Monday, May 13, 2019

Melbourne: Lễ Tưởng Niệm 44 Năm Ngày Quốc Hận

Thật xúc động khi thấy hai MC trẻ, Jenny Cao và Kenny Trần, khôi ngô, khả ái điều khiển chương trình bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt với lời mở đầu – “Đặc biệt buổi lễ tưởng niệm năm nay do các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai Khoá Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc đứng ra tổ chức”. Điều này đã xác nhận những chi tiết của thông báo do CĐNVTD/VIC gởi ra ghi rằng “LỄ TƯỞNG NIỆM NGÀY QUỐC HẬN 30/4, 2019” sẽ do “Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do và Ủy Ban Cựu Thành Viên Chương Trình Khoá Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc” đảm trách mà người liên lạc là hai người bạn trẻ (BTC) Claudia Như Nguyễn và Lawrence Lê.
Buổi lễ tưởng niệm đầy ý nghĩa đã dấy lên trong lòng những người đi trước một niềm hãnh diện và vui mừng với nhiều xúc động khi nhận thấy giới trẻ đang tiếp nối thế hệ cha ông trong việc giữ gìn di sản lịch sử của người Việt tỵ nạn với những trang sử bi hùng mà giới trẻ cần phải học hỏi và tự hào.

Sau khi ngỏ lời chào mừng các quan khách, Jenny Cao và Kenny Trần nói về mục đích của buổi lễ – “Đây là buổi lễ tưởng niệm cho ngày 30/04/1975 là ngày để tưởng nhớ về quê hương và những người thân nhưng cũng là ngày để tán dương cuộc hành trình đi tìm tự do, một quê hương thứ hai. Chúng tôi xin chào đón tất cả quý quan khách và đồng bào đã đến dự buổi lễ tưởng niệm này để đánh dấu 44 năm ngày mất nước. Một ngày mà đối với rất nhiều người sự kiện xẩy ra vẫn còn thật mới mẽ hằn sâu trong tâm trí của họ. Và đối với một số người khác thì ngày ấy đã trở thành một phần của lịch sử, văn hóa của chính họ. Chúng ta cũng xin bày tỏ lòng tôn kính và vinh danh những người đã chiến đấu để bảo vệ tự do của Miền Nam Việt Nam và những người đã bỏ mình trên biển cả hay trong rừng sâu trên đường đi tìm tự do.

Cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) đã không kềm được nổi xúc động khi được mời lên chia sẻ đôi lời về buổi lễ – “… Thế giới nhìn chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến và ngày 30/04/1975 là ngày “giải phóng, thống nhất” đất nước. Làm sao có thể cho là thống nhất đất nước khi hàng trăm ngàn quân dân cán chính phải đi vào trại tập trung, bị giết chết và hàng trăm ngàn người phải bỏ quê hương liều mình chết để đi tìm hai chữ “Tự Do”. Thế giới có quá nhiều bận rộn và không vì quyền lợi của chúng ta để viết lại trang sử và cuộc chiến oai hùng cho đúng đắn hay trung thực và đương nhiên nhà cầm quyền CSVN sẽ không bao giờ làm việc đó. Trách nhiệm đó là bổn phận của chúng ta, những người may mắn được bảo vệ bằng những hy sinh của những quân nhân QLVNCH và đồng minh. Những người đã được may mắn đến bến bờ tự do sau những ngày tháng kinh hoàng lênh đênh trên biển cả hay nơi rừng sâu … Và với thời gian tự nhiên sẽ quên, cảm thấy tự mãn và vô tâm, thờ ơ. BCH chúng tôi xin cám ơn các bạn trẻ đã cố gắng tổ chức buổi lễ tưởng niệm Ngày Quốc Hận hôm nay. Việc làm của các bạn và sự hiện diện của quý vị cho biết chúng ta chưa và sẽ không quên, chúng ta không tự mãn và sẽ không bao giờ. Chúng ta không vô tâm thờ ơ và cũng sẽ không bao giờ. Trong công cuộc vận động để viết lại trang sử hào hùng một cách đúng đắn và trung thực, trả lại danh dự cho những người đã nằm xuống vì hai chữ “Tự Do” mà chúng ta đang và sẽ tiếp tục và sẽ không ngừng cho đến khi quê hương Việt Nam được một sự tự do, an bình thật sự.”

Ông Robin Scott (Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh Victoria) chia sẽ – Cá nhân ông có một sự liên hệ đối với biến cố 30 tháng Tư, ngày Sài Gòn bị thất thủ, vì cha của ông đã từng phục vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông ca ngợi, vinh danh tinh thần chiến đấu và sự hy sinh của các chiến binh Úc & Việt, đồng thời ghi nhận những đau thương mà người Việt tỵ nạn đã phải trải qua, cũng như những ảnh hưởng sâu đậm của cuộc chiến và sau cuộc chiến trải dài qua nhiều thế hệ. Ông ngỏ lời cảm ơn CĐNVTD/VIC và BTC thuộc Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc đã long trọng làm lễ vinh danh và bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã phục vụ, những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam qua hai buổi lễ ANZAC Day và tưởng niệm Ngày Sài Gòn Thất Thủ.

Bà Janet Rice (Nghị Sĩ Quốc Hội Liên Bang Úc) cho rằng CSVN đã cướp đi cuộc sống thanh bình của người dân khi cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam. “Dư âm” của cuộc chiến tranh Việt Nam vang đến khắp nơi với những câu chuyện về sự hy sinh, đau thương, mất mát, về những thảm kịch, hiểm nguy trong cuộc chiến và trên đường đi tìm tự do. Được đất nước Úc mở rộng vòng tay chào đón qua chính sách nhân đạo của cố TT Malcolm Fraser, ngày nay người Việt tỵ nan đã có đóng góp đáng kể cho sự giàu mạnh, phong phú của quê hương thứ hai. Đồng thời bà cũng lên án sự đàn áp, vi phạm nhân quyền của CSVN và kêu gọi mọi người hãy lên tiếng đấu tranh đòi dân chủ và công bằng cho Việt Nam.

Để cho những người chưa từng trải có một ý niệm về biến cố 30 tháng Tư, BTC đã cho trình chiếu một video clip về những ngày cuối của cuộc chiến với những cảnh tượng đau lòng và đầy uất hận đã làm cho nhiều người phải bùi ngùi.

Ông Trần Bá Nguyệt (Đại diện Hội CQN QLVNCH/VIC) nhấn mạnh – “30 tháng Tư không phải là ngày chúng ta phân tích đúng hay sai … 30 tháng Tư hôm nay là ngày tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH và chiến sĩ đồng minh đã chiến đấu anh dũng và kiên cường cũng như hàng triệu người dân đã bỏ mình để bảo vệ tự do trên quê hương. Cuộc chiến ấy vẫn còn tiếp diễn để chống lại chủ nghĩa CS phi nhân vẫn còn tồn tại trên quê hương Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần phải nói thật rõ cho những thế hệ đàn em và con cháu chúng ta ngày hôm nay.”

Ông Grant Coultman-Smith (Đại diện Hội Cựu Chiến Binh Úc, Victoria), là một chiến binh đã từng phục vụ tại Việt Nam, khi hay tin Sài Gòn bị thất thủ, ông cảm thấy thật đau buồn và xấu hổ khi chính phủ Úc bỏ rơi người bạn đồng minh VNCH. Ông thú nhận là đã tỏ ra hoài nghi về sự hội nhập của người Việt khi cố TT Malcolm Fraser mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Đông Dương cho đến khi gặp được ông Nguyễn Thế Phong (lúc bấy giờ còn rất trẻ) thì ông mới nhận thấy rằng người Việt tỵ nạn là những người rất cần mẫn, siêng năng và rất biết ân nghĩa. Khi có dịp đi nói chuyện ở các trường học hay với các con, để đánh tan những sự hiểu lầm, sai trái, ông đã khẳng khái nói lên sự thực lịch sử rằng Miền Nam Việt Nam (VNCH) đã bị Miền Bắc Việt Nam (VNDCCH/CS) xâm lăng, đánh chiếm.
Cô Jennifer Đào (Khóa sinh Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc 2019) chia sẻ (lưu loát cả Anh và Việt) – “… Vào ngày 30 tháng Tư 1975, gia đình em không thoát khỏi Việt Nam. Ông ngoại thì mất tích và vị trí của hai cậu thì không rõ. Mẹ đã tìm đường đến bà và thay vì trốn thoát, mẹ và ngoại quyết định ở lại. Bà ngoại nói rằng bà không thể rời đi mà không có chồng và tất cả các con và mọi thứ sẽ ổn miễn là mẹ và ngoại có nhau. Em nghĩ mẹ và bà đã quen chờ đợi. Trông chờ cha và chồng về sau mỗi trận chiến … Khi hỏi mẹ tại sao mẹ không bao giờ nói về ngày hôm đó, thì mẹ nói rằng mẹ không muốn chuyển nổi đau buồn đó. Nhưng sau khi mẹ đã có thể kể lại trải nghiệm của mình, mẹ cảm thấy nhẹ nhõm vì mẹ có thể chia sẻ câu chuyện của mình với con gái út … Các nghi lễ như ngày hôm nay không chỉ tưởng niệm các quân nhân đã chiến đấu vì tự do và quyền lợi của chúng ta, mà còn là cơ hội để kết nối lại tất cả các thế hệ của cộng đồng. Em rất biết ơn khi biết điều này: rằng đất nước em sinh ra đã hỗ trợ cho đất nước của gia đình em … Chương Trình Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc đã đóng góp sự hiểu biết của em về lịch sử Việt Nam. Em có được cơ hội để nghe những câu chuyện từ những người mà em đã gặp tại Khóa Lãnh Đạo, bao gồm các chiến sĩ và người tỵ nạn, và từ những người thuộc thế hệ của em. Những lời nói, trải nghiệm trực tiếp và những sự thật được chia sẻ đã hình thành nên sự hiểu biết của em về thực tế của lịch sử Việt Nam …”

Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang) xót xa cho rằng – Trong cuộc chiến tranh, VNCH không thua trận trên chiến trường mà thua trên chính trường. Ông nói lên điều này với tất cả tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh của chiến sĩ QLVNCH và đồng minh, đặc biệt là đối với các vị đã tuẩn tiết trong những ngày cuối của cuộc chiến. Tiếp theo, ông đã nêu lên sự kiện – khi đất nước đang có chiến tranh thì không có một người nào rời Việt Nam đi xin tỵ nạn, nhưng khi đất nước có “hòa bình” thì lại có hàng triệu người tìm đường trốn khỏi Việt Nam. Điều này cho thấy chiến tranh tuy tàn khốc nhưng không tàn khốc bằng chế độ CS. Sự tàn khốc ấy đã được ông Bon trưng ra qua các nạn nhân, các nhân chứng sống của tội ác CSVN (hiện là các thành viên trong cộng đồng).

Trước khi trình diễn ca khúc “Nhớ Mẹ” (Thiếu Tướng Lê Minh Đão) bằng tiếng sáo, em Trần Quốc Việt (Khóa sinh Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc 2019) đã có những lời nói đầu thật cảm động – “Hôm nay con sẽ biểu diễn một bản nhạc nói lên sự đau khổ mà quân lính VNCH phải cắn răng chịu đựng để chiến đấu cho sự tự do dân tộc người Việt của chúng ta. Nhưng trên hết bản nhạc này nói lên những cảm xúc đau buồn, đắng cay của một người con vì chiến tranh giữa hai miền Bắc và Nam mà phải xa lìa quê hương, phải xa lìa bà mẹ già và thương nhớ những lời an ủi ngọt ngào của mẹ mình để tiếp tục chiến đấu cho tự do và hòa bình.”



Tiếp theo, ca sĩ Anh Đào trình bày ca khúc “Mưa Lệ” (Lam Phương) để nói lên nổi nhớ quê hương của những người tha hương.

Trước khi bước vào phần lễ tưởng niệm chính thức, ông Nguyễn Thế Phong xin đọc lên bài thơ “Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” được ghi là của Bùi Giáng(?). Tuy là một bài thơ mang tính chất trào phúng nhưng với những lời lẽ thật mỉa mai, chua chát cho thân phận dân tộc Việt Nam –

Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào,

Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam.

Đánh cho khoai sắn thành vàng,

Đánh cho dép lốp phải mang thế giầy.

Đánh cho Bắc đoạ Nam đày,

Đánh cho thù hận giờ này chưa tan.

Đánh cho cả nước Việt Nam,

Áo ôm khố rách xếp hàng xin cho.

Đánh cho hết muốn tự do,

Hết mơ dân chủ hết lo quyền người.

Đánh cho dở khóc dở cười,

Hai miền thống nhất kiếp người ngựa trâu.

Đánh cho hai nước Việt Tàu,

Không còn biên giới cùng nhau đại đồng.

Đánh cho dòng giống Tiên rồng,

Osin, nô lệ, lao công xứ người.

Đánh cho chín chục triệu người,

Thành dân vô sản thành người lưu vong.

Đánh cho non nước Lạc Hồng,

Tiến lên thời đại mang gông mang cùm.

Đánh cho cả nước chết chùm,

Đánh cho con cháu khốn cùng mai sau.

Đánh cho Bác Đảng Nga Tàu,

Triệu dân nô lệ ngàn năm căm hờn!

Kế đến, để thành kính bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống để cho chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay, ông Nguyễn Thế Phong đã chính thức cử hành buổi lễ tưởng niệm với một bài văn tế anh hùng tuẩn tiết và đồng bào chết vì tự do trong làn khói hương nghi ngút.

Kết thúc buổi lễ là phần thắp nến tưởng niệm cho các chiến sĩ, dân quân đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam với tiếng đệm đàn keyboard nhè nhẹ của em Trần Quốc Việt.

Cùng ngày giờ với buổi lễ tưởng niệm tại Đền Thờ Quốc Tổ, một buổi lễ tương tự cũng đã được Cha Nguyễn Viết Huy tổ chức tại Nhà Thờ St. Ignatius, Richmond, Victoria.

Buổi lễ tưởng niệm Ngày Quốc Hận do các bạn trẻ đứng ra tổ chức có phần hát Quốc ca & mặc niệm, cáo tổ, phát biểu, trình diễn, đệm đàn, tiếp tân và MC đều do các thành viên thuộc Khoá Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc đảm trách, thực hiện. Như cô Jennifer Đào đã chia sẻ, đây “là cơ hội để kết nối lại tất cả các thế hệ của cộng đồng” và giúp cho các em hiểu biết về lịch sử Việt Nam.

Melbourne

30/04/2019

Một số hình ảnh của buổi lễ tưởng niệm tại Đền Thờ Quốc Tổ – https://photos.app.goo.gl/zmh5s8D2bvJfMjGN7





















Hình ảnh lễ tưởng niệm tại Nhà Thờ St. Ignatius (cô Phúc An) – https://photos.app.goo.gl/kbYPisefN4Z84swZ6














TVQ chuyen

No comments:

Sex – Góc nhìn từ 2 giới

Khi viết bài về sex, sẽ công bằng và tránh hiểu lầm là định kiến về giới thì chúng ta nên có góc nhìn từ cả hai giới. Khi viết, bởi là nam g...