Friday, May 17, 2019

ÔNG TRẦN VĂN CHƠN Nguyên Đề-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân V.N.C.H. - ĐIỆP MỸ LINH Thủy Thủ Không Số Quân



Đề Đốc Trần Văn Chơn. (Hình chụp từ Lược Sử Quân Lực VNCH)


ĐIỆP MỸ LINH
Thủy Thủ Không Số Quân

L.G.T. Năm 1990, khi cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 được xuất bản tại Hoa-Kỳ thì Cựu Đề-Đốc Trần-Văn-Chơn vẫn còn bị Cộng-Sản Việt-Nam cầm tù.
Bài phỏng vấn này được thực hiện vào năm 1992, chỉ hai tuần lễ sau khi Cựu Tư-Lệnh Hải-Quân Trần-Văn-Chơn đến Hoa-Kỳ theo diện H.O.
     18 tháng 05 năm 2019 là ngày tiễn đưa Cố Tư Lệnh Trần Văn Chơn về với Tiền Nhân. Tác giả kính nhờ Webmaster của HSP phổ biến bài phỏng này để thể hiện lòng thành kính tưởng niệm của Thủy Thủ Không Số Quân đối với vị Tư Lệnh đã cùng với quân chủng Hải Quân V.N.C.H. vượt qua nhiều chông gai trong cuộc chiến giữa chính thể V.N.C.H. và chế độ tham tàn cộng sản Việt Nam.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết một cách khái lược về tiểu sử của Đô-Đốc.
Tôi được sinh ra trong một gia đình Nho Giáo, lớn lên tại Vũng-Tàu. Lúc thiếu thời tôi đã quen tiếng sóng vỗ đầu ghềnh, mắt đã quen với cảnh trời nước mênh mông. Tôi thường nô đùa trên bãi cát trắng, đồi dương xanh, rượt còng lúc đêm trăng, bắt óc khi ngày nắng, hoặc lên núi cao nhìn ra biển rộng, theo dõi những cánh buồm lặng lẽ tận chân trời.
Tôi thích viễn du từ thuở bé. Lớn lên tôi học trường Hàng-Hải Saigon và làm sĩ quan, theo tàu lướt sóng vượt trùng dương từ tuổi hai mươi. Ba mươi hai tuổi tôi theo học khóa I sĩ quan Hải-Quân – Khóa Đệ Nhất Thiên Dương. Ba mươi bảy tuổi tôi đảm nhiệm chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân. Ba mươi chín tuổi tôi theo học trường Hải-Chiến Hoa-Kỳ – U.S. Naval War College. Sau khi mãn khóa, tôi về Việt-Nam, làm việc tại Ban Nghiên-Cứu, Bộ-Quốc-Phòng; Trung Tâm Trắc-Nghiệm Khả-Năng Tác-Chiến, Bộ-Tổng-Tham-Mưu; và Lực-Lượng Tuần-Giang, Bộ-Tư-Lệnh Địa-Phương-Quân. Bốn mươi sáu tuổi tôi trở lại Hải-Quân đảm nhiệm chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân lần thứ hai, ngày 31-10-1966. Năm mươi bốn tuổi tôi hồi hưu vì quá hạn tuổi. Tôi bàn giao chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân cho Đề-Đốc Lâm-Ngươn-Tánh.

Thưa Đô-Đốc, có nguồn tin nói rằng, vào thời điểm sôi sục nhất của cuộc chiến, Đại Tướng Dương Văn Minh có ý mời Đô-Đốc tham gia vào nội các của Đại-Tướng. Đúng hay không, thưa Đô-Đốc?
Tôi không thích chính trị, không hiểu biết nhiều về chính trị và tôi cũng không nghe ai nói với tôi về việc Đại-Tướng Dương-Văn-Minh mời tôi tham dự nội các của Ông ấy.
Khoảng năm 1955 tôi tham dự cuộc hành quân Đinh-Tiên-Hoàng tại miền Tây và cuộc hành quân Hoàng-Diệu tại Rừng-Sát với chức vụ Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Lực, dưới sự chỉ huy hành quân của Đại-Tướng Minh; lúc đó Đại-Tướng Minh mang cấp bậc Đại-Tá Lục-Quân. Chúng tôi quen nhau từ đó và được Đại-Tướng đối xử trong tình chiến hữu thân thiết. Từ khi Ông làm Quốc-Trưởng cho đến lúc Ông nhận chức Tổng Thống, chúng tôi chỉ gặp nhau vào những cuộc họp, nhưng tình chiến hữu giữa chúng tôi không lúc nào bị sứt mẻ.

Thưa Đô-Đốc, sáng 25 tháng 4-1975, nhân lúc ghé tư dinh của Đô-Đốc để thăm Bà, tôi hân hạnh được gặp cả Đô-Đốc nữa. Hôm đó tôi có hỏi Bà và Đô-Đốc về ý định di tản. Cả Bà và Đô-Đốc đều khẳng định là Đô-Đốc và gia đình sẽ không đi đâu cả.
Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết lý do nào Đô-Đốc không muốn di tản?
Khoảng 20 tháng 4 năm 1975, khi được tin Đô-Đốc Elmo Zumwalt nhờ tùy viên Hải-Quân dành máy bay cho tôi và gia đình tôi di tản sang Mỹ, tôi tức tốc về Vũng-Tàu rước Ba Má tôi vào Saigon để chuẩn bị rời Việt-Nam.
Lên đến Saigon, Ba Má tôi quá xúc cảm trước cảnh bi đát trong cuộc lui quân và di tản dân chúng từ miền Trung vào. Ba Má tôi rất buồn rầu và khổ tâm. Ba Má tôi không khuyên chúng tôi nên ra đi hay ở lại. Nhưng, qua sắc thái của Ba Má tôi, tôi thấy được rằng Ba Má tôi rất đau khổ khi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn.
Qua nhiều ngày đêm suy nghĩ, lưỡng lự và cầu nguyện, tôi quyết định cùng vợ con ở lại với Ba Má tôi. Tôi hy vọng rằng đức hạnh tu hành của Ba Má tôi có thể che chở cho gia đình tôi bất cứ trong trường hợp nào.
Ngoài lý do Cha Mẹ già yếu, tôi vẫn nhớ tôi đã từng là Hạm-Trưởng và vẫn giữ tinh thần Hạm-Trưởng mặc dù tôi đã về hưu. Truyền thống cao quý của Hải-Quân là Hạm-Trưởng không bỏ tàu. Vả lại, người ta thường nói “Sinh vi tướng, tử vi thần”, thì trường hợp tôi không di tản cũng là chuyện bình thường.

Thưa Đô-Đốc, có nguồn tin nói rằng Đại-Úy Trần Văn Chánh, con của Đô-Đốc, đưa chiến hạm trở về để đón Đô-Đốc mà Đô-Đốc và gia đình cũng vẫn không chịu di tản. Đúng hay không, thưa Đô-Đốc?
Vâng. Đúng. Thời gian đó, Đại-Úy Chánh là Hạm-Trưởng HQ 601. Hôm 29 tháng 4 Chánh đưa Đô-Đốc Chung Tấn Cang, Đô-Đốc Diệp Quang Thủy cùng gia đình của hai vị này từ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân ra chiến hạm lớn đang hoạt động ngoài khơi Vũng-Tàu.
Hôm sau, Chánh đưa chiến hạm xuyên qua vùng bị địch chiếm, trở về Saigon, với ý định rước tôi và gia đình ra khơi. Nhưng vì gia đình tôi và tôi đã đồng ý ở lại với Ba Má tôi cho nên Chánh trở lại chiến hạm, họp thủy thủ đoàn và quyết định tháo ống cho chìm tàu rồi chia tay.
Lòng trung hiếu của Chánh làm tôi hãnh diện vô cùng. Và hành động của thủy thủ đoàn HQ 601 đã chứng tỏ Hải-Quân V.N.C.H. đã rèn luyện được tinh thần Vô Úy mãnh liệt trong hàng ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ.

Thưa, nếu Đô-Đốc vẫn còn là Tư-Lệnh Hải-Quân vào thời điểm cuối tháng 4 năm 1975, Đô-Đốc sẽ có những quyết định nào khác với những quyết định của Đô-Đốc Chung Tấn Cang hay không?
Nếu tôi vẫn còn giữ nhiệm vụ điều khiển Hải-Quân có lẽ tôi cũng lui quân về miền Tây cố thủ, để củng cố lực lượng và rước gia đình binh sĩ. Nếu quân V.N.C.H. lâm vào cảnh thế cùng lực tận thì rút dần ra Phú-Quốc để chờ đợi sự can thiệp của Liên-Hiệp-Quốc. Nếu đồng minh của mình cũng vẫn không giúp mình trong cảnh khốn cùng thì đành phải ra đi để bảo toàn lực lượng như các anh em Hải-Quân đã làm mà thôi.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết những sự việc đã xẩy ra cho Đô-Đốc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau khi chiếm được Saigon, Cộng-Sản kêu gọi sĩ quan Quân-Lực V.N.C.H. ra trình diện. Vì đã giải ngũ, tôi không trình diện. Tôi lẫn tránh. Đến cuối tháng 6, Cộng-Sản lại ra thông cáo, buộc những sĩ quan đã giải ngũ cũng phải trình diện để đi học tập, đem theo tiền cơm một tháng.
Tôi trình diện tại ký túc xá Minh-Mạng. Tại đây tôi gặp Trung Tướng Dương Văn Đức và một số đông sĩ quan đã giải ngũ.
Hai ngày sau, Cộng-Sản chuyển Trung Tướng Đức và tôi đến Trung-Tâm Huấn-Luyện Quang-Trung cũ, do quân đội Bộ-Quốc-Phòng quản lý. Nơi đây tôi gặp lại tất cả Tướng Lãnh đã tập trung từ đợt trước. Chúng tôi ở đây gần một năm rồi bị chuyển bằng máy bay ra trại Yên-Bái, miền núi rừng Bắc Việt.
Tại Yên-Bái, chúng tôi lao động khổ sai, không được gia đình thăm nuôi.
Hai năm sau, chúng tôi bị chuyển đến trại Hà-Tây (Hà-Sơn-Bình), do công an Bộ-Nội-Vụ quản lý. Thời gian này chúng tôi được gia đình tiếp tế bằng bưu kiện. Nếu không có sự tiếp tế của gia đình thì người tù cải tạo của Cộng-Sản Bắc-Việt không thể sống được!
Sau 5 năm tại trại Hà-Tây, một số sĩ quan cấp Tướng – trong đó có tôi – được thả về Saigon, sau cuộc hội nghị đầu tiên giữa Tướng Vessy và Cộng-Sản Việt-Nam.
Sau khi nhận và đọc giấy ra trại tôi mới biết “cáo trạng” của tôi:
  • Bị can tội: Thiếu Tướng Đề-Đốc.
  • Bị bắt ngày: 23-6-1975.
  • Bị án: Phạt tập trung cải tạo.
  • Tư tưởng: Chưa biểu hiện gì xấu.
  • Tham gia học tập: Khai báo còn chung chung.
  • Chấp hành nội quy: Chưa sai phạm gì lớn.
  • Xếp loại cải tạo: Trung bình.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết, với bí quyết nào mà sau thời gian dài bị tù đày trong nhiều trại cải tạo, Đô-Đốc vẫn giữ được phong thái ung dung, thanh thản và một cơ thể khỏe mạnh như vậy?
Nhờ Trời ban phước cho nên sức khỏe của tôi cũng bình thường, da dẻ hồng hào, lưng còn thẳng, nhưng tóc đã bạc trắng. Con người không thể nào chống lại được sự tàn phá của thời gian; nhất là thời gian dài trong chốn lao tù Cộng-Sản. Nhiều người hỏi tôi thiền theo phương pháp nào mà được sắc thái đạo cốt tiên phong. Tôi không thiền theo phương pháp nào cả. Tôi thường nghe nói: “Tướng chuyển do tâm. Tâm trung xuất hình ư ngoại”. Có lẽ tâm mình thoải mái nên vẻ mặt thấy vui tươi, hớn hở chứ không có bí quyết gì đâu.

Thưa, sau khi Đô-Đốc ra tù và sau khi Đô-Đốc đến Hoa-Kỳ, thân tình giữa đại gia đình Hải-Quân đối với Đô-Đốc có khác xưa hay không?
Sau khi tôi ra tù, rất nhiều bạn hữu cũ trong nước đến thăm; nhất là anh em Hải-Quân, Tuần-Giang, Hàng-Hải Thương-Thuyền. Ở nước ngoài có các bạn Hải-Quân như Đào, Thăng, Quỳnh, Dõng, Thơ, Minh, Hưng, Tươi, v. v…viết thư thăm hỏi và gửi quà cho tôi. Thư của các bạn đầy tình thân.
Khi đến Mỹ, các bạn Hải-Quân ở San Jose đến đón tôi tại phi trường San Francisco và mở tiệc liên hoan mừng tôi thoát khỏi gông cùm Cộng-Sản. Những bạn Hải-Quân ở Los Angeles, San Diego, Virginia, Houston, Seattle, Chicago, v. v…cũng mở tiệc mừng tôi đã đến được xứ tự do.
Sau ba tháng tái ngộ cùng các chiến hữu Hải-Quân, tôi nhận thấy, mặc dù Hải-Quân V.N.C.H. đã “tan hàng” gần 17 năm, nhưng Tinh Thần Hải-Quân vẫn còn vững trong mỗi người lính Hải-Quân V.N.C.H.. Tình thân thiết “huynh đệ chi binh” khiến cho Hải-Quân kết đoàn với nhau rất chặt chẻ trong hệ thống tôn ti trật tự của một đại gia đình. Trước tinh thần này, trước tâm tư/nguyện vọng này, tôi tin tưởng rằng không sớm thì muộn con cháu của chúng ta sẽ hợp lực cùng chúng ta hoặc thay thế chúng ta để                       khôi phục lại quân chủng Hải-Quân.

Thưa, Đô-Đốc có ý định viết hồi ký hay không?
Nếu viết hồi ký về Hải-Quân V.N.C.H. thì, tôi nhận thấy, cuốn Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh và những bài trong đặc san Lướt Sóng, nhiều anh em Hải-Quân đã ghi lại những hoạt động của Hải-Quân một cách trung thực. Những quyển sách này có thể dùng làm tài liệu để bổ sung cho quyển Lịch Sử Hải-Quân V.N.C.H., trong đó Ban Lịch Sử của Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân đã ghi rõ những hoạt động hằng ngày của Hải-Quân, từ tổ chức cho đến hành quân.
Nếu viết hồi ký cho riêng tôi, tôi nghĩ từ trước đến nay công việc của tôi làm không có gì đặc sắc. Mọi việc đều do các chiến hữu đảm đương và hoàn thành. Tôi chỉ có ý kiến, xem xét, kiểm tra, đôn đốc. Thêm nữa, trí nhớ của tôi không được minh mẫn lắm. Hồi tưởng lại những sự kiện đã  trải qua hằng hai ba mươi năm là một việc khó nhọc đối với tuổi già này. Viết hồi ký cũng cần có tài liệu chính xác để chứng minh những dữ kiện. Tôi chưa có phương tiện để làm việc này.

Thưa, Đô-Đốc nghĩ như thế nào về cuốn Chân Dung Tướng Ngụy?
Tác giả quyển Chân Dung Tướng Ngụy là một người Cộng-Sản. Mà người Cộng-Sản thì không bao giờ nói tốt cho một người không Cộng-Sản. Đó là nguyên tắc của họ. Vì vậy, trong cuốn Chân Dung Tướng Ngụy, tác giả dùng những lời lẽ không chính đáng để bôi nhọ bất cứ nhân vật nào thuộc chính quyền và Quân-Đội V.N.C.H.

Xin cảm ơn Đô-Đốc.

ĐIỆP MỸ LINH


No comments: