Wednesday, May 22, 2013

Đại-Dương: Hòa Hay Chiến Trên Biển Đông Nam Á

Biển Đông Nam Á sẽ biến thành lò lửa chiến tranh, thù hận hay một nơi an ninh, ổn định, phát triển và thân thiện giữa nhiều dân tộc và nền văn hoá khác nhau. Thật khó mà tiên đoán chính xác.

Các đợt đấu khẩu tại Biển Đông Nam Á tức Biển Nam Trung Hoa ngày càng gay gắt kéo theo nhiều màn trình diễn sức mạnh quân sự có thể châm ngòi cho một trận chiến vượt ngoài tầm kiểm soát.
 
Biển Đông Nam Á sẽ biến thành lò lửa chiến tranh, thù hận hay một nơi an ninh, ổn định, phát triển và thân thiện giữa nhiều dân tộc và nền văn hoá khác nhau. Thật khó mà tiên đoán chính xác.
 
Dàn kèn đồng trong giới học giả quân và dân sự Trung Quốc được Chủ tịch maoit Tập Cận Bình khuyến khích đã thổi lên những âm điệu hiếu chiến, lên án các quốc gia láng giềng, kể cả các đảo quốc cách xa ngàn dặm đã cả gan chiếm đóng lãnh hải, lãnh thổ và tài nguyên trời dành cho Thiên Triều trên Nam Hải.
 
Lập luận của họ có thể kích thích chủ nghĩa dân tộc cuồng tín, nhưng, không phù hợp với lịch sử và luật pháp quốc tế được cộng đồng nhân loại tuân thủ từ nhiều thế kỷ đã tạo dựng ra môi trường sống tương đối bình đẳng cho mọi dân tộc trên quả địa cầu.
 
Sau khi thu lại móng vuốt maoit, Trung Quốc đã ẩn mình dưới chiêu bài “trỗi dậy hoà bình” nên được đón nhận vào các tổ chức quốc tế. Nhân loại kỳ vọng Bắc Kinh góp sức vào sự phát triển, thịnh vượng và an ninh trên quả địa cầu.
 
Tiếc thay, Trung Quốc ngày càng trở nên ngang ngược trong bang giao quốc tế khi cố tình áp đặt một trật tự thế giới mới, bất chấp hệ thống pháp luật và tập quán quốc tế được cộng đồng nhân loại tuân thủ và duy trì.
 
Trung Quốc vùng vẫy dựa vào trữ tệ hơn 3,000 tỉ USD và nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ, để tự sản xuất, mua sắm chiến cụ tối tân nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.
 
Tập Cận Bình, con của một trong 8 công thần chế độ cộng sản tại Hoa Lục, có mối quan hệ khá mật thiết với giới quân sự được đảng cộng sản giao cho nhiệm vụ thực hiện chính sách “cường quốc biển”.
 
Do đó, Tập Cận Bình ra sức biến Nam Hải thành “ao nhà” để dùng làm nơi huấn luyện, thao dượt chiến thuật cho các hạm đội trước khi đủ sức tranh hùng trên đại dương. Đồng thời, độc quyền khai thác tài nguyên dầu hoả và hải sản dồi dào tại Biển Đông Nam Á.
 
Mặc dù đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, nhưng, Trung Quốc thường xuyên xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa của nước quanh Biển Đông Nam Á.
 
Bắc Kinh cho rằng Luật Biển 1982 không quy định chủ quyền quốc gia trong Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa nên đã xác lập chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông Nam Á.
 
Từ 1-1-2013, Bắc Kinh bắt đầu thực thi chủ quyền bên trong Đường 9 Vạch tức Đường Chữ U hay Đường Lưỡi Bò liếm sát bờ biển Mã Lai Á, Phi Luật Tân 25 hải lý và cách Việt Nam 45 hải lý.
 
Các đợt tàu Hải giám, Ngư chính đồ sộ thường xuyên tuần tra để xua đuổi, ngăn cản, đe doạ vũ lực bất cứ ngư thuyền của quốc gia nào hành nghề trong Đường 9 Vạch. Đồng thời, xua hàng đoàn tàu đánh cá xuống tận ngư trường Nam Sa, tức Trường Sa, tức Spratly Islands để vét ngư sản, nơi có 1.8 triệu tấn mà mỗi năm Trung Quốc có thể đánh bắt 600,000 tấn.
 
Cuối tháng 3-2013, Tưởng Vĩnh Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải đã chỉ huy cuộc tập trận nhiều ngày trên Biển Đông Nam Á và kéo xuống tận Bãi ngầm James nằm cuối đường Chữ U để công khai xác nhận chủ quyền.
 
Bắc Kinh muốn khoa trương sức mạnh quân sự để mở đường cho việc khai thác hải sản và dầu khí trong Đường 9 Vạch. Mô hình tàu cá được Ngư chính hộ tống và có chiến hạm lãng vãng đang được Bắc Kinh khai thác 
   
Hôm 5-5-2013, từ đảo Hải Nam 32 tàu cá lớn được 1 tàu hậu cần và 1 tàu vận tải yểm trợ đã thẳng tiến tới ngư trường Nam Sa để đánh bắt ngư sản suốt 40 ngày.
 
Ngư chính 45001 Trung Quốc đã dùng vòi rồng xua đuổi “tàu lạ” đang hành nghề gần đá Vành Khăn ở Trường Sa hôm 6-5-2013.
 
Trung Quốc đang đưa dàn khoan-lọc dầu Lệ Loan 3-1 từ Thanh Đảo tiến vào Nam Hải trong 12 ngày để khai thác một giếng khí thiên nhiên ở vùng nước sâu.
 
Ngoại trưởng Vương Nghị mới nhậm chức hồi tháng 3-2013 đã mở chuyến công du đầu tiên 6 ngày kể từ 30-4-2013 qua Thái Lan, Indonesia, Tân Gia Ba và Brunei để chuyến thông điệp cho toàn Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, ASEAN. Thông điệp gồm 3 nguyên tắc bất biến “duy trì an ninh ổn định ở Nam Hải, thực hiện hữu hiệu Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông Nam Á, đàm phán song phương”. Suốt chuyến công du, Vương Nghị muốn gây chia rẽ ASEAN, nhưng, đã nhận được thái độ lạnh nhạt.
 
Hiểm hoạ Trung Quốc đối với thế giới không còn trong phỏng đoán hoặc tiên liệu mà đã trở thành thực tế buộc cộng đồng quốc tế phải tìm cách đối phó.
 
Tổng quát, một mặt, cộng đồng quốc tế cố kiềm chế và từ từ khép Trung Quốc vào nền trật tự chung, mặt khác chuẩn bị các biện pháp quân sự để ngăn chặn chiến tranh cục bộ hay toàn cầu.
 
Để thực hiện chiến lược “trục xoay” tại Biển Đông Nam Á, Hoa Thịnh Đốn phải áp dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế để làm dịu tình hình căng thẳng ở khu vực này.
 
Mỹ đã phái 52 trong số 101 chiến hạm đang hoạt động vào khu vực Thái Bình Dương, tăng cường thực lực quân sự cho các đồng minh và đối tác có khả năng phòng thủ tối thiểu chống xâm lăng.
 
Về ngoại giao, Hoa Kỳ tiếp xúc với từng quốc gia ASEAN để làm vật xúc tác thúc đẩy sự đoàn kết của Khối này. Đồng thời, mời Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận Hải Quân thường niên lớn nhất thế giới RIMPAC. Bắc Kinh đã nhận lời để đấu dịu với Mỹ trong khi tiến hành các biện pháp quyết đoán tại Nam Hải.
 
Hoa Kỳ được Nhật Bản ủng hộ đang nhanh chóng thúc đẩy Hiệp ước Chiến lược Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, TPP, nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong khu vực này.
 
Hoa Kỳ đang cố gắng thúc đẩy tranh chấp trên Biển Đông Nam Á bằng phương tiện pháp lý để Bắc Kinh trở thành một cường quốc có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
 
Tình hình trên Biển Đông Nam Á rất căng thẳng, nhưng, khó dẫn tới chiến tranh toàn diện vì 2 nguyên nhân chính.
 
Thứ nhất, Bắc Kinh chọn con đường “không đánh mà thắng” bằng cách đe doạ trực tiếp hòng đẩy Việt Nam và Phi Luật Tân đi vào chiếc bẫy sập Phần-Lan-hoá.
 
Thứ hai, tuy Trung Quốc đẩy mạnh trang bị quân sự, nhưng, khó thắng vì còn thua xa Hoa Kỳ, trong khi các quốc gia duyên hải Đông Nam Á đang nhanh chóng xây dựng tiềm lực quốc phòng.
 
Như thế, Việt Nam và Phi Luật Tân không phải sợ chiến tranh với Trung Quốc mà cần chứng tỏ khả năng bảo vệ chủ quyền và ngư dân hành nghề an toàn trên Biển Đông Nam Á.
 
Các quốc gia Đông Nam Á phải ý thức rõ ràng chủ trương bành trướng của Trung Quốc không ngừng tại Việt Nam và Phi Luật Tân nên đoàn kết phải trở thành ưu tiên số 1 của ASEAN.
 
Từng quốc gia hoặc toàn ASEAN vẫn chưa đủ sức đương đầu thắng lợi với Trung Quốc nên cần các đồng minh hoặc thân hữu mà Bắc Kinh e dè mới làm cho chủ nghĩa Đại Hán phải nhụt chí.
 
Đại-Dương

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”