đưa vào DVD Hồn Việt của Việt Nam Film Club phát hành 17 tháng 11-2012.

Tang gia cho biết sẽ phát tang vào ngày thứ bẩy 24 tháng 11-2012 .
Trong niềm thương tiếc một nữ lưu có nhiều liên quan đến lịch sử, tôi xin gửi đến quý vị bài viết về bà Nguyễn Tôn Hoàn. 4 năm trước 2008 vào dịp chúng tôi mời bà lên sân khấu 2 lần để cùng hát bài ca đã trở thành quốc ca. Trong bài viết này chúng tôi có nhắc đến quý vị Nguyễn bá Cẩn, Vũ văn Ước đều đã ra đi. (Ghi Chú Xin chia buồn cùng tang quyến và chị Ngô Quang Thiều. Ông bà Hoàn là cậu mợ của Ms. Lạc Ngô.)

Sau đây là bài viết tháng 3-2008
BÔNG HOA CẨM CHƯỚNG CỦA NGÀY VĂN NGHỆ LỊCH SỬ NGÀN NGƯỜI VIẾT
Văn nghệ tháng Ba Foothill 2008
Văn nghệ tháng Tư San Jose 2008
Ai sẽ hát bài quốc ca lịch sử.
Ai sẽ là các nam ca sĩ hát phụ họa.
Ca sĩ nào là hoa cẩm chướng 86 năm tuổi
Giao Chỉ San Jose giới thiệu tháng 3-2008

Chiều ngày chủ nhật 16 tháng 3 năm 2008, khi mở màn buổi trình diễn văn nghệ dành cho cựu sinh viên Việt Nam tại sân khấu Foothill ai là người sẽ hát bài quốc ca lịch sử: “Này sinh viên ơi...”


Bà quả phụ Nguyễn Tôn Hoàn, nhũ danh Phạm thị Bình, cũng vừa từ trần.

Xin trả lời. Ban tổ chức sẽ mời những ca sĩ và các sinh viên đã hiện diện vào một ngày lịch sử năm 1942 tại Hà Nội, cách đây 66 năm, khi bài Tiếng gọi sinh viên đã được trình diễn lần đầu tiên. Quí vị này hiện nay đã trên 80 tuổi. Sẽ cùng đứng lên cất tiếng gọi sinh viên nay đã trở thành tiếng gọi công dân. Và thêm một lần nữa, bài quốc ca VNCH sẽ được chính thức hát mở đầu cho buổi văn nghệ : “Lịch sử ngàn người viết “ vào chiều chủ nhật 6 tháng 4-2008 tại San Jose. Quí vị có thể hỏi rằng những vị niên trưởng đó là ai. Đó là bông hoa cẩm chướng SàiGòn cùng với sự hiện diện của những chàng trai của thập niên 40. Chúng tôi mời niên trưởng Nguyễn Khánh, Lâm lễ Trinh của miền Nam và Vũ văn Ước, Trần đỗ Cung của miền Bắc cùng tham dự. Để độc giả có thể hiểu rõ ý nghĩa của câu chuyện hơn nửa thế kỷ đã qua, chúng tôi xin nhắc lại đầu đuôi như sau về người nữ sinh viên đã hát bài quốc ca lần đầu tại thủ đô Hà Nội.
Vào đầu tháng 5 năm 2007, ban tổ chức ra mắt sách của luật sư Lâm Lễ Trinh tại San Jose có nhã ý mời đại tướng Nguyễn Khánh lên mở đầu diễn đàn. Vị quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa đã nhường danh dự cho một phụ nữ. Đó là bà bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, nhũ danh Phan thị Bình. Bà cũng là một cư dân lâu năm tại Bắc California ít có dịp đến sinh hoạt với cộng đồng. Nhưng thực sự đây là một phụ nữ đã tham dự hoạt động đảng phái chính trị một thời gian rất dài. Bà tham gia phong trào sinh viên kháng Pháp đầu thập niên 40 cho đến nay vẫn còn là đảng viên với vai trò cố vấn. Thời gian hoạt động đã ghi lại đủ 66 năm, suốt chiều dài của một người từ lúc sinh ra cho đến lúc về hưu.

