Thursday, May 23, 2019

Đại bàng Mỹ tung móng vuốt đấu với Gấu trúc Trung Hoa

GETTY IMAGES/BBC - Hình bên phải: tranh cổ động thời chiến của Hoa Kỳ năm 1918. Nước Mỹ không e ngại mô tả con đại bàng trên quốc huy của họ đầy móng vuốt, hung dữ tấn công đối thủ. Hình trái: Gấu trúc ở Tứ Xuyên, TQ
Hồi tháng 9/2018 tôi có viết bài trên Diễn đàn BBC News Tiếng Việt, mô tả ông Donald Trump như một Sói già muốn hạ gục Trung Quốc.

Khi đó cuộc thương chiến mới bắt đầu diễn ra và các học giả Trung Quốc tính tới ba phương án:

Một là Trung Quốc không đáp trả, cố bảo vệ đồng tiền, thị trường chứng khoán và mạng lưới xuất khẩu;

Hai là Trung Quốc sẽ đáp trả vừa phải, 'vừa đàm vừa đánh';

Ba là hai bên đánh nhau bằng kinh tế tới cùng (all-out war).

Với chuyến đi bất thành gần đây của ông Lưu Hạc sang Hoa Kỳ để về tay không, phương án 3 đang diễn ra.
Đại bàng Mỹ giơ móng

Cuộc chiến thế kỷ không còn dừng lại ở kinh tế, công nghệ mà đang lan sang cả vấn đề an ninh biển và cam kết với Đài Loan.

Chỗ nào ông Tập coi là quan trọng nhất thì ông Trump chọc gươm vào.

Nhưng với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều muốn kiềm chế Trung Quốc, câu chuyện không còn của riêng 'Sói già Trump'.

Con đại bàng Mỹ đầy móng vuốt đã cào mặt Gấu trúc Trung Quốc.




FRÉDÉRIC SOLTAN - Công xưởng TQ: Nếu hàng triệu người thất nghiệp, bất ổn xã hội rất dễ xảy ra

Đáp lại giận dữ, bộ máy tuyên truyền vốn kiểm soát chặt toàn bộ xã hội cho các nhà sản xuất làm giấy toilet có hình ông Trump, báo chí 'tổng sỉ vả' Hoa Kỳ.

Đi thăm Giang Tây tuần này, Chủ tịch Tập kêu gọi 'cuộc Trường Chinh mới' trong khi báo chí nói về 'chiến tranh nhân dân' chống sự bắt nạt của Mỹ.

CCTV vừa chiếu lại phim về Chiến tranh Triều Tiên để nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết hy sinh cả triệu người của Chí nguyện quân Trung Quốc.

Đó là thông điệp rằng Trung Quốc sẵn sàng cuộc chiến lâu dài, không ngại 'hy sinh' dù to lớn.

Cuộc chiến thương mại này sẽ có thể gây hại cho các công ty Mỹ.

Nhưng ông Trump đã nói rồi, các đại công ty Mỹ nếu không theo chỉ dẫn 'chính trị là thống soái' của Nhà Trắng mà bị thiệt thì ráng chịu.

Trong suy nghĩ của Trump, các hãng khổng lồ Mỹ nên biết điều, tìm cách điều chỉnh, đem việc làm về nước.

Mới nhất có thêm Google tuyên chiến với Huawei.

Còn cử tri bình dân Mỹ có thiệt thòi một chút về kinh tế thì họ...vẫn cứ nghe Trump.

Người Mỹ muốn điều gì đó to và lâu dài hơn chuyện thiệt một số tỷ dollar.

Nhưng nhìn từ Trung Quốc, vấn đề không đơn giản như vậy.

Trí thức Trung Quốc, vốn từng cảnh báo ông Tập và Đảng Cộng sản qua các cách riêng về mối nguy của việc 'dậy non' thách thức Hoa Kỳ, nay không vui.

Li Yuan (Lý Viễn), một nhà báo tại London trong bữa trưa tuần rồi với tôi đã chia sẻ quan sát của anh rằng:

"Đa số người dân Trung Quốc lo ngại về hậu quả nghiêm trọng của thương chiến cho việc làm, thu nhập, cơ hội xuất cảnh, du học, làm ăn."

Tôi hỏi lại:

"Bạn bảo đa số là bao nhiêu người?"

"Đây mới là một vấn đề. Chắc anh biết thống kê của chính phủ rất khó tin vì trung ương không đếm hết người ở tỉnh, tỉnh không biết ở huyện."

Tôi bảo, tôi từng nghe có người nói dân số Trung Quốc thực đông hơn 1,4 tỷ, nên nhiều chỉ số kinh tế luôn không giống như giới 'experts' tính toán, có đúng không?
REUTERS - Logo của Huawei trên quốc kỳ CHND Trung Hoa

Li Yuan, người gốc Nam Kinh, cười bảo:

"Chính người Trung Quốc cũng nói con số thực có thể là 1,5 hoặc 1,6 tỷ, số dư cũng đông hơn cả nước Nga."

Anh nói tiếp, "Trung Quốc chúng tôi mới bắt đầu cấm chế độ 996 vì Trump phàn nàn về 'cạnh tranh không lành mạnh?"

Li Yuan giải thích đó là chế độ làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liền 6 ngày một tuần, còn gọi là 'Jiǔjiǔliù gōngzuò zhì' trong công xưởng làm hàng xuất khẩu.

Lực lượng lao động này là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, nhưng nếu không xuất khẩu được thì họ biết làm gì?

"Hàng hóa không bán được, vài chục triệu người thất nghiệp thì một tỉnh loạn, còn nếu cả trăm triệu ra đường thì không ai dám nghĩ tình hình sẽ thế nào?" Li Yuan nói.

Trường kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng thiếu đồng minh

Ừ thì đồng ý là Trung Quốc sẽ 'trường kỳ kháng chiến', nhưng mọi cuộc chiến đều cần đồng minh.

Năm ngoái, Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh ra khuyến nghị nói để "ứng chiến" lâu dài với Mỹ, Trung Quốc cần thân EU, dựa vào Nga, Nhật Bản và Đông Nam Á.

Trung Quốc còn dùng Vành đai và Con đường mở ra các thị trường mới.

Nhưng các đối tác kia có giúp Trung Quốc chống lại Mỹ?

Tại EU, không khí ít thuận lợi.

Lãnh đạo Đức, bà Angela Merkel vừa nói chiến lược của EU là coi Trung Quốc như đối thủ hàng đầu.
ADAM BERRY
Châu Âu phải đoàn kết để đứng lên đối mặt Trung QuốcThủ tướng Angela Merkel

Ông Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ, một lãnh đạo Nghị viện EU nói Trung Quốc "đang thành đế quốc" (Chinese empire) và EU phải ứng phó phù hợp.

Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ chơi 'ngon lành' với Nhật Bản nên tôi e ngại chuyện Tokyo cứu Bắc Kinh sẽ rất, rất khó xảy ra.

Nga cần đồng Nhân dân tệ nhưng lo bị dân Trung Quốc tràn sang vùng Viễn Đông của họ.

Đông Nam Á đã bị hàng và người Trung Quốc tràn ngập, trình độ công nghệ thì còn quá xa Âu Mỹ nên không hiểu sẽ giúp được gì cho Trung Quốc.
Chỉ là 'đôi chân đất sét'?

Joseph Nye viết hồi tháng 4/2019 về năm lý do có thể khiến người ta coi Trung Quốc mới là 'người khổng lồ trên đôi chân đất sét'.

Ngoài chuyện dân số Trung Quốc bắt đầu già đi từ 2015, sự thiếu vắng quyền lực mềm...còn có lý do Đảng Cộng sản không theo kịp thời đại.

Theo GS Nye, "Trung Quốc đã thành một xã hội trung lưu nhưng tầng lớp cầm quyền bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về tư duy chính trị. Họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới cứu được Trung Quốc, và mọi cải cách phải tăng cường sự lãnh đạo độc tôn của đảng này."
LUCAS SCHIFRES -Triển lãm motor Thượng Hải. Joseph Nye nói Trung Quốc đã là một xã hội trung lưu nhưng đảng cầm quyền vẫn bám theo tư duy cũ

Anh bạn Li Yuan nói Trung Quốc không thiếu người tài, nhưng Đoàn phái và Thái tử Đảng thời ông Tập đã triệt tiêu mọi suy nghĩ khác biệt.

Lãnh đạo bám sát các diễn biến quốc tế nhưng toàn lý giải theo lăng kính hướng nội và hay 'mượn gió' để được việc mình.
Khi Phương Tây đánh Nhà nước Daesh ở Trung Đông, Trung Quốc lên tiếng ủng hộ và tranh thủ giam cả triệu người Uyghur lại để tẩy não.

Việc này không hề được quốc tế khen vì đa số người Tân Cương vô tội, không theo jihadism, và việc giam cầm cả một dân tộc sẽ chỉ làm tăng căm thù và bạo lực.

Cách làm đó cũng không làm người châu Á phục.

Bà Halimah Yacob, người Hồi giáo, tổng thống Singapore đi dự hội nghị Văn minh Quốc tế gần đây đã nhắc khéo Bắc Kinh rằng "Singapore có thể là ví dụ tốt về một xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa chung sống lành mạnh cho Trung Quốc học theo".
Khi Phương Tây có làn sóng công nghệ, Trung Quốc làm công xưởng sản xuất, rồi vươn lên làm dịch vụ software, tung ra các hệ điện thoại đời mới.

Trung Quốc nhanh chóng đi đầu trong công nghệ trả tiền di động nhưng quyền lợi của Bộ Công an đã tạo thêm chế độ kiểm soát bằng kỹ thuật số.

Một số học giả gọi đây là chế độ 'digital tyranny' (bạo chúa kỹ thuật số) mà hiện đang thành điểm nóng của quan hệ kinh tế toàn cầu với Phương Tây.

Li Yuan cho tôi biết vấn đề là nước Trung Quốc quá lớn, quá đông dân nên nhu cầu quản lý (và kiểm soát an ninh) là có thực.

Vấn đề là nguồn lực kinh tế, trí tuệ, kiến thức của hơn một tỷ dân được dùng chỉ để củng cố quyền lực của một đảng trên 90 triệu thành viên.

Những thành tựu mấy chục năm qua cũng là có thực, nhưng quốc gia này đang tới ngã ba đường và cuộc thương chiến là chất xúc tác mạnh, có thể gây biến đổi lớn.

Đảng và chính quyền phải nắm các tập đoàn nhà nước hoặc đại công ty thân hữu để có tiền nuôi bộ máy khổng lồ và để phục vụ các mục tiêu khác.

Nhưng nay Hoa Kỳ đang đánh thẳng vào mô hình 'state-led' đó nên Huawei rơi vào tầm ngắm.

Tuy thế, đây cũng là cơ hội để phái Cải cách lên tiếng, đòi phá thế độc quyền của các đại công ty mà đa số do trên 100 gia tộc (clan) kiểm soát.

Âu Mỹ ra tay vì cho rằng chú gấu trúc Trung Hoa không khù khờ chỉ biết ăn và ngủ mà hóa ra là loài khá dữ.

Trung Quốc tới đây sẽ phải trả đòn nhưng võ của 'Kungfu Panda' sẽ ra sao thì không ai rõ.

Tôi đồng ý với anh bạn họ Lý rằng dù cuộc thương chiến kết thúc ra sao, Trung Quốc sẽ phải thay đổi mô hình kinh tế, và về lâu dài là cả mô hình chính trị.

Nền văn minh Trung Hoa có bề dày hàng nghìn năm thừa nội lực để thích ứng và tồn tại.

Còn chính quyền có thích ứng được hay không lại là chuyện rất riêng của ban lãnh đạo hiện thời.

Xem thêm:







Nguyễn Giang 

No comments: