EPAImage - Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân tại St Petersburg
Nga nói nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn trong chiếc tàu ngầm khiến 14 người thiệt mạng hôm thứ Hai là do hỏa hoạn ở khoang chứa ắc-quy.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng nói chiếc tàu quân sự thuộc loại tối bí mật này chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng lò phản ứng đã được cách ly khỏi đám cháy.
Có 14 sỹ quan cao cấp thiệt mạng do ngạt khói trong vụ hỏa hoạn xảy ra khi tàu đang ở Biển Barent.
Chiếc tàu ngầm nay đã được đưa về Severomorsk, căn cứ chính của Hạm đội Biển Bắc của Nga.
Danh tính con tàu không được công bố, nhưng đó là tàu nghiên cứu biển sâu có nhiệm vụ thám hiểm vùng đáy biển Bắc Cực, nhật báo của chính phủ Nga, Rossiiskaya Gazeta nói.
Tàu đã lặn xuống độ sâu cực sâu để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp, tờ báo này tường thuật.
Các nhiệm vụ này không được nêu chi tiết, nhưng Nga đang trong cuộc chạy đua quốc tế tranh giành chủ quyền lãnh thổ ở vùng Bắc Cực, nơi được cho là giàu trữ lượng dầu khí và các loại khoáng sản khác.
"Nguyên nhân chính đã được xác định - đó là do có hỏa hoạn ở khoang chứa ắc-quy, rồi từ đó lan ra," ông Shoigu nói với Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp hôm 4/7, trang web của Điện Kremlin viết.
"Bộ phận năng lượng hạt nhân trong tàu đã được cách ly hoàn toàn và không có ai ở khu vực đó. Thủy thủ đoàn đã làm mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ nó, và nó hiện trong điều kiện hoạt động bình thường. Điều này khiến chúng tôi hy vọng rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa, con tàu sẽ có thể trở lại hoạt động bình thường."
Đám cháy xảy ra vào lúc chiếc tàu ngầm đang ở vùng lãnh hải thuộc Nga, Bộ Quốc phòng nước này nói.
Sỹ quan cao cấp
Bộ Quốc phòng Nga nay nêu danh 14 người tử nạn, tất cả đều là các sỹ quan cao cấp.
Bảy người là thuyền trưởng cấp một, trong đó có hai người từng được trao giải Anh hùng Nga, ba thuyền trưởng cấp hai, hai thuyền trưởng cấp ba, một đại úy hải quân và một trung tá.
Thuyền trưởng cấp một là vị trí đứng hàng thứ năm trong hệ thống hải quân Nga, sau bốn cấp bậc đô đốc.
Sau ba cấp bậc thuyền trưởng là đến cấp đại úy hải quân.
Họ đều cùng từ một đơn vị ở Peterhof, một quận thuộc St Petersburg.
Bộ Quốc phòng nói một số thành viên thủy thủ đoàn đã sống sót trong vụ tai nạn và hiện đang trong bệnh viện, nhưng không nêu rõ số lượng.
Một "chuyên gia dân sự" được thủy thủ đoàn cứu thoát trong vụ hỏa hoạn.
Severomorsk cũng là nơi đóng của tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga, con tàu vốn bị chìm hồi năm 2000, khiến 118 thủy thủ thiệt mạng.
Ông Putin bị chỉ trích mạnh mẽ về cách xử lý vụ tai nạn tàu Kursk.
Trong vụ tai nạn tàu ngầm mới nhất, Điện Kremlin cũng chỉ thông báo rất ít các chi tiết về con tàu, "vì lợi ích nhà nước và an ninh quốc gia".EPA -Tổng thống Vladimir Putin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu để thảo luận về vụ việcGETTY IMAGES - Chiếc tàu ngầm lớn trong hình, cạnh chiếc tàu lai dắt, được cho là tàu mẹ của tàu ngầm nghiên cứu mới gặp nạn
Trong ngày 4/07, Tổng thống Vladimir Putin thăm Cộng hòa Italy và tới Vatican hội kiến Giáo hoàng Francis.
Một số vụ tai nạn tàu ngầm đáng chú ý:
Các vụ tai nạn tàu ngầm hiếm khi xảy ra. Dưới đây là một số vụ nghiêm trọng nhất:
Tàu ngầm ARA San Juan của hải quân Argentina với thủy thủ đoàn 44 người biến mất trong một lần tuần tra thường lệ tại Nam Đại Tây Dương hồi 2017. Xác tàu được tìm thấy sau đó một năm
Toàn bộ 70 người trong thủy thủ đoàn của tàu ngầm Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc chết ngạt hồi 2003 khi một động cơ diesel bị lỗi, đốt cháy hết toàn bộ nguồn ô-xi của tàu
Tàu ngầm Kursk của Nga chìm ở Biển Barent trong 2000 sau khi một ngư lôi phát nổ trong lúc diễn tập, giết chết 118 người trên khoang, trong đó có 23 người tuy không chết trong vụ nổ nhưng thiệt mạng về sau do thiếu dưỡng khí
Tàu USS Scorpion chìm ở Đại Tây Dương vào 1968, có thể là bởi một ngư lôi phát nổ, giết chết 99 thành viên thủy thủ đoàn
Tàu USS Thresher chìm trong các cuộc lái thử nghiệm hồi 1963, giết chết toàn bộ 129 người trên khoang, là vụ tai nạn tàu ngầm có số người thiệt mạng cao nhất trong lịch sử
No comments:
Post a Comment