Wednesday, July 24, 2019

100 ngày sống trên đảo Hoàng Sa - Dư Mỹ



 Cuối cùng thì tôi cũng không thể thoái thác về sự mong muốn của cậu vợ tôi – ông Trần Huỳnh Mính và anh bạn Đồ Xuân Trúc – người cùng học trường chùa Bà Mụ và ở cùng xóm với tôi sau Chùa Phật Học Hội An từ những năm 1952-1953. Mong muốn của hai người là được tôi viết kể về những ngày sống trên đảo Hoàng Sa vào thời điểm tôi làm đảo trưởng để góp mặt với tờ đặc san xuân Quảng Nam – Đà Nẳng với chủ đề: Hoàng Sa-Phần đất quê hương.



Tôi đã được đọc những bài viết về Hoàng Sa trên các báo. Hầu hết viết về tài liệu lịch sử chủ quyền đảo Hoàng Sa, về tài nguyên hải sản và khoáng sản của đảo Hoàng Sa, về cuộc hải chiên đẩm máu anh dũng của hải quân Việt Nam Cộng Hòa với bọn cướp đảo Trung Cọng vào ngày 20/1/1974 nhưng chưa được đọc (hoặc chưa ai viết) về cuộc sống của những người lính chiến được giao nhiệm vụ trấn thủ đảo Hoàng Sa.

Vào những năm 1966 – 1967, lúc bấy giờ tình hình chiến sự ở chiến trường Quảng Nam chưa đến thời kỳ ác liệt cho nên việc tự nguyện đi Hoàng Sa là điều rất hiếm. Hầu hết những người trong chúng tôi là những người bị phạt đưa đi – tuy nhiên cũng có người bị chỉ định vì chuyên môn như hiệu thính viên, y tá, truyền tin và cũng có một số ít người tự nguyện. Riêng bản thân tôi, sau khi cải vả dần đến xô xát với Đai đôi trưởng, tôi đã bị đưa về ty An Ninh Quân Đội của Tiểu khu để làm tự thuật và đã bị bút phê của Trung tá Tín – Tiểu Khu Trưởng T/K Quảng Nam phạt đưa đi Hoàng Sa thay quân.

Nhận công điện của P3/Tiểu Khu, tôi bắt đầu gom góp quân để thành lập trung đội Hoàng Sa, quân số có 35 người bao gồm cả tôi là đảo trưởng. Trung đội Hoàng Sa qui tụ hầu hết những thành phần bị kỷ luật từ các đại đội tác chiến đưa về, mỗi đại đội từ 2 đến 3 người để tôi gom góp lại cho nên sau này anh em gọi đùa tôi là chúa đảo của trung đội trừng giới Hoàng Sa.

Về tổ chức, trung đội được chia ra làm 3 tiểu đội trấn thủ 3 đảo chính gồm:
-Đảo Hoàng Sa (Pattle) có 13 người gồm tôi là đảo trưởng, trung sĩ Huynh là hiệu thính viên đánh morce (liên lạc với Quân Đoàn bằng máy đánh tich tich te te) y tá Khôn và thêm 10 binh sĩ nữa.
-Đảo Quang Hòa (Duncan) 11 người do một Trung sĩ làm đảo trưởng.
-Đảo Duy Mộng (Drummond) 11 người cũng do một Trung Sĩ làm đảo trưởng.
Thời gian trấn thủ trên đảo HoàngSa của chúng tôi là 3 tháng, sau 3 tháng sẽ có đợt khác thay quân.

Từ một trung đội trưởng tác chiến quen với những ngày cầm súng hành quân lùng giặc, nay trở thành một đảo trưởng không hề biết gì về đảo Hoàng Sa nên mọi việc đối với tôi thật ngỡ ngàng. Rất may mắn, tôi đã gặp được C/úy Hệ thuộc Đại đội Hành chánh Tiếp vận/TKQN – người phụ trách về tiếp liệu và hướng dẫn mua sắm những thực phẩm cần thiết để đủ ăn trong 3 tháng ở trên đảo mà không có tiếp tế. Tàu của hải quân chỉ chở chúng tôi đến đảo và sẽ trở lại chở chúng tôi về đất liền sau ba tháng trấn thủ (nếu điều kiện trời yên biển lặng không có bão). Riêng trung đội Hoàng Sa chúng tôi đã phải chịu trể thêm 10 ngày vì đợt thay quân cho chúng tôi bị cơn biển động nên tàu của hải quân không ra đúng hẹn. Chính vì vậy cho nên tôi đã chọn tiêu đề cho những trang hồi ký này là: 100 ngày sống trên đảo Hoàng Sa (3tháng + 10 ngày tàu trể).

Để có đủ thực phẩm tiêu dùng cho ba tháng sống trên đảo (ngoại trừ 3 tháng gạo cho mỗi người được nhận từ Đại đội HCTV), chúng tôi đã được nhận một tháng tiền lương để đi mua sắm đầy đủ những thực phẩm để được lâu ngày như thịt hộp, gia vị, mắm muối, dầu ăn v..v… Ngoài ra chúng tôi còn mua thêm những thứ khác như thuốc lá, lưỡi câu, sơn đỏ (dùng để đồ mộ bia trên đảo) lưới đánh cá và 35 con vịt sống cho mỗi người một con.

Sau một hai ngày lang thang nấn ná tại Hội An để từ giã người yêu, từ giã vợ con và bạn bè –ngày rời đất liền để ra hải đảo của chúng tôi cũng đã đến. Xe của TK/QN chuyên chở chúng tôi ra trú tạm tại trại tiếp liên Quân vận Đà Nẵng trên đường Độc Lập gần trường Sao Mai để chờ tàu. Chúng tôi ở đây một ngày và sau đó được chuyên chở tiếp ra quân cảng Tiên Sa để chuẩn bị lên tàu ra đảo Hoàng Sa . Tại đây tôi đã gặp được toán nhân viên khí tượng gồm có năm người của sở khí tượng Đà Nằng . Họ cùng đi trên cùng con tàu với chúng tôi và cũng sẽ cùng trở về đất liền sau ba tháng làm việc tại đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa.

Trong năm người nhân viên khí tượng, tôi lân la đến làm quen với bác Phong – một người Bắc di cư lớn tuổi –bác cho tôi biết là bác đã tình nguyện đi thế cho những người khác để làm việc trên đảo Hoàng Sa đã bốn đợt và đợt này là đợt thứ năm, vì vậy sau này sống trên đảo bác đã cho tôi biết được nhiều chuyện về Hoàng Sa và một vài kinh nghiệm về câu các loại cá, cách bắt ốc gân, ốc nhảy, ốc tai tượng vv…

Dù chỉ có năm người nhưng hành trang họ mang theo ra đảo thì lỉnh kỉnh đủ thứ . Khác với chúng tôi, ngoại trừ súng đạn cá nhân, trong chiếc ba-lô chỉ võn vẹn một hai bộ áo quần. Đặc biệt tôi thấy lạ hơn là một vài người lính trong chúng tôi mang theo những bao cát đựng đầy đất lấy từ quê nhà. Tôi hỏi họ và được trả lời là mang ra đảo để gối đầu ngủ vì ở ngoài đảo Hoàng Sa không có hơi đất dễ bị chứng phù thủng.

Chiếc Hộ tống hạm mà tôi đọc được hai chữ Đống Đa màu trắng viết trên thân tàu đã cập vào bến cảng. Chúng tôi chuyển mọi thứ lên boong tàu và chia riêng rẽ ra ba phần cho ba đảo để khi đến Hoàng Sa dề bề di chuyển vào bờ. Cùng đi với chúng tôi đợt này còn có ba vị sĩ quan Công Binh thuộc Quân Đoàn I – nghe đâu họ ra Hoàng Sa để khảo sát địa hình thiết lập sân bay cho loại phi cơ Ca-ri-bu loại phi cơ chỉ cần phi đạo ngắn để cất và hạ cánh.

Sau một hồi còi tàu dài để chào từ giả những người trên đất liền, con tàu từ từ rời cảng Tiên Sa và bắt đầu cuộc hải trình hướng đến Hoàng Sa. Tôi nhớ thời điểm đó là ba giờ hiều vào một ngày cuối tháng sáu của năm 1967.

Hoàng hôn buông xuống . Con tàu vẫn nhẹ nhàng rẻ sóng ra khơi .Nước biển đã đổi màu đen sậm . Cảng Tiên Sa và thành phố Đà Nằng đã lùi lại đằng sau . Chúng tôi chỉ còn nhìn được những vệt sáng của ánh điện để biết hướng đó là đất liền . Bây giờ ngồi trên boong tàu, bốn bề mênh mông là biển cả . Nhìn những khuôn mặt sạm nắng nhưng rạng rờ vui tươi của những người lính chiến lòng tôi cũng cảm thấy vui lây . Là những người quanh năm chỉ biết cầm súng lùng giặc, giờ đây không còn e ngại đến những mìn bẩy bãi chông hay sự sống chết thương tật , đời lính chiến dễ ai có được một lần lênh đênh trên biển vừa ăn cơm chiều vừa ngắm sao trời và sóng nước như chúng tôi.

Để khỏi bị nôn mửa,y tá Khôn đã cho tôi và Trung sĩ Huynh uống mỗi người một viên thuốc trừ say sóng,chính nhờ viên thuốc này mà tôi đã đủ sức vận chuyển thực phẩm cùng quân trang của những người lính đi cùng tôi vào bờ khi đến đảo vì hầu hết họ đều bị say sóng nằm la liêt.
Sau bừa cơm tối tự túc đầy thú vị của mỗi người,chúng tôi dần dần tìm vào giấc ngủ-giấc ngủ chập chờn cùng con tàu lênh đênh trên sóng nước mông mênh .

Nằm thao thức mãi không ngủ được,tôi ngồi dậy dựa mình vào boong tàu,đốt điếu thuốc và rít từng hơi dài nghĩ về buổi chia tay từ giã với Tuyết Mai (tên người yêu, bà xã tôi bây giờ) ngày hôm qua tại Đà Nẵng mà lòng dâng lên bao nỗi nhớ .Tôi lấy cuốn sổ tay mang theo ghi vội mấy câu thơ :
Tàu ra khơi anh mang theo nỗi nhớ
Gọi người tình giữa sóng nước mù
Em thành phố,anh miền xa hải đảo
Nhớ nhau xin soi mặt ánh trăng rằm .


Có phải chúng tôi cùng hẹn nhìn vào ánh trăng rằm mỗi tháng để cùng thấy nhau cho vơi đi bao nỗi nhớ nhung .
Gió biển đêm lành lạnh .Một vài người lính cũng không ngủ được thức dậy dựa vào boong tàu hút thuốc,vài người thì nôn mữa vì không quen với những cái lắc chồng chềnh của con tàu .Sóng vẫn vỗ vào mạn tàu trên màn tối đen của mặt biển tôi chỉ nhìn thấy được những đốm sáng của chất lân tinh trên bọt sóng .Điếu thuốc cũng sắp tàn trên tay,tôi ghi vội thêm bốn câu thơ vào quyển sổ :
Khói quyện tơ sầu trên ngón tay
Chiến y năm tháng nặng vai gầy
Hành trang nửa mãnh trăng đầu súng
Đi mãi cho tròn nghĩa nước mây .

Sau này bốn câu thơ đó tôi đà viết bằng sơn đỏ lên bờ tường loang lỗ của tòa nhà trên đảo-nơi chúng tôi trú đóng .Khoảng cuối năm 1974, tình cờ trong một lần ngồi trò chuyện về Hoàng Sa, Trung úy Phạm Hy, đại đội trưởng của tiểu đoàn tôi, người đã bị Trung cộng bắt làm tù binh trong trận đánh cướp đảo Hoàng Sa vào ngày 20 tháng 1 năm 1974 đã đọc lại cho tôi nghe bốn câu thơ đó. Anh ta lúc bấy giờ cũng là đảo trưởng Hoàng Sa, anh nói anh em lính trên đảo rất thích bốn câu thơ đó mà không biết tác giả là ai.

Sau một đêm dài lênh đênh trên biển,trời bắt đầu hừng sáng báo hiệu cho chúng tôi một ngày mới .Réo gọi nhau thức dậy nhìn xem mặt trời mọc lên từ chân biển hướng đông .Như một chảo lửa đỏ từ từ nhô lên khỏi mặt biển,đẹp và cũng lạ lùng đối với chúng tôi .Mặt nước biển bây giờ đã đổi từ màu đen sậm sang màu xanh .Tôi nhìn đồng hồ bấy giờ đã là tám giờ sáng ,chúng tôi dùng điểm tâm. bằng những ổ bánh mì mua tại đất liền từ chiều hôm qua .Đứng trên boong tàu vừa ăn vừa nhìn những con cá chuồn vụt bay lên khỏi mặt biển khi con tàu chạy đến gần,xa xa là những con hải âu và nhạn biển đang chúi đầu bay sà xuống để bắt mồi là những con cá con bơi gần mặt nước

Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy phía trước mũi tàu hình ảnh lờ mờ của nhóm đảo Hoàng Sa. Lòng chúng tôi cũng rộn ràng mong tàu sớm cập bờ. Và cuối cùng thì tàu cũng đã đến. Tôi nhìn đồng hồ kim chỉ đúng 11 giờ sáng ,như vậy chuyến hải hành của chúng tôi từ cảng Tiên Sa Đà Nẵng đến Hoàng Sa phải mất đến 20 giờ tàu chạy liên tục . Anh em lính trên tàu nhốn nháo chuẩn bị thu xếp mọi thứ để rời tàu .Con tàu chạy chậm lại và vài người lính hải quân đang chuẩn bị thả neo .Tàu đậu ngoài mí sóng (từ của anh em lính ở Hoàng Sa) nơi vùng nước sâu .Từ đây vào đến bờ để lên đảo khoảng cách xa hơn 100 mét,hải quân phải hạ thuyền nhỏ có gắn động cơ để chuyển hành lý,thực phẩm và đưa chúng tôi lên bờ .Từ trên boong tàu nhìn vào đảo tôi đã thấy lố nhố những anh em lính đảo đợt trước chạy tới chạy lui trông có vẻ nôn nóng muốn sớm trở lại đất liền.

Toán chúng tôi có 13 người nhưng đã mất hết tám người bị say sóng không còn làm gì được .Tôi, trung sĩ Huynh, y tá Khôn và thêm hai người lính nừa cố gắng vận chuyển mọi thứ xuống thuyền máy để di chuyển vào bờ .Chỗ chúng tôi chất quân trang và thực phẩm lên bờ là một cầu tàu nhỏ xây bằng xi-măng chạy dài ra biển độ khoảng 50 mét .Trên cầu tàu có hai đường rây bằng sắt dùng để đẩy xe gòong (là một loại xe nhỏ bằng sắt có bốn bánh nhỏ giống như bánh xe lửa chạy trên đường rây dùng để chở phân phốt-phát) Nhờ có chiếc xe này nên chúng tôi chuyển quân trang và thực phẩm một cách dễ dàng từ cầu tàu vào đến tòa nhà chúng tôi trú đóng .

Ba vị sĩ quan Công Binh cũng theo chúng tôi lên đảo. Tôi thì bận rộn đi nhận bàn giao còn ba vị sĩ quan công binh thì đi vòng quanh đảo để khảo sát địa hình .Chuẩn úy Bửu – tên người đảo trưởng tiền nhiệm – vội vã bàn giao cho tôi một vài thứ trên đảo để kịp thời gian ra thuyền máy lên tàu. Tôi ký nhận một khẩu đại liên 50 đặt trên sân thượng tòa nhà, một máy phát điện đã bị gỉ sét vì hơi nước mặn không còn xử dụng được, ba tháng gạo dự trử cho mỗi người đã mục nát không ăn được, một sơ đồ phòng thủ trên đảo và một máy hiệu thính để hàng ngày liên lạc với quân đoàn I. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là trấn thủ trên đảo để bảo vệ và xác định chủ quyền của đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa đồng thời bảo vệ an ninh cho đài khí tượng.

Ký nhận bàn giao xong,tôi chưa kịp hỏi thêm được gì thì Ch/úy Bửu đã vội vàng lên thuyền máy ra tàu lớn .Con tàu nhổ neo và tiếp tục chạy đến thay quân cho hai đảo Duncan và Drummond .Khoảng ba giờ chiều cùng ngày tàu trở lại đảo Hoàng Sa thả neo đón ba vị sĩ quan công binh. Một hồi còi tàu dài vang lên cùng với những cái vẫy tay giả từ của anh em lính hải quân, con tàu từ từ rời đảo và hướng về phía đất liền .

Và chúng tôi thật sự bắt đầu một cuộc sống mới – cuộc sống yên bình không có không khí chiến tranh, bốn bề xung quanh là trời nước xa tít đến tận chân mây ,một nơi hoàn toàn xa rời cuộc chiến, đêm không còn nghe tiếng bom gầm đạn hú và thật sự một nơi vắng bóng đàn bà . Sau khi ổn định được vài việc và phân chia công tác dọn dẹp, nấu nướng cho anh em lính,tôi cùng trung sĩ Huynh đi loanh quanh quan sát một vài nơi trên đảo.

Nơi trú ngụ của chúng tôi là một tòa nhà lớn xây rất kiên cố, có lẽ xây dựng từ lâu (có thể xây từ thời Pháp thuộc) nên trông rất cũ kỷ .Nhà xây cao,gồm một nhà lớn ở giữa và hai nhà ngang ở hai đầu dính vào nhau .Nơi hai nhà ngang có hai thang bằng sắt thẳng đứng để leo lên sân tầng thượng,tại đây có một tháp hải đăng nhỏ(không xử dụng)và chúng tôi đã đặt một khẩu đại liên 50 có thể xoay quanh bốn phía biển .Đứng trên tầng sân thượng chúng tôi có thể nhìn thấy lờ mờ ba cây dừa từ đảo Duncan khi thủy triều xuống .Chúng tôi cũng xử dụng sân thượng để phơi khô cá và ốc gân bắt được hàng ngày .Để báo hiệu cho máy bay biết đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, trên mặt bằng sân thượng có vẽ bằng sơn một lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ rất lớn .Nền nhà được lát bằng gạch hoa rất đẹp,tất cả các cửa sổ và cửa lớn đều không có,vì thế chúng tôi rất khốn khổ chịu cảnh ướt át và lạnh mỗi khi trên đảo bị gió bão .Dưới nền móng nhà là một tầng hầm lớn có đường ống dẫn từ sân thượng xuống để chứa nước mưa xử dụng cho sinh hoạt hàng ngày .Những bức tường trong nhà thì loang lỗ viết đầy những tên tuổi ngày tháng để lưu niệm của những người từng có mặt trên đảo .Tôi đọc được có người đã đến đây từ năm 1955,và chính trên bức tường này tôi đã viết bốn câu thơ như đã nói ở phần trước .

Nhìn về phía bên trái của tòa nhà chúng tôi ở cách khoảng ba mươi mét là tòa nhà đài khí tượng Hoàng Sa. Nhà đẹp,khang trang ,đầy đủ cửa kính hai lớp .Phòng làm việc ,phòng truyền tin,phòng ngủ đều riêng biệt thứ tự .Dưới nền sàn nhà cũng là một hầm lớn chứa nước mưa dùng để nấu nướng ăn uống .Chúng tôi thường sang lấy nước tại đây về dùng vì nước sạch còn hầm chứa nước của tòa nhà chúng tôi ở thì đầy xác chuột chết và gián nổi lềnh bềnh .Chúng tôi không thể vớt bỏ chúng được vì chỉ có một ô vuông trống nhỏ trên sàn nhà đủ để thả gàu xuống múc nước ..

Toán khí tượng gồm có năm người .Một người lo phụ trách công việc nấu ăn và giật nổ máy chạy điện còn bốn người kia là chuyên viên .Công việc của họ là cứ khoảng hai đến ba giờ là cho máy điện nổ bơm một bong bóng lớn màu đỏ xong thả bay lên không trung rồi dùng kính chuyên môn để đo tốc độ gió và biết hướng gió di chuyển .Họ cũng xử dụng một kính viễn vọng lớn để quan sát quanh đảo,tìm biết vùng nào có bảo đang tập trung và di chuyển về hướng nào .Cứ khoảng hai đến ba giờ họ lại lặp lại công việc đó và báo cáo về đất liền ,vì vậy thời gian lội biển và đi câu cá của họ rất hiếm,khác với chúng tôi cả ngày cứ lang thang quanh đảo.

Sống gần đài khí tượng chúng tôi cũng nhờ được họ báo cho biết mỗi khi có mưa sắp di chuyển về hướng đảo Hoàng Sa là chúng tôi mang ốc và cá đang phơi nắng vào .Đứng trên tầng thượng tòa nhà chúng tôi ở,với mắt thường chúng tôi cũng có thể biết được hướng nào có bảo đang tập trung .Vùng có bảo tập trung thì từ mặt biển lên không trung trông cả một vùng đen xám và u ám trong lúc xung quanh vùng đó trời vẫn nắng và trong sáng .

Phía trước tòa nhà chúng tôi ở có một cái giếng còn tốt đầy nước nhìn rất trong nhưng lại không thể dùng để nấu nướng được mà chỉ dùng để tắm giặt .Nước hơi lờ lợ mặn,chúng tôi múc nấu thử thì nước sủi bọt và chuyển sang màu đục ngầu như nước vo gạo .Cạnh giếng là một cây dừa,vài cây ớt,vài đám rau sam và nhiều nhất là những bụi sả .Có lẽ nhờ có phân phốt-phát trên đảo nên những bụi sả phát triển và lan ra cả một vùng rộng đến vài mét .Nhờ có những bụi sả này mà chúng tôi có được một gia vị thơm để ướp vào thịt vích xào nấu ngon hơn .Từ cái giếng này chạy ra đến cầu tàu có hai đường rây để đẩy xe gòong chở phân và vận chuyển những vật liệu cần thiết .

Bên kia đường rây là một nhà nguyện cho những người theo đạo Công Giáo. Nhà nguyện nhỏ, tường xây bằng gạch và lợp tôn. Tôi bước vào trong chỉ thấy còn lại một cây thánh giá bằng gỗ treo trên tường trông có vẻ hoang tàn không có người lui tới .Tôi đã cho hai người lính có đạo Công Giáo dọn quét sạch sẽ .Thời gian sau hai người lính này cùng bác Phong bên khí tượng thường vào đây cầu nguyện cho sự bình an của họ trên đảo .Cách nhà nguyện không xa là ba bốn nhà làm bằng tôn khá lớn,đây là cơ sở chế biến phân phốt-phát để chở về đất liền .Tôi nghe bác Phong nói lại cơ sở này là của bà Nhu,sau cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm năm 1963 thì cơ sở này ngưng hoạt động,toán công nhân chế biên phân phốt-phát ở đây suýt đói vì bị bỏ quên .sau nhiều lần nhờ truyền tin bên đài khí tượng cầu cứu,tàu hải quân đã ra chở họ về đất liền .Quan sát bên trong những căn nhà này tôi thấy còn bỏ lại một cổ máy xay nghiền phân phốt-phát đã gỉ sét,vài ba bao phân lở dỡ .

Sau khi đi loanh quanh quan sát khu vực gần tòa nhà chúng tôi ở, tôi rũ trung sĩ Huynh cùng tôi đi dạo một vòng quanh đảo .Để ra được bãi cát chạy quanh đảo,chúng tôi có được ba con đường mòn đi xuyên qua rừng cây ráy biển (là một loại cây cao độ hai đến ba mét,thân mềm và xốp,lá nhỏ mọc chi chít trên cát,nhờ những cành khô của loại cây này mà chúng tôi có đủ chất đốt để nấu nướng trong suốt thời gian sinh sống trên đảo) và cây nhàu(loại cây này nghe nói rễ và vỏ cây có thể dùng nấu nước làm trà chửa bệnh gì đó) ngoại trừ con đường chính từ cầu tàu theo đường rây dẫn vào đến giếng nước .Xung quanh đảo có được ba pháo đài phòng thủ,nhỏ,xây bằng xi-măng có lỗ châu mai hướng ra phía biển .Đi vòng quanh hơn nửa đảo vễ phía bên trái,chúng tôi thấy một ngôi miếu xưa xây bằng gạch và vôi, mái lợp ngói âm dương tọa lạc trên bãi cát cao xung quanh bao phủ bởi những cây nhàu và cây ráy biển.

Theo lời bác Phong bên đài khí tượng thì ngôi miếu này được xây dựng từ thời vua Gia Long khi chính vua đã thân hành ngự giá đến đảo Hoàng Sa khoảng vào năm 1816 .Ngôi miếu được gọi là Miếu Bà vì bên trong nơi bàn thờ chính thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (một vị nữ thần ban sự bình an và cứu những người đi biển gặp nạn ) hai bên bàn thờ là hai câu liễn đỏ viết bằng chữ Hán .Ngôi miếu được anh em lính những đợt trước quét dọn sạch sẽ và cúng bái đầy đủ vào những ngày rằm và mồng một mỗi tháng .Phía sau ngôi miếu là một nghĩa địa nhỏ có khoảng hơn mười ngôi mộ,có hai ngôi mộ có bia bằng chữ Hán,số còn lại là mộ đắp bằng cát không có bia .Nghe bác Phong nói lại những ngôi mộ này là mộ của những người đi đánh cá bị bão đánh chìm và trôi dạt vào đảo,được những người trên đảo chôn cất .Tuy bác Phong là người theo đạo Công Giáo nhưng bác nói với tôi ngôi Miếu Bà này rất linh thiêng,đêm tối đi dạo biển một mình bác không dám đi ngang qua đây .Những người lính đợt trước chúng tôi cũng nói vậy,họ kể lại một cách vội vã trước khi ra tàu trở về đất liền là từ cầu tàu họ đã nhìn thấy một khối lửa đỏ như quả cầu bay xẹt trên mặt biển từ đảo Cam Tuyền qua đến Miếu Bà rồi tắt lịm,họ còn dặn dò chúng tôi nếu thấy thì không được quở (tiếng địa phương Quảng Nam có nghĩa là không được kêu,không được hỏi ,không được chỉ chỏ khi nhìn thấy một sự cố gì đó có vẻ ma quái,linh thiêng,nếu không sẽ bị điên hoăc bị bệnh )Chính vì vậy cho nên nhiều người trong chúng tôi thường đến đây thắp nhang cúng vái trong những ngày rằm và mồng một mỗi tháng để cầu xin được bình an và sức khỏe trong suốt thời gian sống trên đảo .

Bãi biển trước Miếu Bà phần lớn là cát,rất ít san hô và bông đá biển (là tảng đá có hình dáng tròn,dẹp,có dộ dày từ hai đến ba tất ,màu vàng nhạt,trên và xung quanh tảng đá có nhiều con hàu biển bám vào, .dưới tảng đá có nhiều hang nhỏ để cho những con cá mú bông sinh sống,chúng tôi có thể dùng gậy nạy lên khỏi mặt cát ) .Nước sâu và trong vắt nhìn tận đáy .Chính tại bãi biển này ,chúng tôi đã bắt được nhiều ốc nhảy để lấy ruột phơi khô đem về đất liền .

Đối diện với Miếu Bà qua một khoảng cách biển nước sâu, xa từ ba đến bốn km về phía tây nam là đảo Cam Tuyền (Robert) Chính con tàu đưa chúng tôi ra đảo đã chạy kẹp vào giữa hai đảo Hoàng Sa và Cam Tuyền, đây là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 1,5 km vuông có nhiều phốt-phát,không có quân trú đóng .Từ đảo Hoàng Sa nhìn sang chúng tôi thấy được những tảng đá lớn nhỏ chen với bờ cát bao quanh đảo .Có thể gọi đây là quê hương của những đàn hải âu và nhạn biển .Hầu hết chúng qui tụ về đảo này vào những buổi chiều tối hoặc những lúc biển bị bão tố.

Tiếp tục đi theo bãi biển từ Miếu Bà đến một khoảng cách xa nữa thì chúng tôi gặp được cầu tàu-nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân lên đảo .Từ cầu tàu ra đến mí sóng –nơi tàu lớn đậu-có một đường nước sâu khoảng hai đến ba mét không có san hô,nước trong có thể nhìn thấy được những con cá nhỏ bơi dưới đáy .Chính tại đây tôi đã câu được hai con cá mập lớn và cũng là nơi anh em lính chúng tôi thường tụ tập lại để câu cá ban đêm .

Đứng trên cầu tàu nhìn chếch về hướng tây bắc,chúng tôi thấy được xác một chiếc tàu lớn bị chìm ,đứng trơ vơ giữa bãi san hô gần mí sóng cách chỗ chúng tôi đứng chừng 200 mét .Bác Phong cho tôi biết chiếc tàu này là tàu chở phân phốt phát về đất liền bị bỏ lại sau năm 1963 .Trên boong tàu gỉ sét là nơi tụ hội của các loài chim biển như bồ nông,nhạn biển ,hải âu. Tôi đã tốn hết 30 phút để đi giáp một vòng quanh đảo quan sát toàn cảnh khu vực đảo từ bờ cát ra đến mí sóng .Tôi ước đoán đảo Hoàng Sa có diện tích chừng 3,5 đến 4 km vuông .Phần đảo nhô lên khỏi mặt nước biển chừng 1,5 km vuông gồm có những tảng đá lớn nhỏ,bờ cát vàng bao quanh cùng với những cây nhàu và cây ráy biển mọc chi chít .Phần này cao hơn mặt nước biển độ 5 mét có bãi cát chạy lài xuống đến bờ nước .Từ bờ nước ra đến mí sóng là những rặng san hô đủ màu sắc và bông đá biển bao quanh đảo ngoại trừ bãi trước Miếu Bà thì rất ít san hô .Những bãi san hô này mọc lan xa ra tận mí sóng đến cả trăm mét có bãi xa đến hơn hai trăm mét .Hầu hết san hô và bông đá biển đều nằm chìm dưới mặt nước .

Với mắt thường không cần dùng đến kính lặn biển ,chúng tôi cũng có thể thấy rỏ được những màu xanh tím đỏ vàng cam trắng của những nhánh san hô. Xen kẽ vào những nhánh san hô,những con cá nhỏ đủ màu sắc bơi lội và rỉa mồi là những sinh vật li ti bám trên san hô và bông đá biển .(San hô là loài động vật xoang trùng sống thành từng bãi ở bờ biển,cơ thể có bộ xương bằng chất khoáng kết thành khối theo hình gạc hưu)Tôi bẻ thử một nhánh san hô màu xanh đem lên khỏi mặt nước biển để phơi nắng độ 15 phút,san hô từ từ khô dần và chuyển sang màu trắng như vôi .Vì vậy chất phốt-phát trên đảo là do sự tác dụng của phân chim lên chất vôi của san hô tạo nên .Giữa những rặng san hô tôi cũng thấy được những khoảng cát rộng hơn một sân bóng rổ,chính tại những vũng cát trũng này anh em lính chúng tôi đã rượt bắt những con cá chúc đầu khi thủy triều rút xuống.

Về hai đảo Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) thì tôi không được nhìn thấy vì tàu hải quân thay quân cho đảo Hoàng Sa (Pattle) trước tiên, sau đó mới đến đảo Duncan và cuối cùng là Drummond. Sau hơn ba tháng trú đóng trên đảo Hoàng Sa, ngày trở lại đất liền, đứng trên boong tàu tôi mới nhìn thấy được hai đảo này và theo lời kể lại của anh em lính đóng trên hai đảo cùng với sự quan sát được của tôi thì: đảo Duncan gồm có một đảo lớn nối liền với một đảo nhỏ bằng một giải cát chạy dài, nhô lên khỏi mặt nước biển độ bốn mét có nhiều tảng đá lớn nhỏ và bãi cát vàng bao quanh. Trên đảo có ngôi nhà bằng tôn cho anh em lính ở, ba cây dừa cùng những bụi cây ráy biển. Đảo Drummond thì cũng vậy nhưng lại có được một con lạch nhỏ sâu chạy gần sát bờ.

Vào thời điểm tôi ra thay quân cho đảo Hoàng Sa năm 1967, tôi không hề nghe ai nói (kể cả bác Phong bên đài khí tượng ) về tên đảo Phú Lâm. Trên biên bản ký nhận bàn giao chỉ có những tên đảo Hoàng Sa (do tôi làm đảo trưởng ) và hai đảo Duncan và Drummond do hai trung sĩ làm đảo trưởng. Năm 1974, Tr/úy Phạm Hy (Đại đội trưởng của tiểu đoàn tôi) kể lại với tôi là Trung Cọng đã cho quân đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert) trước rồi sau đó mới chiếm tiếp đảo Hoàng Sa và bắt toàn bộ anh em trên đảo làm tù binh chở về đảo Hải Nam. Với sự kiện tranh giành xác định chủ quyền của đảo Hoàng Sa hiện thời giữa CS Việt Nam và Trung Cọng thì tôi nghĩ tên gọi đảo Phú Lâm (tên gọi hiện tại) có phải là tên của đảo Hoàng Sa do tôi trấn đóng năm 1967 ?

Hình dung trở lại những ngày tháng cũ sống trên đảo Hoàng Sa từ năm 1967 đến nay đã 46 năm trôi qua – 46 năm dài đăng đẳng .Hoàng Sa tuy đã mất vào tay quân cướp đảo Trung Cọng nhưng hình ảnh Hoàng Sa vẫn còn sống mãi trong tâm tưởng của tôi .Những kỷ niệm về Hoàng Sa,từ những sinh hoạt hàng ngày,từ những khuôn mặt sạm nắng của những người lính giữ đảo đến những chuyện vui buồn trên đảo vẫn còn in rỏ nét trong ký ức của tôi .Bây giờ tuy đã ngoại tuổi thất thập,đã là người lính già sống đời lưu xứ,nhớ trước quên sau nhưng có một dịp nào đó để tâm hồn lảng đảng trôi đến Hoàng Sa thì mọi việc trên đảo trong ký ức của tôi dễ dàng sống lại.

Sinh hoạt hàng ngày trên đảo. Bắt vích và tìm trứng vích.

Con vích (Olive ridley sea turtle).
Vích là tên gọi từ những người đánh cá biển và anh em lính đảo chúng tôi chỉ danh những con rùa biển, hình dáng giống như con đồi mồi,rất lớn,có con có mu dài đến 1,3 mét và ngang hơn 1 mét có bốn chân giống như chân đồi mồi dùng để bơi . Khi bò lên bờ để đẻ thì quạt bốn chân để trườn mình tới nhưng ở dưới nước thì bơi rất nhanh .Tuy là con vật sống dưới nước nhưng lại bò lên bờ cát đào ổ cạnh những bụi cây ráy biển để đẻ .Trứng vích có hinh tròn và nhỏ như quả bóng bàn,vỏ trứng mỏng nhưng dai ,màu trắng Khi luộc trứng vích,lòng đỏ trứng đông cứng lại như lòng đỏ trứng gà nhưng lòng trắng thì vẫn lỏng .Một con vích đẻ gần cả trăm trứng,có con đẻ nhiều hơn.

Bữa thịt vích đầu tiên trên đảo.
Sau hơn 20 tiếng đồng hồ lênh đênh trên mặt biển,đêm đầu tiên chúng tôi tìm vào giấc ngủ ngon lành .Thật sự một giấc ngủ bình yên đối với những người lính chiến như chúng tôi . Xa rời cuộc chiến .Sao trời trên đảo thay cho những đóm hỏa châu,tiếng gió biển cùng với tiếng sóng vỗ rì rầm đã thay cho tiếng rít dài của làn đạn pháo .Sống trên đảo không có hơi đất,ngủ nhiều và ít hoạt động dễ sinh ra bệnh phù thủng .cho nên từ chiều tôi đã động viên anh em lính mỗi sáng hàng ngày phải thức dậy sớm chạy vòng quanh đảo.

Mặt trời mới bắt đầu hừng sáng nơi chân mây, chưa kịp thức dậy thì chúng tôi đã nghe tiếng réo gọi của Chi –tên một người lính –kêu anh em chúng tôi đi lật bắt vích .Té ra cậu này thức dậy từ sớm đi một mình ra bãi biển và trông thấy một con vích đang đẻ chưa bò xuống nước .Toàn thể chúng tôi thức dậy chạy xuống bãi cát nơi có con vích,ba người lính cùng nhau lật ngữa một con vích lớn .Con vích bị lật ngữa,phần nhô lên của mu vích nằm trũng xuống cát và bốn chân ngọ ngoạy giữa khoảng không .Đầu con vích giống như đầu con rùa và lớn như một bàn tay tôi chụm lại. Tôi thấy hai mắt của nó chảy dài nước mắt, những giọt nước mắt nhỏ xuống ướt cả một vùng cát nhỏ.

Lần đầu tiên nhìn thấy được một con vích,chúng tôi không biết bằng cách nào để xẻ thịt .Trung sĩ Huynh đề nghị bắn vào đầu vích trước cho chết rồi mới lấy thịt .Hai phát súng cac-bin đoành đoành,đầu con vích nát bấy .Theo chỉ dẫn của trung sĩ Huynh ,tôi dùng lưỡi lê rọc theo đường mềm của cái yếm con vích dưới bụng .Cái yếm vích được nâng lên,cả cái mu vích lật ngữa giống như một cái chảo lớn đựng đầy huyết và ruột gan phèo phổi. Chúng tôi nghiêng mu vích cho huyết vích chảy ra ngoài xong dùng dao lạng từng miếng thịt vích và đem bộ lòng vích ra ngoài .Con vích lớn nên thịt vích rất nhiều,tôi đề nghị bỏ vào thùng thiếc muối để dành ăn trong những ngày biển động không bắt được cá .(kết quả năm ngày sau đó phải mang ra cầu tàu đổ vì hôi thối)

Chúng tôi mang thịt vích về xắt ướp với gia vị từ đất liền mang theo cùng với sả trồng trên đảo.
nấu hai món xào và cari .(thịt vích có màu đỏ,mềm,giống thịt bò,nhưng có người nói ăn nhiều sẽ bị nổi phong) .Trong bộ lòng vích,phần ngon nhất là bao tử vích (giống như bao tử bò )màu trắng,mặt bên trong bao tử có những lớp gai lớn ngắn và không có mùi hôi vì vích ăn toàn rong biển ,luộc chín ,chấm với mắm ăn giòn như bao tử bò .Thế là ngày hôm đó và hai ba ngày kế tiếp chúng tôi chỉ ăn toàn thịt vịt đến phát ớn.

Tìm đào trứng vích.
Vích thường bò lên bờ cát đào lỗ để đẻ trứng .Thời điểm chúng bò lên bờ là sau 10 giờ tối và bò trở lại xuống nước khi trời hừng sáng .Sau khi tìm được vị trí thích hợp làm ổ,vích dùng hai chân sau moi một cái lỗ sâu chừng bốn tất và rộng chừng ba tất,kê đít vào để rặn đẻ .Khi đã đẻ hết trứng chúng dùng hai chân sau lấp cát lại và xoay mình cà cái yếm dưới bụng tại lỗ vừa mới đẻ ngang với mặt cát,tiếp tục bò đi và lặp lại như vậy vài chỗ để ngụy trang,vì thế nếu không rình được chỗ vích đẻ rất khó tìm thấy trứng.

Xung quanh bãi cát đảo Hoàng Sa,chúng tôi thường thấy mỗi đêm có chừng năm sáu con vích bò lên bờ để đẻ .Để tìm được trứng vích,chúng tôi dùng cây thông nòng súng garant M1 thọc sâu xuống cát những chỗ vích xoay mình ngụy trang xong rút cây thông nòng lên,nếu đầu cây thông nòng có dính chất ướt nhầy của trứng thì đích thực là ổ vit đẻ và từ từ moi cát đem trứng vích lên

Thường một ổ vích đẻ chúng tôi đếm được trên 80 trứng Trứng vit đào được không thể ăn hết một lần, chúng tôi đào một lỗ cát bỏ trứng xuống và lấp cát lại,khi cần ăn lại moi cát lấy trứng lên. Hầu như mỗi người trong chúng tôi đều có một lỗ chôn trứng vích để ăn từ từ.

Rình xem vích đẻ.
Để biết được vích đẻ trứng như thế nào,tôi rũ Trung sĩ Huynh,y tá Khôn và tôi mang đèn pin đi rình xem vích đẻ .Đúng 11 giờ tối (thời điểm vích thường bò lên bờ )chúng tôi đi vòng quanh đảo,giữ im lặng và không mở đèn sáng .Trời sáng lờ mờ nhờ đêm có nhiều sao .Chúng tôi thấy một con vích lớn từ dưới nước đang bò trườn lên bờ một cách nặng nề .Chúng tôi dừng lại,nấp vào một bụi cây ráy biển để quan sát ,rất im lặng (nếu vích phát hiện có tiếng động hoặc có người thì sẽ bò trở lại xuống nước) con vích bò tới bò lui tìm một vài chỗ và cuối cùng thì cùng tìm được một vị trí thích hợp là một chỗ cát cao cạnh bụi cây ráy biển để đào lỗ đẻ trứng.

Ba người chúng tôi yên lặng quan sát .Con vích nằm im,dùng hai chân sau đào một cái lỗ cát sâu và rộng chừng ba tất .Hai chân sau của con vích hất tung cát ra xa,chúng tôi cũng nghe được tiếng cát bay rào rào khi chạm vào những lá cây ráy biển .Đào được một hồi lâu,con vích đặt đít ngay trên miệng lỗ cát vừa mới đào,hai chân sau khép lại hai bên miệng lỗ cát,hai chân trước khép lại hai bên đầu và bắt đầu rặn đẻ .Ba người chúng tôi rón rén bò lại phía sau nằm dài trên cát và pin đèn ngay xuống miệng ổ vích để xem .Con vích rặn và thở rất lớn ,nó có vẻ như rất mệt .Mỗi lần vích rặn đẻ,chúng tôi thấy rơi ra từ hai đến ba trứng và có rất nhiều nước nhờn .Tôi se sẽ đặt một bao cát dưới đít con vích và mỗi lần nó rặn trứng vích đều rớt vào bao cát .Trứng trong bao đã nhiều,con vích ngưng không rặn nữa,tôi xách bao cát trứng lên và không quên nhặt lấy những quả trứng còn lại trong lỗ .Con vích bắt đầu dùng hai chân sau lấp cát lại .Lỗ cát đã đầy và nó xoay mình dùng bụng để khỏa bằng ổ trứng vừa mới đẻ .vích tiếp tục bò trên cát cách ổ của nó chừng hai đến ba mét ,lại xoay mình cà bụng trên cát và cứ như vậy đến ba bốn lần lặp lại như để ngụy trang cho ổ trứng.

Xong công việc ngụy trang ,con vích trườn mình bò trở lại xuống nước một cách mệt mõi .Tôi không hiểu bao lâu thì trứng vích sẽ nở ra vích con và vích mẹ có nhận ra được đàn con của nó hay không. Thời gian sau,tình cờ một lần dạo quanh đảo tôi đã chứng kiến được một đàn vích con nhỏ hơn quả trứng gà đang ngoai lên từ mặt cát và từ từ bò trườn xuống nước. Nhừng con vích con trông thật dễ thương. Thỉnh thoảng trong những lần dạo biển tôi cũng nhìn thấy những xác vích con chết bị sóng đánh tấp vào bờ.
Trong suốt thờì gian trấn đóng trên đảo ,chúng tôi chỉ bắt ăn thịt tổng cộng 3 con vích kể cả con vích chỉ ăn độc nhất cái bao tử .Những người bên đài khí tượng họ không ăn thịt vích nên đã từ chối khi chúng tôi mang thịt vích cho họ .Lấy thịt một con vích thì quá nhiều,chúng tôi ít người nên cũng biếng nhác không muốn làm thịt vích dù hàng đêm vích bò lên đảo rất nhiều .

Câu cá và bắt cá.
Nói đến Hoàng Sa, ngoài những tài nguyên phong phú về khoáng sản,khí đốt và dầu lửa chúng ta phải kể đến trử lượng cá .Biển quanh đảo Hoàng Sa là nơi qui tụ hầu hết các loại cá ngon có giá trị cao trong ngành đánh bắt thủy sản .Cũng chính vì vậy , nên dù quân cướp đảo Trung Cọng đã chiếm đảo Hoàng Sa từ năm 1974,kiểm soát các đảo và những vùng biển xung quanh,ngư dân Việt Nam chúng ta từ các tỉnh lân cận cùng với ngư dân Quảng Nam Đà Nẵng vẫn kiên cường bám biển đánh bắt thủy sản .Một phần vì cuộc sống ,một phần để xác định chủ quyền của vùng biển quê hương .

Cá ở Hoàng Sa thì nhiều vô kể,nhưng những loại cá đánh bắt được nhiều thì hầu hết nằm ở ngoài khơi .Riêng quanh đảo chúng tôi trấn đóng ,kể từ mí sóng trở vào bờ cát,xen kẽ với những bãi san hô chúng tôi thấy có rất nhiều loại cá .Nhiều nhất là cá mó xanh(loại cá này lớn bằng hai ngón tay có màu xanh lá cây)và cá rô biển có màu đen .Hai loại cá này thì rất nhiều ,chúng lội quanh những nhánh san hô và bông đá biển để rỉa mồi ,chúng tôi lội xuống nước chúng thường bu lại rỉa cắn xung quanh chân .Ngoài hai loại cá này ra là những con cá đủ màu(cá cảnh) bơi lội chen vào giữa những nhánh san hô đầy màu sắc trông rất đẹp mắt .Những con cá mú bông lớn bằng cổ tay,miệng rộng với những đốm vàng ,đen trên lưng cũng không ít ,chúng thường ẩn nấp trong những hang nhỏ dưới tảng bông đá .Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy được nhiều đàn cá lạ di chuyển vào gần đảo,cá đối,cá cơm, mực và đôi khi là những con cá mập lội sát bờ bắt mồi .Khi thủy triều xuống ,chúng tôi lội trên những bãi san hô nước khoảng trên đầu gối thấy được những con hải sâm ( đĩa biển )và rất nhiều nhím biển ( sinh vật biển có hình tròn,dẹp,có rất nhiều gai nhọn dài gần 1 tất mọc tua tủa quanh mình,có màu nâu hoặc đen) Lội biển đụng phải chúng thì chân bị ngứa ngáy khó chịu .

Bủa lưới bắt cá.
Sau ba ngày ăn thịt vích ớn đến tận cổ,chúng tôi bắt đầu đi bủa lưới bắt cá .Trời về chiều,chúng tôi đem hai tay lưới mua từ Đà Nẳng ra thả xuống bãi nước gần cầu tàu và dự trù sáng hôm sau sẽ rủ nhau ra gở cá. Chúng tôi trở vào nhà và yên trí nhờ hai tay lưới này chúng tôi sẽ có cá ăn đều đặn mỗi ngày.

Sáng hôm sau thức dậy sớm mọi người gọi nhau đi gở cá mắc lưới .Đến nơi lội xuống bãi nước nơi thả hai tay lưới,chúng tôi thấy cá mắc vào lưới dày đặc,nhiều nhất là cá rô biển và cá mó xanh ,ngoài ra cũng có một vài con cá lạ mà chúng tôi không biết tên .Lưới quện vào nhau như một đống bùi nhùi,có đoạn rách toạc vì những con cá lớn vùng vẩy khi bị mắc lưới .Kết quả không như chúng tôi mong muốn,hai tay lưới chỉ dùng được một đêm ,loại cá mó xanh và cá rô biển thì không cần thả lưới bắt lúc nào cũng được . Hy vọng dùng hai tay lưới để có cá ăn hàng ngày đã tiêu tan và chúng tôi lên phương kế khác .

Câu cá mú bông.
Trong các loại cá quanh đảo,chúng tôi thấy cá mú bông là loại cá có thịt ăn ngon hơn cả .Dưới hang của những tảng bông đá biển thường có từ ba đến bốn con cá mú bông trú ngụ .Câu loại cá này thì cũng dễ dàng vì miệng cá lớn và lại tạp ăn .Để câu được cá mú bông ,chúng tôi phải lội ra chỗ có nước sâu đến ngực .Đầu tiên ,chúng tôi bắt ốc câu vài con cá mó xanh bằng lưỡi câu nhỏ xong cắt cá ra từng khúc móc vào lưỡi câu làm mồi câu cá mú, ném miếng mồi gần cạnh tảng bông đá,chìm đưới nước và nhìn thấy được miếng mồi .Vì nước biển trong và sóng nhỏ nên chúng tôi có thể nhìn thấy được những con cá mó xanh và cá rô biển bu quanh rỉa mồi .Từ trong hang bông đá ,cá mú sẽ chạy ra đớp mạnh miếng mồi và chạy ngược vào hang ,chúng tôi giật mạnh cần câu ,con cá chưa kịp vào hang đã bị dính lưỡi câu .Nếu chẳng may cá rúc vào hang rồi,bắt lấy cá rất khó .Đôi lúc chúng tôi phải dùng một cây gậy dài để nạy tảng bông đá lên bắt lấy cá .Gặp phải tảng bông đá lớn thì phải đành cắt cước bỏ lười câu.

Đi câu cá mú ,thường chúng tôi đi chung hai đến ba người ,đem theo mỗi người một cây gậy dùng để đi dạo biển .Cây gậy thường dài độ hai mét chắc và cứng .Một đầu gậy chúng tôi cột vào ba chỉa nhọn bằng sắt ,mục đích để cắm xuống cát giữ xâu cá mú câu được và dùng làm vũ khí để đề phòng chống đỡ những con cá mập lội gần bờ bắt mồi .Khi cá mập bơi đến gẫn ,chúng tôi rút cây gậy và thọc lia lịa để xua cá mập đi nơi khác .Thường những con cá mập vào kiếm mồi gần bờ không lớn lắm,chúng lội đưa cả vây trên lưng lên khỏi mặt nước .Trong khoảng thời gian hai đến ba tiếng đồng hồ ,chúng tôi có thể câu được 50 đến 60 con cá mú (nếu mặt nước biển yên không có sóng )Phần nhiều sóng lớn đánh ngoài mí sóng và lan dần vào bờ đảo chỉ còn lại những gợn sóng nhỏ lăn tăn .Có nhiều hôm biển lặng mặt nước biển như một mặt gương nằm ngang phẳng lặng .Gặp những hôm như vậy chúng tôi câu được rất nhiều cá mú bông . Cá mú câu được,chúng tôi dùng một phần nấu canh ,xào đôi lúc nướng ăn rất ngon,số lớn còn lại chúng tôi xẻ làm hai và phơi khô mang về đất liền .Cái thú của chúng tôi khi đi câu cá mú bông là đốt một đống lửa trên bãi cát nướng những con cá mú lớn vừa câu được,ngồi gở thịt ăn và tán gẫu chuyện đời .

Câu cá mập.
Một đêm trăng,năm người chúng tôi rủ nhau ra cầu tàu câu cá mập. Để có đủ đồ nghề câu cá mập ngoài chiếc lưỡi câu lớn (có đường kính bằng đầu chiếc đủa) chúng tôi dùng ba sợi dây kéo điện thoại bện con tít lại với nhau dài độ 20 mét ,một cục chì lớn nấu từ 10 mũi đạn Garant M1 cột vào gần lưỡi câu .Mồi là một con cá mú lớn .Nơi cầu tàu có một luồng nước sâu từ mí sóng chạy vào và có một khoảng cát rộng không có san hô .Những con cá mập lớn nhỏ từ mí sóng thường hay lộivào đây săn mồi khi thủy triều lên .
Sau khi móc mồi vào lưỡi câu,tôi cuốn vòng sợi dây điện thoại lại theo nhiều vòng và ném thật mạnh ra xa giống như những chàng cao-bồi miền viễn tây vung vòng dây bắt ngựa .Mồi chìm sâu xuống nước ,tôi cột sợi dây điện thoại vào cây cọc sắt trên cầu tàu vòng qua một thùng thiếc trống để khi cá mập ăn mồi kéo dây,thùng thiếc sẽ rơi xuống báo hiệu cho chúng tôi biết .Chúng tôi ngồi đợi cá ăn mồi và kể cho nhau nghe những chuyện ở quê nhà.

Đúng như mong đợi của tôi,chiếc thùng thiếc rơi xuống ,tôi cầm dây điện thoại giật mạnh,con cá mập bị mắc lưỡi câu .Với sức một mình tôi không thể nào kéo nổi ,bốn anh em lính xúm vào kéo hộ .Có lúc chúng tôi nới dây điện thoại ,có lúc chúng tôi kéo mạnh để quần thảo với con cá mập .Đang trên đà ráng sức kéo lui ,dây điện thoại đứt,chúng tôi ngã lăn trên cầu tàu .Kết quả mất một lưỡi câu cá mập và chúng tôi lồm cồm đứng dậy vào nhà .Tôi kể chuyện câu cá mập với bác Phong ,bác cười và cho tôi 20 sải cước câu cá mập .Cước có màu xanh nhạt và lớn hơn sợi dây điện thoại ,bác Phong nói chỉ có loại cước này mới đủ sức câu được cá mập lớn .

Đêm hôm sau ,sửa soạn đầy đủ mọi thứ câu cá mập ,chúng tôi lại trở ra cầu tàu và lặp lại những động tác cũ .Ngồi đợi và tán gẫu với nhau độ 30 phút ,chiếc thùng thiếc rơi xuống báo hiệu cá đã ăn mồi ,tôi cầm sợi cước giật mạnh và cá mập mắc câu .Chúng tôi chung sức lại kéo sợi cước,con cá mập trì mình lại ,chúng tôi nới cước xong lại tiếp tục kéo và cứ như vậy đến hơn 30 phút,con cá mập mắc câu hình như đã đuối sức theo chiều cước vào đến gần chân cầu tàu Tôi rọi đèn xuống nước và thấy cá rất lớn .Con cá vẫn vùng vẫy lăn lộn còn chúng tôi xúm nhau giữ chặc sợi cước Tôi bảo Hóa –tên một người lính –chạy vào nhà lấy khẩu Garant M1 ,tôi nhắm bắn nguyên một gắp đạn Garant tám viên vào đầu con cá mập ..Con cá bị đạn bớt vùng vẫy và đã yếu sức .Lúc bấy giờ tất cả chúng tôi đều có mặt trên cầu tàu .Mười người lính lội xuống nước khiên con cá lên để nằm dài trên sàn xi-măng , nó vẫn còn sống ,chiều dài gần 2,5 mét và thân cá rất lớn có màu xam xám .Chi –tên một người lính –tưởng cá đã chết,thò tay vào miệng rờ mấy cái răng,con cá táp mạnh bị thương một lóng tay .

Chúng tôi khiên con cá mập bỏ lên xe gòong đẩy về nơi giếng nước trước tòa nhà chúng tôi ở .Đốt đèn sáng lên ,chúng tôi cắt đầu con cá mập và mổ bụng đem bộ lòng ra ngoài,bộ lòng cá đựng đầy một thúng lớn .Đầu con cá vẫn còn nguyên 8 mũi đạn Garant ghim vào mà không xuyên thấu qua được,lý do những mũi đạn khi tôi bắn xuống đã bị nước cản .Con cá tôi câu được có cái đuôi và bộ vây thật lớn .Trung sĩ Huynh xin toàn bộ .Tôi hỏi anh ta và được trả lời xin về làm thuốc .Sau này tôi mới biết được anh ta mang về đất liền và bán được rất nhiều tiền ,người ta mua để chế biến vi cá nấu súp .Chúng tôi lấy một ít lòng cá nấu cháo còn toàn bộ thịt cá tôi chia cho tất cả anh em lính phơi khô làm khô cá mập .Trong suốt thời gian đóng trên đảo ,tôi và trung sĩ Huynh đã câu được bốn con cá mập nhưng chỉ có con cá mập tôi câu được đầu tiên là lớn hơn cả .

Bắt cá chúc đầu.
Khi thũy triều rút xuống ,xung quanh đảo chỉ còn trơ lại những bãi san hô chạy ra xa tận mí sóng .Bình thường khi san hô ở dưới mặt nước ,chúng cho những màu sắc rất đẹp nhưng khi nước cạn ,san hô nhô lên khỏi mặt nước trông chúng xấu xí chỉ toàn là một màu trắng đục vì chưa bị khô chết . Vào thời điểm này ,chúng tôi rủ nhau đi tìm bắt cá chúc đầu .

Sỡ dĩ chúng tôi gọi là cá chúc đầu vì chúng tôi không biết tên loại cá này .Mình cá hơi dẹp,lớn bằng bắp chân,vảy cá nhỏ màu trắng .Đặc biệt miệng cá rất nhỏ nên chúng thường chúc đầu xuống rỉa những sinh vật biển li ti bám dưới những gốc san hô hoặc trên mặt bông đá biển.Chúng say sưa rỉa mồi không hề để ý đến thời gian thủy triều xuống .Khi phát hiện nước đã rút ,chúng lui ra vùng nước sâu thì bị những rặng san hô như hàng rào cản đường . Để thoát thân ,chúng tìm những trũng nước rộng để qui tụ vào đó .Chúng tôi cầm trên tay mỗi người một khúc cây ngắn rượt đánh và ném chúng lên bãi san hô .Thường một trũng nước có khoảng 20 đến 25 con cá chúc đầu .Thịt chúng mềm,không có độ dai nên chúng tôi ít phơi khô .

Ném lựu đạn bắt cá.
Ngày rời đất liền,chúng tôi mang theo nhiều lựu đạn M 26 xin từ các bạn đồng đội để ra đảo ném cá , nhờ những quả lựu đạn này mà chúng tôi bắt được nhiều mẻ cá lớn .Khi thủy triều lên ,chúng tôi thường đi dạo quanh đảo để tìm những đàn cá vào sát bờ , khi đã phát hiện ra ,chúng tôi xử dụng lựu đạn để bắt cá .Đã hai lần bắt cá bằng lựu đạn thất bại ,rút chốt lựu đạn , chúng tôi ném xuống ngay đàn cá , lựu đạn chìm xuống nước và chờ một vài giây sau mới nổ .Kết quả đàn cá vụt chạy tứ tung chỉ chết có vài con chạy sau cùng .Một người lính tên Thanh đã “gồng mình” nghĩ ra một cách ném lựu đạn bắt cá .Anh ta cho lựu đạn bật chốt trên tay, đếm 1,2,3 rồi mới ném xuống nước .(có hai loại lựu đạn :lựu đạn ném tay và lựu đạn gài,lựu đạn gài có một dấu chấm đỏ trên mỏ vịt ,bật mỏ vịt lựu đạn sẽ nổ ngay ) Kết quả nhờ lối ném này,chúng tôi đã bắt được nhiều đàn cá bơi vào gần bờ .Có nhiều đàn cá anh em chúng tôi bắt được đến hai ,ba bao tải,loại bao tải gạo 46 kg đem phơi khô . Hầu hết cá bắt bằng cách ném lựu đạn đều nhỏ như cá liệc hoặc cá đối .Chúng tôi cũng thử ném lựu đạn để bắt cá mập nơi cầu tàu nhưng chẳng ăn thua gì đối với chúng. Lựu đạn nổ , chúng quay đuôi chạy ra mí sóng xong lại trở vào để ăn những con cá bị chết vì lựu đạn .

Tôi còn nhớ,có một lần tôi cùng cậu vợ tôi Trần Huỳnh Mính,anh Phùng Rân và Phạm Phú Lợi đi ra Cù Lao Chàm đóng trại hè với học sinh Trần Quí Cáp .Tôi mang theo lựu đạn và dùng lối ném này bắt được một bao tải cá đủ loại về giao cho đầu bếp .Bây giờ đã là người lính già,nghĩ lại nếu phải ném lựu đạn theo kiểu này thì tôi sẽ xin đưa tay chào thua.

Ốc ở Hoàng Sa.
Ngoài những tài nguyên phong phú về hải sản như cá ,rong biển ,rùa biển quanh đảo ,Hoàng Sa còn có nhiễu loại ốc ngon như ốc gân, ốc vú nàng, ốc nhảy, ốc tai tượng v..v..và nhiều loại ốc hoa dùng trong lĩnh vực mỹ nghệ rất đẹp mắt .

Bắt ốc gân.
Mọi người từ những đợt trước cũng như chúng tôi đều gọi loại ốc này là ốc gân ,nhưng thật ra hình dáng của chúng giống như một con sò rất lớn .Bình thường chúng lớn bằng chiếc nón sắt quân đội nhưng đôi khi chúng tôi cũng thấy được có con lớn gấp đôi .Chúng có hai chiếc vỏ,nơi miệng vỏ có những đường cong lên cong xuống rất bén ,khi chúng khép hai vỏ lại thì những đường cong này ăn khớp với nhau .Chúng mở và ngậm hai vỏ lại nhờ một sợi gân lớn màu trắng trong và có tính đàn hồi .

Theo chỉ dẫn của bác Phong ,bắt ốc gân phải thật cẩn thận nếu chẳng may bị ốc kẹp ,gặp con ốc lớn có thể bị đứt lóng tay .Muốn bắt ốc gân phải dùng một cây gậy và một con dao bén có lưỡi giống như chiếc đục hoăc có thể dùng lưỡi lê mài bén để nhủi đứt gân ốc .


Ở dưới nước, ốc gân mở rộng hai vỏ ra để bắt mồi. Mồi là những sinh vật li ti bị hút và miệng . Khi phát hiện ra ốc gân ,chúng tôi lấy cây gậy thọc vào miêng ,ốc gân khép hai vỏ lại rất nhanh, bị cấn cây gậy hai vỏ ốc không thể liền kín vào nhau được và để hở một đường trống dài theo miệng ốc .Chúng tôi dùng dao nhủi sát bên trong vỏ ốc nơi có chiếc gân .Bị đứt gân , hai vỏ ốc tự động mở rộng và chúng tôi tiếp tục nhủi phần vỏ còn lại ,moi toàn bộ thịt ốc ra và gở lấy gân .


Thường sợi gân ốc khi thun lại có đường kính từ hai đến ba phân .Chúng tôi chỉ bắt những con ốc gân có độ lớn hơn cái tô lớn ,thịt và ruột ốc rất nhiều nhưng chúng tôi không ăn mà chỉ bằm nhỏ làm thức ăn cho vịt .Gân ốc ,chúng tôi dùng dao lạng theo vòng tròn hoặc xẻ mỏng dài theo đường zic-zac đem phơi khô .Gân ốc gân khô nướng ăn ngon hơn mực khô nhưng gân còn tươi đem xào ăn rất dỡ .

Bắt ốc nhảy.
Ốc nhảy có độ lớn bằng ba ngón tay chụm lại ,nơi vảy đậy miệng ốc có một cái càng dài độ 5 phân đưa ra ngoài,khi di chuyển ốc nhảy dùng chiếc càng này búng mạnh xuống cát và đưa mình tới .Ốc nhảy sống rất nhiều ở bãi cát trước Miếu Bà,khi nước cạn chúng tôi rủ nhau đi bắt ốc tại bãi này .Ốc bắt được ,luộc chín cầm chiếc càng và rút thịt ốc ra khỏi vỏ dễ dàng .Thịt ốc nhảy xào ăn rất ngon , chúng tôi cũng phơi khô và mang về đất liền .Loại ốc này có đít ốc rất dày dùng để mài nhẩn nhiều màu sắc rất đẹp nên chúng còn có tên là ốc nhẩn .Thường mài được một chiếc nhẩn ốc ,chúng tôi cũng mất nửa ngày công tùy theo kiểu cách .

Bắt ốc tai tượng.
Loại ốc này thường sống ở những bãi cát sạch nước sâu trên hai mét .Chúng thường úp miệng xuống cát và đưa vỏ ốc lên trên .Miệng vỏ ốc có màu vàng ánh rất đẹp ,lớn và loa ra giống như cái tai voi vì vậy nên được gọi là ốc tai tượng .Thịt ốc có màu vàng nhạt ,luộc hoặc xào ăn giống như lưỡi bò .Vỏ ốc thường để trang trí làm cảnh nơi phòng khách cho nên muốn giữ được màu vàng ánh nơi miệng ốc chúng tôi không thể luộc chín ốc mà phải lấy thịt ốc khi còn tươi .Nếu không muốn lấy thịt ốc để ăn thì có thể đem ốc chôn xuống cát độ một tuần sau đó đào lên đem súc sạch để lấy vỏ .Còn muốn lấy cả vỏ ốc lẫn thịt (con lớn thịt có thể gần 1 kg)thì phải biết phương pháp .

Theo chỉ dẫn của bác Phong ,đầu tiên chúng tôi cột một sợi dây trên vỏ ốc và treo chúc ngược miệng ốc xuống phía mặt đất .Đợi chừng 30 phút ốc khát nước và ló miệng ra ngoài (nếu đụng vào ốc sẽ thụt miệng vào ngay),chúng tôi dùng một sợi dây điện thoại thắt chiếc vòng,chờ ốc ló miệng ra,thật nhanh tay đưa vòng thắt chặt miệng ốc lại,lúc này ốc đã thụt miệng vào .Chúng tôi dùng một cục đá nặng độ 2 đến 3 kg cột vào sợi dây vừa thắt miệng ốc và treo tòn ten như vậy . Ốc khát nước,lại thò miệng ra ,cục đá nặng cứ trì xuống và cứ như thế từ từ ốc sẽ mõi và tụt toàn bộ thịt ốc ra ngoài .Đem vỏ ốc súc sạch với nước biển và vẫn giữ được màu vàng ánh rất đẹp

Trong một lần về Việt Nam ,du lịch xuống Vũng Tàu tôi thấy tại đây người ta bán rất nhiều ốc tai tượng ,họ xử dụng ốc tai tượng trong mỹ nghệ chạm khắc nhiều hình rất đẹp .

Ốc gạo Hòang Sa.
Sở dĩ chúng tôi gọi là ốc gạo Hòang Sa vì hình dáng của loại ốc này giống như ốc gạo nhỏ bán ở Hội An .Ốc gạo Hoàng Sa có độ lớn bằng đầu ngón tay cái ,ban ngày không thấy được chúng nhưng chạng vạng tối chúng từ dưới cát bò lên rất nhiều .Những bãi cát cạnh cầu tàu là nơichúng sinh sản và trú ngụ nhiều nhất .Chúng tôi đốt đèn sáng và rủ nhau đi bắt ốc khi trời tối ,thường mỗi đêm chúng tôi có thể bắt được hơn một thùng thiếc .Ốc bắt được đem về ngâm nước biển độ một ngày cho sạch cát rồi đem luộc chín lể (nhể) ăn rất ngon ,đôi lúc chúng tôi lể dồn lại rồi đem xào với bí đỏ từ đất liền mang ra .

Ốc vú nàng.
Ốc có hình xoắn nhiều vòng và có chóp nhọn như hình kim tự tháp lớn bằng nắm tay ,vì vậy nên mọi người đều gọi là ốc vú nàng .Ốc không có nhiều và thịt loại ốc này rất ngon .Thường khi thủy triều xuống,chúng tôi đi dạo trên những bãi san hô thì bắt được chúng .

Ốc hoa.
Xung quanh những bãi san hô ,dưới những tảng bông đá có rất nhiều loại ốc hoa đủ màu sắc đủ kích cỡ hình dáng .Con lớn nhất cũng bằng quả trứng gà và nhỏ cũng bằng hạt đậu phụng .Có nhiều con ốc trên vỏ ốc sần sù và có nhiều càng đưa ra dính liền với vỏ ốc .Khi nước cạn,chúng tôi lội gần đến mí sóng lật những tảng bông đá nhỏ và bắt được rất nhiều ốc hoa .Đứng sát mí sóng ,nhìn xuống những hang đá nước sâu xanh thẳm chúng tôi thấy rất nhiều đàn cá mú lớn bằng bắp chân lội qua lội lại .Chúng tôi phải bắt nhanh ốc hoa để quay vào bờ vì thủy triều sẽ lên trở lại .Riêng tôi đã bắt được nhiều con ốc hoa rất đẹp,có con trên lưng vỏ ốc đen nhánh điểm những chấm vàng ánh như những hoa mai vàng năm cánh .Có con có màu đỏ huyết dụ trên vỏ điểm những chấm trắng, vàng. Với những con ốc hoa này khi mang chúng về đất liền, tôi đã tặng cho người tôi yêu làm quà từ hải đảo.

Đi dạo biển bắt ốc hoa,chúng tôi cũng thường bắt được những con hải sâm,hình dáng chúng giống như con đĩa nên còn có tên là đĩa biển,lớn bằng ổ bánh mì thịt Lee Sandwiche có màu nâu hoặc màu vàng sậm .Chúng tôi dùng dao bén rọc từ đầu đến đít,mở rộng thân ra,trong bụng hải sâm chỉ thấy toàn tơ giống như mủ mít màu trắng .Hải sâm được cạo rửa sạch và phơi khô,khi dùng đem ngâm nước nở ra cắt từng miếng nhỏ nấu cháo hoặc súp rất bổ cho sức khỏe .Chim ở Hoàng Sa.

Khoáng sản chính của Hoàng Sa là phốt-phát do sự tác dụng của phân chim lên chất vôi của san hô tạo nên vì vậy chim ở Hoàng Sa nhiều vô số kể .Những loại chim mà chúng tôi thường thấy là hải âu,nhạn biển,yến, bồ nông .Chúng thường qui tụ về những đảo không có người để làm tổ đẻ con .Thịt của chúng rất tanh dù ướp nhiều gia vị khi nấu ,chúng tôi đã bắn thử vài con nhưng không thể ăn được .Đứng trên đảo Hoàng Sa nhìn ra hướng biển chúng tôi thường thấy những bầy chim chúi đầu sà xuống mặt nước bắt mồi .Nếu thấy cả bầy chim là nơi vùng biển đó có cả một đàn cá nhỏ bơi gần mặt nước ,thường là những đàn cá cơm .

Chiếc tàu chở phân bị chìm cách bờ cát 200 mét là nơi các loại chim biển thường tụ tập lại phơi nắng .Một lần đi câu cá mú bông với Trung sĩ Huynh,tôi đến gần chiếc tàu đã bị chúng tấn công,bay sà xuống mổ lên đầu tôi giống như những chiếc phản lực chúi xuống ném bom ,may là tôi có đội chiếc mũ đi rừng .Tôi dùng cây gậy đi biển quơ lia lịa trên đầu để đuổi chúng,Trung sĩ Huynh câu gần đó chạy đến vừa la vừa quơ gậy đuổi dùm chúng mới chịu bay đi .

Còn chim yến,chúng làm tổ ở nơi đâu chúng tôi không tìm thấy .Chỉ khi nào ở Hoàng Sa bị gió bão,chúng không bay về kịp tổ nên phải bay đến trú tạm nơi tòa nhà chúng tôi ở,qua cơn gió bão chúng lại bay đi.

Tản mạn về những chuyện vui buồn trên đảo.

Đi câu cá bị cá rỉa “chim”
Ở một nơi thật sự vắng bóng đàn bà nên những ngày đầu tiên trên đảo ,một vài anh em lính thích khỏa thân dạo quanh đảo. Một lần đi câu cá mú bông,lội xuống nước sâu đến ngực,vài người không mặc quần ,mắt đăm đăm nhìn vào miếng mồi đang chờ cá mú trong hang cắn câu không hề để ý đến những gì xảy ra quanh thân mình .Bỗng cảm thấy bị đau nhẹ và và nhột nơi hạ bộ,nhìn xuống thấy hơn mười con cá mó xanh và rô biển xúm nhau bu lại rỉa “chim”. Đưa tay đuổi chúng đi, rút tay lên chúng lại tiếp tục bu rỉa, cuối cùng đành ngưng câu chạy vào nhà lấy quần mặc vào câu tiếp.

Những ngày đầu lội biển,hầu hết chúng tôi đi chân không và mặc mỗi chiếc quần đùi thậm chí có người khỏa thân như Adam ,kết quả chân người nào người nấy bị san hô cắt trầy xước rất nhiều .Đôi lúc bị sụp chân vào rặng san hô phải khó khăn lắm mới rút chân lên được ,sau đó chúng tôi đi câu hoặc đi lội biển bắt ốc đều phải mặc quần dài và mang giày bố .

Câu cá mập bị cá kéo chạy .
Có một đêm,năm người chúng tôi rủ nhau ra bãi cát gần cầu tàu trải pon-cho ngủ và luôn tiện câu cá mập . Sau khi ném mồi ra chỗ nước sâu,chúng tôi nằm nhai ốc gân nướng và kể cho nhau nghe những lần hành quân ở quê nhà và mơ ước viễn vông trên hải đảo .Đã lâu lắm rồi không thấy được bóng dáng đàn bà nên ước gì có một chiếc ghe trôi giạt vào bờ đảo,trên ghe có được vài người đẹp bị bão đánh chìm tàu bám được trên ghe .Nằm nhìn trời biển ,mơ ước rồi cười và tìm quên vào giấc ngủ . Chờ mãi cá chưa ăn mồi,Thanh (tên người lính) lấy dây cước cột chắc vào người và yên chí nằm ngủ nếu cá ăn mồi sẽ biết được .Trời đã về khuya,lúc này thủy triều đang lên và chúng tôi đang ngủ,bỗng nghe tiếng la hét của Thanh,anh ta bị cá mập ăn mồi kéo anh ta đến gần bờ nước .Chúng tôi vùng thức dậy cùng nhau kéo cá,có lúc nới cước ,có lúc kéo mạnh .Con cá đã nuốt miếng mồi vào bụng nên không có cách nào thoát được,và phải mất hơn nửa giờ chúng tôi mới kéo được con cá mập vào bờ cát .

Báo động có ghe lạ vào đảo.
Trời chạng vạng tối .Vài người lính đi dạo quanh đảo,bất chợt phát hiện ra có một chiếc ghe từ ngoài xa mí sóng đang từ từ trôi vào trước bãi Miếu Bà . Lệnh báo động được ban ra, mọi người chúng tôi vội. vàng mang súng đạn cá nhân chạy đến bố trí dọc theo bờ đảo nơi Miếu Bà .Nước biển đang lớn,trong bóng tối lờ mờ chúng tôi nhìn thấy chiếc ghe được sóng đưa đến gần bờ cát đảo .Chúng tôi yên lặng quan sát và chờ đợi .Năm phút trôi qua,tôi kẹp khẩu các-bin đã lên đạn cùng hai người lính nữa tiến lại gần chiếc ghe,thì ra đây là một chiếc ghe đánh cá đã bị bão đánh bung cả gỗ nơi sàn ghe .Trên ghe không có bất cứ một thứ gì ngoại trừ cây chèo lái được cột chắc vào ghe .Chúng tôi cùng nhau kéo chiếc ghe lên bờ cát và thu quân trở vào nhà trong tiếng cười nói huyên thuyên .

Hiện tượng huyền bí ở Miếu Bà.
Có một chuyên xảy ra trên đảo mà cho đến bây giỡ đã bốn mươi sáu năm trôi qua,mỗi lần nhắc lại tôi vẫn không sao hiểu được .Trong một đêm trăng,tôi và sáu người lính rủ nhau ra cầu tàu câu cá .Thủy triều đang lên,những đợt sóng vỗ vào chân cầu tàu tung tóe những bọt sóng lóng lánh dưới ánh trăng .Chúng tôi ngồi tán gẩu những chuyện ở quê nhà bỗng thấy một khối sáng đỏ như quả cầu lửa là đà trên mặt biển từ đảo Cam Tuyền đi đến Miếu Bà rồi tắt lịm .Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo đã được các anh em lính đợt trước dặn dò nên khi thấy hiện tượng đó ,mọi người chúng tôi chỉ nhìn trong yên lặng .
Có lẽ vì đã từng chứng kiến được hiện tượng huyền bí này nên những anh em lính từ các đợt thay quân Hoàng Sa trước đã truyền miệng lại cho nhau mua sắm đầy đủ nhang đèn áo giấy vàng mã mang ra cúng bái Miếu Bà .Riêng bản thân tôi là đảo trưởng nên đã thường xuyên đến Miếu Bà cúng vái trong những ngày rằm và mồng một hàng tháng để cầu xin được bình an sức khỏe cho mọi người trên đảo. Có phải nhờ vậy mà 13 người trong toán chúng tôi từ ngày đặt chân lên đảo Hoàng Sa đến ngày trở về lại đất liền,không có một ai bị bệnh tật thương tích gì cả ?

Tìm thấy hài cốt khi đào tìm trứng vích.
Một buổi sáng ,hai người lính đi xăm tìm trứng vích trên cát gần những bụi cây ráy biển .Khi họ đâm sâu cây thông nòng súng Garant M1 xuống cát đã đụng phải một vật gì cứng,họ moi cát lên thì lộ ra một chiếc đầu lâu trắng hếu .Họ chạy về báo cáo lại sự việc vừa tìm thấy .Tôi ,trung sĩ Huynh cùng mọi người đổ xô chạy ra nơi đó,chúng tôi moi từ từ cát lên và lộ nguyên ra một bộ xương của một người đàn ông, bên cạnh có một đống áo quần đã mục nát .Tôi bảo anh em lính tìm những tấm ván ép củ ghép lại thành một cái hòm nhỏ, nhặt tất cả xương cốt bỏ vào và mang đến an tang lại sau Miếu Bà .Vun một mộ cát, thắp một nén nhang và cắm một tấm bia bằng gỗ đề Vô Danh Mộ tìm được vào tháng tám năm 1967 , chúng tôi hy vọng linh hồn người quá cố mà chúng tôi chưa hề biết đến được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng . Mọi sự việc tôi có báo cáo về Quân Đoàn nhưng không thấy công điện trả lời .

Những ngày biển động .
Bình thường những ngày nắng ráo ,trời yên biển lặng nhìn những bãi nước xung quanh đảo, chúng tôi thấy rõ được nhiều loại cá đủ màu sắc tung tăng bơi lội trên những rặng san hô xen lẫn với đàn cá mó xanh và cá rô biển,nhưng khi biển động hoặc có gió bão thổi về hướng Hoàng Sa,quanh bãi nước đảo không còn nhìn thấy bất cứ một con cá nào kể cả những con cá thòi lòi biển hàng ngày thường trườn mình lên nằm trên mặt đá .Những ngày này đối với chúng tôi thật buồn chán , có đi dạo biển thì cũng chỉ nhìn thấy được những cơn sóng lớn vỗ ầm ầm từ mí sóng nối tiếp vào bờ .

Hầu hết chúng tôi đều ở nhà,vài người đem ốc nhảy ra mài nhẩn,một số giải trí bằng cách chơi bài ăn ốc gân khô .Khốn khổ nhất cho chúng tôi là bị những cơn gió mạnh thổi mưa vào nhà,chúng tôi phải xử dụng pon-cho để che chắn cho khỏi ướt vì căn nhà hoàn toàn trống trải không còn một cánh cửa nào .Thức ăn của chúng tôi trong những ngày mưa bão hoặc biển động là cá khô câu được hay thịnh soạn hơn là những lon thịt hộp mang ra từ đất liền .

Riêng tại đảo Drummond,căn nhà tôn xây dựng trên đảo để cho anh em trú ngụ cũng bị bão đánh trốc cả mái , những tấm tôn lợp bay tứ tung ra rừng cây ráy biển .Mọi người trên đảo phải phủ pon-cho ẩn nấp trong những hốc đá chờ bão tan họ mới cùng nhau đi tìm nhặt những tấm tôn mang về tu sửa lại nhà .Cho nên đối với những người lính giữ đảo như chúng tôi,những ngày trời yên biển lặng nắng ráo là những ngày viên mãn nhất .

Kêu cứu từ đảo Duncan.
Sống ở đất liền, cho dù ngày đêm đối diện với súng đạn chiến tranh, chạm trán với quân thù, chúng tôi không hề nao núng lo sợ. Ngược lại làm một người lính giữ đảo Hoàng Sa, một nơi cách Đà Nẵng 300 km, phương tiện di chuyển khó khăn, thuốc men thực phẩm thiếu thốn, dù là một nơi bình yên sống an nhàn tự tại với trời nước bao la, chúng tôi vẫn nơm nớp lo âu cho bản thân mình nếu chẳng may gặp phải bệnh hoạn hay thương tật.

Mang chung một trách nhiệm giữ đảo, tôi vẫn thường hẹn giờ mở máy liên lạc với hai đảo Drummond và Duncan. Phương tiện liên lạc của chúng tôi lúc bấy giờ là máy PRC-10 của đơn vị tác chiến, nhờ sống ở biển không bị một chướng ngại gì cản trở nên chúng tôi liên lạc nhau rất rỏ. Một người lính trên đảo Duncan lội biển đã bị con đẽn biển cắn vào chân (đẽn biển là một loại giống như con rắn ở đất liền, có nọc cực độc, trên mình có nhiều khoan màu đen , vàng bơi lặn dưới nước và sống trong những hang bông đá.) Anh ta bị phù chân và lên cơn sốt cao độ vì nọc độc chạy lan cả toàn thân. Mặc dù mỗi đảo đều có y tá, nhưng với số thuốc men nghèo nàn mang theo chỉ có vài thứ trị cảm cúm, sát trùng, bông băng, thử hỏi làm sao cứu được một sinh mạng đang trong cơn nguy kịch.

Tôi đã điện liên tiếp hai công điện về Tiểu Khu qua phương tiện truyền tin Quân Đoàn I xin tàu để chở bệnh binh về đất liền cấp cứu. Đến công điện khẩn cấp thứ ba thì được Tiểu khu trả lời không có phương tiện ra đảo Hoàng Sa, nếu đương sự chẳng may bị chết, an táng đương sự ngay trên đảo. Đọc nội dung công điện trả lời tôi cảm thấy bàng hoàng cả người và nghĩ đến thân phận những người lính giữ đảo như chúng tôi chẳng khác gì bị đem con bỏ chợ.

Tôi gọi máy báo với Trung sĩ Khuyến – tên người đảo trưởng Duncan – khuyên anh em cầu nguyện Ơn Trên phù hộ giùm cho người lính bị đẽn biển cắn sớm tai qua nạn khỏi. Và ihật ngạc nhiên sau hơn mười ngày bị sốt cao độ và sưng phù toàn thân anh ta đã dần dần hồi phục nhưng không đi được. Sau hơn ba tháng ở đảo, ngày thay quân anh em lính phải khiên anh ta lên tàu về lại đất liền.

Chuyện kể từ bác Phong.
Trong một lần sang đài khí tượng ngồi chơi, tôi đã được bác Phong kể cho nghe câu chuyện về một người khách lạ không mời mà đến với đảo Hoàng Sa. Bác kể, có một chiếc tàu lớn thả neo ngoài mí sóng đối diện với cầu tàu, những người trên tàu hạ xuống một chiếc ghe máy nhỏ và chạy vào đảo. Trên ghe có ba người, chở theo nhiều bánh kẹo, thuốc lá và những thùng nhựa để xin nước ngọt. Họ là những người Tàu, có một người biết nói tiếng Việt, họ cho biết tàu của họ khởi hành từ Đài Loan đi đến Mã Lai, đi được nửa đường có một ngừơi bị bệnh không thể đi tiếp được và trên tàu đã hết nước ngọt. Họ biếu cho đảo trưởng và anh em lính trên đảo kẹo bánh và thuốc lá, xin vài thùng nước ngọt và gửi lại trên đảo người bị bệnh. Họ nói sau một tuần họ sẽ quay trở lại để đón người bị bệnh về Đài Loan. Người bị bệnh không biết tiếng Việt trùm khăn quanh đầu và mặt nhìn vóc dáng có vẻ đau yếu rũ rượi. Sau khi được đảo trưởng đồng ý, họ xin mấy thùng nước ngọt bên hầm nhà khí tượng và nhổ neo tiếp tục ra khơi. Người Tàu bị bệnh mang nhiều lương khô và sống chung nhà với anh em lính Sau ba ngày, hắn ta bình phục và lân la cùng với anh em lính đi lòng vòng quanh đảo, hắn quan sát mọi thứ kể cả những sinh hoạt hàng ngày trên đảo như một tên đi dò thám.

Đúng hẹn, sau một tuần chiếc tàu đó đã trở lại thả neo và vào đảo để chở người Tàu bị bệnh, cũng không quên cám ơn và biếu cho anh em lính trên đảo thuốc lá cùng bánh kẹo.

Ở ngoài khơi đảo Hoàng Sa, chúng tôi nhìn thấy được nhiều tàu ngoại quốc qua lại nhưng không thể biết được tàu của nước nào vì đó là hải phận quốc tế. Chiếc tàu vào đảo gửi người bị bệnh nói là đi từ Đài Loan nhưng làm sao để biết được là tàu của Đài Loan hay của Trung cộng.

Qua câu chuyện bác Phong kể, bây giờ Hoàng Sa đã mất vào tay Trung cộng, tôi mới nghiệm ra rằng: chiêu thức gửi người lên đảo chỉ là giả vờ để do thám tình hình bố trí phòng thủ trên đảo . Một con tàu lớn như vậy không thể nào thiếu nước ngọt và dù có người bị bệnh thì vẫn có thể nằm điều trị trên tàu .Tựu trung lại đã là Tàu thì dù là Tàu Đài Loan hay Tàu Trung cộng thì vẫn là Tàu với bản chất bành trướng xâm lược đã có sẵn trong máu của chúng. Kể từ khi người Tàu bị bệnh được gửi lên trên đảo Hoàng Sa đến bảy năm sau vào ngày 20 tháng một năm 1974 thì Trung cộng xua tàu đổ bộ cướp đảo Hoàng Sa, biết đâu đó là âm mưu cướp đảo của bọn chúng đã vạch ra từ bảy năm trước.

Ngày lại ngày. Sáng thức dậy chạy quanh đảo, trưa chiều đi câu cá bắt ốc, dạo biển. Có gặp nhau chăng cũng chỉ là mười tám khuôn mặt quen thuộc trên đảo. Cuộc sống của chúng tôi cứ lặp lại như một điệp khúc buồn chán. Vì thế nên vào những ngày cuối gần đến đợt thay quân, mọi người chúng tôi nôn nao mong đợi sớm trở lại đất liền. Nhận được công điện của Tiểu Khu Quảng Nam báo biển bị động, sóng to gió lớn tàu của hải quân sẽ không ra đúng ngày và có thể bị trể. Gạo đã gần cạn, thức ăn cũng đã hết, chỉ còn lại hai con vịt và năm lon nếp để trước khi về lại đất liền nấu xôi cúng ở Miếu Bà và mang theo lên tàu ăn. Hành trang cũng được gói ghém gọn gàng, ngoài chiếc ba lô và súng đạn cá nhân, ngày trở về đất liền của chúng tôi có thêm được những bao cát cá khô, ốc khô lỉnh kỉnh. Lo ngại tàu của hải quân sẽ trễ dài ngày nên tôi đã bắt mọi người phải ăn cháo để tiết kiệm gạo vì gạo dự trử trên đảo đã bị mục nát không thể ăn được. Tâm trạng của những người bên đài khí tượng cũng nôn nóng giống như chúng tôi.

Cho đến một ngày,nhận được công điện của Tiểu Khu báo tàu của hải quân đã rời cảng Tiên Sa và đang trên đường hướng ra hải đảo. Chúng tôi la lớn reo mừng. Khoảng mười giờ sáng chúng tôi leo lên tầng thượng nhìn về hướng đất liền để tìm bóng dáng của con tàu ra đảo.


Và cuối cùng con tàu đã đến, vẫn là chiếc Hộ tống hạm Đống Đa đã chở chúng tôi từ hơn ba tháng trước. Điệp khúc ngày nào nay được lặp lại. Những người lính vội vã chuyển hành lý ra cầu tàu để chuẩn bị lên tàu lớn. Tôi ký biên bản bàn giao với người đảo trưởng mới đến, chỉ cho anh ta vài kinh nghiệm có được và vài vị trí của bãi đảo rồi ra đi chuyến cuối cùng với hai người bên đài khí tượng ra tàu lớn.

Vẫn những cái vẫy tay,vẫn là hồi còi tàu kéo dài vang động cả một vùng biển đảo để chào từ giã những người lính đến thay thế cho chúng tôi giữ đảo . Tôi đâu có ngờ đối với tôi là lần vẫy tay cuối cùng để vĩnh biệt Hoàng Sa !

Con tàu tiếp tục chạy đến thay quân cho hai đảo Drummond và Duncan. Những người lính ngày nào của trung đội Hoàng Sa do tôi qui tụ hôm nay mới gặp lại. Vui mừng khôn tả. Người lính bị đẽn biển cắn ngày nào được anh em khiêng hộ lên tàu và thêm hai người nữa phải dìu đi vì bị phù thủng. Như vậy là sau hơn ba tháng, đúng 100 ngày, anh em lính chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trấn giữ Hòang Sa và bây giờ đang trở lại đất liền. Con tàu rời đảo cuối cùng ở Hoàng Sa khoảng 3 giờ chiều và dự trù sẽ đến cảng Tiên Sa vào 11 giờ sáng hôm sau.

Khác với ngày đi, ngày trở về đất liền ngồi trên boong tàu chúng tôi cười nói xôn xao, kể lại cho nhau nghe những ngày ở đảo. Tâm trạng nôn nóng mong sớm gặp lại người yêu, gặp lại vợ con bạn bè hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người. Và đúng như dự tính, 11 giờ sáng tàu đã đến cảng Tiên Sa sau một đêm dài lênh đênh cùng sóng nước. Hai chiếc xe GMC của Tiểu Khu Quảng Nam đã ra chờ sẵn chở chúng tôi về Hội An.

Ở đảo hơn ba tháng không hớt tóc nên người nào người nấy tóc dài đến tận vai, đen đúa giống như người ở rừng lâu năm xuống phố. Chúng tôi được nhận những tháng lương chưa lảnh khi ở Hoàng Sa và mỗi người được cấp năm ngày phép về thăm gia đình trước khi nhận sứ vụ lệnh ra đơn vị. Điều kiện trước khi nhận giấy phép, đầu tóc phải gọn gàng sạch sẽ vì vậy nên những tiệm hớt tóc cạnh Tiểu Khu đầy những người lính từ Hoàng Sa về ngồi đợi đến phiên mình hớt tóc.
Tôi chào từ giã anh em và hẹn sẽ có dịp gặp lại nhau trong những lần hành quân lùng địch ở quê nhà.

Hồi tưởng lại những tháng ngày sống trên đảo Hoàng Sa – đối với tôi đến nay đã 46 năm trôi qua, 46 năm gần nửa đời người, 46 năm trãi qua với bao thăng trầm vinh nhục, 46 năm là một chuỗi thời gian dài để quên, nhưng làm sao quên được khi thời buổi hiện tại trước âm mưu bành trướng xâm lược quê hương, biển đảo của Trung cộng, biết bao nhiêu người Việt Nam yêu nước tay trong tay hô vang hai tiếng Hoàng Sa – Việt Nam.

Hoàng Sa – phần đất quê hương lâu đời của Ông cha ta để lại, vùng biển đảo yêu dấu của ngư dân Quảng Nam – Đà Nẵng và của ngư dân các tỉnh lân cận không thể mãi mãi thuộc về quân cướp đảo Trung cộng . Với tinh thần bất khuất, khí phách hiên ngang hào hùng đã từng đánh bại quân ngoại xâm phương bắc, mỗi người Việt Nam chúng ta hãy nguyện làm con sóng nhỏ âm ĩ quanh đảo Hoàng Sa – triệu triệu con sóng nhỏ kết hợp nhau lại sẽ tạo thành một trận sóng thần trổi dậy quét sạch và chôn vùi quân cướp đảo Trung cộng xuống tận đáy biển đông để Hoàng Sa trở về lại với phần đất quê hương.

Và để kết thúc những trang hồi ký viết về những ngày sống trên đảo Hoàng Sa, tôi xin kính cẩn nghiêng mình mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn Du và xin được phép đổi lại hai chữ “tình quê” bằng hai chữ Hoàng Sa.

Hoàng Sa góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh. 

Dư Mỹ


HQVN Facebook

No comments:

Bạn Đường- Nguyên Giao

  Trong một quán cà phê ở ‘ Thủ Đô Người Việt Hải Ngoại’ một ngày cuối tháng tư năm 1999, Hùng hỏi Giao: - Bạn đến Mỹ năm nào? - Năm 1975,...