Tuesday, July 30, 2019

Tiểu Đĩnh – DẤU ẤN CỦA CAIN

HoangsaParacels: Ly kỳ hơn Sherlock Holmes; gay cấn hơn Alfred Hichcock, kèm triết lý nhân bản của đời người, không quên thêm thắt nét sống thơ mộng của người thủy thủ. Câu chuyện trinh thám ly kỳ triết lý của một hạm trưởng Hải Quân Việt Nam; rất đáng đọc.

Tiểu Đĩnh

Từ nay tôi sống như đã chết, không
còn dám nhìn Ngài, và tôi trở thành
một kẻ lang thang tìm nơi trốn tránh
cho đến khi có ai đó giết tôi —Cain
Sáng thế ký 4:14-16

Tôi đáo nhiệm Hải khu Đà Nẵng tháng 4 năm 1958. Đơn vị đóng trên một đảo nhỏ cạnh bán đảo Sơn Chà [1]. Đảo này nối vào đất liền bằng một độc đạo dài khoảng 100 thước. Tiếng là Hải Khu nhưng thời đó đơn vị này chỉ là hộp thư giữa BTL/V1CT tại Đà Nẵng và HQVN/CH ở Sài Gòn. Ngoài ra, đó cũng còn là trạm chuyển tiếp quân bưu, lo việc tiếp nước ngọt, nhiên liệu, đạn dược, cho các chiến hạm từ Sài Gòn phái đi công tác tuần tra mặt biển vùng cực Bắc của miền Trung.
Trưởng ban Võ khí Đạn dược là Thượng sĩ Trọng pháo Nguyễn Phùng. Anh là người miền Trung, ngụ tại làng Nam Ổ, cách thị xã Đà Nẵng gần 12 cây số trên quốc lộ 1 đi Huế. Ở địa phương đó thời bấy giờ thì 12 cây số là khoảng cách khá xa, dù cho đi bằng xe đạp.

Một hôm biết anh Phùng không có phiên trực ngày hôm sau, tôi nói với anh:
“ Ngày mai Chủ nhật tôi có việc đi Huế buổi sáng. Trên đường về ngang Nam Ổ khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, tôi xin được ghé thăm gia đình anh, có tiện không?”
Anh nói::
“ Thưa như vậy sẽ hân hạnh cho em quá.”
Tôi căn dặn:
“ Chỉ ghé qua trong 20 phút tối đa. Anh đừng lo bánh nước ăn uống gì hết.” Rồi nhắc thêm:
“ Anh chỉ đường vào nhà anh cho tài xế Diệu của tôi biết.”

Hôm sau từ Huế về, xuống hết đèo Hải Vân, rẻ vào hương lộ bên mặt, chạy thêm khoảng hai ngàn thước, qua một cầu đúc nhỏ là đến làng Nam Ổ, nơi có một giáo đường Công giáo và chừng vài trăm nóc gia. Vào nhà thì gặp vị linh mục cai quản họ đạo và anh Phùng đang ngồi chờ. Gia đình anh đi đạo Công giáo; gian nhà giữa có bàn thờ Chúa cùng ảnh Thánh Thất, trên vách hai gian bên cạnh cũng có nhiều ảnh các Thánh khác [2].

Thời này, mỗi ngày Hải Khu có bốn chuyến tàu liên lạc đường sông với thị xã Đà Nẵng vào giờ 7, 9 buổi sáng, 17, 24 buổi chiều và khuya. Xe đò Đà Nẵng-Nam Ổ ngày có hai chuyến: Một lúc hừng sáng từ thị xã đi Nam Ổ đón khách đi chợ Đà Nẵng. Chuyến về từ Đà Nẵng đưa hành khách về lại Nam Ổ lúc 1 giờ chiều. Giờ giấc này không tiện cho anh Phùng đi làm bằng xe đò, vì anh chỉ có mặt tại Đà Nẵng sau 5 giờ 30 phút chiều mỗi ngày làm việc.

Trước khi ra về, tôi gợi ý anh Phùng nên dọn nhà gần thị xã Đà Nẵng; tránh cho anh mỗi sáng đi làm từ khuya, buổi chiều về nhà lúc tối mịt, đường không đèn; khí núi từ dãy Hoành Sơn sát bên tỏa ra khá độc hại cho sức khỏe; chưa kể nhiều lúc mưa dầm có khi kéo dài cả tuần lễ hay hơn. Linh mục cai quản nhà Thờ cũng cho việc anh Phùng dọn đến ở thị xã Đà Nẵng là tốt. Câu chuyện đến đó thì tôi ra về.

Đúng một tuần lễ sau, anh Phùng gặp tôi, hỏi mượn số bạc mười ngàn trong vòng bốn tháng. Anh nói anh cần tiền để sang lại một căn phố bên chợ Đà Nẵng cho các con anh ở đi học trường Bà Sơ phía sau nhà thờ chính tòa nằm ngay trên đường Độc Lập. Còn anh thì ở đó đi làm việc hàng ngày.

Tôi không tiền cho anh vay. Nhờ có quen linh mục chánh sở nhà thờ Đà Nẵng thời bấy giờ, tôi móc điện thoại gọi ông, trình bày hoàn cảnh và nhu cầu của anh Phùng. Ông nói:
“Anh Phùng là giáo dân của chúng tôi ở Nam Ổ. Xin ông vui lòng nói anh ấy gặp chúng tôi thì tiện.”

Có xe sấp liên lạc Quân vụ Thị Trấn Đà Nẵng. Tôi viết vài chữ giới thiệu anh Phùng với linh mục chánh xứ xong cho gọi anh Phùng vào văn phòng gặp tôi để đưa cho anh bức thư đã nằm trong phong bì, và nói:
“ Anh quá giang xe của căn cứ sang phố, đến Nhà Thờ đưa thư tay này cho linh mục chánh xứ rồi chờ xem ông giúp anh giải quyết việc của anh ra sao. Khi xong việc, nếu trễ giờ thì anh về luôn nhà. Hôm sau vào trại cũng được.”

Anh Phùng mang lá thư của tôi ra đi. Hôm sau anh về báo:
“Nhà Thờ cho em vay số bạc để sang căn phố. Em xin bốn ngày phép để dọn đến ở. “
Tôi thuận rồi kêu văn phòng làm giấy phép cho anh; lòng thấy vui vì không ngờ ý của tôi viên thành nhanh như vậy.

Hai hôm sau thì anh Phùng về trả phép. Tôi hỏi:
“ Xong mọi việc rồi, phải không? “
Anh nói:
“ Thưa vì vợ em đổi ý nên không dọn nhà,. Em cũng đã hoàn tiền cho nhà Thờ rồi.”
Tôi muốn hỏi lý do đổi ý, nhưng thấy nên chờ dịp khác.

Gần hai tháng sau, một hôm vào lúc 6 giờ sáng, sĩ quan trực Hải Khu báo tôi hay Bệnh viện Duy Tân bên Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận một lính Hải Quân bị thương tích trầm trọng, trong người có một khẩu súng colt.12. Khi được đưa đến bệnh viện, nạn nhân chỉ nói được một câu “ Tai nạn do lỗi tôi. Không ai khác trách nhiệm,” rồi ngất luôn.

Tôi hỏi sĩ quan trực
“Sao biết nạn nhân là lính Hải Quân?”
“ Thưa bên đó nói người bị nạn mặc quân phục Hải Quân có cấp hiệu gì gì đầy máu me, trong người không mang giấy tờ.”
“Ai đưa nạn nhân nhập viện?”
“Họ nói tài xế xe đò trên đường đi đón khách, thình lình thấy một người nằm giữa cầu. Ông ta ngừng xe, nhảy xuống, thấy người đó còn sống bèn mang đó lên xe mình rồi chạy về giao cho bệnh viện.”
“ Người tài xế có tiết lộ gì thêm?” tôi tiếp hỏi.
“Ông ta nói ‘ Chỉ nghe nạn nhân thều thào cho biết mình đạp xe trong đêm, khi sấp qua cầu thì vô ý bị ngã xuống suối, tỉnh dậy bò lên cầu. Không ai trách nhiệm. Đừng bắt ai mà oan cho họ.’ “
“Cầu tên gì?”
“Thưa không nghe nói.”

Tôi nói hai tiếng cám ơn rồi kêu ông ta lái xe đi nhận diện nạn nhân. Nếu đó đúng là nhân viên Hải Quân thì xin lại khẩu súng. Nói nhận diện vì đơn vị tôi không cấp phép mang súng cho ai cả. Riêng cây súng lục thì phải chờ sáng kêu trưởng kho vũ khí là Thượng sĩ Phùng tra sổ thì biết đó là súng của đơn vị nào. Lúc đó tôi nghĩ nếu có cảnh sát tại bệnh viện vào giờ nói trên thì họ phải theo dõi người tài xế vì biết đâu ông chính là người gây ra tai nạn. Nhưng đó là việc của cảnh sát.

Gần hai giờ sau, sĩ quan trực đơn vị về lại trại, báo cáo:
“ Nạn nhân là Thượng sĩ Phùng. Bác sĩ xác nhận anh ấy đã chết vì thương tích quá nặng.“
“Còn súng?” tôi hỏi tiếp.

“Thưa tôi mang về đây rồi. Một colt.12 với hai gấp đạn. Hạ sĩ phụ tá kho vũ khi nói súng thuộc đơn vị mình.”

Như thế thì tai nạn có phần chắc là xảy ra tại chiếc cầu gần nhà Thờ Nam Ổ, chiếc cầu đúc dài khoảng 30 thước, bắt ngang một con suối cạn, bên dưới mọc đầy cây con và cỏ dại. Còn chiếc xe chở nạn nhân về bệnh viện phải là xe hành khách từ Đà Nẵng đi Nam Ổ. Việc tìm tài xế, nhân chứng duy nhất đồng thời có thể là nghi can trong tai nạn, hi vọng không mấy khó. Tôi cho báo cáo vụ án mạng về hai nơi là BTL/Hải Quân ở Sài Gòn và Trung đội Hiến Binh tại Đà Nẵng để thụ lý [3]. Sau đó thì lệnh Thượng sĩ an ninh dùng xe đơn vị đến nhà Thượng sĩ Phùng báo hung tin, xem gia đình cần gì thì giúp.

Khoảng hơn 10 giờ sáng thì Thượng sĩ an ninh trở về trại báo gia đình nạn nhân đang ở bệnh viện Duy Tân, làm thủ tục lãnh xác người thân về an táng. Tang lễ do nhà Thờ Công giáo đứng ra lo. Tôi cho đơn vị xuất tiền ma chay theo như ấn định, và lập thủ tục cấp 12 tháng lương tử tuất cho gia đình nạn nhân, coi như anh Phùng đi công tác cho đơn vị.
Tôi hỏi viên Thượng sĩ:
“ Khi ngang cầu vào làng anh có thấy chi lạ không?”
“Vì gấp quá, em không quan sát kỹ.”
“Anh chuẩn bị đi với tôi lên đó. Khởi hành sau cơm trưa. Mang theo hai hộ tống,” tôi nói.

Lúc 2:30 giờ trưa cùng ngày, khi sấp qua chiếc cầu nói trên, tôi ngừng xe, xuống đi bộ, sang đến đầu cầu bên kia bờ suối, thấy cạnh lề đường bên trái có nhiều dấu máu đen như hắc ín. Đó có thể là nơi nạn nhân nằm trước khi được mang về bệnh viện. Theo dấu, chúng tôi từ đó rẽ sang trái, bước xuống một vùng cỏ lau sậy mọc khỏi đầu người. Đi thêm chừng 10 thước thì thấy nhiều cây sậy bị ngã rạp xuống, có thêm nhiều vết máu. Đó chứng tỏ lời anh Phùng nói anh vô ý bị rơi xuống lòng suối là không thật. Chúng tôi trở ra, lên xe chạy vào làng rồi dừng trước nhà Thờ.

Gặp linh mục tại nhà riêng của ông thì nghe ông nói anh Phùng đi tu làm linh mục từ nhỏ nhưng anh bỏ tu về nhà. Năm 1951, anh làm thông ngôn cho lính Pháp ở Đà Nẵng . Một hôm lính Pháp về Nam Ổ, ruồng bố, bắt hàng trăm người lớn bé trẻ già về giữ lại để lấy lời khai từng người. Đến lượt một đàn ông khoảng 40 tuổi phải khai thì một lính Pháp chẳng hiểu nghe anh Phùng thông dịch thế nào mà lôi người đó ra bắn chết trước mắt vợ và 2 con trai của ông ta lúc đó đang ở tuổi 12 hay 13. Sang 1952 thì anh Phùng bỏ làng xin làm thủy thủ trên tàu Pháp. Đến 1954 thấy anh về lại Nam Ồ, quân phục Hải Quân Việt Nam.

Nghe đến đó, tôi hỏi:
“ Thưa linh mục, hiện nay bà vợ của nạn nhân và hai con còn ở đây không?”
“Hãy còn. Hai con bà nay đã lớn, đi lính Không Quân, hiện đóng tại Đà Nẵng.”
“Hai người đó tên là gì, linh mục có biết không?”
“Thằng lớn tên Nam, thằng em tên Việt. Cả hai là con chiên của tôi. Chúng ngoan đạo lắm.”

Tôi suy nghĩ một vài giây rồi hỏi:
“ Thưa linh mục, gần đây anh Phùng có thổ lộ với linh mục điều gì đặc biệt về đời sống của anh ấy hay không?”
“Anh ấy có nói sẽ thuê phố dưới Đà Nẵng để ở với các con. “
“Việc anh Phùng muốn dọn nhà về Đà Nẵng thì tôi có biết. Nhưng vì sao anh ấy bỏ ý định đó, thưa linh mục.”
Ông chỉ lắc lắc đầu mà không nói tiếng nào. Cái lắc đầu của một tu sĩ Công giáo thường là không dễ hiểu.



Lúc về đến thị xã Đà Nẵng tôi ghé văn phòng Hiến Binh, cho biết những chi tiết về nạn nhân. Nghĩ trong bụng đó không phải là tai nạn thông thường, nhưng tôi không nói ra. Bỗng Thượng sĩ Sanh, chủ sở Hiến Binh Đà Nẵng nhìn tôi, hỏi:
“Nạn nhân nói đến hai lần tại hai nơi rằng ‘ mình tự gây tai nạn, và xin đừng bắt oan ai khác.’ Ông nghĩ gì về lời nói đó?”
“Đó cũng là một điểm quan trọng,” tôi trả lời, lạc quan vì thấy ông ta có ý nghĩ gần giống như của tôi.
“Hai anh lính thuộc căn cứ Không Quân Đà Nẵng của Thiếu tá Võ D., người tôi quen. Tôi sẽ hỏi ông ấy về hai người lính đó.”

Muốn dõi sát cuộc điều tra, tôi chỉ Thượng sĩ an ninh đơn vị tôi với gợi ý:
“Kể từ ngày mai, tôi có thể tạm biệt phái Thượng sĩ an ninh của tôi đến hợp tác với bên này trong cuộc điều tra. Thượng sĩ của tôi có thể cung cấp thêm chi tiết về nhân viên đơn vị tôi nếu cần.”
“ Được vậy thì quá tốt,” ông Sanh nói.
Thế xong, hai tôi ra xe về. Lên xe, tôi dặn Thượng sĩ an ninh:
“ Anh lập một hồ sơ cho vụ tai nạn chết người này rồi ngày mai anh sang Đà Nẵng giúp Hiến Binh tiến hành điều tra. Nói văn phòng cấp lệnh công tác, có tiền vãng phản tối đa là mười ngày.”

Trưa hôm sau, bên Hiến Binh gọi văn phòng tôi. Nghe tiếng ông Thượng sĩ Sanh trong máy:
“ Tôi liên lạc với Thiếu tá Võ D. thì được biết hai Hạ sĩ Nam và Việt thuộc Phi đoàn 1 quan sát của Đại úy Trần Ph. Ông này nói cả hai đang nghỉ phép Nha Trang.”
Chưa kịp nói gì thì nghe ông Sanh tiếp:
“ Chúng tôi nối kết những dữ kiện với nhau thấy hiện ra một kịch bản gần đúng với thực tế. Việc vắng mặt của hai người này về lý thì đúng, nhưng về tình thì còn phải xem lại. Tụi tôi trong nghề nên biết việc tạo ra một chứng cứ không có mặt tại hiện trường, một alibi để tránh bị nghi về một điều gì đó, là không mấy khó. “
“Kịch bản gì?” tôi hỏi.
“Kịch bản tiếp theo chuyện hai anh lính Không Quân có bố bị lính Tây bắn anh kể tôi nghe đó.”
“Tôi chỉ nghe ông linh mục nhà Thờ tại Nam Ổ nói thế thôi. Tôi chưa phối kiểm tin đó.”
Rồi tiếp hỏi:
“Bây giờ thì anh Sanh định sao?”
“Chúng tôi tìm cách gặp hai Hạ sĩ đó để….. biết mặt mà thôi, không có khẩu cung gì hết. Có ai tố họ về việc phạm pháp chi đâu.”
“ Như vậy thì tùy bên đó,” tôi nói cho xuôi rồi buông máy xuống, tự hỏi mình nếu tôi không kể lại việc lính Pháp bắn người bừa bãi thì nội vụ sẽ ra thế nào?

Một hiền triết Hy Lạp được trích dẫn có dạy rằng, “Trước khi nói việc gì thì phải xét việc đó có thật hay không, có lợi cho người nghe hay không.” Khi nghe ông linh mục kể lại chuyện đó, tôi tin ông nói thật vì luật đạo của ông dạy nói dối là ngang tội giết người. Còn có lợi hay không thì tôi nghĩ là tin đó có lợi cho công cuộc điều tra. Nhưng dù sao thì đó cũng đúng là khẩu nghiệp, nhưng ở vào hoàn cảnh của tôi thì ai có thể chối từ!

Vài hôm sau, tôi đi Nam Ổ dự đám tang anh Phùng. Có gần trăm người trong làng đưa người quá cố ra nghĩa địa của nhà Thờ, trong số này có hai anh lính Không Quân, mang kính đen khá đậm. Kinh cầu hồn Requiem [4] được xướng lên nghe buồn não ruột; hai anh lính đó cũng hát theo.

Đạo Công Giáo, thời đó cũng như bây giờ, có nhiều bài hát, vui có mà buồn cũng có. Bài vui thì nghe rất vui như bài Magnificat [5] , bài Gloria in excelcis Deo [6], bài Ave Maria [7]bài Veni te [8]. Bài buồn thì nghe rất buồn. Kinh Requiem thuộc loại bài hát buồn, buồn hơn kinh Địa tạng bên nhà Phật, buồn như bị rơi xuống biển mà chung quanh có nhiều cá mập đói đang chờ!

Khi bài hát đó vang lên trước giờ hạ huyệt với giọng trầm trầm, than van, nan nỉ, mọi người chung quanh ai cũng cúi đầu, tay quẹt nước mắt. Sau tang lễ, linh mục cai quản họ đạo Nam Ổ giới thiệu hai anh em Nam và Việt với tôi. Hỏi thêm mới biết họ là nhân viên bảo trì phi cơ quan sát loại L-19 [9]. Nán lại vài phút thì tôi ra về.

Hai tuần lễ sau, Thượng sĩ an ninh tôi về báo Hiến Binh Đà Nẵng đang lập thủ tục truy tố hai anh em Nam và Việt ra tòa đại hình về tội giết người có dự mưu.
Tôi bất nhẫn, hỏi:
“Liệu có truy tố oan người ta hay không vậy?”
Anh trả lời:
“ Em nghĩ là không oan. Bên Hiến Binh kín đáo theo dõi nghi can cho đến khi có thêm chứng cớ hiển nhiên để bắt giữ.”
“Anh viết cho tôi một phiếu trình liên quan vụ này để báo cáo về Sài Gòn. Bây giờ anh tóm gọn những điểm chính từ khi bắt đầu.”

Anh Thượng sĩ im lặng trong gần mươi giây đồng hồ như để cố nhớ lại mọi việc rồi nói:
“ Thưa, đầu tiên là kiểm tra với Quân Trấn Nha Trang về việc đến và đi của hai anh em lính Không Quân. Nha Trang cho biết có đóng dấu trên giấy nghỉ phép của cả hai; ngày đến cùng ngày đi khớp với số ngày phép. Kế đó là cho người dò biết hai anh em có người Dì ruột ở Phan Thiết.”
“Chi vậy?” tôi hỏi.
“Thưa từ cái gạch nối là bà Dì này mà Hiến Binh cho người đi Phan Thiết, giả là bạn của hai anh Nam và Việt từ Đà Nẵng đi công tác ngang qua ghé thăm bà với mươi gói kẹo mè-xửng làm quà, rồi mang quà của bà Dì từ Phan Thiết ra cho hai cháu. Nhưng khi người này đến căn cứ Không Quân Đà Nẵng xin gặp hai anh em Nam và Việt thì cả hai nói không có bà Dì nào ở Phan Thiết. Với nghi vấn này, Hiến Binh cho người kín đáo theo dõi hai anh em thì có thêm một điểm khả nghi nữa là họ ít khi ra phố. Rồi một sáng Chủ nhật, cả hai bỗng xuất trại, đến quán Hiếu ở gần Tòa thị sảnh Đà Nẵng ngồi uống cà phê, nghe nhạc. Được tin báo, Hiến Binh cho hai nhân viên của mình mặc thường phục vào quán đó. Kịch tính bắt đầu khi một trong hai người này đến vỗ vai cả hai anh em, nói lớn:” Thượng sĩ Phùng Hải Quân có lời hỏi thăm hai anh.” Nghe tên Phùng, cả hai liền giựt bắn người, nhìn nhau, lập tức đứng lên, rồi đi nhanh ra ngoài. Thế là đủ. Hiến Binh bên ngoài ập đến mời anh em lên xe chở về căn cứ Không Quân, chính thức trình giấy xin tạm giữ cả hai để lấy khấu cung [10]. Sau đó họ nhận tội.”
“Họ có bị tra khảo gì không?” tôi thắc mắc.
“Tuyệt nhiên không.”
“Sao họ có thể giết người ở Nam Ổ thuộc Đà Nẵng trong khi đang đi phép ở Nha Trang?”
“Thưa họ tính kỹ lắm. Ngày đầu đi phép thì cả hai vào Nha Trang, đến Quân Trấn trình giấy phép xin đóng dấu chứng nhận “Đến.” Hôm sau họ về lại Đà Nẵng thực hiện án mạng. Xong thì trở đi Nha Trang, chờ ngày mãn phép thì xin Quân Trấn đóng dấu chứng nhận “Đi,” rồi về lại Đà Nẵng trả giấy phép.”

Nghe như truyện phim loại “rởn tóc gáy” của đạo diễn Afred Hitchcock khoảng thập niên 50, tôi hỏi tiếp:
“ Họ thực hiện án mạng ra sao, có khai rõ không?”
“Hiến Binh đưa họ đến hiện trường để diễn lại án mạng. Họ mai phục ở đầu cầu từ đêm trước. Hừng sáng hôm sau, anh Phùng đạp xe đi làm như thường lệ. Chờ khi anh Phùng đến đầu cầu thì trong lúc tranh tối tranh sáng, cả hai anh em Nam và Việt từ bụi rậm nhảy ra, xô anh Phùng té xuống đường rồi lôi anh vào lùm lau sậy. Ở đây họ dùng gậy đánh túi bụi vào mình, vào đầu vào mặt nạn nhân đến kể như đã chết. Hai hung thủ nhanh chóng thay quần áo, dùng dao bấm rạch nát bộ đồ cũ, vứt xuống khe suối cùng với hai cây gậy và cả chiếc xe đạp của nạn nhân rồi thay đồ mới, tìm đường đi Nha Trang chờ ngày trở lại Đà Nẵng. Giả thiết là sau khi hai hung thủ bỏ đi, anh Phùng tỉnh lại, lết đến đầu cầu rồi kiệt sức nằm đó cho đến khi tài xế xe đò Đà Nẵng-Nam Ổ đến nơi, thấy anh bèn đưa anh về Quân Y viện Duy Tân.”
Giả thiết này là chìa khóa để mở màn bí mật của án mạng.

Ngày đến phiên xử, tôi được mời đến đến tòa án gia nhập bồi thẩm đoàn. Trên chiếc băng nhân chứng, chị Phùng với bà mẹ hai anh Nam và Việt ngồi sát nhau, thân thiện như hai người cùng làng, cùng đạo. Sau khi nghe công tố viên trình bày tội trạng với đầy đủ bằng chứng, trạng sư bảo vệ hai can phạm chỉ xin tòa khoang hồng. Bồi thẩm đoàn cũng đồng ý với đa số phiếu. Hai hung phạm chưa có tiền án nên quan tòa Phạm trung Côn[11] xử mỗi người 15 năm tù về tội cố sát, thụ án tại Côn Sơn. Nội vụ được chuyển về Sài Gòn lập thủ tục thi hành.
Sau phiên tòa, Thượng sĩ Sanh gặp tôi, xoa hai tay nói:
“ Như vậy là công lý đã an bài. Anh nghĩ thế nào?”
Tôi nói:
“ Công của ông anh trong vụ này là không nhỏ.”
Ông ta nheo một mắt rồi tiếp:
“Biết đụng mấy ông nhà banh có súng thì cũng ngại. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Công lý phải luôn được sáng tỏ.”
“ Mười lăm năm là nặng hay nhẹ?” tôi hỏi.
“Mười lăm năm là tương đối nhẹ. Nhưng cộng hai lần 15 thành 30 năm thì tương đối nặng đối với hai thanh niên đó.”

Bỗng thấy có linh mục họ đạo Nam Ổ trong số người đi xem vụ xử. Ông đến chào hai tôi. Nhìn ánh mắt ông rạng rỡ, tôi hiểu ông đã biết rõ ai là thủ phạm trong cái chết của anh Phùng. Thế nhưng, là một tu sĩ Công giáo, ông thuộc nằm lòng câu kinh nhật tụng trong đó có câu,” Xin tha cho con như con cũng tha những kẻ có nợ chúng con.” Câu kinh tuy đơn sơ, nhưng nó bao gồm cả tinh thần bác ái của giáo chủ Giêsu, đồng thời dạy tín hữu phải thương mọi người và thương cả kẻ thù của mình. Ngoài ra, một tu sĩ Công giáo chỉ có mở ra mà không buộc vào. Dù biết trăm phần trăm ai đó là kẻ sát nhân, thậm chí là kẻ đánh đập hay giết mình, ông cũng không được tố cáo người đó với bất cứ ai [12], dù cho có phải tội chết vì sự im lặng đó. Cho đến lúc đó tôi mới hiểu ý nghĩa của những cái lắc đầu của ông trước đó khi tôi hỏi ông lý do vì sao anh cố Thượng sĩ Phùng muốn dọn nhà về Đà Nẵng.

Sáu năm sau, tôi được trên giao trách nhiệm về chiến hạm Kỳ Hòa HQ-09. Một hôm tàu đang ở biển, có dịp ghé Côn Sơn, tôi lên đảo thăm ông Đặc khu trưởng như đã hẹn. Đến nơi tình cờ gặp anh Nam ngồi ở bàn viết tại hành lang bên ngoài. Anh mặc bộ bà ba trắng, chân mang dép nhựa. Không nhận ra tôi, anh chỉ cúi đầu chào rồi chỉ lối vào phòng khách, nơi ông Đặc khu đang chờ.

Sau cái bắt tay, nói với nhau vài câu chuyện xong thì tôi hỏi thăm về anh Nam; ông Đặc khu Côn Sơn nói:
“Nam ngồi tù với người em tên Việt về tội giết người có chủ đích. Không như bọn tù hung dữ khác, cả hai đã biết hối cải. Thụ án được sáu năm thì tôi cho cả hai ra làm việc văn phòng. Gần đây có một thầy dạy tiểu học bị suyễn khá nặng, xin về đất liền lo thuốc thang, tôi cho anh Việt vào thay. Cả hai anh em được đề nghị xin giảm còn 10 năm. Hi vọng trong đó sẽ thuận. “

Ở Địa Trung Hải bên trời Âu có đảo Corse, một thuộc địa của Pháp hồi thế kỷ 18, quê hương của Napoléon Hoàng đế nước Pháp đầu thế kỷ 19. Dân cư ở đảo này có truyền thống thù truyền kiếp, từ đời cha sang đời con, đời cháu, đời chắt, và sau nữa, cho đến khi trả được thù nhà mới thôi. Từng sống nhiều năm và quen biết nhiều người sống tại Đà Nẵng và Quảng Nam, tôi không nghĩ người dân địa phương có truyền thống đó. Hai anh Nam và Việt đều như lời linh mục Nam Ổ nói là hai con chiên ngoan đạo. Nhưng có thể họ quên Tân Ước có dạy rằng “Ai dùng gươm thì sẽ chết vì gươm!” [13]

Đang nói chuyện thì có người vào trình báo Chúa đảo việc gì đó. Ông quay sang tôi, nói:
“ Có người từ Sài Gòn ra với một nữ khách duyên dáng và cả hai hiện chờ tôi ở văn phòng. Nếu anh cần về lại tàu thì xin anh lúc sáu giờ chiều nay trở lại dùng cơm tối; vợ chồng tôi mời anh và hai khách nữa. Hôm nay chúng tôi đãi món thịt thỏ rừng nấu ci-vê với rượu chát Bordeaux hẳn hòi.”
Ông tiếp:
“Với mấy ông anh Hải Quân rành chuyện…’ăn uống’ tại nhiều nơi thì đầu bếp không dám quên bài vở. Anh nhớ trở lại nghen. Lâu ngày….Hà! Hà!”
Tôi gật đầu, đứng lên bắt tay từ giã ông rồi đi bộ ra bến cặp, dùng xuồng máy của chiến hạm về lại tàu, tai còn nghe rõ mấy tiếng dễ thương “Thịt thỏ rừng nấu ci-vê.”

Tại bãi cát gần cầu tàu, gió xế trưa hiu hiu, mùi rong biển xông lên đầy mũi, tôi gặp anh Nam đang đứng với anh Việt. Lúc nãy anh Nam không nhớ ra tôi, nhưng em của anh thì không. Nhìn tôi, anh Việt nói:
“ Xin lỗi, dường như tui có gặp ông ở mô rồi.”
Tôi cười nói:
“Nam Ổ, còn gọi là Nam Sào đó! Nhớ ra chưa? ”
“Thưa đúng rồi. Nhưng ông chừ trong nớ ra ni có việc chi?”

Chỉ chiến hạm Kỳ Hòa HQ-09 đang neo trong Vịnh Lao Tù (Baie Penitentière), tôi nói:
“ Đó là chiếc tàu trận trên giao cho tôi với một thủy thủ đoàn dễ thương, và một nhiệm vụ ngon lành. Nó giúp chúng tôi có dịp giáp mặt với sóng gió trên biển xa để qua đó mà biết độ lượng hơn với con người.”

Cả hai trở nên thân mật với tôi, rồi kể lại chuyện hai anh vào tù, điều mà tôi đã biết từ 6 năm trước. Nghe xong tôi nói:
“ Tôi vừa nghe ông Chúa đảo nói ông đã đề nghị Bộ Nội vụ giảm án cho hai anh. Tôi xin chia vui.”
Bỗng nghe tiếng của Nam:
“ Tụi em có biết tin này. Nhưng, thà cứ để hai em thọ y án, nhiều hơn nhiềuthì càng tốt. Bây giờ thì ở đâu, ngày đêm, em cũng thấy “Con mắt của Thượng Đế lúc Ngài nhìn Cain sau khi người này giết em ruột của mình là Abel. Hình phạt này thật là tụi em chịu không nổi. Ngoài ra trong đạo em có day câu, “Ai dùng gươm thì sẽ chết vì gươm,” em thấy đúng qua. Chính câu này đã làm thay đổi đời chúng em.”
Mấy tiếng “nhiều hơn nhiều“ khiến tôi nghĩ hai anh em Nam và Việt bị HộichứngStockholm [14]. Hội chứng này khiến người tù khi bị giam tại một nơi quá lâu ngày bỗng nhiên thấy mình quen với cảnh, với người mà thành dửng dưng với mọi thứ kể cả ngày ra tù. Thế nhưng nói cho thấu lẽ thì không phải chỉ có thế: hai anh bị tòa án lương tâm của mình hành hạ ngày đêm. Nhiều hung phạm giết người rồi vì chịu không nổi tình cảm tiêu cực này mà phải tự mình hoặc thần khẩu ám mà gần như tự thú để ra tòa lãnh án [15].

Đến đây bỗng có một người từ dinh ông Đặc Khu đi về phía chúng tôi. Nhìn ra thì đó là ông cựu Hiến Binh Sanh sáu năm trước ở Đà Nẵng, lúc bấy giờ là một ông lớn trong ngành Cảnh sát Điều tra Tư Pháp. Ông ra đảo tù này chắc không gì khác hơn việc có liên quan đến những án lệnh!

Khi đến nơi, ông nhìn tôi, ngả đầu ra phía sau với tiếng cười to rồi đưa ngón tay tự chỉ vào ngực, nói:
“Tôi nè…r. Hôm nay ra đây gặp ông Chúa đảo có chút việc. Nhân tiện cũng có cô cháu tháp tùng ra thăm bà chúa đảo. Họ là bạn thân thiết với nhau thời Trung học. Ông ấy cho biết có anh ghé thăm và mới vừa đi. Cho đây là duyên kỳ ngộ, tôi chạy tìm anh để xem sau khi qua bao nhiêu bến đỗ, anh nay ‘long thể’ ra sao.”

Hai anh Nam và Việt có lẽ còn nhớ ông Sanh, nên khi thấy ông ta vui vẻ với tôi, cả hai bèn lịch sự xin phép cáo lui rồi đến ngồi trên chiếc ghế đá cách nơi chúng tôi đang đứng khoảng 20 thước.

Khi họ đi rồi, ông Sanh hỏi:
“Đi tàu biển sướng chứ?”
Hỏi thủy thủ câu này nghe lảng quá, nhưng tôi cũng nói:
“Thủy thủ trên biển ngoài cái việc được thở không khí trong lành so với nhiều nơi trên đất liền còn có cái đặc ân là sống trong ngôi nhà, chiếc tàu của mình, với quốc kỳ bay phất phới trên đầu cả ngày và thường khi cả đêm. Ngoài ra sống trên tàu ra biển rồi thì ít khi phải gặp mấy ông kẹ trên bờ, cũng không nghe tiếng còi của cảnh sát.”

“Không nhớ nhà sao?” ông Sanh tiếp.
“ Thủy thủ chính tông nào khi sống trên biển cũng mang theo mình một không gian ảo. Trong không gian đó có những bến cũ, có bóng dáng những người thân, có gương mặt những người tình, có dòng lệ của những người yêu, có những chuyện vui, chuyện buồn cũng như những câu nói không thể quên. Tàu tôi hiện công tác tuần tra mặt biển vùng này. Mỗi khi nhìn thấy Côn Sơn là tôi cảm thấy hoài niệm không mấy vui.”
“Lý do?”
“Một là trong một việc buồn đó, chuyện về anh Phùng chắc anh còn nhớ, nạn nhân chọn giải pháp giấu súng trong người để tự vệ thay vì báo cho tôi hay; nghĩa là anh ta không tin tôi có thể giúp được gì. Hai là anh Phùng quên rằng ngoài trách nhiệm đối với hiệu năng của đơn vị, tôi còn phải trả lời về sự an lạc của từng nhân viên thuộc quyền tôi nữa. Cấp trên xét tôi trên cả hai mặt này. Do đó mà cái chết của anh ta đã gây cho tôi một sứt mẻ sâu đậm khiến tôi luôn mang nỗi buồn âm ỉ, người ngoài không ai biết.”

Nghe thế anh Sanh nói như để an ủi tôi:
“Trong bài thơ Vô sầu của cụ Tiến sĩ Trần danh Án đời hậu Lê có hai câu, ‘Bất thị chinh nhân tâm tự thiết và Sầu thâm dĩ chuyển nhập vô sầu’ [16]. Nhà thơ dùng hai câu này để nói lên nỗi buồn tiềm ẩn của chính ông khi vâng lệnh vua nhà Hậu Lê sang Tàu đi sứ cầu viện mà sợ bị quân của Nguyễn Huệ chận bắt nên phải giả làm kẻ ăn xin, mặc áo rách. Nhưng anh ơi, nỗi buồn nào cũng không thể phân chia cho ai cả. Con người vốn là sinh vật rất can đảm, có thể gánh chịu mọi thứ tai ương và đau khổ của ….kẻ khác. Ngoài ra, thật khó cho anh Phùng thổ lộ chuyện riêng của anh ta với anh, vì cũng như phần lớn chúng ta, anh ấy muốn giấu biệt cá nghiệp của chính mình, và coi đó như món nợ phải do mình chứ không ai khác phải trả . Anh ấy đã thực thi đúng lời dạy của Giáo chủ Jésus là: “Các con phải trả cho đến đồng xu cuối cùng mà chính con đã vay.” Đó là luật nhân quả. Luật này không phải do vật lý mà là doTạo hóa đặt ra cho muôn loài. Cho nên sống trên đời này mà được dịp trả quả, được gánh chịu đau khổ, là một ơn phước tự trời cao. Phủ nhận đau khổ hay tìm cách né tránh hay tiêu diệt chúng là hành động vô ơn đối với ông Trời. Giống như bóng mát cho ta mơ mộng, đau khổ âm thầm cho ta nét thanh cao. Nhưng… mà thôi, quên chuyện này đi.”

Như muốn nói với hai anh Nam và Việt điều gì đó, ông Sanh kéo tôi đến chỗ hai anh đang ngồi. Vừa đến nơi, ông Sanh nói:
“Nãy giờ tôi nói chuyện đã qua với ông bạn già tôi đây. Chuyện tương lai thì tôi xin báo cả hai anh đều được giảm án còn 10 năm. Ở được sáu rồi, nay chỉ còn bốn.”
Cả hai nghe rồi chỉ gật đầu mà không nói tiếng nào.

Nhìn họ, ông Sanh hỏi tiếp:
“ Hôm nay hai anh nhân lúc rảnh ra đây hóng gió?”
Nam nói:
“ Khi có dịp thì tụi em ra đây để nhìn cái yên lặng mênh mông của biển mà suy nghĩ về mình và những việc mình đã làm. Giết người rõ là điều ác đức. Chúng em giết người tụi em nghi đã gây cái chết cho ba chúng em. Nhưng rồi ba chúng em có sống lại được đâu. Còn tụi em thì không những mất tuổi trẻ mà còn phải mang cái ác mộng suốt đời. Biển dạy con người đức tính kiên nhẫn, và biển cũng đã dạy chúng em biết ăn năn sám hối.”
Ông Sanh nói:
“Anh nói thế, nhưng chiến sĩ ra trận giết người thì sao?”
“Thưa, họ phải giết người vì nhiệm vụ, vì bổn phận, vì phúc lợi của nhiều người khác. Đó là cái nghiệp họ phải trả. Còn em giết người vì hồ nghi là em tạo nghiệp cho em. Cái khác nhau giữa tạo nghiệp và trả nghiệp. Nó giống như tự sát vì chuyện riêng và tự sát vì mệnh nước. Những vị anh hùng tiết liệt trong lịch sử của ta là những tấm gương trong sáng cho hậu thế về lòng yêu nước.”
Ông Sanh buột miệng kêu:
“Hay! Anh cho tôi học bài học về gương tiết liệt này của người xưa nghe anh.”
Rồi tiếp:
“ Trong việc của hai anh, tôi là người đứng về bên luật pháp. Pháp luật không phải dùng để trừng phạt mà là uốn nắn con người về mặt luân lý và đạo đức. Đó là kỷ luật, tức là bài học của công lý nhằm vào mục tiêu duy nhất là sự hoàn thiện con người qua đau khổ. Khi một xã hội bị sa đọa đến mức báo động thì đau khổ xuất hiện để hoàn thiện xã hội trong đó con người là chính. Dưới sự canh chừng của luật pháp, một xã hội hoàn thiện là một xã hội tiến bộ về mọi mặt. Cho nên trong một xã hội mà luật pháp bị hoen ố, thiếu công minh thì xã hội đó chắc chắn đang trên đường xuống địa ngục.”
Ngưng một chút, rồi tiếp:
“Trong đó thỉnh thoảng tôi ra ngoài này kiểm tra tình hình thụ án của các tội phạm đang bị giam theo án lệnh. Chúa đảo có nói với tôi về sự thật lòng hối tiếc của hai anh đối với việc mà luật pháp cho là vi phạm đến trật tự xã hội. Đó là mục tiêu chính mà pháp luật hằng nhắm đến trong việc áp dụng kỷ luật với những ai thật sự có can án. Và chỉ những ai có giáo dục và đức dục tốt như hai anh mới hiểu rõ ý nghĩa của đau khổ. Là người phục vụ pháp luật, tôi thành thật biết ơn hai anh về điểm này. Vì nếu hai anh không nhận thức đúng về đau khổ thì việc làm của chúng tôi thành vô nghĩa. Giống như tôn và đạo giáo, pháp luật là giáo dục. Cho nên khi xã hội bị suy đồi vì thiếu giáo dục đúng đắn thì pháp luật phải tự biết mình có lỗi, và đã thất bại trong phần nhiệm của mình. Tôn giáo và đạo giáo thì cũng thế, phải chịu trách nhiệm về sự suy đồi của xã hội loài người.”

Chuyện đang hay bỗng thấy nôn nao trong bụng, tôi nói:
“Tôi có hẹn chiều nay ăn cơm nhà ông Chúa đảo.Giờ thì tôi về tàu. Cám ơn anh vừa cho nghe những điều mới lạ giúp tôi thêm dịp suy nghĩ về thực tế cuộc đời này. Lâu nay tôi cứ tưởng sinh, lão, hoại, tử là khổ nạn dành cho con người mà thôi. Nay nghe anh nói tôi mới biết đó là định luật cho tất cả những gì có thể nhìn thấy trong vũ trụ này. Tinh tú, núi non, sỏi đá kia cũng phải tiêu mòn.Định luật đó nâng con người từ hành tinh địa cầu nhỏ bé này bay lên vũ trụ để rồi sẽ đi vào không gian ngày càng giản nở. Cái câu hỏi của tôi là, vì cái giản nở đó, kèm theo bao nhiêu tinh tú đã sụp đổ từ thở ‘trời đất nổi cơn gió bụi’ đến nay, làm mất đi bao nhiêu là ánh sáng, liệu vũ trụ của chúng ta có ngày một thêm tối tăm?”
Ông Sanh nói:
“ Thật là kinh khủng nếu chứng minh được là vũ trụ nói chung có thêm tối tăm. Vì nếu như thế thì trong tương lai con người chỉ còn một bộ óc làm nơi chứa muôn vạn dữ kiện trong vũ trụ và một trái tim hoàn toàn vô cảm! ”

Nghe hai tiếng vô cảm, tôi lặng người. Nhưng rồi cũng phải chào mọi người rồi xuống xuồng máy, có thủy thủ tôi đang chờ tháo dây. Nhìn ngoái lại thấy ông Sanh và hai anh em Nam và Việt đứng im, thoáng nhìn giống như ba trong hàng trăm pho tượng đá moai trên bờ đảo Easter thuộc xứ Chí Lợi, Nam Mỹ.

Đến tàu, vừa bước lên boong thì sĩ quan trực cho tôi xem công điện Mật/Khẩn lệnh tàu tôi đi Phú Quốc có nhiệm vụ mới đang chờ! Tôi đọc tờ công điện, hiểu rõ nội dung của nó rồi lên đài chỉ huy. Phòng lái báo cáo tàu sẵn sàng khởi hành. Tôi nghĩ hôm đó trong lá số tử vi của tôi, những ngôi sao liên hệ đến hai mục ăn nhậu và gặp bạn bè để tán gẫu, chẳng những không tam hợp, không nhị hợp, và cũng chẳng xung chiếu gì với nhau hết, nên tàu tôi phải lên neo khi giờ nhập tiệc đã nằm trong cái búng của hai ngón tay. Trời đánh còn tránh bữa ăn mà! Ôi quân đội! Nét đẹp của mi nằm trong cái nhị nguyên Uy nghi và Lao dịch như thế này đây sao!

