Tóm tắt bài viết
- Đô đốc Davidson cho rằng Trung Quốc đang thể hiện rõ ý định thay đổi trật tự thế giới thành một trật tự phù hợp hơn với mô hình chủ nghĩa độc tài và ‘chủ nghĩa tư bản trọng thương’ của Trung Quốc, "một trật tự làm kinh hoàng phần còn lại của thế giới".
- Trong nhiều thập niên, Mỹ đã tuân theo chiến lược đưa Trung Quốc hòa nhập vào "trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc". Tuy nhiên, theo Đô đốc Davidson, chiến lược này đã không có hiệu quả. Việc tự do hóa như mong đợi, đã không xảy ra.
- Để kịp thời ngăn chặn ý định của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu hành động.
Trả lời phỏng vấn gần đây của ông James Kitfield thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Tổng thống & Nghị viện Mỹ, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Philip Davidson cho rằng với nỗ lực thống trị châu Á, Trung Quốc đang tấn công trật tự thế giới, theo Yahoo News.
Khi đến thăm văn phòng Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, chuyên gia Kitfield thấy một mô hình với tỷ lệ lớn của đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Trong năm 2015 khi chúng được xây dựng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai hứa hẹn sẽ không quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo này. Tuy nhiên, mô hình này cho thấy rõ ràng, Đá Chữ Thập có các cơ sở quân sự hiện diện, bao gồm một đường bay và một bến cảng bảo vệ đủ lớn để chứa một tàu sân bay, tên lửa chống hạm và không đối đất.
Trung Quốc không hề giấu giếm ý đồ của mình
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải thừa nhận thế lực thực sự của Trung Quốc”, đô đốc Davidson nói với ông Kitfield, “Họ tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ có chủ quyền của họ, và các đảo nhân tạo là nỗ lực của họ để bảo vệ lãnh thổ đó”.
Theo ông Kitfield, bằng cách dỡ bỏ “mặt nạ che đậy” và nhanh chóng bộc lộ động lực thực sự đằng sau việc xây dựng đảo, ông Tập đã tập thu hút sự chú ý của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương và các đồng minh của Mỹ ở châu Á, hơn bao giờ hết.
Bộ này đã lập biểu đồ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc một cách chi tiết và nhận thấy tình hình đáng báo động. Hiện nay Trung Quốc có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hoạt động tích cực và đa dạng nhất trên thế giới, hoàn thành xong với một đội tàu ngầm mới. Trung Quốc cũng có một lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với khoảng 350 tàu, được tăng cường bởi lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất, và “lực lượng dân quân biển” với những tàu đánh cá, những lực lượng đáp ứng yêu cầu của hải quân Trung Quốc, và thường xuyên quấy rối các tàu tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Trên 7 hòn đảo nhân tạo mới được vũ trang, Trung Quốc cũng rõ ràng đang cho xây dựng các công trình trong chiến dịch nhằm thống trị các vùng biển gần đó, tạo cơ sở lâu dài cho các vũ khí, có thể đe dọa giao thông hàng không và tàu thuyền quốc tế. Số phi đội máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Trung Quốc đã vượt xa các đối tác của Mỹ trong khu vực.
Từ các biểu đồ theo dõi những xu hướng hiện đại hóa quân sự đó của Bắc Kinh, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương cho thấy quân đội Trung Quốc sẽ đạt được sự ngang bằng với các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương chỉ trong vài năm tới, và sau đó nhanh chóng vượt qua Mỹ.
“Những gì tôi có thể nói về hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, là nó chắc chắn không tương xứng với các mối đe dọa an ninh mà Trung Quốc phải đối mặt. Dường như không có mối đe dọa tương xứng nào đối với Trung Quốc có thể biện minh cho việc hiện đại hóa quân sự rất nhanh của họ”, đô đốc Davidson nói, lưu ý rằng tình trạng của các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đã không tăng rõ rệt trong cùng khung thời gian này.
“Vì vậy, theo ý nghĩa này, xu hướng hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là đáng lo ngại”, đô đốc Davidson nhấn mạnh.
Sự thất bại của kế hoạch đưa Trung Quốc hòa nhập với các giá trị phương Tây
Đô đốc Davidson được các đồng minh xem là người bảo vệ trọng yếu cho “trật tự dựa trên các qui tắc” (rules-based order), đã nổi lên ở châu Á sau Thế chiến II. Những gì ông Davidson và nhiều nhà lãnh đạo đồng minh trong khu vực nhận thấy ngày nay là Trung Quốc, một thế lực kinh tế, quân sự và ngoại giao, công khai có ý định đạt được vị thế thống trị ở châu Á, chỉ sau vài năm, và thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc toàn cầu vượt trội vào giữa thế kỷ này. Trong quá trình này, Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi lại trật tự quốc tế tự do mà Hoa Kỳ lãnh đạo, thành một trật tự phù hợp hơn với mô hình chủ nghĩa độc tài và ‘chủ nghĩa tư bản trọng thương’ của Trung Quốc.
Ông Kitfield cho rằng rủi ro toàn cầu trong sự cạnh tranh ý thức hệ này, chưa từng cao như hiện nay, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
“Tôi không đồng ý với việc sử dụng cụm từ ‘Chiến tranh Lạnh mới’ khi thảo luận về thách thức của Trung Quốc, bởi vì cách tiếp cận và mong muốn của chúng tôi là không tìm cách ‘ngăn cản’ Trung Quốc như chúng tôi đã ngăn chặn Liên Xô”, đô đốc Davidson giải thích.
“Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào một ‘trật tự dựa trên các qui tắc’, và nhắc nhở Bắc Kinh thường xuyên về sự thịnh vượng mà trật tự đã tạo ra, giải phóng hàng trăm triệu người và giúp hàng tỷ người thoát khỏi đói nghèo. Phải nói rằng, trật tự quốc tế hiện đang bị Trung Quốc và nhiều chủ thể quốc tế khác tấn công, và chúng ta không thể bỏ qua điều đó. Bởi vì Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự khác biệt cơ bản về các giá trị liên quan đến cách chúng ta tiếp cận trật tự quốc tế hiện tại”, đô đốc Davidson nhấn mạnh.
Sự khác biệt về giá trị thể hiện rõ ràng không chỉ ở việc quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp các tòa án quốc tế, mà còn trong các chính sách kinh tế bóc lột đằng sau Sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường” của Trung Quốc, trong đó phớt lờ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới về sự minh bạch, và lôi kéo các nước nghèo vào bẫy nợ.
Theo ông Kitfield, việc tiếp xúc với các giá trị phương Tây và các chuẩn mực kinh tế toàn cầu cũng không ngăn cản được ông Tập tập trung quyền lực ở trong nước, kéo dài nhiệm kỳ của mình và đàn áp bất đồng chính kiến, với tình trạng giám sát gây rối nhất thế giới. Trung Quốc hiện đang tích cực xuất khẩu các công cụ giám sát đó sang các chế độ độc đoán khác. Trong một sự lặp lại đáng báo động của Cách mạng Văn hóa, theo các báo cáo, chính phủ Trung Quốc đã bỏ tù một triệu người hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong cái gọi là các trại cải tạo.
“Chiến lược cũ (của Mỹ) trong đó cho là Trung Quốc sẽ tự do hóa khi họ hòa nhập chặt chẽ hơn vào trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc, đã không có hiệu quả. Việc tự do hóa như mong đợi, đã không xảy ra”, đô đốc Davidson nhận xét.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ gần đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cảnh báo Trung Quốc sẽ là đối thủ quân sự chính của Hoa Kỳ trong “50 đến 100 năm tới”, và lưu ý rằng quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa “rất, rất nhanh chóng – trong các lĩnh vực không gian, hàng không, không gian mạng, hàng hải và trên bộ”.
“Các bạn cũng có thể thấy sự khác biệt về giá trị qua cách thức mà Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc (bằng cách bắt họ vào trong ‘các trại cải tạo’), và qua các cuộc biểu tình dân chủ gần đây của người dân Hồng Kông. Tất cả các bằng chứng đó cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thay thế trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc, bằng một trật tự với đặc tính Trung Quốc, ủng hộ chủ nghĩa độc đoán, một trật tự làm kinh hoàng phần còn lại của thế giới. Vì vậy, điều đó thể hiện sự khác biệt cơ bản với tầm nhìn của chúng tôi về một trật tự quốc tế tự do và cởi mở”, Đô đốc Davidson nhận định.
Theo ông Kitfield, trong nhiều thập niên, Mỹ đã tuân theo chiến lược hòa nhập Trung Quốc vào “trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc”. Sự thịnh vượng kinh tế gia tăng, bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng gấp 9 lần kể từ năm 2001 khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tưởng như sẽ làm giảm bớt các chính sách độc đoán và chủ nghĩa trọng thương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng trái lại, Trung Quốc tiếp tục bẻ cong các quy tắc thương mại quốc tế, dựng lên các mức thuế cao, buộc các tập đoàn nước ngoài phải từ bỏ sở hữu trí tuệ để tiếp cận thị trường Trung Quốc, và đánh cắp công nghệ của Mỹ thông qua chiến dịch gián điệp mạng dai dẳng.
Trong năm 2015, Bắc Kinh đã tiến xa khi công bố kế hoạch 10 năm “Made in China 2025”, sử dụng các khoản trợ cấp của chính phủ, các công ty do nhà nước kiểm soát, và sự hợp nhất “quân đội-dân sự” giữa các lực lượng vũ trang và các công ty tư nhân, để theo đuổi sự thống trị trong các lĩnh vực công nghệ cao, từ ô tô điện và trí tuệ nhân tạo, đến robot và công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo.
Năm 2017, Trung Quốc đã tiến xa hơn nữa bằng cách thông qua Luật Tình báo Quốc gia, trong đó yêu cầu các công ty, các tổ chức và cá nhân Trung Quốc trợ giúp và hỗ trợ các dịch vụ tình báo nhà nước khi được yêu cầu, đặt ra mối nghi ngờ về hoạt động của các tập đoàn toàn cầu Trung Quốc, chẳng hạn như gã khổng lồ công nghệ Huawei.
Công khai tham vọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường
Tương tự như với các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã công khai khẳng định rằng việc tài trợ của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” – từ châu Á đến châu Phi đến Nam Mỹ – chỉ nhằm mục đích phát triển kinh tế hòa bình. Thay vào đó, các chuyên gia của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhận thấy rõ một “Chiến lược chuỗi ngọc trai” kinh điển, được thiết kế cẩn thận để thiết lập một cơ sở hạ tầng hậu cần toàn cầu, nhằm đón nhận các lực lượng quân sự đang phát triển của Bắc Kinh. Đầu tháng 7 này, hầu như tất cả các quan chức quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc đều thừa nhận quan điểm này, khi nói với các lãnh đạo quân sự từ các quốc gia Nam Thái Bình Dương và Caribbean về ý định của Bắc Kinh về việc quân sự hóa sáng kiến “Vành đai và Con đường”, bằng cách sử dụng nó như một khuôn khổ cho sự hợp tác quân sự rộng lớn hơn.
Trong sáng kiến Vành đai và Con đường, các sĩ quan Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương nhận thấy một chiến dịch của Trung Quốc nhằm sao chép các hoạt động quân sự trên toàn cầu của chính Hoa Kỳ, và mạng lưới đồng minh.
“Tôi nghĩ thật thẳng thắn khi nói rằng Trung Quốc đã học theo cách ‘chiến tranh của Mỹ’. Không có nghi ngờ gì về việc người Trung Quốc đang theo dõi hoạt động của chúng ta chặt chẽ. Bạn nhận thấy điều đó trong toàn bộ danh mục đầu tư của quân đội Trung Quốc, không chỉ về hiện đại hóa thiết bị, mà còn về cách vận hành và cấu trúc toàn cầu của các căn cứ mà họ đang xây dựng. Họ đang bắt chước không chỉ Hải quân Hoa Kỳ, mà toàn bộ khả năng quân sự chung của chúng ta”, đô đốc Davidson chia sẻ.
Sự khác biệt cơ bản, ông Davidson lưu ý, là kiến trúc của các liên minh toàn cầu của Hoa Kỳ, được xây dựng trên nền tảng lợi ích chung, trái ngược với sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ dựa trên sự phụ thuộc vào nợ nần.
“Khi nói về Vành đai và Con đường, [cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ] James Mattis đã từng đề cập đến ý tưởng của Trung Quốc về một cấu trúc liên minh bao gồm ‘các quốc gia cống nạp’”, ông Davidson nói thêm.
Chắc chắn, khi đã giành được sức mạnh kinh tế và quân sự thống trị ở châu Á, Trung Quốc đã trở nên không che giấu và quyết đoán hơn trong việc thể hiện ‘cơ bắp quân sự’ và thúc đẩy những tham vọng to lớn của mình. Ví dụ, khi tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đang thực hiện một cuộc tuần tra tự do hàng hải thường xuyên ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa hồi tháng 10 năm ngoái, một tàu khu trục Trung Quốc đã suýt va chạm với nó. Một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh trong một cuộc tuần tra gần đây ở Biển Đông, đã báo cáo sự quấy rối tương tự. Máy bay ném bom Trung Quốc cũng thường xuyên bay trong phạm vi phóng tên lửa của đảo Guam trong những gì mà các quan chức Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương diễn giải là một thông điệp không quá khó để nhận thấy. Năm ngoái, lần đầu tiên, các lực lượng không quân và mặt đất của Trung Quốc được huấn luyện sát cánh cùng các đối tác Nga trong cuộc tập trận quân sự Vostok 2018.
Trung Quốc đầy đe dọa tại Đối thoại Shangri-La
Tại cuộc Đối thoại Shangri-La của các nhà lãnh đạo an ninh quốc gia hàng đầu châu Á tại Singapore vào tháng 6/2019, Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp khác tới các nước láng giềng của mình bằng cách thử một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới. Bên trong khán phòng của Đối thoại Shangri-La, Tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã phát biểu những gì mà nhiều người tham dự cho là hiếu chiến và đe dọa:
- Bảo vệ quân sự hóa của Trung Quốc đối với 7 hòn đảo nhân tạo ở vùng biển quốc tế ở Biển Đông, ông Ngụy tuyên bố: “Các đảo và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc …. và những người khác thường xuyên đến nhà chúng tôi, và đe dọa chúng tôi. Tại sao chúng tôi không thể phát triển một số vũ khí để tự bảo vệ mình?”.
- Miêu tả việc cầm tù 1 triệu người hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là “đào tạo nghề”, ông Ngụy cho hay các quan chức Trung Quốc địa phương “đã tiến hành một trung tâm giáo dục và đào tạo nghề, để đảm bảo rằng không có các cuộc tấn công khủng bố, giúp những người này bớt đi cực đoan, và giúp họ học một số kỹ năng”.
- Cảnh báo Đài Loan dân chủ rằng họ phải và sẽ thống nhất với Đại lục, ông Ngụy đe dọa “Nếu bất cứ ai dám chia rẽ Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc không còn cách nào khác là phải chiến đấu bằng mọi giá, vì đoàn kết dân tộc”.
Khi mô tả mối đe dọa từ “Giấc mơ Trung Hoa” và kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh để trở thành cường quốc thống trị toàn cầu, các sỹ quan Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương sử dụng hình ảnh tương tự của một con ếch, nó sẽ nhảy nhanh ra ngoài nếu bị ném vào một nồi nước sôi, nhưng nó sẽ ngồi yên không phản ứng và sẽ bị chết nếu bị đưa vào nồi nước mát được đun sôi từ từ.
Với việc các quan chức như Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa thừa nhận những tham vọng khu vực và toàn cầu đã từng được che giấu của Trung Quốc, ông Kitfield hy vọng rằng “Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ thức tỉnh trước khi quá muộn”.
Hành động từ phía Mỹ
Nhận xét về những phát biểu của Tướng Ngụy Phượng Hòa, Đô đốc Davidson nói: “Về cơ bản, ông ấy nói rằng châu Á không dành cho người châu Á, mà là dành cho người Trung Quốc. Tất cả những người nghe bài phát biểu đó, đều có cùng nhận định đó. Vì vậy, kể từ khi Tập Cận Bình trở thành chủ tịch, tôi nghĩ Trung Quốc đã trở nên ngày càng rõ ràng và không che đậy về tham vọng của mình”.
Để vượt qua thách thức đó, đô đốc Davidson thông báo Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương đang tiếp nhận các hệ thống vũ khí mới nhất, và có năng lực nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, bao gồm các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 như máy bay F-22 và F-35.
Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường khả năng về phòng không và tên lửa, hệ thống không gian, hệ thống mạng và tàu ngầm. Các đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng đang mua các hệ thống vũ khí tối tân của Mỹ như máy bay F-35 và hệ thống phòng không Aegis. Úc đang mua các hệ thống chiến đấu hàng đầu của Mỹ cho các tàu ngầm của mình.
Bộ Tư lệnh cũng đang hình thành quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các đồng minh không có hiệp định hỗ trợ trong khu vực như Singapore và Việt Nam. Một liên minh bao gồm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Pháp và Anh, cũng đang hỗ trợ các lực lượng của Bộ tư lệnh trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân.
No comments:
Post a Comment