Trong 30 năm qua, người Việt quốc gia tha hương vẫn ôm mối u hoài, vẫn còn giữ mãi lá cờ vàng và bài quốc ca của miền Nam. Nhưng mấy ai biết được rằng những giọng ca nữ nào đã cất tiếng lần đầu tiên bản Tiếng Gọi Sinh Viên của một thời toàn dân đang chuẩn bị đứng lên chống Pháp.

Từ thuở xưa rất xa, trong Nam chưa có trường đại học, các thanh niên nam nữ của Sài Gòn muốn học thêm phải ra Hà Nội.
Thế chiến đệ nhị đang đi vào những giai đoạn cuối. Đồng Minh phản công từ Âu Châu qua Thái Bình Dương. Nhạc sĩ Nam Kỳ Lưu Hữu Phước soạn bài ca tiếng gọi sinh viên: “Này sinh viên ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi...”

Thanh niên sinh viên Việt Nam hàng ngày theo dõi tin tức chiến cuộc trên thế giới và nao nức muốn đứng lên làm lịch sử.

Vào một buổi sáng của năm 1942, có hai cô sinh viên Sài Gòn đứng giữa khuôn viên đại học Hà Thành cất tiếng hát bài ca bất hủ: Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi.

Hiện diện trong những giây phút lịch sử đó có những chàng sinh thanh niên như Lâm lễ Trinh, Nguyễn Khánh,Trần đỗ Cung và cả cậu thiếu niên Hà nội Vũ văn Ước...Hai nữ sinh viên Sài Gòn lúc đó ở tuổi 19 và 20. Một người là chị của dược sĩ Nguyễn Văn Bẩy của San Jose. Bà chị hiện còn ở miền Nam California. Và một cô gái nhỏ bé khác là Phan Thị Bình của miền Bắc California. Cô sinh viên đứng lên đáp lời sông núi đó sau này đã thành hôn với sinh viên y khoa năm thứ sáu là anh Nguyễn Tôn Hoàn. Vợ là sinh viên phụ khoa với bằng cấp cô đỡ quốc gia và chồng là y khoa bác sĩ. Nhưng thời cuộc chuyển vần, thế chiến đệ nhị chấm dứt. Cuộc kháng chiến mùa thu bắt đầu, cả hai vợ chồng bác sĩ chẳng làm nghề y khoa mà đã cùng đi theo con đường cách mạng.

Lúc đó ở ngoài Bắc, Phạm Duy viết bài ca kháng chiến đầu tiên: Một mùa thu năm qua, cách mạng tiến ra đất Việt. Vợ chồng Bác Sĩ Hoàn bắt đầu hoạt động cách mạng trong Nam. Cuộc đời ba chìm bẩy nổi của một gia đình sinh viên Nam Kỳ đứng lên đáp lời sông núi đã đưa đẩy hai vợ chồng trẻ lưu lạc nơi đất khách quê người. Trải qua bao nhiêu năm từ Pháp qua Mỹ. Đến thời tướng Nguyễn Khánh cầm quyền thì bác sĩ Hoàn đã có cơ hội về Việt Nam giữ chức vụ Phó Thủ Tướng. Nhưng sau đó việc tham chính cũng không được lâu dài, ông bà trở lại Hoa Kỳ và làm người dân lưu vong trước khi miền Nam thất thủ.

Sau cuộc phong ba đổi đời tháng 4 năm 1975, những người Việt di tản đến miền Bắc Cali đôi khi có dịp ghé tiệm ăn Mekong trên con đường chính của thành phố Mt.View sẽ gặp ông bà Nguyễn Tôn Hoàn. Đôi vợ chồng sinh viên ngày xưa vẫn còn hoạt động chính trị bền bỉ một lòng với đất nước. Bây giờ lại có thêm thành tích 19 năm làm ăn trong lãnh vực nhà hàng.
Những chính khách Việt Nam không có duyên số với đất nước như bác sĩ Hoàn bỏ nước ra đi tháng trước thì tháng sau lại đến lượt đại tướng Nguyễn Khánh ra đi. Ông phó thủ tướng Hoàn đi mở nhà hàng ở Mỹ thì ông quốc trưởng Khánh cũng đi mở nhà hàng bên Tây. Cho đến năm 1975, vị thủ tướng cuối cùng là ông Nguyễn Bá Cẩn đến Bắc Cali đã nhận job trông nom việc điều hành một cây xăng. Đôi khi cây xăng thiếu người thì chủ tịch hạ viện đồng thời là thủ tướng cũng sẵn sàng đứng giữa trời mà đổ xăng full serve cho thiên hạ.
Vào cái thời đó các cây xăng đều phải có người phục vụ. Lâu lâu bác sĩ phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn chạy đến đổ xăng của thủ tướng Nguyễn bá Cẩn để gọi là có thêm chút tình đồng hương. Ông Phó đi đổ xăng bên ông Chánh để rồi vào buổi chiều cuối năm, Anh chị thủ tướng đến ăn ở nhà hàng anh chị phó thủ tướng ở nơi đất khách quê người. Những nhà chính trị, những chính khách cao cấp và cao niên của một thời oanh liệt gặp lại nhau để ngồi nói chuyện Nam Kỳ. Cho đến mùa quốc hận oan nghiệt năm nay qua các đề tài Về nguồn và Thức tỉnh của luật sư Lâm Lễ Trinh, những người muôn năm cũ lại có dịp gặp nhau ở San Jose.
Xem ra, vị đại tướng quốc trưởng nổi danh một thời lại là người ít tuổi nhất. “Chàng”vào năm 2007 chỉ mới có 83 mùa xuân đã lái xe từ Sacramento xuống. Hỏi rằng thế ai ngồi bên cạnh, niên trưởng Nguyễn Khánh trả lời rằng trước sau thì vẫn có một bà vợ Bắc Kỳ từ thời còn là sĩ quan cấp úy ở Hà Nội. Bây giờ nàng vẫn là người quản giáo giữ cho chàng luôn luôn Thức tỉnh mà Về nguồn. Đó là tên các tác phẫm của tác giả Lâm Lễ Trinh, dù tung hoành ngang dọc với vai trò phóng viên của chính trường trong buổi hoàng hôn, niên kỷ cũng đã 84. Nhưng tất cả đều thua bà chị phu nhân của bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn vào năm 2007 đã 85.

Chiều thứ bẩy khi lên nói chuyện trong buổi ra mắt sách đầy hồi tưởng của lịch sử, Bác gái Nguyễn Tôn Hoàn như lửa đốt trong lòng. Tối thứ sáu đứa cháu gái xinh đẹp của bà ngoại đi cắm trại đã gặp tai nạn bị phỏng cấp ba cháy cả hai tay.

Bà ngoại vừa trông cháu nhỏ cho cả nhà túa vào nhà thương mà lại còn phải soạn bài nói chuyện. Ngồi giữa hội trường bàn chuyện lịch sử mà lòng bà ngoại vẫn còn xao xuyến vì đứa cháu gái bị tai nạn.

Từ bà ngoại Nguyễn Tôn Hoàn, cành hoa cẩm chướng 85 năm, người phụ nữ một đời làm cách mạng khi bước lên diễn đàn đã trở lại thành cô Phan Thị Bình của 65 năm trước tại Hà Nội. Cô sinh viên của nhà thương miền Bắc ngày xưa, tóc xanh xõa trên vai đứng hát bài ca kêu gọi tuổi trẻ lên đường.

Sáu mươi lăm năm sau, “nàng” lại một lần nữa lên tiếng kêu gọi tuổi trẻ ở quê nhà Việt Nam hãy đứng lên làm lịch s ử cho thế kỷ thứ 21.

Cái bục thuyết trình hội trường hơi cao. Cậu Nguyễn Khánh hào hoa phong nhã đứng lên lấy tay đỡ cho cô Phan thị Bình bước xuống. Hình ảnh như vẫn còn không khí Hà nội hơn 60 năm về trước.

Trong số các phụ nữ Việt Nam ở miền Bắc California ít ai trải qua cuộc đời cách mạng với sinh hoạt đảng phái lâu dài hơn bà Nguyễn Tôn Hoàn. Mười chín tuổi đã đi theo chàng và đi theo cách mạng. Suốt cuộc đời nổi trôi đất khách quê người, trải qua 19 năm lấy nhà hàng ẩm thực để làm sinh kế lo cho chồng, cho con và cho cháu. Bây giờ bà già 85 với chiếc gối kê ở chỗ ngồi, một cái gối dựa lưng vẫn còn lái xe van Hoa Kỳ to tướng để ngược xuôi từ Los Altos ở miền bắc xuống Los Angeles ở miền Nam thăm cháu và họp đảng. Bà già vẫn thường lái xe tỉnh queo.
Nhưng hôm nay thì tấm lòng cách mạng sắt đá xem chừng sao xuyến nhiều lắm rồi. Hai cánh tay đứa cháu gái bị phỏng nặng. Biết bao lần sẽ phải giải phẫu thay da. Ôi những đứa con gái, những đứa cháu gái cưng của bà. Gia đình Việt Nam ở nước Mỹ mà nói chuyện toàn bằng tiếng Tây. Con với cháu vẫn la rầy bà ngoại:
“A lô” Măng tưởng là măng còn trẻ lắm sao, Măng đi họp gì mà 2 giờ sáng chưa về “

Mùa lễ Mothers Day năm 2007 đứa cháu trưởng nữ của con gái bà nằm trong nhà thương. Ai sẽ mua tặng bà ngoại cành hoa carnation mầu hồng thắm.

Một ngày của mẹ đầy hệ lụy đã làm nhỏ lệ cho cành hoa cẩm chướng 85 tuổi.

“Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi..” Sông núi hôm nay là sông núi nào... Ở bên kia chân trời con sông Cửu long Giang rồng thiêng chín khúc nay đã cạn giòng. Ở bên này bờ biển Thái bình Dương chúng ta chỉ còn rặng núi Rocky với con sông Sacramento mùa này cũng chẳng còn đủ nước cho vùng Bay. Sau mùa lễ của mẹ năm nay, bông hoa cẩm chướng 85 năm sẽ lại một mình lái xe van tất tả trên xa lộ số 5 xuống miền Nam thăm con cháu. Nếu có ai không biết mà hỏi thăm thì chỉ làm bà nhớ lại anh sinh viên y khoa năm thứ 6 rất đẹp trai tên là Nguyễn tôn Hoàn. Sau ngày của Mẹ là đến ngày của Cha. Hoa của Mẹ là hoa Cẩm Chướng, Carnation. Hoa của cha là hoa Hồng. Còn sống thì mầu đỏ mầu hồng, đã đi xa thì mầu trắng. Bà ngoại sẵn sàng đi xa vạn dặm để nhắc nhở con cháu về một bông hồng trắng cho người tình bây giờ đã đi thật là xa....

Hồng trắng đã ra đi, và bây giờ
Đóa hoa cẩm chướng cũng bay về trời

Giao Chỉ San Jose.

--




Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393

No comments:

Đạo Diễn Thanh Tâm phỏng vấn nhà văn Điệp Mỹ Linh

Đạo diễn Thanh Tâm với phim Bóng Quá Khứ LGT.- Biến cố 30/04/1975 xảy ra tại miền Nam Việt Nam cách nay gần nửa thế kỷ. Tài liệu viết về nhữ...