Neo lên khỏi mặt nước. Bản văn công điện tôi gửi ông Đặc khu trưởng xin lỗi không lên dự bữa cơm chiều như đã hứa, kèm theo lời chào tái ngộ, cũng vừa được chuyển xong. Rồi tôi tự hỏi:” Biết ông ta và ông Sanh có chịu hiểu cho hoàn cảnh của mình hay lại nghĩ rằng mình từng bị ‘cho ăn thịt thỏ’ nhiều rồi nên kiếm cớ chuồng êm!”

Tôi vẽ trên hải đồ đường đi chính Tây, để mũi tàu tôi đâm thẳng vào mặt trời chiều tròn như cái nia lửa rực rỡ đang chầm chậm chao xuống nước. Ánh sáng dịu dần. Mây tầng chuyển hướng tụ vào một điểm thành như tòa lâu đài trên không, bập bềnh đầy màu sắc như hổ phách, chắn ngang một vùng trời. Chung quanh tôi là cái yên lặng đầy sức sống. Nhìn lại phía sau thấy Côn Sơn mịt mờ sương khói. Con đường ngòng ngoèo dẫn lên ngọn “Ma thiên lĩnh” sừng sững trên đảo; nó ẩn hiện sau những tảng mây yên lặng như dính chặt vào sườn núi xanh thẫm. Núi, trời, và biển luôn tiềm ẩn bài dạy biết chấp nhận gian khổ để tự hướng lên cao với lòng đầy nhẫn nhục của một con người thuần khiết.

Trong cái không gian ảo của tôi từ nay có thêm câu chuyện tù đày Côn Đảo. Hai anh Nam và Việt mang vốn sống sáu năm tù đày của mình trải ra rồi nhìn vào đó mà tìm thấy căn nguyên của chữ nghiệp, đồng thời hai anh cũng theo dấu ấn của Cain mà khép nó lại bằng nỗi thống hối tận đáy lòng. Kẻ cướp vứt đao thì cũng thành Phật, nhưng nội dung câu chuyện nghe buồn chi lạ. E rằng sau khi vứt dao mà biết cải tà qui chánh để nhập diệt thì phải qua vô lượng kiếp, nhiều như lá trên rừng!

Chiều tàn trên mặt biển. Sóng lái của tàu để lại một dãy trắng xóa như dòng sông đang mờ dần, mờ dần trong màn sương lúc chạng vạng. Tôi tàu viễn xứ đang đi vào vùng trời rất đẹp mà dáng chiều bảng lảng thoáng hiện cái nỗi sầu thanh cao của Thôi Hiệu trong cảnh“Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Trên đời có gì là đẹp chân phương mà không thoáng gợi chút buồn buồn!

Tiểu Đĩnh
[1] Sơn Chà là tên đọc trại ra từ tên Sơn Trà hay Sơn Tra (Rhododentron), một loại cây kiểng rừng mọc nhiều trên bán đảo này.
[2] Bức ảnh Gia đình ba vị gồm Đức Mẹ Maria, Thánh cả Giuse và Chúa Giêsu lúc còn trẻ. Một trong những nét đặc biệt của Công giáo là ngoài Thượng đế ra, các vị Đại Thánh đều là người có thật, không do tưởng tượng như các tôn giáo đa thần khác..
[3] Thời này chưa có Quân Cảnh Tư Pháp mà chỉ có Hiến Binh đầu đội mũ màu đỏ, gọi là Hiến Binh đầu đỏ, hậu thân của Gendarmerie của Pháp. Ai muốn đăng vào đây phải có bằng cử nhân luật, cấp bực thấp nhất là Trung sĩ rồi lên dần theo thâm niên.”
[4] Tiếng La Tinh có nghĩa: Xìn thương cứu linh hồn tôi.
[5] Ngợi khen Thiên Chúa.
[6] Vinh danh Chúa trên trời. Thời này chưa có kinh hát bằng tiếng Việt như về sau đó.
[7] Kính chào Bà.
[8] Hãy đến đây.
[9] Do Hoa kỳ viện trợ cho miền Nam Việt Nam khoảng 1956.
[10] Công việc này về sau do Quân Cảnh Tư Pháp đảm trách.
[11] Chú ruột của Đại úy HC Phạm Trung Giám, chánh sở Hành chánh Tài chánh của HQVN thời bấy giờ.
[12] Ngày 13 tháng 5 năm 1981, Giáo hoàng John Paul 2 bị Mehmet Ali Agca ám sát bắn nhiều phát súng lục vào bụng nhưng Ngài thoát chết. Hai năm sau, ngày 27 tháng 12 năm 1983, Giáo hoàng đi thăm tên sát thủ đang bị giam với án tù chung thân, nói Ngài không bắt tội hắn ta.
[13] Đây là điểm khác biệt giữa Tân Ước và Cựu Ước với lời dạy “Răng đổi răng, mắt đổi mắt.” Đây cũng là để công nhận thuyết nhân quả, nhưng mang tính cụ thể hơn.
[14] Strockhom Syndrome.
[15] Tháng 10 năm 2002, tại tiểu bang Virginia, Hoa kỳ, John A. Muhammad dùng súng bắn chết 10, gây thương tích cho 3 người khác, mà cảnh sát sau nhiều tháng không truy lùng được hung phạm. Bỗng nhiên Allen dùng điện thoại gọi cảnh sát hỏi vu vơ “Có bắt được thủ phạm hay chưa?” Cảnh sát ghi số điện thoại rồi bủa vây bắt được sát nhân, lòi ra tòng phạm vị thành niên là Lee Boyd Malvo. Allen ra tòa bị xử tử hình bằng cách tiêm thuốc độc vào máu, và Malvo chung thân.
[16] “Người đi phương trời xa thì lòng như chai đá khi mối sầu—như một song khúc tuyến (hyperbola)— chuyển đến vô cực dương, thì đi qua số không để nhập vào vô cực âm. Mỗi lần nổi sầu buồn đang đi qua số không, thì bên ngoài không nhìn thấy. Thi nhân quả tình đã mang toán học vào thi ca.


Posted on July 28, 2019 by dongsongcu

No comments:

Ông Trump lại kêu gọi mua Greenland sau khi để mắt đến Canada, Kênh đào Panama

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ tại Phoenix, Arizona, 22/12/2024 (REUTERS/Cheney Orr).  Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục kêu gọi Hoa K...